Đạo Hoà Hảo có tên chính thức là Phật Giáo Hòa Hảo. Đạo Hoà Hảo là đạo Phật cải cách do Ông Huỳnh Phú Sổ sáng lập vào ngày 4 tháng 7 năm 1939 tại làng Hòa Hảo, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, Nam Phần, Việt Nam, lúc ông Huỳnh Phú Sổ vào khoảng gần 20 tuổi.
Ông Huỳnh Phú Sổ sanh ngày 15 tháng 01 năm 1920 tại làng Hòa Hảo, tỉnh Châu Đốc, con của ông Huỳnh Công Bộ và bà Lê Thị Nhậm. Ông Huỳnh Công Bộ là một vị hương hào giàu có của tỉnh Châu Đốc, Nam Phần, Việt Nam.
Có người cho rằng, đạo Hòa Hảo là sự tiếp nối của môn phái Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương do Thầy Tây An, tức là Ông Đoàn Minh Nguyên, sáng lập năm 1849 ở vùng Thất Sơn, tỉnh Rạch Giá. Đạo Hòa Hảo lấy pháp môn Tịnh Độ Tông làm căn bản, chủ trương tu tại gia và làm theo giáo lý của Phật mà tu sửa con người.
Đến mùa hè năm 1940, số người theo đạo Hòa Hảo mỗi ngày mỗi gia tăng. Sự gia tăng nhanh chóng làm cho chánh quyền bảo hộ Pháp lo sợ nhóm người theo đạo của ông Huỳnh Phú Sổ có thể trở thành một lực lượng chánh trị chống lại chánh quyền đô hộ. Để tiêu diệt đạo mới này, chánh quyền Pháp gán cho Ông Huỳnh Phú Sổ cái tên là “Ông Đạo Khùng”, rồi giam Ông vào nhà thương điên Chợ Quán ở Chợ Lớn. Ngày 5 tháng 6 năm 1941, Ông được đưa về giam ở Bạc Liêu. Đến tháng 10 năm 1942, quân đội Nhật can thiệp, Ông được trả tự do để về sống ở Sài Gòn. Sau đó, Ông Huỳnh Phú Sổ liên kết với các thành phần chánh trị trong nước để thành lập đảng chánh trị lấy tên là Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, cũng gọi là Dân Xã Đảng, vào ngày 21 tháng 9 năm 1946. Lực lượng vũ trang Hoà Hảo cũng được thành lập do các tướng: (1) Trần văn Soái (Năm Lửa), ở Cái Vồn, Vĩnh Long (2) Nguyễn Giác Ngộ, ở Chợ Mới, An Giang (3) Lê Quang Vinh (Ba Cụt), ở An Giang và Cần Thơ (4) Lâm Thành Nguyên, ở Châu Đốc và Hà Tiên.
Đến năm 1945, ông Huỳnh Phú Sổ bắt tay hợp tác với Việt Minh (Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội) để thành lập một mặt trận thống nhất chống Pháp. Trong đêm 16 tháng 4 năm 1947, Ông Huỳnh Phú Sổ được mời đến dự một “buổi họp để giải quyết các xung đột giữa lực lượng vũ trang Hòa Hảo và Việt Minh”, tại Đốc Vàng, làng Tân Phú, tỉnh Long Xuyên. Người ta không biết việc gì đã xảy ra trong đêm này, nhưng không thấy Ông Huỳnh Phú Sổ trở về, Ông đã biệt tông tích từ đó cho đến nay. Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cho rằng giáo chủ của mình vẫn còn sống, và sẽ trở về sau một thời gian tạm thời vắng mặt.Sau khi ông Huỳnh Phú Sổ biệt tích, Ông Huỳnh Công Bộ đứng ra lãnh đạo PGHH, còn các tướng lãnh của bộ đội Hòa Hảo bắt tay hợp tác với Pháp để đánh lại Việt Minh cho đến năm đình chiến 1954.
Đến thời Đệ Nhất Cộng Hòa (1955) của Tổng thống Ngô Đình Diệm, lực lượng chánh trị của Phật Giáo Hòa Hảo rất mạnh nên dự tính liên kết với các đảng chánh trị khác để lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Khi hay dự tính của lực lượng chánh trị Hòa Hảo, Tổng thống Ngô Đình Diệm liền đưa quân Quốc Gia đến vây đánh các lực lượng vũ trang của Hòa Hảo ở Cái Vồn thuộc quận Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long và nhiều nơi khác ở đồng bằng sông Cửu Long. Sau một thời gian ngắn, tướng Trần Văn Soái ra đầu hàng, tướng Lê Quang Vinh, biệt hiệu là Ba Cụt, bị bắt và bị tử hình tại một nghĩa trang ở Cần Thơ ngày 13 tháng 7 năm 1956. Lực lượng vũ trang của Hòa Hảo hoàn toàn tan rã.
Vì đạo Hoà Hảo bắt nguồn từ Phật Giáo nên cũng dạy luật nhân quả, lý tưởng từ bi, bác ái, đại đồng của nhà Phật. Đạo Hoà Hảo không cho tín hữu thờ hình tượng, cúng tế tà thần, mê tín dị đoan, đốt giấy tiền vàng bạc, phướng xá trai đàn. Đạo Hòa Hảo đề cao “Phật tức tâm”, nêu cách hành đạo giản dị, không dùng chuông mõ, cúng Phật bằng nước lã (nước lã tương trưng cho sự trong sạch), bông hoa (bông hoa tượng trưng cho sự tinh khiết) và nhang hương (nhang hương để trừ mọi uế tạp). Tín đồ Hòa Hảo ăn chay hai ngày ở giữa tháng và hai ngày cuối tháng âm lịch, cử ăn thịt trâu, thit bò và thịt chó.Năm 1964, Giáo Hội Hòa Hảo triệu tập một hội nghị tại thánh địa Hòa Hảo ở Long Xuyên để bầu 16 vị vào Ban Chấp Hành Trung Ương. Hội nghị bầu ông Lương Trọng Tường làm Hội Trưởng, 15 vị khác được bầu gồm có một Phó Hội Trưởng, một Bí Thư, một số Phó Bí Thư và một số Cố Vấn. Hội nghị còn công nhận bà Huỳnh Công Bộ, mẹ của ông Huỳnh Phú Sổ, là đầu trưởng thiêng liêng của Giáo Hội Hòa Hảo.
Đến năm 2004, Giáo Hội Hòa Hảo có khoảng hai triệu tín hữu sống trong các tỉnh An Giang, Châu Đốc, Kiến Phong, Kiến Tường, Phong Dinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, Chương Thiện, Ba Xuyên, Bạc Liêu, An Xuyên, Định Tường, Long An, Kiến Hòa, Kiên Giang, Sài Gòn và Gia Định thuộc Nam Phần Việt Nam.
Nguồn: cdnvn.com
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com