Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

Đặc Điểm Của Người Lãnh Đạo Thuộc Linh (tiếp theo)

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI
       Trong bài vừa qua, chúng tôi đã thưa với quí vị về những đặc điểm trong đời sống của Nê-hê-mi là một gương mẫu cho những người lãnh đạo thuộc linh. Chúng ta đã học qua 9 trong số những đặc điểm nầy. Bây giờ chúng ta bước sang điểm thứ mười, người lãnh đạo thuộc linh là người tận hiến cuộc đời mình cho công việc Chúa. Nê-hê-mi 4 ghi rằng,
       21Chúng tôi làm việc từ rạng đông cho đến lúc sao mọc. Phân nửa số người lúc nào cũng cầm khí giới sẵn sàng chiến đấu. 22Tôi còn chỉ thị mọi người, kể cả những người đầy tớ, phải ngủ lại đêm trong thành để ai nấy có thể làm việc ban ngày, canh gác ban đêm. 23Và như thế, suốt trong thời gian xây thành, không một ai trong chúng tôi (kể cả tôi, anh em, đầy tớ và lính hộ vệ tôi) cởi áo ra. Tất cả chúng tôi luôn luôn sẵn sàng chiến đấu.
       Đây là một biểu hiện của thái độ tận hiến. Nê-hê-mi là một người lãnh đạo tận hiến, cùng làm việc với những người tận hiến cho công việc Chúa.
       Đặc điểm thứ 11, người lãnh đạo thuộc linh là người có cái nhìn tập trung vào công việc. Hiện tượng nhìn sự việc theo một chiều nhất định có khi tốt nhưng củng có khi xấu. Hitler là người nhìn sự việc theo một chiều nhất định. Ông gạt bỏ mọi ý kiến của các tướng lãnh hoặc các cố vấn. Ông bất chấp mọi lời khuyên đúng đắn từ bên ngoài. Nhìn sự việc theo một chiều nhất định như vậy là tiêu cực. Nhưng với một người đang làm công việc Chúa, khả năng tập trung và dồn mọi nỗ lực vào công việc là điều tốt. Nê-hê-mi đã nhắm vào chỉ một mục tiêu và không hề xao lãng chút nào về công việc mà Chúa đã đặt trong lòng ông. Những người chung quanh không sao khiến ông ngưng nghỉ công việc xây dựng tường thành. Nhiều người tìm mọi cách để lừa ông nhằm khiến ông xuống khỏi vách tường, nhưng họ không sao khiến ông xao lãng mục tiêu. Nê-hê-mi nhìn mục tiêu của mình theo một chiều thẳng tắp. Ông hoàn toàn bỏ qua ý kiến của những người nói rằng ông không thể làm theo cách đó được. Nê-hê-mi là một trường hợp nhìn theo một chiều nhưng tích cực.
       Nhiều năm trước đây một nhóm các thương gia mời ông phó giám đốc của một công ty đóng tàu khá lớn nói chuyện với họ. Công ty đóng tàu nầy làm ăn thành công, họ nhận được các hợp đồng để đóng những chiếc tàu lớn, trong khi đó những công ty khác thì ngồi chơi xơi nước. Chỉ mới đó công ty của ông vừa nhận được một hợp đồng lên đến 38 triệu US dollars. Các thương gia muốn tìm hiểu bí quyết nào khiến công ty thành công. Câu trả lời là thế nầy, “Chúng tôi chỉ nhắm một hướng, bỏ qua tất cả ý kiến cho rằng, làm như vậy là không thể được.”
       Có một người thợ xây dựng yêu cầu hãng bảo hiểm phải bồi thường một số tiền lớn vì tai nạn lao động. Trên tờ đơn khi đến mục nguyên nhân gây ra tai nạn thì người này ghi, “tâm thần bấn loạn.” Công ty bảo hiểm vì muốn hiểu rõ nên gởi trả lại tờ đơn với lời yêu cầu xin giải thích chi tiết. Người thợ ghi lại như sau, “Tôi là thợ nề, vào ngày xảy ra tai nạn, tôi làm việc một mình trên nóc của một tòa nhà 6 tầng. Khi xong việc tôi mới khám phá còn gần 250 ký gạch. Thay vì mang gạch xuống bằng tay, tôi quyết định dùng ròng rọc để chuyển số gạch xuống. Tôi buộc sợi dây thừng thật chặt ở dưới đất, rồi lên mái nhà kéo thùng lại lần lượt xếp gạch vào bên trong. Xong xuôi, tôi đi xuống dưới đất để mở sợi dây thừng, tôi giữ nó thật chặt để hạ khoảng 250 ký gạch xuống từ từ. Xin nhớ rằng, tôi chỉ nặng có 61 ký mà thôi. Ông biết điều gì xảy ra, đột nhiên tôi bị xốc mạnh lên khỏi mặt đất trong sự kinh hoàng, tâm trí tôi vụt biến đâu mất, tôi quên bẵng là phải buông sợi dây thừng ra. Khỏi cần phải nói thêm, tôi bị kéo lên thật nhanh, cho đến tầng thứ 3 thì thùng gạch đang đi xuống. Điều nầy giải thích vì sao tôi bị vỡ sọ và gãy xương đòn gánh. Nhưng rồi tôi tiếp tục bị kéo lên rất nhanh cho đến khi những ngón tay phải của tôi bị kẹp sâu vào trong ròng rọc. Vì vậy tay phải của tôi bị rách nát. May mắn là lần nầy tôi hoàn hồn nên mặc dầu đau đớn nhưng tôi vẫn nắm chặt vào sợi dây thừng. Cùng lúc đó thì thùng gạch rơi đến mặt đất và đụng mạnh vào nền nhà làm đổ gạch ra. Lúc nầy thì thùng gạch nhẹ đi, chỉ còn khoảng 25 kg. Quí vị đã biết là tôi nặng khoảng 61 kg nên lại bị rơi xuống đất nhanh chóng. Đến tầng thứ ba thùng gạch đang đi lên khiến tôi bị dập mắt cá, trầy sướt chân tay mình mẩy. Cuối cùng thì tôi bị rơi vào đống gạch, may mắn là chỉ có 3 đốt xương sống bị gãy mà thôi. Tôi nằm trên đống gạch đau đớn, không thể nào đứng dậy được, nhìn xem thùng gạch trống rỗng trên tầng thứ sáu, một lần nữa tâm trí tôi bay đâu mất, tôi quên bẵng là tôi phải thả sợi dây thừng ra.”
       Ngay nay người ta nói nhiều về việc tập trung tâm trí. Nê-hê-mi cho thấy tập trung tâm trílà một đặc điểm của người lãnh đạo. Nê-hê-mi không bao giờ bị lạc khỏi mục tiêu và chú ý.
       Điểm thứ 12 của người lãnh đạo là thái độ quả quyết. Chương 5 cho biết Nê-hê-mi khám phá một số người đã bóc lột người khác bằng cách cho vay lấy lời. Nê-hê-mi buộc họ phải thỏa thuận là không chiếm đoạt đồng bào mình điều gì cả. Quí vị còn nhớ Nê-hê-mi đã xử sự thế nào khi có sự cưới gả với dân ngoại không? Ông nặng lời với họ, đánh họ và kéo tóc họ. Nê-hê-mi cũng làm như vậy với người Giu-đa bóc lột. Để ý về cách mà Nê-hê-mi đối xử với những người nầy, chúng ta thấy ông là người có thái độ quả quyết.
       Điểm thứ 13, người lãnh đạo có lòng vững tin. Nê-hê-mi biết ông đang làm công việc cho Đức Chúa Trời. Ông tin rằng Chúa đã gọi ông làm công việc đó. Điều này càng khiến Nê-hê-mi vững tin.
       Đặc điểm 14, người lãnh đạo thuộc linh đầy lòng can đảm, không run sợ, không khiếp đảm.
       Đặc điểm 15, người lãnh đạo là người bền chí. Chương 15 sách Rô-ma, sứ đồ Phao-lô mô tả tiến trình mà Đức Chúa Trời dùng sự đau khổ để chuẩn bị người lãnh đạo cho công việc của Ngài. Một phần trong tiến trình nầy, Chúa dùng sự đau khổ để tạo ra tính kiên nhẫn hầu cho người lãnh đạo không bỏ cuộc giữa chừng. Khi mô tả về phẩm chất nầy, Phao-lô nói, “Hy vọng nơi Chúa không làm cho chúng ta thất vọng vì Đức Chúa Trời đã đổ vào lòng chúng ta tình yêu của Ngài bởi Đức Thánh Linh là Đấng Ngài đã ban cho chúng ta.” Câu này theo bản gốc nghĩa là, “Họ sẽ không bị thay đổi nhưng kiên định.” Nếu quí vị đã có dịp thăm viếng các giáo sĩ đang hoạt động rải rác trên khắp thế giới, quí vị sẽ khám phá rằng kiên trì là một phẩm chất của họ. Những người nầy đã kiên cường bám trụ trong suốt hằng chục năm hoặc đến năm chục năm nơi những vùng đất xa xôi. Đôi khi phải tốn đến mười lăm năm, hoặc hai mươi năm trước khi mọi bức tường ngăn cách bị phá đổ và dân địa phương ăn năn qui đạo. Kiên nhẫn là một đặc tính quan trọng của người lãnh đạo công việc Chúa.
       Đặc điểm 16, Người lãnh đạo thuộc linh là người có ơn tổ chức. Một số người cho rằng khi làm công việc Chúa và các việc trong Hội Thánh, vấn đề tổ chức là không thuộc linh. Họ tỏ ra thái độ tiêu cực đối với việc tổ chức bằng cách nói rằng, “Sự tổ chức khiến Đức Thánh Linh không còn chỗ đứng trong Hội Thánh.” Với họ thì hoặc là một Hội Thánh đầy sức sống dẫn dắt bởi Đức Thánh Linh hoặc là một Hội Thánh tổ chức chớ không thể nào một Hội Thánh vừa được cai trị bởi Thánh linh vừa có tổ chức.
       Khi học về Kinh Thánh là cẩm nang cho Hội Thánh và công việc Chúa, thì chúng ta sẽ thấy rằng vấn đề tổ chức không phải là điều bị gạt bỏ ra ngoài. Việc tổ chức được dạy trong Kinh Thánh. Có một cấu trúc rõ ràng nói về công việc Chúa trong Hội Thánh. Lãnh đạo công việc Chúa thường là người có ơn tổ chức. Chương thứ 7 của Nê-hê-mi, ông nói, “Tôi chỉ định, tôi phân trách nhiệm, tôi ra các chỉ thị, tôi gọi mọi người họp lại…” Nê-hê-mi là một người lãnh đạo có ơn tổ chức. Mẫu người lãnh đạo như Nê-hê-mi thường có ơn tứ tổ chức. Nhưng mẫu người như Ê-xơ-ra lại không có ơn nầy.
       Đặc điểm 17 của người lãnh đạo công việc Chúa là họ có mục tiêu ưu tiên. Chương 10 câu 30 đến 37 cho biết Nê-hê-mi là người lãnh đạo có thứ tự ưu tiên. Ông tập họp mọi người lại, ông đưa họ đến chỗ đồng ý không cưới gả với dân ngoại, giữ luật sa bát. Nê-hê-mi định thuế đền thờ và dâng phần thâu hoạch đầu tiên lên Chúa. Ông cũng yêu cầu việc dâng con đầu lòng và súc vật đầu lòng cho Đức Chúa Trời. Dân sự cũng hứa nguyện với Nê-hê-mi rằng họ sẽ dâng cho Đức Chúa Trời phần mười của mọi vật. Những chi tiết nầy cho thấy Nê-hê-mi là người biết nhận định đâu là điều quan trọng, đâu là điều thứ yếu. Mỗi người đều nên có thứ tự ưu tiên trong đời sống của mình. Những ưu tiên của quí vị là gì? Xin quí vị liệt kê ra 10 điều, đặt Chúa lên hàng đầu rồi ghi ra 9 điều còn lại.
       Nê-hê-mi đã nói lên nguyên tắc 18 dành cho người lãnh đạo. Họ có con roi của người chăn, cây roi nầy dùng để hướng dẫn cũng như dùng để kỷ luật dân sự của Đức Chúa Trời.
       Điểm 19 là người lãnh đạo công việc Chúa vẫn là con người và thể hiện tính chất người. Nê-hê-mi rất là người. Đặc tính nầy được tìm thấy nhiều nơi trong sách. Khi ông hoàn thành xong một công việc nào đó thì  ông thường cầu nguyện với Chúa, “Xin Ngài hãy nhớ những điều tốt mà con đã làm và ban phước cho con.” Đức Chúa Trời để cho chúng ta thấy tính chất người của mỗi một nhân vật trong Kinh Thánh. Điều nầy khiến họ trở nên thực và khích lệ chúng ta tiến tới vì biết rằng trên căn bản họ giống chúng ta.
       Cuối cùng Nê-hê-mi cho thấy điểm 20 đối với những người lãnh đạo công việc Chúa. Họ là những người có thể nói giống như Chúa Giê-xu rằng, “Con đã tôn vinh Cha trên đất, con đã làm xong việc Cha giao cho con làm.” Nê-hê-mi đã hoàn thành xong việc xây dựng tường thành Giê-ru-sa-lem. Chúng ta không nên bao giờ quên đích cuối cùng khi chúng ta đang nỗ lực làm những việc Chúa muốn làm qua chúng ta. Cuối cuộc đời chúng ta có thể nói như Chúa Giê-xu đã nói rằng, “Thưa Cha, con đã tôn vinh Cha trên đất, con đã làm xong việc Cha giao cho con.” Vị giáo sĩ tuận đạo tên là Jim Elliot viết những lời nầy trong nhật ký của ông, “Khi mà trong chương trình và mục đích của Đức Chúa Trời là đến thời điểm bạn qua đời, thì tất cả những gì bạn phải làm lúc đó là nhắm mắt ra đi.” Người lãnh đạo công việc của Đức Chúa Trời là người có thể nói như Chúa Giê-xu rằng, “Mọi sự đã được hoàn tất.”

Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

THÔNG BÁO: V/v Sửa chữa, nâng cấp và trang trí Cổng thông tin điện tử HT Tân Nghĩa dịp Giáng sinh 2017 (đợt 2)


Nhằm đảm bảo website hoạt động bình thường vào suốt thời gian trước, trong và sau Lễ Giáng sinh 2017, tổ Quản trị web sẽ tạm ngưng hoạt động của trang web để sửa chữa, nâng cấp và trang trí như mọi năm.

Thời gian:
Đợt 1, bắt đầu từ 07/11 đến hết 10/11/2017.
Đợt 2, bắt đầu từ 07/12 đến hết 08/12/2017.
Đợt 3, bắt đầu từ 17/12 đến hết 20/12/2017.

Chủ đề trang trí: SỰ VUI MỪNG LỚN CHO MUÔN DÂN

Câu gốc: Lu-ca 2:10. (Như đã thông báo đầu năm, xem tại đây)

Chúa Giê-Xu - Vị Thầy Vĩ Đại

CHÚA GIÊ-XU – VỊ THẦY VĨ ĐẠI[1]
Người xưa có nói “nhân phi sinh tri thùy năng vô sư” (Người ta không ai sinh ra đã biết thì ai mà không cần có thầy).  Thật vậy, người ta sinh ra trước hết là mang ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục và sau đó là mang ơn những người thầy của mình. Người Việt Nam chúng ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo nên hình ảnh nhà giáo, người thầy được yêu mến, ca ngợi.  Trong những ngày qua, tôi cùng các bạn học cùng lớp Việt Hán Đại học Sư phạm Sài Gòn tốt nghiệp năm 1972 đã  xúc động khi nghe tin Giáo sư Lê Hữu Mục vừa qua đời tại Ca-na-đa và gửi lời chia buồn cùng bày tỏ lòng biết ơn thầy sâu sắc. Ông là người thầy khả kính đã dạy chúng tôi học chữ Nôm và tập đọc nguyên tác Truyện kiều của Nguyễn Du. Ký ức về những ngày đi học bổng trở về khiến tôi nhớ đến hình ảnh các vị thầy khả kính khác như học giả Giản Chi, Nguyễn Duy Cần, Giáo sư Trương Văn Chình, Phạm Văn Diêu, Nguyễn Văn Trung, Lưu Khôn, cô Khưu Thị Huệ,  Linh mục Thanh Lãng… đã dạy cho tôi chữ Hán, văn chương Việt Hán và triết học Đông Tây… Đặc biệt sau năm 1975, tôi nhớ đến hình ảnh cố Mục sư – Giáo sư Phạm Xuân Tín, vị thầy đầu tiên đã dạy tôi và nhà tôi về Thần học, Thánh Kinh và là người đã khích lệ chúng tôi vâng theo tiếng gọi đi vào chức vụ phục vụ Chúa. Nhân Ngày Nhà giáo, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành của một  học trò đối với các vị thầy quá cố của mình.
Tôi vốn cũng là giáo viên cấp 3 có 20 năm phục vụ trong ngành giáo dục trước khi trở thành mục sư. Tôi cảm thấy vui vì mình cũng đã góp phần phục vụ xã hội, dạy dỗ thế hệ trẻ.
Nói đến vị thầy vĩ đại trong văn hóa Đông phương, chúng ta thường nghĩ đến Khổng Tử được người đời tôn là “Vạn thế sư biểu”.  Ông có đến ba nghìn học học trò và trở thành vị thầy lý tưởng, cũng là người sáng lập ra Nho giáo.  Tuy nhiên,  hôm nay chúng tôi muốn giới thiệu với quí vị, đặc biệt là các nhà giáo, một vị Thầy rất đặc biệt, là vị Thầy của các vị thầy, vị Thầy không phải của một nền văn hóa, một dân tộc mà là vị thầy của mọi nền văn hóa, của mọi dân tộc, vị thầy thiên thượng được Kinh Thánh  gọi “Giáo sư đến từ Đức Chúa Trời”, đó là Chúa Giê-xu.
CHÚA GIÊ-XU LÀ VỊ THẦY VĨ ĐẠI
  • Giáo sư đến từ Đức Chúa Trời
Chúa Giê-xu khác biệt với tất các các vị thầy ở trần gian này là vì Ngài đến từ trời (thiên đàng), được gọi là Giáo sư từ trời. Trong Phúc âm Giăng chương 3 có ghi lại một câu chuyện thú vị về cuộc  gặp gỡ giữa Chúa Giê-xu với một vị giáo sư Do Thái tên là Ni-cô-đem.  Ông đã nghe về Chúa Giê-xu và các phép lạ của Chúa và trở thành môn đồ kín giấu của Ngài (vì sợ người Do Thái).  Một đêm nọ, ông tìm đến với Chúa Giê-xu và trò chuyên với Ngài. Giáo sư Ni-cô-đem đã thưa với Chúa Giê-xu rằng “Thưa thầy, chúng tôi biết thầy là giáo sư từ Đức Chúa Trời đến; vì những phép lạ thầy đã làm đó, nếu Đức Chúa Trời chẳng ở cùng, thì không ai làm được.” (Giăng 3:2b). Có lẽ ông đã từng nghe Ngài giảng dạy, và thấy những phép lạ kỳ diệu mà Ngài đã làm và bày tỏ lòng ngưỡng mộ, khâm phục gọi Ngài là “Giáo sư từ trời” dù ông không dám công khai tuyên bố mình là môn đệ của Ngài.
Thật vậy, Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời trở nên con người, đến trần gian cách đây hơn 2000 năm để dạy cho nhân loại về chân lý cứu rỗi và Ngài thật là “Giáo sư từ trời”. Đến năm 30 tuổi, Chúa Giê-xu bắt đầu chức vụ và Ngài tuyển chọn 12 môn đệ thân cận gọi là 12 sứ đồ; sau đó tăng lên 120 môn  đệ và khi Chúa về trời tại núi Ô-li-ve thì có 500 môn đệ chứng kiến.
  • Ngài giảng dạy đầy quyền năng, biến đổi nhiều cuộc đời
Kinh Thánh cho biết “Chúa Giê-xu đi khắp các thành, các làng, dạy dỗ trong các Nhà hội và giảng Tin lành về Nước Đức Chúa Trời và chữa lành mọi thứ bệnh tật.” (Mat. 9:35) Hàng nghìn người đã đi theo Ngài để nghe Ngài dạy về Phúc âm, Nước trời. Ngài dạy đầy thẩm quyền của một giáo sư từ trời chứ không  như các thầy Thông giáo (chuyên gia về kinh luật) của người Do Thái.
  • Ngài làm nhiều phép lạ kỳ diệu
Trong khi đi đây đó giảng dạy, Ngài cũng dùng quyền năng xua đuổi tà ma, chữa lành người bị bệnh tật, khiến kẻ điếc được nghe, kẻ què được đi, kẻ mù được sáng mắt, kẻ chết được sống lại.  Ngài cũng làm những phép lạ kỳ diệu như hóa bánh cho hơn 5.000 người rồi sau đó cho 4.000 người ăn. Thật đúng như giáo sư Ni-cô-đem đã nói “vì những phép lạ thầy đã làm đó, nếu Đức Chúa Trời chẳng ở cùng, thì không ai làm được.”. Ngài không chỉ vị thầy vĩ đại mà con là vị lương y đại tài nữa.
  • Tấm gương mẫu toàn hảo: thánh khiết, yêu thương, công chính
Chúa Giê-xu là vị thầy toàn hảo tuyệt đối để chúng ta noi theo.  Ngài là Đấng thánh khiết, yêu thương, công chính.  Kinh Thánh mô tả “Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chỉ dối trá. Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình…” (1 Phi 2:21-23).     Không vị thầy nào dám nói như Chúa Giê-xu “trong các ngươi có ai bắt ta thú tội được chăng?”  Ngược lại, Khổng Tử  nói “nhân vô thập toàn.” (là con người, không ai hoàn hảo cả) vì ông biết mình cũng chỉ con người mà thôi và đều bất toàn.
  • Hạ mình phục vụ như đầy tớ
Một trong những đức tính nổi bật của Chúa Giê-xu là đức nhu mì, khiêm nhường. Ngài  đã để lại một ấn tượng sâu sắc cho các môn đệ khi rửa chân cho họ để dạy họ bài về sự khiêm nhường, hạ mình phục vụ như một đầy tớ.
Chúa phán: “Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người.” (Mat.20:28)
Thật không có một vị thầy nào khiêm nhu, hạ mình như thế!
CHÚA GIÊ-XU LÀ HIỆN THÂN CỦA THIÊN CHÚA
Chúa Giê-xu là ai?  Ngài là vị Thầy vĩ đại của người Do Thái? Đúng vậy,  nhưng còn hơn thế nữa! Ngài là vị giáo chủ sáng lập ra Cơ Đốc giáo, một tôn giáo lớn nhất thế giới? Đúng vậy, nhưng còn hơn thế nữa!  Xin thưa: Chúa Giê-xu còn là hiện thân của Thiên Chúa. Ngài chẳng những là giáo sư từ trời mà chính Ngài là Đức Chúa Trời. Ngài đến để bày tỏ về Đức Chúa Trời cho nhân loại và kêu gọi con người quay về thờ phượng Ngài.
  • Kinh Thánh đã xác nhận Ngài là Thiên Chúa trở nên con người
Trước khi Chúa Giê-xu giáng sinh 700 năm, tiên tri Ê-sai đã dự báo rằng “Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng, là Đấng Mưu luận, là Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình an.” (Ê-sai 9:5). Trong Phúc âm Giăng 1:1-4 cũng khẳng định Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời: “ Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài.”
  • Chính Chúa Giê-xu tự xác nhận
Kinh Thánh cũng ghi lại những lời xác nhận mạnh mẽ của Chúa về chính mình: “Ta  với Cha (Thiên Chúa) là một” (Giăng 10:30)“Ai thấy Ta tức thấy Cha (Thiên Chúa)”(Giăng 14:9b) .“Ta là đường đi, chân lý và sự sống, chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha (Thiên Chúa) (Giăng 14:6) .
Một người tuyên bố như thế chỉ có thể rơi vào một trong ba trường hợp: đó là người mất trí, điên cuồng; thứ hai là người nói ba hoa khoác lác không đáng tin và thứ ba là sự thật. Chắc chắn Chúa Giê-xu không phải người mất trí; Ngài cũng không phải là người khoác lác, kiêu ngạo. Vậy thì Ngài thật sự như Ngài đã tuyên bố.
Học giả kiêm nhà văn nổi tiếng Lâm Ngữ Đường trước đây không tin Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời và tìm cách phủ nhận sự xác nhận đó.  Nhưng khi trở lại với Cơ Đốc giáo, ông đã mạnh mẽ khẳng định:“Tôi khám phá ra rằng, từ xưa đến giờ chưa ai dám nói những lời như Chúa Giê-xu đã nói.” “Không có một bậc thầy nào ở đời này hiểu biết và có mối quan hệ đặc biệt như thế với Đức Chúa Trời. Chính vì sự hiểu biết và có mối quan hệ mật thiết đó mà Chúa Giê-xu đã dám tuyên bố một cách mạnh mẽ rằng “Ai thấy ta là đã thấy Cha.” Và khi đọc lại Kinh Thánh, ông tuyên bố: “Trở về với Thánh Kinh, tôi thấy Thánh Kinh không chỉ là quyển sách ghi lại những dữ kiện lịch sử, nhưng cũng ghi lại sự mặc khải chính xác, qua Chúa Giê-xu; chính sự mặc khải đó đã đem Đức Chúa Trời xuống ngang tầm mắt của tôi, để tôi có thể biết Ngài.”. [2]
CHÚA GIÊ-XU LÀ CỨU CHÚA CỦA NHÂN LOẠI
  • Nhân loại tuyệt vọng cần một Đấng Cứu Thế
Chúa Giê-xu không chỉ là vị giáo sư vĩ đại từ trời mà điều quan trọng hơn, Ngài còn là Đấng Cứu Thế của cả nhân loại. Nếu Chúa Giê-xu đến thế giới này để giảng dạy những điều cao siêu, vĩ đại rồi cuối cùng cũng chết nằm yên trong mộ như bao giáo chủ, giáo sư ở đời thì Ngài cũng không hơn gì các vị ấy. Không, Chúa Giê-xu đến thế giới này với một sứ mệnh của một Đấng Cứu Thế . Ngài đến để thi hành kế hoạch cứu rỗi nhân loại. Vì thế, Ngài mang tên là Giê-xu nghĩa là  Đấng Cứu Thế.
Và Christ hay Cơ Đốc có nghĩa là Đấng được Thiên Chúa xức dầu.
Chúa Giê-xu đem sự cứu rỗi đến cho nhân loại qua sự chết đền tội trên thập tự giá
Nhân loại đang bất lực trước nan đề tội lỗi, đau khổ, sự chết do con người đã phạm tội, xa cách Ngài. Vì thế Chúa Giê-xu đã chịu chết trên cây thập tự, đổ huyết ra bôi xóa tội lỗi chúng ta và Ngài đã sống lại để ban niềm hy vọng cho chúng ta. Kinh Thánh quả quyết “Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.” Con người cần đức tin đến Chúa Giê-xu là Đấng vô tội chuộc tội để được tha thứ và trở về với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, là Nguồn sống.
Tóm lại, Chúa Giê-xu là vị Thầy vĩ đại bởi vì Ngài là giáo sư từ trời, là hiện thân của Đức Chúa Trời đã đến với nhân loại để chịu chết chuộc tội để ban ơn cứu rỗi cho mọi người.  Hãy bày tỏ lòng biết ơn vị Thầy vĩ đại Giê-xu bằng cách tiếp nhận Ngài vào lòng, tôn Ngài làm Cứu Chúa và Chủ của cuộc đời mình và noi dấu chân Ngài!

Trịnh Phan (HTTLVN.ORG)
————–
[1] Bài chia sẻ truyền giảng cho các giáo viên nhân ngày Nhà giáo
[2] Lâm Ngữ Đường, 2017 . Hành trình tâm linh- Từ người ngoại đạo trở thành Cơ Đốc nhân (NXB Phương Đông, ),tr. 277-278.

Tin ảnh: LỄ BẾ MẠC ĐẠI HỘI LẦN THỨ 5 HỘI THÁNH LIÊN HỮU CƠ ĐỐC VIỆT NAM

         Vào lúc 10 giờ 30 ngày 23/11/2017, chương trình Lễ Bế mạc Đại Hội lần thứ 5 của Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam đã được diễn ra cách tốt đẹp trong sự tể trị và ban phước của Ba ngôi Đức Chúa Trời. Cảm tạ ơn Ngài, sau 3 ngày làm việc, Đại Hội đã bầu cử ra Tân Thường vụ Hội Đồng Trưởng nhiệm Tổng Hội nhiệm kỳ 2017 - 2019.

Tin ảnh: TTV.TH

Mục sư Huỳnh Huyền Vũ, Tổng Trưởng nhiệm HTLHCĐVN hướng dẫn chương trình

Ca đoàn HTTL Giám Lý, Hàn Quốc
tôn vinh Chúa Thánh ca 291 "Đi Từng Bước"

Mục sư Nguyễn Nam Phước cầu nguyện

Ca đoàn Thanh Niên HT Hóc Môn
tôn vinh Chúa Thánh ca 646 "Thập Tự Xưa"

Ca đoàn các Hội Thánh tôn vinh Chúa
Thánh ca 377 "Tại Chốn Trận Tiền"

Tân Ban Thường vụ Hội đồng Trưởng nhiệm Tổng Hội  - Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam
nhiệm kỳ 2017 -2019 trình diện trước Đại Hội đồng

 Giáo hội trưởng - Mục sư Đinh Thiên Tứ, giảng luận bế mạc


 Mục sư Đinh Thiên Tứ - Giáo Hội trưởng thi hành Thánh lễ Tiệc Thánh



Quang cảnh bên ngoài

Mục sư Đinh Thiên Tứ - Giáo Hội trưởng HTLHCĐVN cầu nguyện chúc phước



BAN TRUYỀN THÔNG
Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa
Tháng 11/2017

Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

Đừng Biến Mình Trở Thành Một Cơ Đốc Nhân Mê Tín

Tuần vừa qua tôi có dịp trò chuyện với một người đàn ông, là tài xế của một công ty chuyên về vận chuyển, anh ta kể cho tôi nghe câu chuyện về xâu chuỗi tràng hạt (của người Công giáo) được treo ngay ở tấm kính chiếu hậu trên chiếc xe của anh. Nó ở đó suốt quãng đời lái xe của anh, và trong thời gian đó không hề có bất cứ tai nạn nào xảy ra. Sau đó một người quen của anh đã gỡ bỏ xâu chuỗi này ra khỏi tấm kính, và chẳng bao lâu sau anh đã bị tai nạn. Anh ta hỏi tôi: “Ông giải thích thế nào về hiện tượng này?”
Tâm hướng con người trước những sự mê tín dị đoan thường là mạnh mẽ. Nhiều người trong chúng ta dễ bị xu hướng đến những niềm tin, những thái độ, và những vật thể mang ý nghĩa tâm linh mà không để ý đến bản chất và ý định của Đức Chúa Trời. Chúng ta chuộng những điều mê tín và những vật phù hộ mà thậm chí còn cho rằng chúng có thể bảo vệ chúng ta trước những vấn đề chúng ta lo sợ nhất.
Đời sống Cơ Đốc bị mê muội
Là những tin người theo Chúa Giê-xu, chúng ta được miễn trừ khỏi những sự mê tín dị đoan và bùa ngãi của thế gian. Tuy nhiên, có quá nhiều con cái Chúa là nạn nhân của sự cám dỗ khi sử dụng những điều tốt lành từ Cứu Chúa để kiểm soát số mệnh của họ mà không để chính Ngài dẫn dắt cuộc đời mình. Tôi còn nhớ có một quyền lực tựa như vật phù hộ mà tôi đã tin, đó là lượng thời gian mà tôi dành ra để đọc Kinh Thánh khi còn học ở trường đại học. Nếu như tôi bỏ qua một buổi sáng không đọc Kinh Thánh, tôi cảm thấy rằng bất cứ những điều tội tệ nào xảy đến với tôi trong ngày hôm đó đều xuất phát từ nguyên nhân tôi đã bỏ qua lễ nghi tôn giáo này. Tôi đã không quan tâm đến tính chân thật và lòng tôn kính trong thái độ của tôi đối với Đức Chúa Trời mà chỉ muốn tìm cách để đảm bảo có được một ngày tốt lành đến cho chính tôi. Chúng ta dễ lắm có thể biến bất cứ những điều xung quanh chúng ta trở nên một niềm tin mê muội, thậm chí ngay cả việc đi nhà thờ và tham gia vào các ban ngành. Chẳng hạn như một số tư tưởng cho rằng nếu như tôi chỉ cần có mặt trong buổi nhóm thờ phượng sáng Chúa Nhật hoặc tham gia vào các ban ngành thì Đức Chúa Trời sẽ ban phước trên đời sống tôi. Một số tín hữu khác thậm chí còn muốn gia nhập vào Ban Chấp sự Hội thánh với hi vọng rằng khi trở thành một tín hữu có chức vụ trong nhà Chúa thì có sự đảm bảo hưởng phước từ Chúa nhiều hơn.
Hãy nhớ rằng không có công tác hầu việc Chúa nào là tệ hại. Trong thực tế, những công việc này rất là tuyệt vời và hữu ích – ngoại trừ chúng được thực hiện dưới hình thức của một niềm tin mê muội.
Sự quyến rũ của những ảo tưởng
Có một lý do cho thấy tại sao có những tín hữu lại dễ xiêu lòng trước sự mê tín dị đoan. Cuộc sống theo Chúa thường là khó khăn và phức tạp. Sự mê tín chung quy là làm cho những điều phức cảm trở nên cân bằng giữa điều kiện và kết quả. Chẳng hạn, nếu tôi dành thời gian để tĩnh nguyện buổi sáng thì tôi sẽ có một ngày tốt lành. Nếu như tôi treo xâu chuỗi tràng hạt trên tấm kính chiếu hậu thì tôi sẽ không bị tại nạn giao thông.
Những sự mê tín này cũng đem đến cho chúng ta một sự kiểm soát ảo tưởng. Thế gian là nơi thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông, cuộc sống thì đầy ắp những đau yếu bệnh tật cùng với những nỗi sợ hãi bất an, và hơn thế nữa Đức Chúa Trời cũng không hứa rằng chúng ta sẽ được miễn trừ khỏi những điều đó. Vì thế, chúng ta quay sang hướng đến những thái độ hoặc sử dụng những vật phù hộ với niềm tin rằng chúng sẽ bảo vệ chúng ta. Một khi chúng ta vẫn cho những điều này là đúng, thì chúng ta vẫn còn tin rằng chúng ta có thể duy trì sự kiểm soát nào đó trên đời sống của mình mà không màng đến những hoạch định của Đức Chúa Trời dành cho cuộc đời của chúng ta. Kinh Thánh dạy rằng những hi vọng mà chúng ta tìm thấy nơi vật phù hộ là một ảo tưởng (một số câu chuyện Kinh Thánh về điều này như là sự kiêng ăn giả trong Ê-sai 58, đền thờ Giê-ru-sa-lem trong Giê-rê-mi 7, và sự thực hành về Bữa tiệc của Chúa trong 1 Cô-rinh-tô 11).
Nhận dạng những sự mê tín của bạn
Thật khó để nhận ra đâu là những điều mê tín dị đoan tiềm ẩn trong chúng ta. Đâu là những vật dụng, thái độ, hay niềm tin nhằm tạo cho chúng ta một ảo tưởng rằng chúng có thể giúp kiểm soát được cuộc đời của chúng ta? Đâu là những trang sức may mắn hoặc những vật phù hộ thiêng liêng có thể giải thoát chúng ta khỏi sự “gò bó” của một niềm tin chân chính?
Sự khác nhau giữa nếp sống trung tín với sự mê tín là rất khó để nhận ra, bởi vì sự khác nhau đó tồn tại một cách tinh vi trong những ý định sâu thẳm của chúng ta. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng nếu có bất cứ một vật dụng, đồ trang sức, thái độ, hoặc niềm tin nào mà bạn đầu tư vào đó với niềm tin rằng chúng có thể giải cứu được bạn – hoặc đem đến cho bạn những điều tốt lành ngoài năng quyền của Đấng Hằng Sống – thì chúng chính là những bùa ngãi tôn giáo và đang lôi kéo bạn ra khỏi Phúc Âm chân chính.
Thay vì nương dựa vào những điều mê tín ảo tưởng đó, chúng ta hãy làm cho tâm trí của mình được cho tươi mới để hướng tâm tin cậy hoàn toàn vào Đức Chúa Trời, là Đấng có thẩm quyền trên tất cả mọi điều. Như sứ đồ Phao-lô đã viết: “Rằng anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư hỏng bởi tư dục dỗ dành, mà phải làm nên mới trong tâm chí mình, và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật” (Ê-phê-sô 4:22-24). Sự tươi mới trong tâm trí sẽ là cách để triệt tiêu tất cả những sự mê tín tôn giáo.
Niềm tin của đời sống hằng ngày
Chiếc xâu chuỗi tràng hạt trên tấm kính bảo vệ bạn thoát khỏi tai nạn giao thông mà không cần đến niềm tin mạnh mẽ vào Đấng Christ, hoặc cũng không phải khó nhọc để học hỏi những lời Ngài dạy về sự chịu khổ. Bàn chân của con thỏ được ví như bùa hộ mệnh sẽ đem đến sự hanh thông mà không cần phải nương cậy hằng ngày nơi Cứu Chúa. Thậm chí, một kiến thức thần học sâu rộng và đúng đắn cũng có thể là một thứ bùa phù hộ… Tất cả những điều đó sẽ dẫn bạn đến một sự bảo đảm sai lầm nếu như bạn lẫn tránh sự gắn bó và gặp gỡ cá nhân với Đức Chúa Trời hằng sống, là Đấng đòi hỏi một niềm tin và sự ăn năn chân thật.

Trong Phúc Âm của Chúa Cứu Thế Giê-xu, chúng ta không được ban cho một vật phù hộ hay một sự mê tín tôn giáo nào cả; chúng ta chỉ được ban tặng chính Con độc sanh của Đức Chúa Trời và công tác cứu rỗi của Ngài, là Đấng cứu chuộc chúng ta từ những cuộc đời đầy dẫy những tội lỗi.
Chúng ta có đức tin nơi Đấng Christ không phải để có được một sự hanh thông, may mắn hay để tránh được tất cả những hiểm nguy xung quanh; chúng ta đặt đức tin nơi Đấng Christ bởi vì Ngài xứng đáng được như vậy. Ngài luôn bên cạnh khi chúng ta gặp khó khăn, thử thách cùng với lời hứa sẽ ban cho chúng ta sự sống đời đời. Sự mê tín có thể đem đến cho chúng ta một cảm giác an toàn bề ngoài, nhưng chỉ duy có Chúa Giê-xu mới ban cho chúng ta một sự an ninh chân thật và vĩnh cửu.
Thanh Trang dịch
Nguồn: https://www.thegospelcoalition.org/article/dont-be-a-superstitious-christian
Scott Redd / July 18, 2017

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

KHAI MẠC ĐẠI HỘI LẦN THỨ 5 HỘI THÁNH LIÊN HỮU CƠ ĐỐC VIỆT NAM


     Sáng nay 21/11/2017, tại Nhà thờ Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam (ấp Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh), đã diễn ra Lễ Khai mạc Đại hội lần thứ 5, Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam.

     Chủ đề đại hội: THẬP TỰ GIÁ
     Câu gốc: "... tôi chẳng biết sự gì khác ngoài Đức Chúa Jêsus Christ, và Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh trên cây thập tự." (I Cô-rinh-tô 2:2b)

     Trên nền Thánh nhạc uy nghiêm tôn vinh Ba ngôi Đức Chúa Trời của ngôi Giáo đường, các Mục sư trong Ban Thường vụ Tổng hội, Mục sư khách mời cùng các Đại biểu chính quyền bước vào Nhà thờ.


     Đại hội năm nay có sự tham dự của khoảng 500 đại biểu chính thức là các Mục sư, Mục sư Nhiệm chức, Truyền đạo và tín đồ từ 40 tỉnh/thành trong cả nước. Bên cạnh đó cũng có các Mục sư, Truyền đạo từ các Hệ phái Tin Lành khác cùng tham dự. Tổng cộng khoảng 700 người.

     Về phía Giáo hội tham dự có: các Mục sư trong ban Thường vụ Tổng hội, Khách mời nước ngoài..

     Về phía Chính quyền có:
     - Ông Trần Tấn Hùng, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ;
     - Bà Thiều Thị Hương, Quyền Vụ trưởng Vụ Tin Lành;
     - Bà Mary Tarnowka, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM.
     - Đại diện một số cơ quan, ban, ngành của Trung ương, các tỉnh, thành trong nước.
     - Các cơ quan thông tấn báo chí.

     Là Giáo hội Tin Lành lớn thứ 3 ở Việt Nam, Đại hội đồng lần thứ 5 của Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam lần này diễn ra trong 3 ngày (21/11-23/11) với các nội dung chính gồm: Báo cáo tình hình hoạt động Hội Thánh nhiệm kỳ 2015-2017 và kế hoạch mục tiêu nhiệm kỳ 2017-2019; Bồi linh, Hiệp nguyện; tu chỉnh Hiến chương; bầu cử Thường vụ Hội đồng Trưởng nhiệm Tổng Hội nhiệm kỳ 2017-2019.

     *** Một số hình ảnh ghi nhận:




 Mục sư Huỳnh Huyền Vũ, Tổng Trưởng nhiệm HTLHCĐVN hướng dẫn chương trình



 Mục sư Trần Văn Hiền cầu nguyện

 Nhóm múa Hội Thánh Hóc Môn

 Ông Trần Tấn Hùng, Phó Trưởng Ban TGCP đọc thư và tặng lẵng hoa chúc mừng 



 Ca đoàn các Hội Thánh tôn vinh Chúa
Thánh ca 194 "Ha-lê-lu-gia, Khen Thập Tự"



     Ban Truyền thông sẽ tiếp tục cập nhật chương trình đại hội trong các bản tin tiếp theo./.

Ảnh: Võ Tuấn Kiệt, các TTV, TTXVN.
BAN TRUYỀN THÔNG 

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Soundtrack & Karaoke ĐÓN MỪNG GIÁNG SINH (Biệt Lễ Ca 01 - Bài hát Hợp ca Ban TTN - GS 2017)


       Bài hát "Đón Mừng Giáng Sinh" sẽ được Ban TTN tôn vinh Chúa theo thể loại Hợp xướng (bè nam nữ). Để hát tốt bài hát này, Ban Hướng dẫn TTN sẽ làm 1 file beat, karaoke không lời và đăng file này trên Youtube. Trưởng ban sẽ chia sẻ các file này qua email hoặc Facebook Messenger cho từng bạn ngay khi làm xong. Các ban viên có thể tải bài hát về điện thoại để sử dụng.

       Lưu ý: Vì lý do bản quyền, chỉ ai nhận được liên kết mới có quyền xem và tải bài hát & chỉ sử dụng nội bộ trong Hội Thánh, xin đừng chia sẻ ra bên ngoài. Ngoài ra, không được re-upload trên Youtube hoặc các trang mạng xã hội khác dưới mọi hình thức. File sẽ do kênh HTTL Tân Nghĩa chịu trách nhiệm quản lý. Bản quyền thuộc về tác giả.

       Để xem toàn bộ các bài hát tôn vinh của B.TTN, vui lòng xem TẠI ĐÂY.


Tác giả bài viết: BHD Thanh Thiếu niên

Bài hát Giáng sinh 2017 của Ban Hát Lễ Thanh Thiếu Niên



Theo thông báo của Trưởng ban, Chương trình tập hát Giáng sinh cho ban Thanh Thiếu niên năm 2017 sẽ bắt đầu trước 1 tuần (tức là từ Chúa nhật 26/11) thay vì CN 3/12 như trong lịch hướng dẫn. 
Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ lễ này, xin các anh chị em tham dự đông đủ để buổi tập hát có kết quả. Vinh hiển thuộc về Chúa!

Năm nay, BHL Thanh Thiếu niên sẽ tôn vinh Chúa 3 bài. Để tải bài hát, XIN ĐỪNG TẢI ẢNH TRỰC TIẾP, vui lòng bấm vào liên kết phía dưới để tải file PDF

BIỆT LỄ CA 01: "ĐÓN MỪNG GIÁNG SINH"
Số trang: 3
Thể loại: Dance, Ballad & Hợp ca nam nữ
Phương tiện: Karaoke + Máy chiếu


Tải file về tại đây:
-------------------------------
BIỆT LỄ CA 02: "NHẠC KHÚC GIÁNG SINH"
Số trang: 3
Thể loại: Dance, Đồng ca


Tải file về tại đây:
-------------------------------
BIỆT LỄ CA 03: "ĐÓN MỪNG VUA THÁNH"
Số trang: 1
Thể loại: Ballad, Đồng ca
Tải file về tại đây:


Tác giả bài viết: BHD Thanh Thiếu niên 2017

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!