Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

Tin Ảnh: Chương trình Phát quà Trung thu 2017 tại Hội Thánh Sà Nạp tỉnh Bình Dương

        Với sự tham gia của Mục sư Huỳnh Huyền Vũ - Tổng trưởng nhiệm Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam cùng các anh em trong đoàn, sáng hôm nay (30/9/2017) đoàn đã đến thăm và trao quà Trung thu cho các em Thiếu nhi và hỗ trợ gạo cho Tín hữu tại Hội Thánh Sà Nạp, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.

Ảnh: HT. Sà Nạp

















Tất Cả Là Lời Chúa

TẤT CẢ LÀ LỜI CHÚA


             Kinh Thánh: Giê-rê-mi 42:4

             Tiên tri Giê-rê-mi bèn đáp rằng: Ta nghe rồi. Nầy, ta sẽ cầu Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, theo lời các người đã xin. Phàm điều chi Đức Giê-hô-va trả lời, ta sẽ cho các ngươi biết, không giấu chút nào.

             Dân sự nhờ Giê-rê-mi cầu nguyện và ông đồng ý. Trước đây nhiều năm Chúa đã bảo ông đừng cầu thay cho dân Giu-đa (11:14). Cơn đoán xét đã đến trên họ khi thành Giê-ru-sa-lem bị thiêu đốt, vì vậy Giê-rê-mi nghĩ rằng ông có thể làm mới lại từ đầu với dân sót lài ít ỏi này.

             Ông hứa với họ rằng ông sẽ thuật lại tất cả những lời Chúa bày tỏ.Ông nói sẽ chẳng giấu gì với họ. Có lẽ ông đoán họ không thích câu trả lời của ông!

             Nguyên cả nhóm người này đã đến gặp Giê-rê-mi (42:1). Lãnh đạo của họ là Giô-ha-nan và Giê-xa-nia con trai Hô-sa-gia. Giê-xa-nia còn được gọi là A-xa-ria trong đoạn kế tiếp.

             Giô-ha-nan và Giê-xa-nia đang dẫn dân sự từ Giu-đa qua Ê-díp-tô. Tất cả họ đều muốn qua Ê-díp-tô để tránh người Ba-by-lôn. Họ sợ rằng người Ba-by-lôn sẽ trả thù họ vì cuộc ám sát Ghê-đa-lia (41:17).

             Dân sự tìm kiếm lời khuyên từ Giê-rê-mi mặc dầu họ đã quyết định về điều họ muốn làm. Họ cho rằng chạy trốn qua Ai Cập là giải pháp duy nhất. Họ muốn đất Ê-díp-tô trở thành căn nhà vĩnh viễn của họ (42:14).

             Có lẽ họ muốn Giê-rê-mi (và cả Chúa nữa) chấp thuận kế hoạch trốn qua Ê-díp-tô của họ. Dường như họ chỉ cần Giê-rê-mi hướng dẫn họ phải đi lối nào. Rõ ràng họ không thật sự muốn nghe đầy đủ lời Chúa dành cho họ.

             Sứ đồ Phao-Lô đã công bố cho người Ê-phê-sô trọn vén mục đích của Đức Chúa Trời (Công vụ 20:27). Giê-rê-mi cũng đã làm y như vậy cho dân Giu-đa phản loạn. Cả Giê-rê-mi và Phao-Lô đều biết rằng có nhiều người không muốn nghe trọn vẹn ý chí của Đức Chúa Trời. Nhiều người chỉ muốn biết phần nào trong lời Chúa khiến họ cảm thấy thoải mái mà thôi.

             Ê-sai đã phải xử lý với dân sứ có cùng một thái độ này. Nhiều người trong thời của Ê-sau không muốn nghe những lời tiên tri. Thậm chí họ cũng không muốn nghe rằng Ngài là Đấng Có Một Không Hai của Y-sơ-ra-ên (Ê-sại 30:10-11). Hãy chống đối thái độ này. Bạn có thể là người vâng lời hơn rất nhiều!

             Trong những năm gần đây, Bạn đã thiếu quan tâm đến phần nào trong lời Chúa? Bạn dự định thế nào cho việc đọc hoặc nghiên cứu những phần ấy?

 
David Coldwell
Nguồn: cdnvn.com

Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

Làm Thế Nào Để Chữa Lành Một Hội Thánh Bị Tổn Thương?


1. Hãy đề phòng mưu chước của Sa-tan.
Mục Sư Warren Wiersbe tại Hội Nghị Mục Sư của viện Kinh Thánh Moody đã chia sẻ ba điều về hình ảnh con chiên trong Thi Thiên 78:
Chiên là những con vật hôi hám.
Những con chiên cần có người chăn dẫn dắt chứ không phải để bị đánh đuổi.
Chiên là con vật hiền lành, không có khả năng tự vệ, chúng không phải kẻ thù (Ê-phê-sô 6:10-12, “…Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy.”)
Phao-lô đã viết rằng những tín hữu ở thành Cô-rinh-tô chẳng phải là “không biết mưu chước của Sa-tan”. Thật đáng tiếc, theo kinh nghiệm của tôi, nhiều Cơ Đốc Nhân ngày nay không có ý thức về âm mưu của ma quỷ. May mắn thay, Phao-lô đã liệt kê những mưu chước đó ra cho chúng ta.
Hắn vui thích với việc gây chia rẽ và bất đồng trong đại gia đình Hội Thánh.
Hắn khuyến khích các tín hữu dung chịu tội lỗi.
Hắn cũng thích thú đưa ra những quy tắc khắc khe để khiến mọi người xa lánh Hội Thánh.
Hắn thúc đẩy linh không tha thứ dẫn đến sự cay đắng và oán giận.
Là những người tin Chúa, chúng ta phải ý thức được các mưu chước này của Satan.
2. Thi hành kỷ luật, phơi bày các vấn đề để chúng có thể được giải quyết một cách công khai và ngay thẳng.

Giống như các gia đình không êm ấm, nhiều Hội Thánh cũng không êm ấm.
  1. Trong các gia đình không êm ấm, giao tiếp trở nên khó khăn hơn gấp đôi.
  2. Trong các gia đình không êm ấm, sự yêu thương cũng cần phải nỗ lực mới có được.
  3. Sự chối bỏ và cảm giác bị đánh lừa thường cai trị trong những nơi có rối loạn.
Sự kỷ luật trong Hội Thánh giữ chúng ta khỏi tình trạng hỗn loạn bằng cách cung cấp cho chúng ta một phương pháp để những tổn thương và đau đớn được dâng trình ra cách công khai và có thể được xử lý đúng cách (Ma-thi-ơ 18:15-17; Ga-la-ti 6:1-2; và Ê-phê-sô 4:15).
Trong Ê-phê-sô 4:15 Phao-lô khuyên chúng ta hãy “lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật.” Hầu hết chúng ta chưa bao giờ thấy điều này. Chúng ta đã thấy lẽ thật được nói ra trong lúc tức giận, cay đắng và oán hận. Chúng ta cũng thấy người ta từ chối nói ra sự thật. Nhưng Hội Thánh có trật tự và kỷ luật tốt thì giống như các gia đình êm ấm, nơi mà các thành viên sẽ nói ra sự thật trong tình yêu thương.
3. Tha thứ giúp khôi phục mối quan hệ, nhờ đó mà quá trình chữa lành mới có thể diễn ra.
Tha thứ giúp loại bỏ sự vi phạm vì đó chính là rào cản trong mối thông công giữa vòng các anh chị em trong Hội Thánh.
Trước nhất, tha thứ không có nghĩa là chúng ta giúp cho những người làm tổn thương chúng ta “thoát trách nhiệm.” Họ vẫn cần phải trả giá cho những gì họ đã làm. Đây gọi là công lý. Khi chúng ta tha thứ, là chúng ta giải phóng cho họ để họ không còn gặp trở ngại gì đối với chúng ta, nhưng họ vẫn không thoát được trách nhiệm phải khai trình với Đức Chúa Trời! Hãy nhớ Chúa đã nói rằng , “Sự báo thù thuộc về Ta.” Vì vậy, hãy để Ngài làm việc của Ngài. Ngài sẽ thực thi công lý trong thời điểm của chính Ngài.
Thứ hai, tha thứ không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Sự tha thứ là một hành động dũng cảm kết hợp với ân điển, lòng tốt và lòng trắc ẩn của Đấng Christ.
Thứ ba, tha thứ không có nghĩa là chúng ta quên đi những gì họ đã làm với chúng ta. Có những sự tổn thương gây ra nỗi đau quá lớn đến nỗi chúng ta sẽ không bao giờ quên được. Tuy nhiên, nhờ ân điển của Chúa chúng ta có thể tha thứ cho họ.
Thứ tư, tha thứ không có nghĩa là chúng ta phải khôi phục lại mối quan hệ với những người đã làm tổn thương chúng ta như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Điều đó đã xảy ra rồi. Niềm tin đã bị phá vỡ. Hoàn cảnh cũng đã thay đổi. Những lời lăng mạ, lời sỉ nhục đã được nói ra. Chúng ta có thể chọn cách thiết lập ranh giới, để cho người từng có những hành động không đúng đối với chúng ta có cơ hội lấy lại lòng tin của chúng ta. Chúng ta có quyền mở rộng hàng rào ranh giới đó nếu muốn, hoặc vẫn giữ nó ở đúng chỗ của nó. Chúng ta có thể khôi phục lại mối quan hệ này một ngày nào đó nếu chúng ta muốn hoặc là không.
Thứ năm, bạn cần phải tha thứ trước khi để cho sự cay đắng và oán hận cắm rễ sâu hơn vào tấm lòng mình.
Thứ sáu, sống hòa thuận với tất cả mọi người không phải là một chuyện đơn giản (Rô-ma 12:18). Là Cơ Đốc Nhân, chúng ta cảm thấy rằng chúng ta có trách nhiệm phải sửa chữa lại mọi mối quan hệ đã bị đổ vỡ và sống hòa hợp với tất cả anh chị em trong Chúa của mình. Thật không may, cũng có những mối quan hệ không được như ý. Bạn có thể dâng trình điều đó lên cho Chúa và đừng bận tâm đến nữa mà hãy tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp với những người khác.
Cuối cùng, bạn sẽ biết rằng bạn đã thật sự tha thứ cho họ khi bạn không còn muốn gây ra điều gì bất lợi cho họ nữa.
4. Sự an ủi chữa lành những tổn thương
Chúng ta không biết làm thế nào để mang lại sự an ủi cho cộng đồng.
Chúa Giê-xu phán, “Phước cho người than khóc, vì sẽ được an ủi.”
Giả dụ đứa con gái 14 tuổi của bạn bị trêu chọc không thương tiếc trên xe buýt của trường và đứng khóc trước cửa. Bạn nói với con rằng, “Con đã làm gì để khiến các bạn đối xử với con như thế?”
Tôi hy vọng rằng bạn sẽ không nói những câu tương tự như vậy.
Những lúc như thế này điều con bạn cần là sự an ủi chứ không phải sự lên án.
An ủi là khóc với những người đang than khóc; bạn có thể nói với con mình rằng: “Cha / mẹ rất tiếc. Cha / mẹ biết điều này thật sự đã làm tổn thương con!”
Hãy để tôi cho bạn một vài ý tưởng về cách an ủi người khác:
“Tôi rất buồn khi biết bạn bị tổn thương vì điều đó…”
“Tôi rất cảm thông với bạn bởi vì tôi yêu mến bạn….”
“Sự buồn rầu đang tràn ngập trong lòng tôi vì những gì đã xảy ra cho bạn…”
An ủi thường đi với những lời nói chân thành và cảm động. Nó mang lại tình yêu thương, khiến cho người đang bị tổn thương có cảm giác mình được tiếp nhận, có được sự an ninh, được tán thành, tôn trọng và cảm thông.
Sẽ có thời gian cho việc đưa ra những lời khích lệ, tranh luận và tìm ra cách để khắc phục vấn đề, nhưng chúng ta không bắt đầu ở đó. Những điều đó sẽ đến sau. Sự an ủi giúp chữa lành vết thương.
5. Tình yêu thương thật yêu được cả những người khó ưa và không bao giờ ngừng yêu thương.

Tôi đã bị rúng động bởi một mẩu tin trên báo nói về một cậu bé 14 tuổi đã tự tử, trong bức thư tuyệt mệnh của mình cậu đã viết , “Không ai có vẻ là đang quan tâm.”
Cậu bé đó không cảm nhận được tình yêu thương từ bất cứ ai trừ con chó của mình. Trong bức thư ngắn ngủi đó, cậu đã để lại hướng dẫn để con chó của mình được chăm sóc.
Những dòng chữ cuối cùng của cậu bé “Không ai có vẻ là đang quan tâm” thật sự là một lời khiển trách nặng nề đối với tình trạng thiếu tình yêu thương trong vòng chúng ta. Charles Swindoll đã viết, “Có lẽ đó là lý do tại sao quán rượu địa phương là một nơi mà nhiều người thích lui tới.”
Hãy cố gắng để yêu thương, ngay cả đối với những người không hề đáng yêu, tình yêu thương thật sự thì không bao giờ ngừng yêu thương.

Eunice dịch
Tiến sĩ Roger Barrier
Ảnh: ThinkStock.com
Nguồn: HOITHANH.COM

95 luận đề của Mục sư - Tiến sĩ Martin Luther

Martin Luther đã đóng góp một vai trò lớn trong cuộc cải chánh Tin Lành vào thế kỷ thứ 16. Ông cũng góp phần trong việc dịch Kinh Thánh sang tiếng Đức để cho nhiều người được tiếp cận với lời Chúa hơn. Kể từ đó, phong trào cải chánh Tin Lành lan khắp châu Âu và thế giới ngày nay. Dưới đây là 95 Luận đề phản chứng của tiến sĩ Martin Luther về Quyền năng và Thực quả của Bùa Giải tội viết ngày 31 tháng 10 năm 1517

Tiến sĩ Martin Luther treo 95 “Luận đề” tại cửa Nhà thờ của lâu đài Wittenberg (nơi treo các thông báo của viện đại học) vào ngày 31/10/1517
Trong danh Chúa Giê-xu Christ của chúng ta. A-men.
1. Khi Chúa Giê-xu Christ và là Chúa của chúng ta nói rằng “Poenitentiam agite” tức: Các ngươi hãy ăn năn, thì Ngài muốn rằng suốt cả cuộc đời của người tin Chúa là một sự ăn năn.
2. Từ ngữ này không thể được hiểu như là nghi thức (bí-tích) giải tội của Công Giáo, tức là sự xưng tội và đọc Kinh giải tội như cách mà các linh mục đã làm.
3. Dầu vậy, từ ngữ này không phải chỉ nói về sự ăn năn bên trong không thôi: không đâu, không có một sự ăn năn bên trong nào mà lại không góp phần vào sự làm chết đi những gì của xác thịt.
4. Thế nên, hình phạt (của tội lỗi) vẫn còn tiếp tục nếu sự ghét bỏ chính mình vẫn còn tiếp tục, bởi vì đây mới chính thực là sự ăn năn bên trong, và sự ăn năn bên trong sẽ còn tiếp tục cho đến khi chúng ta bước vào thiên đàng.
5. Vị Giáo Hoàng không hề có ý định xóa bỏ, và cũng không đủ sức xóa bỏ bất kỳ một hình phạt nào, ngoại trừ những hình phạt mà ông đã áp đặt, hoặc bằng chính thẩm quyền của mình, hoặc bằng thẩm quyền của Giáo luật.
6. Vị Giáo Hoàng không thể xóa được bất kỳ một tội nào, trừ phi bằng cách công bố rằng tội ấy đã được Đức Chúa Trời xóa bỏ, và bằng cách chấp nhận sự tha tội của Đức Chúa Trời; dầu vậy, để cho được chắc chắn, vị Giáo Hoàng có thể ban sự tha tội trong những vụ nào đã được để riêng ra chờ sự phán quyết của ông. Nếu quyền ban cho sự tha tội ấy của ông trong những vụ ấy bị khinh thường, thì tội ấy vẫn hoàn toàn chưa được tha.
7. Đức Chúa Trời không tha tội cho bất kỳ người nào mà Ngài không đồng thời bắt phục họ trở nên khiêm nhường trong mọi mặt, và khiến người phải chịu thuận phục vị cha xứ của Ngài, tức vị linh mục sở tại.
8. Những giáo luật về sự ăn năn chỉ được áp đặt trên người còn sống, và theo như những giáo luật ấy, chúng ta không nên áp đặt một điều gì trên người sắp chết.
9. Thế nên, Đức Thánh Linh ngự trong vị Giáo Hoàng tỏ ra rất nhân từ với chúng ta, bởi vì trong những đạo luật của ông, ông luôn xem những điều khoản nói về sự chết và về nhu cầu là những trường hợp ngoại lệ.
10. Trong trường hợp những người sắp chết, mà những linh mục nào lại để dành cách giải tội theo như giáo điều cho đến khi những người này vào “ngục luyện tội”, thì đó là những việc làm vô tâm và độc ác.
11. Việc đổi hình phạt theo giáo luật thành hình phạt của ngục luyện tội rõ ràng là một trong những giống cỏ lùng đã được gieo ra trong lúc các vị giám mục đang ngủ.
12. Trong thời gian trước đây, những hình phạt theo giáo luật được áp đặt trước khi, chứ không phải được áp đặt sau khi đã được tha tội, như là những sự chứng nghiệm về sự ăn năn thật.
13. Người sắp chết được miễn tất cả mọi hình phạt khi họ qua đời; vì họ xem như đã chết rồi đối với giáo luật, và có quyền được giải thoát khỏi những giáo luật đó.
14. Sự lành mạnh không toàn hảo (của linh hồn), tức chúng tôi muốn nói rằng, tình yêu không toàn hảo của người sắp chết mang đến sự sợ hãi lớn không thể trán được; nếu tình yêu đó càng ít, thì sự sợ hãi càng lớn.
15. Sự sợ hãi này cùng sự kinh khiếp tự chúng đã đủ để tạo thành hình phạt của ngục luyện tội, bởi vì điều ấy rất gần với sự kinh khiếp của tuyệt vọng.
16. Địa ngục, ngục luyện tội, và thiên đàng có vẻ như khác việt nhau một cách tương tự như sự khác biệt giữa tuyệt vọng, gần tuyệt vọng và sự bảo đảm an toàn.
17. Đối với những linh hồn ở trong ngục luyện tội thì điều cần có là sự kinh khiếp nên giảm đi và tình yêu thương phải tăng lên.
18. Chúng ta thấy điều có vẻ như không chứng minh được, dù bằng lý luận hay Kinh Thánh, là những linh hồn ấy ở ngoài tình trạng được thưởng, chúng tôi muốn nói là, tình trạng tình yêu thương được tăng thêm.
19. Còn nữa, điều chúng ta thấy có vẻ như không chứng minh được là họ, hay ít ra là tất những linh hồn ấy lại tỏ ra chắc chắn, hoặc được cho biết chắc về tình trạng được phước của chính họ, mặc dù chúng ta biết khá chắc chắn về việc này.
20. Thế nên, khi nói rằng “xóa sổ hoàn toàn mọi hình phạt”, thì vị Giáo Hoàng không thực sự có ý nói là “mọi hình phạt” nhưng chỉ nói những hình phạt nào mà chính ông đã áp đặt.
21. Thế nên những người nào giảng về bùa giải tội đều là sai, tức những người nào nói rằng qua bùa giải tội của vị Giáo Hoàng thì một người sẽ được giải thoát khỏi mọi hình phạt, và linh hồn sẽ được cứu.
22. Trong khi đó vị Giáo Hoàng lại không xóa một hình phạt nào cho những linh hồn ở trong ngục luyện tội, mà đáng lý ra theo giáo luật, họ phải trả trước rồi trong đời này.
23. Nếu bằng mọi cách nào có thể được để ban sự xóa sạch mọi hình phạt cho bất kỳ ai dù tội ấy có như thế nào đi chăng nữa, thì điều chúng ta biết rằng sự xóa tội này chỉ có thể ban được cho những ai toàn hảo nhất, tức là, chỉ cho một số người ít nhất.
24. Thế nên, điều ắt có và phải có là phần lớn người ta đã bị đánh lừa bởi lời hứa lầm lẫn về sự giải thoát khỏi hình phạt nghe rất kêu này.
25. Nói một cách tổng quát, thẩm quyền mà vị Giáo Hoàng có được trên ngục luyện tội, là chỉ giống như thẩm quyền mà bất kỳ một vị giám mục, hay cha xứ có trong vòng địa phận, hay giáo xứ của họ, trong trường hợp riêng biệt này.
26. Vị Giáo Hoàng làm một điều phải, khi người ban phát sự xóa tội cho những linh hồn (ở trong ngục luyện tội), không bởi quyền năng của chìa khóa ngục (mà chính người không có giữ), nhưng bởi sự cầu thay.
27. Người ta đã giảng dạy rằng ngay khi những đồng tiền rơi leng keng vào trong hộp tiền dâng, thì các linh hồn sẽ bay ra khỏi ngục luyện tội.
28. Điều chắc chắn là khi các đồng tiền rơi leng keng vào trong hộp tiền dâng, thì vật chất và lòng tham vật chất có thể tăng lên, nhưng kết quả sự cầu thay của Hội Thánh nằm trong quyền năng của chỉ riêng Đức Chúa Trời mà thôi.
29. Nào ai biết được rằng có phải mọi linh hồn trong ngục luyện tội đều muốn được chuộc ra khỏi nơi đó hay không, như trong huyền thoại của Thánh đồ Severinus và Thánh đồ Paschal.
30. Không một ai biết được chắc chắn rằng sự ăn của chính họ là thành thật hay không, đừng nói chi đến việc họ có nhậnn được sự xóa tội hoàn toàn hay không.
31. Người thực sự ăn năn tội lỗi đã thật hiếm rồi, mà người thực sự tin vào bùa giải tội cũng hiếm tương tự, nghĩa là những người như vậy cực kỳ hiếm có.
32. Họ sẽ bị rủa sả đời đời cùng với các thầy giáo của họ, là những người tin rằng chính học cảm thấy chắc chắn về sự cứu rỗi của mình bởi vì họ có thư ân xá.
33. Quý vị phải cảnh giác về những người nào nói rằng sự ân xá của vị Giáo Hoàng là quà tặng của Đức Chúa Trời lớn không tưởng được mà nhờ đó con người được hòa thuận lại với Đức Chúa Trời.
34. Bởi vì những “ân điển của sự ân xá” này chỉ quan tâm đến những hình phạt về sự cứu chuộc theo giáo điều, và những điều này do con người định ra.
35. Họ giảng rằng không một giáo lý Cơ Đốc nào dạy dỗ rằng không cần thiết phải có sự ăn năn cho những người nào định mua linh hồn ra khỏi ngục luyện tội, hoặc định mua lời xưng tội.
Cửa Nhà thờ Lâu đài Wittenberg, nơi Martin Luther treo 95 luận đề khởi phát cuộc Cải cách. (Hình ảnh wikipedia)
36. Mọi Cơ Đốc Nhân nào thực sự ăn năn đều có quyền được tha các hình phạt và xóa tội hoàn toàn, ngay cả khi họ không có thư ân xá.
37. Mọi Cơ Đốc Nhân thật, dù còn sống hay đã chết, điều được dự phần trong mọi ơn phước của Chúa Giê-xu Christ và của Hội Thánh, và điều này được chính Đức Chúa Trời ban cho, ngay cả khi họ không có thư ân xá.
38. Tuy nhiên xóa tội và dự phần (vào ân phước của Hội Thánh nào mà được vị Giáo Hoàng ban cho thì không ai có quyền khi rẻ, bởi vì như tôi đã nói, chúng là sự công bố của sự tha tội thiên thượng.
39. Thật là một điều khó khăn nhất, cho ngay cả những nhà thần học sắc bén nhất, là trong một lần, và cùng một lúc, tuyên dương với dân chúng sự dư dật của ân xá và (sự cần thiết) phải có của ăn năn thật.
40. Sự ăn năn thật tìm kiếm và yêu mến hình phạt, nhưng sự ân xá không nghiêm chỉnh chỉ làm nhẹ đi hình phạt, và khiến chúng trở nên bị ghét bỏ, hay ít ra, tạo cơ hội cho việc ấy (để ghét bỏ chúng).
41. Sự ân xá bởi các thánh đồ cần được giảng dạy một cách dè dặt, vì sợ rằng dân chúng có thể nghĩ một cách sai lầm rằng điều này tốt hơn là những việc lành khác của tình yêu thương.
42. Cơ Đốc Nhân phải được dạy dỗ rằng vị Giáo Hoàng không có ý định rằng người ta đem so sánh dưới bất cứ hình thức nào việc mua sự ân xá với việc làm do lòng thương xót.
43. Cơ Đốc Nhân phải được dạy dỗ rằng ai giúp đỡ kẻ nghèo khó, hay cho người đang cần dùng vay mượn thì làm việc lành tốt hơn là mua giấy ân xá.
44. Bởi vì tình yêu thương được sinh ra bởi những việc làm của tình yêu thương, và con người nhờ đó sẽ trở nên tốt hơn; nhưng con người không trở nên tốt hơn bởi giấy ân xá, mà chỉ được tự do khỏi sự hình phạt hơn.
45. Cơ Đốc Nhân phải được dạy dỗ rằng ai thấy người khác đang có nhu cầu nhưng bỏ tránh xa và dùng tiền của mình mua sự ân xá, thì người ấy không phải mua được bùa giải tội của vị Giáo Hoàng, nhưng mua lấy sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời.
46. Cơ Đốc Nhân phải được dạy dỗ rằng trừ phi họ có nhiều hơn những gì họ cần, họ bắt buộc phải giữ lại những gì cần thiết cho chính gia đình họ, và không được dùng phung phí cho giấy ân xá dưới bất cứ hình thức nào.
47. Cơ Đốc Nhân phải được dạy dỗ rằng việc mua giấy ân xá là vấn đề tự ý, không phải điều răn.
48. Cơ Đốc Nhân phải được dạy dỗ rằng khi ban cho sự ân xá, vị Giáo Hoàng cần, và do đó, ông cũng mong mỏi những lời cầu nguyện khẩn thiết của họ dành cho ông hơn là những món tiền các Cơ Đốc Nhân này đem đến.
49. Cơ Đốc Nhân phải được dạy dỗ rằng những sự ân xá của vị Giáo Hoàng là có ích nếu họ không đặt niềm tin vào chúng, những chúng hoàn toàn là có hại, nếu bởi vì cớ chúng mà họ mất đi lòng kính sợ Đức Chúa Trời.
50. Cơ Đốc Nhân phải được dạy dỗ rằng nếu vị Giáo Hoàng biết được những thủ đoạn vòi tiền của những người giảng dạy về sự ân xá, thì người sẽ ước thà rằng ngôi vương cung thánh đường St. Peter bị thiêu hủy thành tro bụi còn hơn là để ngôi nhà này được dựng nên bằng da thịt, máu xương của bầy chiên người.
51. Cơ Đốc Nhân phải được dạy dỗ rằng điều mà Giáo Hoàng ước muốn, và đồng thời cũng chính là bổn phận của người, là phải đem tiền của chính mình đi cho rất nhiều người khác mà trước đây đã bị những kẻ rao bán sự ân xá dụ dỗ tiền bạc, cho dù người phải bán đi ngôi vương cung thánh đường St.Peter để làm việc ấy.
52. Sự bảo đảm cứu rỗi nhờ thư ân xá là vô nghĩa ngay cả khi người được ủy nhiệm, không đâu, ngay cả khi chính Giáo Hoàng đặt linh hồn người lên để bảo đảm.
53. Những kẻ nào bưng bít lời Chúa để hoàn toàn không được rao giảng tại một số Hội Thánh hầu cho sự ân xá được rao giảng ở những chỗ khác, thì ấy là kẻ thù của Đấng Christ và của Giáo Hoàng.
54. Khi trong cùng một bài giảng mà người ta dùng thời gian bằng hay nhiều hơn để giảng về sự ân xá so với thời gian giảng lời Chúa, thì điều này làm tổn thương đến Lời của Đức Chúa Trời.
55. Ý định của Giáo Hoàng bắt buộc phải là, nếu sự ân xá, vốn là một việc rất nhỏ, được đón mừng bằng một tiếng chuông cùng một lần diễu hành và nghi lễ, thì Phúc âm của Chúa, chính là một điều thật vĩ đại, phải được rao giảng với một trăm hồi chuông, một trăm lần diễu hành và một trăm lần nghi lễ.
56. Những “bảo vật của Hội Thánh” mà vị Giáo Hoàng đã dùng để ban phát vùa giải tội, đã không được nên tên đúng mức và cũng không được biết đến trong vòng dân sự Đức Chúa Trời.
57. Rằng chúng không phải là bảo vật tạm thời là điều rõ ràng lắm, bởi vì rất nhiều kẻ bán rao đã không có Giáo Hoàng, thì những điều này trở nên ân điển cho con người bề trong, và là thập tự giá, sự chết, và Địa ngục cho con người bề ngoài.
58. Và chúng cũng không là những công đức của Đấng Christ và của các Hội Thánh, bởi vì ngay cả khi không có Giáo Hoàng, thì những điều này trở nên ân điển cho con người bề trong, và là thập tự giá, sự chết, và Địa ngục cho con người bề ngoài.
59. Thánh Lawrence nói rằng những bảo vật của Hội Thánh là những kẻ nghèo khó của Hội Thánh, nhưng người nói vậy là theo như cách dùng ngôn từ của thời người đang sống.
60. Chúng tôi có thể nói một cách không cẩu thả rằng chìa khóa của Hội Thánh mà đã được ban cho bởi công đức của Đấng Christ, chính là bảo vật ấy.
61. Bởi vì điều chúng ta thấy rõ là để có thể xóa bỏ những hình phạt và những trường hợp được dành riêng cho người, thì thẩm quyền của bị Giáo Hoàng tự nó đã là đủ.
62. Bảo vật thật của Hội Thánh là Phúc âm chí thánh của sự vinh hiển và ân điển của Đức Chúa Trời.
63. Nhưng bảo vật này lẽ ra tự nhiên là đáng ghét nhất, vì nó khiến kẻ đầu trở nên kẻ sau rốt.
64. Mặt khác, bảo vật bùa chú giải tội thì lẽ tự nhiên là dễ chấp nhận nhất, vì nó khiến sau rốt trở nên đầu.
65. Thế nên những bảo vật của Phúc âm là những cái lưới mà trước đây họ quen dùng để đánh lưới những con người của sự giàu có.
66. Còn bảo vật của bùa giải tội là những cái lưới mà bây giờ họ dùng để đánh lưới những sự giàu có của con người.
67. Những bùa giải tội mà các thầy giảng kêu lên rằng ấy là “những ân điển vĩ đại nhất”, thì đã được người ta biết quả là có như vậy, nếu chỉ nói đến việc chúng góp phần vào sự gia tăng lợi lộc.
68. Nhưng thực ra chúng là những ân điển nhỏ nhất so với ân điển của Đức Chúa Trời và sự đạo đức của Thập tự giá.
69. Các giám mục và cha xứ bắt buộc phải công nhận sự ủy nhiệm của ân xá bởi sứ đồ bằng tất cả lòng tôn kính.
70. Nhưng họ còn bị bắt buộc nhiều hơn thế nữa, là họ phải mở mắt to để nhìn cho rõ, lắng tai nghe thật chăm chú, vì e rằng những thầy giảng này rao giảng những giấc mơ riêng của họ thay vì rao giảng những gì theo sự ủy nhiệm của Giáo Hoàng.
Nội dung 95 luận đề của Tiến sĩ Martin Luther. Hình ảnh Wikipedia – Nhấp vào đây để xem hình lớn
71. Người nào mà nói nghịch lại lẽ thật về sự ân xá bởi sứ đồ, nguyện cho hắn bị dứt phép thông công và bị rủa sả!
72. Nhưng người nào chống trả lại dục vọng và sự cấp phép cho các thầy giảng bùa ân xá, thì nguyện người ấy được hưởng phước!
73. Vị Giáo Hoàng đã làm việc công chính khi người cảnh cáo những kẻ đã dùng mọi xảo thuật để mưu định sự thương tổn của việc mua bán thư ân xá.
74. Nhưng người còn định cảnh cáo nhiều hơn thế nữa những kẻ nào dùng chiêu bài ân xá để mưu định sự thương tổn và tình yêu thương và lẽ thật thánh thiện.
75. Nếu ai nghĩ rằng sự ân xá của Giáo Hoàng là vĩ đại đến độ chúng có thể xá sạch tội cho một người ngay cả khi ấy đã phạm tội lớn không tưởng được và đã xâm phạm đến người mẹ của Đức Chúa Con, thì đấy là sự đên cuồng.
76. Trái lại, chúng tôi nói rằng, sự ân xá của Giáo Hoàng không đủ sức để xóa đi dù là tội nhỏ nhất của những tội loại không đáng chết.
77. Người ta nói rằng ngay cả Thánh Phi-e-rơ nếu bây giờ là Giáo Hoàng, cũng không ban cho ân điển lớn hơn được, đây là lời phạm thượng đối với Thánh Phi-e-rơ và đối với Giáo Hoàng.
78. Trái lại, chúng tôi nói rằng, ngay cả Giáo Hoàng hiện tại hay bất kỳ một Giáo Hoàng nào nói chung, đều có sẵn những ân điển lớn hơn để người tùy tiện sử dụng; tức là Phúc âm, quyền năng, ân tứ chữa bệnh, v.v…như đã được chép trong I Cô-rinh-tô 12.
79. Nếu người ta nói rằng thập tự giá, khi được chạm trổ cầu kì bằng huy hiệu của Giáo Hoàng, vốn là sự sắp đặt (bởi những kẻ rao giảng về thu ấn xá), thì có giá trị ngang với Thập tự giá của Đấng Christ, thì ấy là tội phạm thượng.
80. Các vị giám mục, linh mục và các vị giáo sư thần học nào cho phép những câu chuyện như vậy lan truyền trong vòng dân sự thì có một món nợ phải trả.
81. Sự giảng dạy không hạn chế về thư ân xá này khiến cho sự việc trở nên không dễ dàng, cho ngay cả những người giàu kiến thức, để có thể cứu vãn sự tôn kính mà vị Giáo Hoàng đáng được hưởng khỏi bị hoen ố, kể cả việc cứu vãn khỏi những câu hỏi tinh tế của hàng giáo dân.
82. Tức họ nói rằng: “Tại sao vị Giáo Hoàng lại không đại phóng thích ngục luyện tội vì cớ tình yêu thường, và vì nhu cầu cấp bách của những linh hồn hiện đang ở đó, mà lại cứu vô số kể những linh hồn để được những món tiền đáng thương, rồi dùng tiền đó để xây dựng thánh đường ? Những lý do đầu thật công bình, còn những lý do sau thì thật là vụn vặt.”
83. Còn nữa: “Tại sao những thánh lễ an táng và kỷ niệm tang lễ cho người đã chết vẫn còn được tiếp tục, và tại sao vị Giáo Hoàng lại không thay mặt cho họ hoàn lại, hay cho phép rút ra khoản tiền hứa dâng, bởi vì việc cầu nguyện cho người đã được cứu chuộc là điều sai trật ?”
84. Còn nữa: “Sự đạo đức mới này của Đức Chúa Trời và của vị Giáo Hoàng là như thế nào, khi chỉ vì tiền mà các Đấng ấy lại cho phép một người vốn là vô đạo đức và là kẻ thù của các Đấng ấy, mua ra khỏi ngục luyện tội một linh hồn đạo đức của một người bạn Đức Chúa Trời, mà các Đấng ấy lại không vì chính nhu cầu của linh hồn đạo đức thân yêu ấy mà giải thoát linh hồn này bởi cớ một tình yêu thương đơn thuần?”
85. Còn nữa: “Tại sao qua những dữ kiện thực tế và qua sự không sử dụng cho thấy rằng những kinh giải tội đã bị mất hiệu lực và đã chết từ lâu rồi, mà bây giờ chúng lại được xem là điều kiện qua sự ban bố bùa giải tội, như thể là chúng vẫn còn sống, và đang sống một cách mạnh mẽ?”
86. Còn nữa: “Tại sao vị Giáo Hoàng, ngày hôm nay vốn là người mà sự giàu có còn hơn cả người giàu nhất của những người giàu, lại không dùng tiền của chính mình để xây ngôi vương cung thánh đường St. Peter, mà lại dùng tiền của những tín đồ nghèo để xây?”
87. Còn nữa: “Vị Giáo Hoàng tha những gì, và những ban bố sự dự phần nào cho những người mà qua sự ăn năn hoàn toàn của họ, họ có quyền được hưởng sự tha tội hoàn toàn và được dự phần hoàn toàn?”
88. Còn nữa: “Có ơn phước nào đến với Hội Thánh lớn hơn bằng ơn phước khi vị giáo ngày ngày hôm nay chỉ cần làm một lần những gì người mà trước đây người phải làm hằng trăm lần mỗi ngày, và ban phát được cho mọi tín đồ những sự tha tội và dự phần này?”
89. “Bởi vì vị Giáo Hoàng, qua sự ân xá của người, đi tìm kiếm sự cứu rỗi cho linh hồn hơn là đi tìm tiền bạc, thì tại sao người lại đình chỉ những bùa giải tội và thu ân xá đã được ban bố từ trước đến bây giờ, trong khi những vật này có thực quả tương đương?”
90. Nếu chỉ dùng sức mạnh để bắt phục những sự tranh luận và ngờ vực của hàng giáo dân, mà không giải quyết bằng cách trình bày lý lẽ, tức là phơi bày Hội Thánh và vị Giáo Hoàng cho kẻ thù bêu rếu, và làm cho các Cơ Đốc Nhân buồn lòng.
91. Cho nên, nếu những thư ân xá được rao giảng theo tâm linh và tâm trí của vị Giáo Hoàng, thì tất cả những ngờ vực này sẽ được hóa giải dễ dàng, không phải vậy, chúng sẽ không còn hiện hữu.
92. Vậy đó, hỡi những tiên tri nào mà nói với dân sự của Đấng Christ rằng: “Bình an, bình an”, trong khi không có sự bình an, các ngươi hãy dang xa ra!
93. Nguyện ơn phước đến cho những tiên tri nào nói với dân sự của Đấng Christ là: “Thập tự giá, thập tự giá” trong khi không có thập tự giá!
94. Cơ Đốc Nhân phải được thúc dục rằng họ cần phải bền đỗ trong việc theo Đấng Christ, là Đầu của họ, để vượt qua những hình phạt, sự chết, và địa ngục.
95. Và vì thế, họ sẽ trở nên tin quyết về việc vào thiên đàng qua nhiều sự khổ nạn, hơn là qua sự bảo đảm bình an.
Tin bài: Vĩnh An
Nguồn bài viết: Luther.de




http://www.hoithanhhanoi.com/blog/khao-luan/95-luan-de-cua-tien-si-martin-luther#ixzz4u1Ljvv3D

Đi Đâu Và Làm Gì ?

ĐI ĐÂU VÀ LÀM GÌ?

               Kinh Thánh: Giê-rê-mi 42:3

               Xin Giê-hô-va Đức Chúa Trời ông, chỉ cho chúng tôi đường phải theo và sự phải làm.

               Dân Giu-đa tị nạn đã nhờ Giê-rê-mi cầu thay. Họ gọi Chúa là Đức Chúa Trời của Giê-rê-mi vì họ ý thức rằng ông có một mối quan hệ đặc biệt mật thiết với Ngài. Họ muốn Giê-rê-mi sau khi cầu nguyện xong, hãy cho họ biết ý Chúa dành cho cuộc đời họ.

               Họ muốn biết họ phải đi đâu và phải làm gì. Họ muốn có sự dẫn dắt thiên thượng, giống như bạn và vô số tín hữu ngày nay. Gần đây, bạn có cầu xin ý Chúa cho cuộc đời của bạn không?

               Giê-rê-mi bằng lòng cầu hỏi ý Chúa xem kế hoạch Ngài dành cho họ là gì. Ông nhắc rằng Ngài cũng là Đức Chúa Trời của họ (42:4). Họ có thể cầu nguyện trực tiếp với Chúa chứ không cần qua một tiên tri.

               Họ cũng có thể suy nghĩ thấu đáo về những sự kiện lịch sử gần đây để biết mình phải làm gì. Trước khi bị ám sát, Ghê-đa-lia đã nói với họ hãy ở trong xứ và phục vụ vua Ba-by-lôn. Ông bảo họ hãy gặt mùa nho, mùa vả và o-li-ve của xứ (40:9-10). Vua Ba-by-lôn đã chỉ định Ghê-đa-lia làm thống đốc trên đất nước Giu-đa bị chinh phục (40:5), vì thế Ghê-đa-lia đã trình bày với họ trong uy quyền.

               Trước khi Ba-by-lôn hủy diệt Giê-ru-sa-lem. Giê-rê-mi đã rao giảng nhiều năm rằng người Giu-đa phải thuận phục vua Ba-by-lôn (27:11). Khi người Ba-by-lôn vây thành Giê-ru-sa-lem, Giê-rê-mi nói với dân cư trong thành rằng họ sẽ sống nên họ cứ thuận phục vua Ba-by-lôn (38:2). Ông nói vua Sê-đê-kia phải thuận phục dưới các lãnh đạo của Ba-by-lôn (38:17).

               Lẽ ra người Giu-đa phải biết rằng thuận phục người Ba-by-lôn là ý chí của Đức Chúa Trời dành cho cuộc đời họ. Họ không thể nào đổ lỗi cho việc ám sát Ghê-đa-lia, cái chết của Ghê-đa-lia không thể làm thay đổi ý chí của Đức Chúa Trời dành cho họ. Nếu chỉ cần suy gẫm về quá khứ thôi, họ cũng phải biết rằng tương lai của họ sẽ không bao gồm việc đi đến Ê-díp-tô.

               Chúa đã dẫn dắt bạn trong quá khứ ra sao? Một trong những bài thánh ca mà tôi ưa thích nhất là bài "Tâm Linh Tôi, Yên Ninh Thay", khẳng định rằng Chúa sẽ dẫn dắt tương lai của tôi y như Ngài đã dẫn dắt tôi trong quá khứ. Hãy tin cậy nơi sự dẫn dắt của Ngài!

               Chúa muốn bạn đi đâu hoặc ở đâu và Chúa muốn bạn làm gì trong những năm kế tiếp? Làm sao bạn biết đó là ý Chúa?

 
David Coldwell
Nguồn: cdnvn.com

Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

Xưa Như Trái Đất

                Kính thưa quý độc giả,
                Người Việt chúng ta thường nói “xưa như trái đất” khi muốn ám chỉ một điều gì đã quá quen thuộc, ai cũng đã biết, nhắc lại chỉ là thừa. Chúng ta cũng dùng cụm từ “xưa như trái đất” khi muốn nói một điều đã lỗi thời, thuộc về quá khứ, không còn ai làm nữa, thí dụ như ngày nay những tục lệ như ăn trầu nhuộm răng, tục bó chân, v.v. là những chuyện thiệt là “xưa như trái đất”.
                Thật ra, cụm từ “xưa như trái đất” nghe rất hữu lý, vì ở trên hành tinh xanh này, trái đất chắc chắn phải có mặt trước nhất, rồi mới đến những thứ khác như sông núi, biển cả, cây cối, sinh vật, v.v. mới có thể xuất hiện trên trái đất được. Thế nhưng, khi nói “xưa như trái đất” thì chúng ta ngụ ý là trái đất “xưa” đến cỡ nào? Trái đất này “xưa” đến vài ngàn năm, vài triệu năm hay “xưa thiệt là xưa” đến hàng tỷ năm?
                Quý độc giả thân mến,
                Hiện nay, nếu theo dõi các phim tài liệu khoa học trên truyền hình, hay đọc các sách giáo khoa từ bậc tiểu học cho đến trung học hay đại học, đa số các tài liệu này cho rằng tuổi của trái đất là khoảng 4 tỷ 500 triệu năm. Cái con số dài dằng dặc như vô tận, kéo dài đến mấy tỷ năm này ở đâu mà ra vậy? Có bằng chứng gì thật rõ ràng là trái đất xưa đến mấy tỷ năm như vậy không?
                Kính thưa quý độc giả,
                Trong khi ngành khoa học thực nghiệm (operation science) mang đến thật nhiều thành tựu trong đời sống như computers, phi thuyền không gian, nhiều dược phẩm thật công hiệu, v.v., nhưng cho đến nay, con người vẫn còn lúng túng trước câu hỏi rất lớn là vũ trụ, trái đất, muôn loài, con người được hình thành ra sao, đến từ đâu và đã bao lâu rồi. Thật ra, câu hỏi vừa rồi là trọng tâm của ngành khoa học khởi nguyên (origin science), chuyên dựa vào những dấu vết, di tích trong thiên nhiên như các hóa thạch (fossils), các tầng địa chất để phỏng đoán những gì đã thực sự xảy ra trong quá khứ.
                Hiện nay có hai lý thuyết chính giải thích về nguồn gốc vũ trụ và sinh vật và hai lý thuyết chính này hoàn toàn đối nghịch nhau. Lý thuyết thứ nhất là thuyết sáng tạo, tin rằng có Đấng Tạo Hóa đã dựng nên tất cả vũ trụ và muôn loài, như đã được ký thuật trong Kinh Thánh. Lý thuyết thứ nhì là thuyết tiến hóa, phủ nhận sự hiện hữu và quyền năng sáng tạo của Đấng Tạo Hóa. Thuyết tiến hóa cho rằng sự hiện hữu của các sinh vật chẳng qua là kết quả của những tương tác tình cờ của vật chất.
                Thuyết tiến hóa rất lúng túng vì không giải thích được tại sao những tương tác tình cờ lại nảy sinh được vô số sinh vật thật tinh tế, thật hoàn chỉnh với nhiều chức năng thật diệu kỳ. Thuyết tiến hóa cũng không sao giải thích được tại sao từ những tương tác vô tình, hỗn độn của vật chất lại có thể nảy sinh ra những nguyên tử, những phân tử, vô số các hệ thống vật chất, vận hành theo những quy luật thật chặt chẽ, thật nhịp nhàng và thật cân đối. Để giải quyết khúc mắc này, thuyết tiến hóa đưa ra một khoảng thời gian tiến hóa dài dằng dặc là vài tỷ năm, với lập luận rằng, một sinh vật đơn giản, nếu có đủ thời gian, đều có đủ cơ hội để tiến hóa chậm chạp thành một sinh vật cao cấp. Đó là cũng là lý do mà thuyết tiến hóa phải cho rằng trái đất xưa đến 4 tỷ 500 triệu năm, vì phải dài cỡ như vậy, thì một sinh vật đơn giản đa bào mới có cơ hội tiến hóa thành cóc, nhái, rồi đến cá, chim, rồi thành vượn và cuối cùng thành người.
                Quý độc giả thân mến,
                Trái ngược với thuyết tiến hóa, thuyết sáng tạo, dựa theo sự ký thuật trong Kinh Thánh, cho biết cả vũ trụ và muôn loài do chính Thiên Chúa sáng tạo nên. Mọi vật trong vũ trụ và mọi loài sống, được Thiên Chúa dựng nên, với những đặc tính riêng biệt ngay từ đầu, không phải trải qua quá trình tiến hóa chậm. Dựa theo Kinh Thánh, hành tinh xanh mà chúng ta đang cư trú chỉ khoảng độ 10,000 năm tuổi. Vậy thì những bằng chứng trong thiên nhiên cho thấy trái đất xưa đến vài tỷ năm hay mới chỉ độ vài ngàn năm thôi?
                Kính thưa quý độc giả,
                Loại cây gỗ đỏ và họ hàng của loại cây này là sequoia là loại cây sống lâu nhất trên trái đất này. Hễ cây càng sống lâu thì càng cao và thân cây càng lớn. Người ta tìm thấy các cây gỗ đỏ cao tương đương với tòa nhà 36 tầng, thân cây phải cần tới 17 người dang tay mới ôm hết. Các loại cây gỗ đỏ này, chỉ trừ khi người ta đốn xuống, bị động đất hay bị sét đánh, nếu không thì cứ sống mãi, không hề chết vì già hay do bị côn trùng tấn công. Người ta tìm thấy những cánh rừng cây gỗ đỏ khắp nơi trên thế giới, và thật lạ là đa số tuổi các cây vào khoảng trên dưới 3000 năm, nhưng không cây gỗ đỏ nào già quá 4000 năm. Thời gian này trùng hợp với sự kiện của trận Đại Hồng Thủy, được Kinh Thánh ký thuật, xảy ra cách đây khoảng 4000 năm. Cũng theo tính toán dựa trên những ký thuật trong Kinh Thánh, từ lúc Thiên Chúa sáng tạo nên vũ trụ và muôn loài cho đến khi xảy ra trận Đại Hồng Thủy là khoảng 2500 năm. Như vậy, tuổi tác của cây gỗ đỏ, loại cây sống dai nhất, không hề chết vì già nua hay bệnh tật, cho thấy trái đất còn rất trẻ, chỉ vỏn vẹn khoảng 6500 năm mà thôi.
                Một bằng chứng đơn giản khác cho biết tuổi trái đất còn rất trẻ khi nhìn vào dân số thế giới. Hiện nay, dân số toàn cầu là khoảng 6 tỷ người và gia tăng với tốc độ khoảng 1.7% mỗi năm, có nghĩa là cứ 100 triệu người thì có thêm 1.7 triệu người được thêm vào hàng năm, sau khi đã lấy số người mới sinh ra trừ đi số người mới qua đời. Khi cơn Đại Hồng Thủy xảy ra cách đây 4500 năm như Kinh Thánh ký thuật, cả nhân loại lúc đó đã bị càn quét khỏi mặt đất, chỉ trừ gia đình Nô-ê gồm có 8 người sống sót. Trải qua khoảng 4500 năm, để phát triển từ 8 người thành 6 tỷ người như hiện nay, thì tốc độ phát triển là vào khoảng 0.5% là một con số hữu lý, vì như ngày nay tốc độ phát triển là 1.7% nhưng vào những thời trung cổ xa xưa, thì tốc độ phát triển rất chậm.
                Theo như thuyết tiến hóa, cho rằng vượn tiến hóa thành người cách đây vài triệu năm, nhưng ta cứ lấy con số khiêm nhường là một triệu năm thôi với tốc độ phát triển cực chậm, chỉ vào khoảng 0.01%, tức là giả sử nhân loại luôn luôn ở trong tình trạng gần như tuyệt chủng, thì dân số thế giới ngày nay phải là khoảng hai lần 10 lũy thừa 46. Với con số khủng khiếp này, nếu mọi người đứng chung vai nhau, thì cần phải có 10 hệ thống thái dương hệ như hiện nay mới chứa hết mọi người! Quả thật, thuyết tiến hóa không sao giải thích nỗi con số dân số chỉ có 6 tỷ như hiện nay!
                Một điều ai cũng biết là khi người ta khoan các mỏ dầu, áp suất các túi đựng dầu rất lớn, đẩy vọt dầu lên như suối phun. Các nghiên cứu cho thấy các lớp đá bọc chung quanh mỏ dầu có tính thẩm thấu, có nghĩa là các sức ép từ từ cũng bị xì ra qua hàng ngàn năm. Như vậy, áp suất thật cao trong các mỏ dầu hiện nay cho thấy trái đất còn rất trẻ, chỉ dưới 10,000 năm thôi và dầu hỏa không cần đến vài triệu năm để hình thành, vì ngày nay, người ta đang dùng mỡ thừa động vật và rác rến để tạo ra dầu thô mỗi ngày trong nhà máy.
                Quý độc giả thân mến,
                Trái đất có một lớp từ trường bao bọc để che chở và bẻ gãy các tia vũ trụ nguy hiểm có thể xâm nhập vào trái đất, đe dọa đời sống các sinh vật. Lớp từ trường này được phát sinh từ dòng điện là luồng kim loại nóng đang di chuyển trong lõi trái đất. Hễ luồng kim loại càng nóng, dòng điện càng mạnh và từ trường càng cao. Các nhà khoa học đo đạc và công nhận rằng từ trường trên trái đất đang giảm tới 50% trong mỗi 1400 năm, do nhiệt độ của dòng kim loại trong lõi trái đất ngày càng nguội dần. Với tốc độ giảm thiểu này, nếu trái đất có lịch sử tới vài tỷ năm theo như thuyết tiến hóa, thì ngay từ lúc mới có trái đất, nhiệt độ của dòng kim loại phải là cực nóng và ở nhiệt độ này, trái đất đã bốc thành hơi rồi.
                Thuyết tiến hóa cũng không giải thích được tại sao các dải Ngân Hà vẫn duy trì được hình xoắn ốc sau hàng tỷ năm trong khi các thiên thể đang di chuyển ra xa khỏi trung tâm hình xoắn ốc với tốc độ cực nhanh. Còn các sao chổi, với tâm sao chổi gồm 50% là nước đóng băng, đường kính trung bình chỉ độ 20 km, lại bị thất thoát vật liệu dần dần ở đằng sau đuôi sao, làm sao còn có thể tồn tại sau mấy tỷ năm? Tại sao các đồ chôn cất theo người chết được khai quật từ trước đến nay, chỉ có mấy ngàn năm tuổi? Nếu những người tin theo thuyết tiến hóa cho rằng các đồ chôn cất từ vài trăm ngàn năm trước đó đã hoàn toàn bị tiêu hủy, thế thì tại sao cũng chính họ lại tự cho rằng xương khai quật của các khủng long (dinasaurs) được tìm thấy khắp nơi hiện nay lại xưa đến 70 triệu năm?
                Quý độc giả thân mến,
                Có vô số những sự kiện thật đơn giản, có thể kiểm chứng bằng mắt thường cho đến những sự kiện thật phức tạp, như những biến dị trong chuỗi di truyền DNA, mà nếu giải thích bằng thuyết tiến hóa, thì đưa đến nhiều lúng túng và bế tắc, nhưng nếu dựa trên Kinh Thánh với lịch sử sáng tạo chỉ vỏn vẹn vài ngàn năm thôi, thì mọi việc trở nên thật hữu lý và dễ hiểu. Bên cạnh việc bày tỏ quyền năng sáng tạo siêu việt của Thiên Chúa, sứ điệp quan trọng nhất Kinh Thánh mang đến cho nhân loại, đó là quý vị và tôi đều là những tội nhân và đều cần đến sự cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê-xu.
                Lời Kinh Thánh cho biết “Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: chẳng có Đức Chúa Trời. Chúng nó đều bại hoại, đã làm những việc gớm ghiếc; Chẳng có ai làm điều lành.” (Thi Thiên 14:1). Mà thật vậy, một người, nếu phủ nhận Đấng Tạo Hóa, người đó, không những chỉ sai trật về khoa học, mà cũng sai lầm trong đời sống đạo đức và tâm linh. Chính chủ thuyết Nazi của Đức Quốc Xã, chủ nghĩa cộng sản độc tài chuyên chính đã gây bao thảm trạng cho nhân loại, đều đặt nền tảng trên thuyết tiến hóa là chủ thuyết phủ nhận Đấng Tạo Hóa.
                Nhưng chính lời Kinh Thánh cũng bày tỏ “Kính sợ Chúa Hằng Hữu là bước đầu mọi tri thức” (Châm Ngôn 1:7). Ước mong qua những tạo vật diệu kỳ trong thiên nhiên, quý vị và các bạn khám phá ra bàn tay sáng tạo tuyệt vời của Thiên Chúa, và nhìn nhận Ngài trong cuộc sống, để quý vị và các bạn bắt đầu một đời sống mới trong chân lý, thật vui thỏa và đầy ý nghĩa trong Đấng đã tạo dựng ra mình.
                Kính chào quý vị và các bạn.
 
Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!