Mục tiêu của chúng ta không phải là đánh bại người vô thần trong cuộc tranh luận, nhưng để bày tỏ sự vinh hiển và vẻ đẹp của Đấng Christ với hi vọng rằng vài người có thể được cứu. Chúng ta tranh luận không phải để giành chiến thắng với họ, mà là dể Đấng Christ thắng họ.
Những người hàng xóm quanh tôi không phải người vô thần. Họ là những người Hồi giáo, tín đồ Tân Kỷ Nguyên, người theo thuyết bất khả tri, những Cơ Đốc nhân danh nghĩa, và một gia đình Cơ Đốc nhân Tin Lành. Ở Anh (nơi tôi sống), có nhiều người vô thần như mặc định, “không tôn giáo” với khoảng 50% ở Anh và 23% ở Mỹ.
Nhiều Cơ Đốc nhân tin vào Kinh Thánh coi điều này hoàn toàn là một thảm họa. Tôi thì có cách nhìn khác đi một chút. Theo kinh nghiệm của tôi, việc tiếp cận những người ở tôn giáo khác còn khó hơn rất nhiều việc tiếp cận người vô thần. Và tôi muốn khích lệ anh chị em trong Chúa không nên nhìn những người vô thần lân cận như một mối đe doạ cho đức tin của họ, mà là những người có thể tiếp cận được – những người cần đến Tin Lành của Chúa Giê Xu.
Để có thể giúp đỡ, tôi xin đưa ra 4 điều cần lưu ý khi bạn kết nối với người láng giềng vô thần của mình.
1/ Đối xử với họ với sự tôn trọng và lắng nghe cẩn thận
Làm thế nào để có thể yêu người láng giềng vô thần của chúng ta? Cũng giống như cách chúng ta yêu những người láng giềng khác vậy. Chúng ta cố gắng tìm hiểu về họ; đối xử với họ với cả sự tôn trọng như những những người nam và người nữ trong hình ảnh Đức Chúa Trời. Chúng ta bày tỏ lòng hiếu khách, giúp đỡ và cố gắng để hiểu được họ.
Trách nhiệm đầu tiên của chúng ta là lắng nghe. Chúng ta cần lắng nghe về văn hoá – với những gì họ đang nói – và tìm hiểu xem họ đến từ đâu. Chúng ta không thể cho rằng họ hiểu ngôn ngữ của chúng ta và ngược lại. Thật giống như việc các giáo sĩ người Mỹ đến Scotland và nghĩ như vậy bởi họ đều nói tiếng Anh, rằng họ sẽ hiểu nhau một cách tự nhiên. Họ sớm khám phá ra ra lỗi sai của mình. Cùng một từ đó, nhưng ý nghĩa thì lại thường khác nhau.
2/ Sẵn lòng chỉ ra “niềm tin đúng” theo quan điểm của họ
Có nhiều kiểu người vô thần khác nhau. Chúng ta không thể gom người ta vào một nhóm và dựa vào kỹ thuật hay câu trả lời tiêu chuẩn. Tôi gọi hình thái cực đoan nhất của những người vô thần là NFAs (viết tắt từ cụm New Fundamentalist Atheists: những người vô thần chính thống kiểu mới). Họ có khuynh hướng là những người nam trẻ tuổi hay giận dữ với phương châm “Không có Chúa, và tôi ghét ông ta.” Bạn thường gặp họ trên mạng hơn là nhìn thấy họ bên kia hàng rào quanh nhà. Nhưng niềm tin cơ bản của họ được lọc qua các phương tiện truyền thông, ngành công nghiệp giải trí và giới học viện. Những niềm tin cơ bản này là gì?
1/ Chúng tôi không có niềm tin. Chúng tôi chỉ là những người không tin vào Đức Chúa Trời – nhưng nếu bạn có thể cung cấp đủ bằng chứng, chúng tôi có thể tin.2/ Những Cơ Đốc nhân như bạn là những người không tin vào thần Thor, thần Zeus, và tất cả các vị thần khác ngoại trừ Đức Chúa Trời. Chỉ là thêm một vị thần mà thôi.3/ Chúng tôi có khoa học; bạn có đức tin – và đức tin theo định nghĩa là mù quáng.4/ Người ta vẫn có thể có đạo đức mà không cần có Chúa. Vậy nên, con người đâu cần Chúa làm chi.
Bạn có thể bị cám dỗ mà nghĩ rằng bạn không cần phải trả lời những lời quả quyết này, vì không có ai được mang về cho Đấng Christ chỉ bởi có lập luận vững vàng hơn. Nhưng mặt khác, có bao nhiêu người vô thần mà bạn biết đã được giành lại về tay Đấng Christ bởi những Cơ Đốc nhân làm điều gì đó tốt đẹp cho họ? Hay việc đi nhóm Hội Thánh? Hay bằng cách đọc một quyển sách bồi linh?
Không ai có thể thấy được vương quốc Đức Chúa Trời trừ khi họ được sinh lại từ trên cao. Chúng ta cần Đức Thánh Linh để nhận lấy lời Ngài và áp dụng nó cho những người mà Ngài cáo trách về tội lỗi, về sự công chính và sự phán xét sẽ đến (Giăng 16:8). Nhưng Ngài sử dụng những công cụ, bao gồm dân sự Ngài – là người yêu thương người lân cận. Và nếu chúng ta thực sự yêu thương người lân cận, chúng ta sẽ lắng nghe họ, quan tâm đến cách họ nghĩ, và cố gắng hết sức để xóa bỏ “niềm tin đúng” của họ – thứ niềm tin ngăn cản họ đến với Chúa Giê-xu.
3/ Nhìn nhận người vô thần là những kẻ tin
Hãy cùng nhìn vào một trong những “niềm tin đúng”: Người vô thần không có niềm tin.
Một người vô thần là người tin rằng không có Chúa. Hơn nữa, họ tin rằng họ có khả năng xác định được bằng chứng đó có khách quan hay không. Hay nói cách khác, nhiều người trong số họ không nhận ra rằng họ cũng có đức tin – đức tin rằng họ không có đức tin! Họ tin vào năng lực lý trí của bản thân và niềm tin rằng họ chỉ nên tin vào những điều họ có thể chứng minh.
Chủ nghĩa vô thần dựa trên một loạt các niềm tin, hầu hết trong số đó là không thể kiểm chứng. Ví dụ, mọi người vô thần tôi từng gặp đều tin vào chủ nghĩa tự nhiên. Không phải vì họ có bằng chứng xác minh rằng mọi thứ đều là vật chất; mà họ tin rằng mọi thứ đều là vật chất. Họ cũng tin rằng không có bằng chứng nào cho sự tồn tại của Đức Chúa Trời. Một cách đơn giản để đáp lại là hỏi xem họ thực sự chấp nhận bằng chứng nào.
4/ Đeo đuổi tấm lòng họ qua lý trí
Tôi đã quan sát thấy những Cơ Đốc nhân ngộ nhận rằng Cơ Đốc giáo cần đến một đức tin mù quáng, trong khi thuyết vô thần là những kinh nghiệm lý trí nghiêm khắc hơn, và ở vị thế trí tuệ hơn. Điều này có xu hướng dẫn họ vào suy nghĩ sai lầm rằng cách duy nhất để “thắng” những người vô thần là tỏ ra đặc biệt tử tế.
Trong khi chúng ta không nên kiêu ngạo hay quá tham chiến, việc nhường chỗ cho sự vượt trội lý trí của thuyết vô thần không phải là hành động của tình yêu thương – bởi vì nó không đúng. Vị trí người vô thần là trống rỗng về mặt trí tuệ. Chỉ nghĩa vô thần không phải một vấn đề về trí tuệ, nhưng là vấn đề của tấm lòng. Nhưng Chúa Giê-xu và các sứ đồ đã cho thấy con đường dẫn đến tấm lòng thường đi qua lý trí.
Mục tiêu của chúng ta không phải là đánh bại họ trong cuộc tranh luận, nhưng để bày tỏ sự vinh hiển và vẻ đẹp của Đấng Christ với hi vọng rằng vài người có thể được cứu. Chúng ta tranh luận không phải để giành chiến thắng với họ, mà là dể Đấng Christ thắng họ.
Tin bài: Sơn Tùng
Lược dịch từ: DesiringGod.org
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com