Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

Ý NGHĨA GIÁNG SINH: MÓN QUÀ TỪ THƯỢNG ĐẾ

Ý NGHĨA GIÁNG SINH: MÓN QUÀ TỪ THƯỢNG ĐẾ

Giáng Sinh đang đến thật gần, đến đỗi người ta không chỉ nhìn thấy mà còn có thể chạm tay vào nó một cách rõ ràng. Đó là những cây thông được thắp đèn rực sáng trước các trung tâm thương mại, là những ly cà phê đặc quánh bốc khói thơm lừng giữa nền nhạc Giáng Sinh kinh điển len lỏi trên các góc phố thị thành. Thật chẳng phải ngẫu nhiên mà Giáng Sinh được gọi là mùa đẹp nhất trong năm, bởi khắp nơi được giăng lên những ánh đèn ấm cúng trong tiết trời se lạnh, bởi đó cũng là mùa những món quà được trao tay để thay cho lời chúc an lành, hạnh phúc.

Nhưng món quà Giáng Sinh đầu tiên được ban cho nhân loại là món quà không có một vật quý nào trên đời có thể ví sánh được – Đấng Emmanuel – món quà từ Thượng Đế.

700 năm trước khi Chúa Giê-xu giáng sinh, lời tiên tri Ê-sai chép rằng: “Dân đi trong nơi tối-tăm đã thấy sự sáng lớn; và sự sáng đã chiếu trên những kẻ ở xứ thuộc về bóng của sự chết.” (Ê-sai 9:1). Ánh sáng thật là Cứu Chúa Giê-xu, đã đến và soi sáng cho nhân loại đang chìm đắm trong bóng tối của tội lỗi, bất công, của tình trạng xuống dốc về đạo đức, như chính Ngài đã tuyên bố: “Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống.” (Giăng 8:12).

Chúa Giê-xu đến thế giới để ban tặng món quà là chính Ngài cho chúng ta. Kinh Thánh có chép: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16). Tội lỗi đã ngăn cách con người đến gần với Tạo Hóa, trói buộc trong khổ đau và bất hạnh, khiến con người không sống đúng với vị trí và mục đích cuộc đời mình. Thiên Chúa giáng sinh để giải cứu chúng ta khỏi gông cùm của tôi lỗi, để hòa giải và phục hồi địa vị làm con của chúng ta với Đức Chúa Trời. Món quà Giáng Sinh đầu tiên là món quà mang lại Niềm Vui, Tình Yêu, Hy Vọng và Bình An, là món quà đã được ban cho cách nhưng không, dẫu con người không xứng đáng để được nhận lãnh.

Hôm nay, chúng tôi mời gọi quý tín hữu đến với Chúa trong lời cầu nguyện ngắn:

“Thưa Chúa,

Con biết mình thật nhỏ bé, yếu đuối, bất toàn, và không xứng đáng với tình yêu mà Ngài đã dành cho chúng con.

Con cảm ơn Chúa vì Ngài biết rõ sự bất lực của con, Ngài ban cho con món quà ân sủng chính là mối tương giao mới với Ngài qua Cứu Chúa Giê-xu – Đấng đã đến để chịu chết, đền tội cho nhân loại và cho chính con.

Giữa nỗi tất bật lo toan trong những ngày cuối năm này, con cầu xin niềm vui, tình yêu, hy vọng và bình an của Đấng Emmanuel ở cùng với con, giúp con luôn đặt Chúa làm ưu tiên của đời sống, giúp con luôn nhớ rõ mình là ai và mục đích cuộc đời con, để con không lung lạc trước sự cám dỗ của tội lỗi, và nguyện ánh sáng của sự sống sẽ luôn chiếu rọi qua con.

Con cầu nguyện cho những người thân yêu vẫn chưa kinh nghiệm được ý nghĩa thật của mùa Giáng Sinh. Họ vẫn còn đâu đó ở ngoài kia, sống trong bóng tối tăm của tội lỗi, và đang đi trên con đường dẫn đến sự hư mất. Nguyện xin Chúa ban năng lực cho mỗi chúng con can đảm đi ra để sẻ chia món quà ân sủng mà chúng con đã được nhận, hầu cho Thiên Chúa của Niềm Vui, Tình Yêu, Hy Vọng và Bình An cũng đến với họ, dẫn họ đi trong con đường của sự sáng và được trở lại trong mối liên hệ mật thiết với Ngài.

Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu. Amen!”

BAN TRUYỀN THÔNG HTTL TÂN NGHĨA

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2018

THƯ CHÚC MỪNG NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Số: 28/2018/BTT-CM

THƯ CHÚC MỪNG NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM


       Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11, Ban Truyền thông & Ban Thanh Thiếu niên Hội Thánh Tân Nghĩa gửi lời tri ân chân thành đến Quý Mục sư, Mục sư Nhiệm chức, Truyền đạo; Quý Thầy, Cô đặc trách các lớp Kinh Thánh đã hết lòng, hết sức dẫn dắt những bầy chiên.

       Cầu xin Chúa gia thêm ơn phước của Ngài trên đời sống, đặc biệt trên thiên chức chân bầy của quý Tôi Tớ Chúa.

Muốn thật hết lòng !


Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2018

Danh sách các Bài hát Giáng sinh 2018 của Ban Hát Lễ Thanh Thiếu niên


Theo thông báo của Trưởng ban, Chương trình tập hát Giáng sinh 2018 cho ban Thanh Thiếu niên sẽ bắt đầu trước 2 tuần (tức là từ Chúa nhật 18/11) thay vì CN 2/12 như trong lịch hướng dẫn. 

Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ lễ này, xin các anh chị em tham dự đông đủ để buổi tập hát có kết quả. 

Năm nay, BHL Thanh Thiếu niên sẽ tôn vinh Chúa 3 bài. Để tải bài hát, vui lòng bấm vào liên kết phía dưới để tải file PDF.

BIỆT LỄ CA 01: "CÂU CHUYỆN ĐÊM THÁNH"
Số trang: 3
Thể loại: Dance, Ballad & Hợp ca nam nữ
Tải file về tại đây:


BIỆT LỄ CA 02: "HÁT MỪNG VUA TRỜI GIÁNG THẾ"
Số trang: 2
Thể loại: Dance
Tải file về tại đây:


BIỆT LỄ CA 03: "NỖI LÒNG BA VUA"
Số trang: 4
Thể loại: Ballad & Hợp ca nam nữ
Tải file về tại đây:

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2018

Khi Bạn Bất Đồng Với Người Phối Ngẫu Về Cách Nuôi Dạy Con

Tác giả: Chap Bettis

Phải làm gì khi vợ chồng bất đồng về cách nuôi dạy con?
Các cặp vợ chồng mới cưới thường đối diện với những khác biệt khá phổ biến, chẳng hạn như  bóp ống kém đánh răng từ đáy ống đi lên hay bóp ở đầu ống, hoặc rút giấy vệ sinh theo hướng nào. Trong việc nuôi dạy con cái, vợ chồng cũng gặp phải những mâu thuẫn phổ biến tương tự, chẳng hạn chúng ta nên chọn những sinh hoạt nào và bao nhiêu là đủ? Tụi nhỏ có thể chơi trước khi làm xong những việc vặt chúng phải làm không? Con cái cũng làm việc vặt nữa sao? Phải làm gì khi chúng không ăn hết cơm?
Bất đồng trong cách nuôi con có thể thường xuyên xảy ra. Xét cho cùng, cha mẹ Cơ Đốc nghiêm túc trong việc dạy con sẽ có những phương pháp khác nhau liên quan đến cách dạy con, kỷ luật con và liên quan đến những quyết định cá nhân của mỗi người dành cho con của mình.
Sáu đề nghị
Dưới đây là sáu đề nghị nhằm giúp bạn và người phối ngẫu có thể thống nhất – hoặc hướng đến việc đồng thuận- trong phương cách nuôi dạy con.
1. Tôn trọng nhau
Người cha cần cái nhìn của người mẹ và mẹ cần cái nhìn của người cha. Thường thì luôn có điều gì đó giá trị mà mỗi một chúng ta có thể nghe thấy nếu chúng ta chú ý đến điều người kia quan tâm.
2. Nhận biết Kinh Thánh kêu gọi cả cha lẫn mẹ nuôi dạy con cái
Kinh Thánh nói rằng trưởng lão (tức mỗi người nam) phải cai quản chính gia đình mình cho tốt, dạy con cái biết vâng lời và kính trọng (1 Ti-mô-thê 3:4). Nếu con cái hư hỏng và không vâng lời, lỗi là ở người cha (Tít 1:6). Mặt khác, người mẹ được Chúa giao nhiệm vụ chính là môn đồ hóa và uốn nắn tấm lòng con trẻ. Trong hầu hết gia đình, mẹ là người thường có mặt bên cạnh con (Tít 2:3-4).
3. Chống cự cám dỗ tội lỗi
Cám dỗ tội lỗi phổ biến nhất đối với người nam là từ bỏ vai trò lãnh đạo trong gia đình. Có lẽ là vì anh ta không biết phải làm gì, hoặc vì anh ta cảm thấy vợ mình là “chuyên gia” trong việc nuôi dạy con. Đồng thời, người vợ cũng thường giành quyền kiểm soát và đẩy vai trò lãnh đạo cũng như ảnh hưởng của chồng qua một bên một cách tinh vi. Dù người cha vẫn chơi với con, nhưng những quyết định gay go liên quan đến việc nuôi dạy con và đề ra cách giải quyết đều ở người mẹ. Ngược lại, một số ít ông bố có thể bị cám dỗ quá độc đoán, còn mẹ thì thụ động.
Tôi muốn khuyên những người mẹ rằng bạn cần cái nhìn của anh ấy (xem #1), vì Đức Chúa Trời xem anh ấy là chủ gia đình (xem #2). Còn những người cha, quý vị là người chịu trách nhiệm cuối cùng trước mặt Chúa trong việc dẫn dắt gia đình; vì vậy, phải thận trọng.
4. Cùng nhau tìm ra cách nuôi dạy con.
Điều quan trọng là cả vợ chồng cùng học hỏi và bàn luận với nhau. Điều nầy sẽ giúp các bạn quyết định dựa trên một hiểu biết chung. Cùng nhau học tập không bao giờ là vô ích cả! Cám dỗ tội lỗi đối với người làm cha thụ động có thể bắt đầu từ việc không học hỏi chung với vợ, khiến vợ biết nhiều hơn, dẫn tới việc người chồng cảm thấy  bản thân mình yếu kém.
5. Tỏ ra nhất trí trước mặt con cái.
Cố gắng đừng tỏ ra bất đồng trước mặt con cái. Hãy cứ đồng ý với quyết định của người kia trước mặt con; rồi nếu cần thì tìm cơ hội thảo luận lại sau.
6. Nhận định mức độ của những bất đồng và hành động thích hợp.
Kinh Thánh kêu gọi vợ thuận phục vai trò lãnh đạo của chồng, và bảo chồng phải yêu thương vợ qua việc tìm cách để hiểu nàng. Cách thực hành những mạng lịnh nầy trong cuộc sống đòi hỏi sự khéo léo. Vợ chồng xử lý bất đồng theo cách nào? Sau đây là những gợi ý nhằm áp dụng cho các vấn đề từ nhỏ tới lớn:
a. Bỏ qua. Đối với những vấn đề nhỏ, có lẽ bạn chỉ cần “bỏ qua.” Bạn có thể tỏ ra quan tâm, nhưng do có biết bao việc phải quyết định mà thời gian lại có hạn, cho nên có một số vấn đề cần giao cho người kia quyết định. Và đối với những quyết định hằng ngày liên quan đến chuyện con cái thì thường là việc của người mẹ. Riêng đối với các ông, cần thận trọng đừng quản lý vợ mình quá mức cần thiết. Còn các bà mẹ sợ bị quản lý thì nên cho qua những quyết định dễ khiến mình căng thẳng.
b. Bàn bạc bất đồng trong phòng riêng. Tôi đã đề cập điều nầy ở mục #4, nhưng có một số quyết định cấp bách thì có thể cần phải bàn bạc riêng. Bạn có thể cần phải tạm gác một vấn đề gây tranh cãi để thảo luận sau.
c. Bàn bạc sau. Một buổi tối đi uống cà phê là cơ hội tốt để đưa ra những vấn đề lớn cần sự thông hiểu cùng mối quan tâm của người phối ngẫu. Hẹn nhau đi uống cà phê là thời gian vô giá suốt những tháng năm chúng tôi nuôi dạy các con.
d. Cầu nguyện chung hoặc riêng cho vấn đề đóMột số quyết định quan trọng mà bạn đang bất đồng sẽ không còn, khi các bạn cùng cầu nguyện xin Chúa ban sự khôn ngoan như Ngài đã hứa (Gia-cơ 1:5-6).
e. Tìm lời khuyên cá nhânTrao đổi mọi thắc mắc với những bậc làm cha mẹ và mục sư dày dạn kinh nghiệm. Hãy lắng nghe những ý kiến có thể là bạn không nghĩ tới. Sự khiêm tốn sẽ thúc giục chúng ta tìm kiếm sự hiểu biết mà bản thân mình không nhận ra.
f. Tìm lời khuyên nghiêm túcĐối với vài vấn đề cực kỳ quan trọng, có thể sự bất đồng quá lớn khiến cả vợ lẫn chồng đều không “chịu thua”. Trong trường hợp nầy, tìm lời khuyên từ những người có chuyên môn là điều hữu ích. I Cô-rinh-tô 6 bảo chúng ta phải trao những tranh cãi cho người tư vấn khôn ngoan xét xử. Trong một Hội thánh lành mạnh, vợ chồng có thể trình sự bất đồng của mình trước mặt một hoặc hai mục sư rồi cứ làm theo lời cố vấn của họ.
Cần nhớ, bất đồng trong việc nuôi dạy con là chuyện không thể tránh được. Đừng để phải chia rẽ nhau vì chuyện này.
Khue Tran dịch
Link nguồn https://www.crosswalk.com/family/parenting/when-you-don-t-agree-with-your-spouse-on-child-rearing.html

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2018

Thơ: Hỡi Các Cửa Đời Đời, Hãy Mở Cao Lên!

Hỡi Các Cửa Đời Đời, Hãy Mở Cao Lên!


"Hỡi các cổng, hãy ngẩng đầu lên! Hỡi các cửa đời đời, hãy mở cao lên! Thì Vua vinh hiển sẽ vào. 10Vua vinh hiển nầy là ai? Đó là Đức Giê-hô-va vạn quân, Chính Ngài là Vua vinh hiển.̣" (Thi thiên 24:7, 10) 

Hỡi cổng thiên thành hãy nâng cao, 1 
Vinh quang hoàn vũ hãy tụ vào. 
Ô kìa Cứu Chúa đang ngự đến, 
Vinh hiển oai quyền lớn biết bao. 

Hỡi cửa đời đời hãy vổ tay, 
Hiển vinh, uy lực Chúa phô bày. 2 
Thiên ngân, hoàn vũ đang nhảy múa, 
Chúc tụng Vua trời thánh khiết thay. 

Hỡi cửa năng quyền hãy mở toang, 
Nhìn xem quyền phép Chúa thiên đàng. 
Càn khôn, vũ trụ đang qui phục, 
Sứ thánh, thiên thần hát dội vang. 

Hỡi cửa ngợi khen vút cao vời, 
Hãy ca tụng Chúa mãi không thôi. 
Tình yêu thương xót ôi vĩ đại, 
Tỏa khắp không gian ngập biển trời. 

Hỡi cửa tôn trọng của muôn dân, 
Đứng lên chúc tụng Chúa thiên tầng. 
Hy sinh cứu rỗi cho nhân loại, 
Thoát khỏi ngục hình nhận cứu ân. 

Hỡi cửa tâm hồn của lòng ai, 
Sao vẫn ưu tư, vẫn thở dài ? 
Sao vẫn khép mình trong bóng tối ? 
U buồn vô vọng với tương lai? 

Hãy đứng dậy, lòng dương cao rộng mở, 
Để bình minh, nắng ấm chiếu thẳng vào. 
Hít vào hồn, nguồn ân điển lớn lao, 
Của Cứu Chúa sưởi hồn côi ấm lại. 

Hãy nhận lãnh, nguồn Linh Năng chuyển tải, 3 
Thấm vào hồn, tràn ngập nước Thiên Ân. 
Vươn hồn lên, chiêm ngưỡng Chúa thiên tầng, 
Trong vinh hiển ngàn trời hoa phước hạnh. 

THANH HỮU 
Tháng 11 năm 2018 

1. Thi thiên 24:7 
2. Khải-huyền 5:13 
3. Giăng 20:22 

Nguồn: vietchristian.com

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2018

THÔNG BÁO: V/v Tập hát Giáng sinh 2018 của Ban Thanh Thiếu niên

Số: 24/2018/BTTN-TB


          Theo thông báo từ Ban Trị sự Hội Thánh, các chương trình Lễ Kỷ niệm Chúa Jêsus Giáng Sinh, Ca nhạc Thánh và Truyền giảng sẽ được tổ chức từ Chúa nhật 23/11/2018 trở đi. Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ lễ này, Ban Điều hành trân trọng thông báo kế hoạch tập hát Giáng sinh 2018 với nội dung cụ thể  như sau:

1. Thời gian: 
Các ngày Chúa nhật 18/11, 25/11, 2/12, 9/12 và 16/12/2017. (5 buổi)
Lưu ý:
- Do Lễ trùng 1 ngày sinh hoạt của BTTN (CN 23/12) nên sẽ linh động chuyển đổi bù vào CN 18/11. Chương trình Thảo luận Kinh Thánh theo chủ đề (25/11) vẫn giữ nguyên do Trưởng ban phụ trách nhưng sẽ dành thêm ít phút để ôn lại bài hát.
- Các chương trình đố Kinh Thánh sẽ tạm ngưng trong suốt thời gian này (trừ CT ĐKT Giáng sinh - nếu có).

2. Nội dung:
1 bài hát lễ 1 và 2 bài hát lễ 2.  Trong đó, có 1 bài hợp ca, bè nam-nữ.

Trưởng ban sẽ thông tin cụ thể tới các ban viên qua tin nhắn.

Thông báo này thay cho lời mời các anh chị em trong lứa tuổi Thanh-Thiếu niên cùng tham gia để tập hát tôn vinh Chúa. Nguyện Danh Chúa được vinh hiển và nhiều người được cứu !

Thân chào!


Tác giả bài viết : Ban Điều Hành TTN 2018

Bài 33: Chúa Jêsus Trở Lại

 
Bài 33: CHÚA JÊSUS SẼ TRỞ LẠI

Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 24:3-14; 29-51
Câu gốc: Vì sẽ có tiếng kêu lớn của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa trên trời sẽ giáng xuống, bây giờ những kẻ chết trong Đấng Christ sẽ sống lại trước hết, kế đến chúng ta là kẻ sống mà còn ở lại, sẽ cùng nhau được cất lên với những người ấy giữa đám mây tại nơi không trung mà gặp Chúa luôn luôn” (ITê-sa-lô-ni-ca 4:16-17).
Mục đích: Cho chúng ta thấy rằng chương trình của Đức Chúa Trời cho các thời đại sẽ chấm dứt bằng sự đắc thắng của Hội Thánh Ngài.

Kinh Thánh đọc hằng ngày
Chúa Nhật:
NHỮNG DẤU HIỆU KHI CHÚA SẮP TRỞ LẠI
(Ma-thi-ơ 24:3-14)
Thứ Hai:
THỜI KỲ CUỐI CÙNG
(Lu-ca 21:8-19)
Thứ Ba:
NHỮNG THỜI VÀ KỲ
(ITê-sa-lô-ni-ca 5:1-11)
Thứ Tư:
NIỀM AN ỦI HẠNH PHƯỚC
(ITê-sa-lô-ni-ca 4:13-18)
Thứ Năm:
NIỀM HY VỌNG VÀ HẠNH PHƯỚC
(Giăng 14:1-3, Phi-líp 3:20, 21)
Thứ Sáu:
MỘT PHẦN THƯỞNG
(IITi-mô-thê 4:1-8)
Thứ Bảy:
LÚC CHÚA TRỞ LẠI
(Ma-thi-ơ 24:36-51)

Niềm hy vọng của chúng ta không thuộc về đời nầy. “Nếu chúng ta chỉ có hy vọng sống trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết” (ICô-rinh-tô 15:19). Niềm hy vọng hạnh phước trường cửu của Hội Thánh là chính Chúa Jêsus, khi Ngài trở lại.

Câu gốc của bài học dạy rằng Chúa sẽ trở lại để kêu kẻ chết trong Ngài sống lại và biến hóa kẻ đang sống trong Ngài, để rồi cả hai được cất lên không trung mà gặp Chúa. Chúa hứa: “… Ta sẽ trở lại, đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” (Giăng 14:3).

Ngoài ra được biến hóa, cất lên và ở cùng Chúa, chúng ta còn được phần thưởng. Phao-lô viết: “Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta… Không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi người yêu mến sự hiện đến của Ngài” (IITi-mô-thê 4:8). Chúa phán: “Nầy ta đến mau chóng đem phần thưởng theo với ta, để trả cho mọi người tùy việc họ làm” (Khải-huyền 22:12). “Khi ấy, những người công bình sẽ chói rạng như mặt trời trong nước của Cha mình” (Ma-thi-ơ 13:43).

Khi nghĩ đến ngày Chúa trở lại, Phao-lô la lên: “Vả tôi tưởng rằng sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta. Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sẽ sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng, đời đời, vô lượng, vô biên” (Rô-ma 8:18; 4:17).

I. CHẮC CHẮN CHÚA SẼ TRỞ LẠI

Trong Tân Ước không có lẽ đạo nào được nhắc đến nhiều lần bằng sự trở lại của Chúa. Cứ mỗi 25 câu thì có một câu nói đến việc đó.

1. Chúa quả quyết: “Ta sẽ trở lại” (Giăng 14:3). “Này, ta sẽ đến mau chóng, phải ta đến mau chóng” (Khải-huyền 22:7, 12, 20; 3:11). Ngài cũng dùng rất nhiều thí dụ để mô tả và xác chứng sự trở lại của Ngài.

2. Thiên sứ rao truyền: “Jêsus này đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi cũng sẽ trở lại…” (Công-vụ 1:11).

3. Các môn đồ tin cậy. “Ngài sẽ hiện ra lần thứ hai” (Hê-bơ-rơ 9:28), “Chính mình Chúa trên trời sẽ giáng xuống” (ITê-sa-lô-ni-ca 4:16), “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu” (IIPhi-e-rơ 3:9). “Còn ít lâu, thật ít lâu nữa, thì Đấng phải đến sẽ đến; Ngài không chậm trễ đâu” (Hê-bơ-rơ 10:37). “Vì kỳ Chúa đã gần rồi” (Gia-cơ 5:8).

Chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa cả về sự trở lại của Chúa; nó chắc chắn như ngày mai mặt trời sẽ mọc. Bao nhiêu lời hứa về sự giáng sinh, chịu chết, sống lại, về trời của Chúa đã được hoàn thành thì lời hứa về sự trở lại của Ngài cũng vậy.

II. CÁCH CHÚA SẼ TRỞ LẠI
Những lời Chúa phán trực tiếp hoặc qua các thí dụ đều bày tỏ cách nào Ngài sẽ trở lại.

1. CHÚA SẼ TRỞ LẠI CÁCH VINH HIỂN: Chúa đã đến trong thân hình của một em bé bọc khăn, nằm trong máng cỏ của chuồng chiên để chịu chết đền tội cho nhân loại. Song Ngài sẽ trở lại cách vinh hiển. “Vì Con Người sẽ ngự trong sự vinh hiển của Cha mình mà giáng xuống cùng các thiên sứ” (Ma-thi-ơ 16:27) “…Con Người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống” (Ma-thi-ơ 24:30) “…về sau, các ngươi sẽ thấy Con Người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời và ngự trên mây trời mà xuống” (Ma-thi-ơ 26:64). “Kìa Ngài đến giữa những đám mây” (Khải-huyền 1:7).

2. CHÚA SẼ TRỞ LẠI CÁCH THÌNH LÌNH (ITê-sa-lô-ni-ca 5:2): Chúa mượn hình ảnh kẻ trộm trong ban đêm để ám chỉ Ngài sẽ trở lại cách thình lình. “Về ngày và giờ đó chẳng có ai biết chi cả, thiên sứ trên trời hay là Con cũng vây, xong chỉ một mình Cha biết mà thôi. Trong đời Nô-ê thế nào, khi Con Người đến cũng thể ấy. Vì trong những ngày trước nước lụt, người ta ăn uống, cưới gả như thường cho đến ngày Nô-ê vào tàu, và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới đùa đi hết thảy… Vậy thì các ngươi hãy chực cho sẵn, vì Con Người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ” (Ma-thi-ơ 24:26,27,44).

3. CHÚA SẼ TRỞ LẠI MAU CHÓNG: Chúa phán: “ta đến mau chóng” (Khải-huyền 3:11; 22:7, 12, 20). “Vì như chớp phát ra từ phương Đông nháng tới phương Tây, thì Con Người đến sẽ như thế ấy” (Ma-thi-ơ 24:27). Kinh Thánh chép: “Trong giây phút, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót, vì kèn sẽ thổi, kẻ chết đều được sống lại…” (ICô-rinh-tô 15:52). Chúa sẽ trở lại như thế, nên chúng ta không chuẩn bị ngay bây giờ thì chừng đó không ai có thể chuẩn bị kịp.

III. NHỮNG DẤU HIỆU BÁO TRƯỚC CHÚA SẼ TRỞ LẠI:
Thấy trời u ám, biết sắp có mưa, thấy những dấu hiệu sau đây biết Chúa sắp đến. “Ngài đang ở trước cửa” (Ma-thi-ơ 24:33).

1. BỘI ĐẠO (Ma-thi-ơ 24:4, 5, 11, 12, 24): Nhiều tiên tri giả, Christ giả dấy lên, dỗ dành nhiều người làm cho lòng nguội lạnh lần đến độ bỏ Chúa, phản bội Chúa.
2. CHIẾN TRANH (Ma-thi-ơ 24:6, 7a): Suốt cõi lịch sử đều có chiến tranh hoặc nhỏ hoặc lớn nơi này hay chỗ nọ.
3. ĐÓI KÉM (Ma-thi-ơ 24:7b): Sau chiến tranh liền có đói kém. Thế giới phải đương đầu với nạn đói.
4. DỊCH LỆ (Lu-ca 21:11): Đói kém, dịch lệ do chiến tranh gây ra. Hai cái họa sau này cũng giết người khủng khiếp.
5. ĐỘNG ĐẤT (Lu-ca 21:11; Ma-thi-ơ 24:7c): Những cơn động đất xảy ra trên thế giới thêm nhiều lên.
6. BẮT BỚ (Ma-thi-ơ 24:8-10; Lu-ca 21:12-19): Sự bắt bớ vì Danh Chúa mỗi ngày một nhiều ở khắp nơi.
7. TIN LÀNH GIẢNG KHẮP NƠI (Ma-thi-ơ 24:14; Mác 13:10): Ngày nay có thể nói Tin Lành đã giảng ra khắp mọi nơi trên thế giới.
8. DÂN Y-SƠ-RA-ÊN TRỞ VỀ TỔ QUỐC (Lu-ca 21:24): Suốt 20 thế kỷ, dân Y-sơ-ra-ên đã tản lạc khắp nơi, không ai ngờ rằng họ có thể trở về tổ quốc. Song họ đã trở về và lập lại quốc gia của họ.
9. NHỮNG HIỆN TƯỢNG TRÊN TRỜI (Ma-thi-ơ 24:29; Lu-ca 21:25, 26): Đây chỉ về sự sụp đổ của chính quyền, sự thay đổi từ quân chủ ra dân chủ, và các biến cố quan trọng liên tiếp xảy ra.
10. NHỮNG KHÓ KHĂN (IITi-mô-thê 3:1-5): Đạo đức suy đồi con người bại hoại đến một mức độ quá sức tưởng tượng.
Các dấu hiệu trên đây kể như đã hiện ra quá rõ ràng, giống như  “cây vả, vừa lúc nhành non, lá mới đâm thì các ngươi biết mùa hạ gần tới”.

IV.  CHÚNG TA PHẢI CÓ THÁI ĐỘ NÀO VỚI SỰ TRỞ LẠI CỦA CHÚA
Đang khi chờ đợi Chúa sắp trở lại, thì chúng ta phải có thái độ xứng đáng:

1. THỨC TỈNH VÀ CHỰC SẴN (Ma-thi-ơ 24:43-44): Lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi Chúa trở lại, làm gì cũng sẵn sàng chờ đợi Chúa trở lại. Luôn luôn nhớ lời cảnh cáo của Chúa: “Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ”. Nếu trong thời các sứ đồ mà họ đã nói: “Kỳ Chúa đã gần rồi” (Gia-cơ 5:8; Phi-lê-môn 4:5). Thì hôm nay, sau 20 thế kỷ, gần là dường nào! Sau khi đã nêu các dấu hiệu về sự Chúa trở lại, Ngài long trọng phán: “Chừng nào các việc đó khởi xảy đến, hãy đứng thẳng lên, ngước đầu lên, vì sự giải cứu của các ngươi đã gần tới” (Lu-ca 21:28).

2. TRUNG TÍN VÀ KHÔN NGOAN (Ma-thi-ơ 24:45-51): Quản gia phải trung tín chăm sóc mọi người trong nhà chủ, cho ăn đúng giờ, cho thức ăn thích hợp để ai nấy ăn được. Có thức ăn cho người già, người trẻ, người khỏe, kẻ yếu, người nào có thức ăn nấy.

Không phải chỉ trung tín trong một thời gian mà bất cứ lúc nào Chủ đến cũng thấy đầy tớ làm như vậy. Đầy tớ đó được chủ tin cậy giao cho chăm sóc cả gia tài mình. Chúa cũng có một đầy tớ ác, bất trung, nghĩ thầm: Chủ ta đến chậm, còn đủ thì giờ ăn chơi, rồi khi chủ ta gần về ta chuẩn bị cũng không muộn. Thế là nó đánh bạn đồng công với mình, ăn uống với phường say rượu. Thình lình, Chủ đến, nó chỉ còn chờ đợi cái số phận khốn nạn dành cho mình là nơi khóc lóc và nghiến răng. Ngày Chúa trở lại là ngày vinh hiển, hạnh phước, suốt mọi thời đại tập trung vào ngày đó. Vậy mỗi ngày chúng ta hãy hướng về ngày Chúa trở lại mà sống, sống như là ngày Chúa trở lại hôm nay.

CÂU HỎI
1. Theo Chúa chúng ta có hy vọng gì?
2. Làm sao chúng ta biết được chắc chắn Chúa sẽ trở lại?
3. Chúa sẽ trở lại cách nào?
4. Chúa sẽ trở lại cách thình lình giống như gì?
5. Chúa sẽ trở lại cách mau chóng giống như gì?
6. Làm sao chúng ta biết chắc chắn là Chúa sắp trở lại?
7. Chúng ta phải có thái độ nào khi chờ đợi Chúa sắp trở lại?
8. Chúng ta phải giữ thái độ đó cho đến bao lâu?
9. Đầy tớ gian ác và bất trung nghĩ như thế nào?
10. Đầy tớ gian ác và bất trung làm như thế nào và kết quả ra làm sao?
11. Mỗi người trong chúng ta hướng về đâu mà sống? 

Mục sư Đoàn Văn Miêng

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

Bài 32: Hội Thánh Bị Cảnh Cáo

 
Bài 32: HỘI THÁNH BỊ CẢNH CÁO

Kinh Thánh: Khải-huyền 2:18; 3:22
Câu gốc: “Nầy, ta đứng ngoài cửa mà gõ, nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người và người với ta” (Khải-huyền 3:20).
Mục đích: Khuyến khích chúng ta theo Chúa một cách trung tín, sẵn sàng, chấp nhận lời quở trách, cảnh cáo và ngay cả sự sửa phạt của Chúa nữa. Bởi vì những điều đó là dấu hiệu Đức Chúa Trời thương yêu chúng ta.

Kinh Thánh đọc hằng ngày
Chúa Nhật:
HỘI THÁNH THỜ HÌNH TƯỢNG
(Khải-huyền 2:18-19)
Thứ Hai:
HỘI THÁNH CHẾT
(Khải-huyền 3:1-6)
Thứ Ba:
HỘI THÁNH TRUNG TÍN
(Khải-huyền 3:7-13)
Thứ Tư:
HỘI THÁNH HÂM HẨM
(Khải-huyền 3:14-22)
Thứ Năm:
HÌNH ẢNH CỦA ĐẤNG CHRIST
(Khải-huyền 1:10-18)
Thứ Sáu:
ĐẶC TÍNH CỦA ĐẤNG CHRIST
(Khải-huyền 2:1, 8, 12, 18; 3:1, 7, 14)
Thứ Bảy:
SỰ CAO QUÝ CỦA ĐẤNG CHRIST
(Khải-huyền 5)

I. THI-A-TI-RƠ, HỘI THÁNH THỜ HÌNH TƯỢNG (Khải-huyền 2:18-29)
Chúa thấy Hội Thánh Thi-a-ti-rơ tốt hơn Hội Thánh Ê-phê-sô là họ có tình thương mà Hội Thánh Ê-phê-sô đã mất. Họ cũng có đức tin, phục vụ, nhẫn nại. Công việc cuối cùng của họ còn nhiều hơn công việc ban đầu nữa. Song Hội Thánh Ê-phê-sô không dung túng kẻ ác, mà phân biệt chân giả, ghét đảng Ni-cô-la, còn Hội Thánh Thi-a-ti-rơ lại chấp nhận đảng Giê-sa-bên.

Hội Thánh Thi-a-ti-rơ như một khu vườn, một đám ruộng tốt mà kẻ thù đã gieo cỏ lùng vào. Hội Thánh Thi-a-ti-rơ như một thân hình mạnh mẽ mà trong đó bệnh ung thư đang phát sinh. Chúa mượn Giê-sa-bên cũng như Ba-la-am để mô tả tội lỗi của Hội Thánh Thi-a-ti-rơ và Ê-phê-sô. Giê-sa-bên là một đàn bà ngoại đạo thuộc dân Si-đôn, được vua A-háp của dân Y-sơ-ra-ên cưới làm hoàng hậu. Bà đã đem thần Ba-anh và Át-tạt-tê theo mình, và được A-háp lập các cuộc thờ phượng đó trong xứ Y-sơ-ra-ên (ICác-vua 16:29-33). Cũng vậy, Hội Thánh Thi-a-ti-rơ dung túng một đàn bà xưng mình là tiên tri, có hành động như Giê-sa-bên là cám dỗ nhiều người phạm tội dâm loạn và ăn của cúng thần tượng. Hội Thánh Ê-phê-sô thiếu tình thương, còn Hội Thánh Thi-a-ti-rơ thiếu sự thánh khiết. Đó là một sự thiếu thốn lớn. “Vì ý muốn của Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô uế… Bởi chung Đức Chúa Trời chẳng gọi chúng ta đến sự ô uế đâu, bèn là sự nên thánh vậy” (ITê-sa-lô-ni-ca 4:3-7).

1. CHÚA CẢNH CÁO ĐẢNG GIÊ-SA-BÊN (21-23): Chúa nhân từ cho họ có thì giờ để ăn năn mà họ không ăn năn. Loài người dễ bị cám dỗ mà phạm tội, song rất khó để ăn năn. Bởi cớ không ăn năn nên Chúa sẽ quẳng họ trên giường đau đớn, vào tai nạn lớn cho đến chết. Trước Đấng có con mắt như ngọn lửa, thấy hết mọi sự, và dưới cơn thạnh nộ của Đấng có chân như đồng sáng dễ nghiền nát thì thật là điều đáng kinh khiếp. Chúa không muốn ai chết mất, mà muôán mọi người được cứu, song ai nấy phải ăn năn.

2. CHÚA KHUYÊN LƠN NHỮNG NGƯỜI CÒN LẠI (24-25): Không phải hết thảy Hội Thánh Thi-a-ti-rơ đều bị Sa-tan đầu độc qua giáo lý của Giê-sa-bên. Trái lại, một số đã đứng vững mà từ khước mọi cám dỗ. Đối với những người đó, Chúa khuyên họ bền giữ mọi điều mình có cho đến chừng Ngài đến. Hội Thánh ngày nay cũng phải coi chừng kẻo bị đầu độc bởi giáo lý của Giê-sa-bên (Gia-cơ 4:4).

II. SẠT-ĐE, HỘI THÁNH CHẾT (Khải-huyền 3:1-6)

Chúa không có lời nào khen Hội Thánh Sạt-đe, vì Ngài thấy công việc của họ không trọn vẹn chi cả. Họ có tiếng là sống mà kỳ thật đang chết mòn. Tại đây không có đảng Ba-la-am hoặc Ni-cô-la hay Giê-sa-bên. Dường như Sa-tan không cần phí công hoạt động, nó cứ để vậy rồi lần hồi thì Hội Thánh sẽ chết. Phải chăng đang có nhiều Hội Thánh giống như Sạt-đe?

Trong Hội Thánh Sạt-đe, một số người chưa có sự sống của Chúa, một số khác có sự sống nhưng yếu đuối, nghèo nàn chứ không được mạnh mẽ, phong phú. Một số ít chưa làm ô uế áo xống mình, ám chỉ những kẻ kia đã làm ô uế áo xống của họ. Như vậy, tội lỗi đã làm tiêu hao sinh lực của Hội Thánh. Ngày nay, một số Hội Thánh muốn làm cho nổi tiếng mình là sống, song kỳ thật đang chết mòn. Càng cố gắng một cách miễn cưỡng bằng sức riêng, bằng sự sống của xác thịt thì càng uể oải, chán chường, cuối cùng phải gục ngã, nằm dài. Một tội lỗi kín đáo nào còn ở trong Hội Thánh, nó chỉ có một tên đơn sơ là ô uế song rất nguy hiểm. Vì đã bị ô uế thì không còn đứng nỗi trước mặt Ngài như đạo binh của Giô-suê đã bị A-can làm cho ô uế. Chúa chỉ cho Hội Thánh Sạt-đe phương cách giải độc:

1. HÃY THỨC TỈNH VÀ LÀM CHO VỮNG SỰ CÒN LẠI, LÀ SỰ HẦU CHẾT (câu 2): Trong hy vọng cuối cùng, Chúa kêu gọi họ nhen lại ân tứ của Ngài (IITi-mô-thê 1:6). Một chút lửa làm cháy cả rừng.

2. HÃY NHỚ LẠI ĐIỀU MÌNH ĐÃ NHẬN VÀ NGHE THÌ GIỮ LẤY VÀ ĂN NĂN ĐI (câu 3): Mỗi khi nhớ lại những gì đã qua làm cho chúng ta được khích lệ về ơn phước Chúa ban để giữ lấy, vừa đau đớn về những lỗi lầm để ăn năn. Nếu không ăn năn Chúa sẽ đến một cách thình lình như kẻ trộm mà chúng ta không ăn năn kịp. Chúa muốn chúng ta ăn năn ngay, không phải chờ đợi một ngày, một giờ nào khác.

Phước cho người gìn giữ áo xống mình được trắng để cùng đi với Chúa bất cứ lúc nào Ngài đến. Màu trắng chỉ về sự thánh khiết là màu đặc biệt của sách Khải-huyền (2:17; 6:2; 7:9, 14; 19:11, 14; 20:11).

III. PHI-LA-ĐEN-PHI, HỘI THÁNH TRUNG TÍN (Khải-huyền 3:7-13)
Chúa không có lời khen cho Hội Thánh Sạt-đe, song không có lời trách cho Hội Thánh Phi-la-đen-phi. Dầu họ có ít năng lực, nhưng cứ giữ lời Chúa, không chối danh Ngài, tức là muốn cứ được hầu việc Ngài.

1. CHÚA MỞ TRƯỚC MẶT HỌ MỘT CÁI CỬA (câu 7, 8, 9): Cái cửa chỉ về cơ hội. Khi đứng trước một sự khố khăn, chúng ta tưởng như các cửa đều đóng hết và mình hoàn toàn thất vọng. Đó là trường hợp của Hội Thánh Phi-la-đen-phi. Vì thế, Chúa cho họ biết Ngài đã mở một cái cửa trước mặt họ, có lẽ là một cái cửa hẹp mà họ không thấy vì không để ý.

Người khôn thấy cơ hội trong sự khó khăn, kẻ dại thấy sự khó khăn trong cơ hội. Chúng ta hãy bình tĩnh nghe rõ tiếng Chúa, thấy rõ một cái cửa Chúa đang mở trước mặt mình. Tuy nhiên, bên cạnh cái cửa đó luôn luôn có sự chống đối của Sa-tan (ICô-rinh-tô 16:9). Không ai khác hơn là những kẻ giả hình trong Hội Thánh. Song Chúa có chìa khóa của Đa-vít là chìa khóa toàn quyền đóng và mở, và chìa khóa của sự chết và âm phủ nữa. Vậy, hãy xin Chúa mở cửa giảng đạo khắp nơi (Cô-lô-se 4:3-4).

2. CHÚA ĐẾN MAU CHÓNG (câu 10, 11): Đành rằng có sự thử thách, nhưng không hại gì cho kẻ trung tín với Chúa. Hơn nữa, Ngài sẽ đến mau chóng để ban thưởng.

IV. LAO-ĐI-XÊ, HỘI THÁNH HÂM HẨM (Khải-huyền 3:14-22)
Mở đầu, Chúa trách ngay tội hâm hẩm của họ mà Ngài không chịu nỗi, muốn nhả họ ra. Họ có mắt song đui mù, không thấy được thực trạng của mình là khổ sở, khốn khổ, nghèo ngặt, lõa lồ mà cứ tưởng mình là giàu có đến nỗi không cần gì nữa, Chúa ước ao họ nóng nảy hay lạnh chứ đừng hâm hẩm. Hâm hẩm là Hội Thánh lưng chừng, cầu an, thế nào cũng xong thôi, không tiến cũng không thoái, không chống đối cũng không ủng hộ, không chối Chúa, cũng không hầu việc Ngài, đặng không mừng, mất không lo… Người yếu đuối muốn mạnh mẽ, người thối lui muốn tiến bộ, người sa ngã muốn đứng dậy, người nguội lạnh muốn nóng nảy. Song người hâm hẩm không muốn gì cả, cho mình là đủ rồi.

Lịch sử chép rằng Hội Thánh Lao-đi-xê nằm trên một con sông bắt nguồn từ một suối nước nóng. Nước từ suối đó chảy ra rất nóng, song lần hồi pha với nước lạnh nên trở thành hâm hẩm. Hội Thánh Lao-đi-xê bị thế gian xâm nhập và chi phối (Ma-thi-ơ 24:12). Chúa rất gớm Hội Thánh như thế.

1. CHÚA KHUYÊN (câu 18): Dầu Ngài có quyền truyền lệnh song chỉ khuyên. Tất cả mọi nhu cầu của chúng ta được Chúa đáp ứng đầy đủ. Ân điển của Chúa được ban cho vô điều kiện (Ê-sai 55:1).
2. CHÚA GỌI (câu 19): Chúa cảnh cáo sẽ nhả họ ra, song Ngài yêu thương muốn họ sốt sắng và ăn năn để được Ngài tha thứ.
3. CHÚA CHỜ ĐỢI (câu 20): Để được cứu khỏi tình trạng hâm hẩm, mỗi người phải mở cửa nhà, cửa lòng mời Chúa ngự vào. Ai có Chúa thì không thể nào hâm hẩm mà phải nóng nảy như lửa cháy, không nước nào tưới cho tắt được (Lu-ca 24:32; Nhã-ca 8:6,7).

Dầu mỗi Hội Thánh đều có những lỗi lầm khác nhau mà Chúa quở trách, song Hội Thánh nào cũng được lời hứa rất quý, rất lớn, dành cho những kẻ thắng. Đắc thắng là ăn năn và làm những gì Ngài khuyên bảo.

CÂU HỎI
1. Một người không thờ hình tượng song tham lam thì thế nào?
2. Dung túng tội lỗi, Hội Thánh sẽ bị hại gì?
3. Thực trạng của Hội Thánh Sạt-đe là gì? Xin giải thích.
4. Phương thuốc giải độc cho Hội Thánh Sạt-đe là gì?
5. Chúa đã mở một cái cửa trước mặt Hội Thánh Phi-la-đen-phi có nghĩa gì?
6. Hai Hội Thánh nào không có lời trách và hai Hội Thánh nào không có lời khen?
7. Tại sao Chúa không chịu được Hội Thánh hâm hẩm?
8. Tại sao Hội Thánh Lao-đi-xê đã trở nên hâm hẩm?
9. Chúa khuyên Hội Thánh Lao-đi-xê thế nào?
10. Làm sao giải quyết vấn đề hâm hẩm để trở nên nóng cháy?
11. Hội Thánh của bạn giống như Hội Thánh nào trong các Hội Thánh này?
12. Bạn nhất định làm gì sau khi học xong bài học này? 

Mục sư Đoàn Văn Miêng

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2018

Tuổi Trẻ Cơ Đốc Trước Những Cơ Hội & Thách Thức Hôm Nay


“Giới trẻ mê điện thoại hơn hẹn hò”. Đó là tựa đề bài báo khá hay đăng trên báo Thanh Niên số ra ngày 29.10.2017 của Phúc Duy. Dựa vào công trình nghiên cứu của Giáo sư tâm lý học Jean Twenge thuộc Đại học San Diego, bang California, Mỹ, tác giả cho biết rằng các bạn trẻ ra đời trong giai đoạn 1995-2005 tại nhiều nước có xu hướng sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) để “sống ảo” trên mạng xã hội hơn là ra ngoài gặp gỡ người thật việc thật. Bà Twenge gọi đây là thế hệ “i-generation” (iGen, hay thế hệ internet). Nhóm nghiên cứu của bà Twenge cũng phát hiện “kể từ năm 2015, ngày càng nhiều thanh thiếu niên Mỹ có dấu hiệu trầm cảm, dễ cáu gắt và cô đơn”. Cũng theo lời của Tiến sĩ Ramin Mojtabai thuộc Đại học Johns Hopkin cho hay “giới trẻ dành hơn 3 giờ mỗi ngày dán mắt vào màn hình thiết bị công nghệ thông tin có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn, dẫn đến nhiều hệ lụy và nguy hiểm nhất là ý định tự sát.”  Bài báo đã khiến người đọc lo ngại về nguy cơ và thách thức của giới trẻ trong xã hội hiện đại.
Vì thế, nhân ngày “Thanh Thiếu niên Tin Lành”, chúng ta cùng nhau suy ngẫm Lời Chúa qua đề tài: “Tuổi trẻ Cơ Đốc trước những cơ hội và thách thức hôm nay”.
TUỔI TRẺ VỚI NHIỀU ĐẶC ÂN & CƠ HỘI
  • Tuổi trẻ là buổi bình minh tươi đẹp, là mùa xuân của cuộc đời
Chúng ta cảm tạ Chúa vì Ngài ban cho đời người có một thời thanh xuân đẹp đẽ để sống. Kinh Thánh mô tả tuổi thanh xuân như buổi bình mình tươi sáng trước khi “những ngày gian nan chưa đến”, trước khi những ngày “tối tăm” mây mù của cuộc đời ập đến khiến “ta không lấy làm vui lòng” (Truyền Đạo 12:1b-2) và rồi bước vào tuổi già xế chiều “chân yếu, mắt mờ, tóc, bạc”. Vua Đa-vít cũng mô tả tuổi thanh niên mạnh mẽ như “chim phụng hoàng” (Thi 103:5). Sứ đồ Giăng ca ngợi sức mạnh của tuổi trẻ “Vì các người là mạnh mẽ” (1Giăng 2:14). Ca dao Việt Nam có câu “Tuổi mười bảy, bẻ gảy sừng trâu”. Thật vậy, Chúa ban cho các bạn trẻ những ngày tươi vui đáng yêu. Tôi nhớ khi còn ở trung học tôi rất thích mấy câu thơ của nhà thơ Đinh Hùng “Khi mới lớn tuổi mười lăm, mười bảy, Làm học trò mắt sáng với môi tươi.”
  • Cơ hội vui hưởng tuổi thanh xuân
 “Hỡi kẻ trẻ kia, hãy vui mừng trong buổi thiếu niên, khá đem lòng hớn hở trong khi còn thơ ấu, hãy đi theo đường lối lòng mình muốn, và nhìn xem sự mắt mình ưa thích.” (TĐ 11:9)
Kinh Thánh không cấm tuổi trẻ vui chơi mà còn khích lệ tuổi trẻ hãy vui hưởng phước hạnh của tuổi thanh xuân nhưng phải biết kỷ luật, tiết độ và phải biết tận dụng cơ hội, thì giờ Chúa ban cho để sống một đời có ý nghĩa  theo ý muốn của Chúa. Đặc biệt các bạn hãy tận dụng cơ hội để học hỏi và tiến bộ.  Người xưa thường nói “Ấu bất học, lão hà vi” (Nhỏ không học, lớn là chi). Thật vậy, tuổi trẻ là cơ hội tốt để học tập, rèn luyện hầu trở nên người có năng lực, hữu dụng cho xã hội và cho Chúa. So với tuổi trẻ của chúng tôi cách đây hơn 50 năm, các bạn hôm nay có nhiều may mắn, cơ hội hơn thế hệ của chúng tôi nhiều. Vì thế, hãy tận dụng mọi cơ hội để rèn luyện trở thành người có năng lực tốt giúp ích cho xã hội và Hội Thánh.
  • Tuổi trẻ chóng qua
     “Vì tuổi thanh xuân chóng tàn theo thời gian.(BDM) (TĐ. 11:10b)
Tuổi trẻ được Chúa ban cho nhiều đặc ân và cơ hội nhưng nên nhớ rằng thời thanh xuân rồi cũng qua nhanh. Tuổi trẻ của thời chúng tôi không may mắn như các bạn hôm nay: Tôi sinh ra trong chiến tranh, mồ côi cha từ trong bụng mẹ, lớn lên trong chiến tranh qua hai cuộc chiến, chịu nhiều gian khổ, thiệt thòi, mất mát. Nhưng tạ ơn Chúa “tôi nay là người thể nào là nhờ ân điển Chúa” cứu tôi và gìn giữ bảo vệ đời tôi. Nhìn lại, tôi thấy thật tuổi trẻ qua nhanh, chóng tàn theo thời gian đúng như Kinh Thánh nói. Năm 1975 tôi mới 28 tuổi, mà bây giờ đã tới tuổi “thất thập cổ lai hi” rồi. Vì thế tôi khuyên các bạn hãy tận dụng cơ hội, thì giờ Chúa cho để tuổi thanh xuân không bị lãng phí, trở nên hư không, vô nghĩa.
TUỔI TRẺ ĐỐI DIỆN NHIỀU CÁM DỖ & THÁCH THỨC
“Vậy, khá giải sầu khỏi lòng ngươi, và cất điều tai hại khỏi xác thịt ngươi; vì lúc thiếu niên và thì xuân xanh là sự hư không mà thôi.”  (TĐ 11:10)
  • Tình trạng đạo đức, tâm linh suy đồi
            Chúa ban cho tuổi trẻ nhiều đặc ân và cơ hội nhưng cũng cảnh báo về những nguy cơ sẽ phải đối diện nếu lạm dụng và phóng túng thời trai trẻ. Thay vì vui hưởng hạnh phúc tuổi xuân, giới trẻ ngày nay có thể rơi vào tình trạng đau khổ, buồn chán, thất vọng do không thận trọng, thiếu khôn ngoan trong lối sống. Xã hội hiện đại có nhiều tiện nghi vật chất nhưng cũng lắm cạm bẫy cho tuổi trẻ, nhất là trong lãnh vực tình yêu, tình dục. Chưa bao giờ người ta ca ngợi, tán tụng tình yêu như trong thời đại chúng ta, nhưng cũng chưa bao giờ tình yêu hôn nhân trở nên cay đắng, đổ vỡ nhiều như hôm nay. Xã hội hiện đại mà chúng ta đang sống là xã hội duy tính dục, lạm dụng tình dục, không phân biệt được giữa tình yêu và tình dục và có những quan niệm tình yêu lệch lạc, không lành mạnh như “tình dục trước hôn nhân”, “sống thử” hay “yêu vội sống gấp” như nhà thơ lãng mạn đầu thế kỷ 20 đã giục giã “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ, em ơi tình non sắp già rồi.” (Nguyễn Bính). Và điều đáng ngại hơn trong xã hội hiện đại là người ta tán đồng, chấp nhận những quan niệm tình yêu hôn nhân tội lỗi, bệnh hoạn trái với sự dạy dỗ của Kinh Thánh như đồng tính luyến ái, hôn nhân đồng tính, và kéo theo những tệ nạn xã hội như mãi dâm, ma túy… Nguyên nhân của những tệ trạng trên là do tình trạng suy đồi đạo đức, tâm linh của nhân loại trong thời kỳ cuối cùng như Kinh Thánh đã tiên báo “Hãy biết rằng trong ngày sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn. Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính, vô tình, khó hòa thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành, lường thầy phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời.” (2 Tim. 3:1-4).
  • Thời đại bùng nổ kỹ thuật thông tin hiện đại với internet, điện thoại thông minh…
            Một nguy cơ, thách thức trong xã hội hiện đại mà tuổi trẻ Cơ Đốc phải đối diện là sự bùng nổ của kỹ thuật, thông tin với Internet, điện thoại thông minh. Tuổi trẻ ngày nay bị cuốn hút, mê hoặc bởi thế giới ảo như bài báo “Giới trẻ mê điện thoại hơn hẹn hò” đã nói ở trên. Người ta đang lo ngại vì “Công nghệ thông tin đem người xa lại gần, nhưng lại làm cho những người gần lại xa cách nhau” và có nguy cơ gây đổ vỡ, mất hạnh phúc trong hôn nhân, gia đình. Các bạn trẻ nên nhớ rằng Internet, Smartphone là con dao hai lưỡi: Nó có lợi vì là phương tiện truyền thông, liên lạc, học hỏi nhanh chóng, tiện lợi; nhưng cũng gây hại về tâm linh, đạo đức do ảnh hưởng phim sex, gameonline…
  • Sự chết đang tấn công tuổi trẻ hôm nay
Có thể nói ma quỉ và sự chết đang tấn công tuổi trẻ Cơ Đốc hôm nay. Ma quỉ là kẻ cám dỗ, lừa dối, là kẻ «cướp giết và hủy diệt » như Chúa Giê-xu đã cảnh báo. Kinh Thánh cũng dạy «Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được (1 Phi 5 :8)
Tiên tri Giê-rê-mi ngày xưa đã mô tả kẻ thù của dân Y-sơ-ra-ên sẽ tấn công thành Giê-ru-sa-lem, giết hại trẻ con và thanh niên bằng những hình ảnh rất sống động : «Vì sự chết đã leo qua cửa sổ, Lẻn vào lâu đài chúng ta, Giết hại trẻ con ngoài đường phố Và thanh niên trên các quảng trường. » (Giê-rê-mi 9:21).
Tôi nghĩ sứ điệp của tiên tri Giê-rê-mi về kẻ thù tấn công, giết chết con dân Chúa ngày xưa, cũng được ứng nghiệm một lần nữa trong thời đại chúng ta qua phương tiện internet, máy tính với chương trình Windows ngày nay. Ngày xưa, kẻ thù của dân Y-sơ-ra-ên đã bò qua cửa số từng nhà, từng lâu đài bằng vật chất để giết hại trẻ em, thanh niên thể nào thì ngày nay kẻ thù của tuổi trẻ Cơ Đốc là ma quỉ và sự chết cũng leo qua cửa sổ Windows của máy tính để tấn công và hủy diệt tuổi trẻ như vậy. Nếu các bạn đọc bản Kinh Thánh tiếng Anh thì dễ cảm nhận ra ngay phải không (Death has climbed in through our windows.. »(NIV). Vì thế, chúng ta phải hết sức cẩn thận và đề cao cảnh giác trước cám dỗ của của ma quỉ qua phương tiện kỹ thuật hiện đại.
  • Đức Chúa Trời sẽ phán xét
“nhưng phải biết rằng vì mọi việc ấy, Đức Chúa Trời sẽ đòi ngươi đến mà đoán xét.” (11:9b)
Lời Chúa cũng cảnh báo về nguy cơ, hiểm họa mà tuổi trẻ phải đối diện và kêu gọi tuổi trẻ phải cẩn thận, tiết độ, kỷ luật trong đời sống. Lời Chúa cũng cảnh báo về sự phán xét của Chúa đối với lối sống tội lỗi của họ.
       TUỔI TRẺ CƠ ĐỐC ĐẮC THẮNG
Cảm tạ Chúa vì Ngài hứa ban cho tuổi trẻ Cơ Đốc chúng ta sự đắc thắng trong Danh Chúa Giê-xu. Ngài đã đến để ban sự đắc thắng và hy vọng cho chúng ta. “Hỡi kẻ trẻ tuổi, ta đã viết cho các ngươi, vì các ngươi là mạnh mẽ, lời Đức Chúa Trời ở trong các ngươi, và các ngươi đã thắng được ma quỉ.”(1 Giăng 2:14c). Chúng ta không thể nhờ sức riêng mình đắc thắng quyền lực của ma quỉ, nhưng phải nhờ sự đắc thắng trong danh Chúa Giê-xu và Lời của Ngài. Kinh Thánh dạy tuổi trẻ chúng ta những bí quyết để sống đắc thắng cho Ngài.
  • Tuổi trẻ Cơ Đốc phải cảnh giác trước cám dỗ của thế gian, ma quỉ
Lời Chúa khuyên chúng ta “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.”. (Rôm. 12:2). Tuổi trẻ Cơ Đốc tuy sống ở giữa thế gian đầy tội lỗi, cám dỗ nhưng không bị đồng hóa (làm theo) mà phải biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình nhờ Lời Chúa để vâng phục ý muốn tốt lành đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời.
Tuổi trẻ Cơ Đốc phải tránh xa những điều gây phiền não cho tinh thần và có hại cho thể xác do lối sống suy đồi, sa đọa tình dục, mãi dâm, nghiện ma túy. “Vậy, khá giải sầu khỏi lòng ngươi, và cất điều tai hại khỏi xác thịt ngươi.”
  • Phải canh giữ tấm lòng và đôi mắt
             Lời Chúa cũng khuyên tuổi trẻ Cơ Đốc phải canh giữ tấm lòng và đôi mắt, đừng đi “đi theo đường lối lòng mình muốn, và nhìn xem sự mắt mình ưa thích,” (Truyền Đạo 11:9a). Mắt và lòng thường liên quan, tác động lẫn nhau vì đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Những cám dỗ thường đến với chúng ta qua mắt nhìn, vì thế phải cẩn thận trong cách nhìn của chúng ta. Muc sư Billy Graham cũng nhắc nhở “Tội là cái nhìn thứ hai”.
 Kinh Thánh cũng cảnh báo “Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, Vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra.”(Châm ngôn 4:23) và “Các ngươi phải mang cái tua nầy; khi thấy nó các ngươi sẽ nhớ lại hết thảy điều răn của Đức Giê-hô-va mà làm theo, không theo tư dục của lòng và mắt mình, là điều làm cho các ngươi sa vào sự thông dâm.” (Dân số 15:39)
  • Tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa
Trong buổi còn thơ ấu hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa ngươi,” (TĐ 12:1)
Tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa có nghĩa gì? Đó là tinh thần luôn ý thức sự hiện diện của Chúa trong đời sống và cũng nhắc chúng ta phải tin cậy, kính sợ Chúa trong mọi mặt của đời sống. Tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa là giữ mối tương mật thiết với Ngài qua việc suy ngẫm Kinh Thánh và cầu nguyện  mỗi ngày. Cũng phải nuôi mình bằng lời Chúa và dùng lời Chúa như một vũ khí của Đức Chúa Trời để chiến thắng ma quỉ  “lời Đức Chúa Trời ở trong các ngươi, và các ngươi đã thắng được ma quỉ.” Tác giả Thi Thiên 119 cũng dạy “Người trẻ tuổi phải làm sao cho đường lối mình được trong sạch? Phải cẩn thận theo lời Chúa.”
  • Dâng tuổi thanh xuân phục vụ Chúa
Tuổi trẻ Cơ Đốc đắc thắng không những phải đề cao cảnh giác trước những cám dỗ, tấn công của ma quỉ qua việc canh giữ tấm lòng và đôi mắt, cũng như luôn tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa, mà còn tích cực hơn nữa là dâng tuổi thanh xuân của mình để phục vụ Chúa như lời Chúa dạy “Hỡi con, hãy dâng lòng con cho cha, Và mắt con khá ưng đẹp đường lối của cha.” (Châm 23:26). Tuổi trẻ Cơ Đốc ngày nay phải tận dụng cơ hội, thời gian Chúa ban mình để học hỏi, rèn luyện, trở thành những người có năng lực để cống hiến thật nhiều cho Chúa, cho Hội Thánh và xã hội. Tuổi trẻ Cơ Đốc hãy sống mạnh mẽ, đắc thắng như Đa-vít, Đa-ni-ên và ba bạn Hê-bơ-rơ. Cũng hãy đắc thắng những cám dỗ tình dục như Giô-sép vậy.
Chúng ta biết ơn Chúa đã ban cho tuổi trẻ chúng ta nhiều đặc ân và cơ hội quí báu. Trách nhiệm của chúng ta là phải sử dụng những điều Chúa ban cho để sống và làm vinh hiển danh Ngài. Tuổi thanh xuân tươi đẹp rồi sẽ chóng tàn và trở nên hư không vô nghĩa. Xin Chúa cho chúng ta biết dâng tuổi thanh xuân của mình cho Chúa, để biến những điều “hư không” đó sẽ trở thành “không hư” trong vương quốc Ngài. “Chớ để người ta khinh con vì trẻ tuổi; nhưng phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ.” (1 Tim. 4:12).
Trịnh Phan (HTTLVN.ORG)
Tháng 10. 2018

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!