Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

Nhận Biết Chính Giáo Và Tà Giáo


     Đất nước Việt Nam mở cửa phát triển và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu cũng nẩy sinh nhiều điều lo ngại về thật và giả, tốt và xấu, thiện và ác… những vấn đề này thật khó để một người có thể phân biệt mau chóng và chính xác. Nếu vào Google thử tra xem vấn đề “thật và giả”, chỉ trong 0,28 giây, đã cho ra 40.700.000 kết quả bằng tiếng Việt những bài viết và hình ảnh. Điều này phản ánh cái giả, cái xấu, cái ác xuất hiện khắp nơi đang len lỏi, đang làm hại, đang lôi kéo nhiều người vì lợi ích bất chấp thủ đoạn, bỏ qua chuẩn mực đạo đức, đánh đổi phẩm giá của mình. Người dân luôn mong chờ các biện pháp dư luận phê phán của xã hội; luật pháp, công cụ và các phương tiện của chính quyền đem lại sự ngăn chận hiệu quả hơn. Trong phương diện tâm linh, thời gian gần đây trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đã xuất hiện nhiều cảnh báo về tà giáo “Hội Thánh của Đức Chúa Trời” hay “Đức Chúa Trời Mẹ”, hoạt động không chỉ có hại cho người tin theo, mà còn đổ tiếng xấu cho đạo Tin Lành tại Việt Nam.
     Lịch sử Hội Thánh cho biết tà giáo xuất hiện từ rất sớm ngay khi thành lập Hội Thánh đầu tiên, Cơ Đốc giáo có sinh lực và năng quyền được người dân yêu mến, càng ngày càng đông người gia nhập, nên cũng đã có những người tin theo đạo “giả hiệu”. Sách Công Vụ Các Sứ Đồ có ghi nhận đến một vài người có mưu đồ lợi dụng niềm tin như vợ chồng A-na-nia và Sa-phi-ra, thuật sĩ Si-môn, Ê-ly-ma, các con trai của Sê-va đi rong trừ tà…[1] Những kẻ này dễ nhận ra nên không gây tai hại cho Hội Thánh bao nhiêu, nhưng các tà giáo giải thích Phúc Âm thêm bớt theo ý riêng của những người cầm đầu tai hại rất nhiều. Cộng đồng con dân Chúa đón nhận bất cứ ai đến gia nhập, bầu không khí tự do tạo cho những người có tư tưởng huyền bí cơ hội dung nạp triết học Hy Lạp, các đạo giáo Đông phương, những giáo huấn của đạo Do Thái vào giá trị đức tin Cơ-Đốc. Tất cả được gọi là “trí thức” bí ẩn hứa hẹn sự cứu rỗi cho những ai được ‘khai tâm’, được soi sáng tâm linh đã làm nên tà thuyết Trí huệ phái. Giáo thuyết tri thức cực đoan này gây ra tranh cãi, chia rẽ nguy hại cho niềm tin Cơ Đốc.[2] Tuy nhiên, để đối phó với những tư tưởng giáo thuyết này lại tạo ra dịp tiện giúp người ta cẩn thận tra xem Kinh Thánh, hiểu Phúc âm sâu sắc hơn và được thử nghiệm để vững vàng trong đức tin.
     Thứ nhất, xưa và nay, các tà giáo cũng hình thành theo một cách như nhau, đánh lừa người ta giữa thật và giả, tốt và xấu, thiện và ác, khiến nhiều người tưởng thật để chọn lựa đặt niềm tin của mình, nhưng rồi sau đó thất vọng hối tiếc, vì mất mát, vì chẳng đem lại cho ai sự cứu rỗi thật sự nào qua các giáo thuyết này. Tà giáo “Đức Chúa Trời Mẹ” hay “Hội Thánh của Đức Chúa Trời” bắt đầu từ một người Hàn quốc có tên là An Xang Hồng (Ahn Sahng-hong 1918-1985) sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Phật giáo. Năm ông ba mươi tuổi gia nhập đạo Cơ Đốc Phục Lâm, không bao lâu sau đó An Xang Hồng bị khai trừ vì cho mình nhận được mặc khải mới, dự báo ngày giờ tận thế.
     An Xang Hồng lôi kéo theo vài chục người theo mình và thành lập một tôn giáo thần bí mang nhiều danh xưng khác nhau như “Hội Thánh của Đức Chúa Trời”, “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ”[3]. Khi đạo này du nhập đến Việt Nam đã lấy danh là “Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp Hội Truyền Giáo Tin Lành Thế Giới” (World Mission Society Church of God). Danh xưng này làm cho nhiều người Việt lầm tưởng là một giáo phái chính thống của đạo Tin Lành.
     An Xang Hồng được xưng là “Chúa”, là “Thánh Linh”, là “Đức Chúa Trời” đã đến trần gian[4]. 
Hình ảnh bài cầu nguyện chung với Cha Đấng An Xang Hồng
     Trong việc giảng dạy ông nhấn mạnh phải gia nhập vào nhóm của mình thì mới được cứu rỗi nếu không tin sẽ bị trầm luân hư mất[5].
Mộ phần của ông An Xang Hồng và vợ thật là bà Hwang Won Sun.

     Vào năm 1985 ông đã qua đời lúc 67 tuổi, một người phụ nữ là Jang Gil Ja tiếp tục lãnh đạo tà đạo này, phong thánh cho An Xang Hồng là Đức Chúa Trời, còn bà hiện còn sống trở thành mẹ Đức Chúa Trời[6].
Sao chép Thánh ca 513 tôn vinh Đức Chúa Trời, thành bài hát ca ngợi An Sang Hong
     Lúc đầu chính quyền Hàn Quốc bỏ qua và không chú ý đến nhóm người ít ỏi này, cho đến khi tà đạo lớn mạnh trở nên nan đề của xã hội.
     Những chủ trương gian dối, không chân thật của An Xang Hồng đã bị phô bày vào đầu năm 1999, chương trình SBS TV Hàn Quốc phát sóng về Hội chứng nhân An Xang Hồng và đạo Đức Chúa Trời Mẹ. Chương trình này cho biết đạo mới này đã dỗ dành những người tin Chúa với giáo lý định trước ngày giờ tận thế, làm cho người nghe theo chỉ chú trọng đến điều này mà thôi, qua việc này để các tín đồ dâng hiến nhiều tiền, đến nỗi có nhiều gia đình bất hòa, tan vỡ và phá sản.
     Thế giới đã chứng kiến rất nhiều sự thất bại của những người tự xưng thánh thần, thiên tử, cứu thế chỉ là những nhân thần hư ảo. Các hoàng đế La mã, các vua chúa, các lãnh tụ một thời đầy quyền bính đóng vai thần linh để đáp ứng sự khao khát chờ mong của nhiều mến mộ. Chỉ riêng trong thế kỷ hai mươi có 22 người tự xưng mình là Chúa Jêsus, là Con Đức Chúa Trời cứu rỗi thế gian trong đó có An Sang Hong [7]. Một người đóng vai thần linh có trở thành chúa tể nắm binh quyền cả thế giới đi nữa vẫn chỉ là trò lừa lừa bịp. Khi nhân thần này ngã xuống, mọi hình tượng, công trạng, sự sùng bái dần dần lộ diện bản chất thật dối trá chỉ mang lại cho người ta bất hạnh và đau khổ. An Sang Hong, Jang Gil Ja, có xưng mình là gì đi nữa chỉ cho mọi người thấy sự phạm thượng giả danh đến đỉnh điểm vì đóng vai Đấng Tối Cao sáng tạo muôn loài vạn vật mà mọi người phải thờ phượng tôn vinh. Phận con người mỏng manh, giới hạn và cát bụi, tổ chức tôn giáo của con người có thể bất toàn và tiêu vong không thể nào đem đến cho ai cứu rỗi, sự sống vĩnh phúc được.[8]
Giáo chủ Anh Sang Hong, bà Jang Gil Ja, và Tổng Hội trưởng Kim Joo Cheol

     Thứ hai, An Sang Hong là một người xuất thân từ hệ phái Sabát, vì vậy ông chủ trương dùng một số câu Kinh Thánh và giải luận theo ý riêng. Phải giữ các ngày Sabát, Lễ Vượt qua, Lễ Lều tạm, Lễ Ngũ tuần, Lễ Thổi kèn…của đạo Do Thái, cho rằng ngày Sabát của giao ước không được bỏ, là một dấu hiệu đời đời của Đức Chúa Trời. Còn Lễ Vượt qua là đường lối của sự sống của Đức Chúa Trời nhờ đó con người mới được cứu. Các tín đồ nữ phải trùm đầu, không sử dụng hình ảnh thập tự giá, không có ngày lễ kỷ niệm Chúa giáng sinh. [9] Hội Thánh Đức Chúa Trời chủ trương giáo lý tận thế và ấn định sai trật ngày giờ Chúa tái lâm vào năm 1988, rồi đến năm 2004, đã gây hoang mang và bất ổn cho xã hội Hàn Quốc.[10]
Các tín đồ nữ phải trùm đầu

     Thứ ba, tà giáo Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ hiện nay hoạt động mạnh tại Việt Nam, bằng cách làm việc từ thiện, hoạt động xã hội, thành lập các công ty, đại lý kinh doanh làm cơ sở phát triển hợp pháp với chiêu bài tuyên truyền, dẫn dụ và kiếm tiền như đa cấp. Ngoài ra họ còn tổ chức chương trình văn hóa nghệ thuật, hòa nhạc giao hưởng “chữa bịnh”, vận dụng mạng lưới internet, facebook, sự tương tác giữa công nghệ, hình ảnh và âm thanh, phát hành nhiều sách vở và tài liệu. Cũng như các công ty kinh doanh đa cấp lừa đảo, tìm kiếm sự tín nhiệm của người ta bằng thủ thuật dùng hình ảnh quảng cáo, huân chương của nữ hoàng này, tuyên dương của tổng thống nọ, rồi đến nghị sĩ, thị trưởng, chủ tịch hội này tri ân, thống đốc bang kia cảm tạ vì những đóng góp của tà đạo này cho xã hội.  
Jang Gil Ja và Nguyên Phó Chủ tịch Nước Việt Nam ! Hình thật hay giả?
     Dần dần xã hội sẽ chấp nhận và khi đã tạo những ảnh hưởng lớn trong cộng đồng, tổ chức đội ngũ nhân sự được huấn luyện chu đáo năng động tận dụng mọi lúc mọi nơi để tuyên truyền giáo thuyết của họ và kêu gọi hình thức đầu tư dâng hiến cho tà đạo để tương lai hưởng lợi. Hoàn cảnh của xã hội Việt Nam là nơi dễ dàng cho tà giáo phát triển, đất nước đang mở cửa, đời sống nhiều người bất hạnh nghèo khổ, mệt mỏi chán nản cuộc sống, mất lòng tin vào con người nên hướng vào cõi tâm linh. Người ta chứng kiến bất công và cái ác xảy mỗi ngày, lâu nay được giáo dục trong môi trường thụ động tuân thủ, nay giới trẻ tìm cơ hội tự thân vận động bằng mọi giá vị lợi. Có các phương tiện như điện thoại, iPhone, laptop, iPad dễ dàng nắm bắt thông tin ngay, nhưng một người sẽ không dễ để có quyết định chọn lựa đúng. Nhà nghiên cứu tôn giáo GS. Nguyễn Quang Hưng đã trả lời phỏng vấn: “Người ta khẳng định hội này là tà đạo, dù giới nghiên cứu tôn giáo không thích dùng từ này lắm, nhưng đó là sự thật.[11]
     Tóm lại, những ngày gần đây giới truyền thông xã hội đã viết nhiều về hiện tượng này, chính quyền vào cuộc để ngăn chận mối nguy hại này. Về phía giáo hội chúng ta, Cơ Đốc giáo đã trải nghiệm việc đối kháng tà giáo từ thời các Sứ Đồ, đã hơn hai ngàn năm qua. Phương cách hữu hiệu nhất là việc tuyên xưng đức tin trên căn bản của nội dung Bài Tín Điều Các Sứ Đồ. Người tin Chúa cần nhận thức rằng, giáo lý chính giáo đã được ghi nhận không thể thêm bớt danh tánh, thay đổi bất cứ điều gì trái ngược với niềm tin Cơ Đốc xưa nay. Kinh Thánh khuyên dạy hàng giáo phẩm, chấp sự và tín hữu Tin Lành cẩn trọng cầu nguyện để khỏi bị mê hoặc, xa lánh các giáo sư giả, lên tiếng khuyên bảo họ và không dự phần vào công việc ác của họ:
     “Khi ấy, nếu có ai nói với các ngươi rằng: Kìa Đấng Christ ở đây hay là: Ở đó, thì đừng tin. Vì nhiều Christ giả và tiên tri giả sẽ dấy lên, làm những dấu lớn, phép lạ, nếu có thể được thì họ cũng đến dỗ dành chính những người được chọn.”
     “Hễ ai đi dông dài, chẳng bền lòng theo đạo Đấng Christ, thì người ấy không có Đức Chúa Trời. Còn ai bền lòng trong đạo ấy, thì người đó có Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Nếu ai đến cùng các ngươi mà không đem đạo ấy theo, thì chớ rước họ vào nhà, và đừng chào hỏi họ. Vì người nào chào hỏi họ, tức là dự vào công việc ác của họ.”
     “Nhưng hãy lánh những điều cãi lẽ dại dột, những gia phổ, những sự cạnh tranh nghị luận về luật pháp, vì mấy sự đó đều là vô ích và hư không. Sau khi mình đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo một hai lần rồi, thì hãy lánh họ.”
      “Hỡi kẻ rất yêu dấu, vì anh em đã được biết trước, vậy hãy giữ cho cẩn thận, e anh em cũng bị sự mê hoặc của những người ác ấy dẫn dụ, mất sự vững vàng của mình chăng.”
     “Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ. Nguyền xin vinh hiển về nơi Ngài, từ rày đến đời đời! A-men.”[12]                                                         
Phúc Thanh (HTTLVN.ORG)
—————-
[1] Kinh Thánh sách Công vụ 5:1-11; 8:9-24; 13:8; 19:13-20.
[2] Các Thư tín Phao-lô và các sách Hê-bơ-rơ, I và II Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giu-đe đã giáo huấn về tà giáo. Xem thêm Textbook Lịch sử Hội Thánh. Viện Thần học Việt Nam. Phần 6 Những đụng độ ban đầu với tà giáo. VietBible.
[3] https://vi.wikipedia.org/wiki/Hội_Thánh_của_Đức_Chúa_Trời_Hiệp_hội_Truyền_giáo_Tin_Lành_Thế_giới
     Kinh Thánh cảnh báo: “Vì nhiều người sẽ mạo danh ta đến mà nói rằng: Ta là Đấng Christ; và sẽ dỗ dành nhiều người.” “Nhiều tiên tri giả sẽ nổi lên và dỗ dành lắm kẻ.” Math 24: 5,11.
[4] Căn cứ và giải luận Kinh Thánh sai trật trong Khải huyền 14;1,2; Giăng 16:7-14; Luca 1: 32…; Bài cầu nguyện chung của tà giáo này: “Lạy Cha An Sang Hong ở trên trời! Xin Cha thương xót cho chúng con, vì ngày tái lâm sắp đến nhưng chúng con chưa được chuẩn bị đầy đủ, xin An Sang Hong khiến chúng con được tái sinh bởi Đức Thánh Linh của Cha hầu cho chúng con tiếp đón Cha trong ngày tái lâm cách đầy đủ, chúng con hiệp chung cầu nguyện nhân danh An Sang Hong Christ Amen”. Họ cầu nguyện như vậy vì tà giáo tin nhận rằng An Sang Hong là vừa Đức Chúa Trời vừa là Đấng Christ.
[5] Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ là “Hội Thánh chân thật duy nhất mà đích thân Đức Chúa Trời đã dựng nên trên đất này.” để ban cho con người sự cứu rỗi. Giáo thuyết căn cứ trên Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28. Họ dạy rằng chỉ có Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ mới có sách sự sống, ai chịu báp-tem bằng việc nhân danh An Sang Hong, được ghi vào sách sự sống thì mới được cứu rỗi.
[6] Khi Anh Sang Hong qua đời, tổ chức Tổng hội lâm thời bổ nhiệm Jang Gil Ja là mẹ Đức Chúa Trời (1985)
[7] https://vi.wikipedia.org/wiki/Những_người_xưng_là_Giê-su
[8] Con người chỉ được cứu khi đặt đức tin nơi Chúa Cứu Thế Jêsus và sự cứu rỗi là sự ban cho của Đức Chúa Trời (Êphêsô 2:8,9).
[9] Côlôse 2:14-17 dạy rằng:“Ngài đã xóa tờ khế lập nghịch cùng chúng ta, các điều khoản trái với chúng ta nữa, cùng phá hủy tờ khế đó mà đóng đinh trên cây thập tự; Ngài đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ. Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát, ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ.”
[10] Kinh Thánh dạy rằng, con người không thể nào định trước ngày giờ tái lâm của Chúa. Math. 24:36 chép: “Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả, thiên sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết mà thôi.”
[11] https://tintaynguyen.com/goi-hoi-thanh-duc-chua-troi-la-ta-dao-khong-oan-ty-nao/565035/
[12] Math. 24 :23-24; II Giăng 1:9-11;Tít 3:9-10; II Phi-e-rơ 3:17-18.

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

Lễ Cung Hiến Đền Thờ, Bổ Nhiệm Quản Nhiệm Và Truyền Giảng Tin Lành Tại HTTL Phúc Âm 2



Vào lúc 8g30 ngày 20/4/2018, Lễ Khánh thành và Cung hiến nhà thờ Tin Lành Phúc Âm 2 đã được tổ chức cách long trọng. Về dự có khoảng 1700 tôi con Chúa trong, ngoài tỉnh Bình Thuận và các tôi con Chúa ở hải ngoại.
Lúc 8g30, lãnh đạo Giáo hội cắt băng khánh thành nhà thờ Tin Lành Phúc Âm 2
Quang cảnh trong nhà thờ
Ban hát HT Phúc Âm 2 tôn vinh Chúa trong chương trình
"45 năm hát mừng HT Phúc Âm 2" - Ban hát HTTL Phúc Âm 2 và tín hữu ở xa
Mục sư Hội trưởng Thái Phước Trường giảng luận và cầu nguyện cung hiến nhà thờ
Nghi thức cung hiến do Mục sư Nguyễn Văn Ngọc – Phó TTQ – thực hiện

Đại diện hội ICM chúc mừng

Tri ân lãnh đạo Giáo hội

Nhà thờ Tin Lành Phúc Âm 2 được xây dựng với tổng kinh phí hơn 14 tỉ đồng
*** Buổi chiều cùng ngày, Lễ Bổ nhiệm cho Mục sư Cao Nguyễn Duy Thức làm Quản nhiệm HTTL Phúc Âm 2 đã được diễn ra vào lúc 14 giờ.
Mục sư Nguyễn Hữu Bình – Phó Hội trưởng II – giảng dạy Lời Chúa
Mục sư Võ Thành Phê – UV TLH – thực hiện nghi thức bổ nhiệm
Mục sư Phan Vĩnh Cự – Phó Hội trưởng I – cầu nguyện cho Tân Quản nhiệm
Mục sư Cao Nguyễn Duy Thức bày tỏ tâm chí
*** Nhân dịp này, Ban Đại diện Tin Lành tỉnh Bình Thuận cũng đã tổ chức truyền giảng tại nhà thờ Tin Lành Phúc Âm vào lúc 19 giờ 30 cùng ngày. Với chủ đề “Ơn Trời“, Mục sư Phan Vĩnh Cự – Phó Hội trưởng I – đã chia sẻ Phúc Âm
Quang cảnh buổi truyền giảng
53/116 thân hữu tin nhận Chúa sau lời kêu gọi của Mục sư diễn giả
MSNC Nguyễn Trần Duy Phúc Ân - Phụ tá QN cầu nguyện cho Tân Tín hữu

Phạm Cường
Hình ảnh: An Khương – Đắc Bình

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

THẬT và GIẢ – “Hội Thánh Đức Chúa Trời” và Tà Giáo “Đức Chúa Trời Mẹ” (Phần Cuối)

♦ THẬT và GIẢ – “Hội Thánh Đức Chúa Trời” và Tà Giáo “Đức Chúa Trời Mẹ” (Phần 1)

IV. Nền tảng đức tin của Hội Thánh Tin Lành đặt trên Sự Cứu Chuộc của Đấng Christ.
Các bài báo lên án rằng tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ buộc người gia nhập phải “uống thứ nước màu đỏ và ăn miếng bánh được cho là máu và thịt của Chúa” thì mới nhận được sự sống đời đời. Và để sớm được về với Chúa mỗi hội viên phải đóng góp 10% thu nhập cho hội. Và thứ nước này bị xem là thuốc hướng thần, có tác dụng như thôi miên, khiến người dùng nó trở thành những người thần kinh không bình thường. [1]
Điều này hoàn toàn khác hẳn với niềm tin của Hội Thánh Tin Lành. Nền tảng đức tin của Hội Thánh Tin Lành là dựa trên sự cứu chuộc của Đấng Christ. Tất cả mọi người đều cần sự cứu rỗi, vì: mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời; nhờ ân điển của Ngài, bởi sự cứu chuộc trong Đấng Christ Giê-xu, họ được xưng công chính mà không phải trả một giá nào. Đức Chúa Trời đã lập Ngài [Chúa Giê-xu] làm sinh tế chuộc tội cho những ai có đức tin trong huyết Ngài. Việc này bày tỏ sự công chính của Đức Chúa Trời, vì Ngài lấy lòng nhẫn nhục mà bỏ qua những tội lỗi trong quá khứ. Trong hiện tại, Ngài cũng chứng tỏ chính Ngài là công chính và xưng công chính cho người nào đặt lòng tin nơi Đức Chúa Giê-xu (Rô-ma 3:23-26).
Kinh Thánh, Lời Đức Chúa Trời, mực thước cho đức tin và đời sống đạo đức của Cơ Đốc nhân[2], khẳng định rõ rằng mọi người đều cần nhận được sự tha thứ, sự cứu chuộc. Giải pháp của Đức Chúa Trời, đó là sự hy sinh cứu chuộc của Chúa Giê-xu trên thập tự giá, trả thay án phạt tội lỗi của toàn nhân loại. Con người nhận được sự cứu rỗi nhờ ân điển, bởi đức tin nơi Chúa Giê-xu. Đó là món quà của Đức Chúa Trời cho nhân loại, không phải do nỗ lực của con người mà có được.
Vì nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không đến từ anh em mà là tặng phẩm của Đức Chúa Trời; cũng không do việc làm của anh em để không ai có thể tự hào. Vì chúng ta là công trình của tay Ngài, được tạo dựng trong Đấng Christ Giê-xu để thực hiện những việc lành mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị từ trước để chúng ta làm theo. (Ê-phê-sô 2:8-10).
Vì lý do đó, mỗi người đều được khích lệ đến tin nhận Chúa Giê-xu để nhận được sự cứu rỗi mà không đòi hỏi phải thực hiện bất kỳ nghi thức nào hay phải nộp bất kỳ khoản thu nhập nào. Quyết định tin Chúa là do ý chí tự do của mỗi cá nhân, mà không phải do bất kỳ sự ép buộc nào.
Hơn nữa, một điều cốt lõi chỉ có thể được tìm thấy trong Cơ Đốc giáo, đó là Đức Chúa Giê-xu, Đấng chúng ta tin cậy, thờ phượng là Đấng đã đắc thắng sự chết và là Đấng Sống Đời Đời, có quyền ban cho người tin Ngài sự sống đời đời. Không một giáo chủ nào trên trần gian này dám quả quyết chắc chắn điều này. Chỉ duy Chúa Giê-xu, trọng tâm, cốt lõi của Cơ Đốc giáo mới có thể tuyên bố điều này cách chắn chắn.
Tuy nhiên, đời sống của người Cơ Đốc không chỉ dừng lại ở chỗ tin Chúa, và tiếp tục sống cuộc đời buông thả, vô trách nhiệm. Niềm tin của người Cơ Đốc là một niềm tin sống động, nghĩa là niềm tin đó phải được bày tỏ qua việc làm.
Kinh Thánh kêu gọi mỗi người Cơ Đốc tích cực bày tỏ nếp sống xứng đáng với Tin Lành, đem lại sự biến đổi cộng đồng, bày tỏ tình yêu thương đối với anh em mình, dù đó là người đã tin Chúa hoặc chưa tin Chúa. Những khoản dâng, những việc lành như chương trình khám chữa bệnh từ thiện, xây dựng nhà tình thương, chương trình dạy nghề miễn phí cho người khó khăn,… mà người Cơ Đốc dự phần không phải là điều kiện để nhận được sự cứu rỗi, nhưng đó là hành động bày tỏ lòng biết ơn Chúa, và tình yêu thương anh em như Lời Chúa dạy. Và tất cả những điều này phải được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, không phải vì bị ép buộc. Đây chính là tinh thần mà Phao-lô đã nhắc nhở các Cơ Đốc nhân tại Cô-rinh-tô:
Mỗi người nên quyên góp tuỳ theo lòng mình đã định, không miễn cưỡng hoặc do ép buộc, vì Đức Chúa Trời yêu mến người dâng hiến một cách vui lòng… Anh em sẽ được phong phú trong mọi sự để làm mọi việc từ thiện; để qua chúng ta người ta sẽ cảm tạ Đức Chúa Trời. Vì sự trợ giúp này không những đáp ứng nhu cầu của các thánh đồ mà còn khiến nhiều người cảm tạ Đức Chúa Trời,… (II Cô-rinh-tô 9:6-15).
Hiến chương của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam cũng nêu rõ trách nhiệm của Cơ Đốc nhân với xã hội là phải yêu thương, giúp đỡ[3]:
Loài người cả nam lẫn nữ đều được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, nên mỗi Cơ Đốc nhân kính Chúa thì phải yêu người;
Mỗi Cơ Đốc nhân có trách nhiệm xây dựng xã hội mình đang sống. Phải yêu thương , cứu giúp mọi người trong hoàn cảnh khốn khó;
Tham gia các công tác xã hội tại địa phương, giữ tình đoàn kết, hết lòng phục vụ an sinh xã hội và cầu bình anh cho mọi người.
Như đã đề cập ở trên, nền tảng đức tin của người Cơ Đốc dựa trên công tác Cứu Chuộc của Chúa Giê-xu dành cho cả nhân loại. Là những người đã nhận được ân điển cứu chuộc của Chúa, Cơ Đốc nhân được khích lệ không chỉ nhận món quà cứu rỗi đó cho cá nhân, nhưng cũng truyền ra tin tức tốt lành này để mọi người cùng biết và cùng nhận được món quà tuyệt vời này. Trên tinh thần đó, Thánh Lễ Tiệc thánh được thiết lập để mỗi Cơ Đốc nhân được nhắc nhở về sự cứu chuộc của Chúa, sống xứng đáng với sự cứu chuộc này và rao truyền tin tức tốt lành này cho mọi người. Vì vậy, Thánh Lễ Tiệc thánh, bao gồm nước nho, và bánh – hai hình ảnh nhắc nhở về thân và huyết của Chúa Giê-xu đã hy sinh chết thay cho tội lỗi của con người – chỉ dành cho những người đã thuộc về Chúa, hiểu rõ giá trị của sự hy sinh, cứu chuộc của Chúa Giê-xu cho chính mình. Khi dự Thánh Lễ Tiệc thánh, Cơ Đốc nhân được nhắc nhở về niềm tin của chính mình và trách nhiệm của mình là một Cơ Đốc nhân, phải sống xứng đáng với Tin Lành là thể nào. Đây là ý nghĩa thiêng liêng của Thánh Lễ Tiệc thánh mà chính Chúa đã thiết lập, không ai được phép khinh thường.
Khi còn ở trên đất này, trong khi trông đợi Chúa trở lại, mỗi Cơ Đốc nhân phải sống xứng đáng với Tin Lành, tận dụng mọi cơ hội để rao truyền Tin Lành của Chúa, hầu cho nhiều người cũng ăn năn và nhận được sự cứu chuộc. Về ngày Chúa trở lại, chỉ một mình Đức Chúa Trời biết, không ai trong chúng ta có thể biết được. Trách nhiệm của mỗi chúng ta là luôn luôn sẵn sàng với đời sống xứng đáng, đẹp lòng Chúa, bày tỏ danh Chúa trong thế gian này, để đến ngày Chúa đến, chúng ta có thể nhận được lời khen tặng từ Chủ mình rằng: Hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín, Được lắm. Hãy vào chung hưởng niềm vui của chủ ngươi.
Bản tóm tắt so sánh sự khác biệt giữa Hội Thánh của Đức Chúa Trời và tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ, dựa trên những cáo buộc đề cập bởi một số bài báo gần đây:
Hội Thánh của Đức Chúa Trời
Tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ
Biết quan tâm đến lợi ích của người khác
Đấng Christ là mối quan tâm hàng đầu của Cơ Đốc nhân, vì vậy Cơ Đốc nhân sẽ vâng phục Chúa yêu thương, tôn trọng, quan tâm đến lợi ích của người khác.
Cơ Đốc nhân mang tâm tình của Đấng Christ, phục vụ người khác trong tinh thần khiêm nhường, sẵn sàng hy sinh vì người khác.
Những người chỉ sống ích kỷ, vì mình, không quan tâm người khác
Chỉ sống cho riêng mình, không quan tâm đến nhu cầu của người khác, thậm chí người thân, gia đình.
Cơ Đốc nhân là những người yêu thương, có trách nhiệm với gia đình, bà con, người khác
Trước khi tin Chúa: họ có thể là những người nghiện ngập, trộm cắp cũng như mọi thành phần tệ nạn xã hội khác.
Nhưng sau khi tin Chúa: họ trở nên những người có ích cho xã hội, quan tâm, chăm sóc gia đình mình.
– Những người con hiếu kính cha mẹ,
– Người chồng yêu thương vợ, có trách nhiệm với gia đình,
– Người vợ tôn trọng chồng, thuận phục chồng trong tinh thần kính sợ Chúa,
– Cha mẹ yêu thương, nuôi nấng dạy dỗ con bằng tình yêu,
– Biết quan tâm đến người bà con, những người goá bụa, khó khăn trong Hội thánh và xã hội.
Đời sống của một người Cơ Đốc được biến đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
Những người từ bỏ gia đình, thiếu trách nhiệm
Sau khi gia nhập hội viên của tà giáo này, hầu hết rời bỏ gia đình, sống cách ly với các hoạt động xã hội bên ngoài, đồ ăn thức uống sơ sài và chế biến khác thường, tối đến ngủ tập thể cùng nhau, di chuyển theo nhóm đến bất cứ đâu, gia đình ly tán…
Trước khi gia nhập hội, họ có thể là những người bình thường, thậm chí là những người con ngoan, những người vợ, người chồng có trách nhiệm.
Nhưng sau khi gia nhập hội, họ bỏ bê gia đình mình.
Đời sống của những hội viên theo tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ cũng có sự biến đổi nhưng theo chiều hướng ngược lại, trở thành nỗi buồn, sự lo lắng cho xã hội.
Làm việc hết sức mình với tinh thần trách nhiệm cao
1/ Làm việc hết sức mình như làm việc cho chính Chúa là Đấng đã yêu và cứu chuộc mình.
2/ Làm việc trong tinh thần vui vẻ, biết ơn Chúa về mọi điều Chúa ban như cơ hội việc làm, tài chính, sức khoẻ, công việc.
2/ Chăm chỉ làm việc nuôi sống chính mình, người nhà và giúp đỡ người khác.
Những người lười biếng lao động
Hội viên của tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ được hứa thoát khỏi mọi bệnh tật, cuộc sống tươi sáng, không phải làm gì vẫn có tiền, sống hạnh phúc. Vì vậy, họ cũng trở nên những người lười biếng, không chịu làm ăn, có lối sống bất thường.

Sự cứu rỗi, sự sống đời đời chỉ có được bởi đức tin, nhờ ân điển được ban cho qua sự hy sinh chết thay của Chúa Giê-xu.
Ngài là Đấng đắc thắng sự chết, Đấng sống đời đời, có quyền ban sự sống đời đời cho người tin Ngài.
Tất cả trên tinh thần tự nguyện của từng cá nhân. Ai tin thì được sự sống đời đời, ai không tin thì chịu sự đoán phạt.
Sự tái lâm của Đấng Christ là ý định của Đức Chúa Trời, không một con người nào có thể điều khiển Chúa.
Tiệc thánh là một thánh lễ thiêng liêng, chỉ dành cho người thực sự hiểu được ý nghĩa của sự cứu chuộc bởi sự hy sinh của Chúa Giê-xu và cam kết sống xứng đáng với Tin Lành, và rao truyền Tin Lành về Đấng Christ cho nhiều người biết.
Dùng hình thức thôi miên, yêu cầu đóng phí để sớm nhận được sự sống vĩnh cửu.
Sự tái lâm của Christ tuỳ thuộc vào số tiền đóng góp của hội viên.
Việc truyền bá, níu kéo người gia nhập hội thực chất là một hình thức lừa gạt người khác nhằm trục lợi.
Để gia nhập hội, ứng viên bị buộc phải uống nước màu đỏ, ăn bánh. Và sau khi dùng loại thuốc hướng thần này, con người sẽ trở nên ngu muội, làm theo mọi điều người truyền đạo yêu cầu, bao gồm cả bán cả nhà cửa, để nộp phí cho hội, với lý do thời gian họ nhận được sự sống vĩnh cửu sớm hay muộn tuỳ thuộc vào số tiền phí tích luỹ.
Kết Luận:
Tóm lại, từ những điều đã đề cập ở trên, rõ ràng sự thực hành đức tin Cơ Đốc của Hội Thánh Tin Lành hoàn toàn khác biệt và cao trọng hơn nhiều, bởi đối tượng chúng ta tin và thờ phượng là chính Chúa, không phải là một nhân vật do con người tạo nên. Động cơ chúng ta làm những việc lành, đóng góp cho xã hội không phải vì lợi ích, danh tiếng của bất kỳ con người hay tổ chức nào, nhưng xuất phát từ tấm lòng biết ơn Chúa, bày tỏ nếp sống làm vinh hiển danh Chúa. Nguyện danh Chúa luôn được tôn cao.
Sự xuất hiện của những tiên tri giả, những đạo lạ là điều Kinh Thánh đã cảnh báo trước cho chúng ta. Và khi chúng ta thấy những điều này xảy ra càng nhiều, chúng ta càng phải chú ý về nếp sống của chúng ta hơn hết. Bên cạnh đó, trước sự tấn công mạnh mẽ của đạo lạ, tà giáo, mỗi Cơ Đốc nhân cần trang bị chính mình, vững vàng trong đức tin, trong sự hiểu biết Chúa và lời Ngài để không bị lừa dối và:
Hãy tôn cao Đấng Christ là thánh, là Chúa trong lòng anh em. Luôn sẵn sàng để trả lời những kẻ chất vấn về niềm hy vọng trong anh em, nhưng phải ôn tồn và trân trọng. Khi bị nói xấu, anh em phải giữ lương tâm mình trong sáng, để những kẻ xuyên tạc cách cư xử tốt đẹp của anh em trong Đấng Christ phải hổ thẹn. Vì nếu đó là ý muốn của Đức Chúa Trời thì thà làm điều thiện mà chịu khổ còn hơn làm điều ác. (I Phi-e-rơ 3:15-17).
Xuân Thủy (HTTLVN.ORG)
————–
[1] VCCorp.vn, “Nỗi kinh sợ tà đạo ‘Thánh Đức Chúa Trời’: Cơ quan chức năng ở đâu giữa ngàn tiếng kêu cứu tuyệt vọng khắp nơi?,” truy cập 26/04/2018, http://kenh14.vn/noi-kinh-so-ta-dao-thanh-duc-chua-troi-co-quan-chuc-nang-o-dau-giua-ngan-tieng-keu-cuu-tuyet-vong-khap-noi-20180424084835377.chn
[2] Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam), Hiến Chương, (Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2002), Điều 62 “Kinh Thánh”. Cũng xem Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc), Hiến Chương (Lưu hành nội bộ, 2013), Điều 59 “Kinh Thánh”.
[3] Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam), Hiến Chương, (Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2002), Khoản 1 điều 72 “Yêu thương, giúp đỡ”. Cũng xem Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc), Hiến Chương (Lưu hành nội bộ, 2013), Khoản 1 điều 68 “Yêu thương giúp đỡ”

Ban Tôn Giáo Chính Phủ Đính Chính Về Việc Truyền Thông Đưa Tin Về Một Hội Không Phải Là Hội Thánh Tin Lành Thuần Tuý


Ngày 25/4/2018 trên kênh VTC1 ông Vũ Chiến Thắng - Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đã đính chính về việc những ngày qua truyền thông trong nước đã đưa tin về một hội tự lấy tên là ‘Hội Thánh Đức Chúa Trời mẹ” hay còn có những cái tên khác như ” Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành Thế giới” , ” Hội Thánh của Đức Chúa Trời “. Đây không phải là Hội Thánh Tin Lành nhưng thực chất là một nhóm tà giáo. Cách sử dụng từ ngữ trên đã gây ảnh hưởng dẫn đến hiểu lầm cho Hội Thánh Tin Lành chính thống.
Chúng ta cần nên hiểu đúng về hội này như sau:
1. Hội này không phải là một Hội Thánh nên chúng ta không nên dùng từ Hội thánh để chỉ về họ, chúng ta chỉ gọi họ là hội thôi vì ” Hội Thánh” chỉ dùng cho nhóm người tin vào sự cứu chuộc bởi dòng huyết của Chúa Giê Xu, còn hội này không tin vào sự cứu chuộc bởi dòng huyết của Chúa Giê Xu nhưng tin vào một người tên là An xang Hồng, ông tự xưng mình là người cứu chuộc họ, vậy hội này không thể gọi là Hội Thánh được.
2. Họ nói họ là ” Hội thánh Đức Chúa Trời mẹ” chữ Đức Chúa Trời là một danh từ chỉ về Đấng tối cao mà người Việt Nam gọi là Thượng Đế, Thiên Chúa hay ông Trời. Họ dùng danh từ chung chỉ Đấng tối cao này để chỉ về một người phụ nữ vẫn đang còn sống ở Hàn Quốc là vợ của An xang Hồng mà họ đang tôn thờ. Điều này đã gây cho nhiều người hiểu lầm đến Đức Chúa Trời tối cao mà chúng ta thường nói đến. Cách dùng từ như vậy là một sự phạm thượng cho tất cả các tôn giáo của các dân tộc chứ không chỉ riêng với người theo đạo Tin Lành.
3. Họ không liên quan gì đến đạo Tin Lành, họ cũng không gọi họ là người Tin Lành nên không thể đánh đồng họ với người Tin Lành.
Người Tin Lành làm theo lời Chúa Giê Xu dạy ” Kính Chúa yêu người”. Trong hơn 100 năm qua kể từ khi đạo Tin Lành đến Việt Nam, Hội Thánh Tin Lành đã đem lại những sự đóng góp lớn lao trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Hàng ngàn cuộc đời đã được biến đổi, nhiều gia đình được phục hồi, nhiều người lưu manh, trộm cướp trở nên sống lương thiện, chăm chỉ làm việc sống tốt đời đẹp đạo.
Cộng đồng người Tin Lành là một cộng đồng văn minh trên nền tảng giá trị của Kinh Thánh.

Giáo lý của đạo Tin Lành dạy những giá trị đạo đức với chuẩn mực cao đầy nhân văn như yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau, khoan dung và nhân ái.

Các doanh nghiệp Tin Lành được dạy sống ngay thẳng công chính, đóng thuế đầy đủ để góp phần phát triển kinh tế đất nước, thoát khỏi nợ công.
Giá trị của gia đình được đề cao, vợ chồng sẽ lao động cật lực để hàn gắn mối quan hệ nếu có xung đột chứ không được phép li dị, trừ khi một trong hai người ngoại tình.
Với những tác động lớn lao của đạo Tin Lành như vậy đã đem lại nhiều ảnh hưởng tích cực đến nhiều lĩnh vực trong Xã Hội như kinh tế, văn hoá, giáo dục, gia đình, nghệ thuật, truyền thông…. Đạo Tin Lành đã được nhà nước cấp giấy phép và được tạo điều kiện để phát triển mạnh mẽ như đưa lời Chúa vào giảng dạy trong các nhà tù. Tổ chức các sự kiện hoạt động lớn tại các sân vận động.
Cộng đồng người theo đạo Tin Lành đang góp phần đưa Việt Nam trở nên một đất nước phát triển giầu mạnh với dân trí cao, công chính và yêu thương.
Suốt bao nhiêu năm qua không một thế lực nào có thể ngăn cản sự phát triển mạnh mẽ của Hội Thánh Tin Lành. Hội Thánh được dẫn dắt dưới sự lãnh đạo bởi Thần quyền của Đức Thánh Linh chứ không bởi một tổ chức hay con người nào.
Nên những hội nhóm giả danh Hội Thánh sẽ bị lụi tàn nhưng chỉ duy Hội Thánh gồm những người được mua bằng chính dòng huyết của Chúa Giê Xu sẽ còn lại đời đời.


Ban Truyền thông (hoithanh.com)
tổng hợp

Thông báo Nhắc lại việc tham gia ĐKT của Tổng đoàn Mục vụ TTN



THÔNG BÁO: V/v Chỉnh sửa Nội dung LHD Thanh Thiếu niên Quý 2-2018

Số: 11/2018/BTTN-TB

     Vì lỗi đánh máy, một số thông tin trong Lịch Hướng dẫn Thanh Thiếu niên Quý 2-2018 như Phụ trách ĐKT, Tên Sách ĐKT hoặc Câu gốc, ... không chính xác. BHD Thanh Thiếu niên đã đính chính và cập nhật trên website. BHD sẽ chủ động thông báo cho các ban viên phụ trách (đã cập nhật mới) qua tin nhắn Ứng dụng Messenger FB.

     Xem Lịch Hướng dẫn đã cập nhật TẠI ĐÂY.




Ban Hướng dẫn Thanh Thiếu niên 2018

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!