Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

Năm Nguyên Tắc Kỷ Luật Con Cái

Melissa Kruger

Trước khi có con, tôi làm việc nhiều năm trong vai trò nhà tư vấn trại và giáo viên một trường trung học thật lớn. Cả hai môi trường nầy dạy tôi biết tầm quan trọng của kỷ luật trong sự phát triển của trẻ. Nếu không có tổ chức và nội quy, trại hè sẽ nhanh chóng chuyển thành một phiên bản nào đó của Chúa Ruồi (tiểu thuyết thể loại giả tưởng tự biện của William Golding, đạt giải Nobel văn chương năm 1983-ND)Thiếu kỷ luật trong lớp, học sinh sẽ không bao giờ có cơ hội học hỏi.
Qua những tháng năm làm việc với trẻ, năm nguyên tắc chỉ đạo đã giúp ích cho tôi trong vai trò nhà tư vấn, giáo viên, và đặc biệt là người mẹ. Dù không phải mọi phương pháp đều hiệu quả đối với trẻ, nhưng tôi thấy các phương pháp sau đây hiệu quả với nhiều trẻ, không phân biệt tuổi tác, giới tính hoặc tính khí.
  1. Dạy theo cách chủ động thay vì đối phó.
Trẻ em cần được dạy lẽ phải cũng như cần được sửa sai. Những câu chuyện Kinh Thánh, những sự việc thường ngày, và cả những lỗi lầm là cơ hội để đặt câu hỏi: “Phải làm sao mới đúng?” Cho phép trẻ nói lên cách hành động đúng sẽ giúp trẻ hiểu rõ hơn, thay vì chỉ nghe bạn dạy bảo.
Lúc các con của tôi còn nhỏ, trước khi bước vào cửa hàng tạp hóa, tôi thường hỏi vui: “Các con có tính cư xử giống như bọn du côn trong cửa hàng nầy không?” Đương nhiên chúng sẽ đáp: “Dạ không!” Tôi hỏi tiếp: “Vậy thì bọn du côn làm gì khi vào cửa hàng nào?” Chúng sẽ kể ra đủ kiểu hành động như: chạy quanh cửa hàng, không nghe lời mẹ, leo lên xe đẩy để đứng, hỏi xin kẹo, la ó om sòm, cộng thêm một lô ý tưởng ngớ ngẩn khác.
Chủ động ôn trước những cách ứng xử trong cửa hàng sẽ giúp trẻ vâng lời. Mỗi ngày, trẻ con cần được nhắc nhở cách chơi với bạn, cách ứng xử nơi công cộng, cách đáp lại cử chỉ bất lịch sự, và cách nói lời xin lỗi. Nếu lúc nào chúng ta cũng nói “Đừng làm như vậy” mà không bảo “Hãy làm như vầy nè,” thì con chúng ta sẽ càng chán nản vì không biết làm sao mới là hành động đúng.

  1. Hình phạt lẫn khen thưởng.
Khi lập giao ước với dân Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời đặt trước mặt họ cả phước lành lẫn rủa sả (Phục 30). Ngài báo trước rất rõ phước hạnh của sự vâng lời lẫn hậu quả của sự bất tuân. Trong lúc dạy con, chúng ta cũng nên làm như vậy.
Một số cha mẹ ngại ban thưởng vì nghĩ như vậy là giống như hối lộ. Tuy nhiên, phần thưởng và hối lộ về cơ bản khác nhau ở thông điệp chúng truyền tải. Phần thưởng khích lệ và khen thưởng hành vi đúng. Còn hối lộ là ban thưởng và khuyến khích hành động sai quấy. Cả hai thường có vẻ giống nhau, cho nên chúng ta hãy xem thí dụ sau đây.
Một bé 18 tháng tuổi không chịu ngồi trong xe đẩy ở cửa hàng tạp hóa. Nếu hối lộ bé, thì câu chuyện sẽ như sau: Mẹ và bé vào cửa hàng. Mẹ tìm cách đặt bé ngồi vào xe đẩy. Bé la hét, giận dữ và đá vào mẹ. Mẹ vẫn ấn bé xuống nhưng không được. Chán nản, bà nhìn vào ví, thấy có cây kẹo que, đưa cho bé để bé chịu ngồi yên.
Ngược lại, phần thưởng sẽ như sau: Trước khi xuống xe hơi, mẹ nhìn vào mắt bé và nói: “Mẹ biết nhiều lúc ngồi xe đẩy của cửa hàng thật khó chịu. Nếu con chịu ngồi yên trong xe đẩy, mẹ sẽ có quà cho con. Con có ngoan ngoãn giúp mẹ hôm nay không?” Bé đáp: “Dạ được,” và trông chờ quà ngạc nhiên từ mẹ. Hai mẹ con dạo trong cửa hàng, bé ngồi yên trên xe đẩy và nhìn thấy mẹ có kẹo que. Mẹ hứa nếu bé chịu ngồi yên và ngoan ngoãn thì bé được ăn cây kẹo que ngay trên đường về.
Trong tình huống thứ nhất, trẻ làm chủ tình hình. Về bản chất, trẻ được thưởng nhờ gào thét, la ó, đạp đá lung tung. Trong tình huống thứ hai, mẹ cứng rắn làm chủ tình hình, và trẻ được thưởng nhờ ứng xử đúng mức. Phần thưởng giúp con chúng ta cuối cùng hiểu được sự nhân từ trong đường lối của Đức Chúa Trời, đó là Ngài ban thưởng cho công sức của chúng ta (Cô-lô-se 3:23-24).
  1. Cương quyết thực thi những qui luật đã đưa ra.
Lúc tôi bắt đầu dạy học, một số học sinh chỉ thua tôi năm tuổi. Tôi nhận biết mình phải củng cố qui luật để buộc chúng tôn trọng tôi. Chúng cần phải tin tôi nói “có” là “có” và nói “không” là “không,” để duy trì trật tự trong lớp học.
Với con cái chúng ta cũng vậy. Nếu bạn bảo con mình nếu nó đánh bạn bè thì sẽ phải rời khỏi công viên,  thì bạn phải làm như vậy khi nó đánh ai đó. Nếu bạn bảo con trai không được xem phim khi chưa dọn dẹp giường ngủ, thì phải áp dụng như vậy khi nó không vâng lời. Con chúng ta cần biết rằng chúng ta nói là làm- cho dù điều đó không dễ dàng.
Dẫu vậy, tôi cũng cần lưu ý: Chỉ đưa ra biện pháp nào mà bạn sẵn sàng thực thi. Nếu bạn thực sự muốn đưa con đi xem phim hoặc chơi trong công viên, còn không thì hãy nghĩ ra một biện pháp khác thích hợp hơn với tình huống.
Tất cả chúng ta đều phải chấp nhận rằng hiếm có cơ hội thuận tiện để kỷ luật con cái. Chúng thường bất tuân khi chúng ta bận làm gì đó, nên không muốn dừng tay để yêu thương sửa dạy chúng. Thế nhưng kết quả của việc trung tín kỷ luật chúng đáng cho chúng ta phải hy sinh để kỷ luật. Tôi xin hứa như vậy.
  1. Phương pháp kỷ luật phải hiệu nghiệm.
Những gia đình khác nhau thì dùng nhiều phương pháp kỷ luật con cái khác nhau. Thật ra, ngay cả trong cùng một gia đình, con cái vẫn cần nhận những hậu quả khác nhau. Tuy nhiên, cho dù là phương pháp nào đi nữa, chúng ta cũng biết nên rằng “Tất cả sự sửa phạt lúc nầy dường như chỉ làm cho đau đớn chứ không phải là vui mừng, nhưng về sau sinh ra bông trái công chính và bình an cho những người đã chịu luyện tập như vậy” như Hê-bơ-rơ có chép.
Dù bạn dùng phương pháp kỷ luật nào đi nữa thì chắc hẳn là sẽ gây khó chịu đối với con bạn. Cần nói rõ là kỷ luật không phải để lạm dụng trẻ, hoặc để cha mẹ con “trút giận” lên con cái. Kỷ luật là vì lợi ích của trẻ chứ không nhằm giải quyết cơn tức giận của cha mẹ. Nếu bạn tức giận hoặc thất vọng thì hãy chờ bớt giận rồi hãy sửa dạy con.
Trong gia đình chúng tôi, giai đoạn đầu của kỷ luật là la rầy nghiêm khắc, rồi nhắc đến hậu quả. Chúng tôi đem con ra khỏi tình huống, đặt mình ở trình độ của con, và nghiêm khắc nói cho con biết cách ứng xử của nó là không đúng. Nếu nó không nghe lời cảnh cáo, thì chúng tôi thường cách ly nó theo số phút thích hợp với độ tuổi của nó. Nếu nó không chịu cách ly hoặc vẫn ngoan cố sau khi bị cách ly, thì mới dùng roi.
Khi con đã lớn, những phương pháp nầy giảm hiệu nghiệm, cho nên cần đánh giá lại. Cắt giảm đặc quyền, phạt bằng tiền (do gây hư hại hoặc làm đổ vỡ), hoặc bắt làm thêm việc nhà, có hiệu quả hơn đối với trẻ lớn. Dù là cách kỷ luật nào đi nữa cũng cần phải hiệu quả đối với chính cá nhân trẻ.
Thực tế nầy là điều khó cho bậc làm cha mẹ. Tôi thích thấy con mình vui vẻ và thấy đau lòng khi làm cho chúng khổ sở. Thế nhưng lời hứa trong Hê-bơ-rơ 12:11 xoa dịu nỗi sợ của chúng ta. Sẽ có mùa gặt công chính và bình an cho trẻ được nuôi dạy bằng kỷ luật. Chúng ta chúc phước cho con mình khi yêu thương đủ để kỷ luật chúng.
  1. Bắt quả tang” trẻ làm điều đúng.
Tôi thấy đây là phương pháp hiệu quả để khích lệ trẻ. Tôi thường dạy trẻ 4 tuổi ở nhà thờ. Cách nhanh nhất buộc cả đám ngồi yên là nói: “Các con nhìn đây nè! Cô thích cách Sarah ngồi để hai tay lên đùi, chờ nghe kể chuyện kìa.” Ngay lập tức, 15 đứa trẻ khác cũng bắt chước ngồi để tay lên đùi, chờ nghe kể chuyện.
Khen ngợi là dụng cụ hiệu quả và là phước hạnh đối với trẻ. Lời khen giúp chúng biết đâu là điều phải, và đồng thời cho biết bạn quan tâm tới trẻ. Tất cả chúng ta đều muốn người chủ nhìn thấy điều tốt mình làm để khen, chứ không chỉ để sửa sai. Cũng vậy, con cái chúng ta cần chúng ta theo dõi mọi hành vi đúng, từng hành vi một, cũng như điều chỉnh từng hành vi sai trật.
Loại khích lệ nầy đặc biệt quan trọng đối với trẻ có vấn đề về ứng xử hoặc trẻ đang ở giai đoạn ương ngạnh nghiêm trọng. Lỗ tai chúng rất thính đối với lời khen đơn giản nhất. Hãy theo dõi chúng trong từng hành vi – từng điều – hợp lý theo khả năng của bạn.
Nguyên tắc Quan trng Nhất
Các nguyên tắc kỷ luật nầy đã giúp ích cho vợ chồng tôi, nhưng cũng có giới hạn. Chỉ Đức Chúa Trời mới có thể thay đổi tấm lòng con cái chúng ta. Mọi sự khôn ngoan trong cách nuôi dạy con trên đời đều không thể cứu hoặc biến cải được con cái chúng ta, mà chỉ một mình Chúa Giê-xu mới làm được điều đó.
Trong khi chúng ta tìm cách sử dụng thật khôn ngoan mọi phương pháp nuôi dạy con, thì điều quan trọng nhất có thể làm được là dành thời gian đọc Kinh Thánh và cầu nguyện, xin Đức Chúa Trời hướng dẫn mình. Ngài lắng nghe, Ngài thấu hiểu và Ngài hứa thành tín cung ứng mọi sự khôn ngoan chúng ta có cần (Gia-cơ 1:5). Ước mong chúng ta tìm kiếm Ngài, cầu xin Ngài hành động trong lòng con cái mình.
Người dịch: Khue Tran

Nguồn: https://www.thegospelcoalition.org/article/5-principles-for-disciplining-your-children

Lời Cầu Nguyện Khôn Ngoan Cho Năm Mới

Mục sư Billy Graham đã cầu nguyện cho năm mới như thế này “Lạy Cha và là Đức Chúa Trời của chúng con, khi đứng trước thềm năm mới, chúng con thú nhận chúng con cần đến sự hiện diện và sự dẫn dắt của Ngài khi chúng con đối diện với tương lai. Mỗi chúng con đều có niềm hy vọng và mong ước cho một năm mới trước mặt chúng con, nhưng chỉ mình Ngài mới biết điều gì cần cho chúng con và chỉ mình Ngài mới có thể ban cho chúng con sức mạnh và sự khôn ngoan cần thiết để đối phó với những thách thức của năm mới này. Vì thế, xin giúp chúng con khiêm nhường đặt tay chúng con trong tay Chúa và tin cậy Ngài, tìm kiếm ý muốn của Ngài cho cuộc sống chúng con trong suốt năm mới này.”[1]     
Thật là lời cầu nguyện tuyệt vời cho năm mới! Quí vị và tôi sẽ cầu nguyện gì cho năm mới Âm lịch Kỷ Hợi 2019? Trong những ngày đầu năm cuối năm, tôi thường có thói quen suy ngẫm và chia sẻ những lời cầu nguyện của các thánh nhân trong Kinh Thánh. Những năm gần đây khi bước vào tuổi “Thất thập cổ lai hy” tôi rất thích đọc và suy ngẫm lại Thi thiên 90 là lời cầu nguyện của Môi-se là tôi tớ của Đức Chúa Trời.  Thi Thiên nầy thật rất thích hợp để chúng ta suy ngẫm trong những ngày cuối năm hay đầu năm mới vì nó đề cập đến vấn đề thời gian, tuổi tác và mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời hằng sống, vĩnh cửu với con người  tạm thời, chóng qua. Sau khi nói đến sự hằng hữu đời đời của Đức Chúa Trời và thân phận mong manh, chóng qua của loài người do tội lỗi (câu 1-11), tác giả tỏ thái độ khiêm nhường, hạ mình trước mặt Chúa bằng lời cầu nguyện khôn ngoan và chân thành (câu 12-17) trong đó ông cầu nguyện cho đời sống cá nhân và cho công việc Chúa.
CẦU NGUYỆN CHO ĐỜI SỐNG CÁ NHÂN (c.12-15)
  • “Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi” (c.12-13)
Lý do mà Môi-se cầu nguyện như vậy vì ông ý thức được sự hằng hữu đời đời của Chúa, còn đời người chỉ là tạm thời, chóng qua như “một canh của đêm” “như cỏ hoa” “như hơi thở” rồi “bay mất đi” và rồi ông hạ mình xuống để xin Chúa dạy dỗ mình biết đếm các ngày của mình. “Đếm các ngày” có ý nghĩa gì?
Đếm các ngày để thấy đời người thật ngắn ngủi, chóng qua như tác giả đã mô tả ở phần đầu để có một thái độ sống khôn ngoan. Đa-vít trong Thi 39:4 cũng đã cầu nguyện, “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho chúng tôi biết cuối cùng tôi, và số các ngày tôi là thể nào; Xin cho tôi biết mình mỏng manh là bao!
Đếm các ngày cũng là để xem xét lại chúng ta đã quản lý, sử dụng thì giờ Chúa ban cho mình như thế nào. Đếm các ngày để xem chúng ta có lãng phí thì giờ vào những việc vô ích không. Một thầy giáo thường ghi số 25.550 trên góc bảng đen mỗi khi vào lớp dạy. Các học trò thắc mắc nhưng không dám hỏi. Sau đó một em đã mạnh dạn hỏi thầy và thầy đã giải thích rằng đó là số ngày của 70 năm mà ông có thể sống trên đời và ông ghi như thế để nhắc nhở mình phải tận dụng thì giờ, không lãnh phí. Lời Chúa qua thánh Phao-lô cũng dạy “Hãy lợi dụng thì giờ vì những ngày là xấu” (Ê-phê-sô 5:16). Chúng ta đã dành bao nhiêu thì giờ cho sinh kế, cho sự cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, và phục vụ Chúa? Chúng ta có lãng phí thì giờ Chúa ban không? Nên nhớ là Cơ Đốc nhân, chúng ta không chỉ sử dụng thì giờ cho đời tạm nầy thôi, mà còn phải đầu tư thì giờ của mình cho Nước Trời nữa. Mỗi chúng ta được Chúa ban cho một nén bạc giống nhau là thì giờ (Luca 19:11-27) và chúng ta phải khai trình trước mặt Chúa.
Và đếm các ngày cũng là đếm lại các ơn phước Chúa ban cho cá nhân và gia đình mình để cảm tạ Chúa và sống xứng đáng với ân điển của Chúa. Những ngày đầu năm, mỗi gia đình con cái Chúa cần họp nhau lại để đếm lại các ơn phuớc Chúa ban cho gia đình mình và cảm ơn Chúa. Đếm các ngày như thế sẽ làm chúng ta có lòng khôn ngoan, nghĩa là biết kính sợ Chúa hơn, và sống khôn ngoan hơn. Chắc chắn Chúa sẽ tiếp tục ban phước cho chúng ta trong năm mới.

  • Xin Chúa cho chúng ta kinh nghiệm Chúa một cách tươi mới mỗi ngày (c.14)
Xin Chúa cho chúng tôi buổi sáng được thỏa dạ về sự nhân từ Chúa”.
Môi-se khao khát được kinh nghiệm một cách tươi mới sự nhân từ, thành tín của Chúa mỗi ngày. Biết Chúa không phải chỉ là lý trí, tri thức mà là kinh nghiệm Ngài trong đời sống nữa. Nhà thần học nổi tiếng J.I Packer đã nói “Một chút kinh nghiệm về Chúa còn hơn cả một đống kiến thức về Ngài.” (Biết Đức Chúa Trời). Môi-se không tự mãn thuộc linh mà luôn khao khát mỗi ngày biết Chúa, kinh nghiệm Chúa nhiều hơn. Trong cuộc chạy đua thuộc linh, điều nầy rất quan trọng vì nó là động lực để vươn tới, như Phao-lô dạy “nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (Phi-líp 3:14).
Kinh nghiệm tươi mới với Chúa mà chúng ta có được thường qua những hoạn nạn thử thách trong cuộc sống. Thật vậy, những đau thương, mất mát mà Chúa cho phép xảy ra trên đời sống cũng là những cơ hội để chúng ta kinh nghiệm sự thương xót và sự thành tín của Chúa. Đó là lý do mà tác giả cầu nguyện trong câu 15 “Xin Chúa làm cho chúng tôi được vui mừng tùy theo các ngày Chúa làm cho chúng tôi bị hoạn nạn, Và tùy theo những năm mà chúng tôi đã thấy sự tai họa.”  Đó cũng là kinh nghiệm của tác giả Thi thiên 66 “Chúa khiến người ta cưỡi trên đầu chúng tôi; Chúng tôi đi qua lửa qua nước, nhưng Chúa đem chúng tôi ra nơi giàu có” (Thi 66:12) và của Gióp sau cơn hoạn nạn “Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ tôi đã thấy Ngài. Vì vậy tôi lấy làm gớm ghê và ăn năn trong tro bụi” (Gióp 42:5-6). Chính bản thân tôi cũng đã kinh nghiệm được ơn Chúa trong thử thách: Năm 2000, trong chuyến công tác huấn luyện ở Quảng Nam, vợ chồng chúng tôi gặp tai nạn xe, nhà tôi bị chấn thương sọ não khá nặng, bị hôn mê tưởng như đi qua trũng bóng chết, nhưng cảm tạ Chúa, Ngài đã nghe tiếng kêu cầu và cứu giúp, đem chúng tôi ra khỏi hoạn nạn đến sự vui mừng phước hạnh, bình an.
Hãy cầu nguyện Chúa cho chúng ta được kinh nghiệm Chúa cách tươi mới và được tấn tới trong ân điển và sự thông biết Chúa trong năm mới nầy. (2 Phi 1:5-7).
  • Xin Chúa cho chúng ta đuợc thỏa lòng và vui mừng trong Chúa luôn (c.14-15)
“Ôi! Xin Chúa cho chúng tôi buổi sáng được thỏa dạ về sự nhân từ Chúa, Thì trọn đời chúng tôi sẽ hát mừng vui vẻ.”
Chính nhờ kinh nghiệm Chúa một cách tươi mới mỗi ngày mà đời sống chúng ta được thỏa lòng và vui mừng. Chúa cho chúng ta trải qua những ngày tai ương, hoạn nạn rồi sau đó chúng ta được Chúa thăm viếng giải cứu khiến chúng ta càng vui mừng gấp bội. Bản dịch TTHĐ đã làm nổi bật lên ý tưởng này trong câu 15: “Xin Chúa làm cho chúng con được vui mừng để bù lại các ngày Chúa làm cho chúng con bị hoạn nạn, Và tương xứng với những năm mà chúng con đã thấy tai họa.» Một đời sống thỏa lòng, vui mừng là một đời sống hạnh phúc, được phước.
Cầu xin Chúa cho chúng ta trong năm mới này có sự khôn ngoan để biết quản lý, sử dụng thì giờ Chúa cho một cách ích lợi, ngày càng kinh nghiệm tình yêu và quyền năng Chúa nhiều hơn và có một đời sống thỏa lòng và vui mừng trong Chúa luôn luôn. “Vả sự tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn.” (1 Tim 6:6)

CẦU NGUYỆN CHO CÔNG VIỆC CHÚA VÀ SỰ PHỤC VỤ CHÚA (C.16-17)

Lời cầu nguyện của Môi-se không dừng lại ở lãnh vực cá nhân mà còn hướng tới Hội Thánh, tới công việc Chúa chung nữa. Là người của Đức Chúa Trời, tôi tớ trung thành của Chúa, hơn ai hết Môi-se luôn quan tâm đến công việc Chúa, sự phục vụ Chúa. Vì thế, hai câu cuối của Thi thiên 90 này là lời cầu nguyện cho công việc Chúa và sự phục vụ Chúa.
  • Khải tượng về công việc Chúa
  “Nguyện công việc Chúa lộ ra cho các tôi tớ Chúa, Và sự vinh hiển Chúa sáng trên con cái họ! “ (c.16)
 Một điều quan trọng, không thể thiếu của người phục vụ Chúa là khải tượng về công việc Chúa. “Công việc Chúa lộ ra cho các tôi tớ Chúa“ có nghĩa là công việc Chúa được bày tỏ, được các tôi tớ Chúa nhìn thấy. Lưu ý chữ “các tôi tớ Chúa”(số nhiều), có nghĩa là khải tượng về công việc Chúa không phải chỉ cho Môi-se thôi mà còn cho tất cả các tôi tớ Chúa khác nữa. Người hầu việc Chúa phải có khải tượng vì nếu không thì chúng ta sẽ không có mục tiêu, động lực để hăng say hướng tới và như thế sẽ không kết quả bao nhiêu hoặc chỉ là “đánh gió, chạy bá vơ” như Phao-lô nói.
Là tôi con của Chúa, chúng ta phải cầu nguyện cho Hội thánh, cho công việc Chúa, xin Chúa làm nhiều việc quyền năng, lạ lùng trên Hội Thánh con dân của Ngài. Xin Chúa ban khải tượng cho các tôi tớ Chúa để làm công việc của Ngài một cách kết quả. Những lãnh vực nào cần phải đầu tư, phát triển? Chúng ta có ao ước hàng nghìn người sẽ quay trở về với Chúa trong năm nay không?
  • Xin Chúa ban phước cho sự phục vụ Chúa và công việc Chúa được phát triển bền vững c.17b)
“Cầu Chúa lập cho vững công việc của tay chúng tôi; Phải, xin lập cho vững công việc của tay chúng tôi.”
 Tiếp theo, tác giả cầu nguyện cho sự phục vụ Chúa của chúng ta. Phục vụ Chúa, làm công việc Chúa là điều tốt nhưng phải phục vụ Chúa như thế nào để đẹp lòng Chúa, được Chúa ban thưởng và còn lại lâu dài, đời đời. Muốn thế, chúng ta phải cẩn thận khi góp phần xây dựng nhà Chúa, là Hội Thánh. Thánh Phao-lô trong 1 Cô-rinh-tô 3:9-15 cho chúng ta biết Chúa sẽ đánh giá công việc mà chúng ta làm cho Chúa. Ngài chia làm hai loại: Loại thứ nhất giống như “gỗ, cỏ khô, rơm rạ” là công việc với động cơ xác thịt và tội lỗi, cuối cùng sẽ bị thiêu hủy; nhưng loại thứ hai giống như “vàng, bạc, bửu thạch” là công việc với động cơ thuộc linh, vì cớ Chúa và Hội Thánh, sẽ còn lại đến ngày cuối cùng và người làm công việc Chúa với động cơ đúng đắn sẽ được Chúa ban thưởng.
Hãy cầu nguyện để công việc mà Chúa dùng chúng ta làm cho Chúa, cho Hội Thánh Ngài sẽ có giá trị vững bền và tồn tại trước lửa thử nghiệm của Đức Chúa Trời. Hãy cầu nguyện để mỗi con dân Chúa đều có tinh thần phục vụ Chúa sốt sắng, với động cơ đẹp lòng Chúa. Bước sang năm mới, ai chưa phục vụ Chúa, hãy tham gia phục vụ Chúa như chứng đạo, thăm viếng…Ai đã và đang làm công việc Chúa, thì hãy trung tín, tiếp tục làm việc hiệu quả hơn. Hãy làm việc với tinh thần khiêm nhường, hạ mình, bước đi theo Thánh Linh để công việc chúng ta sẽ còn lại đời đời. “Ai hầu việc Ta thì Cha ta ắt tôn quí người”.
  • Được ơn Chúa trong đời sống và trong sự phục vụ Chúa (c.17a)
“Nguyện ơn Chúa, là Đức Chúa Trời chúng tôi, giáng trên chúng tôi.”
Cuối cùng, muốn phục vụ Chúa được đẹp lòng Chúa và kết quả thì người phục vụ Chúa phải đầy ơn Chúa, phải được Chúa xức dầu mới luôn luôn.  Người phục vụ Chúa phải cậy ơn Chúa để phục vụ chứ không phải cậy tài sức của mình. Thánh Phi-e-rơ nhắc nhở “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời.” (1Phi 5:10). Người phục vụ Chúa phải cậy ơn Chúa cho, nhờ sức Chúa ban và vì sự vinh hiển danh Chúa.
Cầu xin Chúa ban ơn và xức dầu mới trên chúng ta để chúng ta phục vụ Chúa được kết quả bội phần hơn hầu làm sáng danh Chúa.
Nhân dịp đầu năm mới Kỷ Hợi 2019, chúng ta hãy dành thì giờ cầu nguyện đặc biệt cho cá nhân, gia đình, Hội Thánh, và cho công việc Chúa cũng như sự phục vụ Chúa của chúng ta trong năm mới. Xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan để biết quản lý tốt thì giờ, đầu tư của cải và thì giờ cho vương quốc của Chúa, và khao khát được lớn lên trong sự biết Chúa, kinh nghiệm tình yêu và quyền năng Chúa nhiều hơn.
Hãy cầu nguyện cho các tôi tớ Chúa, cho công việc Chúa chung và tích cực tham gia phục vụ Chúa, nhất là làm chứng cho Chúa, rao truyền Tin Lành cho đồng bào. “Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu.” (1 Côr. 15:58). A-men!
Trịnh Phan (HTTLVN.ORG)
Xuân Kỷ Hợi 2019
————-
[1] Xem “Lời cầu nguyện cho một năm mới” đăng trên trang Web: httltannghia.blogspot.com đầu năm 2018.

THÔNG BÁO: V/v Chương trình Thờ phượng Mừng Xuân Mới 2019


BAN TRUYỀN THÔNG
 Số: 05/2019/TB-BTT

Theo thông báo của Ban Trị sự Hội Thánh, Chương trình Ngợi ca - Cảm tạ - Làm chứng Đầu Năm Mới 2019 của HTTL Tân Nghĩa sẽ được tổ chức như sau:

* Thời gian: 07h30, ngày 05/02/2019 (tức sáng mồng 1 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi)
* Địa điểm: Nhà thờ Tin Lành Tân Nghĩa (số 228 CMT8, Hàm Tân, Bình Thuận)

Sau chương trình thờ phượng, Hội Thánh và các ban ngành sẽ tổ chức thăm viến.

Nội dung các chương trình sẽ được tường thuật sau.


Kính thông báo./.

Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

HỌC BIẾT VỀ 10 TAI VẠ: Cảnh Báo Tai Vạ Thứ Tám

Xuất Ê-díp-tô Ký 10:1-7
1 Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Hãy đi đến Pha-ra-ôn, vì ta đã làm rắn lòng người và lòng quần thần, để làm cho các dấu lạ của ta tỏ ra giữa họ, 2 hầu cho ngươi thuật cùng con và cháu mình những công việc to tát ta đã làm trên dân Ê-díp-tô, các dấu lạ ta đã làm giữa vòng họ, đặng các ngươi biết rằng ta là Đức Giê-hô-va. 3 Môi-se và A-rôn bèn đi đến Pha-ra-ôn mà tâu rằng: Giê-hô-va là Đức Chúa Trời dân Hê-bơ-rơ, có phán như vầy: Ngươi không chịu hạ mình trước mặt ta cho đến chừng nào? Hãy tha dân ta đi, để chúng nó hầu việc ta. 4 Nếu từ chối, không cho dân ta đi, nầy, ngày mai ta sẽ sai cào cào đến địa phận ngươi; 5 nó sẽ phủ rợp trên mặt đất, người ta chẳng còn thấy đất nữa; nó sẽ cắn xả những vật chi còn lại, tức vật nào trận mưa đá còn chừa lại; nó cũng cắn xả những cây mọc ngoài đồng ruộng các ngươi, 6 vào đầy cung điện ngươi, dinh thất của quần thần ngươi, và nhà cửa của người Ê-díp-tô: ấy là một điều tổ phụ ngươi, đến đỗi thủy tổ ngươi, cũng chẳng bao giờ thấy từ khi họ đã có trên mặt đất cho đến ngày nay. Đoạn, Môi-se xây mặt lui ra khỏi Pha-ra-ôn. 7 Quần thần Pha-ra-ôn tâu rằng: Đến chừng nào người nầy mới thôi gài bẫy ta? Hãy tha dân ấy đi, để chúng nó hầu việc Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng nó! Bệ-hạ há chưa biết rằng nước Ê-díp-tô đã bị nguy vong sao? 
Câu gốc: “Ngươi không chịu hạ mình trước mặt Ta cho tới chừng nào? Hãy tha dân Ta đi, để chúng nó hầu việc Ta. Nếu từ chối, không cho dân Ta đi, này, ngày mai Ta sẽ sai cào cào đến địa phận ngươi” (câu 3b-4).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa muốn ông Môi-se thuật lại cho con cháu Y-sơ-ra-ên điều gì? Chúng ta hiểu việc Đức Chúa Trời làm cứng lòng Pha-ra-ôn như thế nào? Hình ảnh cào cào phủ rợp đất cắn phá mọi thứ khiến chúng ta liên tưởng đến điều gì?
Chúa đã giáng tai vạ trên người Ai Cập để họ nhận biết Ngài là Đức Giê-hô-va đầy năng quyền và Danh Ngài sẽ được đồn ra khắp thiên hạ (Xuất Ê-díp-tô  7:5; 9:14-16). Việc này cũng giúp tuyển dân nhận biết Chúa, Đấng đã rút họ khỏi xứ Ê-díp-tô là nhà nô lệ (Xuất Ê-díp-tô Ký 6:7). Chúa muốn ông Môi-se thuật lại cho con cháu Y-sơ-ra-ên những dấu lạ Ngài đã thực hiện trên Ai Cập để họ nhận biết Ngài là Đức Giê-hô-va (câu 1-2). Việc thuật lại cho con cháu những việc Đức Chúa Trời đã thực hiện trong cuộc đời mình rất quan trọng; giúp chúng định hình nền tảng đức tin, nhận thức về một Đức Chúa Trời năng quyền đang tể trị; và có đáp ứng đúng qua sự tôn thờ và phục vụ Ngài. Điều quan trọng là cha mẹ phải nhận biết Chúa rõ ràng thì mới có thể trung thực kể lại cho con cháu những câu chuyện diệu kỳ của Chúa được.
Phải chăng Chúa đã vô lý khi làm cứng lòng Pha-ra-ôn nhưng Ngài lại mong đợi vua để cho tuyển dân ra đi (câu 1-3)? Chúng ta có thể tìm lời giải đáp ở câu 7; Chúa làm cứng lòng cả Pha-ra-ôn và quần thần, nhưng quần thần của vua vẫn nhận ra vấn đề, khuyên vua để tuyển dân ra đi, nếu không thì đất nước Ai Cập sẽ rơi vào tình trạng nguy vong như Chúa phán. Như vậy, Chúa làm cứng lòng Pha-ra-ôn vì Ngài biết bản chất cố hữu của ông là như vậy, nhưng Ngài không biến ông thành người máy phải hành động như điều Chúa đã lập trình. Vua vẫn có sự thông sáng và ý chí tự do để chọn lựa và quyết định. Đức Chúa Trời công bình không chèn ép ai, Ngài tể trị mọi sự để đem ích lợi đến cho mọi người. Chúng ta không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh nhưng phải chịu trách nhiệm về quyết định và hành động của chính mình.
Không ai run sợ trước một con cào cào, nhưng hàng đoàn cào cào phủ rợp đất thì quả là kinh khiếp. Trận mưa đá lớn với sấm chớp đi qua vẫn còn một số mùa màng và cây cỏ sống sót, nhưng khi đoàn cào cào càn qua thì chẳng còn gì sót lại. Chúng ta hay coi thường những tội lỗi vấn vương; một lời nói dối, một chút tham lam, thiếu kỷ luật, thiếu trách nhiệm, thiếu quan tâm v.v… để rồi cuộc đời chúng ta đi lạc xa Chúa lúc nào không hay. Hãy nhờ cậy Chúa để cảnh giác, nhận dạng và tiêu diệt những “con cào cào nhỏ” phá hoại cuộc đời chúng ta.
Bạn nhận được thông điệp nào cho bạn và gia đình bạn qua bài học này?
Lạy Chúa, con cầu xin Chúa giúp con từ bỏ những tội lỗi vấn vương để con sống gần Chúa hơn mỗi ngày, kinh nghiệm những câu chuyện thật sống động để thuật lại cho con cháu của con.
HTTLVN.ORG

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2019

Bạn và tôi có đang nô lệ cho mạng xã hội?

Xã hội mỗi ngày một phát triển đến mức kinh ngạc. Đi đôi với sự phát triển của khoa học kĩ thuật là sự phát triển của các mạng xã hội (MXH). Với nhu cầu cầu nắm bắt nhanh chóng các tin tức, liên lạc với nhau tốt hơn, nhanh hơn, tiện ích hơn và có thể chia sẻ với nhau nhiều điều hơn trong cuộc sống, nên nhiều trang MXH như Facebook, Zalo, Twister… đã ra đời. Nhưng cũng chính vì đó mà nảy sinh rất nhiều tiêu cực, bởi lẽ đã làm cho nhiều người, nhất là giới trẻ ngày nay đang và thích “sống ảo”. Thời gian  truy cập Facebook, lướt web chiếm đa số thời gian dành cho gia đình, bạn bè và người thân.
I. Mạng xã hội là gì ?
Nói một cách nôm na là dịch vụ kết nối các thành viên cùng một sở thích trên Internet lại với nhau, với nhiều mục đích khác nhau, không phân biệt giới tính hay tuổi tác và những thời điểm khác nhau ở các nơi trên thế giới. Trên MXH, mọi người có thể nói chuyện với nhau hàng giờ đồng hồ, có thể xem phim, hay bình luận về một đề tài nào đó…Thế mạnh của MXH này là khả năng giúp người dùng kết nối với bạn bè, phát triển các mối quan hệ xã hội, chia sẻ những suy nghĩ cá nhân và nội dung trên mạng.
Facebook là một trong những MXH “ảo” lớn nhất thế giới hiện nay. Tính đến thời điểm tháng 8/2012, có gần 7 triệu tài khoản người sử dụng đã được lập tại Việt Nam. Và hiện nay, sau gần 6 năm, con số đó đã tăng lên rất nhiều. Với hơn 80 triệu dân và cấu trúc dân số trẻ, Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ tăng người sử dụng Facebook cao nhất thế giới. Theo một nghiên cứu, hơn 70% người dùng Internet ở Việt Nam đều có tài khoản Facebook. Từ năm 2010 đến nay, Facebook tăng vọt về số người sử dụng và con số ấy không ngừng tăng lên. Đây có thể coi là một con số khổng lồ.
II. Hai mặt của Facebook       
  1. Mặt Tích Cực: Tạo điều kiện giao lưu
Thời đại thông tin ngày nay đã tạo những điều kiện cho con người giao lưu, liên kết, chia sẻ những sở thích, sự quan tâm, những ý tưởng, những việc làm bằng các phương tiện truyền thông hiện đại. Có thể nói MXH giúp kết nối con người trên toàn thế giới lại với nhau, rút ngắn không gian, thời gian và thúc đẩy sự giao lưu hợp tác quốc tế.
Sự xuất hiện với những tính năng đa dạng, nguồn thông tin phong phú, Facebook  đã cho phép người dùng tiếp nhận, chia sẻ và chọn lọc thông tin một cách có hiệu quả, vượt qua trở ngại về không gian và thời gian, vượt qua khoảng cách giữa các thế hệ, xóa mờ sự phân biệt dân tộc, tôn giáo và tín ngưỡng. MXH giúp nâng cao vai trò của mỗi công dân trong việc, tạo lập mối quan hệ và tự tổ chức xoay quanh những mối quan tâm chung trong những cộng đồng, thúc đẩy sự liên kết các tổ chức xã hội.
Facebook như một cuốn nhật ký ghi lại những ngày tháng kỉ niệm của chúng ta và bạn bè. Đó cũng là trang mạng truyền tải những thông điệp tốt đẹp trong cuộc sống đến với mọi người. Thông qua Facebook, mọi người biết được người thân, bạn bè đang gặp khó khăn gì để hỏi thăm, giúp đỡ. Facebook còn là trang mạng nơi chúng ta học tập và tìm tòi những kiến thức mới.
Qua MXH, các bạn trẻ đã kịp thời biểu dương rộng rãi những tấm gương tiêu biểu, những cá nhân xuất sắc có đóng góp thiết thực vào đời sống. Có rất nhiều bạn trẻ cũng sử dụng Facebook là nơi quảng cáo, kinh doanh và các hoạt động buôn bán khác rất hiệu quả đem lại nguồn thu nhập cao. MXH tác động đến lối sống giới trẻ hiện nay thông qua việc tìm hiểu nhu cầu, mục đích và các hình thức sử dụng mạng xã hội của họ.
  1.  Mặt tiêu cực:  Facebook gây “nghiện” cho người dùng
Facebook là một MXH cho phép chúng ta chia sẻ trạng thái, hình ảnh và tương tác với nhau rất dễ dàng. Bạn có thể kết nối Facebook mọi nơi chỉ bằng một chiếc điện thoại có kết nối mạng. Chính vì tiện lợi như vậy, có rất nhiều bạn trẻ và thậm chí là cả những người lớn tuổi cũng bị “nghiện” Facebook. Họ lên Facebook hàng ngày, hàng giờ, cập nhật mọi thứ của mình lên Facebook. Bất cứ việc gì họ cũng đăng lên Facebook. Đến cái chuyện ăn gì, uống gì, nghĩ gì, làm gì cũng đưa nó lên, thậm chí mua cái áo mới cũng đưa lên để mọi người “chém gió”. Hay đi ngoài đường gió lạnh quá cũng dừng xe lại “post” cái “status” “lạnh quá”, rồi thậm chí đang chạy thoát hiểm cũng vào Facebook “post” cái “status” đã. Có những hình ảnh “xàm xí” hay những biểu cảm hết sức “trẻ con” đến những câu nói “tào lao”… cũng đưa lên mạng.
Những người “nghiện” Facebook, họ bỏ cả nửa thời gian mỗi ngày để làm những công việc vô ích như lướt Facebook, xem bạn bè có đăng ảnh mới không, xem ai có “status” gì không, hay xem các chuyện trong giới showbiz…
Facebook rất dễ gây “nghiện” nơi người dùng, và ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho không gian “ảo” này. Những công dụng tốt của Facebook đã nhiều lần được nhắc đến, nhưng liệu chúng ta đã thật sự quan tâm đến những ảnh hưởng của mạng xã hội này đối với giới trẻ? Việc đăng lên một tấm ảnh hay một “status” rồi nhận được các lượt “like” và bình luận, hay việc “chém gió” với nhau hàng giờ trên Facebook, khiến nhiều bạn trẻ mất quá nhiều thời gian cho MXH. Ngày nay, bất cứ ở đâu và bất cứ thời gian nào, ta cũng có thể bắt gặp các bạn trẻ “cắm đầu” vào Facebook, trong giờ học, trong giờ ăn, trước khi đi ngủ và ngay cả khi đang đi vệ sinh.
III. Ảnh hưởng của Mạng Xã Hội đến cá nhân
  1. Ảnh hưởng đến tính cách
Với những bạn trẻ trong quá trình hình thành nhân cách, rất dễ bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài, như nhà trường, ba mẹ, người thân, bạn bè, và môi trường xung quanh. Báo chí và các phương tiện truyền thông cũng đóng một vai trò to lớn, là tấm màng lọc văn hóa, giúp góp phần định hướng phát triển tư tưởng cho giới trẻ. Nhưng với sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông số và MXH như hiện nay, người dùng không chỉ đón nhận thông tin từ các kênh truyền thông chính thống mà còn có khá nhiều sự lựa chọn khác.Tuy nhiên, trong số những người sử dụng Facebook, có những người không biết cách khống chế bản thân, tự biến mình thành nô lệ cho Facebook, vì nếu một giờ không lên Facebook thì không chịu được, và cảm giác như thiếu thiếu cái gì ấy.
Việc dành thời gian quá nhiều cho Facebook có ảnh hưởng tiêu cực đến công việc và việc học hành của các bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ dùng Facebook như một nơi để trút giận, bất cứ chuyện gì bực mình ở đâu cũng đem lên Facebook cho mọi người bàn luận, hay dùng Facebook để chửi người khác một cách công khai. Những câu “status” như: “Làm người lớn thật rắc rối, ước gì được trở về tuổi thơ, được vui chơi không suy nghĩ, làm sai cũng không phải chịu trách nhiệm”. “Ước gì tôi không được sinh ra trên đất này’. “Nếu tôi biến mất khỏi thế giới này thì sẽ tốt hơn, chẳng có ai sẽ tìm tôi” v.v. Chính những câu nói tưởng như đơn giản đó, nhưng nó làm cho các bạn trẻ tự thu vào “vỏ ốc” của chính mình, không muốn giao lưu với người khác, không thích ai làm phiền mình.
  1. Ảnh hưởng đến cách giao tiếp.
Facebook ảnh hưởng đến cách giao tiếp của con người. Trong cách thể hiện tình cảm, nhiều bạn trẻ không muốn giao tiếp với moi người, đến cái chào người khác hay người lớn hơn mình cũng thật khó. Nhiều bạn trẻ mãi nói chuyện với người trên mạng mà quên giao tiếp với người thân. Bị đắm chìm trong “thế giới ảo” mà thờ ơ, dửng dưng với mọi người, không muốn và không biết cách giao tiếp, chia sẻ với mọi người xung quanh, thậm chí mất niềm tin nơi cuộc đời thực, có khi dẫn đến mặc cảm trong cô đơn, trầm cảm, thu mình lại.
Nhiều ông bà, cha mẹ thấy cô đơn khi con cháu họ chỉ “ôm” điện thoại, laptop, thiếu sự truyền thông với nhau trong gia đình chứ chưa nói đến bạn bè hay người ở bên ngoài. Nhiều bạn sao nhãng việc học hành chỉ vì dành thời gian lướt Facebook, quên cả việc đọc sách, bỏ bê bài vở, kết quả học tập sa sút. Nguyên nhân của việc giới trẻ sử dụng Facebook một cách rộng rãi có lẽ chính là do sự hấp dẫn, mới lạ, tính giải trí cao trong việc sử dụng Facebook.
IV. Facebook có phải là ông chủ còn chúng ta là nô lệ?
Từ những vấn đề trên được nêu, câu hỏi đặt ra “Liệu chúng ta có đang làm nô lệ cho MXH?” Kinh Thánh chép: “Chẳng ai được làm tôi hai chủ,vì sẽ ghét người này mà yêu người kia, hoặc trọng người này mà yêu người kia. Các  ngươi không thể làm tôi Đức Chúa Trời mà lại làm tôi ma môn nữa.” Ma-thi-ơ 6: 24. Khi bạn dành thời gian nhiều nhất cho một điều gì đó, chắc chắn điều đó sẽ ảnh hưởng và chi phối bạn.
Khái niệm “thần tượng” (idol) đã rất quen thuộc với các bạn trẻ. Một số bạn trẻ ngày nay để những ca sĩ, những nhóm nhạc như BTS, EXO, IKON… lên trên Chúa. Các bạn gọi là “thần tượng” của mình, cho nên trên trang cá nhân của nhiều bạn trẻ “share” những hình ảnh của các thần tượng mà mình hâm mộ, để avartar… Một số bạn trẻ Cơ Đốc thậm chí còn xem “thần tượng” con người quan trọng hơn cả Chúa. Các bạn sẵn sàng sao chép bản thân các bạn sao cho thật giống với thần tượng của mình. Điều này thật chẳng đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Sự tốt đẹp bề ngoài đã đánh lừa các bạn trẻ Cơ Đốc thật nhanh chóng. I Sa-mu-ên 16:7b chép: “Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem, loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng”. Đức Chúa Trời chẳng bao giờ nhìn vào một ảnh đại diện nào trên Facebook mà khen các bạn, vì những giá trị đó là ảo, không thật. Mà Chúa nhìn vào con người thật của các bạn, nhìn vào tư tưởng công việc nơi tay các bạn. Điều Răn thứ nhất trong Kinh Thánh “Trước mặt Ta, ngươi chớ có các thần khác” Xuất Ê-Díp-tô ký 20: 3. Chúng ta tạm gát lại mọi chuyện, hãy dừng lại và suy nghĩ một chút với những câu hỏi đặt ra.
1.Bạn và tôi có làm vinh hiển danh Chúa thông qua mạng xã hội không ?
Trong Kinh Thánh I Cô-rinh-tô 6:12 có chép: “Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng để sự gì bắt phục được tôi”.
Chúa cho mỗi chúng ta có quyền lựa chọn việc mình làm, nhưng việc làm nào có ích và làm vinh hiển danh Chúa “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm.” I Cô-rinh-tô 10:3. Cách sử dụng Facebook của tôi và bạn có đang làm Vinh Hiển Danh Chúa không? Bạn có khi nào cho mọi người biết hôm nay bạn cầu nguyện với Chúa về điều gì và Ngài đáp lời các bạn như thế nào không? Đó mới là đồn danh Chúa ra.
2. Mạng xã hội có dẫn tôi và bạn đến tội lỗi?
Bản thân Facebook là một công cụ mang tính trung lập, không hẳn tốt và cũng không hẳn xấu. Tuy nhiên, khi Facebook nằm trong tay của một người tội lỗi, không có gì đáng ngạc nhiên rằng nó có thể được sử dụng để chất chứa những hành vi tội lỗi như: bắt nạt, các mối quan hệ tội lỗi, sự trụy lạc về tình dục, những ý tưởng của thế gian, và tự cho phép mình bị tác động bởi những ảnh hưởng xấu. Trên Facebook có rất nhiều hình ảnh, hay những thứ không tốt chúng ta chỉ vô tình lướt qua hoặt tò mò click vào xem thì có thể dẫn dụ chúng ta vào tội lỗi như tử vi, những hình ảnh mang tính kích dục. Kinh Thánh chỉ rõ cho chúng ta biết chúng ta có nên xem những hình ảnh đó hay không:
 “Vậy nếu con mắt bên hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy móc mà quăng nó cho xa ngươi đi; vì thà chịu một phần thân thể ngươi phải hư, còn hơn là cả thân thể bị ném vào địa ngục.” Ma-thi-ơ 5:29. Nếu bạn lỡ phạm tội vì những hình ảnh đó hãy cầu nguyện, xưng ra những tội lỗi và xin ân điển và quyền năng Chúa sẽ giải cứu bạn khỏi những tội lỗi này. Xin Chúa hướng dẫn để chúng ta cẩn thận khi dùng Facebook và xin Chúa giúp tôi và bạn dùng Facebook một cách khôn ngoan, không để sự tò mò dẫn chúng ta phạm tội.
3. Những “commet” của tôi và bạn đem lại sự gây dựng hay đổ vỡ?
Trên Facebook đang lan tràn những tin đồn, sự bắt nạt, những điều bi quan và phàn nàn. Thay vì sống như thế gian, hãy trở thành ánh sáng cho thế gian bằng cách sử dụng lời nói của bạn để gây dựng những người khác. Hãy suy nghĩ về những tình huống hoặc chủ đề có thể cám dỗ tôi và bạn để nói chuyện tiêu cực, và phải cảnh giác khi một người bạn trên Facebook gửi một lời nói gì đó có thể khiêu khích bạn. Bạn có dùng câu Kinh Thánh hay lời cầu nguyện nào an ủi những người khác không, họ có A men với bạn hay không?
4.Những người khác có thấy ánh sáng của Chúa qua những gì tôi và bạn chia sẻ trên mạng xã hội không?
Với những gì bạn chia sẻ, bạn có thể cho mọi người thấy niềm hy vọng của bạn nơi Chúa, và một người được biến đổi bởi Phúc Âm sẽ sống và suy nghĩ như thế nào. Bạn cũng có thể thách thức và khích lệ những mối liên hệ “online” của mình tin vào Chúa và đi theo Ngài. Đừng quên những cơ hội tuyệt vời mà bạn có để loan báo với thế giới về sự giàu có và dồi dào của Đấng Christ. Kinh Thánh có chép: “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời.” Ma-thi-ơ 5:16. Chúng ta là muối và ánh sáng của Chúa, chúng ta cần tận dụng Facebook để nhiều người biết đến Chúa qua trang cá nhân chúng ta.
5. Thời gian bạn và tôi dành thời gian bao nhiêu cho mạng xã hội?
Thành thật mà nói, một số trang MXH giống như một cái lỗ đen, thu hút hết sự chú ý và thời gian rảnh của chúng ta. Điều đó có thể dễ dàng và thậm chí trở nên bình thường, chỉ là lên Facebook hoặc Pinterest để kiểm tra một chút và ở lại trên đó khoảng một tiếng đồng hồ hoặc hơn thôi mà! Bạn và tôi  có thể làm gì với một giờ đó? Trong Kinh Thánh có chép: “Hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu. Ê-phê-sô 5:16.
6. Bạn và tôi  đang coi trọng những sự tương tác ảo hơn những mối quan hệ thật?
Thay vì nhấn nút “Thích” một tấm hình hoặc viết một bình luận trên trạng thái của người khác, hãy đầu tư cho những mối quan hệ bằng những cuộc trò chuyện ý nghĩa ngoài đời thực. Một nút “Thích” hay “Chọc ghẹo” không thể cho người khác thấy rằng bạn quan tâm đến họ. Hãy tiến thêm một bước nữa khi cho những người quan trọng đối với bạn biết rằng bạn quan tâm đến họ và bạn thực sự coi trọng mối quan hệ này. Hoặc tiến thêm một bước tuyệt hơn nữa là gặp nhau mặt đối mặt ở ngoài đời thực. “Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.”  Ma-thi-ơ 22:39.
7. Mạng xã hội có giúp bạn và tôi thỏa lòng?
MXH có thể là một công cụ giết chết sự thỏa lòng. Chúng ta  thấy ai đó đăng hình một đôi giày mới, và ngay lập tức chúng ta  cũng muốn có một đôi và thấy rằng đôi giày cũ của mình không còn tốt nữa và bạn muốn có nó, trông khi nó còn tốt có thể dùng đến một hai năm nữa.
MXH có thể đổ thêm dầu vào ngọn lửa của tham lam và bất an vì chúng ta thường so sánh mình với những người khác. Chúng ta nên quan tâm đến những gì Chúa nghĩ về chúng ta, chứ không phải người khác nghĩ gì; Chúa đánh giá chúng ta như thế nào, chứ không phải người khác. Bạn có bao giờ nghĩ rằng những người đăng tải thông tin về đôi giày mới hoặc chuyến du lịch đó có thể không thỏa lòng với những gì họ có? Sứ đồ Phao-lô nói rằng ông ấy đã học được sự thỏa lòng trong mọi hoàn cảnh: đói khát, no đủ hay thiếu thốn. Chúng ta cũng có thể làm được như vậy. “Không phải là tôi muốn nói đến sự cần dùng của tôi; vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy. Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được. Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.” Phi-líp 4:11-13.
8. Mạng xã hội có thúc đẩy bản ngã của chúng ta và khiến chúng ta cảm thấy tốt về chính mình?
Thật giả dối khi ai đó nói với bạn rằng bạn chỉ có giá trị đối với người khác khi họ thích những gì bạn đăng trên MXH. Nếu tâm trạng của bạn phụ thuộc vào số lượng “Thích” (like) trên Facebook mà bạn nhận được, điều đó có nghĩa là bạn quá chú tâm vào việc đạt được sự chấp nhận của mọi người.
Đừng rơi vào cái bẫy này! Đúng là việc xây dựng những mối quan hệ thông qua MXh có thể đem lại lợi ích, tuy nhiên, bạn cũng có thể thấy việc xây dựng tâm trạng của bạn và lòng tự trọng dựa trên nền tảng không vững chắc của Instagram và Twitter không ích lợi như chúng ta vẫn nghĩ. Thay vì cất trữ những thứ thuộc về đời này như số lượng người theo dõi trên Twitter hay số bạn Facebook,  chúng ta hãy cất trữ cho mình những kho báu thuộc về Thiên Đàng, những điều sẽ còn lại đời đời. Điều này cũng sẽ giúp bạn thoát khỏi những cái bẫy trên mạng xã hội. “Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì?” Mác 8:36.
Kết Luận :
Để xây dựng mối quan hệ ở thế giới thực tại, không nên quá sa đà, mất thời gian quá nhiều vào MXH. Bạn nên dành thời gian cho Chúa nhiều hơn những việc có  ích hơn, dành thời gian cho người thân và những người đang cần sự quan tâm của chúng ta. Nếu chúng ta quan tâm đến người khác thì chính mình cũng được quan tâm, và cảm thấy vui vẻ yêu đời hơn. Đừng để Facebook trở thành ông chủ, và chúng ta là những nô lệ của MXH? Chúng ta hãy nhạy bén tiếp thu chúng, nhưng hãy là người thông minh để dùng chúng một cách hiệu quả chứ không là nạn nhân của MXH. Đừng để những tiếng “bíp” của MXH điều khiển bạn.
Phương Quỳnh

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2019

THƠ: Đức Chúa Trời Ở Cùng Chúng Ta (Em-ma-nu-en)

Năm xưa Thiên Chúa giáng trần
Đêm đông giá lạnh, thiên thần báo tin.
       Bê- lem  yên tĩnh… vọng lên:
Âm vang khúc nhạc dịu êm bỗng trầm.

Tin vui vang dậy  xa gần,
Con Trời giáng thế, hóa thân thành người.
Nằm trong máng cỏ là nơi:
Thay cho nệm ấm, Con Trời dung thân.

Giô- sép chu đáo, ân cần,
Ma-ri, Ấu Chúa được chăm chu toàn.
Hài nhi Thánh tử còn đang:
 Say sưa giấc ngủ, rỡ ràng đẹp xinh.

Một đoàn mục tử kiếm tìm:
Sấp mình thờ lạy, chân tình kính thương
Xa xa  bác sĩ dặm trường:
Hướng về Ấu Chúa, xa phương tìm về.

Kính cung lễ vật đề  huề,
Nhũ hương, một dược cận kề quý kim.
Ba vua dâng Chúa kỉnh kiềng,
Không về đường cũ, mà tìm lối xa.

Chúa Trời ở với chúng ta,
Bốn phương hoan hỉ, nhà nhà mừng vui.
Giáng sinh rộn rã tiếng cười,
Thánh đường chuông vọng khắp nơi mọi miền.

Chúa Con khôn lớn bình yên,
Tinh thông học biết mọi điều ý Cha.
Con Trời ở với chúng ta,
Yêu thương, khôn sáng; chan hòa hạnh vinh.

Ba mươi ba năm linh trình,
Thi hành chức vụ, tận tình cứu dân.
Cuối cùng Ngài đã xả thân,
Hy sinh mạng báu, cứu ân muôn người.

Tình yêu cao quý tuyệt vời,
Quay về Thượng đế là nơi an bình!
Ơn Trời rải khắp chúng sinh,
Giáng sinh vui hưởng, bình minh rạng ngời./.

Lê Mai

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2019

Tại sao chọn con đường vào Thần học viện?

Vào Thần học viện được gì và mất gì? Có phải con đường ấy dễ thăng tiến nhất, dễ giàu có nhất, dễ được tôn trọng nhất,…mà không cần phải cố gắng nhiều?
Không biết những suy nghĩ đó có đúng với ai hay không? Nhưng với T, thì con đường vào Thần học viện, và trở thành một người hầu việc Chúa là một hành trình từng bước lắm chông gai, nhưng cũng không ít thử thách. Từ khi…
T thật lòng tin Chúa một mình ở tuổi thanh niên. Được biết, Mục sư là người đứng đầu trong tổ chức Hội Thánh địa phương, được mọi người tôn trọng, công việc nhìn bề ngoài cũng không mấy vất vả, nhưng phụ cấp thì được gửi đúng ngày. Bản thân T rất tôn trọng và thán phục các Mục sư, Truyền đạo, vì T luôn nghĩ rằng tất cả những người ấy đều được sinh ra trong gia đình tin kính Chúa, đều được học Kinh Thánh từ nhỏ. Nhưng trên hết mọi sự, những vị ấy phải có một đời sống yêu mến Chúa liên tục từ nhỏ đến lớn. Những lúc không có ai, khi chỉ một mình cầu nguyện trong nhà thờ, T thường tự đứng lên bục hướng dẫn, nhìn xuống phía dưới và ước ao một ngày nào đó sẽ thành một Truyền đạo, Mục sư được mọi người tôn trọng. Có lần, T nói với một thanh niên:
– Bạn ơi! Tui muốn trở thành Mục sư có được không? Và câu trả lời là:
– Không được đâu T! Chỉ những ai là con Mục sư, Chấp sự thì mới làm Mục sư được. Không phải ai muốn làm Mục sư cũng được đâu.
Dù đúng hay sai thì khi đó, câu trả lời ấy vẫn khiến T rất hụt hẫng, cộng thêm việc T vừa tốt nghiệp đại học và đang có công việc ổn định. Nên anh nghĩ thầm:
– Thôi! Chuyện làm Mục sư để người khác lo, mình làm tín đồ cho khỏe!
Quả thật, chuyện muốn làm Mục sư không phải là bản thân mình muốn, hay được ai đó xúi giục là được.
    ………………………………
Dù công việc rất bận rộn, nhưng T vẫn cố gắng tham gia đủ bốn năm Thánh Kinh Căn Bản. Mỗi năm, T vẫn được các Mục sư kêu gọi để dâng mình hầu việc Chúa trong những ngày cuối khóa. T rất cảm động và hứa nguyện nhiều lần. Nhưng hứa vẫn chỉ là hứa, T phải đối diện với công việc mưu sinh, với những mối quan hệ bạn bè. Nhưng tất cả đã thay đổi trong cái đêm định mệnh ấy. Đêm 24/12/20…
T đang trên đường đi đến nhà thờ để tham gia ban hát trong đêm Giáng Sinh. Bỗng…
Ầm, bịch…mắt hoa đôm đốm, trời đất tối mù, T té xuống xe, đầu đập xuống đường. T nhập viện trong tình trạng hôn mê!
Trong lúc mê lúc tỉnh ấy, T sợ lắm, vì thấy mình đang rơi vào một hố sâu đen ngòm. T thấy mình không còn hy vọng gì nữa. Trong lòng T lúc ấy chỉ nghĩ đến một mình Chúa. T thầm nói với Chúa:
 – Chúa ơi! Xin cứu con, con sẽ hầu việc Ngài.
Thật kỳ diệu, vài ngày sau T đã tỉnh dậy trong niềm vui của gia đình. Đầu T đau lắm, nhưng suy nghĩ giữ lời hứa dâng mình hầu việc Ngài luôn trong tâm trí anh.
Hai tháng sau, T quyết tâm dâng mình hầu việc Chúa. Nhưng khó khăn trước mắt là Kinh Thánh, T chưa thuộc và hiểu nhiều, mà chỉ còn 10 tháng nữa là Viện Thánh Kinh Thần Học tuyển sinh khóa mới. T quyết định không thi tuyển năm ấy, nhưng phải đầu tư gần 3 năm đọc trọn Kinh Thánh.
   ……………………………………..
Trong gần 3 năm ấy, ngoài thời gian đi làm, T dành thời gian đọc Kinh Thánh theo phương pháp cá nhân, và có sổ ghi chép những điều mình học được, ôn lại những môn học trong bốn năm Thánh Kinh Căn Bản. Đồng thời, xin góp phần với một Hội Thánh nhỏ trong mọi công tác được giao. Từ việc quét nhà thờ, trang trí Giáng Sinh, dạy Kinh Thánh cho thiếu nhi, hướng dẫn các em thiếu niên, thăm viếng, chứng đạo cá nhân,…
Thời gian thấm thoát dần trôi, mới đó mà đã đến lúc Viện Thánh Kinh tuyển sinh khóa mới. T xin Mục sư Quản nhiệm bộ hồ sơ tuyển sinh. T vui mừng vì hội đủ những điều kiện cơ bản đối với thí sinh dự tuyển. Một trong những yêu cầu đó là: tốt nghiệp ít nhất hai năm Thánh Kinh Căn Bản, và đặc biệt là nhận biết được ơn kêu gọi của Chúa.
Đối với hơn 100 thí sinh thi năm ấy, T chỉ có vốn kiến thức là gần 3 năm đọc trọn Kinh Thánh hai lần, kiến thức đơn sơ từ bốn năm Thánh Kinh Căn Bản. Một số tín đồ biết T đăng ký thi thì nói thầm với nhau:
– T thi vậy thôi, chứ chắc gì đậu, cũng không có gia đình hậu thuẫn thì ra chức vụ sẽ làm sao? Khó lắm!
Ngày thi cũng đến, T được Hội Thánh giúp cho ít lộ phí để “lên kinh ứng thí”. Cầm đề thi trong tay, T chưa vội đọc mà nhắm mắt cầu nguyện khẩn thiết với Chúa.
– Nếu thật sự Chúa chọn con thì xin cho con có sự khôn ngoan để làm bài, vì con không nhớ gì hết. Chúa thật quyền năng và lạ lùng. T làm xong bài thi trước giờ quy định 30 phút. T ra về mà lòng thấy nhẹ nhõm, vì anh nghĩ:
– Dù đậu hay không thì mình cũng làm tròn lời hứa nguyện với Chúa.
Thật, khi Chúa muốn giao trọng trách cho ai thì Ngài lại ban cho thêm ơn. T nhận được kết quả trúng tuyển năm ấy.
Tuy nhiên, những ngày đầu vào Viện thật khó khăn. Vì tin Chúa một mình, lại không quen biết ai, nên trở ngại đầu tiên chính là phạn phí. T thường xuyên bị văn phòng gọi lên nhắc đóng tiền, nên lúc nào đến lớp T cũng hồi hộp chờ đợi loa gọi vào nhắc nhở:
– Nếu Thầy không hoàn thành phạn phí thì có thể chuẩn bị để về nhà.
Mỗi đêm, T quỳ gối khóc với Chúa, có lúc tự hỏi:
– Tại sao Chúa gọi con mà vẫn để con túng thiếu không có tiền đóng phạn phí? Những anh em khác được sinh trong gia đình tin Chúa thì được đóng đầy đủ và còn có dư?…Nhiều lần T đã chuẩn bị đồ đạc để ra về. Những lúc như thế!
Chúa thật nhỏ nhẹ, thật êm dịu nói với T:
– Ta muốn huấn luyện con thành đồ dùng quý giá trong nhà Ta.
Mỗi lần đến lớp, câu Kinh Thánh khẩu hiệu của Viện “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật” (II Ti-mô-thê 2:15), khiến T càng cố gắng chuyên tâm học Lời Chúa, nói với lòng và với Chúa:
– Còn một ngày ở lại đây thì con sẽ cố gắng học, khi nào Chúa cho về thì con sẽ….về!
Khó khăn thứ hai là Viện yêu cầu trước khi tốt nghiệp các sinh viên phải có bằng B Anh văn. T xin Chúa cho sự khôn ngoan để học môn ngoại ngữ này.
Chúa luôn tuyệt vời!
………………………………………….
T đã học hai năm, về thực tập một năm, lấy bằng B Anh văn và trở lại trường học hai năm cuối. Đến ngày tốt nghiệp, hầu hết các sinh viên đều có người thân đến chúc mừng. T cũng hơi buồn, nhưng cũng rất vui vì đã tốt nghiệp và không nợ môn. Vả lại, đến lúc ấy, Chúa đã cho T hoàn thành việc đóng phạn phí. T Trở về nhà chờ đợi để được bổ nhiệm.
Một buổi sáng thứ hai đẹp trời, chuông điện thoại reo. Giọng của một Mục sư trẻ vang lên:
– Em có đồng ý đến phụ tá cho anh không? Nếu đồng ý, sáng mai em qua gặp anh để nói chuyện.
Hai năm phụ tá tại một Hội Thánh nhỏ ở vùng ven. Phụ cấp hai triệu một tháng, dù ít nhưng vẫn đủ vì Truyền đạo T thấy thỏa lòng. Được hầu việc Chúa từ dạy thiếu nhi, hướng dẫn các ban ngành, chia sẻ Kinh Thánh, mở mục vụ cho thiếu nhi, thăm viếng, chứng đạo, …Quả thật, T làm được mọi sự vì Chúa ban thêm sức, và những kinh nghiệm đã làm trước đây.
Thầy T đã hoàn thành hai năm phụ tá, với niềm vui khi thấy mình góp phần giúp nhiều em thiếu nhi biết về Chúa, nhiều anh em tín hữu được khích lệ, Hội Thánh vui vẻ, phước hạnh.
Ngày ra đi, gia đình nhỏ của Thầy T chỉ mang theo năm, bảy thùng sách và chiếc xe máy cũ.
Nhiệm sở mới của Thầy T là một điểm nhóm nhỏ ở nông thôn. Khi ấy, nhà nguyện chưa có tư thất, nên gia đình Thầy phải ở nhà thuê. Nhưng, vô tình người chấp sự tìm cho Thầy T căn nhà trọ lại nhằm một “ổ tệ nạn”. Cả đêm hôm ấy, gia đình Thầy T không hề chợp mắt vì “khung cửa không khép bao giờ”. Gia chủ mở cửa cả đêm, xe máy của Thầy T thì để ngoài sân, dù đã cầu nguyện xin Chúa giữ gìn, nhưng sao Thầy T vẫn không thể chợp mắt. Sáng hôm sau, Thầy T quyết định chuyển nhà đến một gia đình tín đồ gần đó, và chi phí cho một đêm thức trắng là 500 nghìn.
Biết bao niềm vui và những phước hạnh tại nơi ấy, dù những ngày đầu Hội Thánh gặp rất nhiều khó khăn về tài chánh, nhưng mỗi ngày Chúa lại ban cho Hội Thánh càng dư dật, và đức tin của tín hữu cũng lớn lên theo thời gian.
Về gia đình, Thầy T và cô luôn hứa nguyện với Chúa dạy con cái mình bằng Lời Chúa và nếp sống làm gương của bản thân. Đây cũng là điều không phải dễ. Nhưng phải cậy ơn Chúa mà làm để làm gương cho cả bầy chiên, mà Chúa đã mua bằng chính huyết của Ngài.
Được Chúa huấn luyện mỗi ngày trong thử thách, khó khăn nhưng phước hạnh. Giờ đây, gia đình Thầy T chuẩn bị được bổ nhiệm đến một Hội Thánh có quy mô hơn. Trước mắt, Thầy T và gia đình phải đối diện với những thử thách trong công tác lãnh đạo, trong các mối quan hệ với số đông tín hữu, với chính quyền và người ở địa phương mới. Nhưng trên hết những khó khăn đó chính là “ơn từ trên cao”. Thầy T và cô đều nhận thức rõ:
– “Nếu phục vụ Chúa mà không có ơn của Ngài, thì giống như đang làm một công việc ở ngoài xã hội, chỉ để kiếm sống mỗi ngày”.
Câu chuyện vẫn chưa có hồi kết. Mỗi chúng ta sẽ có những cái nhìn khác nhau. Tuy nhiên, ai chọn con đường vào Thần học viện thì cần nhớ: chúng ta sẽ là đầy tớ trung tín hay đầy tớ dữ trước mặt Chúa trong ngày phán xét mới là điều quan trọng. Hãy để Chúa vẽ nên cuộc đời của chúng ta theo ý Ngài./.
Paul Tạ (HTTLVN.ORG)

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!