Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Bài hát: Nền Hội Thánh Vững Bền (Kỷ niệm 500 năm ngày Cải chánh Giáo hội)

1. Video:



2. Sheet nhạc: (Click vào hình để xem rõ hơn hoặc tải file gốc .pdf bên dưới)
3. Xin nhấn vào nútTẢI VỀphía bên dưới để tải về file gốc .PDF Sheet nhạc

4. Xin nhấn vào nút “TẢI VỀ” phía bên dưới để tải về file .PPTM Powerpoint
(Lưu ý: Chỉ Ban Âm nhạc mới được tải file .PPTM về máy!)

500 năm kể từ ngày Mục sư Martin Luther cải chánh Giáo hội


      Hướng về kỷ niệm 500 năm ngày Mục sư Marin Luther cải chánh Giáo hội, Tổ Biên tập xin gởi đến Quý độc giả bài viết sau đây:

      Martin Luther sinh ngày 10/11/1483 tại làng Eisleben, Thuringia, Đức Quốc. Ông là con của Hans Luther và Margaretha Luther. Năm 1501, Martin Luther đến học tại Đại học Erfurt, nhận văn bằng cử nhân vào năm 1502, và học vị thạc sĩ năm 1505. Mùa hè năm 1505, trong một lần về thăm nhà, trên đường trở lại cư xá của đại học, Martin Luther bị sét đánh suýt chết. Trong cơn kinh hoàng, Chúa đã giải cứu ông và ông đã hứa với Chúa sẽ trở thành tu sĩ. Sau đó, Luther bỏ trường luật, bán hết sách vở, ngày 17/7/1505, vào dòng tu kín Augustine tại Erfurt. 

      Năm 1507, ông được thụ phong linh mục. Năm 1508, ông bắt đầu học thần học tại Đại học Wittenberg. Ông nhận bằng cử nhân về nghiên cứu Kinh Thánh năm 1508 và cử nhân tu từ học (môn học bắt buộc cho ngành thần học vào thời Trung Cổ) vào năm 1509. Đại học Wittenberg cấp bằng tiến sĩ thần học cho ông năm 1512. Ông cũng được phong chức giáo sư dạy về Kinh Thánh (Lectura in Biblia) và đã giữ ghế này suốt cuộc đời mình.

      Martin Luther hết lòng hiến mình cho cuộc đời khổ hạnh tại tu viện, tận tụy với mọi việc lành, hầu làm vui lòng Thiên Chúa và phục vụ người khác bằng cách cầu nguyện cho sự cứu rỗi linh hồn của họ. Luther thường xuyên kiêng ăn, tự hành xác, dành nhiều thì giờ để cầu nguyện cũng như đi hành hương và thường xuyên xưng tội. Nhưng càng nỗ lực nhiều Luther càng cảm thấy mình tội lỗi nhiều hơn.

      Sau khi trở về từ chuyến hành hương đến Rôma năm 1511, Luther càng chìm sâu trong tuyệt vọng. Ông cảm nhận sâu sắc về tội lỗi và tình trạng bất xứng của mình, nhưng cũng thấy mù mịt vì không tìm ra lối thoát. Lòng sùng tín theo kiểu cách thời Trung Cổ trở thành nỗi niềm cay đắng cho Luther, ông bỏ lễ Misa và ngưng đọc kinh. Ông căm giận Thiên Chúa và oán hận Ngài. Luther miêu tả giai đoạn này là tràn đầy sự thất vọng tâm linh. Ông nói: “Tôi không chịu đến với Chúa như là Cứu Chúa và Đấng An ủi, nhưng xem Ngài như là cai tù và đao phủ của linh hồn tôi.”

      Martin Luther thuật lại rằng bước đột phá sâu sắc đến với ông vào năm 1513, lúc đang giảng dạy sách Thi thiên. Khi đang chuẩn bị bài giảng cho học kỳ sắp tới, ông bắt gặp câu này trong Thi Thiên 31: 1 “Xin hãy lấy sự công chính Ngài mà giải cứu tôi”. Đây là một câu Kinh Thánh quen thuộc, nhưng vào thời điểm ấy nó đến với Luther như một vết dao cắt. Ông cảm thấy sự công chính của Thiên Chúa thật đáng kinh khiếp: luôn nhắc nhở ông về tội lỗi của mình, khiến ông nghĩ về Chúa như một Đấng khắc nghiệt, chực chờ đoán phạt con người dựa trên một sự công chính mà con người không bao giờ với tới. Luther quay sang những luận giải của Phao-lô chép trong thư Rô-ma 3: 23-24 để thấy mình bị cuốn sâu hơn vào tình trạng căng thẳng và tuyệt vọng. Đức tin đặt vào Chúa càng nâng cao những chuẩn mực đạo đức của Thiên Chúa, theo cách hiểu của Luther vào lúc ấy, là Đấng sẵn sàng ra tay trừng phạt con người đang đắm chìm trong tội lỗi.

      “Vầng đá nền vững chãi này mà chúng ta gọi là giáo lý xưng công chính, là trọng tâm của toàn bộ nền thần học Cơ Đốc mà mỗi người yêu kính Thiên Chúa cần phải thấu suốt.” – Luther nói.

      Luther hiểu rằng sự xưng công chính hoàn toàn là công việc của Thiên Chúa. Trái với giáo huấn thời đó dạy rằng hành vi công chính của người tín hữu là những hành động cùng thực thi với sự hợp tác của Thiên Chúa, Luther viết rằng người tín hữu nhận lãnh sự công chính như một sự ban cho, không phải tự mình cố gắng mà có được vì sự công chính ấy đến từ Chúa. “Đó là lý do tại sao chỉ có đức tin mới có thể khiến chúng ta trở nên công chính và làm trọn luật pháp“, Luther viết, “Đức tin khiến chúng ta nhận lãnh Chúa Thánh Linh qua công đức của Chúa.” Đức tin, theo Luther, là món quà đến từ Thiên Chúa.

      Với niềm vui tìm ra chân lý, Martin Luther khởi sự giảng dạy niềm xác tín rằng cứu rỗi là sự ban cho bởi ân điển của Thiên Chúa, được nhận lãnh bởi đức tin và lòng tin cậy vào lời hứa của Thiên Chúa tha thứ tội lỗi, dựa trên sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá.

      Trong thời này, Giáo Hoàng Leo X (1513-1521) cần tiền để hoàn tất công tác tái thiết Quảng Trường Thánh Phi-e-rơ ở Rô-ma. Giáo hoàng bắt đầu đẩy mạnh việc buôn bán phiếu xá tội để gây ngân quỹ. Giáo hoàng giao việc bán phiếu xá tội ở Đức cho Tổng Giám mục Albert, thuộc giáo phận Mainz. Số tiền thu được trong sẽ chia cho Giáo Hoàng phân nửa, Tổng Giám mục Albert được giữ lại phân nửa để trả món nợ mà ông đã vay mượn của ngân hàng Fugger trước đây để mua chức Tổng Giám mục cho mình. Tổng Giám mục Albert chỉ định tu sĩ Jean Tetzel thuộc dòng tu Dominic làm đại lý bán phiếu xá tội ở giáo phận Mainz, Đức.

      Để bắt đầu công việc buôn bán, tu sĩ Tetzel vào các giáo đường, nhân danh Giáo hoàng hứa rằng hễ ai mua phiếu xá tội sẽ được tha tội, tội lớn lẫn tội nhỏ đã phạm và sẽ phạm trong tương lai. Để cho việc buôn bán có thêm nhiều lợi nhuận, tu sĩ Tetzel quảng cáo rầm rộ khắp đường phố là ai mua phiếu xá tội của ông bán thì linh hồn của thân nhân ở lò Luyện Ngục được bay lên thiên đàng ngay, như bài thơ được truyền tụng trong thời đó là: “Tiền vàng rơi xuống thùng đây. Hồn trong hỏa ngục bay ngay thiên đàng” (As the coin into the coffer rings, the soul from purgatory springs).

      Việc buôn bán phiếu xá tội và những lời quảng cáo láo khoét của tu sĩ Tetzel đến tai Martin Luther. Martin Luther vốn đã từng chống đối việc buôn bán phiếu xá tội của Giáo hoàng, vì ông xem đó là việc làm bất chính. Martin Luther càng căm phẫn hơn khi nghe tu sĩ Tetzel quảng cáo phiếu xá tội có tính cách lừa bịp con dân Chúa để thu lợi bất chính trên mồ hôi nước mắt của con chiên nghèo khổ. Ông liền viết một kháng nghị gồm có 95 luận đề. Đến ngày 31/10/1517, ông đem dán kháng nghị đó trên bản yết thị của Đại Thánh đường Wittenberg để phản đối việc buôn bán phiếu xá tội của Giáo hoàng.


      Đại ý của kháng nghị nói rằng Giáo hoàng cũng không có quyền tha tội. Người nào giảng dạy dùng phiếu xá tội để chuộc tội là sai lầm. Ai đặt niềm tin nơi phiếu xá tội là đặt niềm tin vào một tà thuyết vô ích. Người có tiền mà không dùng tiền mình để giúp người nghèo khổ mà lại dùng tiền đó để mua phiếu xá tội của Giáo hoàng là mua lấy sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời về cho mình.

      Martin Luther gởi bản kháng nghị nói trên đến Tổng Giám mục Albert. Tổng Giám mục Albert tức giận, liền chuyển bản kháng nghị đó đến Giáo hoàng ở Rô-ma để xin Giáo hoàng có biện pháp xử lý tu sĩ Martin Luther. Đến năm 1518, quan tư pháp của Giáo hoàng (papal inquisitor) là Silvester Prierias ban trác lệnh đòi Martin Luther qua Rô-ma hầu tòa, để chịu xét xử về tội phổ biến và giảng dạy tà thuyết. Martin Luther bác bỏ trác lệnh đòi hầu tòa đó vì quan niệm rằng Kinh Thánh không bao giờ sai lầm, chỉ có Giáo hoàng mới có thể sai lầm mà thôi.

      Đến ngày 15/6/1520, Giáo hoàng Leo X ban hành giáo lệnh dứt phép thông công Martin Luther. Giáo lệnh này trưng ra 41 điều để cáo buộc Martin Luther dạy tà thuyết. Giáo lệnh bắt buộc Martin Luther phải thiêu hủy các sách mà ông đã viết để quảng bá lẽ đạo xưng nghĩa bởi đức tin. Giáo lệnh cho Martin Luther 60 ngày để ăn năn. Nếu Martin Luther không ăn năn nội trong 60 ngày thì giáo lệnh đương nhiên có hiệu lực. Giáo lệnh còn cho phép chính quyền bắt Martin Luther giải giao về Rô-ma để Giáo hội trị tội. Giáo lệnh khuyến cáo ai chứa chấp Martin Luther sẽ bị họa lây vào thân. Giáo Hoàng còn cho rằng: “Martin Luther là con heo rừng đang phá hoại vườn nho của Chúa.”

      Trước giáo lệnh dứt phép thông công của Giáo hoàng Leo X, Martin Luther đem giáo lệnh dứt phép thông công ra đốt trước đám đông gồm có các giáo sư, sinh viên và dân chúng. Martin Luther đốt giáo lệnh dứt phép thông công của Giáo hoàng là có mục đích để nói lên rằng ông hoàn toàn phủ nhận quyền hạn và chức vụ Giáo hoàng, và cũng là một hành động để nói lên sự chấm dứt mối liên hệ giữa ông với Giáo hội Công giáo La mã.

      Đến ngày 17/4/1521, Hoàng đế Charles V triệu tập hội nghị tại tỉnh Worms ở Đức Quốc, để nghe Martin Luther và viên tư pháp của Giáo Hoàng tường trình các quan điểm của đôi bên. Hội nghị này có nhiều thành phần tham dự, Hoàng đế Charles V ngồi ở giữa phòng họp, xung quanh hai bên là những hàng ghế của các Hồng y, Tổng Giám mục, Giám mục, các sứ thần của Giáo hoàng và các khâm sai cùng đại biểu của các nước Âu Châu phái đến tham dự.

      Để mở đầu hội nghị, viên tư pháp của Giáo hoàng đứng lên chỉ tay vào hơn 20 quyển sách của Martin Luther để trên bàn, rồi hỏi Martin Luther rằng: “Có phải ngươi là tác giả của các sách này không? Ngươi có bằng lòng thủ tiêu các quyển sách đó cùng các quan điểm chứa đựng trong các sách đó không?”

      Martin Luther đứng lên giữa phòng hội dõng dạc công nhận ông là tác giả của các sách đó. Rồi ông bình tĩnh đưa ra các lý do khiến ông không thể thủ tiêu các sách đó được vì nghĩ rằng ông không thể để cho Giáo hoàng hay là các Giáo hội nghị có quyền xét đoán niềm tin của mình. Nếu ai muốn thay đổi quan điểm của ông thì phải chỉ cho ông biết điểm nào sách ông nói không đúng với Kinh Thánh.


      Qua ngày sau, hội nghị tái nhóm và biểu quyết nghiêm cấm lưu hành các sách của Martin Luther, thu hồi quyền công dân của Martin Luther và đặt Martin Luther ra ngoài vòng pháp luật. Bởi cấm lệnh này, số phận của Martin Luther như chỉ mành treo chuông, vì phe phái của Giáo hoàng có thể ra tay sát hại Martin Luther bất cứ lúc nào. Trong nhóm người ủng hộ Martin Luther có tiểu vương Frederick, vị tiểu vương này nhận thấy Martin Luther không thể sống an toàn với cấm lệnh của hội nghị Worms. Nên tiểu vương Frederick tổ chức bắt cóc Martin Luther đem giấu trong lâu đài Wartburg ở gần Eisenach, Đức Quốc. 

      Vào tháng 12 năm 1524, Martin Luther cởi áo thầy tu trả lại nhà dòng để trở lại đời sống “phàm tục”. Đến ngày 27/6/1525, Martin Luther thành hôn với nữ tu sĩ hồi tục tên Catherine von Vora. Hôn lễ cử hành tại thánh đường Wittenberg dưới sự chủ lễ của Mục sư Pomeranus. Ông bà Martin Luther chung sống với nhau có được 2 người con trai và 3 người con gái, và còn nuôi thêm 11 em cô nhi trong nhà. Trong thời gian trở lại sống ở Wittenberg, Martin Luther tiếp tục làm giáo sư và giảng sư ở Viện Đại Học Wittenberg. Ông vẫn tiếp tục viết sách để phổ biến quan điểm cải chánh của mình. Hơn nữa, Martin Luther đã hoàn tất việc phiên dịch Kinh Thánh Cựu Ước từ tiếng Hê-bơ-rơ ra tiếng Đức.

      Trong thời gian từ hội nghị Worms (1521) cho đến khi Martin Luther qua đời (1546), Hoàng đế La Mã Charles V đã triệu tập nhiều hội nghị để nhóm Cải Chánh của Martin Luther và Giáo hội Công giáo La mã hòa giải các dị biệt về niềm tin của đôi bên. Mục đích của Hoàng đế là lôi kéo phe Cải Chánh quay trở lại Giáo hội Công giáo La mã và thuận phục Giáo hoàng. Nhưng các hội nghị đó chẳng mang lại kết quả cụ thể nào. Hai bên càng tranh luận càng cách biệt nhau nhiều hơn.

      Đến năm 1555, một hội nghị được triệu tập tại Augsburg. Trong hội nghị này, phe Cải Chánh yêu cầu Hoàng đế Charles V cho họ được tự do tín ngưỡng vô điều kiện, thừa nhận Giáo hội Cải Chánh là hợp pháp và được bình đẳng với Giáo hội Công giáo La mã trên mọi phương diện. Hoàng đế Charles V nhận thấy uy quyền của mình không còn hùng mạnh như xưa nữa, nên Hoàng đế phải hạ bút ký hòa ước vào ngày 25 tháng 9 năm 1555, theo như sự đòi hỏi của Giáo hội Cải Chánh. Hoà ước này thường được gọi là “Hoà Ước Augsburg”.

      Martin Luther qua đời vào ngày 18 tháng 2 năm 1546 tại quê nhà, hưởng thọ được 63 tuổi. Thành quả lớn nhất trong cuộc đời của Martin Luther chính là bản dịch Tân Ước. Ông đã làm Kinh Thánh trở nên quyển sách của mọi người, có mặt khắp mọi nơi, trong nhà thờ, trường học và gia đình. Với bản dịch Cựu Ước ấn hành năm 1534, Martin Luther hoàn tất công trình dịch thuật toàn bộ Kinh Thánh. Công trình này giúp chuẩn hóa ngôn ngữ Đức và được xem là dấu mốc quan trọng trong lịch sử văn học Đức.

BTV. Vũ Ngọc
Nguồn: https://news.oneway.vn

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Kinh Thánh nói gì khi con cái Chúa đang phải đối phó với căn bệnh thời kỳ cuối?

     Thật khó để chấp nhận một biến cố đầy bất hạnh trong đời khi biết rằng cuộc sống buộc phải chấm dứt sớm. Một trong những điều có thể làm bừng tỉnh tâm hồn con người hơn cả, đó là việc nhận hung tin về việc bản thân người đó đang mắc phải một căn bệnh thời kỳ cuối. Trước hết, hãy tin rằng Chúa Giê-xu là Đấng luôn quan tâm chăm sóc bạn. Ngài đã khóc khi người bạn yêu dấu của mình là La-xa-rơ chết (Giăng 11:35), và Ngài đã động lòng khi nhìn thấy sự đau buồn của gia đình Giai-ru (Lu-ca 8:41-42).
     Chúa Giê-xu không những quan tâm chăm sóc cho chúng ta mà Ngài còn luôn sẵn sàng để giúp đỡ con cái Ngài nữa. Chúa chúng ta là Đấng “sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân” (Thi Thiên 46:1). Đức Thánh Linh, Đấng Yên Ủi, ở cùng chúng ta, và Ngài sẽ không bao giờ rời xa chúng ta (Giăng 14:16).
     Chúa Giê-xu phán với chúng ta rằng, chúng ta sẽ gặp gian truân trong thế gian này (Giăng 16:33), và không ai có thể được miễn trừ (Rô-ma 5:12). Tuy nhiên, khi chúng ta hiểu rõ toàn bộ chương trình cứu rỗi của Ngài dành cho thế giới băng hoại này, chúng ta sẽ dễ dàng hơn khi đối diện với bất cứ mức độ đau khổ nào. Chúng ta không được đảm bảo để có một thân thể khỏe mạnh trọn vẹn tại trần thế này, nhưng đối với những ai đặt niềm tin nơi Chúa Cứu Thế sẽ được sự bảo đảm về phương diện tâm linh đến cả cõi đời đời (Giăng 10:27-28). Không một thế lực nào có thể được đụng đến linh hồn của chúng ta.
     Hãy nhớ rằng không phải bất cứ những điều tồi tệ nào xảy đến cho chúng ta đều là hậu quả trực tiếp của tội lỗi. Việc mang trong mình căn bệnh thời kỳ cuối không phải là một bằng chứng về sự đoán phạt của Đức Chúa Trời giáng trên bản thân người đó. Hãy nhớ lại thời điểm Chúa Giê-xu và các môn đồ của Ngài đến bên một người đàn ông bị mù bẩm sinh. Các môn đồ đã hỏi Ngài rằng: “Thưa thầy ai đã phạm tội, người hay là cha mẹ người, mà người sanh ra thì mù như vậy?” Chúa Giê-xu đáp: “Đó chẳng phải tại người hay tại cha mẹ đã phạm tội; nhưng ấy để cho những việc Đức Chúa Trời được tỏ ra trong người” (Giăng 9:2-3). Cũng vậy, ba người bạn của Gióp đã tin rằng tai họa giáng xuống Gióp là hậu quả tội lỗi do chính ông gây ra. Rồi những môn đồ của Chúa Giê-xu, họ đã có suy nghĩ sai lầm tương tự như vậy.
     Chúng ta có thể sẽ không bao giờ hiểu được những nguyên nhân cho từng loại thử thách cụ thể xảy đến trên cuộc đời của chúng ta ở trần thế này; nhưng có một điều rõ ràng cho những người yêu mến Chúa, đó là những sự thử thách này sẽ đem lại ích lợi cho chúng ta chứ không phải để nhận chìm chúng ta (Rô-ma 8:28). Hơn nữa, Đức Chúa Trời sẽ thêm sức cho chúng ta để có thể chịu đựng và vượt qua bất cứ thử thách nào (Phi-líp 4:13). Cuộc sống trên đất của chúng ta là một “màn che” những điều tốt đẹp nhất, và đó là lý do Đức Chúa Trời đã khiến cho sự đời đời ở nơi lòng người (Truyền Đạo 3:11). Chương trình của Đức Chúa Trời cho con cái Ngài bao gồm cả sự chết, và đây là điều “quí báu trước mặt Đức Giê-hô-va” (Thi Thiên 116:15).
     Trên hết, ý muốn của Đức Chúa Trời đối với chúng ta là để chúng ta làm vinh hiển danh Ngài và được lớn lên về phần thuộc linh. Ngài muốn chúng ta tin cậy và nương dựa nơi Ngài. Những gì mà chúng ta sẽ phản ứng khi đối diện với gian truân, kể cả khi đang mang trong mình căn bệnh thời kỳ cuối, sẽ bày tỏ một cách chính xác niềm tin của chúng ta nơi Đấng Christ. Kinh Thánh dạy chúng ta hãy dâng thân thể mình làm của lễ sống (Rô-ma 12:1). Thật vậy, “việc làm chết bản ngã” là một sự đòi hỏi đối với những ai muốn theo Chúa Giê-xu (Lu-ca 14:27. Điều này có ý nghĩa rằng chúng ta phải đặt những ước nguyện của chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào ý muốn của Đức Chúa Cha. Như Chúa Giê-xu tại vườn Ghết-sê-ma-nê, ý “Con” được thành nguyện theo ý “Cha”.
     Tác giả sách Hê-bơ-rơ thúc giục chúng ta hãy ngẫm lại sự đau đớn mà Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã chịu đựng để chính chúng ta không bị mệt mỏi và nãn lòng khi đối diện với những thử thách của chúng ta. Đó là “vì sự vui mừng được đặt ở trước mặt Ngài” mà Đấng Christ đã có thể chịu được sự đau đớn trên thập tự giá. “Sự vui mừng” này, đối với Đấng Christ, đó là sự làm theo ý muốn của Cha Ngài (Thi Thiên 40:8), làm nên sự giảng hòa giữa Chúa Cha với tạo vật Ngài đã dựng nên, và được tán dương tại bên hữu ngôi Đức Chúa Trời. Cũng vậy, những sự thử thách mà chúng ta đang chịu có thể sẽ trở nên dễ chịu hơn khi chúng ta xem điều này như là “một sự vui mừng” được đặt ở trước mặt chúng ta. Sự vui mừng của chúng ta sẽ hiện hữu qua sự thông hiểu rằng bởi chính sự rèn thử này mà Chúa biến hóa chúng ta trở nên giống như Con Ngài (Gióp 23:10, Rô-ma 8:29). Những điều mà chúng ta xem là đau khổ, bất hạnh, và không chắc chắn thì Cha quyền năng trên trời – Đấng đang vận hành và cho phép những điều đó xảy đến trên cuộc đời chúng ta – lại xem chúng như là những điều đem đến cho chúng ta sự ích lợi và giá trị. Sự đau khổ của chúng ta không bao giờ là vô nghĩa. Đức Chúa Trời dùng những sự đau khổ này để biến đổi chúng ta, để thăm viếng khích lệ những người khác, và trên hết, là để đem đến sự vinh hiển cho danh Ngài.
     Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở chúng ta rằng những gian truân trên đất này chỉ là nhẹ và tạm mà thôi, không thể so sánh với sự vinh hiển cao trọng đời đời (2 Cô-rinh-tô 4:17-18). Giải nghĩa về phân đoạn Kinh Thánh này, một nhà thần học đã nói: “Đức Chúa Trời không mắc nợ bất cứ ai. Tất cả những hi sinh mà chúng ta đã dấn thân hay những đau khổ mà chúng ta phải chịu đựng vì danh Chúa và bởi Thánh Linh Ngài, Ngài sẽ ban thưởng lại cách xứng đáng với những điều mà chúng ta đã gánh chịu.
     Nếu bạn đã được chẩn đoán mang trong mình một căn bệnh thời kỳ cuối, thì chúng tôi thành ý đưa ra một lời khuyên: hãy xem xét để chắc rằng bạn đã là một người con thật sự của Chúa, rằng bạn đặt niềm tin vào Chúa Giê-xu là Đấng cứu rỗi cho cuộc đời bạn (Rô-ma 10:9-10). Sau nữa, như vua Ê-xê-chia đã được phán dặn, “hãy sắp đặt nhà ngươi” (Ê-sai 38:1); đó là, hãy truyền đạt rõ ràng những ý nguyện của bạn và những sự sắp đặt quan trọng khác cũng sẽ được thực hiện. Hãy sử dụng những thời gian còn lại mà Chúa ban cho bạn để được tăng trưởng về phần tâm linh và khuyên dạy những kẻ khác. Hãy luôn dựa vào năng quyền của Đức Chúa Trời để tiếp thêm sức mạnh cho bạn mỗi ngày, và khi Ngài gia ơn, hãy cảm tạ Chúa vì “cái giằm xóc vào thịt” này của bạn (2 Cô-rinh-tô 12:7-10). Cuối cùng, bạn hãy tìm sự an ủi nơi lời hứa của Chúa Giê-xu về một cuộc sống đời đời và an bình. “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi” (Giăng 14:27).
Người dịch: Thanh Trang (httlvn.org)
Nguồn: https://www.gotquestions.org/joy-Christian.html

Sau Cái Chết Của Ghê-đa-lia

SAU CÁI CHẾT CỦA GHÊ-ĐA-LIA

                 Kinh Thánh: Giê-rê-mi 41:1

                 Ích-ma-ên, con trai của Nê-tha-ma, và mười bộ hạ theo mình vụt đứng dậy, rút kiếm ra đâm chết Ghê-đa-lia, con trai A-hi-cam, cháu Sa-phan, là người vua Ba-by-lôn lập làm quan tổng trấn trong nước.

                 Ai cũng muốn có đời sống bình tịnh an ổn. Sau khi Giê-ru-sa-lem sụp đổ, Giê-rê-mi nghĩ rằng Ghê-đa-lia sẽ cho dân tị nạn một chính quyền ổn định. Mong đợi của Giê-rê-mi không được bao lâu thì Ích-ma-ên đã giết Ghê-đa-lia.

                 Ích-ma-ên cùng đến với mười người trong bữa ăn tối với Ghê-đa-lia (41:1). Ghê-đa-lia nới rộng sự hiếu khách thật trọn vẹn với Ích-ma-ên, theo như văn hóa của người Giu-đa. Người ta cũng mong đợi khách sẽ đối xử rộng lượng như vậy với chủ. Nhưng Ích-ma-ên đã vi phạm hoàn toàn, cả về văn hoá lẫn tiêu chuẩn thiên thượng.

                 Đang khi họ ăn bữa với nhau, Ích-ma-ên và mười người cùng phe đứng dậy, rút gươm và giết Ghê-đa-lia. Họ cũng giết luôn những người Giu-đa cùng ở với Ghê-đa-lia tại Mích-Ba; lại giết luôn những người lính Ba-by-lôn có mặt (41:3).

                 Không lời nào có thể diễn tả đầy đủ những gì Ích-ma-ên và bộ hạ của ông đã làm. Đó là một tội ác ghê tởm. Hành động của Ích-ma-ên thật chẳng mang tính người. Sự phản bội của ông thậm chí còn hơn một con thú! Ghê-đa-lia và những người chung quanh ông hoàn toàn bất ngờ về số phận nghiệt ngã của mình.

                 Liệu Nê-bu-cát-nết-sa có xem những kẻ giết người này là nổi loạn chống lại uy quyền của Ba-by-lôn chăng? Hẳn nhiên ông ta sẽ nghĩ như vậy. Ông đã sai người Ba-by-lôn qua để đem thêm một số người di lưu đày (52:30).

                 Cái chết của Ghê-đa-lia chấm dứt mọi hi vọng về một đời sống bình thường của dân sót tại Giu-đa. Tương lai của họ sẽ rơi vào tuyệt vọng. Nếu một số người trong họ nhớ lại rằng Chúa hứa cho họ một tương lai và niềm hi vọng (29:11), họ biết rằng lời ấy sẽ được ứng nghiệm trong một tương lai rất xa. Còn tương lai trước mắt họ rất ảm đạm.

                 Tương lai ngáy trước mắt bạn ra sao? Bạn có đang thắc mắc liệu mình có một tương lai bảo đảm chăng? Người tin nơi Chúa không cần lo lắng về tương lai. Họ biết rằng họ có Chúa ở với mình trong một tương lai ngay trước mắt, và họ sẽ có tương lai tuyệt vời trong cõi đời đời.

                 Vì cớ lời hứa của Chúa, bạn có thể thấy trước gì cho tựơng lai của mình không?

 
David Coldwell
Nguồn: cdnvn.com

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Khái Quát Tầm Quan Trọng Của Công Cuộc Cải Chính Giáo Hội


     Năm nay 2017, kỉ niệm 500 năm Công Cuộc Cải Chính Giáo Hội Cơ-đốc, mời quý độc giả đọc phần tóm tắt của công cuộc Cải chính này.

     Công Cuộc Cải Chính Giáo Hội trong thế kỷ 16 khởi xướng ra như cuộc trình bầy về ân sủng của Đức Chúa Trời làm thay đổi thế giới sâu xa nhất kể từ khi Hội Thánh bắt đầu và lan rộng. Đây không phải chỉ là một việc làm đơn lẻ, cũng không lãnh đạo bởi một người.

     Phong trào thay đổi lịch sử này đã diễn ra qua nhiều giai đoạn và nhiều thập niên. Tuy nhiên ảnh hưởng cuối cùng thật vĩ đại. Sử gia nổi danh của Hội Thánh là Philip Schaff, đã viết:

     “Công Cuộc Cải Chính Giáo Hội Cơ đốc trong thế kỷ 16, bên cạnh việc giới thiệu Cơ Đốc Giáo, là một sự kiện vĩ đại nhất trong Lịch Sử. Công Cuộc Cải Chính Giáo Hội ghi dấu sự chấm dứt của Thời Trung Cổ và khởi đầu của thời hiện đại.” Trung tâm của Công Cuộc Cải Chính Giáo Hội là sự tìm lại Phúc Âm chân chính của Chúa Cứu Thế Giê-xu, cuộc phục hồi này ảnh hưởng không so sánh được đối với giáo hội, quốc gia và cả dòng văn minh Tây Phương.

     Dưới sự hướng dẫn của bàn tay Đức Chúa Trời, hoàn cảnh thế giới đã đặc biệt sẵn sàng cho Cuộc Cải Chính. Giáo Hội lúc đó đang cần một cuộc cải tạo. Tình trạng đen tối tâm linh đã xâm nhập vào Hội Thánh Thời Trung Cổ. Thánh Kinh là cuốn sách đóng kín lại. Sự ngu dại tâm linh cai quản tâm trí con người. Phúc Âm bị bóp méo. Truyền thống giáo hội thắng hơn chân lý thiêng liêng. Thánh khiết cá nhân bị bỏ quên. Các truyền thống thối tha của con người bao phủ lên hàng giáo phẩm. Sự nhũng đoạn vô đạo đầu độc cả lý thuyết lẫn thực hành.

     Mặt khác, một ngày mới đã bắt đầu.

     Các nước phong kiến đang nhường chỗ cho các nước quốc gia. Cuộc tìm tòi đất mới lan rộng. Christopher Columbus tìm ra Tân Thế giới năm 1492.

     Các đường thương mại được mở ra. Tầng lớp trung lưu nổi dậy.

     Các cơ hội học tập được gia tăng. Tri thức được nhân rộng.

     Việc Sáng chế ra máy in của Johannes Gutenberg năm 1454 đã góp phần phổ biến tư tưởng. Dưới tất cả các ảnh hưởng này phong trào Phục Hưng đã lên cao điểm. Hơn thế nữa, một cuộc thay thế sâu xa hơn trong hoàn cảnh thế giới sẽ được Công Cuộc Cải Chính đưa đến, tạo nên những thay đổi quan trọng, đặc biệt là trong giáo hội của Chúa Cứu Thế Giê-xu.

     Công Cuộc Cải Chính phát sinh tại đâu? Phong trào đầy sức mạnh này xẩy ra như thế nào? Phổ biến ra sao? Ai là những lãnh đạo then chốt đã thắp ánh đuốc đầu tiên? Lời dạy nào của Kinh Thánh đã được tung ra trên thế giới vào giai đoạn này?

     Để trả lời các câu hỏi này, chúng ta phải tập trung vào các vĩ nhân đức tin lãnh đạo Công Cuộc Cải Chính Giáo Hội này.

     Vào đầu thế kỷ 16, Đức Chúa Trời đã dấy lên một loạt những gương mặt ý chí rất mạnh mà lịch sử gọi là Các Nhà Cải Chính. Trước đó cũng đã có các nhà cải chính Giáo Hội, nhưng những người nổi danh trong giai đoạn này là những học giả uyên bác, các thánh nhân và những nhà lãnh đạo cải chính thành tín ma giáo hội từng có. Các vị này đào sâu vững vàng trong Thánh Kinh và can đảm đối đầu với mọi chống đối. Họ được trang bị bằng niềm tin sâu nhiệm đối với chân lý và tình thương của Giáo Hội Chúa Cứu Thế đến nỗi đưa họ đến chỗ đem Giáo Hội trở về với tiêu chuẩn của Thánh Kinh. Đây là những ánh sáng cho một ngày tăm tối.

     Theo sử gia Stephen Nichols thì: Các nhà Cải Chính Giáo Hội không coi họ như những nhà sáng chế, phát minh hay sáng tạo. Nhưng chỉ xem những nỗ lực của họ như là việc phục hồi lại. Họ không tạo ra điều gì mới nhưng chỉ làm sống lại những gì đã chết. Họ trở về với Thánh Kinh và thời đại các Sứ Đồ, cũng như như giáo hội thời các Giáo Phụ như Thánh Augustine (354-430) để tìm ta khuôn mẫu cho Giáo Hội và cải tạo Giáo Hội. Công thức của các nhà Cải Chính là: “ecclesia reformata, simper reformanda” nghĩa là: Giáo Hội được cải chính và luôn luôn được cải chính.

     Đúng thời gian, sứ điệp của Các Nhà Cải Chính được thu gọn trong năm khẩu hiệu gọi là năm Solas của Cuộc Cải Chính:

Sola Scriptura Chỉ tin vào Thánh Kinh

Sola Christus Chỉ tôn thờ Chúa Cứu Thế

Sola Gratia Chỉ nhờ Ân Sủng

Sola Fide Chỉ bởi Đức tin

Soli Deo Gloria Vinh quang chỉ thuộc về Chúa

     Khẩu hiệu đầu tiên, sola Scriptura là điểm chuẩn của phong trào Cải Chính.

     Khi các nhà Cải Chính nêu cao khẩu hiệu Chỉ tin vào Thánh Kinh mà thôi, họ biểu lộ cam kết đối với thẩm quyền của Đức Chúa Trời qua Thánh Kinh. Mục sư James Boice tóm tắt niềm tin căn bản của họ: “Thánh Kinh là thẩm quyền tối hậu của chúng ta – không phải hàng giáo phẩm, không phải Giáo Hội, không phải các truyền thống của giáo hội hay những Công Đoàn Giáo Hội, cũng càng không phải những thông tin cá nhân hay những cảm nghĩ khách quan, mà chỉ Thánh Kinh mà thôi.”

     Phong Trào Cải Chính tin rằng Thẩm Quyền tối hậu thuộc về Thánh Kinh mà thôi.

     Các solas khác như sola Christus, sola gratia, sola fide và soli Deo Gloria đều phát xuất từ sola Scriptura cả.

     Nhà Cải Chính Giáo Hội đầu tiên là một tu sĩ dòng Augustine, người đã đóng 95 Luận Đề chống lại Giáo Hội về việc bán bùa xá tội lên cửa nhà thờ Castle tại Wittenberg, Đức Quốc ngày 31 tháng Mười năm 1517.

Tên người là Martin Luther (1483-1546), khởi đầu cho cuộc Cải Chính.

Các vị khác nối tiếp theo như Ulrich Zwingli (1484-1531),

Hug Latimer (1487-1555),

Martin Bucer (1491-1551),

William Tyndale (ca. 1494-1536)

và Jean Calvin (1509-1564).

     Các vị này đều cam kết tin vào lời dạy của Chúa trong Thánh Kinh và ân sủng của Đức Chúa Trời.

     Năm 1383 cuộc hôn phối của Công Chúa Anne người Bohemia với Vua Richard II nước Anh đã tạo nên một quan hệ giữa hai nước và nối kết những giáo huấn ‘cải chính’ sớm của John Wycliffe tại Đại Học Oxford với các học giả trẻ và quan chức tại nước Tiệp Khắc như Jan Hus ở Prague. Hoàng Hậu Anne đã gởi những bài viết của Wycliffe về nước.

     Tu sĩ Jan Hus theo quan điểm của Wycliffe về Hội Thánh là một cộng đoàn dân Chúa với Chúa Cứu Thế là Chủ Tể chứ không phải Giáo Hoàng.

     Những bài giảng Thánh Kinh hùng hồn của tu sĩ Hus trong ngôn ngữ Bohemia đã được nhiều người hỗ trợ. Tu sĩ Hus chủ trương rằng các mục sư phải nêu gương về sự trung kiên và kính sợ Chúa. 102 năm sau khi tu sĩ Hus bị hỏa thiêu Martin Luther đóng 95 Luận Đề lên cửa nhà thờ ở Wittenberg và cuộc Cải Chính lan rộng khắp châu Âu rồi khắp thế giới.

Dòng Lịch sử Cải Chính:

1384 John Wycliffe: Sao mai Cải Chính Đại Học Oxford, Anh Quốc.

1415 Jan Hus: Trung tín cho đến chết tại Prague và Hồ Constance, Tiệp Khắc

1455 Johann Gutenberg In Thánh Kinh tại Mainz nước Đức

1483 Martin Luther sinh tại Eisleben nước Đức

1505 Luther nhập học Tu Viện và được phong Tu sĩ năm 1508 Erfurt

1512 Luther dạy Thánh Kinh tại Đại Học Wittenberg

1516 Eramus phát hành Tân Ước tiếng Hi lạp

1517 John Tetzel bán bùa Xá Tội gần Wittenberg làm Luther nổi giận

31 tháng Mười năm 1517 Luther đóng 95 Luận Đề lên cửa nhà thờ Wittenberg

1520 Luther bị kết tội tà đạo và dứt phép thông công.

1523 Zwingli rao truyền Cải Chính tại Zurich Thuỵ Sĩ

1525 Swiss Brethren bị trục xuất khỏi Zurich

1525 William Tyndale phát hành Thánh Kinh Anh ngữ và chuyển vào nước Anh.

1536 Jean Calvin thành lập cơ cấu Cải Chính tại Geneve

1546 Luther qua đời tại Eisleben

1685 Bach sinh tại Eisenach

Các Nhánh Cơ-đốc-giáo Chính
1. Oriental Orthodox (Cơ-đốc-giáo Chính Thống Phương Đông.)

Xin đừng nhầm lẫn với Eastern Orthodox.

Oriental Orthodox là các nhà thờ đã tách ra khỏi Giáo Hội rất sớm trong Lịch sử giáo hội. Các nhóm tín hữu này khởi xuất từ thế kỷ thứ ba, đó là:

Coptic Christians ở Ai-cập,

Church of India (do sứ đồ Thomas thành lập),

Armenian Orthodox,

Ethiopian Orthodox, hai nhóm sau này có lẽ do sự gặp gỡ của Sứ Đồ Phi-líp với Thái giám Ê-thi-opia ghi trong Công Vụ chương 8.

2. Công Giáo – Roman Catholic chính thức thành lập từ 1054, nhưng đã âm thầm xuất hiện hằng trăm năm trước qua giáo lý gọi là Đức Thánh Cha hay Papal Primacy, nguyên gốc từ Rome như là thánh tòa hay “Primary See” và vị Giám Mục ở đó trở thành Giáo Chủ. Cơ sở này đã được củng cố mạnh hơn ở Tây Phương do việc phối hợp giáo hội và nhà nước khi Giáo Hoàng chỉ định các Vua và Hoàng Đế và các Vua và Hoàng Đế gây ảnh hưởng đến việc chọn ai sẽ là tân Giáo Hoàng. Văn phòng “Giáo Hoàng” đã trở thành đầy uy quyền dưới thời Giáo Hoàng Gregory Đại Đế (khoảng AD 600) và uy quyền sắt đá này của các giáo hoàng bắt đầu suy giảm dần khi nhóm người Walden xuất hiện (đây là các nhà cải chính sớm nhất). Và Văn phòng này trở thành trò cười cho Cơ-Đốc-giới với Sự Bất Đồng Giữa các Giáo Hoàng vào thế kỷ 14 khi Giáo Hội Công Giáo La-mã có đến ba vị Giáo Hoàng trong một lúc- vì không vị nào bằng lòng từ bỏ quyền hành.

3. Chính Thống Giáo Đông Phương. Đế Quốc Đông Phương Byzantin (Hi-lạp) – bắt đầu thành hình cùng với Giáo Hội La-mã, chia đế quốc La-mã thành đông và tây. Giáo Hội Đông Phương – gồm Hi-lạp và Bắc Phi châu nói một ngôn ngữ khác, có văn hóa khác, và dần dần có một Giáo Quyền quản chế khác. Vì Tòa Thánh La-mã sở Hữu quyền hành Giáo Hoàng nên Chính Thống Giáo Đông Phương cũng đã bắt đầu hoạt động độc lập với La-mã. Việc phân chia xẩy ra khi người ta thêm phần gọi là the filioque vào Tín Điều Nicene. Các Giáo Hội Đông và Tây từ đó phân biệt rõ rệt và không kết nối từ đó. Đây là điều gọi là “Bất Đồng Lớn” trong năm 1054 AD. 

4. Các nhóm Tin Lành hay Protestants (Thệ Phản hay Kháng Cách). Đây là từ dùng để gọi những Cơ-đốc-nhân tìm cách “cải tổ” giáo hội Công Giáo La-mã. Ngược lại với suy nghĩ chung, từ Protestant không xuất phát do kết quả của việc “phản chống” Giáo Hoàng hay Giáo Hội Công Giáo La-mã. Gốc gác của từ “Protestant” kết nối với một nhóm các ông Hoàng nước Đức, những người lên tiếng phản chống Hội Nghị Tôn Giáo Speyer là Hội Nghị chống các cuộc Cải Chính của Luther. Protestant ngày nay là tên gọi tất cả các giáo phái Cơ-đốc ngoài Công Giáo La-mã, Oriental Orthodox và Eastern Orthdox.

5. Các nhóm Tiền Cải Chính. Đây là những nhóm tín hữu tách ra khỏi Công Giáo La-mã trước các cuộc Cải Chính Đức Quốc của Luther.

6. Các nhóm thuộc Waldo. Các nhóm này do Peter Waldo thành lập, có lẽ trước tất cả các nhóm Cải Chính. Peter Waldo đòi Thánh Kinh phải được dịch từ tiếng Latin sang tiếng Pháp – là ngôn ngữ của quần chúng. Ông cũng tin rằng nên giảng đạo bằng ngôn ngữ quần chúng nữa. Waldo còn chủ trương việc truyền đạo cá nhân.

7. Các nhóm Moravians hay Thống nhất Các Anh Em. Khởi đầu với các nhóm nhỏ bí mật học Kinh Thánh do Jan Hus, nhà Cải Chính người Tiệp Khắc, gọi là những người “Hussites”. Những người này theo đúng giáo lý Cải Chính của John Wycliffe. Một nửa nhóm Hussites hayThống Nhất Các Anh Em trốn cuộc bách hại đạo tại Bohemia chạy sang gia nhập nhóm Moravians ở miền Bắc nước Đức.

8. Lutheran. Những tín hữu thuộc tổ chức của Luther cũng có ý hướng phát triển ra nhiều giáo phái Luther, nhưng vẫn chưa có các giáo phái chính.

9. Anglican. Anh Quốc Giáo Hội phát sinh do vấn đề chính trị chứ không phải về Giáo Lý. Vua Henry VIII vì bất mãn với Roma, tự phân cách khỏi quyền hành của Giáo Hoàng La-mã, và tự xưng là Lĩnh Tụ Giáo Hội Nước Anh và Hoàng Đế Anh Quốc. Anh Quốc Giáo Hội đã trải qua nhiều khó khăn dưới tay Nữ Hoàng Công Giáo La-mã Mary Stuart hay là “Bloody Mary”, nhưng dần dần các nhà Cải Chính như Thomas Cranmer, Tổng Giám Mục Canterbury và nữ hoàng Elizabeth I đã phân biệt rõ Anh Quôc Giáo Hội là thuộc về Cải Chính. Đa số các giáo phái Tin Lành cũng do Anh Quốc Giáo Hội mà phát sinh sau này: Baptists, Methodists, Pentecostals, v.v.

10. Các nhóm Cải Chính. Một số lớn các giáo phái Tin Lành coi giáo hội Cải Chính là căn gốc lịch sử của họ và Thần Học gia Jean Calvin là người sáng lập ra giáo phái Cải Chính. Đó là những nhánh như: Church of Scotland, Anabaptists, Prebyterians, Brethren, Mennonies, Amish, Christian and Missionary Alliance, Evangelical Free Chuch. (Christian and Missionary Alliance xuất phát từ Presbyterians).



Bài viết: Nguyễn Sinh
Nguồn:  www.hoithanhhanoi.com/blog/van-hoa/khai-quat-tam-quan-trong-cua-cong-cuoc-cai-chinh-giao-hoi

Bạn Có Thể Tin Ai ?

BẠN CÓ THỂ TIN AI?

              Kinh Thánh: Giê-rê-mi 40:16

              Nhưng Ghê-đa-lia, con trai A-hi-cam, can ngăn Giô-ha-nan, con trai Ca-rê-át, "đừng làm vậy! Điều anh nói về Ích-ma-ên không đúng đâu."

              Ghê-đa-lia có một trọng trách đầy thách thức vì lãnh đạo những con người bị tổn thương nặng sau chiến tranh. Ông đã nhìn thấy người Ba-by-lôn hành hung dân tộc nhỏ bé của ông. Vua Ba-by-lôn đã chọn lựa Ghê-đa-lia vào vị trí lãnh đạo dân sót. Ghê-đa-lia là một người tốt, có thể đảm nhận công tác này.

              Qua việc chọn Đa-ni-ên phục vụ vua Ba-by-lôn, chúng ta biết vua Ba-by-lôn rất có tài trong việc nhận diện những con người đáng tin cậy. Nhưng thật đáng buồn vì Ghê-đa-lia lại không có khả năng nhận xét tâm tánh của một người. Việc thiếu khả năng biện biệt đã làm Ghê-đa-lia mất mạng.

              Ghê-đa-lia tin cậy Ích-ma-ên. Ông đã gạt bỏ lời đề nghị của Giô-ha-nan là nên giết Ích-ma-ên. Ghê-đa-lia không có khả năng biện biệt như vua Ba-by-lôn, mặc dầu lời cảnh cáo về Ích-ma-ên là vô căn cứ. Ích-ma-ên là người đầu tiên đến gặp Ghê-đa-lia sau khi vua Ba-by-lôn bổ nhiệm ông làm tổng trấn, vì thế Ghê-đa-lia tin cậy ông.

              Thật là một bi kịch khi tổng trấn này không tin lời Giô-ha-nan. Giô-ha-nan có một thông tin rất đáng tin cậy, rằng Ba-a-lít vua Am-môn sai Ích-ma-ên đến ám sát Ghê-đa-lia. Giô-ha-nan xem Ghê-đa-lia là niềm hi vọng duy nhất cho sự an toàn của dân sót tại Giu-đa. Giô-ha-nan cũng sợ người Ba-by-lôn báo thủ nếu viên thống đốc được họ chọn lựa bị giết.

              Lẽ ra Ghê-đa-lia nên cân nhắc trước lời khuyên của Giô-ha-nan. Ông đã khôn ngoan khi gạt bỏ lời đề nghị giết Ích-ma-ên của Giô-ha-nan, nhưng ông phải cẩn trọng xem Ích-ma-ên là mối đe dọa rất nguy hiểm cho tính mạng của ông. Lẽ ra Ghê-đa-lia phải cử những người hộ vệ để bảo vệ ông khỏi âm mưu sát hại có thể xảy ra. Ông cần nghe những lời khuyên khôn ngoan.

              Cả một dân tộc có thể suy bại nếu thiếu sự lãnh đạo, nhưng nếu có nhiều mưu sĩ thì dân sự chắc chắn sẽ đắc thắng (Châm Ngôn 11:14). Kế hoạch sẽ bị thất bại nếu thiếu sự bàn bạc, nhưng kế hoạch sẽ thành công nếu có nhiều mưu sĩ (Châm ngôn 15:22). Vua Sa-lô-môn đã có rất nhiều trưởng lão tư vấn cho ông (I Các Vua 12:6).

              Chúa không dự định bạn bước vào mối quan hệ chỉ riêng tư với Ngài đến mức cực đoan gạt bỏ lời khuyên của tất cả những người khôn ngoan. Hãy đến gần Ngài hơn, và lắng nghe lời khuyên những người còn gần gũi hơn với Chúa.

              Hãy kể ra những cách bạn có thể tìm gặp những tín hiệu giúp bạn bằng những lời khuyên khôn ngoan.

 
David Coldwell
Nguồn: cdnvn.com

Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

THƠ: Yên Ổn Trong Ngài


Yên Ổn Trong Ngài

“Chúa khiến lòng tôi vui mừng nhiều hơn chúng nó, Dầu khi chúng nó có lúa mì và rượu nho dư dật. 8 Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi sẽ nằm và ngủ bình an; Vì chỉ một mình Ngài làm cho tôi được ở yên ổn.” - Thi-thiên 4:7-8 

Chúa ơi con sẽ nằm yên, 
Bình an giấc ngủ gần bên cạnh Ngài, 
Chỉ duy tình Chúa còn hoài, 
Cho con yên ổn tháng ngày thỏa vui! 

Dù đời gian khổ ngược xuôi, 
Thế gian ganh ghét, chẳng vùi được con, 
Chúa ban mọi thứ vật ngon, 
Đơn sơ nhưng vẫn trội hơn người đời, 

Chúa cho con sống nhờ Lời, 
Khuyên răn gìn giữ mọi nơi an lành, 
Mắt Ngài xem xét quản canh, 
Tay Ngài giải cứu ngỏ quanh khó lòng… 

Quyền Ngài con mãi cậy trông, 
Ơn Ngài dư dật, mênh mông biển trời! 
Danh Ngài vinh hiển cao vời, 
Tình Ngài lai láng muôn đời truyền rao! 

Tiểu Minh Ngọc 
Nguồn: vietchristian.com

Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Thế Giới Bất An

THẾ GIỚI BẤT AN

              Kinh Thánh: Giê-rê-mi 40:13-14

              Bấy giờ Giô-ha-nan, con trai Ca-rê-át, và các người đầu đảng còn giữ chốn thôn quê, đến tìm Ghê-đa-lia tới Mích-ba, và nói chuyện cùng người rằng, ông có hay rằng Ba-a-lít, vua của con cái Am-môn, đã sai Ích-ma-ên con trại của Nêthania, đặng cất lấy mạng sống ông chăng? Nhưng Ghê-đa-lia, con trai A-hi-cam không tin lời họ.

              Vua Ba-by-lôn dã chọn Ghê-đa-lia làm thống đốc của đất nước Giu-đa đổ nát sau chiến tranh, và Giê-rê-mi đang ở với ông ta (40:5-6), nhưng thời kỳ bình an và yên tịnh này đã bị hỗn loạn bởi tin tức về một âm mưu sát hại.

              Ghê-đa-lia nghe rằng có một người tên là Ích-ma-ên đang lập mưu giết ông. Tại sao ích nhiên lại muốn làm điều này? Có lẽ Ba-la-ít là vua dân Am-môn dùng một số tiền rất lớn để Ích-ma-ên giết Ghê-đa-lia. Trước đó, đất nước Am-môn đã hình thành một liên minh chống lại Ba-by-lôn (27:3), và có lẽ vua Ba-la-ít xem Ghê-đa-lia là kẻ nịnh bợ Ba-by-lôn. Theo sử gia Josephus, Ba-la-ít muốn chính ông ta sẽ cai trị dân Giu-đa.

              Ích-ma-ên thuộc dòng tôn thất vì ông là cháu của Ê-li-sha-ma (41:1) mà Ê-li-sha-ma là con trai Đa-vít (IISa-mu-ên 5:16). Có lẽ Ích-ma-ên muốn trả thù người Ba-by-lôn vì họ đã bắt và giết những người thuộc dòng vua. Hoặc có thể ông muốn lên làm thống đốc thế Ghê-đa-lia, vì Ghê-đa-lia không thuộc dòng tôn thất.

              Dầu động cơ của Ích-ma-ên là gì chăng nữa, Giô-ha-nan tin rằng Ích-ma-ên là mối đe dọa cho Ghê-đa-lia. Giô-ha-nan không phải là người duy nhất biết về âm mưu giết người này. Tất cả các cấp chỉ huy quân đội cũng đều biết, và họ đã cảnh giác Ghê-đa-lia.

              Tại sao Ghê-đa-lia không tin họ? Có lẽ ông cũng không tin cậy nơi Giô-ha-nan. Giô-ha-nan trở thành một người khả nghi với một hoài bão nào đó. Ông đề nghị giết Ích-ma-ên, nhưng Ghê-đa-lia không cho phép (40:15-16).

              Giô-ha-nan sau này trở thành người kiêu ngạo và không tin kính. Ông từ chối vâng theo Lời Chúa. Ông gọi Giê-rê-mi là kẻ nói dối, và ông buộc tội vị tiên tri này là kết cấu với Ba-rúc để nộp Giô-ha-nan và những người Giu-đa còn lại cho Ba-by-lôn (43:1-4). Với những con người giống như Giô-ha-nan và Ích-ma-ên. thế giới củạ Giê-ru-sa-lem sau thời tàn phá cũng nguy hiểm y như trước khi Ba-by-lôn đến chinh phục nó vậy. Ngày nay, bạn đang sống trong một thế giới đầy nguy hiểm. Vì thế sống gần với Chúa thì bạn sẽ có hi vọng.

              Bạn cảm thấy những lãnh vực nào trong đời sống mình là không an toàn nhất, làm sao để Chúa có thể giúp bạn tìm được sự bình an ở trong Ngài?

 
David Coldwell
Nguồn: cdnvn.com

Sau Ngày Giê-ru-sa-lem Thất Thủ


SAU NGÀY GIÊ-RU-SA-LEM THẤT THỦ
 
                 Kinh Thánh: Giê-rê-mi 40:6

                 Giê-rê-mi bèn đến cùng Ghê-đa-lia, con trai ở Mích-ba và ở với người giữa dân sự còn sót lại trong đất hứa.

                 Sự hủy phá thành Giê-ru-sa-lem chưa kết thúc câu chuyện của Giê-rê-mi. May mắn thay, người Ba-by-lôn không bắt hoặc giết hết cư dân Giu-đa. Họ để lại những người nghèo nhất giữa vòng những người nghèo. Và người Ba-by-lôn đã chọn một người tốt có tên là Ghê-đa-lia cai trị dân sót lại Giu-đa.

                 Ghê-đa-lia là con trai của A-hi-cam. A-hi-a-cam là bạn Giê-rê-mi trong chính quyền tại Giê-ru-sa-lem, người đã cứu Giê-rê-mi khỏi chết (26:24). Ghê-đa-lia đã lớn lên trong một gia đình tin kính. Vua Ba-by-lôn chọn ông ta đứng hạng nhì trong bậc chính trị kế sau Giê-rê-mi.

                 Giê-ru-sa-lem đã không còn, vì thế dân sự của Ghê-đa-lia sống tại Mích-ba. Ít nhất thành Mích-ba đã không bị hủy diệt. Thành này nằm trên một ngọn đồi, cho nên dân thành có thể thấy rõ quang cảnh rộng lớn của vùng chung quanh. Làng Mích-ba đã có một gia sản tin kính trong nhiều thế kỷ. Tại Mích-ba, người. ta sẽ cảm nhận được nối kết họ với quá khứ.

                 Những người đã chạy trốn sang các nước lân cận, nay nghe về Mích-ba, họ trở về sống tại Giu-đa dưới sự lãnh đạo của Ghê-đa-lia. Bây giờ Ghê-đa-lia chịu trách nhiệm về tất cả dân tị nạn và những người nghèo trong xứ. Làm thế nào ông có thể chu cấp cho tất cả những người này? Người Ba-by-lôn không bắt hoặc giết những người nghèo nhưng đã cho họ ruộng đất và vườn nho. Đồng ruộng đã được dư dật trong năm ấy (40:12).

                 Đối với Giê-rê-mi, mặc dầu sống tạm, nhưng nhà tại Mích-ba là một trong những căn nhà trọ đặc biệt suốt hành trình trong cuộc đời ông. Giê-rê-mi cần có kỳ yên ổn và nghỉ ngơi. Và ông đã nhận được hơn điều đó. Cuối cùng ông đã nhận được sự tôn trọng và khen thưởng, ít nữa là trong một thời gian ngắn.

                 Ơn thần hựu vẫn tể trị! Ngay cả sau khi Giê-ru-sa-lem bị hủy phá, ơn thần hựu vẫn tiếp tục tể trị. Ơn thần hựu là một cách nói khác để bày tỏ sự thật về Đấng Tế Trị đang kiểm soát mọi điều. Chúa kiểm soát ngay cả điều xấu, để có thể đem lại điều rất tốt. Đây là một bài khó học.

                 Còn bạn thì sao? Bạn có tự hỏi liệu có đời sống sau ngày Giê-ru-sa-lem dành cho bạn không? Có lẽ bạn đang chịu đựng một sự mất mát, và bạn đã kinh nghiệm sự tàn phá của chính Giê-ru-sa-lem ở trong bạn. Hãy nhớ rằng không gì vượt ra khỏi sự chu cấp của tay Chúa.

                 Bạn hiểu thế nào về ơn thần hựu ảnh hưởng đời sống bạn ngay hôm nay?

 
David Coldwell
Nguồn: cdnvn.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!