Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

Hướng dẫn sử dụng Hệ thống Dữ liệu Âm nhạc và Lớp học trực tuyến (Google Classroom) của Ban Âm nhạc Hội Thánh Tân Nghĩa

Bắt đầu từ ngày 01/02/2018, Ban Âm nhạc sẽ tạo riêng chuyên trang dành riêng cho việc chia sẻ file và hỗ trợ học tập môn Nhạc lý Căn bản - Nâng cao (Google Classroom). Trang này do Ban Âm nhạc và Ban Truyền thông cùng quản lý.

Ngoài các chức năng cơ bản của trang: https://httltannghia.blogspot.com/p/musicdata.html, đến với chuyên trang này, Quý vị còn được sử dụng nhiều chức năng nâng cao chỉ danh riêng cho Tín hữu HTTL Tân Nghĩa và Học viên Ban Âm nhạc.

Quản trị viên có quyền từ chối đăng nhập đối với khách truy cập không phải Tín hữu hiện đang sinh hoạt tại HTTL Tân Nghĩa.

Một số điều cần lưu ý:
- Đây là trang web dành riêng cho việc học Nhạc lý và các hoạt động đi kèm.
- Chỉ có Quản nhiệm, Tín hữu hiện đang sinh hoạt tại HTTL Tân Nghĩa mới được cấp mã truy cập vào hệ thống. Điều đó có nghĩa là: bất cứ ai không phải là Tín hữu HT, dù ở cương vị nào, cũng không được phép truy cập và tải dữ liệu từ hệ thống.


Để thuận tiện cho việc sử dụng, trước khi đăng nhập, Quý vị cần có 1 tài khoản Gmail để Ban Âm nhạc sẽ gửi mã đăng nhập cho Quý vị thông qua email này. Dưới đây là các bước cơ bản cho việc đăng nhập và sử dụng:

Bước 1: Truy cập vào trang https://classroom.google.com và chọn biểu tượng "+"




Bước 2: Click chọn mục cần tra cứu và tiến hành tải file/folder.






BAN ÂM NHẠC HTTL TÂN NGHĨA 2018

Hướng dẫn sử dụng Kho Dữ liệu Âm nhạc HTTL Tân Nghĩa (mới)

Kể từ ngày 01/02/2018, Kho dữ liệu Âm nhạc HTTL Tân Nghĩa chuyển sang địa chỉ mới là: https://httltannghia.blogspot.com/p/musicdata.html. Để thuận tiện cho việc sử dụng, Ban Âm nhạc xin hướng dẫn một số thông tin Quý vị cần biết:

Bước 1: Truy cập vào trang web theo địa chỉ trên, giao diện như sau:


Bước 2: Di chuyển xuống phía dưới, có các mục để tải. Click chọn vào mục cần tải



Bước 3: Một trang Google Drive hiện ra. Nhấn vào biểu tượng mũi tên để tải về.


Bước 4: Sau khi file được tải về máy, tiến hành giải nén file .rar bằng phần mềm WinRAR (được cài sẵn trong hệ điều hành Windows)



Bước 5: Mở file trong thư mục  và sử dụng.



Làm tương tự với các mục còn lại./.



Hãy giới thiệu nội dung này, đóng góp ý kiến và cùng nhau khám phá những ích lợi đang được truyền tải.

BAN ÂM NHẠC HT TÂN NGHĨA

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Bài 13: Ðức Chúa Trời Ban Luật Pháp

 
Bài 13: Ðức Chúa Trời Ban Luật Pháp

Kinh Thánh:      Xuất 20:1-17.
Câu gốc:        "Vì chẳng có một người nào bởi việc làm theo luật pháp mà sẽ được xưng công bình trước mặt Ngài, vì luật pháp cho người ta biết tội lỗi" Rô-ma 3:20.
Mục đích:      Cho chúng ta thấy rằng luật pháp của Ðức Chúa Trời là căn bản đạo đức. Tội nhân phải nhờ Chúa Giê-xu mới làm vui lòng Ðức Chúa Trời.

Kinh Thánh đọc hằng ngày

Chủ Nhật: Ðời sống tôi mọi.
 Xuất 1:5-14
Thứ Hai: Cuộc đời tôi mọi được giả phóng.
 Xuất 14:13-28
Thứ Ba: Dân sự lựa chọn luật pháp.
 Xuất 19:3-8
Thứ Tư: Luật pháp.
 Xuất 20:1-26
Thứ Năm: Mục đích của luật pháp.
 Ga-la-ti 3:19-24
Thứ Sáu: Ðấng Christ giữ luật pháp.
 Rô-ma 10:4-10
Thứ Bảy: Bình an với Ðức Chúa Trời.
 Rô-ma 5:1-11

            Ðức Chúa Trời đã ban cho Áp-ra-ham và Sa-ra một con trai là Y-sác trong lúc già nua. Y-sác cưới Rê-bê-ca, sanh Ê-sau và Gia-cốp. Gia-cốp có 12 con trai và khi xứ Ca-na-an có đói kém, ông đem cả gia đình 70 người xuống Ê-díp-tô. Sau 400 năm tại Ê-díp-tô, dân Y-sơ-ra-ên là dòng dõi của Gia-cốp sanh sản thêm nhiều, kể cả nam phụ lảo ấu vào khoảng hơn một triệu người. Bấy giờ, Pha-ra-ôn là hoàng đế Ê-díp-tô không còn tử tế với dòng dõi Gia-cốp như lúc mới xuống đó, mà ngược đãi, hành hạ như những tên nô lệ với ý đồ tiêu diệt họ.

            Ðức Chúa Trời đã can thiệp, buộc Pha-ra-ôn phải phóng thích Dân Y-sơ-ra-ên. Ðược phóng thích, dân Y-sơ-ra-ên qua Biển Ðỏ, vào đồng vắng đến núi Si-nai. Tại đây, Ðức Chúa Trời ban luật pháp cho họ.

I. Mục đích Ðức Chúa Trời ban luật pháp.

            Bất cứ một dân tộc nào cũng cần có luật pháp để bảo vệ an ninh trật tự, làm căn bản cho quyền lợi và nếp sống đạo đức của con người. Vì vậy, Ðức Chúa Trời đã kêu gọi Môi-se lên núi Si-nai và Ngài ban luật pháp để ông truyền lại dân Y-sơ-ra-ên. Luật pháp được chép trong Ngũ kinh của Môi-se, nhưng cũng bao hàm các các sách Thi thiên và Tiên tri (Giăng 12:34; ICô 14:21; Giăng 10:34; 15:25; Lu-ca 24:44). Luật pháp có hai phần: Luật đạo đức và luật lễ nghi, cũng gọi là luật thờ phượng. Luật đạo đức như 10 điều răn thì không thay đổi mà vẫn còn giá trị cho đến ngày nay, còn luật lễ nghi như đền tạm tại đồng vắng, đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, các con sinh, thầy tế lễ chỉ có ý nghĩa tượng trưng nên đều bị thay đổi.

            Luật pháp của Chúa là trọn vẹn (Thi 19:7), song con người bất toàn nên không ai giữ trọn, mặc dầu là khi mới nhận luật pháp, dân Y-sơ-ra-ên rất hồ hởi, phấn khởi (Xuất 19:7-8). Vì vậy, luật pháp ban ra không phải để cứu người, song để cho người biết mình có tội. Luật pháp như chiếc gương soi để ai nấy biết mặt mình bẩn, song nó không thể làm cho mặt mình sạch được! Muốn sạch, chúng ta phải nhờ nước. Ân điển như nước, vì vậy, sau phần luật đạo đức, có phần luật lễ nghi, luật đó chỉ cho con người cách nào để được tha thứ tội lỗi, hầu có đủ tư cách mà đến gần Ðức Chúa Trời. Tất cả luật lễ nghi được ứng nghiệm trọn vẹn trong Chúa Giê-xu: Ngài là đền thờ, là con sinh, là thầy tế lễ, là mọi sự (Cô-lô-se 2:16, 17; Hê-bơ-rơ 8:5). Sự chết và sự sống lại của Ngài để đền tội chúng ta là ân điển của Ðức Chúa Trời, nhờ đó chúng ta được tha thứ (Giăng 1:17).

II. Hai phần quan trọng của luật đạo đức (Xuất 20:1-17).
            Chúa Giê xu đã tóm tắt hai phần nầy là: Yêu Chúa và yêu người (Ma-thi-ơ 22:37-40), đối với Chúa và đối với người.

            1. Ðối với Chúa (Xuất 20:1-11).
            a. Trước mặt ta ngươi chớ có các thần khác (câu 1-3)
            Chúa nhắc cho họ nhớ rằng Ngài là Ðấng đã giải phóng họ khỏi cảnh nô lệ tại Ê-díp-tô bằng 10 tai vạ đã giáng lên Pha-ra-ôn. Ngài đã rẽ Biển Ðỏ cho họ đi qua, dẫn dắt họ bằng trụ mây và trụ lửa, nuôi họ bằng ma-na và nước trong hòn đá. Vì vậy, họ không có phép thờ bất cứ thần nào khác ngoài Ngài. Về sau mỗi lần sa ngã, dân Y-sơ-ra-ên thờ các thần khác thì bị Chúa sửa trị bằng nhiều tai vạ như đói kém, dịch lệ, gươm đao. Lần nặng hơn hết là Ngài đã lưu đày họ 70 năm tại Ba-by-lôn. Sau khi từ Ba-by-lôn trở về, họ không còn thờ thần nào khác nữa.

            Chúng ta đã làm nô lệ cho ma quỉ trong nước tối tăm, mà đã được giải phóng bằng sự chết đền tội và sự sống lại của Chúa Giê-xu nên chúng ta không được phép thờ một thần nào khác ngoài Chúa. Nhưng chúng ta thường bị cám dỗ mà thờ thần Ma-môn / tiền tài, vật chất (Ma-thi-ơ 6:24) và nhiều thần khác (Cô-lô-se 3:5; Ê-phê-sô 5:5). Nếu chúng ta yêu bất cứ một người nào, một điều gì hơn Chúa thì những điều đó đã trở thành những thần của chúng ta rồi (Ma-thi-ơ 10:37) (IGiăng 2:15-17). Chúa Giê-xu phán "Ngươi phải thờ phượng Chúa là Ðức Chúa Trời ngươi và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi" (Phục truyền luật lệ ký 6:13; Ma-thi-ơ 4:10).

            b. Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình (câu 4-6):
            Ðiều răn thứ nhất là thờ một mình Ðức Chúa Trời, điều răn thứ hai là cách thờ Ngài: đừng vẽ một hình nào, đừng đúc một tượng nào gọi là hình tượng Ðức Chúa Trời để thờ. Làm như vậy là không tôn vinh Ngài mà sỉ nhục Ngài vì xem Ngài như vật vô tri, làm như vậy là không yêu Ngài, mà là ghét Ngài. Kết quả của việc đó, Chúa phạt từ tổ phụ đến con cháu trải ba bốn đời, song làm ơn ngàn đời cho kẻ yêu Ngài và giữ điều răn của Ngài.

            Kinh thánh chép "Vậy thì các ngươi có thể ví Ðức Chúa Trời với ai, lấy ảnh tượng nào mà so sánh với Ngài được? Vậy, bởi chúng ta là dòng dõi Ðức Chúa Trời thì chớ ngờ rằng Chúa giống như vàng bạc hay là đá, bởi công nghệ và tài xảo của người ta chạm trổ nên" (Ê-sai 40:18; Công 17:29). Kinh thánh lập lại nhiều lần, nhiều cách Ðức Chúa Trời nghiêm cấm và lên án sự thờ hình tượng (Xuất 23:24; Ê-sai 44:12-20; Thi 115:4-8; Ê-sai 2:20; Khải 21:8; 22:15). Lời khuyên tha thiết của Giăng là " Hỡi các con cái bé mọn, hãy giữ mình về hình tượng" (IGiăng 5:21). Phao-lô khuyên (ICô 10:14).

            c. Ngươi chớ lấy danh Chúa làm chơi (câu 7) :
            Thời Cựu Ước, dân Y-sơ-ra-ên chỉ được phép nhân Danh Chúa mà thề (Phục truyền luật lệ ký 6:13b) trong một việc quan trọng, không ai được thề dối. Trong Tân-ước, Chúa Giê-xu khuyên đừng thề chi cả, phải thì nói phải, không thì nói không (Ma-thi-ơ 5:33-37). Gia-cơ cũng lập lại lời ấy (Gia-cơ 5:12).

            d. Ngươi hãy nhớ ngày yên nghỉ đặng làm nên ngày thánh (8-11):
            Làm cho ngày đó trở nên ngày thánh là nghỉ tất cả mọi công việc xác thịt tại đồng vắng, chợ búa, xí nghiệp, công sở, mà làm công việc, thuộc linh tại nhà thờ. Họp lại ca hát, cầu nguyện nghe giảng, nói chung là sinh hoạt thuộc linh, để cho tâm hồn và thể xác được yên nghỉ, được bồi dưởng.

            Ðây không có nghĩa là buộc phải nghỉ ngày thứ bảy của tuần lễ, song cứ bảy ngày thì nghỉ một ngày. Mục sư, truyền đạo không nghỉ Chúa nhật, có thể nghỉ ngày thứ bảy hoặc thứ hai. Tín đồ nào, vì công tác không nghỉ Chúa nhật được, có thể nghỉ ngày nào khác thay vào. Ðiều quan trọng là nghỉ (Xuất 23:12). Chúa bảo dân Y-sơ-ra ên khi vào xứ Ca-na-an thì cứ 7 năm cho đất nghỉ một năm (Xuất 23:10, 11; Lê-vi ký 25:1-7; 20-22). Song họ không vâng lời, nên sau 490 năm, Ðức Chúa Trời cho dân ấy bị lưu đày 70 năm, hầu cho đất được nghỉ như lời Chúa đã phán (IISử 36:20-21). Hội thánh đầu tiên nghỉ ngày thứ nhất trong tuần lễ tức là Chúa nhật, vì Chúa Giê-xu đã sống lại trong ngày ấy (Ma-thi-ơ 28:1; Giăng 20:19, 26). Ðức Thánh Linh cũng giáng lâm vào ngày thứ nhất (Công 2:1-2). Dầu vậy không phải giữ ngày nghỉ để được cứu đâu (Ga-la-ti 4:10, 11; Cô-lô-se 2:16-17).

            2. Ðối với người (Xuất 20:12-17).
            a. Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi (câu 12):
            Phao lô đã gọi đây là điều răn thứ nhất (Ê -phê-sô 6:1-3), Chúa Giê-xu đã quở trách người Pha-ri-si bỏ điều răn nầy mà theo lời truyền khẩu (Ma-thi-ơ 15:1-9; Mác 7:8-13). Ngài còn nêu gương hiếu kính (Lu-ca 2:51; Giăng 19:26-27). Không ai sống đẹp lòng Chúa nếu không hiếu kính cha mẹ. Ai yêu mến Chúa cũng yêu mến cha mẹ.

            b. Ngươi chớ giết người (câu 13):
            Chúa Giê-xu kể kẻ giận hoặc mắng anh mình cũng đáng tội như kẻ giết người (IGiăng 3:15), không ai được tự sát như Giu-đa (Ma-thi-ơ 27:3-5).

            c. Ngươi chớ phạm tội tà dâm (câu 14):
            Chúa Giê-xu kể kẻ ngó đàn bà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm (Ma-thi-ơ 5:27-28), Phao-lô lên án tà dâm là một tội rất nặng, vì quan hệ đến thân thể là đền thờ của Chúa (ICô 6:15-18).

            d. Ngươi chớ trộm cắp (câu 15):
            Chẳng những không trộm cắp mà còn chịu khó để giúp kẻ thiếu thốn (Ê-phê-sô 4:28).

            e. Ngươi chớ làm chứng dối (câu 16):
            Ma quỉ là cha của sự nói dối (Giăng 8:44). Ai nói dối là tự nhận mình là con cái của ma quỉ và đồng số phận với nó trong hồ lửa (Khải 21:8). Hãy nói thật với kẻ lân cận (Ê-phê-sô 4:25).

            f- Ngươi chớ tham lam (câu 17):
            Tham lam của cải, tiền bạc, vợ của người là tội nặng như thờ hình tượng. A-can tham của cải (Giô-suê 7:10-26), Ghê-ha-xi tham vàng bạc (IICác 5:19-27), Ða-vit tham vợ người (IISa 11:2-5).

            Giao ước cũ, luật pháp chép trên bảng đá; giao ước mới luật pháp chép trên bảng thịt, trong lòng (Giê-rê-mi 31:31-33; Ê-xê-chi-ên 36:26, 27). Xin Thánh linh chép luật pháp Ngài trong chúng ta để nó trở thành sự sống, bản tính của chúng ta, hầu ai nấy vâng giữ làm theo.

Câu hỏi

1. Ðức Chúa Trời ban luật pháp cho dân Y-sơ-ra-ên tại đâu? Lúc nào? Qua ai?
2. Luật pháp có mấy phần? Là những phần nào?
3. Ðức Chúa Trời ban luật pháp với mục đích gì?
4. Tại sao chúng ta cũng như dân Y-sơ-ra-ên thờ một mình Chúa mà thôi?
5. Tại sao chúng ta không nên thờ Ðức Chúa Trời bằng hình tượng?
6. Giữ ngày yên nghỉ để làm gì?
7. Chúa Giê-xu dạy và làm gương thế nào về sự hiếu kính cha mẹ?
8. Tại sao tín đồ không nên nói dối?
9. Hãy kể ra hậu quả của sự tham lam và vài người trong Kinh thánh ?
10. Nhờ đâu chúng ta giữ được luật pháp của Chúa ?


Mục sư Đoàn Văn Miêng

Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2018

Bài 12: Ðức Chúa Trời Lựa Chọn Một Dân Tộc

 
Bài 12: Ðức Chúa Trời Lựa Chọn Một Dân Tộc

Kinh thánh:       Sáng 12:1-9.
Câu gốc:        "Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi và ngươi sẽ thành một nguồn phước" Sáng 12:2.
Mục đích:      Cho chúng ta thấy việc Ðức Chúa Trời lựa chọn một dân tộc làm nguồn phước cho cả thế gian. Ðức Chúa Trời có thể dùng chúng ta hôm nay để thi hành ý chỉ của Ngài.

Kinh Thánh đọc hằng ngày

Chủ Nhật: Ðức Chúa Trời lựa chọn một người.
 Sáng 12:1-9
Thứ Hai: Giao ước của Ðức Chúa Trời với Áp ra ham.
 Sáng 15:18; Sáng 17:1-8
Thứ Ba: Nơi Ðức Chúa Trời ban phước.
 Sáng 13:14-18;
 Sáng 26:1-3
Thứ Tư: Ðức Chúa Trời ban thưởng cho đức tin của Áp-ra-ham.
 Sáng. 4:1-8; 13-22
Thứ Năm: Ðức Chúa Trời giao trách nhiệm.
 Hê-bơ-rơ 11:23-29
Thứ Sáu: Ơn phước của Ðức Chúa Trời tùy thuộc sự vâng lời.
 Lê 26:1-13
Thứ Bảy: Ơn phuớc Chúa ban trong cơn nguy khốn.
 Sáng 39:1-23

            Sau cơn nước lụt đời Nô-ê, Ðức Chúa Trời đã quyết định không hủy diệt nhân loại nữa, mặc dầu họ vẫn tiếp tục sống cuộc đời gian ác. Nhưng Ngài chia ra kẻ gian ác với người công bình, biệt riêng người công bình khỏi kẻ gian ác, để từ đó Ngài sẽ có một dân và qua dân đó, Ðấng cứu thế giáng trần. Hội thánh cũng là một dân mà Ðức Chúa Trời đã lựa chọn từ giữa thế gian, để riêng ra làm một dân thuộc về Ngài (IPhi 2:9-10).

I. Ðức Chúa Trời lựa chọn một người:

            Người Ðức Chúa Trời lựa chọn là Áp-ram, về sau đổi tên là Áp-ra-ham (Sáng 17:5). Ông vốn sinh trưởng tại thành U-rơ, xứ Canh-đê, là một trung tâm văn hóa và tôn giáo của thế giới thời bấy giờ. Song tôn giáo đó chỉ thờ phượng các thần tượng chứ không thờ Ðức Chúa Trời hằng sống và chân thật. Chúa biết lòng của Áp-ram và Sa-rai, về sau đổi tên là Sa-ra (Sáng 17:15).

            Ðức Chúa Trời kêu gọi Áp-ram khi ông còn ở tại quê hương, vòng bà con và nhà cha ông mà bảo rằng "Ngươi hãy ra khỏi... mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho" (Sáng 12:1; Công 7:2-3).Chúng ta không biết cách nào Chúa đã kêu gọi ông, song tiếng gọi của Ngài rất rõ ràng đối với ông. Ông phải chấp nhận một điều kiện có ba bước như sau:

            1. Ra khỏi quê hương:
            Con người ai cũng yêu mến quê hương của mình. Vả lại, quê hương của Áp-ram vừa giàu có, vừa văn minh, nên ra khỏi quê hương là một hy sinh không nhỏ của ông.

            2. Ra khỏi vòng bà con:
            Dầu Áp-ram chỉ có 2 em trai, song nếu kể bà con nội ngoại thì rất đông, vì bấy giờ người ta sống rất lâu sinh nhiều con trai, con gái. Ra khỏi vòng bà con mà đi đến một nơi xa lạ là điều không phải dễ

            3. Ra khỏi nhà cha:
            Nhà cha là tổ ấm tại trần gian, không có nơi nào được an ủi bằng tại nhà cha mình. Ra khỏi nhà cha cũng như ra khỏi quê hương và vòng bà con, Áp-ram mất rất nhiều tài sản và quyền lợi.

            4. "Ði đến xứ mà ta sẽ chỉ cho":
            Xứ đó là Ca-na-an (Sáng 11:31), song ông không biết xứ đó ở đâu và ra sao (Hê-bơ-rơ 11:8). Ðời sống theo Chúa là đời sống đức tin, đời sống theo Chúa là đời sống hy sinh. Song tin theo Ðức Chúa Trời sẽ không bao giờ thất vọng, hy sinh theo Chúa sẽ không bao giờ hối tiếc. Phần thưởng của đức tin là sẽ thấy việc mình đã tin. Hy sinh vì Chúa rất ít, nhận lảnh nơi Chúa rất nhiều.

            Có đức tin lớn, Áp-ram mới dám vâng lời Chúa ra đi. Người như thế Chúa mới lựa chọn làm tổ phụ của một dân tộc, gọi là dân tộc có đức tin. Nếu muốn được Chúa lựa chọn và trọng dụng, chúng ta phải học đòi đức tin của Áp-ram.

II. Ðức Chúa Trời hứa ban phước cho một người (Sáng 12:1-3).

            Ai dám tin cậy Chúa và vâng lời Ngài thì sẽ nhận được lời hứa của Ngài. Lời hứa của Ngài là quí báo, lớn lao và lâu dài. Có 7 điều mà Chúa hứa với Áp-ram so với 1 điều mà Chúa đòi hỏi ông:

            1. "Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn":
                        Chữ "lớn" đây có hai nghĩa:
                        a. Là ngày càng lớn, khi lời nầy phán ra thì Áp-ram chưa có con, song kể từ đó, số dân Y-sơ-ra-ên mỗi ngày một nhiều.
                        b. Là cao thượng, vĩ đại, lịch sử chứng minh dân Y-sơ-ra-ên rất khôn ngoan, mạnh mẽ, xứng đáng với danh "một dân lớn".

            2. "Ta sẽ ban phước cho ngươi":
            Lời hứa nầy đã được thực hiện ngay trong đời Áp-ram. Ê-li-ê-xe làm chứng "Ðức Giê-hô-va đã ban phước cho chủ tôi bội phần, trở nên thạnh vượng, Ngài ban cho chủ tôi chiên, bò, bạc vàng, tôi trai, tớ gái, lạc đà và lừa" (Sáng 24:35). Dầu Áp-ram có nhiều lỗi lầm, song Chúa thành tín và nhân từ vẫn ban phước cho ông cả thuộc thể lẩn thuộc linh.

            3. "Ta sẽ... làm nổi danh ngươi":
            Chưa từng có ai nổi danh như Áp-ra-ham, và cũng chưa có ai được trọng vọng bằng ông. Những tín đồ Hồi giáo, Do thái giáo và Cơ đốc giáo đều coi ông là tổ phụ đức tin của họ. Ngay trong thời ông, người ta đã tôn ông là một quan trưởng của Ðức Chúa Trời (Sáng 23:6). Chính Ðức Chúa Trời đã gọi ông là một tiên tri, một bạn hữu, một tôi tớ (Sáng 20:7; Gia-cơ 2:23; Thi 105:5-6). Ngài không dấu diếm điều chi với ông (Sáng 18:17).

            4. "Ngươi sẽ thành một nguồn phước":
            Chúa đã làm cho ông như lời Ngài đã hứa, song chính ông có trách nhiệm trong nếp sống hằng ngày của mình là phải sống thế nào mà để kẻ khác nhờ đó mà được phước, vì họ đã tin Chúa như ông (Ga-la-ti 3:8-9).

            5. "Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi":              
            Chúa xem Áp-ra-ham là một nhân vật rất quan trọng, không những được Ngài ban phước mà bất cứ kẻ nào chúc phước ông cũng được Ngài ban phước. Làm lành cho tiên tri, cho bạn hữu, cho đầy tớ của Chúa được kể như làm lành cho chính mình Ngài (Ma-thi-ơ 25:40).

            6. "Ta sẽ... rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi":                     
            Ngược lại, ai rủa sả Áp-ra-ham thì Chúa cầm bằng rủa sả Ngài, và người đó chắc chắn bị rủa sả. Y-sác lập lại lời đó khi chúc phước cho Gia-cốp (Sáng 27:29). Không những đối với Áp-ram và dòng dõi của ông mà đối với con cái Chúa trải qua các đời cũng vậy, ai rủa sả họ sẽ bị Chúa rủa sả.

            7. "Các chi tộc trên thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước":
            Lời hứa nầy được thực hiện qua Ðấng cứu thế Giê-xu ra từ dòng dõi Áp-ram. Lời hứa nầy rất quan trọng, nên được nhắc lại nhiều lần (Sáng 18:18; 22:18; 26:4; 28:14). Tân ước cũng xác nhận Ðấng cứu thế là dòng dõi Áp-ram (Ma-thi-ơ 1:2).

            Những lời mà Chúa đã hứa với Áp-ram thật lớn lao, đến nỗi phải mất hơn 2.000 năm Ngài mới thực hiện hết. Những phước mà Chúa ban cho Áp-ram thật rất nhiều, đến nỗi qua ông và dòng dõi ông, cả nhân loại cũng được phước. Áp-ram đã tin cậy và vâng lời Chúa, nên Ngài đã dùng ông để thực hiện chương trình vĩ đại của Ngài. Chúa còn có những chương trình khác, nên Ngài cũng muốn dùng chúng ta để thực hiện, miễn là chúng ta cũng tin cậy và vâng lời Ngài. Chúng ta không khao khát một đời sống phước hạnh như Áp-ram sao?

III. Ðức Chúa Trời dẫn dắt một người (Sáng 12:4-9).

            "Rồi Áp-ram đi, theo như lời Ðức Giê-hô-va đã phán dạy". Chúa kêu gọi, Chúa hứa cho, Chúa dẩn dắt, còn ông phải tin cậy và vâng lời. Trên đây là một câu ngắn ngủi song đầy đủ, mô tả đời sống đức tin của Áp-ram. Ông mạnh dạn lên đường, công khai chứng tỏ mình hết lòng theo Chúa. Tin cậy và vâng lời Chúa là tạo một cơ hội thuận tiện để Ngài thực hiện lời hứa của Ngài. Chúng ta hãy bước theo sự dẩn dắt của Chúa.

            Mục tiêu cuộc hành trình của Áp-ram là xứ Ca-na-an. Vì vậy, ông đã thu thập tài sản từ người chí vật, có vợ là Sa-rai và cháu là Lót cùng đi. Họ đã đến Ca-na-an. Ông đã đi chặng đường thứ nhất từ U-rơ đến Cha-ran là 430 dặm, bây giờ ông đi đoạn đường thứ hai là từ Cha-ran đến Si-chem, thuộc xứ Ca-na-an là 300 dặm. Chắc Áp-ram và gia đình đã mệt nhọc nhiều, song chắc chắn cũng vui thoả lắm trên đường theo Chúa.

            "Ðức Giê-hô-va hiện ra cùng Áp-ram" Ðó là phần thưởng rất lớn cho Áp-ram, vì tỏ ra Chúa đẹp lòng và hoan nghinh ông đã tin cậy và vâng lời Ngài. Ðược Chúa hiện ra trò chuyện với mình là một đặc ân vô giá. Những nỗi gian lao của Áp-ram đã được Chúa bù đắp một cách xứng đáng quá mức. Phước cho ai được Chúa thăm viếng như vậy.

            Chúa phán "Ta sẽ ban cho dòng dõi ngươi xứ nầy". Trước kia, Chúa bảo ông đến xứ Ca-na-an, bây giờ đã đến, Chúa hứa ban xứ đó cho dòng dõi ông. Sự ban cho của Chúa dồi dào quá, tình thương của Ngài bao la là dường nào!

            Ðể bày tỏ lòng biết ơn xâu xa, Áp-ram lập một bàn thờ và dâng của lể thiêu lên Ngài. rồi tiếp tục con đường đến Bê-tên. Tại đó, ông lập một bàn thờ nữa và cầu khẩn Danh Ngài. Cầu khẩn Danh Chúa có nghĩa là ông công khai làm chứng về Chúa cho mọi người chung quanh. Cuộc đời của Áp-ram thật là đẹp, nên không lạ gì khi thấy Chúa đã thực hiện trọn vẹn mọi lời hứa của Ngài dành cho ông. Dầu đôi khi Áp-ram vẫn bị cám dỗ mà phạm tội, thì sau đó, ông đã ăn năn tiếp tục tin cậy và vâng lời Chúa, nên Ngài vẫn tiếp tục ban phước cho ông.

Câu hỏi
1. Sau cơn nước lụt, Chúa không còn hủy diệt loài người gian ác mà Ngài đã làm gì?
2. Trước khi chọn một dân tộc là Y-sơ-ra-ên thì Chúa đã chọn ai?
3. Ðể theo Chúa, Áp-ram phải chấp nhận điều kiện gì?
4. Ðức Chúa Trời đã hứa ban cho Áp-ram 7 phước nào?
5. Trong các phước ấy, phước nào quan trọng hơn cả và có tương quan đến cả nhân loại?
6. Ðể đến chỗ Chúa chỉ cho, Áp-ram phải đi con đường bao xa?
7. Khi đến nơi, Chúa ban cho Áp-ram một phần thưởng gì?
8. Ðể tỏ lòng biết ơn Chúa, Áp-ram đã làm chi?
9. Áp-ram cầu khẩn danh Chúa có nghĩa gì?
10. Muốn được phước như Áp-ram, chúng ta phải sống như thế nào?


Mục sư Đoàn Văn Miêng

Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018

CHÚA THUỘC ĐỘI NÀO ?


CHÚA THUỘC ĐỘI NÀO?

Bây giờ thì một số người mới tìm hiểu xem ông ta là ai? Giới chuyên môn thì khen phương pháp huấn luyện và cách điều binh khiển tướng của ông. Giới Tin Lành thì giới thiệu niềm tin của ông. Nếu không có những chiến thắng liệu có giới thiệu và khen tặng ông ta không? Tốt khoe xấu che. Chuyện bình thường thôi. Nhưng khi chưa có kết quả, ông ta đã tốt rồi mà. Hóa ra con người thích nhìn vào thành quả hơn. 

Bây giờ thì ai cũng muốn đội của chúng ta phải thắng. Vì đó là niềm tự hào của đất nước. Với một số người khác vừa là đất nước vừa là đức tin. Thậm chí có người cho rằng có Chúa thì phải thắng. Thật là vừa cuồng tín vừa hiếu chiến.

Không phải thành công nào cũng từ nơi Chúa, cũng không phải thất bại nào cũng là do không có Chúa. Trong thất bại người có đức tin nơi Chúa thường sợ bị chế giễu: "Đức Chúa Trời của anh ở đâu?" Chúng ta quên rằng thành công không phải ở chỗ được hay mất, thắng hay bại, mà là ở chỗ Đức Chúa Trời có ở cùng hay không. 

Vì không chấp nhận thất bại, vì đòi phải thành công nên chúng ta trở thành những người lợi dụng Chúa chứ chẳng phải tin cậy Chúa. Một người đi nhà thờ chia sẻ điều này: "Tôi hiểu ra điều này, lâu nay tôi có Chúa nhưng Chúa chẳng có tôi." Tôi coi Ngài như Tiên như Bụt để cầu được ước thấy. Chỉ toàn là những thứ tạm bợ, chóng qua của trần gian, những điều "ích lợi chẳng bao lăm" (ích lợi đôi phần, ích lợi chẳng là bao). Còn những điều Chúa muốn, "ích lợi mọi việc" (ích lợi hoàn toàn, ích lợi mọi mặt, ích lợi mọi bề) cho cả đời này và đời sau thì... chẳng có tôi. Chúng ta muốn Chúa thuộc về chúng ta, vì lợi ích của chúng ta nhưng lại không muốn thuộc về Ngài. 

-Chúa ơi, Ngài thuộc đội nào?
-Ta là tiền đạo bên A và là hậu vệ bên B.
-Sao lại có chuyện như thế được?
-Vì hai bên đều kêu cầu ta. 
-Chúa phải yêu thương đội của chúng con hơn đội bên kia chứ!
-Con không nhớ lời dạy của Ta sao?
-Con chẳng nhớ gì cả ngoài chuyện đội con phải thắng...

"Anh em không biết điều mình đang xin..." (Ma-thi-ơ 20:22)

"Ngài cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ cũng như trên người lành, và làm mưa cho người công chính cũng như kẻ bất chính." (Ma-thi-ơ 5:45) 

"Anh em hãy cầu nguyện như thế này: ... Ý Cha được thành dưới đất cũng như trên trời..." (Ma-thi-ơ 6:10)


Thầy Phạm Xuân Trí
XuânThu

Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

Thông báo của BHD Thanh Thiếu niên


Chúa nhật đầu tháng 2 (4/2/2018) Ban Thanh Thiếu niên sẽ tôn vinh Chúa trong giờ Thờ phượng.

- BTC: "Bước trên gian lao" Nhạc và lời: Đoan Thanh. Xem sheet nhạc TẠI ĐÂY.
- Trang phục: Áo đồng phục của Ban TTN.

Nay thông báo./.





Ban Hướng dẫn TTN năm 2018

Bài 11: Khi Con Người Tự Cai Quản

Bài 11: Khi Con Người Tự Cai Quản

Kinh Thánh:      Sáng 11:1-9
Câu gốc:        "Phàm ai có lòng kiêu ngạo lấy làm gớm ghiếc cho Ðức Giê-hô-va. Quả thật nó sẽ chẳng được khỏi bị phạt" Châm 16:5
Mục đích:      Cho chúng ta thấy rằng khi con người tự cai quản và đặt Ðức Chúa Trời ra ngoài đời sống mình thì những hậu quả nào sẽ xảy ra.

Kinh Thánh đọc hằng ngày

Chủ Nhật: Một chính quyền mới.
 Sáng 9:1-6
Thứ Hai: Sự thất bại của loài người.
 Sáng 11:1-9
Thứ Ba: Làm tôi mọi cho tội lỗi.
 Rô-ma 6:14-23
Thứ Tư: Một số người không biết Ðức Chúa Trời.
 Rô-ma 1:18-23
Thứ Năm: Các nhà cầm quyền phải tôn kính Ðức Chúa Trời.
 E-xơ-ra 7:25-28
Thứ Sáu: Cầu nguyện cho các nhà cầm quyền.
 ITim 2:1-04
Thứ Bảy: Nhà cầm quyền gian ác sẽ bị hình phạt.
 Thi 2:1-12

            Có người cho rằng nhân loại sẽ tiến bộ mỗi ngày một cách không ngừng cho đến chừng lên tận các ngôi sao. Ngược lại, chúng ta thấy từ khi sa ngã, nhân loại ngày càng bại hoại một cách đáng sợ. Quỉ Sa-tan đã quả quyết "Ta sẽ lên trời, ta sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao của Ðức Chúa Trời. Ta sẽ ngồi trên núi hội về phương bắc, ta sẽ lên trên cao những đám mây, ta sẽ làm ra mình bằng Ðấng rất cao". Nhưng kết quả, nó phải xuống nơi âm phủ, sa vào nơi vực thẳm (Ê-sai 14:12-15). Dầu ngày nay, nhân loại, đã dùng khoa học đưa một đôi người lên cung trăng, rồi cũng từ đó trở về vị trí cũ của mình mà thôi. Hình thức là như vậy, còn đạo đức thì ngày càng tệ hại hơn. Vì vậy, số phận đời đời của nhân loại là sẽ "Bị ném xuống hồ lửa" (Khải 20:15) nếu không kịp thời ăn năn.

            Sau cơn đoán phạt bằng nước lụt, nhân loại vẩn muốn tự cai quản chứ không chịu phục tùng Chúa. Ðây hãy xem kết quả.

I. Con người sanh ra nhiều thứ tiếng (Sáng 11:1-7)

            Sách Sáng thế ký chép về nguồn gốc của vũ trụ, của sự sống của con người, của tội lỗi, của các thứ tiếng và của các chủng tộc. Nhiều thứ tiếng gây nhiều trở ngại cho sự thông công giữa người với người. Ðó cũng là hậu quả của tội lỗi.

            Từ sau cơn nước lụt cho đến chừng 100 năm sau, gia đình của Nô-ê đã thêm lên khoảng 30 nghìn người "Cả thiên hạ đều có một giọng nói và một thứ tiếng". Nhờ vậy, ai nấy hiệp nhất với nhau thành một sức mạnh đáng kể. Ðiều này cũng rất tốt và cũng rất xấu. Dùng sức mạnh để làm việc lành là rất tốt, song dùng sức mạnh để làm việc dữ thì rất xấu.

            Nhân loại đã đưa nhau đến một đồng bằng rộng rãi phì nhiêu tại xứ Si-nê-a. Họ dùng sức mạnh, sự khôn ngoan và tài nguyên sẵn có mà quyết định xây một thành phố, dựng một cái tháp giữa thành phố đó với 3 mục đích:
                        1. Tháp cao tận trời.
                        2. Ðể được rạng danh.
                        3. Ðể khỏi bị tản lạc khắp nơi.

            Chương trình của nhân loại luôn luôn là ích kỷ, kiêu căng và phản loạn. Song sự cố gắng tối đa của họ cũng như của tổ phụ họ: một chiếc áo bằng lá vả với một cái tháp dở dang, cả hai chỉ là công dã tràng xe cát!

            Họ là những người mạnh khỏe, can đảm, có nhiều tham vọng, song chỉ là tham vọng ích kỷ, kiêu căng gian ác. Họ nói với nhau "Hè, chúng ta hãy làm gạch và hầm trong lửa... Nào! Chúng ta hãy lo làm cho rạng danh". Họ đã hô hào, cổ võ để thống nhất ý chí, tập trung nỗ lực vào một công tác mà thôi. Họ quyết định khắc phục mọi khó khăn vượt qua mọi trở lực cho đến chừng đạt được mục đích. Không có đá, lấy gạch thế cho đá, không có hồ, lấy chai thế cho hồ. Nếu mục đích của họ là tôn vinh Chúa, phục vụ Ngài thì phước biết bao! Song mục đích của họ là tự tôn vinh và chống lại Ngài.

            1. Tháp cao tận trời: Không thể nào xây một cái tháp chót cao tận trời, song lòng kiêu căng của họ thật đã lên tận trời, đến nỗi Ðức Chúa Trời phải xuống để xem xét công việc của họ. Ngày nay, lòng kiêu căng của nhân loại cũng như vậy và còn hơn nữa.

            2. Làm cho rạng danh: Họ không hề nghĩ đến danh Chúa, mà chỉ nghĩ đến danh mình. Họ muốn lưu lại cho muôn đời về sau một kỷ niệm về công trình vĩ đại của họ, tỏ ra họ là những anh hùng, con cháu của anh hùng Nim-rốt (Sáng 10:8-9).

            3. Ðể khỏi bị tản lạc khắp nơi: Chúa bảo họ "Hãy sanh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy trên mặt đất" (Sáng 9:1). Song hành động của họ là chống lại mạng lịnh của Chúa. Từ khi sa ngã, con người thích chống đối, nhất là chống đối Ðức Chúa Trời, thậm chí khinh dể Ngài để tỏ ra ta đây là mạnh mẽ. Song "Ðức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu, vì ai gieo giống chi lại gặt giống ấy" (Ga-la-ti 6:7).

            Ðức Chúa Trời phải trực tiếp can thiệp để hủy phá chương trình và mục đích của nhân loại, Ngài phán "Bây giờ chẳng còn chi ngăn chúng nó làm các điều đã quyết định được. Thôi! Chúng ta hãy xuống, làm lộn xộn tiếng nói của người nầy với người kia".

            Không ai biết rõ bởi cách nào và bao lâu, hoặc ngay lập tức hay là từ từ mà nhân loại bắt dầu đổi giọng nói và thứ tiếng, một thành nhiều, làm cho họ không còn hiểu nhau được nữa. Chúa đã dựng nên con người, Ngài chỉ cần sửa lại một chút thôi là có sự thay đổi liền, rồi Chúa đã khiến cho con lừa của Ba-la-am nói tiếng người, đã làm cho Nê-bu-cát-nết-sa mất trí, tưởng mình là một con bò, cũng dể dàng như vậy.

            Nhân loại đã quyết định, nên Ðức Chúa Trời không có phương pháp nào tốt hơn là phải làm lộn xộn tiếng nói của họ, để ai nấy không hiểu nhau, không thể đồng công cộng tác và họ nản lòng mà bỏ việc. Một số người, một giọng nói và một thứ tiếng, một ý chí, một quyết tâm, một mục đích, tất cả thành một lực lượng vô địch như không ai phá hủy nổi, không ai ngăn chặn được. Song đối với Ðức Chúa Trời thì dễ quá. Ngày nay có khác hơn ngày xưa, nhân số đông đúc, nguyên liệu dồi dào, khoa học kỹ thuật cao, thì Ðức Chúa Trời vẫn phán "Kìa, các dân tộc khác nào một giọt nước nhỏ trong thùng, và kể như một mảy bụi rơi trên cân; Này Ngài dỡ các cù lao lên như đồ vật nhỏ... Mỗi dân tộc ở trước mặt Ðức Giê-hô-va đều như không, Ngài xem như trống không và hư-vô vậy" (Ê-sai 40:15-17).

II. Con người tản lạc khắp nơi (Sáng 11:8-9)

            Dầu rất bực tức, vì không thể tiếp tục công tác, nhân loại đã phải tan ra khắp trên mặt đất, đúng như chương trình của Chúa đã định cho họ. Chúa đã hành động như vậy là vì thương yêu nhân loại, muốn cứu họ khỏi phí thì giờ, sức khoẻ để làm một việc vô ích, chỉ vì kiêu căng khoe khoang.

            Dầu vậy, tinh thần ích kỷ, kiêu căng, phản loạn của nhân loại vẫn còn cho đến ngày nay, nên ai nấy đang lo xây tháp Ba-bên cho mình. Kinh thánh chép gì về công trình của nhân loại ngày nay? "Khốn thay cho kẻ lấy huyết dựng ấp, và lấy sự gian ác xây thành! Phải, ấy há chẳng phải bởi Ðức Giê-hô-va vạn quân mà các dân làm việc cho lửa, và các nước nhọc nhằn cho sự hư không hay sao?" (Ha-ba-cúc 2:12-13) "Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tan, đất và mọi công trình trên đất đều sẽ bị đốt cháy cả" (IIPhi 3:10).

            Ngày nay người ta còn tìm thấy di tích của tháp Ba-bên tại Ba-by-ôn, trên bờ sông Ơ-phơ-rát. Nó nói lên cho ai nấy biết đó là công trình vĩ đại của người xưa, là nguồn gốc sinh ra nhiều thứ tiếng, nói chung là hậu quả của tội lỗi.

            Bài học cho chúng ta:

            Ðồng tâm hiệp lực, thống nhất ý chí, san bằng trở ngại để phục vụ Chúa là phước, để chống lại Ngài là nguy.
            A-đam không vâng lời Chúa, làm cho dòng dõi ông bị hư mất, Giê-xu vâng lời Chúa làm cho dòng dõi Ngài được cứu rỗi. Vì vậy, Giê-xu là cứu Chúa của những kẻ vâng lời Ngài (Hê-bơ-rơ 5:9).
            Kẻ gian ác tự tôn vinh, người công bình tôn vinh Chúa (Khải 7:9-10).
            Kẻ gian ác kiêu căng, người công bình khiêm nhường "Ðức Giê-hô-va biết đường người công bình, song đường kẻ ác rồi bị diệt vong" (Thi 1:6).
            Dầu con người gian ác, Chúa vẫn thương yêu, "Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác" (Ma-thi-ơ 5:45).

Câu hỏi

1. Khi con người đòi hỏi cho được quyền tự cai quản, thì họ đã làm điều tốt hay xấu?
2. Ban đầu con người có mấy thứ tiếng và mấy giọng nói?
3. Chương trình và mục đích lúc bấy giờ của con người là gì?
4. Họ dùng vật liệu gì để xây thành và tháp?
5. Họ không xây tháp cao tận trời, nhưng cái gì đã lên đến tận trời?
6. Họ làm vậy để chống lại mạng lịnh nào của Chúa?
7. Chúa đã làm gì để phá hủy chương trình của con người?
8. Công trình của con người ngày nay để dành cho?
9. Bài học cho chúng ta là gì?


Mục sư Đoàn Văn Miêng

Thứ Ba, 23 tháng 1, 2018

Đổi Mới Con Cho Ngài


        Mưa! vài hạt tí tách rớt trên mái nhà. Vài phút sau mưa nặng hạt hơn làm cho ngoài đường bì bõm vài vũng nước. Lúc sau mưa như trút nước. Cơn mưa chiều nay nghe buồn quá, trong ngôi nhà nhỏ ọp ẹp, nước mưa tạt vào ướt sũng. Ngồi bó gối nhìn ra ngoài sân, nét mặt nó buồn buồn, nhìn thấy đàn gà con đang dúi đầu vào đôi cánh của mẹ thật ấm áp, nó ao ước được giống như mấy con gà con kia được ở bên mẹ biết bao, tự dưng khóe mắt nó cay cay, và nó khóc.
        Ngày trước ba mẹ nó yêu nhau lắm, cuộc sống của hai vợ chồng thật hạnh phúc, êm đềm bên mái tranh nghèo, mỗi ngày cơm canh đạm bạc. Ba nó, người đàn ông có thân hình mảnh khảnh, nước da ngâm đen vì nắng, làm nghề chạy xe ôm, mỗi ngày kiếm được ba cọc ba đồng. Còn mẹ nó, người phụ nữ dịu dàng có mái tóc dài đen bóng ngang lưng, gương mặt hốc hác vì công việc làm thuê, phải thức khuya dậy sớm chuẩn bị chài lưới cho người ta đi biển. Có khi phải vá lưới đến tận khuya cho kịp ngày mai các ngư phủ ra khơi. Công việc cũng khá vất vả đối với người phụ nữ thành thị, cũng vì yêu ba nó nên chấp nhận về chung sống ở nơi làng chài này. Cuộc sống vất vả, họ ăn ở với nhau gần năm năm nhưng vẫn chưa có con.
        Cho đến một ngày khi biết được ba nó bạt tình, bỏ mẹ nó để đi theo người phụ nữ khác giàu có hơn, đẹp hơn, cũng là lúc bà đang mang thai nó được hai tháng tuổi. Bà khóc suốt ngày đêm, nài nỉ chồng nhưng vẫn không níu kéo được. Đau khổ bà muốn hủy bỏ cái thai trong bụng, nhưng cũng thương đứa con nhỏ không có tội tình gì, nên cố gắng một mình nuôi dưỡng bào thai cho đến ngày sinh nở. Nhờ sự thương tình của những người hàng xóm, bà đã vượt cạn an toàn. Một thằng bé con xinh xắn ra đời. Tên nó là Trường Hận. Bà đặt tên cho nó là Trường Hận, vì căm giận chồng đã bỏ mặc hai mẹ con đi cưới vợ khác. Nhiều đêm bà thao thức không biết nuôi dạy con ra sao, không biết rồi sau khi nó lớn lên sẽ kể về người cha của nó như thế nào, và nhiều câu hỏi khác làm cho bà càng tủi thân hơn. Cuộc sống của một người mẹ đơn thân nuôi con thật vất vả, khó khăn trăm bề, không có ai bên cạnh để giúp đỡ những lúc đêm khuya, gió lạnh. Chỉ có người hàng xóm thương tình, hằng ngày nấu cơm mang qua cho bà ăn để có sữa cho con bú trong những tháng đầu còn yếu sức.
        Khi thằng bé được sáu tháng tuổi bà phải đi làm kiếm tiền, nên bồng nó theo chứ để ở nhà ai chăm. Tội nghiệp thằng nhỏ, dường như biết mẹ khổ cực nên im lặng không quấy khóc cứ nằm chơi một mình, nhìn người lớn nói nói cười cười rồi cũng cười theo. Đôi mắt to tròn, khuôn mặt kháu khỉnh nhìn giống hệt ba nó, một mình bà xoay sở đủ cách hết mới có tiền nuôi con. Rồi ngày tháng trôi qua nhanh chóng, nó đã lên ba tuổi, cái tuổi ăn tuổi chơi hồn nhiên không lo nghĩ gì, những lúc nó hỏi: “Mẹ ơi, ba đâu?” bà chỉ biết ôm nó vào lòng và nói: “Ba con đi làm xa rồi, lâu lắm mới về”. Nói xong, bà quay mặt đi nơi khác lau nước mắt. Cuộc sống cơ cực, vừa nuôi con vừa bươn chải cuộc sống, nên bà đã sanh bệnh. Bác sĩ cho biết bà bị bệnh nan y không thể sống lâu được.
        Buổi sáng nọ, thằng bé thức dậy sớm hơn mọi ngày, nhìn sang mẹ nằm ngủ, gương mặt của bà hiền từ, thanh thoát, thằng bé đánh thức mẹ: “Mẹ ơi, mẹ ơi, thức dậy đi, con chim nó hót trên cành cây kìa!”. Mẹ nó không trả lời. Nó gọi lần nữa, nhưng bà cũng không trả lời, nó gọi mãi, lay mãi nhưng bà vẫn nằm im thin thít. Nó leo nằm lên mình mẹ, bàn tay nhỏ xíu mở mí mắt mẹ, nhưng bà cũng không mở mắt. Có gì đó bất an, nó sợ hãi và òa khóc, nước mắt ràn rụa rớt trên gương mặt của bà, nhưng bà vẫn bất động. Thế là mẹ nó đã ra đi, bỏ lại nó một mình côi cút. Hàng xóm ai cũng xúc động, còn bé mà đã không cha không mẹ, nhưng không ai dám đem nó về nuôi, may thay có ông chú thấy thương quá, tuổi còn nhỏ mà đã mồ côi, nên nhận đem về làm con nuôi. Ông chú cũng chẳng giàu có gì, hằng ngày đạp xích lô, không vợ con, bây giờ có nó về làm bạn thủ thỉ cho vui. Mỗi ngày hai cha con cùng nhau đi làm trên chiếc xích lô dù trời mưa hay nắng. Thằng bé thật tội nghiệp, lâu lại hỏi: “mẹ con đâu hả chú?” ông chú không biết trả lời thế nào, nên mỗi khi nó hỏi câu đó ông chú chuyển đề tài khác hay kể chuyện vui cho nó nghe. Làm nghề chạy xích lô thì làm gì có nhiều tiền mà mua sữa hay đồ ăn ngon, nên nhìn nó ốm tong. Cứ ngày hai bữa cơm cháo nuôi nhau là mừng lắm rồi. Có ngày đắc khách tiền nhiều một chút, hai bố con cùng đi ăn tô bún, dĩa cơm ngon rồi cùng về ngủ thế là hết một ngày lao động, bon chen giữa đời. Ông chú hiền từ, gương mặt nhân hậu, nhìn thằng bé kháu khỉnh, thấy thương nên chìu nó hết sức.
        Từ ngày có nó, hai cha con vui vẻ như hai người bạn, đi đâu cũng có nhau. Mà Ông Trời cũng thương, nuôi nó khỏe mạnh. Năm nó lên mười tuổi, cái tuổi phải đến trường lớp như mấy đứa con hàng xóm, nhưng nhà nghèo lấy đâu ra tiền mà đi học. Trong xóm có cô giáo mở lớp học tình thương dạy chữ cho các em trong làng chài, nên cô cũng vui vẻ dạy chữ cho nó. Lúc đầu không quen cách học nghiêm túc trong lớp nên nó bỏ học mấy ngày liền. Cô giáo nhiều lần tìm cách khích lệ nó học chữ để biết đọc biết viết như người ta. Thằng bé thông minh lanh lợi, học cũng khá, chỉ có cái tội ham chơi nên ngày nào cũng đến lớp trễ hơn người khác. Có hôm nó theo đám bạn ra biển bắt mấy con còng gió chạy trên bãi cát, kiếm cũng được kha khá đem về hai bố con có bữa ăn ngon.
        Cuộc sống của hai cha con bữa cháo bữa rau, thế mà đã thấm thoát mười lăm năm. Nó cũng lớn hơn, cái tuổi ăn học, tuổi ước mơ như bao đứa bạn cùng trang lứa, ấy mà nó phải đi bưng cá, xẻ cá cho người ta từ sáng sớm đến trưa, chiều lại thì phụ mấy người trong xóm vá lưới. Làm xong người ta cũng cho nó được vài chục ngàn. Nhìn nó thật tội nghiệp, người nhỏ thó, da đen vì phải dang nắng mỗi ngày, được cái là hiền từ lễ phép lúc nào cũng dạ thưa, nói cười hồn nhiên, hay giúp đỡ người khác nên được nhiều người trong làng chài ai cũng thương mến.
        Một lần hai cha con cùng nhau sửa lại cái mái nhà bị dột, nước mưa tạt vào ướt sủng chỗ nằm. Hai cha con vừa làm vừa nói cười vui vẻ, ba nó kể cho nó nghe câu chuyện về ba mẹ ruột nó là ai và tại sao tên của nó là Trường Hận. Nghe xong câu chuyện về cuộc đời mình, nó nghẹn ngào cố giấu nước mắt vào trong tỏ ra mạnh mẽ của một thằng con trai. Từ đó, nó trở nên trầm lặng, ít nói ít cười, nét mặt lúc nào cũng buồn buồn và xa lánh mọi người. Nó mặc cảm chính mình, nó hận thù ba nó. Nhiều lần nó muốn bỏ nhà ra đi lang thang, nhưng nghĩ thương ba nuôi, dù lớn tuổi nhưng vẫn miệt mài với chiếc xích lô, tuy không nhiều tiền nhưng ngần ấy năm cũng đã nuôi nó đến bây giờ. Dẫu thế, nó vẫn mong có được ba mẹ bên cạnh như bao người khác, ước mơ bữa cơm gia đình cùng quây quần bên nhau. Nhiều đêm nó mơ thấy được mẹ chăm sóc, được ba dạy làm con diều, rồi cùng thả bay lên bầu trời xanh ngắt, hai cha con nói cười vui vẻ. Có những buổi sáng thức dậy sớm vì không ngủ được, nó chạy ra biển ngồi một mình, nhìn từng cơn sóng rì rào xô vào bãi cát, gió từ biển thổi lên làm cho nó càng thấy lạnh lẽo, cô đơn, mặc cho suy nghĩ miên man, nó thả hồn trôi dạt theo sóng nước, lòng buồn rười rượi, nước mắt nhạt nhòa rớt xuống, mặn chát.
        Một ngày mùa thu, nắng vàng trải dài trên bãi cát trắng, như mọi ngày nó phải đi xẻ cá rồi giao cá ở ngoài chợ cho người ta, tình cờ nhìn thấy một quyển sách nhỏ màu xanh da trời bìa rất đẹp nằm trong đống sách cũ của người bán ve chai. Có bao giờ nó ham đọc sách đâu kia chứ, đâu có học nhiều như người khác đâu chỉ đủ để biết đọc biết viết như cô giáo đã từng dạy nó mà thôi. Nhưng lần này không hiểu sao nó lại thích quyển sách ấy. Có lẽ đó là một quyển sách đặc biệt? Nó đến bên người bán ve chai, nói cô ấy:
        Cô ơi, quyển sách màu xanh kia đẹp quá, cô bán lại cho con đi!.
        Con có muốn lấy thì cô cho, con không cần trả tiền- cô bán ve chai trả lời.
        Nó cảm ơn cô bán ve chai, vui mừng cầm quyển sách ấy lên. Chà! sách còn thơm mùi giấy mới. Nhìn những trang giấy trắng tinh với những dòng chữ mực đen dày đặc, nó lật qua lật lại, cũng chẳng có gì hấp dẫn, nhưng không hiểu tại sao nó lại thích. Nó đem quyển sách ấy về nhà để trên đầu giường. Tối đến lấy ra xem, nó lật qua lật lại, đọc vài trang rồi ngủ thiếp lúc nào không biết.
        Sau một ngày làm việc, tối đến nó lại lấy quyển sách nhỏ ấy ra đọc, lần này nó thấy thích bởi câu chuyện “Chúa Hóa Bánh Ra Nhiều”. Nó ước gì người tên là Giê-xu kia có thật sẽ hóa bánh ra cho hai cha con nó để có bữa ăn thật ngon, như trong mấy câu chuyện cổ tích có ông tiên hiện ra cứu giúp người nghèo. Đến câu chuyện “Đức Chúa Giê-xu đi bộ trên mặt biển”, làm nó đọc say mê bởi phép lạ mà nó chưa từng biết, nó là dân biển, nhưng nó chưa thấy ai đi bộ trên mặt biển như Giê-xu này. Đêm đã khuya, không gian tĩnh mịch, chỉ có hàng dừa xanh đang xào xạc lá, mọi người đã say giấc mà nó vẫn không thấy buồn ngủ. Lần đầu tiên nó say sưa đọc sách. Rồi câu chuyện “Đức Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá”. Nó thắc mắc: tại sao người ta bắt Chúa Giê-xu đánh đập và đóng đinh trên thập tự mà Ngài vẫn im lặng? lại còn cầu nguyện xin Cha tha thứ cho họ.? Trong khi đó, nó tự nhủ sẽ không bao giờ tha thứ cho ba của mình vì đã bỏ mẹ con nó. Trong đầu nhiều câu hỏi, thắc mắc của tuổi mới lớn, nhưng không ai giải đáp được, nó xếp quyển sách ấy lại cố nhắm mắt để đi vào giấc ngủ, nhưng không tài nào ngủ được.
        Buổi tối nọ, trong lòng cảm thấy cô đơn, lẻ loi, cảm giác chán nãn, nó không muốn đọc quyển sách ấy nữa, nó ném cuốn sách xuống đất, mặc cho bị gió thổi từng trang, nó cũng chẳng màng đến. Nhưng có gì đó thôi thúc, nó cầm lên và đọc ngay dòng chữ của trang bị gió thổi: “Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời, bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác.” Yêu kẻ thù nghịch? tha thứ ư? Thật nực cười, làm sao tha cho kẻ thù nghịch của mình? Làm sao tha thứ cho người cha của mình khi ông ấy đối xử tệ bạc với mẹ con mình như thế?, không đời nào, sự tranh chiến trong lòng giữa tha thứ và không tha thứ làm cho nó càng khó chịu hơn. Chợt như có tiếng nói bên tai: “Ta yêu con Trường Hận, dù con không xứng đáng, nhưng ta vẫn yêu con, con hãy tha thứ cho ông ấy ”. Lời ấy xuyên vào lòng, đâm vào trái tim làm nó thổn thức, lần đầu tiên nó quỳ xuống bên chiếc giường và cầu nguyện: “Chúa ơi, nếu Ngài có thật, xin giúp con tha thứ cho ba của con, người đã làm cho mẹ con phải đau khổ, người đã bỏ mẹ con con mà đi lấy vợ khác, con muốn lòng con được nhẹ nhàng, yên ổn, không còn thù hận ông ấy nữa….”. Nó nói hết trong lòng đang đầy ắp những cay đắng thù hận, gió khuya lạnh luồn qua khe cửa làm cho nó càng buồn hơn, nó khóc thật nhiều.
        Một ngày mới lại bắt đầu, lũ chim hót líu lo trên cành, ánh nắng ban mai thật ấm áp chiếu xuyên qua cửa sổ, rọi vào gương mặt rạng ngời, tuấn tú làm nó giật mình tỉnh giấc. Hôm nay nó thấy mình tràn đầy năng lực của một ngày mới, yêu đời hơn. Bước xuống giường, ra khỏi căn nhà nhỏ ọp ẹp, nó chạy men theo bờ biển và hét lớn lên trong niềm vui sướng: “Chúa ơi! cảm ơn Chúa đã đổi mới con cho chính Ngài.” Một cảm giác tươi mới lạ thường, nó thấy cuộc đời đầy ý nghĩa, sóng biển vẫn hiền hòa reo vui như muốn nói: “Chúc mừng bạn đã được đổi mới”. Nó không còn thấy lòng nặng nề, căm hận người cha của nó, chính tình yêu của Chúa đã chạm đến và thay đổi cuộc đời nó. Tiết trời mùa xuân đang về trên khắp thôn làng, muôn hoa khoe sắc đang vươn mình đón ánh nắng bình minh. Từng đàn chim đang bay lượn trên bầu trời xanh ngát.
Sao Biển
ỦY BAN THANH THIẾU NHI - TLH 
(HTTLVN.ORG)

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!