Mỗi lần Tết đến, dầu ở bất cứ nơi đâu, chúng ta đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết. Ca dao nước ta có câu:
"Đi đâu mặc kệ đi đâu,
Đến ba ngày Tết phải mau mà về."
Đến ba ngày Tết phải mau mà về."
Phần đông đồng bào ta xem những ngày cuối năm là ngày năm cùng, tháng tận, nên lo lắng đủ điều, nào là công việc chưa hoàn thành, nào lo sắm sửa cho 3 ngày Tết, nào lo sửa sang nhà cửa để đón Xuân sang, nào là nợ nần chưa trang trải:
Bây giờ tư Tết đến nơi
Tiền thì không có, sao nguôi tấm lòng
Nghĩ mình vất vả long đong
Trong lòng bối rối đứng ngồi không yên.
Tiền thì không có, sao nguôi tấm lòng
Nghĩ mình vất vả long đong
Trong lòng bối rối đứng ngồi không yên.
Nước ta ngày trước là xứ nông nghiệp nên đời sống người dân sống ở đồng quê muôn vàn cơ cực, ăn hôm nay, lo ngày mai, thế nhưng việc tiêu tốn cho 3 ngày Tết lại không thể dè xẻn được! Cho nên có nhiều gia đình đã phải chịu cái cảnh: "Đi cày ba vụ, Không đủ ăn ba ngày Tết!"
Tết là ngày đầu tiên trong năm mới, mọi người có cơ hội ngồi ôn lại việc cũ và “làm mới” mọi việc. Việc làm mới có thể được bắt đầu về hình thức như dọn dẹp, quét vôi, sơn sửa trang trí lại nhà cửa. Sàn nhà được chùi rửa, bàn ghế tủ giường được lau chùi sạch sẽ. Người lớn cũng như trẻ con đều tắm sạch sẽ và mặc quần áo mới. Đây cũng là dịp mọi người làm mới lại về phần tình cảm và tinh thần để mối liên hệ với người thân được gắn bó hơn, tinh thần thoải mái, tươi vui hơn... Nợ nần đều được thanh toán trước khi bước qua năm mới. Những buồn phiền, cãi vã được dẹp qua một bên. Nhất là trong ba ngày Tết, mọi người cười hòa với nhau, nói năng từ tốn, lịch sự, để mong suốt năm sắp tới mối quan hệ được tốt đẹp.
Người Việt Nam tin rằng những ngày Tết vui vẻ đầu năm báo hiệu một năm mới tốt đẹp sẽ tới. Năm cũ đi qua mang theo những điều không may mắn và năm mới bắt đầu mang đến cho mọi người niềm tin lạc quan vào cuộc sống. Nếu năm cũ khá may mắn, thì sự may mắn sẽ kéo dài qua năm sau.
Tết là sinh nhật của tất cả mọi người, ai cũng thêm một tuổi vì thế câu nói mở miệng khi gặp nhau là mừng tuổi. Trẻ nhỏ mừng tuổi người lớn, các cụ già lì xì cho con cháu, cầu chúc cho con cháu mình ăn ngon, chóng lớn và ngoan ngoãn, học giỏi; Con cháu chúc cho ông bà mình được mạnh khỏe, sống lâu để con cháu được dịp báo hiếu và hưởng phúc đức từ ông bà.
Cái hay của đồng bào ta là xem ngày Tết là cơ hội tạ ơn: Con cái tạ ơn cha mẹ, học trò tạ ơn thầy cô, chủ tạ ơn nhân viên hay người giúp việc mình. Người dân tạ ơn tổ quốc. Con người tạ ơn Trời, là Đấng Tạo Hóa mình. Đồng bào Nam Bộ thường đặt trước sân nhà mình bàn Ông Thiên. “Thiên” theo từ điển Hán Việt nghĩa là Trời, “bàn Ông Thiên” tức là bàn thờ Ông Trời. Theo tín ngưỡng dân gian, Trời được xếp trước hết và trên hết tất cả đối tượng thờ phượng. Nên việc thờ Trời là việc đầu tiên của mỗi người, mỗi nhà. Đồng bào ta tin rằng bàn Ông Thiên là nơi nối kết tâm linh giữa con người với Trời, nơi giữ mối liên hệ giữa Ông Trời cao cả và con người thấp hèn. Điều này thể hiện qua việc mỗi ngày nhất là ngày mồng một Tết, vào lúc chập tối, là thời điểm giao nhau giữa ngày và đêm, cả gia đình thờ Trời.
Điều nầy nói lên dân tộc Việt Nam là dân tộc biết thờ Trời, sống rất gần gũi với Trời. Từ khi chào đời tới khi qua đời, người ta nói rất nhiều tới Trời cao đang ở trên đầu mình, người ta nhận rằng có Đấng tối cao dựng nên trời đất, cai quản vũ trụ, nhất là loài người. Đồng bào ta tin rằng, từng hành động của con người đều có Trời chứng giám, can thiệp. Tiếng 'Trời' được phát xuất từ cửa miệng đồng bào ta hằng ngày qua đời sống cách dễ dàng, lại còn sàng lọc, kết tinh, lưu trữ trong tâm trí con người, trong ca dao tục ngữ như những nguyên tắc đạo hạnh, được lưu truyền qua nhiều thế hệ nơi người bình dân để rồi âm thầm điều khiển tư tưởng, ngôn ngữ, lối sống của người Việt. Ta có thể tìm thấy những ý tưởng về Ông Trời trong kho tàng văn chương Việt Nam, đặc biệt là qua những câu ca dao:
Con chim nó hót trên cành,
Nếu Trời không có, có mình làm sao?
Con chim nó hót trên cao,
Nếu Trời không có, làm sao có mình?
Núi kia ai đắp nên cao,
Sông kia biển nọ ai đào mà sâu?
Nếu Trời không có, có mình làm sao?
Con chim nó hót trên cao,
Nếu Trời không có, làm sao có mình?
Núi kia ai đắp nên cao,
Sông kia biển nọ ai đào mà sâu?
Trời sinh, Trời dưỡng, Trời thưởng, Trời phạt
Nhờ Trời Hạ kế sang Đông,
Nhờ Trời Hạ kế sang Đông,
Làm nghề cầy cấy vun trồng tốt tươi,
Vụ năm cho đến vụ mười,
Trong làng kẻ gái người trai đua nghề,
Trời ra: gắng, trời lặn: về,
Ngày ngày tháng tháng nghiệp nghề truân chiên,
Dưới dân họ trên quan viên,
Công bình giữ mực cầm quyền cho hay.
Vụ năm cho đến vụ mười,
Trong làng kẻ gái người trai đua nghề,
Trời ra: gắng, trời lặn: về,
Ngày ngày tháng tháng nghiệp nghề truân chiên,
Dưới dân họ trên quan viên,
Công bình giữ mực cầm quyền cho hay.
Lúc ở quê nhà chúng ta thường nghe câu "Thiên sinh vạn vật, duy nhân tối linh". Câu nầy có nghĩa là trong muôn loài vạn được Đức Chúa Trời tạo ra, con người là loài thọ tạo có linh hồn, là tạo vật quan trọng hơn cả. Thánh Kinh cho biết Đức Chúa Trời đã tạo ra muôn loài vạn vật, từ cây trái, hoa quả đến muôn thú muôn chim dưới quyền tể trị của con người và phục vụ con người. Chẳng hạn như gia súc, gia cầm là những vật nuôi trong nhà để làm thức ăn cho con người. Trong khi đó có những con vật khác được nuôi trong nhà phục vụ con người như trâu cày, ngựa kéo… Đặc biệt là loài chó làm bạn với con người. Đặc tính của chó là trung thành với chủ, như tục ngữ ta có câu: "Con thảo không chê cha mẹ khó, chó trung không chê chủ nhà nghèo." Câu nầy có nghĩa là những đứa con hiếu thảo dù cha mẹ gặp cảnh khó khăn túng quẩn đến đâu cũng một lòng yêu thương, tôn quý, hiếu kính cho mẹ. Còn chó trung thành quyết không đổi chủ, dầu nhà chủ nghèo không lo cho nó đầy đủ.
Dầu đồng bào ta và nhiều dân tộc khác trên thế giới đều biết là có một Ông Trời, biết Ngài là Chúa tể muôn loài vạn vật, là Đấng Tạo Hóa mình, nhưng điều khó nhất là họ không biết làm cách nào để tiếp xúc, chỉ biết kêu van, khẩn cầu mà không biết Trời có nhậm lời nguyện cầu của mình không.
Chính vì biết rõ khốn khổ của con người mà hai ngàn năm trước Ông Trời đã giáng thế làm người, qua hình hài và thể xác của Chúa Cứu Thế Jesus để con người có thế tiếp chuyện với Chúa Trời. Chúa Jesus là nhịp cầu nối liền giữa Chúa Trời và con người. Thánh Kinh nói rõ điều nầy: "Chúa Cứu Thế là hiện thân của Chúa Trời vô hình, Ngài có trước mọi vật trong vũ trụ. Chính Chúa Cứu Thế sáng tạo vạn vật, dù trên trời hay dưới đất, hữu hình hay vô hình,ngôi vua hay chủ tịch nhà nước, chính quyền hay các nhà lãnh đạo, tất cả đều do Chúa Cứu Thế tạo lập và đều đầu phục Ngài. Chúa Cứu Thế có trước vạn vật, Ngài an bài và chi phối vạn vật. Chúa là đầu của thân thể, tức là Đầu Hội thánh. Chúa sống lại đầu tiên, làm Căn nguyên của sự sống lại, nên Chúa đứng đầu vạn vật. Chúa Cứu Thế có tất cả bản chất thần linh của Chúa Trời (đây là điều Chúa Cha đẹp lòng). Chúa Cha nhờ Chúa Cứu Thế đưa mọi loài dưới đất trên trời về giải hòa với Ngài; huyết Chúa Cứu Thế đã đổ ra trên cây thập tự đã tái lập hòa bình giữa Chúa Trời và nhân loại." (Cô-lô-se 1:15-20)
Thánh Kinh cũng bày tỏ rằng: "Thông thường, ít thấy ai chịu chết cho người công chính, hiền lương, nhưng dù sao, nghĩa cử ấy còn có thể xảy ra. Nhưng Đức Chúa Trời đã chứng tỏ tình yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi Chúa Cứu Thế chịu chết thay chúng ta là người tội lỗi." (Rô-ma 5:7-8)
Quý vị nghĩ là có ai bằng lòng chết thế mạng cho quý vị không? Chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa đã tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, Chúa Cứu Thế chịu chết thay chúng ta là người tội lỗi. Chúa Cứu Thế Jesus đã chết thay cho quý vị và tôi. Đây chính là điểm Đức Chúa Trời tỏ bày tình yêu của Ngài. Ngài yêu chúng ta và cứu chúng ta bởi ân sủng của Ngài. Tội lỗi chúng ta được cất đi qua sự chết của Chúa Cứu Thế. Thánh Kinh tiếp:
"Trước là người tội lỗi, ta còn nhờ huyết Chúa mà được tha thứ, nay ta sạch tội rồi, hẳn Ngài sẽ cứu ta khỏi hình phạt khủng khiếp Đức Chúa Trời dành cho thế nhân. Trước là kẻ thù Đức Chúa Trời, ta còn được giải hòa với Ngài nhờ sự chết của Con Ngài, nay ta đã hòa thuận rồi, hẳn Ngài sẽ giải cứu ta do sức sống bất diệt của Ngài. Ngoài ra, chúng ta còn có vinh dự được tương giao khắng khít với Đức Chúa Trời, do công lao Chúa Cứu Thế Jesus, vì nhờ Ngài, chúng ta được hòa thuận với Đức Chúa Trời." (Rô-ma 5:9-11)
Ngày xưa, ở bên Trung Hoa có phong tục “chỉ phúc vi hôn” có nghĩa là “chỉ vào bụng người đang có bầu’ mà định hôn nhân”. Điều này thường xảy ra giữa hai gia đình quen thân với nhau khi hai bà mẹ có bầu một lượt, hứa với nhau khi sanh ra nếu một bên sanh con trai, một bên sanh con gái thì khi chúng lớn sẽ cho thành vợ thành chồng. Có hai gia đình cùng ở vào hoàn cảnh đó. Không ngờ, cách vài năm sau, trong xứ có loạn lạc xảy ra, hai gia đình phải di tản về vùng khác, và sau một thời gian thì mất liên lạc luôn. Cô gái đã đến tuổi lập gia đình, gần đến tuổi 17 mà vẫn không được tin tức gì của người chồng mà hai gia đình đã đính ước.
Mẹ cô gái đâm ra lo lắng cho duyên phận con gái mình. Bà quyết định khi con bà đến 17 tuổi mà không thấy đàn trai đã đính ước đưa sính lễ tới thì lời giao ước xưa kể như bỏ. Quá thời gian hạn định, có anh lái buôn trong vùng cho người tới hỏi, cha mẹ cô gái bèn hứa gả. Anh lái buôn hẹn sau chuyến đi buôn kéo dài chừng 2 tháng sẽ trở lại xin cưới. Không ngờ anh lại đi biệt tăm luôn, gần cả năm mà không có tin tức gì hết! Mẹ cô đâm ra lo lắng. Nghĩ là anh lái buôn đã chết rồi hay đã thay dạ đổi lòng, nên bà bèn bắn tin cho những người mai mối biết́ là con gái bà 18 tuổi mà anh lái buôn không đến cưới thì kể như anh ta đã tự bỏ hôn ước.
Anh chàng láng giềng nghe được mừng lắm, vì anh cũng thầm yêu cô gái nầy bèn nhờ người đến dạm hỏi. Cha mẹ cô gái nhận lời ngay và định ngày cử hành hôn lễ. Dè đâu, sắp đến ngày cưới thì có người đại diện mang sính lễ của người chồng hứa trước của hai gia đinh xin ngày rước dâu! Cha mẹ cô gái đang lúc bối rối, không biết giải quyết làm sao, thì bỗng anh lái buôn xuất hiện và đòi cưới gấp! Đàng gái không biết ăn nói làm sao cho phải. Ba chàng trai đều dành cô gái làm vợ mình, không ai nhường ai. Họ bèn kéo nhau lên quan để kiện. Ông quan cũng bối rối không kém, vì thấy ai cũng có lý của mình.
Anh chàng đầu tiên kể rằng gia đình chạy loạn, mất liên lạc, tìm kiếm mãi nay mới biết nhà gái ở đâu. Anh lái buôn trong chuyến đi buôn bị cướp hết của, phải đi buôn thêm vài chuyến nữa mới có lại số vốn ngày xưa để nộp sính lễ. Anh láng giềng đã mơ tưởng cô gái từ lâu, nay gặp dịp tốt nên nhất định không nhường cho ai hết. Ông quan bối rối, bèn hỏi ý vợ mình. Bà hiến cho ông một kế.
Sáng hôm sau, ông cho vời 3 chàng trai và cô gái tới công đường. Cô gái quỳ trước, 3 chàng trai quỳ phía sau. Sau khi để cho 3 chàng trai trình bày lý do của mình xong, quan bèn hỏi cô gái:
“Trong ba chàng trai này, nàng hãy chọn một người”. Cô gái mắc cỡ đỏ mặt, cô không biết chút nào về các chàng trai này vì phong tục ngày xưa là cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Cô ấp úng:
“Con không chọn ai hết”. Ông quan quát:
“Nàng muốn gì?” Cô gái tủi thân, phần buồn rầu duyên phận của mình, phần trách cha mẹ sao quá gấp gáp để thân mình nay ở vào chỗ khó xử, cô nức nở:
“Dạ, dạ, con muốn... chết!” Ông quan gằn giọng:
“Được, muốn chết hả, ta cho ngươi được chết. Quân bay đâu, đem bình thuốc độc ra đây.” Cô gái lúc này sợ hãi, thực sự cô không muốn chết, cô van xin tha tội chết. Ông quan hét:
“Không được, không uống thì cạy miệng cho uống, không cạy miệng được, thì đổ thuốc vào lỗ tai trước sau gì cũng chết.”
Cô gái đành phải uống. Vừa uống xong, cô lăn ra chết! Ông hỏi ba chàng trai ai muốn đem cô về chôn. Anh láng giềng lên tiếng xin nhường cho hai anh kia vì anh ta chỉ muốn cưới người sống chứ không muốn người chết. Anh lái buôn cũng so hơn tính thiệt một hồi, nên từ chối vì thấy lãnh xác chết về không có lợi chi. Bây giờ chàng trai “chỉ phúc vi hôn” xin quan đem xác nàng về đến nhà chuẩn bị tống táng, thì nàng ta tỉnh dậy. Thì ra thuốc độc mà cô tưởng mình phải uống chỉ là thuốc mê. Ông quan dùng kế này để xem ai là người thương cô gái thực tình, và cô ta lúc này biết rõ rằng cô nên lấy ai rồi!
Thưa quý vị và các bạn,
Câu chuyện cho thấy lòng chung thủy của một người "Chỉ Phúc Vi Hôn", người vợ được cha mẹ chọn khi còn trong bụng mẹ. Tình yêu của Chúa Jesus còn cao cả hơn cả người chồng chung thủy trong câu chuyện nầy. Ngài đã vì muốn cứu loài người chúng ta mà hy sinh tánh mạng chết nhục nhã. Chúa Cứu Thế Jesus phán rằng: "Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế nhân, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư vong mà được sự sống đời đời." (Giăng 3:16)
Thưa quý vị,
Dầu chúng ta là những người tội lỗi xấu xa, nhưng Chúa Cứu Thế Jesus đã chết thế tội chúng ta. Ngài đã sống lại và đang ngồi trên ngai trời chờ đợi quý vị đến với Ngài. Điều quan trọng và cấp thiết là quý vị hãy mau tin nhận Đức Chúa Trời là Cha Toàn Năng, là Đấng tạo dựng nên trời đất và tiếp nhận Chúa Jesus là Ngôi Hai Đức Chúa Trời, đến trần gian chết thế tội cho quý vị. Chúa yêu quý vị và Chúa đã giáng trần vì quý vị. Rất mong quý vị mở lòng mình tiếp nhận Chúa Cứu Thế Jesus vào tâm hồn mình, làm Chúa, làm Chủ của đời sống mình trong mùa Xuân năm nay.
Kính chào quý vị và các bạn.
Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com