Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Sự Vận Hành Của Cơ Thể


                Có bao giờ quý vị tìm hiểu thân thể con người vận hành thế nào không? Cơ thể con người chẳng khác nào nhà máy hoạt động thật nhịp nhàng với nhau, là một khối thống nhất. Sự hoạt động của hệ điều hành bao gồm nhiều cơ quan trong cơ thể làm việc nhịp nhàng, thống nhất với nhau. Chẳng hạn mỗi bước đi của chúng ta cần đến 200 cơ bắp khác nhau. Khi ta chạy, hệ thống vận động làm việc với cường độ cao. Lúc đó, các hệ thống khác cũng tăng cường hoạt động, quả tim phải đập nhanh hơn, mạnh hơn, mạch máu của hệ tuần hoàn phải giãn ra, hệ thống hô hấp phải làm việc nhiều hơn, làm ta thở nhanh và sâu hơn, hệ thống bài tiết của ta cũng phải tăng tốc làm việc để tiết ra mồ hôi... Những sự vận hành đó chứng tỏ các hệ cơ quan trong cơ thể chúng ta phối hợp hoạt động thật nhịp nhàng, và bảo đảm tính thống nhất. Sự thống nhất ấy có được là nhờ hệ thần kinh và nhờ dòng máu chảy trong hệ tuần hoàn mang theo các hooc-môn do các tuyến nội tiết tiết ra.
                Chằng hạn như bao tử hay dạ dày làm việc rất hiệu quả. Chúng ta chỉ mất có 7 giây để có thể đưa thức ăn đi từ miệng xuống bao tử. Cứ 3 đến 4 ngày, cơ thể của chúng ta lại có một lớp lót dạ dày mới. Nếu quá trình này không diễn ra thì những axit mạnh trong dạ dày có nhiệm vụ để tiêu hóa thức ăn cũng sẽ tiêu hóa luôn dạ dày của ta nữa. Axit trong dạ dày của chúng ta còn có sức mạnh để có thể làm “phân hủy” thức ăn. Công việc của nó hiểu quả chẳng khác nào như chiếc dao cạo.
                Mỗi giờ cơ thể ta thay 600.000 mảng da nhỏ mới. Mỗi năm số da mới thay thế cho số da cũ khoảng 681g. Nếu một người sống đến 70 tuổi thì người ấy được thay gần 48 kg da!
                Số lượng xương của người lớn ít hơn số lượng xương của trẻ con bởi vì khi mới được sinh ra, chúng ta được Đấng Tạo Hóa phú cho 350 mảnh xương nhưng khi đến lúc ta trưởng thành thì chỉ còn lại 206 mảnh xương. Lý do là các khúc xương trong cơ thể ta nối lại với nhau từ lúc ta còn bé đến khi trưởng thành.
                Khi tìm hiểu ruột non ta cũng thấy được bàn tay sáng tạo của Đấng Tạo Hóa. Ruột non có chiều dài gấp bốn lần chiều cao của một người trưởng thành. Nếu ruột non ta không được quấn lại mà kèo dài ra hết cỡ, nó sẽ dài từ 5.5 thước đến 7 thước. Sự sắp xếp thật gọn gàng trong bụng cũng là công trình kỳ diệu, nếu không ruột non sẽ trở thành một khối hỗn độn.
                Ruột già hay đại tràng là phần áp cuối trong hệ tiêu hóa, chặng cuối cùng của ống tiêu hóa là hậu môn. Chức năng của ruột già là nhận thức ăn đã được tiêu hóa và hấp thu từ ruột non. Ruột già hấp thụ nước và muối khoáng từ thức ăn và cùng với sự phân hủy cùng các vi khuẩn tạo bã thức ăn thành phân, khi đủ số lượng chất thải thì ruột già sẽ co bóp và đẩy phân qua trực tràng đến hậu môn. Trung bình chiều dài của ruột già khoảng 1.5 thước.
                Nếu chỉ nói đến ruột non, ruột già mà không nhắc đến ruột thừa thì là cả một sự thiếu sót. Mặc dầu gọi là ruột thừa, nhưng thực chất bộ phận này lại không hề “thừa” chút nào. Đấng Tạo Hóa đã để một chiếc túi nhỏ dính vào ruột già mà chúng ta gọi là ruột thừa. Thật ra thành ruột thừa chứa mô bạch huyết và dự phần tạo ra kháng thể cho hệ miễn dịch. Ruột thừa chẳng khác gì một ngôi nhà an toàn cho những vi khuẩn có lợi sinh sống trong ruột của con người. Các vi khuẩn tốt chẳng khác vì một đội chuyên gia hỗ trợ tiêu hóa, giúp con người vượt qua bệnh tiêu chảy, đưa những phần thừa ra khỏi cơ thể và thúc đẩy quá trình hồi phục cho ruột. Tuy vậy, nếu ai đó bị cắt bỏ phần ruột thừa đi cũng không khỏi bận tâm vì Đấng Tạo Hóa còn trang bị nhiều bộ phận khác trong cơ thể như: lá lách, a-mi-đan, hạch bạch huyết v.v… có nhiệm vụ tương tự như ruột thừa.
                Khi tìm hiểu hệ thống tuần hoàn chúng ta không khỏi kinh ngạc, vì hệ thống mạch máu của cơ thể con người dài tới 200.000 km. Vì thế máu có một hành trình di chuyển rất dài qua các mạch máu trong cơ thể con người.
                Quý vị có biết trên đầu chúng ta có từ 1 đến 3 triệu sợi tóc? Màu sắc của tóc quyết định độ dày của tóc. Thông thường một người có khoảng 100.000 nang tóc, mỗi cái nang tóc có thể sản sinh 20 sợi tóc trong suốt cả một đời người. Những người tóc vàng có tới 146.000 nang tóc trong khi những người tóc đen, nâu chỉ có khoảng 100.000. Còn những người tóc đỏ thường có mái tóc mỏng nhất với khoảng 86.000 nang.
                Mũi của chúng ta có khả năng ghi nhớ khoảng 50.000 mùi hương khác nhau. Trong khi đôi mắt con người là loài động vật duy nhất trên hành tinh có tròng trắng trong mắt. Chính yếu tố nầy cho ta thấy con người được Đấng Tạo Hóa quan tâm hơn hết, thông minh hơn tất cả loài vật là một tạo vật duy nhất có linh hồn.
                Sau cùng chúng ta tìm hiểu não bộ của con người. 80% não bộ là nước. Thật khó cho chúng ta tin rằng dầu não là một phần quan trọng nhất của cơ thể chứa đựng rất nhiều thông tin quan trọng lại được hình thành chủ yếu là từ nước. Nhưng đó là sự thật. Đây là một trong những lý do tại sao việc uống nước và giữ nước cho cơ thể lại rất quan trọng. Bộ não không thể hoạt động ở hiệu suất tối ưu khi cơ thể của chúng ta thiếu nước.
                Thưa quý vị và các bạn, con người của ta sẽ không sinh động, mạnh khỏe và tăng trưởng nếu những cơ quan trong từng hệ thống cơ quan của thân thể ta hoạt động thật hài hòa và thống nhất với nhau. Trong một đất nước cũng thế, nếu mọi người không tích cực làm việc thì nước đó sẽ bị tụt hậu, bị loạn lạc và bị kẻ thù xâm lấn.
                Thánh Kinh dạy mỗi chúng ta phải siêng năng làm việc, nhiệt tâm phục vụ, nhất là những người thuộc về Chúa Cứu Thế Jesus, có bổn phận phục vụ người khác, phục vụ người trong gia đình và phục vụ người ngoài cộng đồng. Chính Chúa Cứu Thế Jesus, Đấng đã từ trời giáng trần để giải cứu loài người ra khỏi tội, Ngài đã sống một cuộc đời phục vụ, Chúa phục vụ với cả tình yêu và sự cảm thông. Thánh Kinh ký thuật lại lời phán của Chúa: "Các con nên theo gương Ta, vì Ta đến trần gian không phải để cho người phục vụ, nhưng để phục vụ người, và hy sinh tính mạng cứu chuộc nhiều người.”
                Chúa Cứu Thế Jesus không chỉ nói, Ngài còn làm. Ngài đến trần thế nầy không phải để loài người phục vụ mình nhưng chính Ngài phục vụ loài người và hy sinh tính mạng để cứu chuộc nhiều người. Ngài đã trở thành tấm gương sáng cho loài người chúng ta. Khi tìm hiểu về cuộc đời Chúa, chúng ta khám phá những điểm nổi bật trong đời sống Ngài:
  1. Con người khinh khi, xa lánh người bị bịnh cùi, nhưng Chúa không những là không sợ khi tiếp xúc với người cùi mà còn chữa lành cho họ.
  2. Con người đứng lặng câm trước cảnh đoàn dân năm ngàn người (không tính đàn bà và trẻ con) sắp xỉu vì đói, còn Chúa đã hóa bánh cho họ ăn no nê.
  3. Không có một giáo sư nào lấy nước rửa sạch những bàn chân dơ bẩn cho học trò mình, nhưng Chúa đã làm điều ấy. Thánh sử ký thuật lại rằng: "Chúa quấn ngang lưng. Ngài đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đồ, và dùng khăn quấn lưng lau cho họ… Rửa chân cho môn đệ xong, Chúa mặc áo ngoài, ngồi vào bàn ăn và hỏi: “Các con có hiểu việc Ta vừa làm cho các con không? Các con gọi Ta bằng Thầy bằng Chúa là đúng, vì đó là sự thật. Ta là Thầy là Chúa mà đi rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Ta nêu gương để các con noi theo điều Ta làm. Thật thế, tôi tớ không hơn chủ, sứ giả không hơn người sai phái mình. Đã biết những điều ấy, các con phải thực hành mới được Đức Chúa Trời ban phước." (Giăng 13;5, 12-16)
                Chúa Jesus đến thế gian này như là một tôi tớ. Ngài lớn lên tại một thị trấn hẻo lánh Na-xa-rét, thuộc nước Do Thái. Lẽ ra Chúa giáng trần trong hoàng cung để làm vua, nhưng Chúa trở nên một người tầm thường như là tôi tớ, một người thuộc giới lao động.
                Có người thuật lại một trải nghiệm gặp Chúa. Trước đó khi nghe câu chuyện Giáng Sinh, ông không chút nào cảm động trước sự kiện Chúa Cứu Thế Jesus trở thành con người, cho đến một ngày kia khi gia đình ông di chuyển đến chỗ sinh sống mới; thời gian ngắn sau đó ông thấy có một đàn kiến rất dài đi vào nhà bếp. Ông biết rằng đàn kiến này đã đánh hơi được hũ đường trong nhà bếp. Ông vô cùng khó chịu khi trong nhà có nhiều kiến như vậy: “Tôi biết rằng nếu dùng thuốc xịt diệt kiến thì chúng nó sẽ chết ngay lập tức, nhưng tôi thấy tội nghiệp đàn kiến nên không muốn làm như thế. Tôi muốn đem hũ đường ra ngoài sân sau hè nhà và bảo đàn kiến hãy đi ra ngoài đó mà ăn, xin đừng vào nhà này, chúng tôi không thích kiến. Nhưng làm sao tôi có thể nói được điều này cho đàn kiến nghe và hiểu được điều tôi muốn làm. Chỉ có một cách mà đàn kiến có thể hiểu tôi là tôi trở thành con kiến, cùng bò chung đàn với kiến thì chúng mới nghe và hiểu được tôi. Nếu tôi là con người mà trở thành con kiến thì đó mới là sự hạ mình đầy tủi nhục. Nhưng tôi không muốn trở thành con kiến.”
                Thưa quý vị, tôi dùng câu chuyện trên để cho quý vị tưởng tượng được phần nào, nhưng không có gì có thể ví sánh nổi với việc Chúa Giê-xu rời thiên đàng vinh hiển để trở thành con người thấp hèn. Chúa Jesus đã từ bỏ địa vị của Ngài và trở thành con người như chúng ta và nhận cái chết nhục nhã như lời Thánh Kinh chép: "Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có bản thể làm một giống như Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jesus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jesus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha." (Phi-líp 2:5-11).
                Chúa yêu quý vị, Chúa đã giáng trần vì quý vị, ân sủng cứu chuộc của Chúa đang dành cho quý vị, thiên đàng của Chúa đang mở ra đợi quý vị. Rất mong quý vị đến với Chúa, tin nhận Chúa, đón nhận ân cứu rỗi của Ngài và mời Ngài ngự đời sống mình ngay giờ nầy.
                Kính chào quý vị và các bạn.
 
Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Thơ: Xây Dựng Hội Thánh Sống Mạnh


Xây Dựng Hội Thánh Sống Mạnh

"Hãy nhờ cậy Đức Giê-hô-va đời đời, vì Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va, là vầng đá của các thời đại!" - Ê-sai 26:4
"Chớ nhờ cậy nơi các vua chúa, Cũng đừng nhờ cậy nơi con loài người, là nơi không có sự tiếp trợ." - Thi-thiên 146:3
"Và anh em cũng như đá sống, được xây nên nhà thiêng liêng, làm chức tế lễ thánh, đặng dâng của tế lễ thiêng liêng, nhờ Chúa Jêsus Christ mà đẹp ý Ðức Chúa Trời." - 1 Phierơ 2:5


XÂY trên Vầng Đá đời đời, 
Quyền năng, vinh hiển các thời còn đây, 
Thánh Linh, Ân Điển phủ đầy, 
Nền Nhà vững chắc không thay đổi dời! 

DỰNG lên ngợi sáng Danh Trời, 
Làm công việc Chúa theo Lời Thánh Kinh, 
Không theo tư dục riêng mình, 
Cùng nhau hiệp một tâm tình trong Cha! 

HỘI cùng một Chúa trong Nhà, 
Nhờ ơn phước thánh để mà giúp nhau, 
Một người yếu, cả nhà đau, 
Nói lời khích lệ, dạt dào yêu thương! 

THÁNH Kinh suy gẫm tận tường, 
Ghi lòng thực hiện theo đường lối Cha, 
Tin Lành cứu rỗi rao ra, 
Cho người thế giới biết Cha đời đời! 

SỐNG luôn tin cậy Ngôi Lời, 
Giê-xu Đấng Christ đời đời không thay, 
Chớ nghe vua chúa đời này, 
Là loài yếu đuối mau thay chóng tàn! 

MẠNH tin vào Chúa bình an, 
Vào Giê-xu Christ, Thiên Đàng hiển vinh, 
Nguyện lòng hết sức, tâm linh, 
Vững xây Hội Thánh tràn tình yêu thương! 

Tiểu Minh Ngọc
Thứ Tư, 03/29/2017
Nguồn: vietchristian.com

Chúa Của Mọi Xác Thịt

CHÚA CỦA MỌI XÁC THỊT

                Kinh Thánh: Giê-rê-mi 32:26-27

                Có lời Đúc Giê-hô-va phán cho Giê-rê-mi như vầy, nầy, Ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của mọi xác thịt, có sự gì khó quá cho Ta chăng?

                Chúa đáp lời cầu nguyện của Giê-rê-mi bằng cách bắt đầu bằng chính những chữ mà Giê-rê-mi đã dùng. Không gì quá khó cho Chúa (32:17). Không gì vượt quá khả năng của Chúa. Chúa tái bảo đảm với Giê-rê-mi bằng cách tiếp nhận lời cầu nguyện của ông và lập lại lời hứa của Ngài.

                Tuy nhiên, có sự khác biệt trong cách Giê-rê-mi bắt đầu lời cầu nguyện của ông và cách Chúa bắt đầu câu trả lời của Ngài. Giê-rê-mi biết rằng không gì quá khó cho Chúa, vì Chúa tạo dựng các tầng trời và đất bằng chính quyền năng rất lớn của Ngài (32:17). Trong câu trả lời của Ngài, Chúa lại nêu lên một lý do nữa.

                Không gì khó quá với Chúa, vì Ngài là Chúa của mọi xác thịt. Ngài quyết định mọi người phải thế nào và phải làm gì, dầu họ có tin Ngài hay không. Ngài là Chúa ngay cả trên những người không muốn quyền tể trị của Ngài. Họ tự quyết định cho số phận của mình, nhưng bao lâu họ còn sống trên đất thì Chúa dùng họ theo ý muốn Ngài. Trong tương lai, mọi người sẽ nhìn thấy rõ ràng Chúa là chủ tể của mọi loài.

                Chúa của mọi xác thịt đặc biệt là Đấng Chủ Tể của dân sự Ngài. Khi Sa-ra cười vì nghe lời hứa rằng bà sẽ sanh một con trai, Chúa hỏi bà “Há có sự gì quá khó cho Chúa sao?" Vào năm sau, Sa-ra đã có một bé trai (Sáng 18:13-14).

Khi Môi-se thưa với Chúa rằng có 600.000 người đang cần thức ăn, Chúa phán rằng chẳng lẽ Tay ta ngắn lắm sao? (Dân Số Ký 11:23). Chúa đã chu cấp tất cả lương thực họ cần. Ngài nuôi họ trong đồng vắng trong bốn mươi năm.


                Tổ phụ chúng ta là ông Gióp cũng biết rằng Chúa có thể làm được mọi sự và không kế hoạch nào của Chúa phải bị dừng lại (Gióp 42:2). Trong thời, Xa-cha-ri nhiều người nghi ngờ lời hứa của Chúa về một tương lai vinh hiển. Chúa hỏi họ, dầu những sự này quá khó cho họ, chẳng lẽ nó cũng quá khó cho Ta sao? (Xa-cha-ri 8:6).

                Thiên sứ Gáp-ri-ên nói với Ma-ri rằng không có cứ gì quá khó cho Chúa (Lu-ca 1:27). Chúa Giê-xu nói rằng Đức Chúa Trời có thể làm được mọi sự (Ma-th-iơ 19:26). Rõ ràng Chúa là Chúa của mọi xác thịt.

                Hãy dùng từ ngữ của bạn để mô tả không có sự gì là khó quá cho Chúa trước những vấn đề của đời sống bạn?

 
David Coldwell
Nguồn: cdnvn.com

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Thờ Phượng Chúa Trong Gia Đình (Phần II)


    PHƯƠNG CÁCH THỰC HIỆN GIỜ THỜ PHƯỢNG GIA ĐÌNH
    Rất ít người trong chúng ta được sinh trưởng trong gia đình đã hình thành giờ thờ phượng gia đình. Vì thế chúng ta hãy cùng xem một số chỉ dẫn thực tế và hy vọng nó có thể giúp đỡ các gia đình chúng ta trong hành trình mới này.

    Tìm Thời Gian Thuận Tiện Nhất
    Đây chỉ là giai đoạn thử nghiệm và có nhiều sai sót nhưng hầu hết các gia đình thực hiện việc này tốt hơn ở một số thời điểm trong ngày so với những gia đình khác. Một số trẻ (và cha mẹ!) không thể thực hiện tốt vào sáng sớm vì mệt và cáu gắt. Nếu đó là trường hợp của gia đình bạn, thì đừng cố thử tạo giờ thờ phượng gia đình vào thời gian đó. Hãy thử những thời điểm khác trong ngày và xem lúc nào là tốt nhất cho mọi người. Mỗi gia đình đều khác nhau.

    Gặp Nhau Trong Cùng Thời Điểm
    Tôi thường lên lịch cho cả tuần. Tôi lên lịch cho những hoạt động khác nhau ở những thời điểm khác nhau và chắc hẳn “giờ gia đình” cũng được ghi tạm trong khoảng thời gian từ 5-8 giờ tối hay một việc nào đó tương tự. Khi vợ tôi cảm thấy hơi bị thiếu quan tâm, cô ấy sẽ nói, “Anh phải lên lịch cho giờ gia đình nữa chứ?” Cô ấy nói đùa, nhưng khi cô ấy nói nghiêm túc, tôi sẽ phải nói, “Được.” Nếu không, những việc khác sẽ bắt đầu lấn chiếm thì giờ này. Có rất nhiều việc có thể và sẽ lấp đầy kế hoạch làm việc của chúng ta. Vì thế, nếu chúng ta không ghi xuống những việc quan trọng nhất thì chúng sẽ bị quên lãng và khiến những điều khác trong đời sống chúng ta bị tổn hại. Thờ phượng gia đình phải được lên kế hoạch. Điều đó không có nghĩa là mỗi tối thì giờ đó phải được thực hiện lúc 6 giờ. Đó là thì giờ “bán cố định”. Có vài bữa ăn tối không vượt quá 6 giờ tối. Đừng cứng nhắc, nhưng cần có một thì giờ thường xuyên và liên tục để gia đình bạn biết rằng đó là lúc mọi người sẽ hiệp chung thờ phượng Chúa.

    Gặp Nhau Trong Cùng Nơi Chốn
    Một số gia đình nhóm nhau tại bàn ăn. Những người khác có thể chọn ngồi tại phòng khách hay ở hiên sau nhà. Việc ngồi nhóm thờ phượng gia đình ở đâu không quan trọng. Nhưng sẽ ích lợi nếu “nơi đó” được liên tục sử dụng cho giờ gia đình lễ bái. Nhất là đối với trẻ nhỏ. Con cái của chúng tôi sẽ biết rằng khi chúng tôi nói giờ gia đình lễ bái đến rồi thì chúng tôi sẽ cùng ngồi tại phòng của gia đình. Con trẻ sẽ lớn lên trong sự nhận biết điều đó và sẽ giữ thường xuyên thì giờ đó.

    Bắt Đầu Từ Từ
    Chúng ta đang bắt đầu tiến trình đưa Hội thánh trở lại vấn đề kỷ luật cần thiết này. Hy vọng con trẻ của chúng ta sẽ có thể đi bước xa hơn, nhưng đối với hầu hết chúng ta thì đây là điều mới. Vì thế, đừng vội mong đợi quá nhiều trong khoảng thời gian quá ngắn hay đặt quá nhiều kỳ vọng nơi gia đình về lâu về dài. Nhiều lãnh đạo gia đình (nhất là người cha) khi được cảm thúc mạnh mẽ về nhu cầu thờ phượng Chúa trong gia đình thì trở nên quá sốt sắng đưa gia đình vào thì giờ đó. Các ông bố ơi, đừng bắt con học thuộc Lê-vi-ký trong vài tuần đầu của gia đình lễ bái. Chỉ nên bắt đầu đọc một phần nhỏ Kinh thánh, cầu nguyện ngắn, và hát một bài thánh ca. Khi mọi người trong gia đình cùng lớn lên trong sự thờ phượng, thì tại nơi đó sẽ có khả năng và ước ao khiến giờ thờ phượng trở nên đầy trọn hơn.
    Ngắn Gọn
    Thờ phượng Chúa trong gia đình không nên là gánh nặng, nhưng nhiều lần chúng ta khiến nó trở nên gánh nặng khi kéo dài quá lâu. Đặc biệt những gia đình trẻ nên lưu ý điều này vì cớ các con nhỏ của mình. Những ai chỉ mới bắt đầu giờ thờ phượng gia đình cũng nên giữ thì giờ đó ngắn gọn. Đáng ngạc nhiên là giờ thờ phượng chất lượng của gia đình cũng có thể diễn ra trong khoảng thời gian từ 15-20 phút. Thời lượng của giờ phượng gia đình không phải là thước đo về mức độ tăng trưởng thuộc linh của gia đình đó. Kéo dài hơn không phải lúc nào cũng có nghĩa là tốt hơn.

    Đặt Ở Vị Trí Ưu Tiên
    Nó phải được đặt ở vị trí ưu tiên trong gia đình. Điều này có nghĩa là chúng ta không cho phép những hoạt động khác lấn chiếm kế hoạch của chúng ta. Một gia đình hiếm khi ở nhà với nhau thì không thể thờ phượng cùng nhau. Việc đọc Kinh thánh đương lúc đến phòng tập thể dục hay trong một buổi tập bóng không thể tính chung được! Cơ Đốc nhân thời hiện đại cần nghe điều này: sự bận rộn (ngay cả với những hoạt động của Hội thánh) không có giá trị tương đồng với sự tin kính.

    Linh Động
    Khi bàn cãi về tầm quan trọng của việc lập giờ thờ phượng Chúa trong gia đình, chúng ta phải nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tính linh động trong cách chúng ta tiếp cận vấn đề thờ phượng gia đình. Sẽ có những ngày chẳng có hiệu quả gì. Nếu đây là việc thực hiện thường xuyên, thì chúng ta nên điều chỉnh lại thời điểm và nơi chốn cho việc này. Tuy nhiên, sẽ có đôi ngày chẳng hiệu quả. Nhưng không sao cả! Đó là việc bởi ân điển chứ không phải là gánh nặng mà gia đình phải đương đầu.

    Làm Gương Trong Thái Độ Đúng
    Thái độ chúng ta có liên quan nhiều đến kinh nghiệm của chúng ta. Và những người khác luôn theo dõi thái độ của chúng ta. Chồng phải làm gương trong thái độ phải lẽ của mình trước mặt vợ, cha mẹ phải làm gương trước mặt con cái. Trẻ con rất giỏi quan sát. Chúng biết khi nào bố mẹ đang chỉ thực hiện một cách máy móc hay thật lòng mong muốn khi mời gọi cả gia đình hiệp chung thờ phượng Chúa. Đôi khi nó cũng chỉ là một trong những việc phải làm khi bố mẹ nói đến việc mong chờ giờ thờ phượng và liên tục thể hiện niềm vui lẫn ước vọng đối với việc thờ phượng gia đình.

    Kiên Trì
    Có lẽ lời khuyên quan trọng nhất đối với giờ thờ phượng gia đình là sự kiên trì. Sẽ có những lúc hay thậm chí là những tuần mà việc đó dường như bị xem nhẹ hay gặt hái ít kết quả: đứa nhỏ thì không chịu ngồi yên, đứa lớn tuổi thiếu niên thì tối nào cũng cằn nhằn, hay bị lạc điệu khi đang hát. Cứ tiếp tục! Bạn không cô đơn, hoàn cảnh của gia đình bạn không phải độc nhất. Cứ tiếp tục nhóm họp gia đình để thờ phượng. Kiên trì là giải pháp tốt nhất cho tất cả những cái không hay này. Lần hồi, hầu hết mọi  khó khăn phải tranh chiến sẽ vượt qua, và bông trái không nhìn thấy được trước đây sẽ dần hồi hé lộ.

    Jason Helopoulos là Mục sư phụ tá của Hội Thánh Cải cách Đại học tại East Lansing, Michigan, và cũng là tác giả của quyển Ân Sủng Bị Lãng Quên: Thờ Phượng Gia Đình trong Gia Đình Cơ Đốc (Trọng Tâm Cơ Đốc, 2013).

Thảo Anh dịch
Link https://www.thegospelcoalition.org/article/then-what-when-and-how-of-family-worship/

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

Danh Tiếng


DANH TIẾNG
                Kinh Thánh: Giê-rê-mi 32:20

                Ngài đã làm nên những dấu lạ sự lạ trong đất Ê-díp-tô, cho đến ngày nay trong Y-sơ-ra-ên cũng như trong những người khác, Ngài đã được danh tiếng như mình hiện có.

                Đức Chúa Trời là Đấng danh tiếng nhất trong cả lịch sử. Ngài không danh tiếng theo như cách những người nổi tiếng ngày nay. Có những nhân vật nổi tiếng nhưng chẳng làm được điều gì đáng nhớ. Họ nổi tiếng chỉ để được nổi tiếng.

                Danh tiếng của Chúa chắc chắn cao trọng hơn nhiều. Quyền phép của Ngài chỉ là một giữa các lý do khiến Ngài nổi tiếng. Giê-rê-mi đề cập cụ thể đến những dấu kỳ phép lạ Chúa đã làm tại Ê-díp-tô trong thời Môi-se. Chính những phép lạ ấy hầu như cũng xuất sắc như Đấng thực hiện chúng.

                Tổ phụ của Giê-rê-mi tại Ê-díp-tô đã bắt đầu với một con số rất bé nhỏ. Họ đã trở thành đông đảo và tăng trưởng thành một dân tộc mạnh mẽ ngay trong bờ cõi của xứ Ê-díp-tô. Dân Ê-díp-tô đã bạc đãi họ và khiến họ cùng khốn vì khổ sai nặng nề. Vì thế tổ phụ ông đã kêu cầu với Chúa. Chúa đem họ ra khỏi Ê-díp-tô với quyền năng lớn lao của Ngài. Ngài đem họ ra khỏi Ê-díp-tô bằng quyền năng lớn của Ngài, với những dấu kỳ và phép lạ: Ngài đem họ vào vùng đất mầu mỡ, mà Ngài mô tả là vùng đượm sữa và mật (Phục Truyền 26:5-6).

                Tại Ê-díp-tô, Chúa đã dùng quyền năng Ngài mà đem dịch lệ hành hại người Ê-díp-tô vì sự gian ác của họ đối với dân Ngài. Từ phép lạ đầu tiên biến nước thành máu cho đến cao điểm nhất vượt trỗi tất cả những điều kỳ diệu tại Ê-díp-tô, là cái chết của tất cả con đầu lòng, Chúa đã bày tỏ uy quyền trên tạo vật của Ngài. Dấu kỳ và phép lạ của Ngài trên Ê-díp-tô đã cho phép dân sự Ngài ra đi.

                Đang khi dân sự Ngài ra khỏi Ê-díp-tô, các dân tộc khác nghe về những dấu kỳ và phép lạ này. Vì cớ sự vĩ đại của năng lực Ngài, nỗi kinh hoàng đổ xuống trên tất cả dân cư tại Ca-na-an. Dân Phi-li-tin, Mô-áp, Am-môn khủng hoảng khi nghe về những phép lạ tại Ê-díp-tô (Xuất 15:14-16).

                Những dấu kỳ phép lạ này còn ảnh hưởng đến đời đời, thậm chí đến thời của Giê-rê-mi. Nhưng thật đáng buồn, vì nhiều người ngày nay không tin vào phép lạ. Họ đã tiếp nhận chủ nghĩa hoài nghi của những con người tri thức không tin kính. Họ cho rằng tin vào phép lạ là vô lý. Hậu quả là họ cũng phủ nhận một lý do quan trọng vì sao Chúa là Đấng danh tiếng.

                Danh tiếng của Chúa đã ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với Chúa thế nào?

 
David Coldwell
Nguồn: cdnvn.com

Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

Công Chính

CÔNG CHÍNH

              Kinh Thánh: Giê-rê-mi 32:19

              Ngài có chương trình cao cả, Ngài thực hiện những việc diệu kỳ. Mắt Ngài nhìn thấy mọi đường lối của loài người. Ngài thưởng phạt mọi người tùy theo nếp sống và công việc họ làm.

              Giê-rê-mi cứ tiếp tục cầu nguyện sau khi mua đất. Mục đích mua đất của ông nghe có vẻ rất dại dột, đặc biệt đối với những nhà kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, mục đích của Chúa luôn luôn rất lớn lao.

              Chúa có một mục đích vô cùng lớn lao cho việc mua đất của Giê-rê-mi, cũng như trong mọi việc khác. Chữ "mục đích" (purpose) trong tiếng Hê-bơ-rơ còn được dịch là "lời khuyên bảo" (counsel). Nó cũng là từ mô tả lời chỉ dạy của người khôn ngoan trong 18:18. Lời chỉ dạy của con người không thể nào sánh được với lời chỉ dạy của Chúa. Lời khuyên của Chúa là tuyệt vời và sự khôn ngoan Ngài vô cùng vượt trỗi (Ê-sai 28:29).

              Giê-rê-mi cũng ngợi khen Chúa vì Ngài thực hiện công việc quyền năng của Ngài. Ông nhớ lại công việc không thể quên được khi Ngài dẫn dân sự ra khỏi xứ Ê-díp-tô (32.20-22). Đừng quên rằng Chúa có quyền năng để thực hiện phép lạ vào những thời điểm và nơi chốn mà Ngài đã chọn.

              Giê-rê-mi thừa nhận rằng Chúa nhìn thấy mọi việc con người đang làm. Thậm chí Ngài còn biết họ sẽ làm gì trước khi họ hành động. Ngài còn biết điều gì trong lòng thúc đẩy họ làm. Vì Chúa có thể thấy mọi sự, Ngài đủ tiêu chuẩn để làm vị Quan Tòa Tối Cao. Ngài đã gom đủ các bằng chứng để có lời tuyên án từng người.

              Lời cầu nguyện của Giê-rê-mi chứng tỏ ông biết Chúa sẽ ban thưởng cho mỗi người về cách sống và những công việc họ làm. Sự thưởng phạt của Chúa cho mỗi cá nhân là hoàn toàn công bằng. Chúa công bình luôn thực hiện những điều ngay thẳng. Ai đáp ứng với tình yêu Ngài sẽ hưởng lấy ân điển Ngài. Ai không hưởng ứng sẽ nhận lấy sự đoán xét.

              Chúa là Chủ sẽ ban thưởng cho tất cả dân sự Ngài. Ngài ban sự cứu rỗi là món quà không đòi giá cho bất cứ ai tin nơi Chúa Giê-xu (Ê-phê-sô 2:8-9), và Ngài ban phần thưởng thiên đàng cho mỗi tín hữu tùy theo cách sống của họ trên đất (ICô-rinh-tô 3-12-15). Cách sống của bạn hôm nay quan hệ mật thiết với cõi đời đời. Bạn có thể cho rằng mình quá thiêng liêng lúc nào cũng nghĩ đến phần thưởng, bạn có thể nói rằng ao ước duy nhất của bạn là yêu Chúa và yêu con người. Tuy nhiên, hãy suy xét điều này: phần thưởng Chúa ban cho sẽ làm bạn yêu Chúa và yêu người chung quanh thậm chí nhiều hơn! Hãy yêu Chúa ngay hôm nay.

              Chúa ban thưởng cho con dân Ngài bằng những phương cách cụ thể nào?

 
David Coldwell
Nguồn: cdnvn.com

Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2017

Yêu Thương

YÊU THƯƠNG

                Kinh Thánh: Giê-rê-mi 32:18

                Ngài tỏ sự thương xót ra cho muôn vàn, báo trả sự gian ác ông cha vào mình con cháu nối sau. Ngài là Đức Chúa Trời lớn, là Đấng toàn năng, danh Ngài là Đức Giê-hô-va vạn quân.

                Làm thế nào Chúa vừa yêu lại vừa hình phạt con cháu vì tội lỗi của cha mẹ? Chẳng phải Chúa đã bày tỏ cho Giê-rê-mi rằng câu châm ngôn về trái nho chua là lỗi thời lắm sao (31:19-20)?

                Chẳng phải Chúa đã phơi bày cho Môi-se rằng con cái sẽ không bị xử tử vì tội của cha mẹ chúng sao (Phục Truyền 24:16)?

                Lời cầu nguyện của Giê-rê-mi đặc biệt giống như lời Chúa dành cho Môi-se sau khi ông nhận được bảng Mười Điều Răn lần thứ hai. Chúa giải thích rằng Ngài sẽ bày tỏ sự thành tín đến ngàn đời cho những người chọn Ngài và vâng lời Ngài. Tuy nhiên, Ngài vẫn phản ứng lại với tội lỗi của cha ông bằng cách nhỏ giọt những án phạt cho dòng dõi của họ. Chúa sẽ hành phạt những kẻ chóng đối Ngài đến thời thứ ba và thứ tư (Phục Truyền 5:9-10).

                Giê-rê-mi thêm vào rằng sự đoán phạt của Chúa sẽ đi "vào mình" con cháu nối sau. "Mình là phần gấp lại chỗ thắt lưng của một cái áo mà người ta có thể đùng như cái túi. Phần thắt lưng của áo là nơi Môi-se đúttay vào theo như mạng lệnh của Chúa và khi ông lấy tay ra thì tay đầy phung (Xuất 4:6). Chúa đã ngay lập tức chữa lành cánh tay ông, nhưng chỗ thắt lưng có thể được xem như biểu tượng về cơn đoán xét của Chúa. Cháu hoặc thậm chí chắt của một người thường thừa hưởng khuynh hướng tội lỗi nổi bậc của cha ông mình cách rất cự thể. Vì thế, họ cũng xứng đáng với sự đoán phạt của Chúa cho tội của mình.

                Tuy nhiên, khi Chúa bày tỏ với Giê-rê-mi cụm từ Giao ước Mới (31:31-34), Ngài đã gạt bỏ luật về sự báo thù đến đời thứ ba và thứ tư. Chúa Giê-xu chính là Đấng Trung Bảo của Giao ước Mới (Hê-bơ-rơ 9:15). Chúa Giê-xu có thể phá vỡ di truyền của khuynh hướng tội lỗi mà bạn thừa hưởng.

                Không những Chúa Giê-xu bẻ gãy vòng ảnh hưởng mà Ngài còn làm ngược lại nữa. Bây giờ ân điển của Ngài có thể ảnh hường đến đời thứ ba và thứ tư. Chúa có thể làm việc qua bạn để ảnh hưởng đến những thế hệ tương lai.

                Trong mình bạn có đầy dẫy ân điển Ngài không, bạn có "nhận, ép xuống và lắc cho đầy tràn không (Lu-ca 6:38)? Bạn có được kể giữa vòng hàng ngàn người là những người được Chúa bày tỏ tình yêu tận hiến không? Tình yêu của Ngài mạnh mẽ đến đời đời. Việc đáp ứng với tình yêu Ngài sẽ khiến bạn trở nên một con người mới.

                Bạn ca ngợi tình yêu Chúa qua những điều cụ thể nào?

 
David Coldwell
Nguồn: cdnvn.com

Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

THÔNG BÁO: V/v Đính chính LHD quý 3-2017


THÔNG BÁO
V/v Đính chính LHD quý 3-2017

     Lịch Hướng dẫn sinh hoạt TTN quý 3-2017 đã được cập nhật trên web vào sáng nay (23/6), tuy nhiên do phát sinh lỗi trong quá trình nhập liệu dẫn đến trùng phân đoạn ĐKT của tuần 23/7 & 6/8. Vậy, BHD xin đính chính như sau:
- CN 16/7: ĐKT sách Lê-vi Ký 12-15, phụ trách: Hoàng Anh
- CN 23/7: ĐKT sách Lê-vi Ký 16-19, phụ trách: Văn Thiện
- CN 06/8: ĐKT sách Lê-vi Ký 20-23, phụ trách: Hoàng Vy (như trong lịch).

     Ban Hướng dẫn thông báo để các ban viên liên quan chủ động trong việc phụ trách ĐKT. Mọi thắc mắc, vui lòng liên hệ TB. Thúy Nga.



Ban Hướng dẫn.

LHD Quý 3-2017 Ban TTN (Cập nhật ngày 29/06/2017)


          Ban Hướng dẫn Thanh Thiếu Niên HTTL Tân Nghĩa thông báo đến các ban viên nội dung Chương trình sinh hoạt Quý 3 năm 2017 như sau:
Để tải file Word/PDF, vui lòng bấm vào liên kết phía dưới.


Tải file về tại đây:


Tác giả bài viết: BHD Thanh Thiếu niên 2017

Luật Vàng Của Tình Yêu

               Kính thưa quý độc giả,

               Nếu có ai đó bất ngờ hỏi chúng ta “tình yêu là gì” thì quý vị sẽ trả lời ra sao? Hay nếu bạn bất ngờ hỏi người bên cạnh câu hỏi này, hãy xem người đó suy nghĩ bao lâu rồi mới có thể giải thích được, tình yêu là gì, theo ý riêng của mình. Nhà thơ Xuân Diệu, đứng trước sự đa dạng và sâu thẳm của tình yêu, đã phải thú nhận rằng: “Làm sao định nghĩa được tình yêu”.

               Mà thật vậy, chẳng có ai định nghĩa “tình yêu” sao cho trọn vẹn cả. Có người cho rằng “yêu” là quan tâm thật nhiều đến một người khác, nhưng như vậy thì “quan tâm” có nghĩa gì? Có người đóng khung tình yêu trong mối quan hệ nam nữ, thậm chí lẫn lộn “tình yêu” với những ham muốn tình dục. Khoa học mô tả tình yêu như những phản ứng của bộ não trước những tiếp nhận của các giác quan. Thuyết tiến hóa với quy luật sinh tồn “mạnh được yếu thua” thì không sao giải thích được tình yêu, vì tình yêu không loại bỏ người cô thế, nhưng lại giang tay bảo bọc người kém may mắn hơn.

               Tình yêu bao trùm và chi phối tất cả những hoạt động của con người, nhưng con người chúng ta vẫn lúng túng khi đi tìm một định nghĩa cho tình yêu, bởi vì tình yêu không phải là một sản phẩm nhân tạo. Tình yêu không đến từ con người, nhưng tình yêu bắt nguồn từ Đấng Tạo Hóa, như Kinh Thánh có khẳng định: “Thượng Đế là Tình Yêu. Ai sống trong tình yêu là sống trong Thượng Đế và Thượng Đế sống trong họ” (1 Giăng 4:16)

               Chủ đề then chốt của Kinh Thánh là tình yêu. Toàn bộ Kinh Thánh bày tỏ tình yêu vô hạn của Thượng Đế dành cho con người, cũng như nhắc nhở mục đích của đời sống là kính yêu Đấng tạo dựng ra mình và biết yêu người đồng loại. Kinh Thánh, là bức thư tình chan chứa yêu thương của Đấng Tạo Hóa gởi đến con người, với bao dặn dò về những luật vàng của tình yêu. Những quy luật vàng này được bắt đầu với những nguyên tắc căn bản nhất, được gọi là “Mười Điều Răn” mà chính Thiên Chúa đã trực tiếp phán với Môi-se và tuyển dân Do-thái như sau:
               "Các ngươi không được thờ thần nào khác ngoài Ta.
               Không được làm cho mình tượng của các thú vật bay trên trời, đi trên đất hay lội dưới nước. Không được quỳ lạy hoặc phụng thờ các tượng ấy, vì Ta, Chúa Hằng Hữu, Thượng Đế các ngươi, rất kỵ tà. Người nào ghét Ta, Ta sẽ trừng phạt họ, và luôn cả con cháu họ cho đến ba bốn thế hệ. Nhưng người nào yêu kính Ta và tuân giữ điều răn Ta, Ta sẽ thương yêu săn sóc người ấy và con cháu họ cho đến ngàn đời.
               Không được dùng tên của Chúa Hằng Hữu, Thượng Đế các ngươi, một cách bất kính, vì Ta sẽ không tha người làm điều ấy.
               Phải giữ ngày Sa-bát làm ngày thánh. Ngươi có sáu ngày để làm công việc, nhưng ngày thứ bảy là ngày thánh dành cho Chúa Hằng Hữu, Thượng Đế ngươi. Trong ngày ấy, ngươi cũng như con trai, con gái, tôi trai, tớ gái, súc vật, luôn cả khách trong nhà ngươi, đều không được làm việc gì cả. Vì trong sáu ngày, Chúa Hằng Hữu tạo dựng trời, đất, biển và muôn vật trong đó; đến ngày thứ bảy, Ngài nghỉ. Vậy, Chúa Hằng Hữu chúc phước cho ngày Sa-bát và làm nên ngày thánh.
               Phải hiếu kính cha mẹ, như vậy ngươi mới được sống lâu trên đất mà Chúa Hằng Hữu Thượng Đế ban cho.
               Không được giết người.
               Không được tà dâm.
               Không được trộm cướp.
               Không được làm chứng dối.
               Không được tham muốn nhà cửa, vợ, tôi trai, tớ gái, bò, lừa, hoặc vật gì khác của người láng giềng." (Xuất Ê-díp-tô ký 20:2–17)

               Quý độc giả thân mến,

               “Mười Điều Răn” vỏn vẹn chỉ có 296 chữ, nhưng mười quy luật vàng là nền tảng của luật gia đình, luật sở hữu, quyền tự do cá nhân và vô số luật lệ của các thể chế tự do và dân chủ thuộc các nước Tây phương thịnh vượng ngày nay. Bốn điều răn đầu tiên nói về thái độ con người cần có trước Đấng Tạo Hóa. Năm điều răn tiếp theo hướng dẫn cách cư xử giữa con người với nhau. Điều răn thứ mười là điều răn cuối cùng nói về suy nghĩ và thái độ cần có của mỗi chúng ta. Trải qua hơn 4000 năm, các nhà làm luật phải nhìn nhận “Mười Điều Răn” vẫn là cốt lõi bất di, bất dịch của đạo đức, dù trong bối cảnh văn hóa hay thời đại nào, đến nỗi một người đã đưa ra nhận định rằng, dầu con người đã lập nên 32,647,389 luật nhưng không bao giờ cải thiện được sự hoàn hảo của “Mười Điều Răn”.

               Khi nhắc đến điều răn hay luật lệ, chúng ta thường nghĩ rằng đây là những điều khiến “ràng buộc” hay “hạn chế”, nhưng “Mười Điều Răn” của Thiên Chúa là những nguyên tắc căn bản của tình yêu, chỉ mang đến sự tự do để con người có thể đến với Đấng tạo dựng ra mình và đến với nhau.

               “Không được giết người” là lời mời tự do để một người đến với một người khác, để làm bạn, làm người đồng hành, làm người cộng sự, làm láng giềng hay bất cứ một điều gì khác, ngoại trừ sự thù nghịch, ganh ghét và toan hãm hại người đó.

               “Không được tà dâm” là lời mời tự do để vợ chồng đến thật gần với nhau, làm bất cứ điều gì cho nhau, ngoại trừ lòng phản trắc và hành động ngoại tình.

               “Không được trộm cắp” là lời mời tự do để sở hữu tài sản ngoại trừ xâm phạm đến tài sản của người khác.

               “Không được làm chứng dối” là lời mời tự do về tự do ngôn luận, ngoại trừ lời nói bịa đặt để bôi nhọ hay vu oan giá họa một người nào.

               “Tự do” mà Thiên Chúa đặt trong các luật vàng yêu thương của Ngài, khác hẳn với quan niệm tự do của con người. Kinh Thánh dùng cụm từ “nô lệ cho tội lỗi”, với hàm ý rằng “nô lệ” có nghĩa là bị “tội lỗi” trói buộc. Ngược lại với tình trạng “nô lệ” là “tự do thật”, hay có nghĩa là thoát được sự ràng buộc của tội lỗi cùng những hệ quả đau thương của nó.

               Vì quan niệm sai trật, cho rằng “tự do” là có quyền làm tất cả mọi sự mình thích, mà con người đang trả một cái giá quá đắt cho tự do. Con người đang nhân danh tự do tôn giáo, nhân danh tự do tình dục; nhân danh tiến bộ khoa học, và vô số những quyền “tự do” khác, để loại bỏ dần “Mười Điều Răn” và những luật tình yêu của Thiên Chúa ra khỏi hiến pháp. Kết quả là một khoảng trống tâm linh to lớn đang bao trùm cả thế giới ngày nay, với xã hội mất dần đi ý nghĩa sống cùng những tiêu chuẩn đạo đức căn bản nhất.

               Phá thai, giết người, bạo động, lạm dụng rượu bia, chất kích thích, đỗ vỡ trong hôn nhân và những vấn nạn tương tự đang leo thang đến chóng mặt. Tin cậy lời nói của nhau trong giao dịch mỗi ngày là một điều thuộc về quá khứ. Mọi nơi chốn, từ công sở, công viên, phi trường, đường phố, khách sạn cho đến nhà riêng, đều phải gắn hệ thống an ninh để theo dõi và báo động. Thời nay, con trẻ không được tự do đi ra đường, nhưng luôn luôn phải có cha mẹ hay người lớn đi bên cạnh. Đúng vậy, con người đang nhân danh tự do để loại bỏ “Mười Điều Răn” nhưng để rồi thấy con người càng ngày càng bị trói buộc và giới hạn trong mọi sinh hoạt và mọi mối quan hệ,

               Thực ra, “Mười Điều Răn” là trái tim, là cốt lõi của sự tự do thật, không hề ràng buộc nhưng mang đến đời sống trật tự và hài hòa. Thánh Augustine đã tóm tắt luật vàng yêu thương của Thiên Chúa rằng “Hãy kính yêu Thượng Đế và rồi bạn sẽ tự do làm điều lòng mình ưa thích”, trong khi xã hội ngày nay đi theo một đường hướng hoàn toàn trái ngược; đó là “Hãy tự do làm những gì mình thích, rồi sau đó đi tìm một chuyên gia tâm lý để biết tại sao mình chẳng còn thích những điều đó nữa”.

               Kính thưa quý độc giả,

               Yêu có nghĩa là làm theo luật lệ yêu thương của Đấng Tạo Hóa, như Kinh Thánh có bày tỏ: “Quy luật Thượng Đế ban cho chúng ta từ đầu là chúng ta phải yêu thương nhau. Nếu chúng ta yêu Thượng Đế, chúng ta phải thực hành mệnh lệnh Ngài và ngay từ ban đầu, Ngài dạy chúng ta phải yêu thương nhau” (2 Giăng 1:5-6).

               Yêu cũng là điều kiện cần và đủ để một người có thể bước vào thiên đàng, nơi những con người kính yêu Thượng Đế sẽ sống mãi bên nhau trong tình yêu.

               Và bài học đầu tiên của tình yêu được bắt đầu với “Mười Điều Răn”.

               Tiếc thay, tất cả chúng ta đều “thi rớt” ở ngay bài học đầu tiên này. Có mấy ai trong chúng ta hết lòng tìm kiếm và biết ơn đến Đấng tạo dựng ra mình? Có mấy ai trong chúng ta không có lần ganh ghét, toan tính bài trừ đối phương? Có mấy ai trong chúng ta không một lần gian dối để thủ lợi cho chính mình?

               Khi không làm theo luật lệ yêu thương của Đấng Tạo Hóa, chúng ta đã phạm tội với Ngài như Kinh Thánh khẳng định: “Ai phạm tội tức là phạm luật Thượng Đế vì tội lỗi là sự phạm luật Thượng Đế” (1 Giăng 3:4).

               Vì phạm tội, chúng ta phải chết, bị xét xử, để rồi bị phân ly đời đời với Thiên Chúa, trong một nơi không còn tình yêu và niềm hy vọng nào cả. Cảm thương trước sự bất lực của bạn và tôi, cũng như muốn cứu vớt chúng ta ra khỏi sự đoán phạt đời đời, Thiên Chúa Ngôi Hai, cách đây hơn 2000 năm, đã tự nguyện giáng trần, trở nên một con người mang tên Giê-xu.

               Ngài đã bị người ta đóng đinh trên cây thập tự, chết thật đau đớn và nhục nhã. Thực ra, Chúa Cứu Thế đã tự nguyện chết thay cho nhân loại, lãnh thế giùm tôi và quý vị món nợ tội của mỗi người. Con Trời sau khi hy sinh mạng vàng cứu chuộc nhân loại, đã chết đi, nhưng sau ba ngày đã đắc thắng tử thần, sống lại đầy hiển vinh.

               Khi bạn nhận biết mình còn thiếu sót trước luật vàng tình yêu của Đấng Tạo Hóa, bạn chỉ cần tin vào sự chết thế của Chúa Giê-xu, thì mọi vi phạm của bạn sẽ được Thiên Chúa xóa bôi. Hơn thế nữa, sức mạnh của tình yêu từ Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ thay đổi tâm tính của bạn mỗi ngày, giúp chúng ta yêu mến và thích thú làm theo luật lệ yêu thương của Đấng Tạo Hóa, chuẩn bị mỗi chúng ta sẵn sàng cho thiên đàng là nơi chốn tuyệt hảo và trọn vẹn của tình yêu, như chính Chúa Giê-xu đã từng bày tỏ:“Đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ luật pháp và lời tiên tri. Không, Ta đến để hoàn thành luật pháp và thực hiện các lời tiên tri”(Ma-thi-ơ 5:17)

               Quý độc giả thân mến,

               Nhờ nhà bác học Newton khám phá ra luật trọng trường mà con người biết cách khắc phục lại sức hút của trái đất hầu đẩy phi thuyền vào không gian. Nhờ nhà bác học Archimedes khám phá ra quy luật đòn bẫy mà người ta biết cách nào để nâng vật nặng lên một cách dễ dàng. Sự khám phá và hiểu biết các vô số các quy luật chỉ đem đến sự tự do cho con người.

               Cũng tương tự như vậy, nhờ tiếp nhận Cứu Chúa Giê-xu vào tâm hồn, nhờ Chúa của Tình Yêu giúp chúng ta khám phá và ứng dụng những luật vàng của yêu thương vào trong đời sống mỗi ngày, bạn và tôi sẽ có sự tự do thật để đến với tha nhân trong tình nhân ái và đến với Đấng Tạo Hóa trong nơi đời đời phước hạnh. Do vậy, mà chẳng ngạc nhiên chút nào cả, khi vua Đa-vít ca ngợi luật vàng tình yêu của Thiên Chúa qua các vần thơ sau:
               Con đã tìm được nguồn hạnh phúc,
               Khi nghiêm chỉnh theo Lời vàng ngọc. 
               Con tuân theo Lời Ngài mãi mãi,
               Nên sẽ sống tự do, thoải mái.
               Luật pháp Chúa dạy thật là bảo vật,
               Còn quý hơn muôn bạc, ngàn vàng.
               Lời Chúa ngọt ngào trong miệng con,
               Ngọt hơn cả mật ong hảo hạng..
               Người yêu luật Chúa được thái an luôn,
               Không vấp ngã vì cuộc đời đầy bất trắc (Thi Thiên 119)

               Ước mong quý vị sớm khám phá ra thiên đàng của tình yêu qua các luật vàng của Thiên Chúa. Thân chào quý vị và các bạn.
 
Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!