Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Bài 28: Hội Thánh Của Đức Chúa Trời

 
Bài 28: HỘI THÁNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Kinh Thánh: Công-vụ 2:37-47
Câu gốc: “Ta sẽ lập Hội Thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó” (Ma-thi-ơ 16:18).
Mục đích: Cho chúng ta thấy rằng Hội Thánh nằm trong chương trình của Đức Chúa Trời, Đấng Christ là đầu Hội Thánh và tất cả những ai đặt đức tin nơi Ngài đề thuộc về Hội Thánh chân thật là thân thể của Ngài.

Kinh Thánh đọc hằng ngày
Chúa Nhật:
HỘI THÁNH ĐƯỢC THÀNH LẬP
(Công-vụ 2:1-21)
Thứ Hai:
BÀI GIẢNG CỦA PHI-E-RƠ
(Công-vụ 2:22-41)
Thứ Ba:
HỘI THÁNH ĐẦU TIÊN
(Công-vụ 2:41-47)
Thứ Tư:
ĐẤNG CHRIST LÀ ĐẦU HỘI THÁNH
(Ê-phê-sô 1:18-23; Cô-lô-se 1:18)
Thứ Năm:
THÂN THỂ CỦA ĐẤNG CHRIST
(ICô-rinh-tô 12:1, 12-27)
Thứ Sáu:
ĐẤNG CHRIST THƯƠNG YÊU HỘI THÁNH
(Ê-phê-sô 5:23-27)
Thứ Bảy:
NỀN TẢNG CỦA HỘI THÁNH
(Ma-thi-ơ 6:13-19)

Chúng ta biết chắc rằng Hội Thánh là của Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus phán: “Còn ta, ta bảo ngươi rằng: …Ta sẽ lập Hội Thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được Hội đó” (Ma-thi-ơ 16:18). “Hãy chăn chiên ta” (Giăng 21:15-17). Kinh Thánh chép: “Hết thảy các Hội Thánh của Đấng Christ chào anh em” (Rô-ma 16:16). “Đừng làm gương xấu cho người Giu-đa, người Gờ-réc, hay là Hội Thánh của Đức Chúa Trời” (ICô-rinh-tô 10:31). “Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em” (IPhi-e-rơ 5:2). “Vì nếu có ai không biết cai trị nhà riêng mình, thì làm sao cai trị được Hội Thánh Đức Chúa Trời” (ITi-mô-thê 3:5). “Phòng khi ta chậm đến, thì biết làm thế nào trong nhà Đức Chúa Trời, tức là Hội Thánh của Đức Chúa Trời hằng sống” (ITi-mô-thê 3:15).

Những câu Kinh Thánh trên đây chứng minh Hội Thánh thuộc quyền sở hữu của Đức Chúa Trời.

Chúng ta có thể trưng dẫn thêm nhiều câu như vậy nữa.

I. HỘI THÁNH LÀ GÌ?
Hội Thánh gồm những người được Đức Chúa Trời kêu gọi ra khỏi thế gian tội lỗi để thuộc riêng về Ngài. Trong IICô-rinh-tô 6:14-18, Phao-lô cho chúng ta thấy có hai đoàn thể tương phản nhau, khác hẳn nhau: công bình với gian ác, sáng với tối, Đấng Christ với Bê-li-an, kẻ tin với kẻ chẳng tin, đền thờ Đức Chúa Trời với hình tượng tà thần. Rồi có lời kêu gọi: “Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá động tới đồ ô uế, thì ta sẽ tiếp nhận các ngươi: Ta sẽ làm Cha các ngươi, các ngươi làm con trai, con gái ta. Chúa Toàn Năng phán như vậy”. Những người vâng theo tiếng kêu gọi đó thuộc về Hội Thánh của Chúa.

Phi-e-rơ viết: “Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời… anh em trước không phải là một dân mà bây giờ là dân Đức Chúa Trời, trước không thương xót mà bây giờ được thương xót (IPhi-e-rơ 2:9-10)

Phao-lô “gởi cho Hội Thánh Đức Chúa Trời tại thành Cô-rinh-tô, tức là cho những người đã được nên thánh trong Đức Chúa Jêsus Christ, được gọi làm thánh đồ, lại cho mọi người bất luận ở nơi nào, cầu khẩn danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta” (ICô-rinh-tô 1:2).

Vậy, Hội Thánh của Đức Chúa Trời là Hội Thánh phổ thông, gồm muôn dân trên thế giới, có Hội Thánh địa phương như Hội Thánh Cô-rinh-tô, Hội Thánh Việt Nam, là những người đã được kêu gọi ra khỏi sự gian ác, khỏi sự tối tăm, khỏi sự vô tín, khỏi quyền lực ma quỷ mà được nên thánh trong Đức Chúa Jêsus Christ, được tiếp nhận làm con trai, con gái, làm thấy tế lễ và làm dân thánh của Đức Chúa Trời.

Chúng ta phải nức nở vui mừng mà cảm tạ Chúa, vì Hội Thánh chúng ta đã được dự phần trong sự kêu gọi và lựa chọn đó, để thuộc về Hội Thánh Ngài.

II. ĐẤNG CHRIST LÀ ĐẦU HỘI THÁNH
“Ngài đã bắt muôn vật phục dưới chân Đấng Christ, ban cho Đấng Christ làm đầu Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 1:22,23).
“Vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là Đầu Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể Ngài” (Ê-phê-sô 5:23).

“Ấy cũng chính Ngài là đầu của thân thể, tức là đầu Hội Thánh” (Cô-lô-se 1:18).
Chúa mượn sự tương quan mật thiết giữa đầu với thân thể để chỉ về sự tương quan mật thiết giữa Ngài với Hội Thánh.

Trong thân thể con người, mỗi cơ quan là một bộ máy diệu kỳ. Song nếu thiếu cái đầu thì thân thể con người không còn giá trị gì. Muốn nhận ra một người, chúng ta phải nhìn mặt người ấy. Khuôn mặt biểu lộ nét thông minh. Bộ óc là trung tâm điều khiển mọi hoạt động của thân thể. Nếu chúng ta sờ vào một vật nóng, cảm giác ấy sẽ lan truyền ngay lên óc, bộ óc liền ra lệnh cho chúng ta rút khỏi vật ấy.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp bộ óc điều khiển mà thân thể không tuân theo được như trường hợp bệnh nhân bị liệt, tàn phế. Dầu người đó có bộ óc thông minh đến đâu cũng không thể điều khiển thân thể theo ý mình.

Đấng Christ là đầu, Hội Thánh là thân thể Ngài. Song nếu Hội Thánh như một thân thể tê liệt, tàn phế thì buồn biết bao! Hội Thánh là bàn tay thi hành công việc của Chúa, là giọng nói để truyền giảng sứ điệp, là trái tim để Ngài thương yêu mọi người, là bàn chân để đem Tin Lành Ngài khắp nơi. Nhưng than ôi! Có Hội Thánh như một thân thể khô héo, có bàn tay teo, có bàn chân bại, có trái tim cứng, có cái lưỡi đơ. Đó là trường hợp trong Hội Thánh có sự bất hòa, chống đối, chia rẽ làm cho mất tiềm lực và khả năng của Hội Thánh.

Vì vậy, Phao-lô khuyên: “Anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em, phải khiêm nhường đến điều, nhịn nhục, lấy lòng yêu thương mà chìu nhau, dùng dây hòa bình mà gìn giữ sự hiệp một của Thánh Linh” (Ê-phê-sô 4:1-3). Ông cũng nói thêm là Chúa đã kêu gọi người này làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, không phải để phá hoại mà để gây dựng, không phải để chia rẽ mà để hiệp một hầu cho thân thể của Chúa đạt đến bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn (Ê-phê-sô 4:11-13).

Một thân thể trọn vẹn luôn luôn phục tùng cái đầu, một Hội Thánh sẽ trọn vẹn cũng phục tùng Chúa Jêsus như vậy. Mỗi chúng ta phải tuyệt đối tin cậy và vâng lời Chúa. Khi nào Chúa sai mới đi, việc chi Chúa bảo mới làm, lời chi Chúa đẹp lòng mới nói, tức là lúc nào cũng sẵn lòng chờ lệnh, không chậm trễ mà cũng chẳng vội vàng.

III. HỘI THÁNH ĐẦU TIÊN (Công-vụ 2:41-47)
Hội Thánh đầu tiên là Hội Thánh kiểu mẫu để chúng ta noi theo. Sau khi được đầy dẫy Đức Thánh Linh, Phi-e-rơ đại diện cho sứ đồ giảng một bài kết quả có 3000 người ăn năn tin Chúa Jêsus. Hội Thánh bắt đầu được thành lập và sinh hoạt thường xuyên như sau:
1. Bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ.
2. Bền lòng giữ sự thông công của anh em.
3. Bền lòng giữ lễ bẻ bánh.
4. Bền lòng giữ sự cầu nguyện.

Ba ngàn người ấy nhận sự dạy dỗ của các sứ đồ để làm theo, họ ham thích sự dạy dỗ ấy như trẻ con ham thích sữa mẹ, nên ai nấy đều được lớn lên trong sự sống thuộc linh. Họ thông công với nhau như chuyện trò thân mật, thăm viếng, khuyên lơn, dìu dắt, tóm một lời là chăm sóc nhau. Họ bẻ bánh dự tiệc thánh, rồi ăn chung với nhau một cách vui vẻ thật thà. Người giàu chẳng dư, người nghèo chẳng thiếu vì ai nấy lấy điều mình có mà chia xẻ cho nhau. Họ cũng bền lòng cầu nguyện cách sốt sắng, hết lòng. Mọi hành động đó phát xuất từ tấm lòng đầy dẫy Đức Thánh Linh, tình thương, vị tha. Nhờ vậy mà Đức Chúa Trời đã thi hành nhiều dấu kỳ phép lạ trong Hội Thánh làm cho mọi người cảm biết sự hiện diện của Ngài mà kính sợ. Kết quả: “Mỗi ngày, Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội Thánh”.

Dầu cá nhân trong Hội Thánh bất toàn thì Hội Thánh cũng chẳng bao giờ thất bại mà sẽ đắc thắng như tồn tại, phát triển, phục hưng. Vì đó là chương trình của Chúa mà Ngài là Đấng có cả quyền hành ở trên trời và dưới đất. Trong 7 bức thơ gởi cho 7 Hội Thánh, đại diện cho toàn thể Hội Thánh khắp thế giới trải mọi thời đại, Chúa ban 7 lời hứa cho kẻ nào thắng. Lời hứa cuối cùng: “Kẻ nào thắng, ta sẽ cho ngồi với ta trên ngôi ta, như chính ta đã thắng và ngồi với Cha ta trên ngôi Ngài” (Khải-huyền 3:21). HALÊLUGIA! HALÊLUGIA!

Vậy, chúng ta hãy noi gương Hội Thánh đầu tiên để Chúa sẽ đem hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu người được cứu thêm vào Hội Thánh.

CÂU HỎI
1. Hội Thánh thuộc quyền sở hữu của ai?
2. Ai là người thuộc về Hội Thánh?
3. Hội Thánh địa phương là gì?
4. Hội Thánh phổ thông là gì?
5. Đấng Christ là đầu của Hội Thánh có nghĩa gì?
6. Hội Thánh phải có thái độ nào đối với Chúa?
7. Hội Thánh đầu tiên có những gương mẫu nào?
8. Kết quả hàng ngày của Hội Thánh đó là gì?
9. Làm sao để giữ gìn sự hiệp một của Hội Thánh?
10. Tương lai của Hội Thánh sẽ ra sao? 

Mục sư Đoàn Văn Miêng

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

Bài 27: Sự Cứu Rỗi

 
Bài 27: Sự Cứu Rỗi

Kinh Thánh: Xuất 12:1-28
Câu gốc: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con Ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16)
Mục đích: Dạy rằng chương trình vĩ đại nhất của Đức Chúa Trời là sự cứu rỗi chúng ta qua sự chết đền tội của Chúa Jêsus Christ.

Kinh Thánh đọc hằng ngày
Chúa Nhật:
CHIÊN CON CỦA LỄ VƯỢT QUA
(Xuất 12:1-28)
Thứ Hai:
CHIÊN CON CỦA CHÚNG TA
(Giăng 1:29; ICô-rinh-tô 5:6-7; IPhi-e-rơ 1:18-19)
Thứ Ba:
NGÀI CHẾT THAY TÔI
(Ê-sai 53:1-9, Giăng 3:1-16)
Thứ Tư:
HUYẾT NGÀI TẨY SẠCH
(IGiăng 1:3-10)
Thứ Năm:
LUẬT PHÁP CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
(Xuất 20:1-17)
Thứ Sáu:
TỘI LỖI TRƯỚC MẶT CHÚA
(Rô-ma 3:9-20)
Thứ Bảy:
ĐẤNG CHRIST VÀ LUẬT PHÁP
(Rô-ma 10:4-15)

Trong 3 tháng tới đây chúng ta học về chương trình của Đức Chúa Trời. Qua các bài học này, tín hữu sẽ hiểu thấu đáo niềm tin của mình và giữ vững niềm tin ấy.
Hôm nay, chúng ta học về lý do khiến Chúa Jêsus  phải giáng sinh, chịu chết và sống lại. Đó là công trình vĩ đại nhất của Đức Chúa Trời, vĩ đại hơn công trình dựng nên vũ trụ. Để dựng nên vũ trụ, Đức Chúa Trời chỉ dùng lời phán của Ngài, song để cứu rỗi nhân loại Ngài phải giáng sinh chịu chết và sống lại. Công trình dựng nên vũ trụ đã chấm dứt sau một thời gian, song chương trình cứu rỗi nhân loại vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay là kêu gọi tội nhân ăn năn và áp dụng cứu ân vào đời sống của họ. Chúa Jêsus phán: “Cha Ta làm việc cho đến bây giờ, Ta đây cũng làm việc như vậy” (Giăng 5:17).

I. KHÔNG VÂNG PHỤC LÀ PHẠM TỘI
A-đam đã phạm tội vì không vâng phục Chúa. Con cháu của A-đam cũng phạm tội như ông. “Cho nên bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian… Vì như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội” (Rô-ma 5:12-19). Con người bẩm sinh là tội lỗi, nên từ khi tấm bé, con người tỏ ra ích kỷ, bướng bỉnh, thích chống cự chứ không vâng phục. Không phải vì chúng ta đã phạm tội nên mới bị kể là tội nhân, song vì chúng ta đã là tội nhân nên mới phạm tội.

Vậy, không ai có thể sống cuộc đời thánh thiện, nhưng cứ miệt mài trong tội. Không những tự mình phạm tội, lại còn ưng thuận cho kẻ khác cũng phạm tội nữa (Rô-ma 3:23, Ê-phê-sô 4:19, Rô-ma 1:32).

Có người có ý chối tội. Làm như vậy không giải quyết được vấn đề mà chỉ làm cho nó càng nặng hơn thôi. Vì như một người mắc bệnh ung thư mà cứ quyết là không có, thì không phải cớ quyết như vậy là khỏi bệnh ung thư, trái lại bệnh sẽ ngày càng nặng hơn cho đến chết. Thà là chúng ta thành thật nhận mình có bệnh để lo chạy chữa kịp thời. Dầu muốn dầu không, chúng ta đều là những tội nhân; tội lỗi ở khắp nơi, cũng ở trong lòng chúng ta nữa. “Nếu chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta… Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta” (IGiăng 1:8,10).

II. TỘI LỖI LÀ MỘT ĐIỀU KINH KHỦNG
Không có gì đáng kinh khủng bằng tội lỗi. Tội lỗi phá hủy mọi sự, cướp mất mọi sự. Kết quả của nó là sự chết cả xác lẫn hồn đời đời trong hỏa ngục.

1. TỘI LỖI PHÁ HỦY GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI: Khi tội lỗi đã vào gia đình A-đam và Ê-va thì ông tố cáo bà: “Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi” (Sáng-thế Ký 3:12). Kế đó Ca-in giết A-bên, rồi nhân loại vốn từ một gốc sinh ra vẫn tiếp tục giết nhau một cách không gớm tay. Trong muôn loài mà Đức Chúa Trời đã dựng nên, không có loài nào bóc lột, hà hiếp, tàn sát lẫn nhau bằng loài người. Kết quả, nhan nhãn khắp mọi nơi có biết bao bệnh viện, khám tù, nghĩa địa.

2. TỘI LỖI PHÁ HOẠI ĐỜI SỐNG CÁ NHÂN: Tội lỗi làm cho con người mất tự do mà trở nên nô lệ. Tội lỗi làm cho con người cao quý trở nên đê hèn, sắp mình thờ lạy hình tượng vô tri và điểu thú, côn trùng. Tội lỗi chúng ta ngăn trở chúng ta được phước (Giê-rê-mi 5:25). Tội lỗi làm cho con người xa cách Đức Chúa Trời và xa cách nhau (Ê-sai 59:1-2, Cô-lô-se 1:21, Ê-phê-sô 2:13). Lìa bỏ Chúa đưa mình đến một đời sống xấu xa, cay đắng (Giê-rê-mi 2:17). Nhưng chưa hết, cuối cùng tội lỗi còn đưa chúng ta đến chốn trầm luân là xa cách Đức Chúa Trời cho đến đời đời để chịu khổ hình. Thật, không có lời nào đủ để mô tả sự kinh khủng của tội lỗi, không ai tưởng tượng nổi sự đau đớn của tội nhân trong hỏa ngục (Lu-ca 16:24, Ê-sai 33:14; Khải-huyền 14:11; 20:10).

Vì vậy không có phước nào lớn bằng được tha tội. Đa-vít đã la lên như mình được một bửu vật  quý hơn ngôi vua, rằng: “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình, được khỏa lấp tội lỗi mình. Phước thay cho người nào mà Đức Giê-hô-va không kể gian ác cho và trong lòng không có sự giả dối” (Thi 32:1,2).
Nếu chúng ta được dịp gặp một anh tù chung thân mà hỏi: Anh muốn gì, chọn một trong bốn điều này: Một bộ áo đẹp, một bữa cơm ngon, một số tiền lớn và được ra khỏi tù? Chắc chắn anh ta sẽ đáp ngay: Được ra khỏi tù!

III. ĐỨC CHÚA TRỜI SẮM SẴN MỘT ĐẤNG CỨU THẾ
Ngay khi A-đam và Ê-va phạm tội, Đức Chúa Trời đã hứa ban một Đấng Cứu Thế ra từ dòng dõi người nữ (Sáng-thế Ký 3:15). Đấng Cứu Thế đó được hình dung bằng chiên con chịu giết.

1. CHIÊN CON CỦA A-ĐAM (Sáng-thế Ký 3:21): “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy da thú kết thành áo dài cho vợ chồng A-đam và mặc lấy cho”. Đã có da thú, tất nhiên phải có con thú bị giết. Thú đó là chiên con, và chiên con đó làm tượng trưng cho Chúa Cứu Thế chịu chết đền tội cho chúng ta.

2. CHIÊN CON CỦA A-BÊN (Sáng-thế Ký 4:4): Đức Chúa Trời đã dạy A-đam, và A-đam dạy lại hai con về cách nào phải dâng tế lễ để được chuộc tội. Nhưng A-bên vâng lời còn Ca-in thì không, nên Đức Chúa Trời đã nhậm của lễ A-bên mà không nhậm tế lễ của Ca-in. Tế lễ của A-bên bằng chiên chon, làm tượng trưng cho Đấng Cứu Thế chịu chết mới đền tội được.

3. CHIÊN CON LỄ VƯỢT QUA (Xuất 12:1-13): 
Để được giải phóng khỏi ách nô lệ tại Ê-díp-tô, Đức Chúa Trời đã truyền lệnh cho người Y-sơ-ra-ên, mỗi nhà phải giết một chiên con, thịt thì ăn, huyết dùng bôi lên hai cây cột và mày cửa, nhà nào ăn thịt chiên nấy. Tối lại, Chúa đến quan sát mọi nhà trong cả xứ Ê-díp-tô. Nhà người Y-sơ-ra-ên có huyết bôi trên cửa nên Ngài vượt qua, không làm hại gì cho nhà ấy, dầu con chó cũng không sủa (Xuất 11:7). Nhưng cả nhà của Ê-díp-tô, từ vua chí dân, từ chủ đến nô lệ, vì không có huyết chiên con bôi trên cửa nên nhà nào cũng có người chết: Con đầu lòng của người và con đầu lòng của súc vật. Nhà của người Y-sơ-ra-ên bình an, nhà của người Ê-díp-tô kinh hoàng.

Phao-lô giải thích rằng: “Vì Đấng Christ là con sinh lễ vượt qua của chúng ta đã bị giết rồi” (ICô-rinh-tô 5:7). Cảm tạ ơn Chúa, nhờ huyết Ngài, chúng ta được bảo vệ an toàn.

4. CHIÊN CON DÂNG TẾ LỄ (Lê 1:3-5):
Khi một người Y-sơ-ra-ên đã phạm tội mà muốn được tha thứ, phải bắt một chiên con không tì vít chi cả trong bầy mình, đem đến trước cửa hội mạc. Người phạm tội đã đặt tay mình trên đầu con chiên mà xưng hết tội lỗi của mình ra, nghĩa là chiên con vô tội phải mang lấy tội của người ấy mà chết thế cho, chính người phải giết con chiên rồi thầy tế lễ dùng huyết nó để chuộc tội cho người đã phạm.

Làm việc đó, không phải người Y-sơ-ra-ên tin vào sự chết của con chiên chuộc tội mình, vì giá trị của con chiên đâu có đủ thay cho mạng người. Làm việc đó đức tin của họ hướng về Đấng Cứu Thế sẽ chịu chết đền tội cho họ mà chiên con chỉ làm tượng trưng. Vì thế, khi Giăng Báp-tít thấy Chúa Jêsus đi ngang qua thì chỉ vào Ngài mà giới thiệu với các môn đồ mình rằng: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội lỗi thế gian đi” (Giăng 1:29).

Sự cứu rỗi chúng ta nhận được là quý báu vô cùng, vì nó là mạng sống của Đức Chúa Trời đã đổ ra. Điều đó cũng làm chứng rằng tội lỗi của chúng ta rất nhiều, sự hình phạt rất nặng, mà chỉ có Chúa Jêsus mới cứu chuộc được (Công-vụ 4:12). Đức Chúa Trời đã làm việc đó chỉ vì yêu thương chúng ta, muốn chúng ta thuộc về Ngài, được ở với Ngài đời đời.

Vậy, chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời đã được trọn trong đời sống của bạn hay chưa? Bạn đã nếm trải sự cứu rỗi của Chúa, đến mức sẵn sàng chia xẻ cho người khác chưa? Nếu chưa, hãy tin nhận Ngài hôm nay đi (Giăng 1:12-13).

CÂU HỎI
1. Công trình lớn nhất của Đức Chúa Trời là gì?
2. Tại sao chúng ta gọi đó là công trình lớn nhất?
3. Thế nào là tội?
4. Chúng ta bị kể là tội nhân khi nào?
5. Tội lỗi kinh khủng như thế nào?
6. Vậy khi được tha tội chúng ta phải xem mình được gì?
7. Đấng Cứu Thế mà Đức Chúa Trời đã hứa được hình dung bằng gì?
8. Xin kể ra các chiên con làm tượng trưng cho Đấng Cứu Thế?
9. Khi dâng chiên con làm lễ chuộc tội, dân Y-sơ-ra-ên hướng đức tin về ai? Tại sao?
10. Làm sao bạn biết chắc mình đã được cứu rỗi? 

Mục sư Đoàn Văn Miêng

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

Bài 26: Ðức Tin Là Chìa Khóa Của Cuộc Ðời

 
Bài 26: Ðức Tin Là Chìa Khóa Của Cuộc Ðời

Kinh Thánh:      Rô-ma 10:8-13; Hê-bơ-rơ 11:1-13.
Câu Gốc:      "Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Ðức Chúa Trời phải tin rằng có Ðức Chúa Trời, và Ngài là Ðấng hay thưởng cho cho kẻ tìm kiếm Ngài" Hê-bơ-rơ 11:6
Mục Ðích:   Cho chúng ta thấy rằng đức tin là con đường đưa tới sự sống, và chúng ta có thể làm được những việc lớn lao nhờ đức tin.

Kinh Thánh Ðọc Hằng Ngày

Chúa Nhật: Ý nghĩa của đức tin
 Hê-bơ-rơ 11:1-7
Thứ Hai: Ðức tin của Áp-ra-ham và Sa-ra
 Hê-bơ-rơ 11:8-9
Thứ Ba:  Ðức tin của Môi-se
 Hê-bơ-rơ 11:23- 29
Thứ Tư: Những anh hùng của đức tin
 Hê-bơ-rơ 11:30-40
Thứ Năm: Nguồn gốc của đức tin
 Rô-ma 10:8-17
Thứ Sáu: Ðức tin của một phụ nữ ngoại bang
 Ma-thi-ơ 15:21-28
Thứ Bảy: Ðức tin càng thêm lên
 Lu-ca 17:1-6

            Mỗi ngày chúng ta sống bởi đức tin. Ðưa tiền ra mua một vé xe, mua một con tem gởi thư, mua các thức ăn ngoài chợ đều là những hành động bởi đức tin. Ðọc báo chí, nghe đài phát thanh, xem thông cáo của chánh phủ cũng là những hành động bởi đức tin. Dầu là tin nhau giữa người với người, song chúng ta phải tin để sống. Nếu chúng ta đã có thể tin người, sao lại không có thể tin Ðức Chúa trời?
            Người ta thường nói dối vì hai lẽ:
                        1. Muốn lường gạt người khác. Hoặc là
                        2. Không đủ khả năng làm trọn lời hứa của mình.
Song Ðức Chúa Trời đã chẳng hề lừa gạt ai và Ngài là Ðấng toàn năng, bất luận điều chi Ngài đã hứa, Ngài đều có thể làm. Vì vậy, chúng ta rất dễ mà tin Ðức Chúa Trời.

I. Ðược cứu bởi đức tin (Rô-ma 10:8-13)
            Nhờ đức tin mà chúng ta nhận được ân điển của Chúa. Ân điển ban cho không điều kiện, song ta muốn được phải tin. Chúng ta không thể được một ơn phước nào từ Ðức Chúa Trời, nếu chúng ta không tin: "Nhưng phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ, vì kẻ hay nghi ngờ giống như sóng biển, bị giao động và đưa đi đây đi đó. Người như thế chớ nên tưởng rằng mình lãnh được chi từ nơi Chúa" (Gia-cơ 1:6-7). Chúa ban cho dân Y-sơ-ra ên xứ Ca-na-an làm cơ nghiệp, song "chúng ta thấy những người ấy không thể vào đó được vì cớ không tin" Hê-bơ-rơ 3:19). Chúa Giê-xu đã hoàn thành sự cứu rỗi cho chúng ta trên thập-tự-giá và Ngài đã sống lại. Trước khi về trời, Ngài phán với các môn đồ "Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin lành cho mọi người. Ai tin và chịu phép báp têm sẽ được rỗi, nhưng ai chẳng tin sẽ bị đoán phạt" (Mác 16:15-16). "Vậy nếu miệng ngươi xưng Ðức Chúa Giê-xu và lòng ngươi tin rằng Ðức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu, vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi. Vả, Kinh thánh nói rằng: Kẻ nào tin sẽ chẳng bị hổ thẹn " (Rô-ma 10:9-11).

II. Ðược sống bởi đức tin (Hê-bơ-rơ 11:1-13)
            Tất cả những người được cứu bởi đức tin, cũng được sống bởi đức tin. "Vì trong Tin lành nầy có bày tỏ sự công bình của Ðức Chúa Trời bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sống bởi đức tin" (Rô-ma 1:17). "Người công bình của ta sẽ cậy đức tin mà sống" (Hê-bơ-rơ 10:38).
            Các vĩ nhân của Ðức Chúa Trời được kinh thánh ghi chép lại đều là những người sống bởi đức tin. Bởi đức tin, A-bên dâng cho Ðức chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Ca-in. Bởi đức tin, Hê-nóc sống đẹp lòng Ðức Chúa Trời. Bởi đức tin, Nô-ê thành tâm kính sợ đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình. Bởi đức tin, Ap-ra-ham vâng lời Chúa gọi lìa Canh-đê qua Ca-na-an. Họ dám làm những việc lạ lùng, trở nên những con người vĩ đại, vì đã sống bởi đức tin.
            Danh sách các vĩ nhân của Ðức Chúa Trời không phải chấm dứt vào cuối đoạn 11 của Hê-bơ-rơ đâu. Các vĩ nhân được ghi chép trong đó chỉ tượng trưng thôi. Trải qua 20 thế kỷ, con số vĩ nhân của Chúa đã tăng gia rất nhiều, một mình Chúa biết rõ. Nếu hết lòng yêu mến Chúa, chúng ta rất ước ao tên mình được ghi trong danh sách này. Ðiều kiện để được ghi tên trong danh sách vĩ nhân của Ðức Chúa Trời là đời sống đức tin.

III. Nền tảng của đức tin
            Ðức tin mà chúng ta nói đây, không phải là tin nhảm, tin càn, tin ai, tin gì cũng được. Ðối tượng duy nhất của đức tin là Ðức Chúa Trời: A-bên tin Ðức Chúa Trời, Hê-nóc tin Ðức Chúa Trời, Nô-ê tin Ðức Chúa Trời, Áp-ra-ham tin Ðức Chúa Trời, nên Ðức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Ðức Chúa Trời của họ (Hê-bơ-rơ 11:16). Ðức Chúa Trời bảo và hứa, họ tin mỗi lời phán dạy của Ngài và làm theo. Bởi đức tin, họ đã tôn vinh Chúa và Chúa cũng tôn vinh họ.
            Ngày nay, chúng ta có toàn bộ Kinh thánh trong tay. Kinh thánh là quyển sách lời hứa, chứa đựng rất nhiều lời hứa rất quí, rất lớn của Chúa cho chúng ta. Chúa Giê-xu không hề phán: Có lẽ, phỏng chừng, mà luôn luôn "Quả thật, quả thật !" Ngài phán như thế rằng: "Trời đất sẽ qua, song lời ta nói chẳng bao giờ qua đâu" (Ma-thi-ơ 24:35; Mác 13:31). Chúng ta phải nhờ đức tin bám chặt mỗi một lời hứa của Chúa cho mình. Kinh thánh như một kho tàng vô tận mà mỗi chúng ta đều có phần trong đó. Nhờ đức tin, chúng ta khai thác kho tàng nầy để làm giàu cho sự sống thuộc linh của mình. Tin nhiều được nhiều, tin ít được ít, không tin không được gì cả. Khi dân Y-sơ-ra-ên vào Ca-na-an, Chúa hứa với họ "Phàm nơi nào bàn chân các ngươi đạp đến thì ta ban cho các ngươi" (Giô-suê 1:3). Vậy, họ đi chậm đươc ít, đi mau được nhiều, không đi, không được gì hết. Ơn phước của Chúa như đại dương bao la, man mác, như dòng sông sâu rộng vô cùng chúng ta cần bao nhiêu cũng có, múc bằng vô luận cái gì cũng đày.
            Khi đứa em phá của trở về, và trước sự lầm bầm của anh cả, người cha nói: "Con ơi, con ở với cha luôn, hết thảy của cha là của con" (Lu-ca: 15:31). Thế mà lâu nay, anh cả cứ cay đắng vì bị thiệt thòi, cho cha mình là bất công, hẹp lượng. Anh chưa hề biết lòng rộng rải của cha đối với mình. Chúng ta có thể như người anh cả đó. Ðang khi Chúa bảo "Con ơi, hết thảy của cha là của con", chúng ta vẫn sống trong nghèo nàn, trong cay đắng, không ngớt lằm bằm, oán trách Chúa. Ghê thay là lòng vô tín ! Nó không tôn vinh Ðức Chúa Trời mà sỉ nhục Ngài.

IV. Sự phát triển của đức tin.
            Phải có đức tin mới sống đẹp lòng Ðức Chúa Trời. Vì vậy, đức tin cần phát triển để ngày càng mạnh mẽ hơn. Ðể được phát triển, đức tin phải chịu thử thách. Ða-vít nói "Ngài tập tôi đánh giặc, đến nỗi cánh tay tôi vương nổi cung đồng" (Thi 18:34).
            Ðức tin của Áp-ra-ham luôn luôn chịu thử thách. Nào là đói kém tại Ca-na-an, sự tranh giành của Lót, bà Sa-ra son sẻ, nhất là dâng Y-sác làm của lễ thiêu cho Ðức Chúa Trời. Song nhờ chịu thử thách đức tin của Áp-ra-ham đã phát triển đúng mức (Hê-bơ-rơ 11:17-19).
            Các môn đồ đi theo Chúa, không phải chỉ một lần mà họ có đức tin lớn mạnh đâu, song phải trải qua nhiều lần, nhiều cách bị thử thách. Lần thứ nhất họ qua biển với Chúa, gặp bão tố, Chúa quở một lời biển lặng, sóng yên. Họ hỏi nhau "Người nầy là ai mà gió và biển đều vâng lệnh người ? " (Ma-thi-ơ 8:23-27). Lần thứ hai họ qua biển mà Chúa không đi cùng. Lối canh tư, họ còn đang lênh đênh giữa biển, thình lình họ thấy một bóng người đi bộ trên mặt biển, nên họ tưởng là ma mà la lên. Chúa phán "Các ngươi hãy yên lòng, ấy là ta đây, đừng sợ". Sau đó, các môn đồ quỳ lạy Ngài mà thưa rằng: "Thầy thật là Con Ðức Chúa Trời" (Ma-thi-ơ 14:22-33).
            Chúng ta phải sẵn sàng chịu thử thách để đức tin mình được phát triển. Chúa Giê-xu phán với Phi-e-rơ "Hỡi Si-môn, Si-môn, nầy, quỉ Sa-tan đã đòi sàng sảy ngươi như lúa mì. Song ta đã cầu nguyện cho ngươi, hầu cho đức tin ngươi không thiếu thốn" (Lu-ca 22:31-32).
            Ngoài ra, chúng ta phải như các môn đồ, luôn luôn cầu nguyện: "Xin thêm đức tin cho chúng tôi" (Lu-ca 17:5)
            Ðức tin của chúng ta có nơi Chúa là một tài sản quí báu và lớn lao. Hãy đứng vững trong đức tin, hãy giữ gìn đức tin, đừng để kẻ cướp "giựt lột hết" (Lu-ca 10:30). Mất đức tin là mất hết mọi sự rồi.

Câu hỏi
1. Trong cuộc sống giữa đồng bào, chúng ta đã sử dụng đức tin như thế nào?
2. Bởi đâu chúng ta nhận được ân điển của Chúa?
3. Bởi đâu dân Y-sơ-ra-ên không được vào Ca-na-an đượm sữa và mật?
4. Chúng ta đã nhờ đức tin mà được cứu, thì cũng nhờ đức tin mà được gì nữa?
5. Người sống đẹp lòng Ðức Chúa Trời phải nhờ gì?
6. Nhờ đâu người ta trở thành vĩ nhân của Ðức Chúa Trời?
7. Chúng ta tin gì? Tin ai?
8. Nền tảng của đức tin chúng ta là gì?
9. Làm sao để đức tin được phát triển?

Mục sư Đoàn Văn Miêng

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

Bài 25: Ân Ðiển Của Ðức Chúa Trời

 
Bài 25: Ân Ðiển Của Ðức Chúa Trời

Kinh Thánh:     Rô-ma 3:21-26; 6:14-19
Câu Gốc:       "Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Ðức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình" Ê-phê-sô 2:8-9
Mục đích:     Cho tín hữu biết rằng sự cứu rỗi là một đặc ân của Ðức Chúa Trời ban cho cách vô điều kiện cho loài người chúng ta.

Kinh Thánh đọc hằng ngày

Chúa Nhật: Luật pháp và ân điển.
 Lu-ca 10:25-28; Giăng 1:17
 II Cô 4:6; Ê-phê-sô 2:8-9
Thứ Hai: Trước luật pháp mọi người đều phạm tội.
 Rô-ma 3:9-20
Thứ Ba: Ân diển của Ðức Chúa Trời.
 Rô-ma 3:21-31
Thứ Tư: Chúng ta được cứu nhờ ân điển của Ðấng Christ.
 Ma-thi-ơ 20:28
 IICô 5:21; Ga-la-ti 3:13
Thứ Năm: Chúng ta được giữ gìn trong sự sống của Ðấng Christ.
 Rô-ma 1-15; ITim 2:6;   IPhi 1:18-19
Thứ Sáu: Chúng ta nhờ cậy ân điển của Chúa.
 Rô-ma 6:11-23
Thứ Bảy: Hãy đi và đừng phạm tội nữa.

 Giăng 8:1-11

   Ân điển hoặc ân sủng là ân huệ lớn lao của người trên ban cho kẻ dưới một cách không điều kiện. Tại nhà trường, một học sinh được ban thưởng với điều kiện phải có điểm cao. Ðó không phải là ân điển.
            Ân điển của Ðức Chúa Trời là sự biểu lộ tình thương vô lượng của Ngài đối với kẻ không xứng đáng gì cả. Bởi ân điển của Ðức Chúa Trời ban cho loài người mọi sự một cách không điều kiện, tức là không tùy thuộc loài người tốt hay xấu, mà tùy thuộc sự nhân từ, thương xót của Ngài.

I. Chúng ta được cứu bởi ân điển của Ðức Chúa Trời. (Rô-ma 3:21-26)
            Kinh thánh lên án các dân ngoại bang, dân Do thái và toàn thể nhân loại điều đã phạm tội (Rô-ma 1:18-3:20). "Và họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Ðức Chúa Giê-xu Christ" (Rô-ma 3:24).
            Chúng ta, cả thảy là những tội nhân khốn nạn, không thể làm gì để được cứu rỗi, cũng chẳng ai có thể cứu rỗi chúng ta. Song bởi ân điển của Ðức Chúa Trời, Chúa Giê-xu đã giáng thế, tình nguyện chịu chết trên thập-tự-giá làm của lễ chuộc tội chúng ta. Nhờ tin nhận công lao cứu chuộc đó, chúng ta được kể là công bình, vì đứng trong địa vị công bình của Chúa Giê-xu. Ấy chẳng phải bởi việc làm của chúng ta nên chẳng ai có một cớ nhỏ để khoe mình, mà chỉ có cớ để cảm tạ Chúa thôi.
            Người tội lỗi lại thích khoe khoang, muốn làm một việc gì để được cứu rỗi, hơn là chỉ nhờ ân điển của Chúa. Song người không biết rằng càng cố gắng càng thất bại. Ða-vít nói "Tôi bị lún trong bùn sâu, nơi không đụng cẳng, bị chìm trong nước sâu, dòng nước ngập tôi" (Thi 69:2). Ða-vít như người bị rơi vào chỗ đất lầy, bị lún xuống mãi mà không có chỗ nào vững chắc để đặt chân, nên càng vẫy vùng càng bị lún xuống mau hơn. Ông bị dòng nước lôi cuốn và nhận chìm trong hoàn cảnh đó, người tội lỗi phải tuyệt vọng, chỉ chờ chết mà thôi. Ða-vít đã kêu cầu Chúa và được Ngài giải cứu "Ngài cũng đem tôi lên khỏi hầm gớm ghê, khỏi vũng bùn lấm, Ngài đặt chân tôi trên hòn đá và làm cho bước tôi vững bền" (Thi 40:2).
            Ê-sai mô tả loài người đã trở nên một vật ô uế, một khối tội lỗi. Dầu có gắng làm việc công bình để có cớ khoe khoang, song trước mặt Ðức Chúa Trời, các việc công bình đó như một chiếc áo bẩn thỉu, mà kẻ mặc vào chỉ chuốc lấy cho mình sự hổ thẹn. Ai nấy như một chiếc lá héo, còn tội ác của mình như một ngọn gió đùa mình đi (Ê-sai 64:6). Trái lại, ân điển của Chúa như một lễ phục của chàng rể và cô dâu trong ngày thành hôn (Ê-sai 61:10).
            Cảm tạ Ðức Chúa Trời, Ngài đã cho chúng ta được cứu rỗi bởi đức tin đến Chúa Giê-xu, trong đó có sự tha thứ, xưng công bình, tái sanh, nên thánh, lựa chọn, kêu gọi, hy vọng một cách chắc chắn. Mọi sự đó không ai có thể mua được bằng tiền bạc, hay bằng công đức riêng. Song ai nấy có thể nhận được một cách vô điều kiện bởi ân điển của Chúa.

II. Ðược sống bởi ân điển của Ðức Chúa Trời (Rô-ma 6:14)
            Sau khi được cứu bởi ân điển, chúng ta cũng sống bởi ân điển mỗi ngày của đời mình. Có người đã lầm hiểu một cách tai hại rằng sau khi đã được cứu bởi ân điển, chúng ta có thể nhờ sức riêng của mình mà giữ luật pháp không? Ðành rằng luật pháp là thánh thiện, song không ai có thể nhờ sức riêng mà giữ trọn luật pháp, Phao-lô nói "Vì chúng ta không thuộc dưới luật pháp, nhưng thuộc dưới ân điển, thì chúng ta sẽ phạm tội hay sao? Chẳng hề như vậy!" (Rô-ma 6:15). Trái lại, ân điển giúp chúng ta không những làm trọn luật pháp, mà làm trổi hơn nữa. Ông chủ nào, nô lệ nấy, vì nô lệ phải hoàn toàn vâng phục ông chủ. Ông chủ xấu, nô lệ cũng xấu; ông chủ tốt, nô lệ cũng tốt. Khi trước chúng ta làm nô lệ cho tội lỗi, nên ai nấy phải phạm tội. Bây giờ, chúng ta đã được Chúa Giê-xu đổ huyết ra mua chuộc và vì vậy, chúng ta thuộc về Ngài, trở nên nô lệ của Ngài. Là nô lệ của Chúa, chúng ta vâng phục Ngài và ăn ở thánh khiết như Ngài.
            Luật pháp và ân điển trái nhau. Luật pháp đòi hỏi, ân điển ban cho. Luật pháp bảo phải làm để được, còn ân điển bảo phải tin để được. Luật pháp lên án, rủa sả; còn ân điển tha thứ, rửa sạch. Phao-lô đã cố gắng giữ luật pháp, song đồng thời ông bắt bớ Hội thánh của Chúa. Nhưng ông đã được cứu bởi ân điển, rồi được kêu gọi làm sứ đồ để suốt đời nhờ ân điển mà hầu việc Ngài. Ông nói "Tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ân điển của Ðức Chúa Trời đã ở cùng tôi" (ICô 15:10). Khi ông kêu cầu Chúa cứu mình khỏi sự yếu đuối, thì Chúa bảo "Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối" (IICô 12:9). Vì vậy, về sau ông nói "Tôi làm được mọi sự, nhờ Ðấng ban thêm sức cho tôi" (Phi-líp 4:13).
            Chúa Giê-xu đã sống cuộc đời thánh khiết tại trần gian. Bây giờ Ngài muốn tiếp tục sống cuộc đời đó trong mỗi chúng ta, nếu ai nấy tôn thờ Ngài làm Chúa của đời mình. Khi được Chúa ngự trị trong lòng mình, chúng ta không sống theo luật pháp là mắt đền mắt, răng đền răng, yêu người lân cận, ghét kẻ thù nghịch như sự công bình của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si, mà trổi hơn họ là yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ mình (Ma-thi-ơ 5:38-45). Chúa Giê-xu đã cầu nguyện cho kẻ đóng đinh Ngài "Lạy Cha, xin tha cho họ" (Lu-ca 23:34). Ngài đã tiếp tục sống cuộc đời đó trong Ê-tiên, nên ông ấy cũng đã cầu nguyện cho kẻ ném đá mình "Lạy Chúa, xin đừng đổ tội này cho họ (Công 7:60).
            Bởi ân điển, Chúa đã cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi cảnh nô lệ tại Ê-díp-tô song chưa hết, cũng bởi ân điển đó, Ngài chăm nuôi, dẫn dắt bảo vệ họ suốt 40 năm trong đồng vắng, cho đến khi đưa họ vào tận Ca-na-an đượm sữa và mật. Họ đã được cứu bởi ân điển và cũng đã được sống bởi ân điển. Nếu không nhờ ân điển của Chúa, dân Y-sơ-ra-ên không thể nào sống nổi 40 năm trong đồng vắng, chúng ta cũng vậy. Phi-e-rơ khuyên "Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa" (IIPhi 3:18).
            Trong ân điển vô lượng vô biên của Chúa, dầu chúng ta có tấn tới đến đâu cũng không bao giờ hết. Ân điển đó như dòng sông vô tận không bao giờ cạn. Dầu nhu cầu của chúng ta có lớn đến đâu, thì đối với ân điển của Chúa, nó vẫn còn là nhỏ mọn quá. Phao-lô khuyên "Hãy cậy ân điển trong Ðức Chúa Giê-xu Christ mà làm cho mình mạnh mẽ" (IITim 2:1). Ân điển cao thâm, dư dật của Chúa làm cho người yếu đuối trở nên mạnh, người nghèo trở nên giàu, người hèn hạ trở nên cao trọng.

Câu hỏi
1. Ân điển của Chúa có nghĩa gì?
2. Tại sao chúng ta không thể nhờ việc công bình của mình để được cứu?
3. Ðược cứu bởi ân điển của Chúa có nghĩa gì?
4. Ða-vít nói thể nào về lúc ông chưa được cứu và sau khi được cứu?
5. Ðược sống bởi ân điển có nghĩa gì?
6. Nhờ ân điển của Chúa, chúng ta có thể sống thế nào?
7. Luật pháp khác với ân điển ra sao?
8. Ân điển cao hơn luật pháp thể nào?
9. Hãy giải thích sự kiện dân Y-sơ-ra-ên được cứu bởi ân điển và được sống bởi ân điển trong 40 năm?
10. Tại sao chúng ta không có cớ khoe khoang?

Mục sư Đoàn Văn Miêng

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2018

“Hãy Nhớ Đến Thiếu Niên Tin Lành!”


Thiếu niên – các em không quá nhỏ như các bé nhi đồng cần phải có ba mẹ kề bên mỗi giây phút. Thiếu niên – các em cũng chưa thật sự đủ mạnh mẽ và vững vàng để đối diện với những thử thách trong đời như các anh chị thanh niên. Nhưng Thiếu niên – các em chính là lứa tuổi chuyển tiếp từ trẻ con sang tuổi trưởng thành. Chính vì thế, ở các em có nhiệt huyết, có trí tuệ, có tâm tư tình cảm, có cả sự ngông cuồng, nổi loạn khiến các bậc phụ huynh hay Hội Thánh phải đau đầu. Có lẽ ở cái tuổi thiếu niên thì “cái tôi” trong con người bộc lộ rõ rệt nhất, hầu hết các em sống đúng theo câu Kinh Thánh chép trong Truyền Đạo 11:9, “Hỡi kẻ trẻ kia…hãy đi theo đường lối lòng mình mong muốn và nhìn xem sự mắt mình ưa thích...” Nhưng đó chỉ là vế đầu. Còn vế sau các em để tạm vào một nơi nào đó không mấy quan tâm đến: “...nhưng phải biết rằng vì mọi việc ấy Đức Chúa Trời sẽ đòi ngươi đến mà đoán xét.”
Các em dường như bị bỏ quên trong Hội Thánh, vì cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” mà còn gây nhiều phiền phức cho người khác. Nhưng thật ra đây là lứa tuổi rất cần sự quan tâm của người lớn hơn hết. Đây cũng là nan đề mà Hội Thánh và cha mẹ cần nên thấu hiểu, sẻ chia và nhớ đến các em.
  1. Chưa có Chúa làm chủ đời sống
Một cuộc khảo sát nhỏ được tạo ra để thăm dò ý kiến của các em thiếu niên ở các Hội Thánh khác nhau về câu hỏi: “Theo em thì thực trạng của thiếu niên Cơ Đốc ngày nay là gì?” Câu trả lời nhận được đều là “… các bạn bị ảnh hưởng quá nhiều vào mạng xã hội (MXH) và không thật sự có Chúa trong đời sống…”
Thật vậy, trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển, ngày nay phần lớn các em đều mang bên mình một chiếc “smartphone”, và kèm theo đó là vài tài khoản cá nhân trên MHX, đặc biệt là Facebook. Các em xây dựng một tượng đài cho chính mình trên những trang MXH và xem đó là lí tưởng sống mỗi ngày của mình. Thiếu niên đã vô tình phạ0m lỗi thờ thần tượng, mà không biết, vì không ai nói cho các em biết. Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên là mở mắt, việc kế tiếp là tìm xem điện thoại nằm ở đâu để truy cập vào MXH xem có “biến” gì xảy ra hay không. Rồi cứ cách vài phút các em “update” trang cá nhân của mình bằng những “status”, những hình ảnh “câu like”, trừ khi phải làm việc gì đó nếu không thì cứ mãi cúi mặt vào điện thoại. Đến cuối ngày, “lướt web” chán chường rồi lại lăn ra ngủ. Tuổi thơ ấu, các em được ba mẹ dạy rằng sáng thức dậy là thưa chuyện với Chúa, dâng ngày mới trong sự tể trị của Ngài, đến tối trước khi ngủ thì trình dâng mọi sự lên cho Ngài qua lời cầu nguyện. Các em quan tâm nhiều hơn về mối liên hệ giữa mình với các bạn, với những đề tài mình yêu thích và có thể ngồi nói với nhau hằng ngày hằng giờ về nó. Nhưng các em không thể có thời gian để nói chuyện với Chúa hay là tĩnh nguyện riêng với Ngài.
Có lẽ Lời Chúa quá khô khan chán ngắt, hoặc quá cao siêu với các em chăng? Hay là thưa chuyện với Chúa chỉ là nhiệm vụ, để biến mình thành một đứa trẻ ngoan đạo chứ không hề biết đó là hơi thở thuộc linh của mình? Ngày Chúa nhật, cùng với chiếc điện thoại các em đến nhà thờ có lẽ do Kinh Thánh và Thánh Ca có vẻ hơi nặng, nên các em “tải apps” về điện thoại thế là vừa gọn nhẹ lại vừa tiện lợi. Chúa Nhật không có gì khác với các em, chỉ khác ở chỗ là được gặp bạn bè ở đó, rồi lại đùa vui các kiểu bàn tán về những giá trị đời này. Những câu chuyện xoay quanh chủ đề phải mặc gì cho hợp thời, phải xài gì cho sành điệu, chiếc điện thoại nào mới ra và giá cả của nó v..v…Ôi thôi là bao nhiêu chuyện. Con cái Chúa thì phải “sống đạo giữa đời”, nhưng ngày nay thiếu niên đang cố tình “đem đời vào đạo”!
  1. Đang đắm mình vào thế giới ảo
Thế giới ảo khiến các em rụt rè hơn hẳn, chẳng muốn tham gia vào các hoạt động của Ban Thiếu Niên nữa. Ngay cả giờ thờ phượng Chúa, các em cũng chẳng muốn ca ngợi Chúa hết lòng. Đơn giản là việc bước ra khỏi nhà để xem mọi vật, mọi người ở xung quanh mình ra sao, các em cũng chẳng quan tâm. Cái ốc đảo mà các em đang sống quá rộng lớn chăng, hay các em đang cố thu mình trơ trọi ở đó. Trong khi 7,5 tỉ người ngoài kia đang chờ đợi các em đem Tin Lành đến, đem bình an đến cho họ, mà chính bản thân các em lại đang vùi dập mình trong game, trong MXH, trong cái vỏ bọc của mình. Các em đang bị MXH trói chặt tay chân của các em, các em đang làm nô lệ cho những điều đó.
Có em vì cha mẹ hay cãi nhau, thiếu đi tình thương, sự quan tâm của gia đình, nên các em tìm đến nơi có thể gửi gắm nổi lòng. Nhưng các em đã chọn sai đối tượng để giải bày nên  bị cuốn vào tệ nạn xã hội, bị lôi kéo xa Chúa hơn. Các em lao vào cái gọi là “yêu” vì bị hấp dẫn bởi các bạn khác phái ở thế gian và sống buông thả theo ý mình. “Yêu” được vài tuần, vài tháng thì chia tay. Mọi việc chỉ để các em thể hiện bản thân mình, chứng tỏ mình không thua kém ai “ai sao tui vậy”.
  1. Học quá mức
Bên cạnh đó một số em được gia đình “quan tâm” đến mức phải chú tâm học. Học ở trường, học thêm ở nhà, lại phải học đàn, học hát, học võ, học bơi… Chẳng qua là ba mẹ muốn các em trở thành người xuất sắc nhất theo cách của ba mẹ, nhưng ba mẹ đâu hiểu các em mệt mỏi và stress cỡ nào. Tháng ngày người ta nghỉ hè, thì các em vùi đầu vào sách vở, nhất là mấy cái kì tuyển sinh ập đến, học đến nổi tàn phai nhan sắc! Vậy nên mỗi khi đến nhà Chúa các em đem những sự mệt mỏi bất an, lo lắng của mình đến, nhưng thay vì trình lên cho Chúa thì các em giải quyết theo cách riêng của mình. Một là im lặng, ở đó hết giờ rồi về, mọi người nói các em lạnh lùng khó gần. Hai là, ai giảng Lời Chúa cứ giảng, em “giảng” với bạn em, rồi em bị cho là gây ồn, không được anh chị đặc trách ưu ái nữa. Rồi không ai quan tâm, không ai thăm hỏi, các em bỏ nhóm lại như một thói quen.
  1. Kết ước theo cảm xúc
Rồi đến các kì trại hè, hay khoá học Thánh Kinh Căn Bản, hoặc đến với các buổi bồi linh thông công giao lưu với các BTN Hội Thánh khác. Tại đây các em cảm thấy được khích lệ, được an ủi, lấp đầy những lỗ hổng trong đời mình. Các em đã dám đứng lên kết ước dâng cuộc đời mình cho Chúa, cảm thấy tươi mới khi Chúa xóa bỏ mọi tội lỗi mình và hứa nguyện rằng từ nay con sẽ bước đi trong ánh sáng, con sẽ rao danh Ngài khắp mọi nơi…. Đó là chuyện ở trại, ở các khóa học, khi bài giảng của các tôi tớ Chúa chạm đến tấm lòng của các em. Nhưng phải chăng đó chỉ là cảm xúc nhất thời khi mà trở về Hội Thánh, khi trở về nhà riêng, các em lại tiếp tục sống trong vòng luẩn quẩn của tội lỗi cứ phạm tội – ăn năn – rồi lại phạm tội. Có thể các em sẽ có lửa thiêng hừng hực trong lòng, được một, hai tuần, thậm chí một tháng nhưng dần dần lửa lại tắt đi. Rồi các em xem đi trại như một dịp để gặp bạn bè, để đi đây đó, đến với khóa học Thánh Kinh Căn Bản cũng để vui thôi chứ thật sự không tìm kiếm Chúa không biết mục đích của mình là gì. Dần dần thiếu niên sẽ biến mình thành một Cơ Đốc nhân theo mùa, mùa trại, mùa Thánh Kinh Căn Bản… Khi đó những cam kết của các em sẽ trôi về đâu, ai là người giúp các em nhớ lại kết ước của mình với Chúa và hướng các em đi tiếp?
  1. Cần sự quan tâm thật sự từ người lớn
Những người gần gũi các em nhất là ba mẹ, người thân. Nơi nuôi dưỡng tâm linh các em là từ Hội Thánh, từ Lời Chúa. Các bậc phụ huynh nên quan tâm đến con mình nhiều hơn, nhất là về tâm lý và hướng suy nghĩ của con mình. Đừng áp đặt điều mình muốn lên con mình, đừng cố ép con cái làm điều ba mẹ muốn thay vì điều Chúa muốn. Hãy nuôi dạy con bằng tình yêu thương và đức tin nơi Chúa. Hãy là tấm gương để các con noi theo và đối xử với con cái như những người bạn. Đa số các em thiếu niên sẽ thích tâm sự hay nói chuyện với bạn bè của mình hơn là với ba mẹ. Vì thế đừng cố tỏ ra quá nghiêm khắc với các con, chúng sẽ có khoảng cách với ba mẹ đấy. Hãy cầu nguyện cho con cái và nói về tình yêu của Chúa cho các con nghe.
Ba mẹ hãy làm hết sức có thể để gần gũi với con hơn, nhất là ngôi nhà của mình, hãy để nó là nơi tuyệt vời nhất, thoải mái nhất của các con sau những giờ học tập vất vả, có ai muốn về nhà với những tiếng la mắng hay cằn nhằn mãi đâu chứ!  Ba mẹ cũng hãy tôn trọng ý kiến của các con. Dù biết rằng mọi quyết định là của người lớn nhưng thiếu niên rất muốn bày tỏ quan điểm của mình. Hãy tạo cơ hội để con cái không cảm thấy mình dư thừa trong việc gia đình.
Thiếu niên rất dễ bị tổn thương bởi lời nói, vì thế ba mẹ đừng cứ mãi nói con mình là vô dụng, hay chả làm được tích sự gì, suốt ngày ăn chơi. Ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm mà, sao ba mẹ không nhìn vào ưu điểm của con mình và tự hào về điều đó. Có thể con học không giỏi nhưng con đàn hay, con có thể phục vụ nhà Chúa mà. Có thể con không quá thông minh nhưng con biết việc nào là nên làm. Ba mẹ hãy tạo cho con cái có niềm tin vào cuộc sống vào tương lai, thay vì áp đặt con phải học trường này, ngành kia. Hãy nói với con mình rằng: cứ làm hết sức mình và tin cậy nơi Chúa. Thiếu niên không muốn bị kiểm soát quá nhiều, nhưng được quan tâm đúng mực và động viên kịp thời các em sẽ tạo nên những thành công lớn. Gia đình là nơi tốt nhất để các em học về tình yêu, tình thương, cách đối nhân xử thế, … và nhất là con đường các em phải theo là tin nơi Chúa Cứu Thế.
            Hội Thánh cần quan tâm lứa tuổi thiếu niên cách đặt biệt. Đã bao giờ Ban Trị Sự Chấp Sự Hội Thánh ngồi lại và nhìn về Ban thiếu niên của Hội Thánh đang như thế nào chưa? đáng mừng, hay thật đáng buồn? Có những chương trình, những dự định các em muốn thực hiện nhưng không thể vì không được cho phép. Có những chuyện các em muốn tâm sự muốn giải bày nhưng không biết nói cùng ai vì không có đặt trách. Anh chị hay cô chú đặt trách là những người rất quan trọng. Chẳng những phải có tâm mà còn phải có tầm để gắn bó với thiếu niên để buộc mình vào chức vụ. Tính cách mỗi em mỗi khác, hoàn cảnh mỗi đứa khác nhau, vậy mà Hội Thánh có mấy ai quan tâm lớp trẻ này. Đặt trách không phải là chăn một đứa mà là chăn cả bầy, là người nối kết giữa thiếu niên với Hội Thánh. Thiếu niên sẽ không được góp phần vào công việc nhà Chúa nếu không cho các em cơ hội, và không thấy mình có trách nhiệm gì cả.
Hội Thánh cũng nên tạo sân chơi để các em thể hiện mình qua các môn thể thao hay các hoạt động đội nhóm để phá bỏ sự rụt rè và kết thêm nhiều bạn. Việc khích lệ các em học Lời Chúa là vô cùng quan trọng, phải có nền tảng Lời Chúa thật chắc thì các em mới đủ sức chống lại cám dỗ đời này và vượt qua những thách thức đức tin. Hãy quan tâm tuổi thiếu niên nhiều hơn và lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của các em để mầm xanh phát triển, các em sẽ khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta. Hãy dạy các em biết làm sáng danh Chúa ở nơi học nơi chơi để việc chia sẻ niềm tin không phải là một khái niệm gì đó xa vời mà sẽ là nhiệm vụ mà các em thực hiện cách vui thỏa không hề do phàn nàn hay ép uổng.
Thiếu niên, các em cần biết mục đích sống của mình là gì. Thiếu niên chính là thành phần đông đảo nhất của Hội Thánh. Các bậc phụ huynh hãy dạy dỗ dẫn dắt con mình theo ý Chúa. Những ai là đặc trách thiếu niên hãy thật sự quan tâm các em đừng để các em đến nhà Chúa nghe Lời Ngài và rồi ngủ quên như Ơ-tích. Hãy cầu xin Chúa đồng đi ban sức cho và dùng tình yêu thương của Ngài mà hướng dẫn thiếu niên. Thiếu niên hiện nay đang đứng trước bờ vực của tệ nạn xã hội.
Nguyễn Thanh Nhã (HTTLVN.ORG)

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

THÔNG BÁO: V/v Tập hát Tôn vinh Chúa quý 4/2018



Số: 23/2018/BTTN-TB

Thể theo tinh thần mục tiêu đầu năm đã đề ra, mỗi quý Ban TTN sẽ tôn vinh Chúa 1 lần trong giờ Thờ phượng của Hội Thánh. Quý 4-2018, Ban TTN sẽ tập hát tôn vinh Chúa ca khúc: Giê-xu bên con (Nhạc và lời: Tường Minh). 

Thời gian tập hát: Chúa nhật các ngày 28/10 và 11/11/2018.
Thời gian TVC: Chúa nhật, 18/11/2018 (dự kiến).

Rất mong các anh chị em trong lứa tuổi Thanh Thiếu niên cùng tham gia tập hát tôn vinh Chúa. Nguyện xin Chúa ban ơn lành trên hết thảy chúng ta!

Dưới đây là sheet nhạc của bài hát này.


Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

Thực Trạng Của Tuổi Thiếu Niên Và Cách Giúp Đỡ

I. Thực trạng của tuổi thiếu niên hiện nay
Thiếu niên ngày nay là một thế hệ năng động, được trang bị học vấn tốt cũng như các lĩnh vực khác như hội họa và âm nhạc, biết sử dụng rành mạch các thiết bị điện tử, công nghệ thông tin…mặt khác lại có những nhược điểm:
  1. Ít biết về Lời Chúa
 Nói về tri thức bên ngoài chắc các em không thua ai, nhưng nói về Lời Chúa thì mù tịt. Các em không để thì giờ đọc Kinh Thánh. Số lượng Bài Học Kinh Thánh Hằng Ngày bán cho ban thiếu niên đếm trên đầu ngón tay, chỉ có một vài bạn có quyển này mà thôi! Các em có thể tìm mua những món hàng độc đáo, lạ và thời trang, nhưng mấy khi tìm mua và đọc sách bồi linh. Đi nhóm thì lại thích chơi, sinh hoạt nhiều hơn là học Lời Chúa, thích nhóm họp giao lưu, đi trại, đi “picnic” nhiều, có như thế ban mới đoàn kết, ban mới mạnh???
Nhạc trẻ ngoài đời bài nào mới các em đều biết tuốt, nhưng những bài hát trong quyển Thánh Ca thì không biết, hoặc không thích hát, chỉ thích chọn những bài “biệt Thánh Ca” hơn. Nhưng các em chưa thử suy nghĩ những ca từ của các bài Thánh Ca, nó vô cùng sâu sắc, làm cho tâm hồn nhẹ nhàng thư thái.
  1. Thích tò mò bói khoa
Có thể vô tình, hay cố ý thích tò mò, muốn biết những điều lạ, biết tương lai, vận may của mình ra sao, nên các em tìm những bài tử vi như về các cung sao, tuổi, qua trang mạng internet, hoặc sách báo. Các em dễ bị ma quỷ dẫn dụ và xem các bài viết này, dẫn đến xem tương lai của mình phụ thuộc vào các dự báo bói tử vi…Tất cả những việc làm này chung quy bắt nguồn từ việc hiểu biết Lời Chúa chưa kĩ.
  1. Ảnh hưởng trào lưu LGBT
Ngày nay trào lưu LGBT (tên viết tắt của cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ –Lesbian, đồng tính luyến ái nam –Gay, song tính luyến ái –Bisexual và hoán tính hay còn gọi là người chuyển giới –Transgender) không còn xa lạ với mọi người, nhất là giới trẻ. Các em dễ ảnh hưởng phong cách ăn mặc và cư xử không đúng với bản chất con người do Chúa tạo ra. Bên cạnh đó là trào lưu xâm hình nghệ thuật trên tay hoặc sau ót, các em cho rằng như thế là đẹp dù biết Lời Chúa không cho phép làm như vậy!
  1. Bỏ bê việc nhóm lại
Các lớp trường Chúa nhật hoặc nhóm phân ban thì thiếu vắng nhiều bạn thiếu niên, hỏi ra thì mới biết: Thiếu niên học nữa, học mãi, học thêm, học bớt, học xớt luôn ngày Chúa nhật. Các em học thêm quá nhiều, có em thì tự muốn học, nhưng cũng có em phụ huynh bắt học. Học đủ các loại môn và cho rằng việc học văn hóa cần thiết, cấp bách quan trọng hơn học Lời Chúa.     
  1. Nghiện internet
Các bạn trẻ đang nghiện mạng xã hội, game, phim ảnh Halluy, phim Thái. Những năm gần đây, phim ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài có những cảnh “nóng” trong phim và nó là cái tất yếu trong phim nhằm câu like, câu see từ các bạn trẻ! Đây là cám dỗ cực kỳ kinh khiếp làm các em mới còn tuổi ăn học nhưng lại biết yêu sớm và “biết tìm hiểu nhau”. Mỗi em thiếu niên ngày nay hầu như đều có điện thoại cảm ứng riêng. Nếu bố mẹ không mua cho thì tự mình mua trả góp qua mạng bằng tiền tiết kiệm của bản thân, nên việc tiếp xúc với mạng dễ dàng. Các loại phim ảnh ngày nay đa phần nhiễm virus độc hại, mà đa phần các em nam đã biết phim “đen” là thế nào. Có điện thoại riêng các em dễ dàng nhắn tin “thả thính” nhau, có trường hợp một em “thả thính” bốn năm bạn hoặc 1 em “thả thính” cả tỉnh dẫn đến các mối bất hòa xảy ra và có em nghỉ nhóm vì bạn A, bạn B lừa dối tình cảm mình v..v…
Do nghiện mạng xã hội, nghiện game nên không còn thời gian đọc sách. Cũng có em từ nhỏ không được tập thói quen đọc sách, chữ nhiều quá đọc dễ buồn ngủ, nếu có đọc sách thì thường truyện tranh, hoặc tiểu thuyết ngôn tình. Các mảng như văn học bất hữu, sức khỏe, tâm lý, kỹ năng sống v..v.. ít khi các em tìm đọc. Thực tế là khi khảo sát các em thiếu niên trong tỉnh mấy trăm em nhưng tìm được khoảng 10-15 em có sở thích đọc sách!
  1. Chưa được trang bị kỹ năng sống
Các em đa phần là con cưng của ba mẹ, nên việc gì cũng ỉ lại có ba mẹ làm giúp, do đó không có tính tự lập. Ví dụ: có em học lớp 7, 8 vẫn còn để mẹ đút cơm ăn, giặt quần áo giùm, không tự làm những việc đơn giản như nấu cơm, luột rau, chiên trứng, giặt đồ bằng tay để phụ giúp cho cha mẹ, đi đâu phải có bố mẹ soạn quần áo, không thích ở tập thể vì không thể tự lập v..v…không biết cách giữ gìn vệ sinh môi trường. Những khi đi trại hay sau bữa tiệc thông công, phòng nhóm, nhà thờ đầy rác và mặc định có ban quét dọn Hội Thánh lo hay có người dọn dẹp rồi, cứ xả tự nhiên dù thùng rác cách đó không xa.
  1. Thiếu lễ phép.
Dường như cái việc chào hỏi người lớn đối với các em nó rất xa lạ, và không thành thói quen tốt. Chỉ biết mình và với cái điện thoại trên tay thôi vừa đi vừa bấm bấm quẹt quẹt, gặp người lớn làm ngơ và không thích chào và cho rằng thích thì chào không thích thì thôi. Người lớn hỏi thăm các em đến hai ba lần các em mới miễn cưỡng trả lời cho qua chuyện chứ không nhiệt tình trả lời. Như thế thì “Tiên học lễ, hậu học văn” ở đâu mất rồi. Còn rất nhiều điều nữa mà thực tế đã xảy ra, vậy thì làm sao giúp các em?
II. Cách giúp đỡ các em
  1. Hiểu tâm lý các em.
Các em là lứa tuổi sớm nắng, chiều mưa, trưa lâm râm, khó hiểu. Người lớn hay mặc định các em thiếu niên là phải nghiêm trang y chang người lớn, nếu có em nào đó nghịch hay năng động quá thì cho rằng các em không ngoan, khó dạy. Chính vì lẽ đó nên có thái độ kỳ thị em đó luôn hơn là tìm cách nâng đỡ, hoặc không cho con cái mình tiếp xúc với những em ấy!
Cha mẹ đừng đặt kỳ vọng quá nhiều vào các em, ngộ nhỡ năng lực các em không thể thực hiện được như mong muốn của cha mẹ thì sao. Đừng xem các em như robot bảo gì làm nấy, không cho các em có ý kiến hay nguyện vọng. Cũng đừng mặc định các em còn nhỏ nên bảo bọc quá nhiều hoặc chưa đến lúc dạy những đều cần thiết như giáo dục kĩ năng sống, giáo dục giới tính v..v..
  1. Giúp thiếu niên nhận biết Chúa cách cá nhân.
Hội Thánh và gia đình đừng nghĩ rằng các em đến thờ phượng Chúa hằng tuần đều đặn là các em biết Chúa, có khi chỉ là nghi thức tôn giáo, hoặc xem Ban thiếu niên là một câu lạc bộ. Thiếu niên thời nay không thích học Lời Chúa theo phương pháp trên phán dưới nghe, nên chấp sự hay nhân sự dạy Lời Chúa cho các em nên dùng các phương pháp học Kinh Thánh như Đầu-Tim-Tay, hay phương pháp quy nạp v..v… Chúa Giê-xu dạy các môn đồ còn lấy ví dụ, đặt câu hỏi, vậy sao chúng ta không áp dụng tạo bầu không khí thoải mái cho các em tư duy, suy nghĩ thảo luận? Có như thế các em mới ham thích giờ học Kinh Thánh. Có như thế Lời Chúa sẽ giúp các em nhìn thấy những khiếm khuyết của mình và Chúa sẽ đụng chạm các em, và các em sẽ gặp Chúa cách cá nhân.
  1. Tạo cơ hội cho các em hầu việc Chúa:
Một số các em biết âm nhạc, nên phân công cho các em, tham gia vào ban đàn của Hội Thánh. Tuy nhiên cũng còn nhiều người, nhiều nơi còn tư tưởng là các em đàn chưa vững hay công việc đó dành cho mấy bạn siêu đàn, siêu đánh trống, có thêm người mới lọt chọt, không hợp, nhiều lý do lắm.  Kinh Thánh I Sử Ký 25:6-8 có ghi lại việc ca xướng, đàn hát cho Đức Giê-hô-va, người thông thạo, kẻ lớn cũng như kẻ nhỏ đều được Chúa dùng trong công việc Ngài. Vì vậy nên có tư tưởng thoáng và đừng khắt khe với các em. Trước kia, người lớn chúng ta cũng như các em mà thôi, cũng đàn sai, lỡ vài nhịp. Vì vậy nên khích lệ các em cố gắng phấn đấu hoàn thiện mình hơn và có mục đích đeo đuổi là được góp phần vào công việc nhà Chúa. Có khi là nhịp cầu giúp các em đến gần với Thánh ca, và ai trong chúng ta cũng có lúc được Chúa chạm đến tấm lòng qua giai thiệu những bài Thánh ca.
Những ban tình thương, hay xây dựng, trang trí nên tạo điều kiện cơ hội cho các em tham gia, ví dụ những dịp lễ trang trí cần mời các em có hoa tay. Ban tình thương khi làm công tác tình thương trong Hội Thánh cũng cần mời các em đi thăm viếng để các em biết và quan tâm những người xung quanh gặp khó khăn. Ban xây dựng khi cần làm công việc sữa chữa nào cho Hội Thánh thì phối hợp với các anh chị hướng dẫn kêu gọi các em vào phụ giúp với công việc vừa sức các em.
  1. Chọn người có tâm tình với lứa tuổi thiếu niên để hướng dẫn.
Ngày nay cái khó khăn của một số Hội Thánh là thiếu người hướng dẫn thiếu niên, hoặc có nhưng không có tâm tình, không sẵn sàng bước vào “cuộc chiến” với các em. Các anh chị hướng dẫn không hiểu các em nên khi hướng dẫn các em làm cho Ban thiếu niên không phát triển. Cần lắm những buổi họp mặt các anh chị hướng dẫn thiếu niên trong tỉnh, hoặc liên tỉnh để chia sẻ kinh nghiệm hoặc phương cách biết cách hướng dẫn thiếu niên tốt hơn.
  1. Dạy về vấn đề tính dục, tiền hôn nhân
Cần phải tổ chức các lớp thường niên dạy cho các em, có thể mọi người nghĩ là quá sớm, lên thanh niên hẳn dạy hoặc chúng ta ngại đề cập vấn đề này. Lý do gì chúng ta không dạy sớm cho các em, để các em khỏi tò mò từ các phim ảnh đen?. Ma quỷ ngày đêm rình mò chung quanh các em chúng len lỏi vào các clip quảng cáo, các game, phim ảnh v..v… Chúng ta phải nhanh dạy dỗ các em kịp lúc để khi các em vừa tròn 18,20 nếu có kết hôn sớm cũng có nền tảng, nguy cơ ly hôn ít hơn. Sỡ dĩ ngày nay tỉ lệ ly hôn trong con cái Chúa càng gia tăng một phần vì thiếu nền tảng về tiền hôn nhân. Còn những em đi học xa, hay đi làm tại các xí nghiệp nếu không được trang bị kiến thức về tiền hôn nhân, vì bận học, bận làm bên cạnh nhiều anh, nhiều em đeo đuổi, dễ lắm ma quỉ dẫn dụ vào quan hệ tình dục trước hôn nhân, hoặc kết hôn với người không tin Chúa. Không chỉ dạy các em mà Hội Thánh cần trang bị kiến thức về tính dục, tiền hôn nhân cho phụ huynh, để phụ huynh biết cách hướng dẫn con em mình tại nhà. Cha, mẹ ngại không dạy, Hội Thánh không trang bị cho các em những kiến thức này, thì không sớm cũng muộn các em lên thanh niên sẽ kết hôn với người ngoại hết và chúng ta mất luôn ban thanh niên.
Khu vực Sài Gòn những năm gần đây có tổ chức các buổi hướng nghiệp cho thiếu niên do Ủy ban Thanh Thiếu Nhi thực hiện, đây là tín hiệu tốt cần nhân rộng về các vùng quê. Nơi đó các em còn thiếu thốn nhiều thứ, những buổi hướng nghiệp hằng năm như thế cần vận động phụ huynh đi cùng con em mình. Phụ huynh sẽ được nghe tâm tư, nguyện vọng của các em, và giúp các em định hình được ngành nghề mình sẽ chọn trong tương lai. Nếu được như thế sẽ không còn trường hợp bỏ học sớm, biết được ngành nghề nào không phù hợp với cơ đốc nhân.
  1. Tổ chức các khóa học về giáo dục tâm lý
Tổ chức các khóa học về giáo dục tâm lý cho phụ huynh lẫn thiếu niên như Tính Khí Con Người, DISC. Nhằm giúp các bậc phụ huynh phần nào hiểu được tâm lý con em mình và giai đoạn tuổi mới lớn có những thay đổi nào, để dạy dỗ con cái tốt hơn. Còn các em hiểu được tính cách mình sớm nhận định được sở thích, và năng lực của bản thân để định hình cho ngành nghề mình học.
Phát triển thể chất đều cần thiết cho các em, muốn vậy cần tạo mảng mục vụ thể thao. Những năm gần đây, mục vụ thể thao của Ủy Ban Thanh Thiếu Nhi phát triển làm kết nối nhiều thiếu niên bên ngoài tin Chúa. Còn trong Hội Thánh các em có sự gắn kết và sức khỏe cũng được nâng lên. Hội Thánh cần có tầm nhìn về những nhân sự, khi lựa chọn phải đúng đối tượng có khả năng để khi đi học Mục vụ thể thao về áp dụng chứ không phải học để biết, để đó. Hội Thánh tổ chức buổi họp phụ huynh thiếu niên 1 hoặc 2 lần trong năm để cùng thảo luận, chia sẻ tình hình thiếu niên trong Hội Thánh thế nào và có cách dạy dỗ cho thích hợp.
Hội Thánh nên có cái nhìn bao dung, cảm thông với những em nghịch, cá biệt. Bởi có nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt như cha, mẹ ly hôn, đánh đập chửi bới nhau, thiếu vắng tình thương từ gia đình v..v.. Thay vì chỉ trích và so sánh các em, thì chúng ta nên tiếp cận và từ từ khuyên bảo, không nên cô lập các em. Nên tạo cơ hội cho các em tham gia các công việc Hội Thánh để thêm hiểu biết các em và hoàn cảnh và có cách giúp đỡ. Lồng ghép dạy kĩ năng sống và giáo dục sức khỏe cho các em vào các dịp như trại, picnic, thông công v..v..
  1. Dạy cho các em tính tự lập
Thời gian các em ở Gia đình nhiều hơn tại Hội Thánh, sự dạy dỗ từ gia đình chiếm 70%. Vậy gia đình cần tập cho các em tính tự lập, có ý thức trách nhiệm đừng bảo bọc con cái quá mà làm luôn nhiệm vụ cơ bản của chúng. Chúng ta chỉ là người hướng dẫn dạy chỗ chứ không phải là Oshin giúp việc các em. Làm bậc cha, mẹ ai lại không mong muốn con mình sau này có công danh tốt, tuy nhiên cần hiểu rằng con cái là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời ban cho, mọi điều chúng ta dạy phải nương trên lời Chúa “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi trở nó về già, cũng không hề lìa khỏi đó” – Châm Ngôn 22:6, dạy chúng biết, tin Chúa là điều trước tiên, trở thành một Cơ Đốc nhân tốt. Đừng vì chạy theo thế gian bệnh thành tích mà cho con cái học quá nhiều, chiếm luôn thì giờ học lời Chúa, thì giờ nhóm với Hội Thánh, với ban thiếu niên.
Thiếu niên ngày nay sẽ là những bậc phụ huynh trong tương lai, nếu chúng có nền tảng tốt thì tương lai chúng ta có thế hệ thiếu niên tốt. Hội Thánh cũng ít nan đề hơn. Điều quan trọng là Hội Thánh và Gia đình cầu nguyện thật nhiều cho các em, làm hết sức về phần mình, phần còn lại xin Chúa hướng dẫn chúng. Chúng ta không thể thay đổi các em chỉ có quyền năng của Chúa mới biến đổi các em cho chính Ngài!
Phạm Như Ý (HTTLVN.ORG)

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!