Việc kỷ luật hay sửa phạt con cái như thế nào để có thể mang lại hiệu quả nhất là một trách nhiệm đầy thách thức đối với các bậc làm cha làm mẹ, tuy nhiên đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Một số bậc phụ huynh cho rằng việc kỷ luật con như đánh đòn (quất roi vào mông) là phương pháp duy nhất chỉ có Kinh Thánh ủng hộ. Một số khác thì lại nghĩ đến biện pháp kỷ luật Time-Out (cưỡng bách cách ly: bắt trẻ ngồi yên trên ghế một thời gian ngắn tùy độ tuổi hoặc tịch thu có quy định thời hạn một món đồ chơi nào đó của trẻ) và những hình phạt không liên quan đến roi vọt có hiệu quả hơn nhiều. Kinh Thánh nói gì về vấn đề này?
Kinh Thánh khẳng định rằng việc kỷ luật con cái bằng roi vọt là thích hợp, có ích lợi và thật sự cần thiết. Đừng vội hiểu lầm – Kinh Thánh không có ý chủ trương bạo hành trẻ con. Việc kỷ luật trẻ một cách thô bạo trên thân thể chúng đến mức độ gây thương tích là một hành động cần chê trách và đáng bị lên án. Tuy nhiên, theo lời Kinh Thánh, kỷ luật bằng roi vọt một cách hợp lý và thận trọng là điều tốt và nó góp phần trong sự dạy dỗ trẻ một cách lành mạnh và đúng đắn.
Thật vậy, có nhiều câu Kinh Thánh khuyến khích việc kỷ luật trẻ bằng roi vọt, chẳng hạn: “Chớ tha sự sửa phạt trẻ thơ. Dầu đánh nó bằng roi vọt, nó chẳng chết đâu. Khi con đánh nó bằng roi vọt, ắt giải cứu linh hồn nó khỏi âm phủ.” (Châm Ngôn 23:13-14; xem thêm 13:24, 22:15, 20:30). Thật vậy, Kinh Thánh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kỷ luật trẻ. Đây là điều mà tất cả chúng ta cần phải được trải nghiệm để có thể trở thành những con người sống có giá trị và hữu dụng. Những đứa trẻ khi còn nhỏ nếu không được kỷ luật một cách nghiêm khắc thì khi lớn lên sẽ trở nên ngang bướng, coi thường thẩm quyền, và hậu quả là rất khó để đưa chúng trở lại sự thuận phục và đi trong đường lối của Chúa. Chính Đức Chúa Trời đã áp dụng biện pháp kỷ luật nghiêm khắc để sửa trị con cái Ngài và đưa chúng ta trở lại con đường ngay thẳng; và cũng qua đó chúng ta có cơ hội ăn năn những lỗi lầm của mình (Thi Thiên 94:12, Châm Ngôn 1:7, 6:23, 12:1, 13:1, 15:5; Ê-sai 38:16; Hê-bơ-rơ 12:9).
Để áp dụng biện pháp kỷ luật một cách đúng đắn và tuân theo những nguyên tắc Thánh Kinh, cha mẹ của trẻ phải ghi nhớ nằm lòng những lời khuyên trong Kinh Thánh liên quan đến điều này. Sách Châm Ngôn chứa đựng rất nhiều những lời dạy khôn ngoan liên quan đến việc giáo huấn con cái, ví dụ như: “Roi vọt và sự quở trách ban cho sự khôn ngoan; còn con trẻ phóng túng làm mắc cỡ cha mẹ mình.” (Châm Ngôn 29:15). Câu Kinh Thánh này phác thảo viễn cảnh của những đứa trẻ không được kỷ luật nghiêm khắc mà hậu quả là cha mẹ chúng sẽ phải chịu sự hổ thẹn. Dĩ nhiên, việc kỷ luật là phải đúng mục đích và mục tiêu là để tốt cho đứa trẻ. Tuyệt đối không được áp dụng những hình phạt kỷ luật để biện minh cho hành động bạo hành và ngược đãi trẻ con. Cha mẹ cũng không nên dùng roi vọt để trút cơn giận hoặc nỗi thất vọng của mình lên chúng.
Việc kỷ luật thường được áp dụng để sửa trị và giáo huấn con người đi vào đường lối ngay thẳng: “Thật các sự sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng; nhưng về sau sanh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy.” (Hê-bơ-rơ 12:11). Sự sửa phạt của Chúa mang thông điệp của tình yêu thương. Thiết tưởng điều này cũng cần được áp dụng khi cha mẹ sửa phạt con cái. Việc kỷ luật bằng roi vọt không được để lại những sự đau đớn hay những tổn hại lâu dài trên thân thể trẻ. Nên an ủi vỗ về trẻ sau khi sửa phạt bằng roi vọt để chúng hiểu rằng chúng luôn được yêu thương ngay cả khi đang chịu sự sửa trị. Những khoảnh khắc này chính là thời điểm hoàn hảo để dạy trẻ biết rằng: Đức Chúa Trời luôn kỷ luật chúng ta bởi lòng yêu thương của Ngài; và vì thế cha mẹ cũng áp dụng điều này đối với các con yêu quí của mình.
Có hình thức kỷ luật nào khác không? Ví dụ như biện pháp “Time-Out” (như đã nói ở trên) để áp dụng thay cho việc kỷ luật bằng roi vọt? Một vài phụ huynh nhận ra rằng đối với con của họ việc kỷ luật bằng đòn roi không phát huy tác dụng. Một số khác thì nhận thấy rằng biện pháp “Time-Out” thì có tác dụng hơn trong việc khuyến khích trẻ thay đổi hành vi. Nếu như trường hợp này thật sự hữu hiệu, sau khi đã thử hết cách, thì phụ huynh nên áp dụng phương pháp nào mà mang lại hiệu quả hơn trong việc khuyến khích trẻ thay đổi hành vi. Mặc dù Kinh Thánh không phủ nhận việc khuyến khích kỷ luật trẻ bằng roi vọt, nhưng lời Chúa quan tâm đến mục tiêu là xây dựng trẻ có nếp sống đạo hơn là đưa ra một biện pháp cụ thể để đạt được mục tiêu đó.
Hiện nay, chính phủ của một số quốc gia trên thế giới đã và đang cho rằng tất cả những hình thức kỷ luật trẻ con liên quan đến cơ thể chúng đều được cho là hành vi bạo hành trẻ. Vì lý do đó, có nhiều bậc phụ huynh đã không dám đánh đòn con vì họ sợ bị tố đến cảnh sát và có thể sẽ bị tước quyền chăm sóc chúng. Các bậc phụ huynh chúng ta nên làm gì nếu như quốc gia sở tại của mình cho rằng việc kỷ luật trẻ bằng roi vọt là vi phạm pháp luật? Theo như lời Chúa trong Rô-ma 13:1-7 dạy rằng chúng ta nên phục tùng nhà cầm quyền. Tuy nhiên những luật lệ do nhà cầm quyền đưa ra phải không được mâu thuẫn với Lời Chúa, cụ thể là việc kỷ luật trẻ bằng roi vọt – theo lời Thánh Kinh chép – đem đến lợi ích quý báu nhất định đối với một đứa trẻ. Dù thế nào đi chăng nữa, việc giáo dục và nuôi dưỡng đứa trẻ trong một gia đình Cơ Đốc nơi mà chúng có thể phải chịu một sự kỷ luật nghiêm khắc nào đó còn tốt hơn nhiều khi để chúng sa vào “sự giáo dục” từ các nhà cầm quyền vô tín.
Còn một điều nữa, trong Thư tín Ê-phê-sô 6:4 có khuyên rằng những bậc làm cha mẹ “chớ chọc giận” con cái mình. Điều này có nghĩa rằng chúng ta không nên châm chọc, coi thường và chê trách khi con cái mình phạm lỗi. Trái lại, chúng ta nên dùng tình yêu thương mà khuyên bảo và dạy dỗ chúng đi trong đường lối của Chúa. Nói tóm lại, hãy dưỡng dục con cái của chúng ta theo cách sửa phạt và khuyên bảo của Chúa, tức là bao gồm cả sự bẻ trách, uốn nắn và sửa trị. Và điều quan trọng là: hãy áp dụng các các hình thức kỷ luật này trên con cái mình một cách hợp lý, thận trọng và mang thông điệp của tình yêu thương.
Thanh Trang dịch (HTTLVN.ORG)
Nguồn: https://www.gotquestions.org/disciplining-children.html
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com