Một trong những hình thức thờ phượng Đức Chúa Trời là ca hát tôn vinh Chúa. Mục vụ âm nhạc là mục vụ rất quan trọng trong sự thờ phượng của Hội Thánh. Điều đó không có gì phải bàn cãi.
Có nhiều chỗ trong Kinh Thánh, nhất là Cựu Ước, mô tả người lãnh đạo của Đức Chúa Trời rất quan tâm đến việc tuyển chọn những người hát xướng và những nhạc sĩ để hướng dẫn dân sự thờ phượng Chúa (I Sử Ký 6:31-32; 15:16-22).
Khi Tin Lành của Cứu Chúa Giê-xu được loan truyền khắp thế gian, đến với mọi dân tộc, mọi nền văn hóa thì việc sử dụng âm nhạc trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời cũng đa dạng theo. Từ đó phát sinh ra nhiều quan điểm đối với việc sử dụng âm nhạc và bài hát trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Phải nhìn nhận rằng, mục vụ âm nhạc trong Hội Thánh là một vấn đề hết sức phức tạp.
Trong quyển sách khá nổi tiếng của Mục sư Rick Warren – “Hội Thánh Theo Đúng Mục Đích” – ông cho biết xuyên suốt lịch sử Hội Thánh, những nhà thần học lớn đã đưa lẽ thật của Đức Chúa Trời vào trong phong cách âm nhạc trong thời đại của họ. Chẳng hạn như giai điệu của bài “A Mighty Fortress Is Our God” (Chúa, Bức Thành Kiên Cố Ta – Thánh ca 41) của Martin Luther[i] được mượn từ một bài hát phổ thông thời bấy giờ.[ii] Charles Wesley đã dùng vài giai điệu phổ thông trong các quán rượu và những nhà hát opera tại Anh. John Calvin đã thuê hai người viết nhạc không phải là Cơ Đốc nhân để đưa thần học của ông vào âm nhạc. Nữ hoàng nước Anh đã nổi giận với “những giai điệu thô tục” này đến độ bà đã nhạo báng gọi chúng là “điệu nhạc say khướt” của Calvin. Khi bài “Stille Nacht”[iii] (Silent Night: Đêm Yên Lặng) lần đầu tiên phát hành, nhạc trưởng của thánh đường Mainz là George Weber đã gọi nó là “một mối nguy hại và không hề có những cảm xúc Cơ Đốc và tôn giáo nào.” Charles Spurgeon, một Mục sư nổi tiếng người Anh, đã coi khinh những bài hát thờ phượng đương thời của ông, mà đó lại là những bài hát mà ngày nay các Hội Thánh đang sử dụng rất nhiều. Trường ca Messiah của Handel rất được tôn trọng hiện nay (tiếng Việt: Ha-lê-lu-gia, Chúa là Vua) đã bị những người trong giáo hội thời đó lên án là “một bản nhạc thô tục.” Bài Messiah bị chỉ trích vì bị cho là đã lập lại quá nhiều và không truyền đạt đủ sứ điệp. Nó có gần một trăm lần lặp lại từ “Ha-lê-lu-gia!”[iv]
Tin Lành được loan truyền đến Việt Nam vào năm 1911 bởi các giáo sĩ phương Tây. Trong buổi sơ khai của Hội Thánh, các giáo sĩ đã nỗ lực đem một số bài Thánh ca quen thuộc của Giáo hội Cải chánh vào Việt Nam và dịch sang tiếng Việt cho các tín hữu tôn vinh Chúa. Một số Mục sư cao niên còn lưu giữ quyển Thánh ca đầu tiên của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (HTTLVN) được in tại Hà Nội năm 1917, đó là quyển Thơ Thánh có 100 bài hát tôn vinh Chúa.
Hầu như chưa có một nghiên cứu nghiêm túc, đầy đủ nào về quá trình hình thành và phát triển của âm nhạc thờ phượng Chúa trong HTTLVN từ khi mới thành lập cho đến ngày nay. Đây là một mục vụ rất lớn, rất nhạy cảm, dễ gây tranh cãi. Sự ca hát ngợi khen Chúa trong các Hội Thánh ngày nay đã có sự thay đổi rất lớn. Phần lớn sự thay đổi đó đến từ việc học theo cách thức tôn vinh Chúa của các Ban nhạc Cơ Đốc nước ngoài và của các hệ phái Tin Lành khác.
Với sự ưu tư lớn về vấn đề này, tôi xin được trình bày một đôi điều suy nghĩ về việc Hội Thánh chọn bài hát như thế nào để thờ phượng Chúa và cách thức mà ban hát cùng hội chúng sử dụng những bài hát đó đúng với ý nghĩa của sự thờ phượng Đức Chúa Trời.
Để có thể chọn bài hát đúng và truyền đạt nó một cách đúng đắn, điều đầu tiên chúng ta cần hiểu rõ sự thờ phượng thật là gì?
I. THẾ NÀO LÀ THỜ PHƯỢNG ĐỨC CHÚA TRỜI?
Kinh Thánh không định nghĩa thờ phượng là gì, nhưng qua những gương thờ phượng, những lời cầu nguyện của con dân Chúa trong Kinh Thánh, qua những gì ghi chép lại, chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của sự thờ phượng để đi đến một định nghĩa cho sự thờ phượng Đức Chúa Trời cách đúng đắn.
Trong Thi Thiên 27:4, Đa-vít nói: “Tôi đã xin Đức Giê-hô-va một điều, và sẽ tìm kiếm điều ấy! Ấy là tôi muốn trọn đời được ở trong nhà Đức Giê-hô-va, để nhìn xem sự tốt đẹp của Đức Giê-hô-va, và cầu hỏi trong đền của Ngài.” Cụm từ “nhìn xem sự tốt đẹp của Đức Giê-hô-va” (hay “chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa”), đó là sự thờ phượng.
Trong Ê-sai chương 6, Đức Chúa Trời cho Ê-sai thấy một khải tượng: các thiên sứ chúc tụng sự thánh khiết, vinh quang của Chúa, từ đó Ê-sai ý thức sự xấu xa tội lỗi của mình. Đáp ứng tức thì của Ê-sai là sấp mình xuống trước mặt Chúa, bày tỏ tấm lòng ăn năn và sẵn sàng vâng theo mạnh lệnh của Chúa. Trong Khải Huyền chương 4, chúng ta cũng thấy thiên sứ và các trưởng lão sấp mình xuống và dâng lên Chúa lời chúc tụng, ca ngợi sự vinh quang, quyền uy, thánh khiết của Ngài.
Sáng Thế Ký chương 22 có chép về câu chuyện Áp-ra-ham dâng con trai mình là Y-sác theo lệnh truyền của Đức Chúa Trời. Bắt đầu từ câu 4-6, Kinh Thánh chép:
“Qua đến ngày thứ ba, Áp-ra-ham nhướng mắt lên thấy nơi đó ở lối đằng xa, thì nói cùng hai kẻ đầy tớ rằng: Hãy ở lại đây với con lừa; ta cùng đứa trẻ sẽ đi đến chốn kia đặng thờ phượng, rồi sẽ trở lại với hai ngươi. Áp-ra-ham lấy củi về của lễ thiêu, chất trên Y-sác, con mình; rồi người cầm lửa và dao trong tay, và cả hai cha con đồng đi.”
Trong nguyên ngữ tiếng Hê-bê-rơ, chữ “thờ phượng” ở câu 5 là “shachah” diễn tả một hành động cúi sấp xuống trước mặt một người nào đó[v]. Đây là lần đầu tiên, chữ thờ phượngđược xuất hiện trong Kinh Thánh. Hành động khiêm cung, cúi mình xuống thờ lạy Đức Chúa Trời là hình ảnh thường thấy của sự thờ phượng trong Cựu Ước. Ví dụ như Thi Thiên 95:6 chép:
“Hãy đến, cúi xuống mà thờ lạy; khá quì gối xuống trước mặt Đức Giê-hô-va, là Đấng Tạo hóa chúng tôi.”
Như vậy, nghĩa rộng của chữ “thờ phượng” là “cúi xuống,” “thờ lạy,” “tôn thờ.” Tuy nhiên, khi chúng ta dùng ý nghĩa này cho sự thờ phượng Đức Chúa Trời thì chưa đầy đủ, bởi vì các dân tộc không biết Chúa họ cũng thờ thần tượng của họ theo ý nghĩa tương tự như vậy.
Tiếp tục truy tìm ý nghĩa nguyên thủy của từ ngữ “thờ phượng,” ta thấy nó xuất phát từ tiếng Anglo-Saxon là worth-ship, nghĩa là “xứng đáng” hay “sự có giá trị.”[vi] Sự thờ phượng được dựa trên sự hiểu biết về giá trị hay sự xứng đáng của Đấng mà chúng ta thờ phượng. Khi chúng ta nói mình đang thờ phượng Đức Chúa Trời nghĩa là chúng ta nói rằng Đức Chúa Trời là có giá trị, Ngài xứng đáng cho chúng ta thờ phượng. Sự thờ phượng của chúng ta dựa trên sự hiểu biết về Đấng chúng ta thờ phượng chứ không phải là sự thờ phượng mù quáng. Việc chúng ta cúi xuống, thờ lạy, dành tất cả tình yêu và sự tôn thờ cho Đức Chúa Trời là kết quả của sự hiểu biết của chúng ta về giá trị của Ngài.
Làm sao con người hữu hạn có thể biết về Đức Chúa Trời vô hạn? Bằng nhiều cách khác nhau. Trong Thi Thiên 19:1-2, chúng ta thấy cách Đức Chúa Trời làm cho người ta biết sự vĩ đại của Ngài qua cõi thiên nhiên hùng vĩ, qua hoạt động tế vi của muôn loài, muôn vật. Tác giả Thi Thiên 109:130 cho chúng ta biết Đức Chúa Trời đã phán cùng con người qua Kinh Thánh. Hê-bơ-rơ 1:1-2, Lời Chúa cho biết Đức Chúa Trời đã phán cùng con người qua các đấng tiên tri và qua chính Con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Đức Chúa Trời cũng phán trực tiếp cùng chúng ta qua Thân vị của Đức Thánh Linh. Mỗi sự mặc khải về Đức Chúa Trời đều bày tỏ cho chúng ta biết rằng Ngài có giá trị hay xứng đáng với sự ca ngợi của chúng ta:
- Đức Chúa Trời là Đấng Tạo hóa chúng ta (Sáng Thế Ký 1:26-28; Thi Thiên 139:1-15).
- Đức Chúa Trời là Vua Công bình (Thi Thiên 47).
- Đức Chúa Trời là Đấng Toàn năng (Giê-rê-mi 32:17).
- Đức Chúa Trời là Đấng Toàn tri (Thi Thiên 139:1-6).
- Đức Chúa Trời là Đấng Toàn tại (Thi Thiên 139:7-10).
- Đức Chúa Trời là Đấng Bất biến (Thi Thiên 102:25-27).
- Đức Chúa Trời là Đấng Nhân từ, yêu thương (Xuất 34:6-7; Giăng 3:16; II Phi-e-rơ 3:9)
- …v…v…
Biết đầy đủ những thuộc tính của Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta nhận thức rằng Ngài thật sự xứng đáng cho sự ngợi khen và sự thờ phượng của chúng ta. Sự thờ phượng là sự đáp ứng của chúng ta với Đức Chúa Trời theo như Ngài bày tỏ chính mình Ngài cho chúng ta. Đó là thái độ chúng ta có đối với Ngài khi chúng ta hiểu được Ngài như thế nào.
Sách Tin Lành Giăng 4:1-42 chép về cuộc gặp gỡ và đàm thoại giữa Chúa Giê-xu với người đàn bà Sa-ma-ri. Câu 23-24 cho chúng ta biết có hai thái độ đúng trong sự thờ phượng mà Chúa Giê-xu chấp nhận đó là bằng tâm thần và lẽ thật.
Trong cuộc đàm thoại này, người phụ nữ Sa-ma-ri nói với Chúa Giê-xu là tổ phụ của bà thờ phượng Đức Chúa Trời ở trên hòn núi này, còn Chúa Giê-xu là người Do Thái thì phải thờ phượng ở tại đền thờ trong thành Giê-ru-sa-lem. Sự thờ phượng của người phụ nữ này bị giới hạn trong phạm vi vật chất, một chỗ nhất định nào đó, nhưng Chúa Giê-xu giải thích, Đức Chúa Trời là Thần, Ngài không thể bị giới hạn ở một chỗ nhất định nào hết, nên ai muốn thờ phượng Chúa thì phải lấy tâm thần mà thờ lạy Ngài. Thờ phượng bằng tâm thần là thờ phượng bằng tất cả linh hồn, tấm lòng và trí óc (Ma-thi-ơ 22:37). Sự thờ phượng thật không phải là hình thức và lễ nghi, mà là trọn cả con người bên trong – tâm thần và linh hồn, phù hợp với bản chất của Đức Chúa Trời, là thần. Kế đến, sự thờ phượng cũng phải bằng lẽ thật, tức ngay thẳng, thành thật, và dựa theo các mạng lệnh của Thánh Kinh.
Trên nền tảng đó, không quá khó để chúng ta tìm biết những sự chỉ dẫn cần thiết để Hội Thánh có thể dùng âm nhạc thờ phượng Đức Chúa Trời cách đúng đắn.
II. BAN HÁT DẪN VÀ HỘI CHÚNG TRONG SỰ THỜ PHƯỢNG
Người Do Thái thời Cựu Ước cùng hát chung một cách đều đặn. Có những lúc toàn thể hội chúng cùng hát. Có những lúc khác thầy tế lễ dẫn dân sự vào sự thờ phượng. Có những lúc ông hát một phần của một ý tưởng và hội chúng sẽ đáp lại lời ông để hoàn tất ý tưởng đó. Điều này được gọi là cách hát đối đáp.[vii]
Vua Đa-vít là bậc thầy trong việc tổ chức sự thờ phượng Chúa bằng âm nhạc. Ông là một nhạc sĩ tài ba và là một người đầy dẫy Thần Linh của Đức Chúa Trời. Tiếng đàn của ông có năng lực xua đuổi ác thần trong lòng của Sau-lơ. Ông đã sáng tác nhiều bài hát tôn vinh Chúa, cũng như đã sáng chế ra nhiều loại nhạc cụ dùng trong sự thờ phượng. Ông lập ra một ban nhạc chuyên nghiệp để thờ phượng Đức Chúa Trời có đến 4.000 người (I Sử Ký 23; 25:7). Ban nhạc của vua Đa-vít được chọn lựa kỹ càng, Kinh Thánh nêu đích danh tên của từng nhạc trưởng. Họ là những người có đời sống thuộc linh sâu nhiệm, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tôn vinh Chúa những bài hát được chọn lọc cẩn thận.
Qua những ký thuật đó, chúng ta có thể học biết nhiều điều cho sự thờ phượng của Hội Chúa ngày nay.
Trước hết, tôi muốn nói về hội chúng. Chúng ta thường nghe nhiều người nói là họ đến nhà thờ hôm nay để được nghe những ban nhạc hát hay, nghe những bài giảng hay, để được gặp gỡ những người họ yêu mến và họ cảm thấy được phước, được phục hồi “năng lượng” thuộc linh… Điều này không có gì sai. Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả tự nhiên khi chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta làm cho những điều đó trở thành mục đích chính khi đến nhà thờ thờ phượng Chúa, nếu chúng ta đến để được phục vụ thay vì phục vụ Đức Chúa Trời thì chúng ta phạm tội thờ hình tượng, chúng ta lấy chính mình làm trung tâm chứ không phải Chúa. Thờ phượng là hướng về Chúa, là làm cho Chúa và vì Chúa; vì chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng xứng đáng để chúng ta thờ phượng.
Tôi đã nhìn thấy nhiều tín hữu ngày nay đến nhà thờ thờ phượng Chúa nhưng còn bị giới hạn bởi một số điều kiện vật chất nào đó. Họ đòi hỏi nào là chỗ nhóm phải có những người hát hay với những bài nhạc mới, phải có những vị mục sư giảng hay, phải có một ban nhạc với đầy đủ những nhạc khí hiện đại, phòng nhóm phải được trang bị đúng chuẩn… Những điều này không phải là không cần thiết, nhưng đó là thái độ thờ phượng sai, thờ phượng chỉ bằng cảm xúc, lệ thuộc vào những thứ bên ngoài. Hãy đi xem những Hội Thánh nhóm lại trong rừng, bên bờ suối, dưới mái nhà tôn nóng hầm hập; chẳng có đàn, chẳng có máy điều hòa, chẳng có ghế ngồi… thế nhưng họ vẫn thờ phượng Chúa thật lòng, hết lòng.
Người thờ phượng và những khí cụ không phải là đối tượng chính của sự thờ phượng mà là Đức Chúa Trời. Thờ phượng mang lại lợi ích cho người thờ phượng, nhưng lợi ích chỉ có khi trước hết chúng ta đến vì Đức Chúa Trời và làm mọi việc vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Chúng ta đến dâng cho Chúa một giờ quý báu của ngày đầu tiên trong tuần lễ, dâng cho Chúa sự tôn vinh qua những bài hát ca ngợi Chúa, dâng cho Chúa số tiền chúng ta để riêng trong tuần, ban hát dâng lên Chúa bài hát họ đã tập dợt để ca ngợi Ngài. Thờ phượng không phải là đi xem ca nhạc, vì buổi nhóm không phải là cho chúng ta, nhưng là cho Chúa.
Đối với người hát dẫn và ban hát, tôi thấy càng có nhiều vấn đề đáng lưu tâm hơn. Họ rất dễ bị cám dỗ đi sai mục đích của sự thờ phượng. Họ có thể hát để chứng tỏ tài năng của mình hay để được người ta chú ý. Họ có thể có một cảm giác về quyền lực hay sự sai khiến hội chúng khi họ hát. Khi điều này xảy ra, thì họ ít quan tâm đến việc giúp đỡ hội chúng phần thuộc linh hơn là để giải trí cho họ. Sa-tan thường dẫn dụ một người phụ trách ca nhạc vào những cái bẫy này để làm cho mất đi sự hiệu quả thuộc linh của người ấy và để cho Đức Chúa Trời không được vinh hiển.[viii]
Có rất nhiều bài viết, rất nhiều sách vở đề cập đến điều này nhưng tôi thấy ít khi người hướng dẫn ban hát hoặc các thành viên của ban hát đọc qua hay được huấn luyện cách nghiêm túc. Tại các Hội Thánh ở khu vực thành thị hiện nay, nơi quy tụ giới trẻ có ân tứ về âm nhạc từ các Hội Thánh miền quê, đã có những buổi thờ phượng Chúa rất chỉnh chu về kỹ thuật âm nhạc nhưng lại có quá nhiều vấn đề về tinh thần thờ phượng Chúa đúng đắn. Họ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi phong cách thờ phượng của các ban nhạc thờ phượng nước ngoài (điển hình như Hillsong) và chú trọng thái quá đến cảm xúc, cử chỉ của thân thể.
Có một Hội Thánh lớn đã có giờ thờ phượng chính mang chủ đề khá quen thuộc với các ban nhạc thờ phượng hệ phái Ngũ Tuần. Giờ thờ phượng kéo dài hơn 120 phút (có giảng Kinh Thánh ngắn)[ix], Ban hát dẫn của Hội Thánh dẫn dắt toàn bộ chương trình, lễ nghi xa lạ với hầu hết hội chúng. Cảm nhận của riêng tôi khi xem video chương trình này là thấy hội chúng có ít người đáp ứng tích cực với cách thờ phượng như vậy, nhất là những người đứng tuổi. Trong buổi thờ phượng nêu trên, không khó để nhận ra ban hát dẫn là đối tượng chính, đặc biệt là người nhạc trưởng. Anh ta vừa đánh đàn piano điện tử, vừa hướng dẫn hội chúng thờ phượng Chúa với phong cách thịnh hành hiện nay: nói lớn tiếng “Ha-lê-lu-gia,” nói trước vài chữ lời Thánh ca rồi hội chúng hát đuổi theo, hội chúng phải đứng rất lâu suốt nhiều bài hát… Việc thực hiện chương trình như vậy khiến cho nhiều tín hữu hoang mang, một số tỏ vẻ khó chịu, chưa kể đến việc tạo tiền lệ xấu cho Hội Thánh: không cần thực hiện theo những quy định chung của Giáo Hội, chỉ cần làm theo những gì mình cho là đúng và thích. Họ đã quên mất những nguyên tắc cơ bản, quan trọng dành cho người hướng dẫn ban hát trong sự thờ phượng.
Trong giới hạn ngắn của bài viết này, tôi xin trình bày tổng quát những điều mà người hướng dẫn ban hát và Ban Hát dẫn của Hội Thánh cần nhớ:
- Thờ phượng Chúa là một hình thức mang tính tập thể, vì vậy hội chúng phải có sự dự phần và nghe được lời hát của họ tôn vinh Chúa. Âm thanh và giai điệu hòa làm một của hội chúng khi hát chính là một phần quan trọng của một buổi thờ phượng. Nó là một cách biểu hiện chúng ta là một thân thể ở trong Chúa. Điều này đòi hỏi chúng ta phải thực sự nghe tiếng mình hát, và nghe được anh chị em của mình cùng hát. Nếu âm thanh của ban nhạc thờ phượng, âm thanh của các loại nhạc cụ lấn át cả tiếng hát của hội chúng, hội chúng sẽ không thể nghe được mình đang hát cái gì, vì vậy chúng ta đã đánh mất khía cạnh tập thể của sự thờ phượng.
Đôi lúc người hướng dẫn và ban nhạc có sự ngẫu hứng và sáng tạo. Họ thể hiện khả năng chơi nhạc của mình bằng sự ngẫu hứng thêm thắt những giai điệu mới ngoài những giai điệu đã có sẵn. Hội chúng gồm nhiều người không có khả năng chuyên môn về âm nhạc nên không thể hòa theo được. “Sự điêu luyện của bạn gợi lên sự thụ động ở chúng tôi; sự sáng tạo của bạn chỉ khích lệ chúng tôi im lặng. Và trong khi có thể bạn đang thờ phượng bằng sự sáng tạo của mình, cũng chính sự sáng tạo đó chặn đứng sự ngợi khen, thờ phượng của hội chúng.”[x]
- Nhiệm vụ chính của người hướng dẫn, Ban Hát dẫn và những người sử dụng các loại nhạc cụ là giúp hội chúng hướng lòng về Đức Chúa Trời, tập trung toàn bộ tâm trí, tấm lòng để thờ phượng Ngài trong sự ngợi khen. Ban Âm nhạc rất dễ bị cám dỗ thu hút mọi sự chú ý về phía mình, từ cách trang phục, cách hướng dẫn, cho đến sự phong phú của các loại nhạc cụ, giá trị và thương hiệu của chúng… Vô tình hay cố ý, ban nhạc đã trở thành trung tâm của giờ thờ phượng chứ không phải Đức Chúa Trời. Một số các Hội Thánh hay ban ngành đã mang dàn nhạc cụ đặt nơi vị trí của bục giảng trước kia, bục giảng đã biến mất. Đến giờ mục sư giảng luận, họ mang ra một bục nhỏ di động cho ông đứng giảng, sau đó thì mang vào. Điều đó nói lên quan điểm về thần học nghi lễ của Hội Thánh. Có lẽ họ cho rằng việc rao giảng Lời Chúa không quan trọng bằng sự ca hát, ngợi khen (?)
Tôi thiết nghĩ cần sắp xếp vị trí ban nhạc vào một nơi nào đó của nhà thờ không quá lộ liễu, phô trương, cũng như cần lưu ý đến cách trang phục của người hát dẫn, ban hát dẫn, ban hợp xướng và cả các nhạc công. Dĩ nhiên, vị trí của ban nhạc và cách trang phục không thể biểu trưng cho tấm lòng của họ, càng không thể vì những điều đó mà có thể thay đổi tấm lòng nếu họ chưa có thái độ thờ phượng Chúa đúng đắn, tuy nhiên nó cũng sẽ hạn chế phần nào sự tập trung quá nhiều vào ban nhạc, để hội chúng có thể tập trung hơn vào những điều chính yếu của sự thờ phượng.
- Một điều nữa cần phải nhắc đến, đó là những người hướng dẫn hội chúng tôn vinh Chúa trong sự thờ phượng phải dọn lòng mình cho thánh sạch, nếu không, họ sẽ ngăn trở sự thờ phượng Chúa. Thi Thiên 29:2, Lời Chúa truyền lệnh: “Hãy tôn Đức Giê-hô-va vinh hiển xứng đáng cho danh Ngài; Hãy mặc trang sức thánh mà thờ lạy Đức Giê-hô-va.”Người hướng dẫn bài hát đầu giờ, người hướng dẫn thờ phượng, ban hát lễ, ban đàn, tất cả đều phải tập dợt kỹ lưỡng, thuần thục trước khi tôn vinh Chúa. Họ phải dọn lòng bằng sự cầu nguyện, họ phải cảm nhận được bài hát đó cho chính họ trước khi hướng dẫn cho hội chúng. Chúng ta hướng dẫn Hội Thánh ca ngợi, tôn vinh Chúa để thờ phượng Ngài chớ không phải đứng lên để phô diễn tài năng, khoe khoang ân tứ hay trang phục.
III. BÀI HÁT TRONG SỰ THỜ PHƯỢNG
Một lần nọ, tôi được tham dự lễ khởi công xây dựng nhà thờ của một Hội Thánh lớn ở miền Tây, có sự tham dự của đại diện Thường trực Tổng Liên Hội, Hội đồng Giáo phẩm và cấp lãnh đạo cao nhất của chính quyền tỉnh, cùng nhiều quan khách các Hội Thánh lẫn chính quyền. Mở đầu chương trình quan trọng này là một bài múa của các em thiếu niên. Vũ điệu bài múa dứt khoát, hùng hồn; trang phục đơn giản (áo thun, quần jean). Làm nền cho bài múa là một bài hát lạ lẫm được hát bằng tiếng Anh (hoặc tiếng Hàn Quốc, nhưng chắc chắn không phải tiếng Việt)[xi]. Sau khi bài múa kết thúc, một Mục sư bên cạnh tôi nói ngay (và nói lớn tiếng): “Ông có hiểu gì không? Mình vừa xem xong một bài múa võ.”
Có lẽ vị Mục sư này nhận xét hơi cường điệu nhưng cũng không sai. Đứng vào vị trí của một người chưa từng nghe bài hát này, chưa từng biết điệu múa này, không hiểu bài hát này nói gì, thì bài múa đó quả thật rất giống một bài múa võ. Điều đó cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc chọn lựa một bài hát và trình bày nó như thế nào để hội chúng có thể hòa lòng thờ phượng Chúa. Không phải bất cứ bài hát nào mang danh hiệu Cơ Đốc điều có thể sử dụng được cho giờ thờ phượng.
Trong tài liệu của một chương trình thần học, tác giả bài viết trình bày khá rõ ràng về vấn nạn của Hội Thánh chung ngày nay trong việc lựa chọn bài hát tôn vinh Chúa. Tác giả đã trích dẫn tác phẩm “Các bài giảng về âm nhạc Hội Thánh” của Thomas Gieschen để cho thấy việc cần thiết phải đưa ra một hệ thống chọn lựa làm “lưới lọc” để các chỉ huy ban hợp xướng có thể chọn lọc và đưa ra các quyết định về loại âm nhạc nên được dùng trong giờ thờ phượng. “Lưới lọc” này bao gồm một chuỗi các giai đoạn liên kết nhau để phân tích lời bài hát, văn phong, tính phù hợp và giá trị của các bản nhạc khác nhau.
Lưới lọc thứ nhất là lời bài hát. Đây là bước đầu tiên quan trọng nhất. Cho dù bản nhạc có giai điệu hay đến đâu nhưng nếu nó không đạt tiêu chuẩn thần học (không đúng với lẽ thật của Kinh Thánh) thì phải bị “khước từ,” mà không cần phải đi qua những bước khác. Chúng ta cần xem xét bài hát đó có chính xác về thần học không? Nó có đúng với bản chất của Đức Chúa Trời không? Có ích lợi cho việc định hình nên tính cách tốt cho cá nhân và cho hội chúng không?[xii]
Lưới lọc thứ hai là thể loại âm nhạc (hay nói như trong tài liệu là phong cách âm nhạc). Đây là vấn đề gây khá nhiều tranh cãi. Đã có nhiều ý kiến khác nhau trong các Hội Thánh về việc có nên đưa những hình thức âm nhạc dân gian của VN, như các điệu lý, hò, cải lương…vào trong sự thờ phượng không. Có một Mục sư cùng với một số tín hữu có đồng tâm tình đã in ấn và phát hành quyển “Ca Cổ Tin Lành 1” (hàm ý sẽ có những quyển tiếp theo). Quyển bài hát thuần túy mang âm hưởng dân gian VN này (không có nhạc, chỉ có lời) cũng đầy đủ các chủ đề giống như quyển Thánh ca truyền thống vậy. Nếu không bàn đến những tranh cãi “muôn thuở” trên thì đây là một nổ lực rất đáng trân trọng.
Thật sự khó có thể cho rằng thể loại nhạc nào là “thánh,” thể loại nào là “phàm” nếu không xét đến lời của bài hát. Vì vậy, chúng ta cần đến lưới lọc thứ hai. Chúng ta phải đặt câu hỏi thể loại âm nhạc HT đang dùng có “hiệp nhất cộng đồng dân Chúa không?” Giai điệu và lời có gây khó khăn cho hội chúng để hát hay kích thích mọi người hát dễ dàng? Nó có kết nối bất kỳ khía cạnh tiêu cực nào khiến ta không thể dùng nó cho giờ nhóm không? Vì vậy, cần hướng dẫn để người dự nhóm trân quý các phong cách âm nhạc thờ phượng khác nhau.[xiii]
Lưới lọc thứ ba là tính đứng đắn phù hợp. Nghĩa là những bài hát mà chúng ta chọn phù hợp đến mức nào so với mục tiêu ta đặt ra là đem đến sự đa dạng phong phú âm nhạc Cơ Đốc cho cả hội chúng đa dạng nhiều thành phần? Nó có phù hợp với năng lực, trình độ chung của hội chúng và của người hát dẫn? Cảm nhận nó đem đến phù hợp cho giờ nhóm này và phù hợp với lịch thờ phượng cả năm đến mức nào?[xiv]
Lưới lọc thứ tư là giá trị âm nhạc của bài hát (theo tác giả bao gồm hai phẩm tính của âm nhạc là tính “Xuất sắc và Vĩ đại”). Tác giả giải thích tính xuất sắc là loại âm nhạc “sử dụng các giai điệu và nhịp điệu đầy sức hút, và các tiếng đàn đệm phù hợp với chủ đề, giai điệu và nhịp điệu. Nó không nhạt nhẽo, nặng nề, trì trệ hay lặp đi lặp lại. Một bài kiểm tra rất tốt đối với sự xuất sắc, đó là liệu ta có thể đứng nổi để lắng nghe giai điệu của bài hát này (nhạc không lời) liên tục hết lần này đến lần khác mà không cảm thấy mệt mỏi vì nó hay không?”[xv] Tính vĩ đại được nói một cách đơn giản là bài hát có thể tồn tại với thời gian không? Có xứng đáng được bảo quản và sử dụng xa hơn thời đại của nó không?
Tôi hết sức tâm đắc với nhận xét của tác giả: “Nếu ta không nỗ lực vất vả để chọn lựa những bản nhạc vĩ đại cho sự tôn vinh Chúa của hội chúng và biến sự ngợi khen đó trở nên vĩ đại, có lẽ ta đã đánh mất tầm nhìn về sự vĩ đại của một Đức Chúa Trời là chủ thể và đối tượng của sự ngợi khen.”[xvi]
IV. KẾT LUẬN
Dù hình thức, thể loại của âm nhạc dùng để thờ phượng Chúa như thể nào, thì chúng phải nhằm mục đích tôn vinh Đức Chúa Trời và người thờ phượng phải ca ngợi Chúa bằng cả tâm thần và lẽ thật. Đây là nguyên tắc bất di dịch cho người hát dẫn, ban hát dẫn và cho cả hội chúng. Dù chúng ta ở quốc gia nào, thuộc nền văn hóa gì và cách thờ phượng của chúng ta ra sao thì nguyên tắc đó vẫn không bao giờ thay đổi.
Đầy Tớ Nhỏ
(Ban Truyền thông lược dịch)
Chú thích:
——–
[i] HTTLVN (MN), Thánh Ca, NXB Đồng Nai 2011, p.35
[ii] Tuy nhiên tôi không đồng tình với Rick Warren khi ông cho rằng: “Ngày nay có lẽ Luther cũng sẽ mượn giai điệu từ quán karaoke gần nhà.”
[iii] HTTLVN (MN), op.cit., p.51 (Thánh ca 59).
[iv] Rick Warren, Hội Thánh Theo Đúng Mục Đích, n.p, n.d, p.307.
[v] Ủy ban CĐGD, Thánh Kinh Căn Bản, NXB Tôn Giáo 2013, Vol 3, p.111.
[vi] James D.Berkley, et al. Cẩm Nang Mục Vụ, NXB Phương Đông 2014, Vol 1, p. 236
[vii] Forrest Beiser, Thờ Phượng Đức Chúa Trời, n.p, n.d; p. 93.
[viii] Forrest Beiser, op.cit., p 97.
[ix] https://www.youtube.com/watch?v=3a4YLSoKrhc
[x] http://www.hoithanhhanoi.com/blog/tho-phuong/
[xi] Vì âm thanh không tốt nên không nghe rõ.
[xii] Tài liệu lớp M.Min, Introduction to Theology and Practice of Worship, Viện TKTH 2016, Chapter 8, p.52.
[xiii] Tài liệu lớp M.Min, op.cit., p.16.
[xiv] ibid., p.52.
[xv] ibid., p.46.
[xvi] ibid., p.48.
——–
[i] HTTLVN (MN), Thánh Ca, NXB Đồng Nai 2011, p.35
[ii] Tuy nhiên tôi không đồng tình với Rick Warren khi ông cho rằng: “Ngày nay có lẽ Luther cũng sẽ mượn giai điệu từ quán karaoke gần nhà.”
[iii] HTTLVN (MN), op.cit., p.51 (Thánh ca 59).
[iv] Rick Warren, Hội Thánh Theo Đúng Mục Đích, n.p, n.d, p.307.
[v] Ủy ban CĐGD, Thánh Kinh Căn Bản, NXB Tôn Giáo 2013, Vol 3, p.111.
[vi] James D.Berkley, et al. Cẩm Nang Mục Vụ, NXB Phương Đông 2014, Vol 1, p. 236
[vii] Forrest Beiser, Thờ Phượng Đức Chúa Trời, n.p, n.d; p. 93.
[viii] Forrest Beiser, op.cit., p 97.
[ix] https://www.youtube.com/watch?v=3a4YLSoKrhc
[x] http://www.hoithanhhanoi.com/blog/tho-phuong/
[xi] Vì âm thanh không tốt nên không nghe rõ.
[xii] Tài liệu lớp M.Min, Introduction to Theology and Practice of Worship, Viện TKTH 2016, Chapter 8, p.52.
[xiii] Tài liệu lớp M.Min, op.cit., p.16.
[xiv] ibid., p.52.
[xv] ibid., p.46.
[xvi] ibid., p.48.
THƯ MỤC THAM KHẢO
SÁCH
- BERKLEY, JAMES D. Cẩm Nang Mục Vụ. TP HCM: Nhà Xuất Bản Phương Đông, 2014.
- HTTLVN (MN). Thánh Ca. Đồng Nai: NXB Đồng Nai, 2011.
- PHÚC, LÊ HOÀNG và NGUYÊN, NGUYỄN BÁ. Ca Cổ Tin Lành 1. Đồng Nai: NXB Đồng Nai, 2013.
- Ủy ban Cơ Đốc Giáo dục. Thánh Kinh Căn Bản, Vol 3. TP HCM: Nhà Xuất Bản Tôn giáo, 2013.
- WARREN, RICK. Hội Thánh Theo Đúng Mục Đích. California: Viện Thần học VN, 2001.
TÀI LIỆU
- BEISER, FORREST. Thờ Phượng Đức Chúa Trời. Tài liệu học tập của chương trình ICC, n.d.
- TLH HTTLVN (MN). Thông báo. TP HCM: Số 1290/2015/TLH-TB, 2015.
- Lớp M.Min. Introduction to Theology and Practice of Worship. TP HCM: Viện Thánh Kinh Thần học, 2016.
WEBSITE
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com