Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Cơ Đốc Nhân Có Thể Sống Một Cuộc Sống Viên Mãn Nhất Ngay Trên Trần Gian Này Không?


           Cuốn sách của Joel Osteen Cuộc sống viên mãn nhất của bạn ngay trên trần gian này (Your Best Life Now) đã khiến cho nhiều người ra sức tìm kiếm “cuộc sống viên mãn nhất” cho họ. Trong số những lời tuyên bố của Osteen, có một lời tuyên bố như thế này: “Đức Chúa Trời muốn bạn được thịnh vượng về tài chánh” (trang 5). Không nghi ngờ gì cả, Osteen thẳng thắn khi tuyên bố những điều này và tin rằng của cải và sự thành công là con đường đem đến hạnh phúc thật sự. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói gì về điều này? Chúa có muốn tất cả con dân Ngài được giàu có không? Và Ngài có chỉ dạy chúng ta phương cách để tìm được hạnh phúc là gì không? Quan trọng hơn nữa, có phải cuộc sống viên mãn nhất của bạn là ở tại đời này không, hay cuộc sống viên mãn của bạn sẽ đến trong đời sau?

           Có thể hoàn toàn đúng khi nói rằng cuộc sống trên trần gian này là viên mãn nhất – nếu như bạn không phải là một Cơ Đốc nhân. Những người chưa tin Chúa cố tìm cho mình một cuộc sống tốt đẹp nhất trong hiện tại và ở trên trần gian này, bởi vì cuộc sống đời sau của họ là vô vọng, không niềm vui, không ý nghĩa, không có sự thỏa lòng và không có sự giải cứu ra khỏi những đau khổ bất tận. Những ai khước từ Chúa Jesus sẽ phải trải qua cõi đời đời của mình trong chỗ u tối nhất, nơi mà chỉ có khóc lóc và nghiến răng.” Cụm từ này được sử dụng 5 lần (Ma-thi-ơ 8:12, 22:13, 24:51, 25:30; Lu-ca 13:28) để mô tả một hiện thực khốn khổ đáng sợ cho những ai bị ném vào trong đó ngay khi họ qua đời. Vì thế, việc tìm kiếm để được tận hưởng một cuộc sống viên mãn nhất đối với những người chưa tin thì thật ra cũng có lý, bởi vì cuộc sống đời này mới thật sự là cuộc sống tốt đẹp nhất có thể có. Còn cuộc đời sau, đối với họ, quả thật là khủng khiếp.

           Tuy nhiên, đối với Cơ Đốc nhân, cho dù cuộc sống hiện tại đang có tốt đẹp cách mấy vẫn không thể nào so sánh được với cuộc sống đang chờ đón chúng ta trên thiên quốc. Sự vinh hiển của thiên đàng – sự sống đời đời, sự công bình, vui mừng, bình an, hoàn mỹ, sự hiện diện của Chúa, tình bạn hữu tuyệt vời với Đấng Christ, phần thưởng, và tất cả những điều khác mà Chúa đã định sẵn – là một gia sản thiên quốc dành cho mỗi Cơ Đốc nhân (1 Phi-e-rơ 1:3-5); và chắc hẳn những điều này sẽ làm lu mờ đi hình ảnh về một cuộc sống viên mãn nhất tại trần thế này. Thậm chí người giàu có nhất hay thành công nhất trên thế gian này rồi cũng trở nên già nua, bệnh tật và sẽ qua đời; của cải của anh ta không thể ngăn chặn được những điều này và những của cải này cũng không thể theo cùng anh ta bước vào đời sau. Vì vậy, tại sao bạn lại được khuyến khích để tìm cho mình cuộc sống viên mãn nhất tại trần thế này? Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộ đào ngạch khoét vách mà lấy. Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó.” (Ma-thi-ơ 6:19-21).

           Câu Kinh thánh này đem đến cho chúng ta một sự cản trở tiếp theo về triết lý “cuộc sống viên mãn nhất tại đời này”. Tấm lòng của chúng ta ở đâu thì của cải chúng ta ở đó. Những gì mà chúng ta yêu chuộng trong cuộc sống này sẽ ăn sâu vào trong tấm lòng, tâm trí, trong chính sự hiện hữu của chúng ta, và chắc chắn sẽ phản ánh qua lời nói và hành động của chúng ta. Nếu bạn đã từng gặp một ai đó mà cuộc sống của họ đầy ắp những mưu cầu về sự giàu có và ước muốn, nó sẽ thể hiện ra ngay lập tức bởi vì những gì anh ta nói ra đều xoay quanh những chủ đề này. Tâm hồn anh ta luôn tràn ngập những điều thuộc về cuộc sống này, và do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng nói ra (Lu-ca 6:45). Anh ta không có thời gian để hướng đến những điều thuộc về Thiên thượng – Lời Chúa, con dân Chúa, công việc Chúa và cuộc sống đời đời mà Ngài ban cho – bởi vì anh ta quá bận rộn để bôn ba theo đuổi tìm kiếm một cuộc sống viên mãn nhất tại đời này. 

           Tuy nhiên, Thánh Kinh phán với chúng ta rằng “nước Thiên đàng” không phải là của cải đời này, mà giống như của báu được chôn trong một đám ruộng – rất quý giá đến nỗi chúng ta phải bán tất cả những thứ chúng ta có để được sở hữu nó (Ma-thi-ơ 13:44). Không có bất cứ lời khuyên nào trong Kinh thánh khuyên dạy chúng ta theo đuổi và chất chứa của cải trên thế gian này cả. Thật ra, chúng ta được khuyến khích để làm điều ngược lại. Chúa Jesus thúc giục người trai trẻ giàu có bán hết gia tài anh ta có để đi theo Ngài hầu cho anh ta cũng hưởng được của cải trên thiên đàng, nhưng người trai trẻ này đi ra buồn bã bởi vì của cải là điều quý báu đối với anh (Mác 10:17-23). Không còn nghi ngờ gì nữa người trai trẻ này đã mãi lo tận hưởng cuộc sống viên mãn trên đất này, để mất niềm hi vọng về một cuộc sống thật sự trong tương lai của mình. Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? (Mác 8:36).

           Tuy nhiên, có phải Đức Chúa Trời không muốn chúng ta có một cuộc sống thoải mái và an nhiên về tài chánh không? Chúng ta hãy nhìn xem Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài để biết rằng triết lý về “cuộc sống viên mãn nhất tại đời này” là không có thật. Chúa Jesus hoàn toàn không có của cải, những môn đồ theo Ngài cũng vậy. Ngài thậm chí còn không có một chổ để gối đầu (Lu-ca 9:58). Cuộc sống của sứ đồ Phao-lô có thể nói cũng không đủ điều kiện để được phước theo như tiêu chuẩn của Osteen đưa ra. Phao-lô nói: năm lần bị người Giu-đa đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm. Lại nhiều lần tôi đi đường nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối; chịu khó chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ.” (2 Cô-rinh-tô 11:24-27). Có phải Phao-lô đang sống một cuộc sống viên mãn nhất không? Dĩ nhiên là không! Ông đang mong đợi một cuộc sống viên mãn nhất trong tương lai, một niềm hi vọng phước hạnh về một “cơ nghiệp không hư đi, không ô-uế, không suy tàn, để dành trong các từng trời” cho ông và tất cả những ai ở trong Đấng Christ. Đây mới chính là cuộc sống viên mãn nhất của chúng ta, không giống như một cuộc sống “như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay” tại trần thế này (Gia-cơ 4:14).

           Vả lại, làm sao chúng ta có thể mong chờ vào một thế gian ngập tràn tội lỗi này để đem đến cho mình một cuộc sống viên mãn nhất?  Làm sao chúng ta có thể bỏ qua lời Kinh Thánh chép: loài ngươi sanh ra để bị khốn khó như lằn lửa bay chớp lên không(Gióp 5:7), và hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Jesus Christ, thì sẽ bị bắt bớ(2 Ti-mô-thê 3:12), vàhãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn.” (Gia-cơ 1:2), để có thể nói cho mọi người rằng cuộc sống viên mãn nhất của họ là ngay lúc này? Làm sao chúng ta có thể coi sự hi sinh của những người tuận đạo Cơ Đốc đầu tiên là vô nghĩa? Người thì bị treo cổ, người thì bị thiêu sống, chặt đầu, và bị nhúng vào vạt dầu sôi chỉ vì đức tin và lòng trung thành của họ với Đấng Christ. Họ vui lòng chịu khổ vì Đấng mà họ tôn thờ. Có phải họ đã phải chấp nhận chịu chết một cách đau đớn bởi vì không có ai cho họ biết rằng họ sẽ được tận hưởng cuộc sống viên mãn nhất khi họ mưu cầu vật chất đời này và về lợi ích bản thân, như Joel Osteen đã tuyên bố không? Đức Chúa Trời không bao giờ hứa về sức khỏe, của cải và sự thành công trên đất. Chúng ta không thể mong đợi những lời hứa mà Ngài chỉ dành ban trên thiên đàng, được ứng nghiệm tại trần gian này, và Hội thánh cũng đừng nên hứa với con dân Chúa những ảo tưởng không thể có về một cuộc sống viên mãn nhất tại đời này. Những lời hứa như thế sẽ khuyến khích người ta tự tìm cho mình những điều mà họ cho rằng sẽ làm nên một cuộc sống viên mãn nhất và tất nhiên họ sẽ chối bỏ Chúa nếu như Ngài không làm thành những điều họ ao ước.

           Triết lý về “cuộc sống viên mãn nhất của bạn tại đời này” không có gì khác hơn là một “quyền lực của lối suy nghĩ lạc quan” cũ được trau chuốt lại để chạm đến những điều người ta thích nghe của thế hệ đương thời. Nếu như chúng ta biết Chúa Jesus Christ là Chúa Cứu Thế của chúng ta, thì cuộc sống tốt đẹp nhất đang đợi chúng ta là ở trên Thiên quốc nơi mà chúng ta sẽ nếm trải một cuộc sống đời đời trong niềm hân hoan và hạnh phúc nhất, được tận hưởng một cuộc sống mà nó sẽ viên mãn hơn gấp bội phần so với cuộc sống hiện tại mà có thể bạn cho rằng đó là “viên mãn nhất”.


Người dịch: Thanh Trang
Nguồn: httlvn.org
(https://www.gotquestions.org/best-life-now.html)

Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

THƠ: Kỷ Niệm Mừng Chúa Thăng Thiên

Thơ: Kỷ Niệm Mừng Chúa Thăng Thiên


Vui mừng lễ Chúa về trời
Hoàn thành sứ vụ xuống đời cứu nhân.
Dương trần con nối bước chân
Jesus Cứu Chúa rao ân cứu người.


Trên trời chắc Chúa vui cười:
Con xong sứ mạng về trời với ta,
Tình ta tình Chúa bao la,
Ta đâu con đấy mới là thỏa mong!


MS. Lê Duy Linh
26.5.2017
Nguồn: httlvn.org

Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

Phản hồi thông tin từ Quý độc giả

Thời gian qua, Ban Truyền thông (BTT) nhận được nhiều yêu cầu từ Quý độc giả liên quan đến vấn đề Thánh Kinh Hè 2017. BTT xin được phản hồi như sau:

1. Đối với các file Video Cử điệu: Chúng tôi không chia sẻ vì lý do bản quyền.

2. Đối với các file PowerPoint, PDF nội dung bài hát, thị cụ: BBT sẽ xem xét và gửi phản hồi từ địa chỉ mail : contact.bbtqt@gmail.com trong vòng 72h. Để được xử lý nhanh chóng, vui lòng cung cấp chính xác thông tin: Hội Thánh, Tỉnh/TP... thông qua ô nhận xét có sẵn trên Website.

Trường hợp không thể xác minh thông tin, BTT không thể thực hiện yêu cầu của Quý vị. 



BAN TRUYỀN THÔNG 

Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Trang Phục Của Giới Trẻ Cơ Đốc

          Thời trang là một khái niệm áp dụng cho một người thường mặc những bộ trang phục thịnh hành ở một thời điểm nào đó. Trước sự phát triển của xã hội, con người không chỉ có nhu cầu ăn ngon nhưng cũng cần mặc đẹp, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, định nghĩa “thời trang” và “mặc đẹp” qua suy nghĩ của giới trẻ nói chung và giới trẻ Cơ đốc nói riêng đã có phần lệch lạc khỏi mục đích ban đầu của bộ trang phục. Mặt khác vì không nhận ra địa vị của mình trong nhà Đức Chúa Trời, hoặc nhận ra nhưng phớt lờ nên đã ăn vận những mẫu “thời trang kỳ quặc, dị hợm”, những kiểu quần áo “morden” (mô-đen) gây nên nhiều tình huống dở khóc dở cười trong một số nơi, kể cả nhà thờ khiến một số người bị vấp phạm. Cơ Đốc Nhân cần nhận thức địa vị của bản thân mình trong nhà Đức Chúa Trời, là con của Đấng Thánh Khiết, để từ đó có những quyết định khôn ngoan đẹp lòng Đức Chúa Trời và chọn những bộ trang phục cho chính mình để không gây vấp phạm cho người khác.   
          Hầu hết các nguồn tài liệu vẫn chưa nói rõ nguyên nhân và sự ra đời của trang phục. Chỉ duy có một nguồn tài liệu nói rõ về điều này. Chính Kinh Thánh là nguồn tài liệu duy nhất cho chúng ta biết rõ nguyên nhân ra đời và mục đích của trang phục. Qua nhiều thời đại trang phục thay đổi để hợp thời trang. Nhưng quan điểm của Kinh Thánh về thời trang vẫn không thay đổi dành cho con người và đặc biệt là Cơ Đốc Nhân.     

           1/ Nguồn gốc và sự ra đời của trang phục:
          “Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quí vì để mở trí khôn, bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa. Đoạn, mắt hai người đều mở ra, biết rằng mình lõa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân” (Sáng Thế Ký 3:6-7). Từ buổi sáng thế khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên A-đam và Ê-va thì vẫn chưa có một khái niệm vào về trang phục. Nhưng bắt đầu từ khi A-đam và Ê-va phạm tội vì kiêu ngạo, không vâng lời Đức Chúa Trời họ có ý thức mới về chính mình và người khác trong sự lõa lồ và hổ thẹn. Cố gắng của chính họ để che sự lõa lồ thật yếu kém, tạm bợ và vô ích bằng việc lấy lá cây đóng khố che thân. Đây chỉ là hành động bộc phát để che chắn tạm thời sự xấu hổ, nhưng điều có thể thấy được nguyên nhân đầu tiên ra đời của trang phục đó chính là để che chắn sự lõa lồ, hổ thẹn.
          “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy da thú kết thành áo dài cho vợ chồng A-đam, và mặc lấy cho” (Sáng Thế Ký 3:21). Chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Đấng đã thiết kế ra trang phục đầu tiên bằng da thú dành cho vợ chồng A-đam và Ê-va, vì có thể Đức Chúa Trời nhận thấy khố bằng lá cây chỉ là tạm bợ và nhất thời. Trang phục đầu tiên Đức Chúa Trời thiết kế dành cho cả nam và nữ đều có hình thức là áo dài, bởi mục đích chính của trang phục là để che đậy sự lõa lồ và xấu hổ.
          2/ Trang phục của Thầy tế lễ
          Qua nhiều thế kỷ, nhiều thời đại trang phục bắt đầu có sự thay đổi về hình thức và chất liệu với những tên gọi khác nhau như: áo choàng (Sáng Thế Ký 9:27), áo xống (Sáng Thế Ký 24:53), áo tơi lông (Sáng Thế Ký 25:25), áo dài có nhiều sắc (Sáng Thế Ký 37:3)…Mãi đến Xuất Ê-díp-tô ký 28:2 “Ngươi hãy chế bộ áo thánh cho A-rôn, anh ngươi, để người được vinh hiển trang sức”, lần thứ hai Đức Chúa Trời thiết kế trang phục dành cho Thầy tế lễ với mục đích tôn vinh chức vụ và các chức năng của Thầy tế lễ. Trang phục đầu tiên Đức Chúa Trời thiết kế để che sự lõa lồ xấu hổ sau khi con người phạm tội, bộ trang phục thứ hai Đức Chúa Trời thiết kế dành cho Thầy tế lễ, người được biệt riêng đến gần và thờ phượng Ngài. Sự thay đổi về hình thức và chất liệu để phù hợp với mục đích và thẩm mỹ, đó chính là thời trang.
          Trang phục Thầy tế lễ được Đức Chúa Trời chỉ dẫn rất tỉ mỉ từng chi tiết một, trong đó có nhắc đến một bộ phận không thể thiếu của bộ trang phục đó chính là quần lót “Hãy chế cho họ quần lót trong bằng vải gai, đặng che sự lõa lồ, mặc từ ngang lưng quần cho đến bắp vế” (Xuất Ê-díp-tô ký 28:42). Tựu chung, mục đích của trang phục là để che sự lõa lồ và thể hiện công việc, phong cách, quan điểm của mỗi người.
          Cơ Đốc Nhân là “dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 2:9a). Từ khi Đức Chúa Giê-xu hy sinh trên Thập tự giá “Màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên chí dưới” (Mác 15:38) mỗi Cơ Đốc Nhân đều được đến gần Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu bằng sự cầu nguyện. Chúa Giê-xu là Thầy tế lễ Thượng phẩm, là Đấng Trung Bảo giữa con người và Đức Chúa Trời, mỗi Cơ Đốc Nhân là một Thầy tế lễ, được đến gần Đức Chúa Trời. Đặc biệt khi Cơ Đốc Nhân bước đến đền thờ không chỉ trong địa vị một tín đồ nhưng cũng là một thầy tế lễ dâng lên Chúa những của lễ là sự cảm tạ, ngợi khen và những điều cầu xin. Dù không bắt buộc mỗi Cơ Đốc Nhân sử dụng trang phục như những Thầy tế lễ, nhưng trong cách ăn mặc ngoài xã hội và đặc biệt là trong nhà thờ giới trẻ Cơ Đốc cần phải nhớ nguyên tắc trong cách ăn mặc.

3/ Nguyên tắc trong cách ăn mặc của Cơ Đốc Nhân:     

a. Ăn mặc kín đáo:
          William Orr, trong quyển Tình Yêu, Tìm Hiểu và Hôn Nhân than thở cho thực trạng Thế giới ngày nay nhan nhản một hiện tượng đáng báo động đó là sự trơ trẽn và hầu như khiếm nhã trong trang phục của phụ nữ. Các cô, các bà xuất hiện giữa công chúng trong những bộ đồ hở hang, những chiếc quần sọt ngắn ngủn, dường như cốt để làm cho những người đoan chính phải đỏ mặt vì ngượng. Chính những kiểu “thời trang thiếu vải” có thể khiến cả những chàng trai có đầu óc lành mạnh cũng thấy tâm trí và thân xác bị kích động. Vô tình trong cách ăn mặc theo thời trang không kín đáo của quý bà quý cô đã gây cớ vấp phạm cho người khác “các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội tà dâm. XuXh 20:14PhuDnl 5:18 Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi” (Ma-thi-ơ 5:27-28). Trong một vài trường hợp chính điều đó còn tiềm ẩn những nguy hiểm tác hại chính bản thân quý bà quý cô và cả quý ông. Cho nên, giới trẻ Cơ Đốc Nhân cần phải thận trọng trong cách ăn mặc sao cho kín đáo “Chớ tìm kiếm sự trang sức bề ngoài, như gióc tóc, đeo đồ vàng, mặc áo quần lòe loẹt; nhưng hãy tìm kiếm sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là giá quí trước mặt Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 3:3-4)

b. Ăn mặc hợp lý:
          Trong tiếng Hy-lạp, hợp lý có nghĩa là tự chế ngự mình trong sự quân bình và cẩn trọng. “Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng” (I Ti-mô-thê 6:8), Cơ Đốc Nhân cần phải xem trang phục là nhu cầu cần thiết chứ đừng chạy theo mốt kỳ khôi, kỳ dị, đỏng đảnh, tức thời, nhưng chính bản thân hoặc một số người lại cho rằng đó mới là hợp mốt, theo kịp thời đại. Ngược lại, cũng đừng trở thành người mẫu của các kiểu thời trang đã qua từ mười năm trước. Theo II Phi-e-rơ 1:6a “thêm cho học thức sự tiết độ”, học thức với hiểu biết thì phải tự chủ trong mọi việc kể cả tự chủ trong việc ăn mặc phù hợp với khả năng và hoàn cảnh kinh tế, nhưng vẫn không lỗi thời, cổ hũ. Một Cơ Đốc Nhân ăn mặc kín đáo, hợp lý, sạch sẽ là một người hiện đại, hiểu biết, đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta.  

c. Ăn mặc thích hợp:
          Ăn mặc kín đáo, hợp lý không có nghĩa là ở bất kỳ đâu, khi nào, và trong mọi trường hợp đều mặc một thứ trang phục như một nguyên tắc không thay đổi. Ví dụ như khi chơi bóng đá không thể mặc áo sơ-mi, quần tây, thắt ca-ra-vát. Quý bà quý cô cũng không thể mặc đồ ngủ mà đi dạ hội…Cũng vậy, khi đến nhà thờ với mục đích là thờ phượng Chúa, trong địa vị là Thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh dân thuộc riêng về Đức Chúa Trời, thì quý bà quý cô, quý ông cũng cần phải chọn trang phục cho phù hợp, không hở han hang, không luộm thuộm để giữ sự trang nghiêm trong nơi Thánh và tôn trọng nơi người khác.
          Đức Chúa Trời cho con người có quyền tự do, kể cả việc chọn những bộ trang phục cho chính mình. Nhưng quyền tự do đó không được phép vượt qua tiêu chuẩn ban đầu dành cho trang phục. Khi con người phạm tội thì trang phục ra đời để che sự lõa lồ, nhưng thật nghịch lý thay khi ngày nay tội lỗi càng gia tăng thì con người lại càng ăn mặc lõa lồ. Vì thế, giới trẻ Cơ Đốc cần nhận thức rõ điều này và quan trọng hơn thế nữa là địa vị thầy tế lễ trong nhà Chúa để từ đó trong cách ăn mặc chúng ta không gây cớ vấp phạm cho người khác. Nam có thể mặc áo sơ-mi quần tây hoặc ka-ki vừa lịch lãm vừa phong cách, nữ có thể mặc áo dài vừa trang nhã vừa diệu dàng đầy nữ tính…Ngoài ra giới trẻ Cơ Đốc cần thể hiện đời sống thánh khiết qua nếp sống hàng ngày hơn là những thứ mà người ấy khoác lên mình. Bởi vậy, trong cách ăn mặc, chọn lựa thời trang, thể hiện sự khác biệt của người trẻ Cơ Đốc với người trẻ bên ngoài xã hội. Cơ Đốc Nhân hãy làm đẹp lòng Đức Chúa Trời bằng việc ăn mặc kín đáo, hợp lý và thích hợp. Đừng để quần áo và những mốt thời trang của thế gian trở thành thần tượng trong cuộc đời của chúng ta./.


Ti-mô-thê Tạ

Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

Bình An


             Mỗi ngôn ngữ có một cách khác nhau để diễn đạt tư tưởng. Trong lời chào hỏi thông thường, người Trung Hoa hỏi đã dùng cơm hay chưa? Người Pháp, nếu chúng ta dịch nghĩa đen thì câu hỏi thăm là, “Đi đứng như thế nào?” Người Việt chúng ta hỏi có mạnh khỏe hay không. Người Do-thái và một số quốc gia ở Trung Đông thì lời chào là bình an hay chúc bình an. Bình an hay an bình là một trong những điều chúng ta cần nhất trên đời, nhất là trong những ngày mà thế giới dẫy đầy những xôn xao và bất an. Chúng ta thường hiểu bình an hay hòa bình là phản nghĩa của chiến tranh hay nói khác đi, hòa bình là tình trạng không chiến tranh, nhưng thực tế không nhất thiết như vậy vì có những nơi đang có chiến tranh mà người ta vẫn bình an và ngược lại, có những chỗ rất an bình nhưng con người vẫn bất an. Bình an vì vậy là một trạng thái của tâm hồn chứ không phải là hoàn cảnh.

             Chữ “bình an” trong tiếng chào của người Do-thái chẳng những mang ý nghĩa an bình nhưng cũng nói lên ý niệm hòa hợp và hài hòa như hợp âm trong một khúc nhạc hay màu sắc của một bức tranh. Hài hòa, hòa nhịp với nhau, đó là hình ảnh đích thực của bình an hay hòa bình. Trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ con cái, anh chị em sống hòa hợp với nhau, chúng ta có an bình.Tương tự như vậy trong mọi mối quan hệ giữa người với người. Mối quan hệ giữa con người chúng ta với Thiên Chúa cũng giống như vậy. Nếu tâm hồn, tư tưởng, đường lối của chúng ta hòa hợp với tư tưởng, đường lối của Thiên Chúa, chúng ta sẽ có hòa hợp và an bình. Ngược lại, chỉ có xôn xao và bất an. Trong kinh nghiệm chúng ta thấy rằng xôn xao và bất an là tình trạng thường xuyên của con người mà lý do là vì đường lối và nếp sống của chúng ta không phù hợp với đường lối của Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng chúng ta. Chẳng những không phù hợp, chúng ta còn đi ngược lại và chống đối Thiên Chúa. Chúng ta tự đặt mình vào tư thế địch thù với Đức Chúa Trời. Chúng ta ở trong tư thế thù nghịch với Đức Chúa Trời vì Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết mà chúng ta là con người tội lỗi. Hai điều nầy không thể nào hòa hợp với nhau được như ánh sáng với bóng tối. Nếu có ánh sáng thì không có bóng tối và chỗ nào có bóng tối thì không thể có ánh sáng.

             Con người vẫn ở trong tư thế nghịch thù với Thiên Chúa như vậy cho đến 2,000 năm trước, Chúa Giê-xu vào đời, mang hình hài thể xác của con người, chịu chết thế cho con người để giải hòa con người với Đức Chúa Trời. Kinh Thánh gọi Chúa Giê-xu là sự hòa bình của chúng ta. Nói như vậy nghĩa là Chúa Giê-xu đã giải hòa chúng ta với Đức Chúa Trời qua sự chết của Ngài. Những bộ lạc trong vùng Papua New Guinea thường hay tranh chiến với nhau và mỗi khi ngưng chiến họ thường bày tỏ thiện chí bằng cách mỗi phe trao đổi cho phe bên kia một đứa bé của bộ lạc mình. Về sau, nếu hai bộ lạc có đánh nhau, người ta sẽ dùng hai đứa bé đó để thương thuyết. Đứa bé trao đổi trong cuộc chiến ở Papua New Guinea gọi là “Em Bé Hòa Bình” hàm ý em bé tạo hòa bình hay em bé đem lại hòa bình. Khi Chúa Giê-xu giáng trần làm người 2,000 năm trước, Ngài chính là em bé hòa bình đó. Ngài giải hòa chúng ta với Đức Chúa Trời thánh khiết bằng cách mang tội và chịu chết thế cho chúng ta. Được giải hòa với Đức Chúa Trời rồi, chúng ta mới có hòa bình trong tâm hồn và có thể sống trong hòa bình, an lạc với chính mình và với mọi người.

             Điều chúng ta cần nhất hiện nay là hòa bình, nói đúng hơn là an bình trong tâm hồn giữa những biến chuyển của thời cuộc. Chúa Giê-xu phán hứa với chúng ta rằng Ngài sẽ ban bình an đó cho chúng ta. Chúa Giê-xu phán, “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi” (Phúc Âm Giăng 14:27). Bình an thật đến từ Thiên Chúa và chúng ta chỉ có bình an thật khi chúng ta được giải hòa với Thiên Chúa. Con người vẫn tiếp tục ở trong tư thế thù địch với Thiên Chúa nếu không ăn năn, quay trở lại, nhận tội với Chúa để được Ngài thứ tha tội lỗi. Khi tội lỗi được tha thứ, chúng ta mới kinh nghiệm được bình an hay hòa bình với Ngài.

             Có hai họa sĩ cùng vẽ bức tranh với chủ đề bình an. Họa sĩ thứ nhất vẽ cảnh một mặt hồ phẳng lặng, bầu trời trong xanh với đàn chim bay lượn.Họa sĩ thứ nhì thì vẽ một cảnh biển giông tố nhưng bên cạnh là một hốc đá kín đáo, trong hốc đá đó, một chú chim nhỏ đang hót vì được an toàn trong một hoàn cảnh đầy đe dọa. Đó là bình an thật.

             Có ba điều quan trọng về bình an mà chúng tôi muốn thưa với quý vị hôm nay:
1. Bình an thật là bình trong tâm hồn không phải ngoại cảnh.
2. Chúa Giê-xu là sự bình an của chúng ta vì Ngài đã đến chịu chết thế vì tội lỗi của chúng ta để hòa giải chúng ta với Đức Chúa Trời.
3. Sở dĩ chúng tôi loan báo những điều nầy cho quý vị hôm nay là vì Lời Chúa dạy rằng “Chúa đã giao chức vụ giảng hòa cho chúng tôi.”
Vâng, Chúa đã “phó đạo giảng hòa cho chúng tôi và chúng tôi làm chức khâm sai của Chúa Cứu Thế, cũng như Đức Chúa Trời bởi chúng tôi mà khuyên bảo. Chúng tôi nhân danh Chúa Cứu Thế mà nài xin anh em: hãy hòa thuận lại với Đức Chúa Trời” (Thư I Cổ-linh 5:18-20).

             Lý do duy nhất thúc đẩy chúng tôi loan báo tin mừng nầy là muốn thấy mọi người được hòa giải với Thiên Chúa và kinh nghiệm bình an của Ngài.

             Người Trung Hoa hỏi thăm nhau đã dùng cơm chưa. Chúng ta hỏi thăm nhau có mạnh khỏe không. Người Do-thái khi gặp nhau cũng như khi từ giã đều nóishalom nghĩa là bình an. Đây cũng là tiếng chào mà những người con của Chúa thích chào nhau. Hôm nay chúng tôi cũng muốn gởi đến quý vị lời chào bình an tương tự. Bình an trong tâm hồn, bình an với Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Bình an đó sẽ canh giữ tâm hồn quý vị để chẳng những quý vị có thể sống một cuộc sống an lành nhưng cũng sống trong hài hòa và đem bình an thực sự đến cho mọi người.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017

THƠ: Vì Con Là Con Của Chúa


Vì Con Là Con Của Chúa


Sống giữa cuộc đời đầy dẫy dối gian, 
Con khép nép trong vòng tay Từ Phụ, 
Lòng người bất nhân nổi cơn cuồng nộ, 
Nhờ Cha ban ơn con được yên bình. 

Cũng có đôi lần con cậy sức mình, 
Nên chới với giữa dòng đời nghiệt ngã. 
Cha của con quyền năng trên tất cả, 
Ai lấy gang tay lường biển bao giờ? 

Cuộc đời nầy đâu đẹp tựa bài thơ, 
Uẩn khúc, u sầu, đau thương, tuyệt vọng. 
Không có Chúa mỗi người như cái bóng, 
Rối động vô chừng cũng chẳng đến đâu. 

Cảm ơn Cha ! Ngày tháng vút qua mau, 
Con bình tịnh! Vì là CON CỦA CHÚA. 
Hơn thế nữa! Cha đúng là đám lửa, 
Thiêu đốt bao nhiêu cáu cặn trong con. 

Thử thách , gian truân như lọc vàng ròng, 
Rồi con được Chúa nâng niu yêu quí, 
Nếu thế gian đúng là gian như thế. 
Thì con đây phải cẩn trọng từng giây. 

Khi Satan luôn rình rập quanh đây, 
Con sống khoẻ vì là CON CỦA CHÚA. 



Nguyễn Hoàng Yến 
Nguồn: vietchristian.com

Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2017

Những dòng suối


NHỮNG DÒNG SUỐI

                Kinh Thánh: Giê rê mi 31:9

                Chúng nó khóc lóc mà đến, và Ta sẽ dắt dẫn trong khi chúng nó nài xin Ta, Ta sẽ đưa chúng nó đi dọc bờ các sông, theo đường bằng thẳng, chẳng bị vấp ngã. Vì Ta làm cha cho Y-sơ-ra-ên, còn Ép-ra-in là con đầu lòng Ta.

                Sau khi được giải thoát khỏi đất lưu đày, dân sự sẽ đi theo Chúa trở về đất hứa. Họ sẽ cầu nguyện và bày tỏ lòng nương dựa của mình nơi Chúa. Rồi họ sẽ khóc, tuôn nước mắt vì ăn năn lẫn vì vui mừng.

                Đang khi họ khóc như những dòng suối lăn dài trên má, thì họ được Chúa dẫn đến gần những suối nước. Những dòng suối của Đức Chúa Trời sẽ thay thế cho những suối nước trên gương mặt họ. Nhiều thế kỷ trước đó, Đa-vít đã viết rằng Đấng chăn hiền lành sẽ dẫn bầy chiên của Ngài đến mé nước bình tịnh (Thi thiên 23:2).

                Nhóm người nam nữ vừa than khóc vừa cầu nguyện này sẽ bao gồm nhiều người nữa chứ không chỉ những người Giu-đa trở về từ đất lưu đày Ba-by-lôn. Sẽ có vô số người Y-sơ-ra-ên thuộc vương quốc phía Bắc đã bị đưa đi lưu đày từ rất lâu. Người Y-sơ-ra-ên cũng sẽ trở về , vì Đức Giê-hô-va đã phán rằng Ngài là Cha của dân Y-sơ-ra-ên.

                Chúa cũng nói rằng Ép-ra-im là con trưởng nam của Ngài. Ép-ra-im cũng là một người được chúc phước như là con trai đầu lòng bởi cha của Giô-sép (Sáng 48:13-14). Mặc dầu Giô-sép không phải là con đầu lòng, nhưng ông đã nhận lấy quyền trưởng nam vì cớ tội lỗi của các anh mình (ISử ký 5:1-2).

                Vậy Ép-ra-im hoặc cha mình là Giô-sép đều vốn không phải là con trưởng nam. Tuy nhiên, họ vẫn hưởng quyền trưởng nam. Về sau, cả dân tộc Y-sơ-ra-ên đều mang tên Ép-ra-im. Dường như dân tộc Y-sơ-ra-ên đã bị mất bất cứ quyền hạn gì của con trưởng nam khi họ bước vào đất lưu đày.

                Tuy nhiên, Chúa tái khẳng định rằng dân tộc này vẫn là con trai yêu dấu của Ngài. Ép-ra-im là con trai mà Ngài ưa thích. Chúa sẽ bày tỏ lòng thương xót của Ngài cho Ép-ri-im (31:20).

                Bởi sự thương xót của Ngài, Chúa sẽ dẫn đoàn phu tù đến chỗ tự do bên cạnh những dòng suối. Giê-rê-mi đã rao giảng rằng Chúa là nguồn của sông nước hằng sống (2:13). Chúa sẽ dẫn họ trở về cùng Ngài. Ngày nay, Ngài vẫn đang dẫn những người có nhu cầu đến những dòng suối của Ngài.

                Làm thế nào để mối quan hệ của bạn với Chúa có thể được tươi mát như một dòng suối?

 
David Coldwell
Nguồn:
cdnvn.com

Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

Bí Quyết Phê Bình và Tiếp Thu Lời Phê Bình


Tác giả: Brandon D. Smith

       Tôi sẽ không bao giờ quên ngày tôi công khai phê bình Tony Romo.
       Sau một mùa giải thất vọng nữa, tôi nói với các bạn của mình và những người hâm mộ Dallas Cowboys rằng tôi không còn tin tưởng Tony Romo có thể dẫn dắt đội đi đến chiến thắng Super Bowl. Một số người nói tôi là “người hay căm thù”. Một số khác âm thầm đồng ý với tôi chứ không công khai (áp lực bạn bè trong thể thao là một cuộc chiến thật sự). Một số khác không bao giờ để cho tôi khen ngợi Romo một lần nữa, hoặc thừa nhận rằng tôi vẫn yêu thương anh ấy trong tư cách một cầu thủ và nghĩ rằng anh ấy là tiền vệ hàng đầu của NFL. Thật vậy, tôi quan tâm chỉ vì tôi nghĩ rằng anh ấy có thể chơi hay hơn thế. Romo không phải loại cầu thủ dự bị khiến cho đội thất bại. Anh ấy là tiền vệ xuất sắc và là một trong những câu thủ tôi yêu thích. Tôi muốn nhìn thấy anh được thăng tiến.
       Họ nghe lời chỉ trích, và cho rằng đó là sự ghen ghét.
       Nếu hiểu không đúng, người ta có thể dễ dàng xem lời phê bình là sự căm thù hoặc xem thường người khác. Và đôi khi, công bằng mà nói, người ta thật đáng ghét và tỏ ra bất kính. Đó là con đường hai chiều mà hiếm khi nào cả hai có cùng thái độ đúng đắn. Thỉnh thoảng người bị phê bình tỏ ra quá nhạy cảm, và đôi khi người phê bình là kẻ ngu ngốc.
       Tôi nghĩ chúng ta có thể phê bình và tiếp thu lời phê bình một cách hiệu quả hơn.
       Khi mới bắt đầu tập tành trong chức vụ, trong giới học viện, và trong công tác xuất bản, tôi nghiệm ra rằng lời phê bình có thể là một điều tốt. Nó giúp chúng ta trưởng thành và trở nên tốt hơn. Thật vậy, sẽ cảm thấy sỉ nhục hơn khi bị cho rằng mình không xứng đáng phê bình bằng bị phê bình. Thử tưởng tượng chúng ta viết tác phẩm nào đó mà không ai quan tâm, và người ta quên ngay sau khi đọc. Nhưng nếu bạn viết để người khác đọc (hoặc nói để người ta nghe), bạn phải mong người khác cũng tham gia vào công việc của bạn cách tích cực lẫn tiêu cực. Bạn muốn châm ngòi nổ dọn sạch không gian để có được ý tưởng và cái nhìn mới mẻ. Đúng vậy, bạn muốn dạy dỗ nhưng bạn cũng phải muốn học hỏi nữa.
       Vậy nên đây là một vài lời khuyên cho người phê bình lẫn người bị phê bình, với hy vọng chúng ta có thể học cách cho và nhận lời phê bình trong tinh thần yêu thương tôn trọng nhau.

       Với Người Phê Bình
       Để trở thành một người phê bình có thiện ý là một công tác cao cả. Qua sự phản hồi mang tính xây dựng, những người khác có thể nhìn thấy những điều họ không nhìn thấy. Tôi không đủ lời để khen ngợi những người cố vấn, bạn bè, và người biên tập đầy tình yêu thương trong cuộc đời tôi. Họ đã chỉ cho tôi thấy những lúc tôi mơ hồ, vô tình hoặc hết sức bủn xỉn. Điều đó giúp giảm bớt sự hiểu lầm, bớt những mối quan hệ bị gãy đổ và bớt những tổn thương mà tôi không thể đếm hết. Những người bạn này yêu thương tôi đủ để giúp tôi suy nghĩ và cảm nhận vượt xa hơn ý nghĩ và cảm xúc của tôi. Họ đã cho tôi chiếc kính viễn vọng để nhìn vào không gian, nơi những ý tưởng khác sống động và mong mỏi được nhìn thấy. Và họ đã giúp tôi đem một số những ý tưởng này vào chính suy nghĩ của mình, cuối cùng khiến tôi trở nên thông minh và giàu lòng thương xót hơn – trở thành một người chân thật hơn.
       Nhưng người phê bình cũng nhận lấy hậu quả đi kèm. Tôi luôn cảm thấy bực mình với những bài điểm sách từ đầu đến cuối toàn những lời khen lấp lánh mà không chỉ ra được thiếu sót nào. Nhưng điều đó cũng có thể hiểu được phải không? Sợ xúc phạm những anh hùng, hay sợ làm cho hình ảnh của bạn bè hoặc đồng nghiệp trông tệ trong mắt người khác khi chúng ta phê bình công việc của họ cũng là nỗi sợ hợp lý. Điều này khiến chúng ta không muốn làm tổn thương người khác, và muốn tránh những mâu thuẫn có thể có.
       Dẫu vậy, chúng ta không nên tránh né lời phê bình.
       Phê bình bài giảng, bài báo, sách, và quan điểm (cho dù là thần học hay chính trị) đều là điều hữu ích, và phải phê bình với tình yêu thương tìm kiếm chân lý. Không phải “tình yêu” theo định nghĩa của nền văn hoá chúng ta, tức là mọi người đều nói lời tích cực với nhau, còn lời tiêu cực thì đáng bị nguyền rủa. Đó không phải là yêu thương. Yêu thương trong thế giới của sự phê bình là chân thành tìm cách làm cho người khác trở nên tốt đẹp hơn, tìm cách giúp họ trở nên khôn ngoan hơn, biết quan tâm hoặc trở nên xác đáng hơn.
       Facebook và Twitter thường là những phương cách kinh khủng để tung ra lời phê bình. Đó là nơi những lời châm chích qua lại dường như không hề kết thúc. Nhưng chúng không phải là những diễn đàn vô ích. Thật ra, những cuộc trò chuyện trực tuyến thường trung thực hơn cuộc trò chuyện trực tiếp. Chúng ta chỉ cần làm cho người khác tham gia với động cơ giúp họ bơi, không phải đạp lên đầu họ trong lúc họ đang chết đuối trong sự hiểu biết hoặc trong mối quan hệ.
       Là Cơ Đốc nhân, trong mọi phương diện của cuộc sống, động cơ thôi thúc chúng ta là lòng yêu Chúa và yêu tha nhân. Chúng ta phê bình vì chúng ta muốn cùng nhau đi tiếp hành trình đến với chân lý và sự hiểu biết, không phải đến sự chia rẽ và xung đột. Chúng ta muốn người khác (và chính mình) bước một bước nữa đến với suy nghĩ và hành động đúng đắn, không phải bị vấp ngã bởi khao khát chiến thắng trong cuộc tranh luận. Chúng ta muốn phê bình với thiện ý.
       Ngoài ra, nếu bạn là “người phê bình chuyên nghiệp” mà diễn đàn của bạn gồm các mẩu tin nhằm công kích và những điều nhằm hạ bệ người khác đăng tải trên phương tiện truyền thông đại chúng, thì bạn là “kẻ ngu dại” (Châm 15:1-2). Phương tiện truyền thông đại chúng không tạo ra loại phê bình này, nhưng chúng tạo diễn đàn để phát biểu ý kiến. Tài hùng biện của người phê bình thiếu thiện ý dễ dàng trở thành lời buộc tội và vu khống, không phải sự gây dựng tin kính. Ngay cả khi lời phê bình là đúng sự thật, thì kẻ ngu dại cũng có thể nói theo kiểu vô ích và hoàn toàn sai trật.
       Người phê bình có thiện ý muốn gây dựng người khác và làm cho Chúa Giê-xu được vinh hiển. Người phê bình thiếu thiện ý chỉ tìm cách phá hoại người khác mà thôi.

       Với Người Bị Phê Bình
       Bị phê bình là điều đau đớn. Tôi thường cảm thấy khó chịu trong người lần đầu tiên ai đó bất đồng với tôi về điều tôi viết hay điều tôi lựa chọn. Tôi chống chế hoặc bào chữa để tỏ ra là mình đúng, mặc dù rõ ràng không phải như vậy. Vì tự cao chăng? Hãy tự tra xét.
       Quay trở lại với nỗi sợ phê bình những người chúng ta tôn trọng hoặc quan tâm. Chúng ta không chắc họ có đáp lại lời phê bình một cách thích hợp, họ có hiểu rằng chúng ta vẫn yêu thương và tôn trọng họ không. Nhưng chúng ta không nên để cho điều này ngăn cản chúng ta cùng nhau tìm kiếm sự thật. Chúng ta nên có động cơ rõ ràng, và phải tử tế trong cách chúng ta phê bình.
Charles Spurgeon có lần nói: “Nếu ai đó nghĩ xấu về bạn, đừng nổi giận với họ, vì bạn còn tệ hơn người đó nghĩ”. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta sống trong tình trạng căng thẳng. Một mặt, chúng ta biết mình bất toàn. Chúng ta biết Spurgeon đã nói đúng và chúng ta là mục tiêu bị phê bình mỗi khi mở miệng nói. Mặt khác, chúng ta quan tâm đến sự thật. Đôi khi điều đó có nghĩa là chúng ta quan tâm đến việc người khác nghĩ đúng về chúng ta.
       Cảm giác bất an nhất thời về cách người khác đánh giá chúng ta  khiến chúng ta không kịp nghĩ đến việc biện hộ trong tương lai. Tính tự cao khiến chúng ta không thể chấp nhận lời phê bình, ngay cả sự chống đối với mục đích tốt. Chúng ta phải tin vào nhân thân của mình là con cái Đức Chúa Trời, và dùng mọi cơ hội có được để tăng trưởng, tin rằng sự thật và hiểu biết sẽ đem lại sự thoả mãn và còn lại đời đời hơn là lòng tự trọng. Lời phê bình khiêm nhường với thiện ý đáng được lắng nghe, cho dù có thể làm tổn thương.
       Nói cách khác, người phê bình và người bị phê bình đều phải quan tâm đến việc nói ra sự thật trong tình yêu thương hơn bất kỳ điều gì khác. Chúng ta nên cẩn thận khi nói và viết, mong ước đưa ra ý kiến công bằng, hợp lý và cẩn thận nhất có thể được. Chúng ta nên tiếp thu lời phê bình bằng sự khiêm nhường xuất phát từ cái nhìn về lâu về dài.

       Và trên hết, chúng ta nên phê bình và tiếp thu lời phê bình như những người quan tâm đến việc theo đuổi sự thật, những người yêu thương người khác đủ để cùng đứng chung với họ.

---------------
Về tác giả: Brandon D. Smith làm việc với Christian Standard Bible và dạy thần học tại nhiều trường. Ông cũng là tác giả của Rooted: Theology for Growing Christians, They Spoke of Me: How Jesus Unlocks the Old Testament (2017) Echoes of the Reformation (2017). Ông còn là người đồng dẫn chương trình Word Matters podcast. Bạn có thể theo dõi ông trên Twitter.


Người dịch: Khue Tran

Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Trái Tim Xẻ Đôi


               Kính thưa quý độc giả,
                Sally Clarkson là một nữ văn sĩ Hoa Kỳ, là người mẹ có bốn đứa con, là tác giả của bốn quyển sách nói về thiên chức làm mẹ cao cả, đang gióng lên lời cảnh thức về vai trò vô cùng quan trọng của người mẹ đang bị lãng quên giữa thế giới bận rộn đầy tất bật của chúng ta ngày nay.
                Sally kể lại, một ngày kia cô phải đi khám bệnh và đến gặp một nữ bác trẻ kia. Phòng mạch của người nữ bác sĩ trẻ này thật sáng sủa và hiện đại, trang hoàng thật đẹp mắt; còn nhân viên thì thật thân thiện, nhã nhặn và chuyên nghiệp. Vị nữ bác sĩ trẻ này tỏ ra am tường công việc chuyên môn của mình, nhưng dường như hơi lơ đãng và thiếu tập trung. Thậm chí, vị nữ bác sĩ này đã lầm lẫn trong khi chẩn bệnh cho một triệu chứng rất đơn giản của Sally. Trong lúc trò chuyện, Sally được biết vị nữ bác sĩ này vừa mới có một đứa con nhỏ còn nằm trong nôi. Chẳng mấy chốc, vị nữa bác sĩ trẻ này dốc đổ cả nỗi lòng với Sally như sau:
                “Em đã dành trọn mọi sức lực, thời gian và tiền của để học lấy được mảnh bằng bác sĩ. Em đang có nơi chốn đàng hoàng để làm việc, lại có đầy đủ nhân viên giúp việc. Em cứ tưởng em phải là người sung sướng nhất trên trần gian này; còn bạn bè và gia đình, ai ai cũng nể trọng em vì thành tích em đạt được. Nhưng hiện tại, em cảm thấy lòng mình như bị xâu xé vì em không thể chăm sóc con mình như lòng em mong ước, mà em thương con lắm chị ơi! Cả ngày làm việc, về tới nhà là đã tối rồi, mệt đến lả người. Em không có tí thời giờ nào để nghỉ ngơi; cũng chẳng có đủ thời giờ nào để bồng để ẵm để nựng con cho thỏa thích. Con em, nó không nhận được những gì tốt nhất từ mẹ nó. Nó chỉ nhận đồ thừa từ em mà thôi! Lòng em day dứt lắm, bởi vậy em khó mà tập trung hết tâm trí trong nơi làm việc! Chị ơi, em phải làm sao đây hả chị?”
                Quý độc giả thân mến,
                Tâm trạng và hoàn cảnh của vị nữ bác sĩ trẻ này cũng là tâm trạng và hoàn cảnh của rất nhiều người mẹ trong xã hội ngày nay. Phụ nữ ngày nay khi lớn lên, dành hết mọi nỗ lực để chuẩn bị cho nghề nghiệp chuyên môn trong tương lai, chẳng mấy ai quan tâm hay chuẩn bị cho một vai trò vô cùng quan trọng sau này trong gia đình mà không ai có thể thay thế được; đó là trở nên một người vợ và đảm đương thiên chức của một người mẹ.
                Đấng Tạo Hóa dựng nên người phụ nữ với những đức tính và khả năng có một không hai để có thể trở nên một người mẹ. Ngài cũng đặt vào người phụ nữ một tấm lòng trìu mến lạ thường để gần gũi, thương yêu, chăm sóc, quan tâm, lo lắng con cái của mình. Vai trò làm mẹ đúng nghĩa theo như ý định của Thiên Chúa, đòi hỏi trọn thời gian, trọn sức lực, trọn tâm trí, trọn mọi năng khiếu, trọn óc sáng tạo, trọn mọi tình cảm và trọn mọi ý chí thì mới có thể chu toàn được thiên chức cao cả này.
                Cho nên, cũng chẳng ngạc nhiên cho lắm, khi thấy vị nữ bác sĩ trẻ kia và nhiều người mẹ trong xã hội ngày nay, đang sống với tấm lòng dằn vặt xâu xé, vì họ đang đi ngược lại với thiên chức và tiếng gọi tự nhiên của con tim của mình. Rất đông phụ nữ ngày nay đang sống với trái tim xẻ đôi, đang cố gắng đến hụt hơi để bắt sao cho kịp những đòi hỏi của nghề nghiệp chuyên môn, đồng thời cũng muốn đáp ứng tất cả những nhu cầu của gia đình và con cái.
                Xã hội đương thời đang nêu ra một mô hình không tưởng mà hầu hết phụ nữ đang bị cuốn hút vào. Mô hình không tưởng dành cho phụ nữ ngày nay là: một công việc chuyên môn thành công đi đôi với một mái ấm hạnh phúc, trong đó tình yêu vợ chồng vẫn nồng thắm, con cái vẫn ngoan ngoãn thành đạt, mà công danh sự nghiệp của riêng mình thì chẳng hề có hao tổn gì. Vì tin vào và chạy theo mô hình đó, nhưng khi đụng chạm thực tế cuộc sống, người phụ nữ thấy mình không sao có đủ sức lực, không sao có đủ thời giờ để đảm đương cho hết, cho nên đa số phải chuốc lấy mặc cảm “ê chề” của một người “thất bại”; “thất bại” trong công việc chuyên môn mà cũng chẳng chu toàn thiên chức làm mẹ nữa!
                Nhân ngày lễ “Nhớ Ơn Mẹ” năm nay, những lời tâm tình của chúng tôi tuyệt đối không nhằm phản đối sự việc các bà mẹ phải ra đi làm ngoài xã hội để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, cũng chẳng hô hào quý vị phụ nữ phải từ bỏ công việc chuyên môn của mình mà Thiên Chúa đã ban cho năng khiếu, nhưng chúng tôi chỉ muốn chia sẻ những thực tế đau lòng đang xảy ra chung quanh chúng ta, để tất cả mọi người, trong đó có quý vị phụ nữ là người vợ, là người mẹ, và cả quý ông là người chồng, là người cha trong gia đình, có dịp xem xét và xếp đặt lại thứ tự ưu tiên trong cuộc sống, tùy theo hoàn cảnh và giai đoạn của con cái và gia đình mình, để mang đến ích lợi và hạnh phúc lâu dài.
                Kính thưa quý độc giả,
                Núp dưới danh nghĩa “nam nữ bình quyền”, người ta đã hạ bệ thành công “thiên chức làm mẹ” xuống ngang hàng với “công ăn việc làm”. Một khi lựa chọn “làm việc” trọn thời gian, một người phụ nữ không thể nào “làm mẹ” trọn thời gian được. Cũng như vậy, khi đã đặt ưu tiên “làm mẹ” trọn thời gian, người mẹ đó phải biết rằng, mình phải hy sinh về phần công ăn việc làm ngoài xã hội, phải bớt đi con đường sự nghiệp công danh, phải trì hoãn lại những mơ ước riêng tư của chính bản thân mình.
                Con cái không thể tự nhiên lớn lên trở thành những con người khỏe mạnh, không thể bỗng dưng biến thành những công dân lương thiện, cũng không thể tình cờ trưởng thành như những con người tài ba đáng tin cậy cho xã hội được. Con cái cũng như những hạt giống, có ai gieo bừa bãi trong gió mà mong đợi có ngày, những hạt giống này sẽ đậu lại để nẩy mầm, để trở nên một mảnh vườn tươi tốt với cây xanh trái ngọt? Làm sao bạn và tôi có thể để mặc cho con cái mình cuốn hút theo bao cám dỗ và cạm bẫy của dòng đời, chỉ dạy dỗ hay dìu dắt con cái qua loa với sức cạn với thời gian thừa, mà vẫn tin rằng chúng nó chẳng bị hề hấn hay tổn hại gì?
                Ai là người Thiên Chúa sáng tạo nên thật diệu kỳ, có thể mang nặng đẻ đau, có thể truyền cho con mình sức sống và tình thương qua dòng sữa ấm từ chính thân thể mình, có nhạy cảm tinh tế để cảm thông với con, có trái tim vô bờ bến để gắn bó, có lòng kiên nhẫn để nuôi nấng vỗ về, để dạy dỗ sửa trị, để an ủi khích lệ con cái từ lúc thơ dại cho đến lúc chúng trưởng thành lớn khôn?
                Ai là người Thiên Chúa ban cho bản tính khéo léo tỉ mỉ cùng với sự siêng năng cần mẫn để tạo dựng nên một mái ấm gia đình, để con cái được sống và trưởng dưỡng trong một môi trường lành mạnh ngập tràn yêu thương?
                Thiên Chúa tạo dựng nên người nam và người nữ. Ngài cũng là Đấng thiết lập hôn nhân, ban cho loài người gia đình và con cái. Thiên Chúa tạo nên người nam và người nữ khác nhau về tâm sinh lý, để đảm đương những vai trò khác nhau trong gia đình, để rồi cả hai cùng hỗ trợ nâng đỡ và nương tựa vào nhau.
                Vai trò làm vợ và thiên chức cao quý làm mẹ của người phụ nữ trong gia đình, theo như ý định của Đấng Tạo Hóa là một công việc đòi hỏi trọn thời gian, trọn sức lực và trọn tâm trí, trọn tái tim thì mới có thể mang đến một mái ấm trọn vẹn hạnh phúc được, như sách Châm Ngôn 31: 11-29 có mô tả:
                Một người vợ hiền đức còn quý hơn châu ngọc.
                Nàng được chồng tín nhiệm, và thu hoa lợi không thiếu thốn.
                Nàng chẳng làm thương tổn, nhưng suốt đời đem hạnh phúc cho chồng.
                Nàng bận bịu quay sợi, dệt dạ và vải gai.
                Nàng giống như con tàu từ xa chở thực phẩm về.
                Thức giấc khi trời chưa sáng, nàng sửa soạn thức ăn cho gia đình, cắt đặt công việc cho các tớ gái.
                Nàng lưu ý một thửa ruộng, rồi tạo mãi, với lợi tức làm ra, nàng lập một vườn nho.
                Nàng đảm đang, chịu khó, thức làm việc đến khuya, theo dõi giá hàng hóa, để mua bán kịp thời.
                Nàng cần cù kéo chỉ dệt tơ, rộng rãi giúp người nghèo.
                Không sợ gia đình gặp tuyết giá, vì sắm sẵn áo ấm bằng dạ.
                Nàng dệt lấy chăn mền, áo xống nàng bằng vải gai mịn.
                Chồng nàng được nổi danh, thuộc hàng nhân vật cao cấp trong xứ.
                Nàng sản xuất áo quần, đem bán cho con buôn.
                Là người có nghị lực và duyên dáng, nàng hớn hở nhìn vào tương lai tươi sáng.
                Nàng ăn nói khôn ngoan, lấy nhân từ làm kim chỉ nam.
                Nàng chăm sóc mọi việc trong nhà, không bao giờ biếng nhác.
                Con cái chúc nàng hạnh phúc, chồng nàng tấm tắc khen:
                “Có nhiều phụ nữ tài đức, nhưng mình vượt xa mọi người”
                Quý độc giả thân mến,
                Phụ nữ ngày nay có trình độ học vấn rất cao, thành công trong mọi lãnh vực chuyên môn, thăng tiến trong thương trường và nắm giữ nhiều địa vị chính trị quan trọng nữa. Nhưng bên cạnh đó, phụ nữ ngày nay đang sống dưới một áp lực nặng nề, bị xâu xé trong lòng giữa thiên chức làm mẹ cao quý và công ăn việc làm hay công danh sự nghiệp thật hấp dẫn ngoài xã hội.
                Có thêm thu nhập mang lại thêm tiện nghi nhưng lại cướp đi thời giờ quý giá để mẹ con được gần gũi bên nhau, để mẹ nấu cho con ăn những món ăn ngon lành bổ ích, để mẹ đọc sách, để mẹ kể chuyện, để mẹ ru con vào giấc ngủ trẻ thơ êm đềm với những bài ca dạt dào tình mẹ.
                Sự mất mát to lớn này không phải là tưởng tượng đâu, như tạp chí Time số ra ngày 30 tháng tư năm 2001, công bố kết quả của cuộc điều tra lớn nhất về sức khỏe tại Hoa Kỳ, cho biết rằng “trẻ con càng xa mẹ bao lâu, thì chúng càng dễ bướng bỉnh, hung hăng và bất trị bấy nhiêu khi chúng đến tuổi đi học mẫu giáo”.
                Trước bằng chứng quá đau đớn như vậy, nhà tâm lý học danh tiếng chuyên về gia đình, Tiến sĩ James Dobson, trong một cuộc phỏng vấn vào tháng tám năm 2001, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của người mẹ như sau:
                “Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ công bố điều mà tôi sắp nói ra đây và tôi biết rằng tôi sẽ bị nhiều người phản đối và chỉ trích vì điều mà tôi sắp công bố - nhưng tôi tin rằng những gia đình có cả vợ lẫn chồng đều đi làm, cả cha lẫn mẹ đều theo đuổi công ăn việc làm ngoài xã hội trong giai đoạn con cái còn nhỏ, đang lớn lên và cần được nuôi nấng chăm sóc tận tình, thì điều này sẽ tạo nên một áp lực khủng khiếp đến nỗi có thể xâu xé phân cách mọi người trong gia đình. Và những đứa con nhỏ trong gia đình sẽ đánh mất đi những gì quý giá nhất mà chúng nó sẽ mãi tìm kiếm trong suốt quãng đời còn lại của chúng!”.
                Kính thưa quý độc giả,
                Trong Kinh Thánh là lời của Đấng Tạo Hóa, sách Châm Ngôn 14:1 có đưa ra lời hướng dẫn rằng:
                “Người đàn bà khôn ngoan xây dựng nhà mình, nhưng phụ nữ ngu dại lấy tay phá hủy nó”.
                Quý vị phụ nữ và các bà mẹ, chẳng có ai muốn phá hủy mái ấm gia đình của mình, chẳng có ai cố tình gây thiệt hại cho con cái, nhưng có thể quý vị không cưỡng lại được sự cuốn hút hay áp lực của trào lưu xã hội hiện nay. Hãy bình tâm để nhìn lại trong giai đoạn này, con cái cần quý vị đến đâu, gia đình cần quý vị đến đâu, để có quyết định khôn ngoan, để xây dựng nhà mình theo như lời hướng dẫn của Đấng Tạo Hóa, là Đấng thiết lập hôn nhân, là Đấng ban cho loài người mái ấm gia đình, là Đấng ban cho chúng ta di sản quý báu đời đời là con là cháu.
                Trong ngày Mother’s Day năm nay, các bà mẹ có con nhỏ hãy dành một vài phút để lắng nghe chính nỗi lòng của mình. Tấm lòng của quý vị có vui thỏa vì mình đang dành trọn trái tim cho con cho cái; hay tấm lòng của quý vị đang day dứt xâu xé vì mình chỉ dành cho con thơ nhỏ dại một trái tim đang bị xẻ đôi?
                Thân chào quý vị và các bạn.
 
Tùng Trân
Nguồn: phatthanhhyvong.co

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!