Tác giả: Brandon D. Smith
Tôi sẽ không bao giờ quên ngày tôi công khai phê bình Tony Romo.
Sau một mùa giải thất vọng nữa, tôi nói với các bạn của mình và những người hâm mộ Dallas Cowboys rằng tôi không còn tin tưởng Tony Romo có thể dẫn dắt đội đi đến chiến thắng Super Bowl. Một số người nói tôi là “người hay căm thù”. Một số khác âm thầm đồng ý với tôi chứ không công khai (áp lực bạn bè trong thể thao là một cuộc chiến thật sự). Một số khác không bao giờ để cho tôi khen ngợi Romo một lần nữa, hoặc thừa nhận rằng tôi vẫn yêu thương anh ấy trong tư cách một cầu thủ và nghĩ rằng anh ấy là tiền vệ hàng đầu của NFL. Thật vậy, tôi quan tâm chỉ vì tôi nghĩ rằng anh ấy có thể chơi hay hơn thế. Romo không phải loại cầu thủ dự bị khiến cho đội thất bại. Anh ấy là tiền vệ xuất sắc và là một trong những câu thủ tôi yêu thích. Tôi muốn nhìn thấy anh được thăng tiến.
Họ nghe lời chỉ trích, và cho rằng đó là sự ghen ghét.
Nếu hiểu không đúng, người ta có thể dễ dàng xem lời phê bình là sự căm thù hoặc xem thường người khác. Và đôi khi, công bằng mà nói, người ta thật đáng ghét và tỏ ra bất kính. Đó là con đường hai chiều mà hiếm khi nào cả hai có cùng thái độ đúng đắn. Thỉnh thoảng người bị phê bình tỏ ra quá nhạy cảm, và đôi khi người phê bình là kẻ ngu ngốc.
Tôi nghĩ chúng ta có thể phê bình và tiếp thu lời phê bình một cách hiệu quả hơn.
Khi mới bắt đầu tập tành trong chức vụ, trong giới học viện, và trong công tác xuất bản, tôi nghiệm ra rằng lời phê bình có thể là một điều tốt. Nó giúp chúng ta trưởng thành và trở nên tốt hơn. Thật vậy, sẽ cảm thấy sỉ nhục hơn khi bị cho rằng mình không xứng đáng phê bình bằng bị phê bình. Thử tưởng tượng chúng ta viết tác phẩm nào đó mà không ai quan tâm, và người ta quên ngay sau khi đọc. Nhưng nếu bạn viết để người khác đọc (hoặc nói để người ta nghe), bạn phải mong người khác cũng tham gia vào công việc của bạn cách tích cực lẫn tiêu cực. Bạn muốn châm ngòi nổ dọn sạch không gian để có được ý tưởng và cái nhìn mới mẻ. Đúng vậy, bạn muốn dạy dỗ nhưng bạn cũng phải muốn học hỏi nữa.
Vậy nên đây là một vài lời khuyên cho người phê bình lẫn người bị phê bình, với hy vọng chúng ta có thể học cách cho và nhận lời phê bình trong tinh thần yêu thương tôn trọng nhau.
Với Người Phê Bình
Để trở thành một người phê bình có thiện ý là một công tác cao cả. Qua sự phản hồi mang tính xây dựng, những người khác có thể nhìn thấy những điều họ không nhìn thấy. Tôi không đủ lời để khen ngợi những người cố vấn, bạn bè, và người biên tập đầy tình yêu thương trong cuộc đời tôi. Họ đã chỉ cho tôi thấy những lúc tôi mơ hồ, vô tình hoặc hết sức bủn xỉn. Điều đó giúp giảm bớt sự hiểu lầm, bớt những mối quan hệ bị gãy đổ và bớt những tổn thương mà tôi không thể đếm hết. Những người bạn này yêu thương tôi đủ để giúp tôi suy nghĩ và cảm nhận vượt xa hơn ý nghĩ và cảm xúc của tôi. Họ đã cho tôi chiếc kính viễn vọng để nhìn vào không gian, nơi những ý tưởng khác sống động và mong mỏi được nhìn thấy. Và họ đã giúp tôi đem một số những ý tưởng này vào chính suy nghĩ của mình, cuối cùng khiến tôi trở nên thông minh và giàu lòng thương xót hơn – trở thành một người chân thật hơn.
Nhưng người phê bình cũng nhận lấy hậu quả đi kèm. Tôi luôn cảm thấy bực mình với những bài điểm sách từ đầu đến cuối toàn những lời khen lấp lánh mà không chỉ ra được thiếu sót nào. Nhưng điều đó cũng có thể hiểu được phải không? Sợ xúc phạm những anh hùng, hay sợ làm cho hình ảnh của bạn bè hoặc đồng nghiệp trông tệ trong mắt người khác khi chúng ta phê bình công việc của họ cũng là nỗi sợ hợp lý. Điều này khiến chúng ta không muốn làm tổn thương người khác, và muốn tránh những mâu thuẫn có thể có.
Dẫu vậy, chúng ta không nên tránh né lời phê bình.
Phê bình bài giảng, bài báo, sách, và quan điểm (cho dù là thần học hay chính trị) đều là điều hữu ích, và phải phê bình với tình yêu thương tìm kiếm chân lý. Không phải “tình yêu” theo định nghĩa của nền văn hoá chúng ta, tức là mọi người đều nói lời tích cực với nhau, còn lời tiêu cực thì đáng bị nguyền rủa. Đó không phải là yêu thương. Yêu thương trong thế giới của sự phê bình là chân thành tìm cách làm cho người khác trở nên tốt đẹp hơn, tìm cách giúp họ trở nên khôn ngoan hơn, biết quan tâm hoặc trở nên xác đáng hơn.
Facebook và Twitter thường là những phương cách kinh khủng để tung ra lời phê bình. Đó là nơi những lời châm chích qua lại dường như không hề kết thúc. Nhưng chúng không phải là những diễn đàn vô ích. Thật ra, những cuộc trò chuyện trực tuyến thường trung thực hơn cuộc trò chuyện trực tiếp. Chúng ta chỉ cần làm cho người khác tham gia với động cơ giúp họ bơi, không phải đạp lên đầu họ trong lúc họ đang chết đuối trong sự hiểu biết hoặc trong mối quan hệ.
Là Cơ Đốc nhân, trong mọi phương diện của cuộc sống, động cơ thôi thúc chúng ta là lòng yêu Chúa và yêu tha nhân. Chúng ta phê bình vì chúng ta muốn cùng nhau đi tiếp hành trình đến với chân lý và sự hiểu biết, không phải đến sự chia rẽ và xung đột. Chúng ta muốn người khác (và chính mình) bước một bước nữa đến với suy nghĩ và hành động đúng đắn, không phải bị vấp ngã bởi khao khát chiến thắng trong cuộc tranh luận. Chúng ta muốn phê bình với thiện ý.
Ngoài ra, nếu bạn là “người phê bình chuyên nghiệp” mà diễn đàn của bạn gồm các mẩu tin nhằm công kích và những điều nhằm hạ bệ người khác đăng tải trên phương tiện truyền thông đại chúng, thì bạn là “kẻ ngu dại” (Châm 15:1-2). Phương tiện truyền thông đại chúng không tạo ra loại phê bình này, nhưng chúng tạo diễn đàn để phát biểu ý kiến. Tài hùng biện của người phê bình thiếu thiện ý dễ dàng trở thành lời buộc tội và vu khống, không phải sự gây dựng tin kính. Ngay cả khi lời phê bình là đúng sự thật, thì kẻ ngu dại cũng có thể nói theo kiểu vô ích và hoàn toàn sai trật.
Người phê bình có thiện ý muốn gây dựng người khác và làm cho Chúa Giê-xu được vinh hiển. Người phê bình thiếu thiện ý chỉ tìm cách phá hoại người khác mà thôi.
Với Người Bị Phê Bình
Bị phê bình là điều đau đớn. Tôi thường cảm thấy khó chịu trong người lần đầu tiên ai đó bất đồng với tôi về điều tôi viết hay điều tôi lựa chọn. Tôi chống chế hoặc bào chữa để tỏ ra là mình đúng, mặc dù rõ ràng không phải như vậy. Vì tự cao chăng? Hãy tự tra xét.
Quay trở lại với nỗi sợ phê bình những người chúng ta tôn trọng hoặc quan tâm. Chúng ta không chắc họ có đáp lại lời phê bình một cách thích hợp, họ có hiểu rằng chúng ta vẫn yêu thương và tôn trọng họ không. Nhưng chúng ta không nên để cho điều này ngăn cản chúng ta cùng nhau tìm kiếm sự thật. Chúng ta nên có động cơ rõ ràng, và phải tử tế trong cách chúng ta phê bình.
Charles Spurgeon có lần nói: “Nếu ai đó nghĩ xấu về bạn, đừng nổi giận với họ, vì bạn còn tệ hơn người đó nghĩ”. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta sống trong tình trạng căng thẳng. Một mặt, chúng ta biết mình bất toàn. Chúng ta biết Spurgeon đã nói đúng và chúng ta là mục tiêu bị phê bình mỗi khi mở miệng nói. Mặt khác, chúng ta quan tâm đến sự thật. Đôi khi điều đó có nghĩa là chúng ta quan tâm đến việc người khác nghĩ đúng về chúng ta.
Cảm giác bất an nhất thời về cách người khác đánh giá chúng ta khiến chúng ta không kịp nghĩ đến việc biện hộ trong tương lai. Tính tự cao khiến chúng ta không thể chấp nhận lời phê bình, ngay cả sự chống đối với mục đích tốt. Chúng ta phải tin vào nhân thân của mình là con cái Đức Chúa Trời, và dùng mọi cơ hội có được để tăng trưởng, tin rằng sự thật và hiểu biết sẽ đem lại sự thoả mãn và còn lại đời đời hơn là lòng tự trọng. Lời phê bình khiêm nhường với thiện ý đáng được lắng nghe, cho dù có thể làm tổn thương.
Nói cách khác, người phê bình và người bị phê bình đều phải quan tâm đến việc nói ra sự thật trong tình yêu thương hơn bất kỳ điều gì khác. Chúng ta nên cẩn thận khi nói và viết, mong ước đưa ra ý kiến công bằng, hợp lý và cẩn thận nhất có thể được. Chúng ta nên tiếp thu lời phê bình bằng sự khiêm nhường xuất phát từ cái nhìn về lâu về dài.
Và trên hết, chúng ta nên phê bình và tiếp thu lời phê bình như những người quan tâm đến việc theo đuổi sự thật, những người yêu thương người khác đủ để cùng đứng chung với họ.
---------------
Về tác giả: Brandon D. Smith làm việc với Christian Standard Bible và dạy thần học tại nhiều trường. Ông cũng là tác giả của Rooted: Theology for Growing Christians, They Spoke of Me: How Jesus Unlocks the Old Testament (2017), và Echoes of the Reformation (2017). Ông còn là người đồng dẫn chương trình Word Matters podcast. Bạn có thể theo dõi ông trên Twitter.
Người dịch: Khue Tran
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com