Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Chúa yêu tội nhân

CHÚA YÊU TỘI NHÂN

CHÚA YÊU TỘI NHÂN
CHÚA YÊU TỘI NHÂN
“Người có lấy một người nữ Ê-thi-ô-bi làm vợ” Dân Số Ký 12:1


CHÚA YÊU TỘI NHÂN

                “Người có lấy một người nữ Ê-thi-ô-bi làm vợ” Dân Số Ký 12:1


                Việc lựa chọn đó của Môi-se quả là kỳ lạ, nhưng sự chọn lựa của Đấng vốn là một tiên tri như Môi-se, và còn lớn hơn ông nữa, lại còn kỳ lạ hơn biết bao nhiêu! Chúa chúng ta vốn xinh đẹp như đóa hoa huệ, đã cưới một người tự bảo là đen vì bị mặt trời dọi nám. Các thiên sứ chắc đã phải vô cùng kinh ngạc và Chúa Giê-xu lại đem lòng yêu thương những người nghèo khổ, hư mất, tội lỗi.

                Mỗi tín hữu, một khi đã ý thức được tình yêu thương của Chúa Giê-xu, chắc cũng phải ngạc nhiên vì tình thương ấy đã được ban rời rộng cho một đối lượng không có gì xứng đáng cả như thế, khi biết rằng chúng ta đều âm thầm phạm tội, bất trung, có tấm lòng dơ bẩn đen đúa như vậy, chúng ta đã vô cùng ái mộ, chiêm ngưỡng với đầy lòng biết ơn ân huệ nhưng không vô đối và cao cả đó. Chắc Chúa Giê-xu đã tìm thấy ngay trong chính tấm lòng của Ngài lý do của tình thương yêu ấy; Ngài không thể nào tìm được một nguyên nhân nào nơi chúng ta, bởi vì nó không hề có tại đó. Từ ngày trở lại tin Ngài, chúng ta vẫn còn đen, dầu ân điển Ngài đã từng biến chúng ta trở thành xinh đẹp.

                Rutheford đã nói về chính mình điều mà mỗi chúng ta cũng phải nhận cho cá nhân chúng ta: “Mối liên hệ giữa Ngài với tôi, ấy là tôi đau ốm mà Ngài là vị Y-sĩ tôi đang cần đến. Nhưng than ôi, biết bao lần tôiđã chơi trò khinh suất với Đấng Christ! Ngài buộc lại nhưng tôi mở ra; Ngài xây dựng nhưng tôi lại phá hoại; tôi gây gỗ với Đấng Christ và mỗi ngày, Ngài làm hòa với tôi đến hai mươi lần! ”Lạy Tân Lang dịu hiền và chung thủy của linh hồn chúng con, xin tiếp tục công tác đầy ân huệ của Ngài đễ khiến chúng con trở nên giống với ảnh tượng Ngài, cho đến khi nào Ngài sẽ trình diện chúng con là những người Ê-thi-ô-bi khốn nạn cho Ngài, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy. Môi-se đã bịchống đối vì cuộc hôn nhân đó của ông; cả ông lẫn vợ ông đều bị người ta nhìn bằng đôi mắt ác cảm.

                Chúng ta có ngạc nhiên chăng, nếu thế gian hư không hay chống lại Chúa Giê-xu và tân nương Ngài, nhất là khi có những đại tội nhơn trở lại tin Chúa? Có bao giờ cũng là nền tảng muôn đời mà bọn Pha-ri-si vẫn căn cứ để phản đối: “Người này tiếp rước kẻ có tội”. Nguyên do của cuộc cãi cọ xa xưa lại tái diễn. “Vì người có lấy một người nữ Ê-thi-ô-bi làm vợ”.

 
Ms. Charles Spurgeon
Nguồn: cdnvn.com

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Cả làng theo Chúa sau khi được nghe Phúc Âm


Gần như toàn bộ người dân của một ngôi làng ở Philippine đã tiếp nhận Chúa sau khi được nghe Phúc Âm và xem bộ phim “The Passion of the Christ” trong khuôn khổ chương trình truyền giáo của một mục vụ quốc tế.

Theo báo cáo của Christian Aid Mission, một nhóm mục vụ địa phương đã dành 8 tháng xây dựng mối qua hệ với người dân của bộ tộc Manobo, phía bắc Mindanao, Philippine.

Trong khoảng thời gian đó, các thành viên trong nhóm đã tổ chức các buổi học Kinh Thánh với nhiều bài học có nội dung trải dài theo thứ tự thời gian. Những người đàn ông, phụ nữ và cả trẻ em của ngôi làng này đều tham dự khoá học và bày tỏ tấm lòng khao khát Phúc Âm.

“Mọi người đều gắng đoán xem điều gì sẽ xảy ra với Chúa Giêxu sau khi Ngài bị bắt bởi những tay lính. Để làm cho các bài học về Phúc Âm thêm mạnh mẽ, nhóm mục vụ đã thêm vào nhiều đoạn clip ngắn về sự khổ ải và hành hình của Chúa Giêxu từ bộ phim ‘The Passion of Christ’”, vị lãnh đạo giấu tên cho biết.

Sau khi theo dõi bộ phim kể về những giờ phút cuối cùng của Chúa Giêxu, nhiều người làng đã rất xúc động, bày tỏ sự tức giận vì Chúa bị đối xử tàn nhẫn bởi những tay lính La Mã và lãnh đạo Do Thái.

“Một người già trong làng nói, ‘Tôi ước gì có thể ở bên Giêxu để giúp Ngài’”, ông kể tiếp. “Nhưng sau khi sự thật được giải thích rõ ràng, cái chết và sự sống dậy của Đấng Chirst chính là sự cứu rỗi dành cho loài người, một cảm giác ấn tượng tràn ngập bao phủ mọi người”.



Bị cảm động bởi sự hy sinh của Đấng Christ, nhiều người làng bày tỏ đức tin vào việc Chúa sống dậy và tin nhận Chúa.

“Gần như cả làng đã phản hồi và tin nhận Chúa Giêxu là Cứu Chúa và Chủ đời sống mình. Thật là một niềm vui to lớn với chúng tôi khi được chứng kiến họ hiểu ra ân điển Chúa, nhiều người khóc khi chia sẻ lời chứng của mình”.

Ngày hôm sau, có nhiều người nữa kể về cách Phúc Âm thay đổi đời sống họ. Một người lớn tuổi nói: “Chúa đã gánh chịu quá nhiều vì tôi, tôi vui mừng vì Ngài đã sống lại từ cái chết”.

“Ngày càng có nhiều người Manobo, cả trẻ em và người lớn, bày tỏ đức tin nơi Chúa Giêxu”, giám đốc mục vụ chia sẻ. “Chúa đã thật sự làm việc trong đời sống họ, đưa họ từ chỗ tối ra ánh sáng, tiến đến Vương quốc đời đời của Ngài”.

Philippine là quốc gia châu Á có Cơ Đốc giáo bao phủ rộng rãi nhất và cũng là đất nước có 90% dân số Cơ Đốc, đứng thứ 5 trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều Cơ Đốc nhân Phillipine sống tại các vùng bị ảnh hưởng nhiều từ Hồi giáo phải chịu đựng những mối đe doạ đến mạng sống.



Nguồn: http://hoithanh.com/29165/ca-lang-theo-chua-sau-khi-duoc-nghe-phuc-am.html

THƠ: Hàm Tân - Quê hương tôi (Mừng 24 năm Thành lập HTTL Tân Nghĩa)

Hàm Tân - Quê Hương Tôi
Mừng 24 năm thành lập Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa
1992 - 2016
--------------------------------------




Quê ta đó! Ôi Hàm Tân yêu dấu!
Nơi chôn nhau, nơi cắt rốn chính ta
Nơi ta vừa cất tiếng khóc oa oa
Đã ban tặng cho ta một kho báu. 

Hàm Tân thật là nơi ta yêu mến!
Những ngày còn bắt còng với bắt cua
Nơi cho ta bao trái ngọt hiền hòa
Nơi ta về đường rợp bướm vàng bay.

Ồ Hàm Tân, nơi rừng vàng biển bạc
Tuổi thơ ta đùa nghịch với hát vang
In dấu trên những bãi cát bạt ngàn 
Những tháng ngày hồn nhiên của tuổi trẻ. 

Quê ta đó - nơi thuỳ dương cát trắng 
Nơi nắng vàng yên ắng đón bình minh 
Nơi trẻ thơ tắm biển và thả mình 
Bên cánh diều trong trời cao vút gió. 

Ôi đẹp lắm chính Hàm Tân yêu dấu! 
Kìa sông Dinh nơi nước ngọt mát lành 
Kìa sông Phan nơi gắn liền kí ức 
Và Tân Nghĩa, chính Hội Thánh của ta. 

Hàm Tân được chính Chúa Trời ban phú 
Bao cảnh đẹp khiến du khách ngẩn ngơ 
Mỗi phong cảnh dệt nên một bài thơ 
Một vùng quê đang đón chờ, hiểu thấu... 

Cùng nhớ đến những tháng ngày còn ở 
Mùa xuân về bao cảnh vật đẹp xinh
Mùa hạ đến nóng như thổi tâm tình
Vào phượng vĩ, vào ve sầu, thương nhớ.

Mùa thu sang những lá vàng rơi rụng 
Những cây bàng trút hết lá trên thân
Mùa đông đến ở đây chỉ lành lạnh
Nhưng cũng đủ để len ấm quanh mình.

Hàm Tân ta bao cá về đầy chợ
Thêm chú hầu, cô ốc với bác nghêu
Có cả tôm, cả mực, hến đủ điều 
Tươi, ngon ngọt trêu ai đi xa bến. 

Hàm Tân ta luôn đầy tình thương mến 
Người hiền hoà, chân chất và đáng yêu 
Hàm Tân ta dẫu có nói bao nhiêu
Vẫn cảm thấy phần nhiều là ... không đủ. 

Cảm tạ Chúa ơn Ngài không kể xiết! 
Đem Phúc Âm - Tin Lành đến nơi đây
Để Hàm Tân không còn trong bóng tối
Nhưng có được ánh sáng của Thiên đàng.

Cảm tạ Chúa 24 năm gây dựng
Hội Thánh Chúa đứng vững đến ngày nay
Dẫu biết bao thử thách với đắng cay
Trải qua biết bao khó khăn, bắt bớ.

Cảm tạ Chúa ơn Ngài như thác đổ
Hội Thánh Chúa phát triển mãi không ngừng
Đem nhiều người về với Chúa yêu thương
Giữa cánh đồng vàng sẵn cho mùa gặt.

Cầu xin Chúa cứ tiếp tục dìu dắt
Hội Thánh Ngài đi tiếp tới tương lai
Hầu cho Tin Lành được rao giảng hoài
Đến nhiều người còn chưa biết đến Chúa.

Cầu xin Chúa hằng ban ơn, tiếp sức
Để Hội Thánh mãi chiếu sáng tình thương
Để Hội Thánh đứng vững với niềm tin
Hầu cho được Mão Triều Thiên Sự Sống.

*****
Khu du lịch nghỉ dưỡng Coco beach - Hàm Tân

 Ngã ba 46 - Hàm Tân nhìn từ trên cao
(cách Nhà nguyện Tin Lành Tân Nghĩa 1,7 km)




Phỏng theo thơ của một tác giả.
Ảnh do Tổ Biên tập lấy từ Internet
Biên tập: BTV- Anh Nguyễn (Tổ Biên tập)
Bản quyền thuộc về HTTL Tân Nghĩa 2016

Cách Nói Lời Xin Lỗi


               Kính thưa quý độc giả,
               Trong tiết mục Đời Sống Phước Hạnh tuần qua, chúng ta đã bàn về sự cần thiết và những lợi ích quan trọng của lời xin lỗi. Lời xin lỗi đầy khiêm nhường sẽ khôi phục lại mối quan hệ. Lời nói xin lỗi chân thành sẽ giúp cho người phạm lỗi và cả người bị tổn thương có thể xóa đi những lỗi lầm trong quá khứ, trút đi những gánh nặng của dĩ vãng và cùng nhau bước vào một tương lai tốt đẹp hơn.
               Trong tuần này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những giá trị quan trọng mà duy chỉ có lời xin lỗi mới có được, cũng như khám phá những cách thức xin lỗi phù hợp với mỗi hoàn cảnh và cá nhân.
               Quý độc giả thân mến,
               Giá mà chúng ta đang sống trong một thế giới tuyệt hảo, thì chắc chúng ta không cần phải học cách nói lời xin lỗi. Nhưng tiếc thay, thế giới mà chúng ta đang sống là một thế giới có nhiều nan đề và thử thách. Chúng ta chắc không thể sống còn trong thế giới này nếu không biết cách học nói lời xin lỗi. Các nhà nhân chủng học, qua nhiều công trình nghiên cứu, đã kết luận rằng mọi người, mọi dân tộc đều có cảm quan về đạo đức; đó là biết phân biệt điều gì là đúng, điều gì là sai. Các nhà tâm lý học gọi đây là “lương tâm”, còn các nhà thần học thì gọi đây là “cảm quan về điều nên làm” hay một cách vắn tắt hơn là “dấu ấn thiên thượng”.
               Đúng như nhiều người suy nghĩ, những điều lương tâm cho phép làm hay lên án cấm đoán, thay đổi tùy theo văn hóa. Thí dụ như trong văn hóa người Eskimo, nếu một người bị lạc đường và cạn hết lương thực, người đó có thể đi vào lều của bất cứ một người không quen biết nào và tự nhiên ăn những thức ăn tìm được trong đó và hành động này là hoàn toàn hợp với lẽ phải. Nhưng trong văn hóa Tây phương, hành động tự tiện đi vào nhà một người lúc vắng mặt, bị xem là “xâm phạm” và đáng bị lên án. Mặc dầu những điều lương tâm cho phép có thay đổi theo văn hóa, nhưng mọi người đều có cảm quan để phân biệt những điều đúng sai. Một khi lẽ phải của một người bị xâm phạm, người đó sẽ bất bình và oán giận người đã gây nên hành động sai trái. Chính hành vi sai trật sẽ trở nên vật chướng ngại, làm ngăn cách, gãy đỗ mối quan hệ giữa người phạm lỗi và người bị tổn thương. Dầu có mong muốn đến đâu, cả hai không thể tiếp tục sống mà xem như hành động sai trật này chưa hề xảy ra. Khi một người bị xâm phạm hay bị tổn thương, theo lẽ tự nhiên, người đó mong muốn lẽ công bằng phải được thực hiện.
               Kính thưa quý độc giả,
               Thật ra xử lý theo luật công bằng, bù đắp lại thiệt hại, có làm cho người bị tổn thương thỏa mãn trong lòng phần nào, nhưng sự công bằng không sao khôi phục lại mối quan hệ đã bị đỗ vỡ. Nếu một người ăn cắp một một món đồ nào đó, bị bắt quả tang, bị đem ra tòa, bị tòa phạt, phải bồi hoàn lại cho người mất đồ hay bị phạm giam trong tù, chúng ta nói “lẽ công bằng đã được thực hiện”, nhưng mối liên hệ giữa người ăn cắp đồ và người bị mất đồ đã gẫy đổ sẽ vẫn còn gẫy đổ. Nhưng nếu người ăn cắp đồ, sớm hối hận về hành vi sai trái của mình, ngỏ lời xin lỗi và hoàn trả lại món đồ ăn cắp, thì mối quan hệ giữa hai người có cơ hội được phục hồi.
               Mỗi con người chúng ta được Thiên Chúa ban cho khả năng tha thứ rất to lớn và diệu kỳ. Khi một người quen biết phạm lỗi với chúng ta, mặc dù đang đau đớn, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, chúng ta vẫn ao ước được phục hồi lại mối quan hệ với người đó, hơn là giải quyết vấn đề theo lối “trả đũa” hay “gỡ huề” cho thật sòng phẳng. Đặc biệt là khi mối quan hệ càng gần gũi, thân mật, thì ước muốn được tái lập hay phục hồi lại tình thân, tình bạn, tình yêu vượt trội lên hẳn ý chí muốn được giải quyết theo kiểu công bằng. Khi một ông chồng đối xử tệ bạc với vợ mình, người vợ sẽ đau khổ và bị giằng co bởi hai ước muốn: đó là thực thi lẽ công bằng hay khôi phục lại tình chồng vợ. Nếu người chồng ăn năn và chân thành xin lỗi vợ mình, hai người có thể phục hòa với nhau. Nhưng nếu người chồng vẫn dửng dưng và chẳng bao giờ nói lời xin lỗi; điều này sẽ đẩy người vợ vào con đường “thực thi lẽ công bình”, với kết quả hai người sẽ đem nhau ra tòa, phân chia tài sản theo luật định, rồi sau đó, “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi”.
               Chỉ vì thiếu lời nói xin lỗi mà bao gia đình đã tan nát, vợ chồng chia tay, cha mẹ trách cứ con cái, con cái oán hờn cha mẹ, anh em, bạn bè không còn gặp mặt nhau. Chỉ vì thiếu lời nói xin lỗi, mà hận thù ngày càng chồng chất, xô đẩy chúng ta đi theo con đường “thực thi lẽ công bằng”. Lẽ công bằng có thể được thực thi qua kiện tụng, qua pháp luật, nhưng nếu lẽ công bằng của pháp luật cũng chưa đủ thỏa mãn, thì người ta có thể “thực thi lẽ công bằng” qua những cách thức riêng tư như phá hoại, trả thù, hạ sát vv. Nhưng thảm cảnh ly dị, gia đình chia lìa, tình bạn xa cách có thể giảm thiểu hay tránh được, nếu người ta biết hạ mình để xin lỗi nhau một cách chân thành.
               Quý độc giả thân mến,
               Chúng ta thường được hướng dẫn nhiều về thiện chí tha thứ hơn là cách nói lời xin lỗi. Chúng ta thường chú trọng vào sự tha thứ mà đôi khi xem nhẹ lời nói xin lỗi. Thực ra, lòng tha thứ chân thật và sự hàn gắn một tình thân đã đổ vỡ là hai tiến trình chỉ có thể xảy ra khi có lời nói xin lỗi.
               Một người vợ khó lòng mà tha thứ cho ông chồng đang ngoại tình, nếu người chồng vẫn tiếp tục hành vi sai trái của mình mà không hề xin lỗi vợ mình. Thiên Chúa chỉ tha thứ mọi vi phạm của quý vị và tôi, chỉ khi nào chúng ta ăn năn những tội lỗi và thành tâm xin lỗi Ngài, như lời Kinh Thánh có chép “Nhưng nếu chúng ta thú tội với Chúa, Ngài sẽ giữ lời hứa tha thứ chúng ta và tẩy sạch tất cả lỗi lầm chúng ta, đúng theo bản tính công chính của Ngài” (1 Giăng 1:9). Ngược lại, nếu chúng ta vẫn khăng khăng chối tội và không hề xin lỗi Ngài, thì chúng ta vẫn không được Thiên Chúa tha thứ và cơn thạnh nộ của Đấng Tạo Hóa vẫn còn ở trên đời sống chúng ta, như lời Kinh Thánh khẳng định “Nếu chúng ta bảo mình vô tội, là cho Thượng Đế nói dối, và Lời Ngài không ở trong chúng ta.” (1 Giăng 1:10).
               Thực ra, có người bị người khác làm tổn thương và cũng sẵn lòng tha thứ mà không cần nghe đối phương nói lời xin lỗi, nhưng thường sự tha thứ đơn phương như vậy chỉ đem lại lợi ích chữa lành cho người bị tổn thương, nhưng không phôi phục lại được mối liên hệ giữa người bị tổn thương và người đã gây tổn thương cho người khác. Chỉ khi nào người có lỗi thốt lên lời xin lỗi, thì mới dẫn đến sự tha thứ trọn vẹn và đem lại cơ hội khôi phục lại mối liên hệ. Nếu mối liên hệ trước kia là thân mật, sau khi xin lỗi, sẽ trở lại đậm đà như xưa. Nếu mối liên hệ chỉ là sơ giao, sau khi xin lỗi, sẽ trở nên gần gũi hơn xưa. Những mối tình thân thì phải luôn luôn đi kèm với thiện chí xin lỗi, lòng tha thứ và ý muốn được phục hòa. Những mối liên hệ sở dĩ trở nên lạnh nhạt và xa cách, chỉ vì chúng ta ngại ngùng, thiếu khiêm nhượng và chân thành để nói lời xin lỗi với nhau.
               Kính thưa quý độc giả,
               Bên cạnh sự khiêm nhường, lòng chân thành và thiện chí muốn nói lời xin lỗi, chúng ta cũng cần biết cách nào xin lỗi như thế nào. Trong tuần trước, chúng ta có nhắc với nhau rằng, khi ta lỡ phạm lỗi với một người, thì hãy xin lỗi người đó theo cách mà ta đã gây ra tổn hại cho người đó. Nếu chúng ta hạ nhục một người công khai, hãy xin lỗi người đó một cách công khai, với sự chứng kiến của nhiều người. Tiếp nữa là hãy sau khi nói lời xin lỗi, hãy kiên nhẫn chờ đợi vì mọi sự cần thời gian mới trở lại bình thường được.
               Trong tuần này, chúng ta sẽ khám phá cách nói lời xin lỗi theo ngôn ngữ nào để người bị tổn thương có thể cảm nhận và tha lỗi được. Theo như tiến sĩ tâm lý học Gary Chapman, tác giả của quyển sách nổi tiếng “Năm Ngôn Ngữ Của Tình Yêu”, cho biết có 5 năm ngôn ngữ chính của lời nói xin lỗi:
               - Có người chấp nhận lời xin lỗi, khi chúng ta chỉ nói đơn giản rằng “Tôi thành thật xin lỗi”.
               - Có người mong đợi lời xin lỗi có đi kèm theo tinh thần trách nhiệm về những thiệt hại đã xảy ra, và người này mong người phạm lỗi nói rằng “Tôi đã sai trật và xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình.”
               - Có người chỉ chấp nhận lời xin lỗi khi người phạm lỗi tích cực thực thi một điều gì đó để bù đắp lại những thiệt hại, và người này muốn được nghe hỏi rằng “Tôi phải làm gì để bù đắp lại sự thiệt hại, để làm cho sự việc được tốt hơn?”.
               - Có người mong đợi người phạm lỗi ăn năn, hối hận và quay hướng 180 độ, và người này muốn được nghe lời khẳng định “Tôi hứa sẽ thay đổi và không bao giờ tái phạm nữa”.
               - Có người mong muốn người phạm lỗi bày tỏ lòng trân quý mối liên hệ, tìm kiếm sự tha thứ và đặt trọng tâm trong sự giải hòa; người này muốn được nghe rằng “Tôi thành thật xin lỗi vì đã làm bạn bị tổn thương. Tôi coi trọng và quý mến bạn. Mong bạn tha thứ cho tôi”
               Quý độc giả thân mến,
               Khi một người phạm lỗi, chúng ta ao ước được nghe lời xin lỗi, để tha thứ, để phục hòa, hơn là mau chóng tìm cách trả đũa, gỡ huề. Đó là một đặc tính quý giá mà chúng ta thừa hưởng từ Thiên Chúa vì chúng ta được Ngài dựng nên với bản tính yêu thương giống như Ngài. Mà thật vậy, trong khi mỗi chúng ta không ngừng theo đuổi theo ý riêng và tham vọng, phạm biết bao nhiêu lỗi lầm với Đấng Tạo Hóa, thì Ngài vẫn kiên nhẫn và nhân từ, không vội thực thi những hình phạt tương xứng, như lời Kinh Thánh có ghi:
               “Chúa Hằng Hữu xót thương, nhân ái,
               Khoan nhẫn và mãi mãi yêu thương…
               Chúa không báo trả tương xứng tội ta phạm,
               Cũng chẳng gia hình thích đáng lỗi ta làm.” (Thi Thiên 103:8,10)
               Hơn ai hết, chính Thiên Chúa muốn tha thứ mọi vi phạm của chúng ta và khôi phục chúng ta trở lại với Ngài. Do vậy, Thiên Chúa Ngôi Hai, cách đây hơn 2000 năm, đã tự nguyện giáng trần, sinh ra làm người, mang tên Giê-xu. Chúa Cứu Thế đã đến thế gian này, không để đoán xét, nhưng tìm kiếm chúng ta trở về với Ngài và cứu chúng ta tránh khỏi những hệ quả đời đời của tội lỗi, như lời Kinh Thánh có chép “Thượng Đế sai con Ngài xuống đời không phải để kết tội nhưng để cứu vớt loài người”(Giăng 3:17).
               Chúa Giê-xu đã vì tội lỗi của chúng ta mà chết đau thương trên cây thập tự, lãnh thế cho chúng ta bản nợ tội. Sau khi chết đi, bị chôn trong mồ, Chúa Giê-xu đã không chết luôn, nhưng Ngài đã chiến thắng tử thần và sống lại vinh quang.
               Thiên Chúa đang sẵn sàng xóa bôi mọi vi phạm của quý vị và tôi. Ngài ao ước khôi phục chúng ta trở lại địa vị làm con yêu dấu của Ngài. Cả một thiên đàng phước hạnh muôn đời đang rộng mở. Cả một đời sống tràn đầy tình thương và hy vọng đang chờ đón quý vị và tôi.
               Tất cả những điều kỳ diệu này, sẽ là sự thật ngọt ngào, khi quý vị và tôi, khiêm cung và thành tâm, đến với Thiên Chúa và nói được lời xin lỗi với Ngài, như lời Kinh Thánh đã khẳng định “Người che giấu lỗi mình sẽ không được may mắn thịnh vượng, nhưng nếu thú nhận và từ bỏ tội, sẽ được Thượng Đế xót thương.” (Châm Ngôn 28:13)
               Xin kính chào quý vị và các bạn.
Tùng Tri - Dựa theo “The Five Languages of Apology” by Dr. Gary Chapman
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Lời Hứa Quý Báu

LỜI HỨA QUÝ BÁU

LỜI HỨA QUÝ BÁU
LỜI HỨA QUÝ BÁU
“Đức Giê-hô-va sẽ ban ân điển và vinh hiển” Thi Thiên 84:11


LỜI HỨA QUÝ BÁU

               “Đức Giê-hô-va sẽ ban ân điển và vinh hiển” Thi Thiên 84:11


               Bản tánh của Đức Giê-hô-va là dư dật; điều Ngài thích làm là ban cho. Các ân tứ của Ngài vốn quý báu quá sức tưởng tượng và được ban cho vô điều kiện như ánh sáng mặt trời vậy.Ngài ban ơn cho người được chọn bởi vì đó là di chúc của Ngài cho người được cứu chuộc, bởi vì đó là giao ước của Ngài, cho kẻ được kêu gọi vì đó là lời hứa Ngài, cho các tín hữu vì họ tìm cầu, cho tội nhơn vì họ rất cần có Ngài ban ơn thật rời rộng, đúng lúc, thường xuyên, sẵn lòng, với tư cách Đấng cầm quyền tể trị, làm tăng bội giá trị của tặng phẩm ban ra bằng cách thức phân phát các của ấy.

               Ngài ban ân điển cho kẻ thuộc về Ngài dưới mọi hình thức: an ủi, giữ gìn, thánh hóa, hướng dẫn, chỉ dạy, giúp đỡ. Ngài đổ vào linh hồn họ thật rời rộng, không ngừng và dầu có việc gì xảy ra đi nữa. Ngài luôn luôn vui lòng làm như vậy. Bệnh tật có thể tấn công chúng ta, nhưng Chúa sẽ ban ơn; nghèo khó có thể xảy tới, nhưng sự bình an chắc chắn cũng được cung cấp; sự chết phải đến, nhưng ân huệ sẽ thắp lên một ngọn đèn sáng trong giờ phút đen tối nhứt.

               Thưa quý độc giả, thật phước hạnh biết bao khi năm tháng cứ lần lượt trôi qua, lá cây lại bắt đầu rơi rụng, còn chúng ta thì vẫn hưởng được lời hứa không phai tàn là “Đức Giê-hô-va sẽ ban ân điển”. Liên từ“và” ngắn ngủi trong câu này là một viên kim cương làm “con tán”, nối liền hiện tại với tương lai: ân điển và vinh hiển luôn luôn đi đôi. Đức Chúa Trời sẽ kết hợp chúng, thì không ai có thể phân rẽ được.

               Đối với một linh hồn đã được Đức Chúa Trời ban ân điển rời rộng để sống thì Ngài cũng không từ chối vinh quang. Thật vậy, vinh hiển không phải một cái gì khác hơn ân điển trong bộ lễ phục ngày Sa-bát, ân điển ở mức mãn khai của nó, ân điển là trái cây chín mọng, đạt đến tuyệt đỉnh của nó vào mùa thu. Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ được vinh hiển mà không ai có lời lẽ nào để mô tả. Có thể rằng trước khi tháng Mười này qua đi, chúng ta sẽ được trông thấy thành thánh; những đầu khoảng thời gian ấy có dài hay ngắn, điều chắc chắn là chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ được vinh hiển. Ôi, vinh quang! vinh quang thiên đàng, vinh quang đời đời, vinh quang của Chúa Giê-xu, vinh quang của Đức Chúa Cha…chắc chắn Chúa sẽ ban vinh quang cho kẻ được chọn của Ngài. Thật là một lời hứa quý báu của Đức Chúa Trời thành tín.

Ms. Charles Spurgeon
Nguồn: cdnvn.com

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Nguồn nước sống

NGUỒN NƯỚC SỐNG

NGUỒN NƯỚC SỐNG
NGUỒN NƯỚC SỐNG
"Nhưng (ai) uống nước ta sẽ cho thì chẳng hề khát nữa” Giăng 4:14
           

 NGUỒN NƯỚC SỐNG


                "Nhưng (ai) uống nước ta sẽ cho thì chẳng hề khát nữa” Giăng 4:14

               Người tin Chúa Giê-xu nhận thấy rằng mình được mãn nguyện trong Ngài ngay bây giờ và sẽ cứ toại nguyện mãi mãi. Người tín hữu không phải là người ngày nào cũng khao khát mệt mỏi và cần được an ủi, đêm nào cũng thấy là dài đằng đẵng vì thiếu những tư tưởng gây vui vẻ trong lòng, vì người ấy đã tìm được trong đạo nguồn mạch của niềm vui, dòng suối yên ủi, khiến người ấy hoan hỉ, hạnh phúc. Cứ bỏ tù người ấy xem, người ấy sẽ tìm được bạn tốt; hãy ném người ấy ra ngoài đồng vắng khô cằn, người ấy vẫn được ăn bánh thiên đàng; hãy phân rẽ người ấy khỏi các bạn bè, người ấy sẽ tìm được “bạn thân thiết hơn anh em ruột”.

               Cứ thử nhổ sạch những dây dưa của người ấy, người ấy sẽ tìm được bóng mát bên dưới Vầng Đá của các thời đại; hãy đào hầm dưới phần nền tảng các hi vọng trần gian của người ấy, lòng người ấy vẫn vững vàng vì tin cậy vào Chúa. Trước khi Chúa Giê-xu ngự vào thì lòng người ấy vốn cũng không có đáy như mồ mả vậy, nhưng sau khi có Ngài, thì nó là một cái chén luôn luôn tuôn trào. Đấng Christ vốn đầy dẫy mọi sự đến nỗi chỉ có Ngài mới là mọi sự của người tín hữu mà thôi. Người thánh đồ chân chính được hoàn toàn toại nguyện về khả năng làm đầy đủ tất cả nơi Chúa Giê-xu đến nỗi không còn khao khát gì nữa, trừ ra khao khát được uống càng đầy đủ hơn trong giếng nước hằng sống.

               Thưa bạn tín hữu, bạn sẽ khao khát theo cách thức êm dịu, ngọt ngào đó; nó không phải là sự khát khao gây đau khổ, nhưng là một ước ao về tình thương; khao khát theo đuổi được đầy dẫy tình thương của Chúa Giê-xu hơn, bạn sẽ thấy đó là điều êm dịu dường nào! Xưa kia, có người đã nói: “Tôi vốn thường thả chiếc thùng của mình xuống giếng để múc nước, nhưng bây giờ, sự khát khao của tôi về Chúa Giê-xu đã trở thành không thể nào thỏa mãn được, cho nên tôi muốn đặt giếng ấy ngay vào miệng tôi để trực tiếp uống từ đó”.

               Thưa bạn tín hữu, đó có phải là ước vọng của lòng bạn ngay giờ này chăng? Bạn có cảm thấy rằng trong Chúa Giê-xu, mọi ao ước của bạn đều được toại nguyện, rằng bây giờ bạn không thiếu thốn gì nữa cả, nhưng bạn càng hiểu biết hơn về Ngài, càng được thông công mật thiết hơn với Ngài, chăng? Nếu thế, hãy thường xuyên đến với giếng nước của Ngài và nhận lấy nước sống nhưng không. Chúa Giê-xu chẳng bao giờ nghĩ rằng bạn múc nhiều nước quá, nhưng luôn luôn hoan nghinh bạn và phán: “Hỡi kẻ yêu dấu, hãy uống đi, phải, hãy uống thật nhiều đi”.

Ms. Charles Spurgeon
Nguồn: cdnvn.com

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Học cách thỏa lòng


               Quý độc giả thân mến,
              Chúng ta thường hay sử dụng cụm từ “ăn như heo” mà chúng ta không biết rằng cụm từ này là một phép nghịch hợp. Khác với con người ít khi biết được đâu là lúc cơn đói đã được thỏa mãn, bản năng của con heo sẽ mách bảo chúng khi nào biết ngừng ăn. Không biết cách thỏa lòng là một trong những hòn đá vấp chân lớn nhất cho hạnh phúc của bản thân. Với những lời khẳng định đầy phô trương như “bảo đảm bạn sẽ hài lòng hoặc nếu không, bạn sẽ nhận lại được tiền”, những người làm công việc tiếp thị khiến mọi người tin rằng lời hứa này được vận dụng cho mọi khía cạnh, hay mọi điều trong cuộc sống, từ lò nướng bánh cho đến hôn nhân. Những “thỏa thuận tiền hôn nhân”, tức là những hợp đồng được luật sư đại diện của hai bên cô dâu, chú rể tương lai soạn thảo, thỏa thuận và ký kết về mọi điều liên quan đến tiền bạc, bất động sản, trương mục ngân hàng, điều kiện chung sống v.v... đang là một vấn đề bùng nổ dựa trên cùng một tinh thần “bảo đảm bạn sẽ hài lòng hoặc nếu không, bạn sẽ nhận lại được tiền”.
              Ngày càng nhiều người Hoa Kỳ khăng khăng cho rằng: “nếu cuộc hôn nhân không làm cho tôi và giữ tôi được hạnh phúc, tôi sẽ kết thúc mối quan hệ đó và đem theo mọi tài sản của tôi.” Tuy nhiên, phương cách dẫn đến hạnh phúc này lại rất đối nghịch với điều đem lại sự thỏa lòng.
              Kính thưa quý độc giả,
              Cuộc nghiên cứu tiên phong của Allen Parducci, một nhà tâm lý học về hành vi của con người, hiện đang làm việc tại trường đại học California tại Los Angeles, cho thấy việc học cách thỏa lòng là một thói quen mà những người hạnh phúc áp dụng. Quan điểm này đặc biệt thú vị vì theo Parducci, những người hạnh phúc đặc trưng cũng trải nghiệm cùng những sự việc ở cùng mức độ như những người bất hạnh khác.
              Nói một cách khác, những người hạnh phúc và bất hạnh có cùng thất bại về gia đình, những tình thế tiến thoái lưỡng nan đau lòng và những ngã rẽ khó hiểu của các sự kiện trong cuộc sống. Điểm khác biệt nằm ở việc định nghĩa, tầm nhìn và diễn giải những kinh nghiệm này một cách tiêu cực và tích cực.
              Chúng ta có thể dùng khái niệm về ngưỡng để giải thích sự khác biệt này. Ngưỡng là mức độ hay giá trị vượt hơn điều đúng đắn và chấp nhận được. Chẳng hạn như, nhiều sinh viên đề ra tiêu chuẩn đạt được điểm B là điểm thấp nhất cho ngưỡng hạnh phúc của họ. Mặc dù hướng đến điểm A, nhưng họ vẫn vận dụng một quan điểm đúng đắn, ấy là điểm B vẫn là mức điểm thỏa lòng dựa vào mức độ khó dễ của khóa học và thời gian học giới hạn của họ. Tương tự, những người hạnh phúc đã nhận ra rằng có nhiều điều chấp nhận được hơn là không chấp nhận được. Những người hạnh phúc qui hạnh phúc của mình cho việc họ đã học được thói quen sử dụng một ngưỡng thấp để quyết định một kinh nghiệm tích cực. Họ không cần hay trông đợi mọi việc phải hoàn hảo rồi mới có hạnh phúc mà vẫn thấy hài lòng với một ngưỡng thấp hơn. Trái lại, những người không hạnh phúc có một ngưỡng cao, là điều không phải lúc nào cũng có thể đạt được trong mọi kinh nghiệm. Những người này luôn giữ những mong đợi cao vì kết luận rằng đây là tiêu chuẩn của hạnh phúc. Bất kỳ điều gì dưới mức chuẩn này, dù đó là những điều tích cực cũng khiến họ không thấy hạnh phúc. Quan điểm này khiến những người không hạnh phúc ở mãi trong tình trạng bất hạnh, mặc cho những điều tích cực và tuyệt vời đang xảy ra trong cuộc sống của họ. Do ngưỡng cao phi thực tế, là nơi mà những người bất hạnh nghĩ là chuẩn của hạnh phúc, nên dù đang có bốn điều thuận lợi trong cuộc sống, những điều này vẫn sẽ không đem lại hạnh phúc cho họ khi chuẩn hạnh phúc mà họ đã đặt ra phải ở mức số năm.
              Kính thưa quý độc giả,
              Ngày nọ tại sở thú, một đám đông đang ngắm nghía một chú công xòe đuôi và phô diễn bộ lông sáng chói. Chú công thật sự khiến mọi người kinh ngạc và trầm trồ khi chú đi đi lại lại một cách oai vệ. Đột nhiên, có một chú vịt xấu xí với bộ lông nâu lạch bạch đi giữa chú chim công và đám đông. Chú công tức giận và đuổi chú vịt chạy về lại chiếc ao gần đó. Trong cơn giận dữ, chiếc đuôi của chú công khép lại và chú trông thật xấu xí. Nhưng chú vịt bắt đầu bơi lội, duyên dáng lặn xuống ao và trông thật dễ thương. Những người vừa khen ngợi vẻ đẹp của chú công, giờ đây lại chuyển sự chú ý sang chú vịt.
              Ngưỡng hạnh phúc của chú công ấy là được trở thành trung tâm của mọi sự chú ý. Do chú vịt xấu xí, tầm thường bắt đầu khiến đám đông chuyển sự chú ý từ chú công sang chú vịt, nên chú công không còn thấy thỏa lòng nữa. Những người không hạnh phúc cũng giống như vậy. Để tránh được cái bẫy vô thức đặt ra một ngưỡng hạnh phúc phi thực tế, bạn cần hiểu và nắm được tiêu chuẩn mà những người hạnh phúc đã sử dụng để đưa ra ngưỡng hạnh phúc của bản thân. Một khi bạn đã nhận ra những nhân tố này, với thời gian, việc biến chúng thành một phần trong sinh hoạt mỗi ngày sẽ trở thành một thói quen với bạn.
              Đưa ra một ngưỡng [hạnh phúc] chấp nhận được
              Vấn đề về ngưỡng không đề cập đến câu hỏi "Làm thế nào tôi có thể quyết định mức thỏa lòng tối thiểu?" Vua Sa-lô-môn trăn trở với câu hỏi về hạnh phúc và sách Truyền đạo gìn giữ một số khám phá đã được kiểm chứng qua thời gian của ông. Ba câu hỏi mà Sa-lô-môn đưa ra như một ngưỡng hạnh phúc thích hợp là: (1) hạnh phúc là một chọn lựa; (2) hạnh phúc là khả năng tìm ra sự vui thỏa trong cuộc sống và (3) hạnh phúc là kết quả tấm lòng của bạn.
              Hạnh Phúc Là Một Chọn Lựa
              Khi đạt đến ngưỡng đem lại sự thỏa lòng, bạn phải chọn lựa một quyết định về cách bạn sống với kết quả đó. Bạn có sẽ thỏa lòng không? Hay bạn sẽ thất vọng và bực tức về kết quả? Hạnh phúc sẽ đến khi bạn đặt ra một ngưỡng thỏa lòng cho phép bạn nhận biết tính tích cực của một kinh nghiệm. Những người bất hạnh thường do dự đưa ra một giới hạn như vậy vì trong tâm trí mình, họ cho rằng hạnh phúc chỉ đến khi kinh nghiệm đó hoàn hảo. Tuy nhiên, những người hạnh phúc lại không gặp khó khăn nào để có được một kết luận tích cực từ cùng một kinh nghiệm.
              Sa-lô-môn viết: “Vậy ta nhìn biết chẳng có điều gì tốt đẹp cho loài người hơn là vui vẻ, và làm lành trọn đời mình. Lại, ai nấy phải ăn, uống, và hưởng lấy phước của công lao mình, ấy cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời” (Truyền đạo 3:12-13). Sa-lô-môn tự do nhìn nhận rằng mọi người đều tìm kiếm hạnh phúc. Nhưng thay vì biến hạnh phúc thành một thứ khó nắm giữ và ngoài tầm với, nhà hiền triết viết nhiều tác phẩm này đã đưa ra một gợi ý cho chúng ta biết nắm giữ hạnh phúc, ấy là chúng ta phải tìm thấy sự thỏa lòng trong mọi công việc, hay kinh nghiệm của mình. Đây cũng chính là điểm mà Parducci đã khám phá ra trong cuộc nghiên cứu của mình: hạnh phúc phần lớn được những đánh giá và kết luận của bạn về một kinh nghiệm nào đó quyết định. Ngưỡng hạnh phúc được thiết lập khi bạn tìm ra một mức chấp nhận được về sự thỏa lòng cá nhân. Không ai, ngoài bản thân bạn, có thể xác định được đâu là ngưỡng chấp nhận được dành cho bạn. Bạn có thể được đào tạo nhưng nếu bạn không sẵn lòng mở rộng quan điểm của bản thân về những điều xác định tính tích cực của một kinh nghiệm, mọi sự dạy dỗ, huấn luyện trên thế gian này sẽ chỉ đem lại sự thất vọng cho bạn và người huấn luyện bạn mà thôi.
              Định nghĩa của Sa-lô-môn về hạnh phúc, đó là khi một người tìm thấy được sự thỏa lòng trong những lao nhọc của mình. Nói một cách khác, chúng ta không cần phải tìm kiếm sự thỏa lòng trong tương lai, hay phải chờ cho đến lúc đúng lúc, đúng thời điểm hơn. Ngay lúc này, chúng ta có thể tìm gặp được sự thỏa lòng, ngay giữa những điều đang xảy ra trong cuộc sống bạn. Khi áp dụng quan điểm mới được khám phá này, bạn đang lựa chọn sống hạnh phúc ngay trong những hoàn cảnh của hiện tại.
              Quý độc giả thân mến,
              Chúng tôi xin tạm chia tay với quý thính giả nơi đây, và xin hẹn gặp lại quý thính giả vào tuần sau. Nguyện tình yêu của Thiên Chúa Từ Ái luôn ở cùng quý vị và gia đình. Kính chúc quý vị một cuối tuần an vui.
Tiến sĩ David D. Ireland
Nguồn: phatthanhhyvong.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!