Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Bài 24: Ðức Thánh Linh

Ðức Thánh Linh

Kinh Thánh:      Công 2:1-21
Câu gốc:        "Lúc nào thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật: Vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến" Giăng 15:13
Mục đích:      Dạy rằng Ðức Chúa Thánh Linh ngự vào lòng chúng ta là Ðấng Yên Ủi, Ðấng Dẫn Dắt và Ðấng Dạy Dỗ chúng ta.

Kinh Thánh đọc hằng ngày

Chúa Nhật: Ðức Thánh Linh giáng lâm
 Giô-ên 2:25-32
Thứ Hai: Lời hứa về Ðức Thánh Linh
 Giăng 16:7-15
Thứ Ba: Ðức Thánh Linh sẽ đến
 Giăng 14:16-26
Thứ Tư: Ðức Thánh Linh đến
 Công 2:1-21
Thứ Năm: Ðức Thánh Linh và Cơ đốc nhân
 Giăng 3:3-6; 16:13-14
 ICô 3:16; 6:19
Thứ Sáu: Bước đi trong Thánh Linh
 Rô-ma 8:1-10
Thứ Bảy: Ðược dẫn dắt bởi Thánh Linh
 Rô-ma 8:11-17

            Trước khi thăng thiên, Chúa Giê-xu đã hứa ban Ðức Thánh Linh đến ở với và trong các môn đồ, vì Ngài không muốn họ bị cô đơn. Khi Chúa sắp thăng thiên, Ngài bảo họ ở lại trong thành Giê-ru-sa-lem đợi Ðức Thánh Linh giáng lâm để ai nấy sẽ mặc lấy quyền năng, hầu làm chứng cho Ngài khắp mọi nơi. Dầu không biết rõ mọi sự sẽ ra sao, các môn đồ tin cậy, vâng lời và chờ đợi Ðức Thánh Linh.

I. Ðức Thánh Linh giáng lâm (Công 2:1-13).

            Nhằm ngày lễ Ngũ Tuần của dân Do thái, tức là 50 ngày sau khi Chúa sống lại, 10 ngày sau khi Ngài thăng thiên, thì Ðức Thánh Linh giáng lâm. Ðang khi các môn đồ họp lại một chỗ để thờ phượng, thình lình họ nghe tiếng gió thổi ào ào, thấy những lưỡi bằng lửa đậu trên mỗi người. Thế là ai nấy được đầy dẫy Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng ngoại quốc để ca tụng Ðức Chúa Trời. Các dân từ 15 xứ khác nhau đến dự lễ Ngũ Tuần trong ngày đó đều được nghe các môn đồ ca tụng Ðức Chúa Trời bằng tiếng mẹ đẻ của dân ấy, khiến cho ai nấy phải ngạc nhiên và sợ hãi.

            Trên đây hoàn toàn là một phép lạ. Phép lạ là một hiện tượng siêu nhiên, sức người không làm nổi, nên chỉ có Ðức Chúa Trời làm. Trong trường hợp này, Chúa làm phép lạ để cho mọi dân tộc có mặt tại Giê-ru-sa-lem bấy giờ điều thấy nghe và hiểu được quyền năng của Ðức Thánh Linh. Khi các dân tộc ấy trở về xứ mình, họ thuật lại phép lạ, hầu chuẩn bị và mở đường cho công cuộc truyền giáo mà Phi-líp, Phi-e-rơ, Phao-lô sẽ thực hiện sau đó. Vì vậy, ngày Ðức Thánh Linh giáng lâm là ngày trọng đại trong lịch sử Hội thánh.

II. Quyền năng của Ðức Thánh Linh. (Công 2:14-21)

            Ðức Thánh Linh ví như gió và lửa. Gió rất mạnh mẽ làm cây ngã, đá lăn, nhà sập, thì Ðức Thánh Linh có quyền phép đập đổ mọi trở lực san thành bình địa. Lửa tiêu hủy mọi rác rến, lửa làm cho nóng cháy, các máy móc nhờ sức lửa mà chạy được. Cũng vậy, Ðức Thánh Linh tẩy uế lòng người, làm cho sốt sắng, ban cho năng lực phi thường.

            Hơn một tháng trước, Phi-e-rơ đã sợ hãi, đến đổi ba lần chối Chúa trước mặt những con đòi. Nhưng khi được đầy dẫy Thánh Linh, ông dũng cảm lạ lùng, dám đứng trước mặt mấy ngàn người là những kẻ đã từng dự phần đóng đinh Chúa Giê-xu trên thập tự giá, mà giải thích sự việc cho họ hiểu. Ông nói rằng các môn đồ không phải say rượu như họ tưởng, song đầy dẫy Thánh Linh. Ông rất bình tỉnh và sáng suốt, nhờ lời tiên tri Giô-ên mà trưng dẫn để chứng minh cho mọi người thấy rõ hiện tượng này đã được dự ngôn từ xưa. Ðồng thời ông cũng trưng dẫn Thi 16 để chứng minh sự chết và sống lại của Chúa Giê-xu đã được tiên tri Ða-vít dự ngôn. Cuối cùng, ông long trọng tuyên bố rằng Ðức Chúa Trời đã tôn Giê-xu là Chúa và cứu Chúa của nhân loại, rồi ông kết án dân Y-sơ-ra-ên đã đóng đinh Ngài trên thập-tự-giá. Khi ai nấy chịu cảm động la lên Anh em ơi, chúng tôi phải làm chi?", ông khuyên họ ăn năn để được tha thứ. Có ba ngàn người đã tin nhận Giê-xu làm cứu Chúa của mình.

            Không ai có thể thay đổi đời sống của một người như Phi-e-rơ. Chỉ có Thánh Linh quyền năng. Không ai có thể chinh phục ba ngàn người tin nhận Giê-xu làm cứu Chúa mà trước đó 50 ngày, họ đã đồng thanh la lên "Hãy đóng đinh hắn trên thập-tự giá".

            Trải qua 20 thế kỷ đã có hàng triệu triệu người được Ðức Thánh Linh thay đổi đời sống của họ từ ô uế ra thánh khiết, từ sợ hãi ra can đảm, từ yếu đuối ra mạnh mẽ, từ nguội lạnh ra sốt sắng, từ đê hèn ra cao thượng, từ kẻ thù ra bạn hữu, từ kẻ bắt bớ ra môn đồ.

III. Công việc của Ðức Thánh Linh trong lòng người.

            Ðức Thánh Linh là một trong ba ngôi Ðức Chúa Trời, Ðức Chúa Cha là Ðức Chúa Trời, Ðức Chúa Con là Ðức Chúa Trời, Ðức Thánh Linh là Ðức Chúa Trời. Ðức Thánh Linh có tư tưởng, ý chí, cảm xúc, hành động như Ðức Chúa Trời. Ðức Thánh Linh khôn ngoan, thánh khiết, yêu thương, nhân từ như Ðức Chúa Trời. Ðức Thánh Linh toàn ái, toàn tri, toàn năng, vô sở bất tại như Ðức Chúa Trời. Chúng ta đang sống trong thời đại của Ðức Thánh Linh. Công việc của Ngài thật vĩ đại, phước hạnh có quan hệ đến mỗi chúng ta.

            1. Ngài an ủi chúng ta (Giăng 14:16): Sau khi làm cho chúng ta được sanh lại, trở nên con cái Ðức Chúa Trời, Ðức Thánh Linh tiếp tục an ủi chúng ta trong mọi cảnh ngộ. Không có nỗi đau buồn nào mà Ngài không an ủi được. Không có ai an ủi chúng ta bằng Ngài, nhờ Ngài mà chúng ta được an ủi, cũng nhờ Ngài, chúng ta an ủi kẻ khác. Ai có Ngài, người đó sẽ trở thành con trai của sự an ủi (Công 4:36).

            2. Ngài dạy dỗ, nhắc lại cho chúng ta mọi điều (Giăng 14:26): Ðức Thánh Linh dạy dỗ những điều mới, nhắc lại những điều cũ, cả hai bổ túc lẫn nhau để giúp chúng ta hiểu được ý muốn của Ðức Chúa Trời. Ngài là giáo sư tốt nhất của chúng ta từng dạy những lẽ thật không hề có ai dạy được. Ai nấy hãy xin Chúa dạy dỗ và sẵn sàng nghe tiếng dịu dàng, nhỏ nhẹ của Ngài.

            3. Ngài làm chứng về Chúa Giê-xu cho chúng ta (Giăng 15:26): Nhờ Ðức Thánh Linh, chúng ta biết và tin nhận Giê-xu làm cứu Chúa , nhờ Ngài chúng ta sâu nhiệm hơn trong đức tin đến Chúa Giê-xu. Chúng ta không thể tự mình biết Chúa Giê-xu, vì "Nếu không cảm Ðức Thánh Linh, cũng chẳng ai xưng Giê-xu là Chúa" (ICô 12:3).

            4. Ngài cáo trách tội lỗi của chúng ta (Giăng 16:8-11): Nhờ Ngài soi sáng mà chúng ta thấy được chân tướng của mình, nghĩa là biết mình có tội. Mọi người đều có tội, song có người ngoan cố dám nói mình không có tội, lại có người biết mình có tội, song rất mù mờ không biết tội là gì. Nếu không được Ðức Thánh Linh cáo trách, thúc giục tín đồ cũng không thể ăn năn những lỗi lầm của mình. Vậy, xin Thánh Linh cho mỗi chúng ta thấy rõ mình là người thế nào, và đem chúng ta đến sự ăn năn.

            5. Ngài dẫn chúng ta vào tất cả lẽ thật (Giăng 16:13): Tất cả lẽ thật đã được ghi chép trong Kinh thánh mà Ðức Thánh Linh là tác giả. Muốn hiểu biết lẽ thật, chúng ta phải nhờ Ngài dắt dẫn. Hãy luôn luôn sống trong sự hiện diện của Ngài, bước theo Ngài từng bước một. Hãy cung kính xin Ngài giải thích lời của Ngài cho chúng ta. Dầu có Kinh thánh trong tay, xưa nay đã có lắm người lầm lạc, giải sai ý nghĩa, chuốc lấy sự hư mất cho mình và cho người khác nữa (IIPhi 3:16).

            6. Ngài ban mọi ân tứ để Hội thánh được gây dựng (ICô 12:11): Có 17 ân tứ khác nhau do Ðức Thánh Linh ban phát cho mọi con cái của Ngài. Nếu chúng ta có ân tứ gì là đã nhận nơi Ngài, và nhận nơi Ngài để gầy dựng Hội thánh. Kẻ được ân tứ này, người được ân tứ khác, không ai có một cớ rất nhỏ nào để khoe khoang mà chỉ có những cớ rất lớn để cảm tạ và ca ngợi Chúa thôi. "Bởi vì, ai phân biệt ngươi với người khác? Ngươi há có điều chi mà chẳng đã nhận lãnh sao? Nếu ngươi đã nhận lãnh, thì sao còn khoe mình như chẳng từng nhận lãnh" (ICô 4:7).

            7. Ngài đầy dẫy trong chúng ta (Ê-phê-sô 5:18): Nếu muốn được Chúa Thánh Linh an ủi, dạy dỗ, làm chứng, cáo trách, dẫn dắt, ban mọi ân tứ, chúng ta phải xin Ngài ngự trị đời sống chúng ta cách trọn vẹn. Chúng ta phải tận hiến cho Chúa, làm đền thờ cho Ngài. Bởi sự đầy dẫy của Ngài, chúng ta mới có thể sống cuộc đời đắc thắng thánh khiết, mới đủ tư cách và khả năng để phục vụ Ngài.

            Chúng ta hãy nhờ Ðức Thánh Linh mà cầu nguyện, dâng tiền, học hỏi, giảng dạy, làm chứng v.v... "Chúng ta... là kẻ cậy Thánh Linh của Ðức Chúa Trời mà hầu việc Ðức Chúa Trời , khoe mình trong Ðấng Christ, mà không để lòng tin cậy trong xác thịt bao giờ" (Phi-líp 3:3).

Câu hỏi
1. Trước khi thăng thiên, Chúa Giê-xu đã hứa và dặn dò các môn đồ như thể nào?
2. Ðức Thánh Linh giáng lâm bao nhiêu ngày sau khi Chúa Giê-xu sống lại?
3. Hiện tượng của Ðức Thánh Linh giáng lâm là gì?
4. Quyền năng của Ðức Thánh Linh đã làm gì cho Phi-e-rơ?
5. Quyền năng của Ðức Thánh Linh đã làm gì cho ba ngàn người?
6. Xin kể ra một vài công việc của Ðức Thánh Linh?
7. Xin giải thích việc Ðức Thánh Linh cáo trách chúng ta?
8. Ðầy dẫy Thánh Linh có nghĩa gì?
9. Làm sao để được đầy dẫy Thánh Linh?

Mục sư Đoàn Văn Miêng

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

THƠ: Theo Dấu Chân Ngài

Theo Dấu Chân Ngài

Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài;
(1 Phi-e-rơ 2:21) 

Trên đời có những dấu chân, 
Của người tài giỏi, vĩ nhân một thời. 
Khôn ngoan, thông sáng tuyệt vời, 
Bao người ngưỡng mộ, bao lời tán dương. 

Nhưng khi lá rụng bên đường, 
Đông về gió thoảng hơi sương còn gì? 
Công trình, thành quả bay đi, 
Tiếng tăm, chức tước, dấu ghi phai tàn. 

Không gì tồn tại thời gian, 
Chỉ linh hồn sống, ân ban Chúa Trời. 
Tình yêu Cứu Chúa tuyệt vời, 
Dẫn con vào lối sáng ngời vinh quang. 

Xin theo chân Chúa dẫn đàng, 
Bước qua nhiều lối gian nan thế trần. 
Dấu chân tha thứ tội nhân, 1 
Dấu chân khiêm tốn rửa chân môn đồ 2. 

Dấu chân vượt sóng biển to, 
Dấu chân hóa bánh làm no bao người 3
Dấu chân mở mắt kẻ đui, 
Dấu chân hóa rượu làm vui tiệc mừng. 4 

Dấu chân làm sạch kẻ phung, 5 
Dấu chân đuổi quỉ phục tùng tránh xa. 6 
Dấu chân quyền phép tỏ ra, 
Người chết sống lại tang gia vui mừng. 7 

Dấu chân roi vọt đầy lưng, 
Vác thập tự giá đếm từng bước đi. 
Mão gai máu chảy tràn mi, 
Tim lòng vỡ nát, hồn thì dâng Cha. 8 

Dấu chân mồ mả bước ra, 
Quyền năng sống lại Chúa ta nhiệm mầu. 9 
Từ đây mãi mãi về sau, 
Dấu chân vinh hiển bắt cầu vĩnh sinh. 10 

Chúa ôi, trên lối linh trình, 
Chân con nguyện bước theo mình Chúa thôi. 
Cho con nghe tiếng nhạc trời , 
Hồn tim rộn rã hát lời ngợi khen. 

THANH HỮU 
Tháng 2 năm 2018 

1. Giăng 8:11 
2. Giăng 13:5 
3. Ma-thi-ơ 14:17-20 
4. Giăng 4:46 
5. Ma-thi-ơ 8:3 
6. Ma-thi-ơ 8:16 
7. Giăng 11:43-44 
8. Lu-ca 23:46 
9. Mac 16: 9 
10. Giăng 14:6 

Nguồn: vietchristian.com

Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2018

Tổng hợp Sheet nhạc Thương khó - Phục sinh 2018 của các Ban Hát Lễ, Ca đoàn, Đơn ca & Song ca (Cập nhật đến ngày 15/03/2018)


Để thuận tiện cho việc tập hát chuẩn bị cho mùa Lễ Kỷ niệm Chúa Giê-xu Chịu Thương Khó và Phục Sinh 2018 (Chúa nhật Phục sinh 01/4) Ban Âm nhạc HTTL Tân Nghĩa cung cấp các bản nhạc (file PDF) có hợp âm để các ban ngành Thiếu nhi Ấu và Thanh Thiếu niên, các cá nhân đơn ca, song ca.. có thể tải xuống sử dụng.

Đối với các nhân sự phụ trách Đàn, file mềm sẽ được gửi qua Email cá nhân hoặc Facebook Messenger.

Ngoài ra, các ban viên có thể liên hệ các cô Phụ giáo Âm nhạc, Trưởng ban TTN hoặc các nhân sự Âm nhạc để nhận sheet nốt nhạc đã photo./.

XIN LƯU Ý: Không tải ảnh. Vui lòng bấm chọn "Download Now" để tải file gốc.

1. Ban Hát Lễ THIẾU NHI - ẤU
- Thương Khó: TC 640 "Dòng Huyết Đào"  - Đàn: Văn Thiện


- Phục Sinh: TC 593 "Tiếng Hát Phục Sinh" - Đàn: Thu Thảo

2. Ban Hát Lễ THANH THIẾU NIÊN
- Thương Khó: BTC "Của Lễ Tình Yêu" - Đàn: Karaoke - Beat

- Phục Sinh: BTC "Chúa Phục Sinh Cứu Tôi" - Đàn: Karaoke - Beat


3. Tiết mục Song ca TK 1: Thúy Nga &
- BTC "Vì Yêu" - Đàn: Karaoke - Beat


4. Tiết mục Đơn ca TK 2: Cô Thu Thanh
- BTC "Chúa mang thập hình vì ta" - Keyboard: Thanh Trang - Piano: Hoàng Anh



BAN ÂM NHẠC

Mục Sư Tôn Thất Bình – Một Tấm Lòng Dành Trọn Cho Việt Nam (Phần cuối)

Chức vụ giáo sĩ tại Việt Nam (1957-1975)
Sau 15 năm tạm rời xa Việt Nam, Mục sư Thomas Stebbins được sai phái đến Việt Nam với tư cách một giáo sĩ. Việc ông đến Việt Nam làm giáo sĩ đã diễn ra thật tình cờ. Giáo sĩ Bob Mosely, đang là giáo sư tại Đại Học Nyack cũng là người đã từng phục vụ tại Việt Nam trước đó, được mong đợi sẽ quay trở lại Việt Nam để dạy trường Kinh Thánh nhưng ông từ chối với lý do đã quá cao tuổi để học tiếng Việt. Mục sư Thomas Stebbins được tiến cử thay thế và được Ban Quản Trị Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp chấp thuận.
Ban đầu Mục sư Thomas Stebbins cứ đinh ninh rằng mình đến Việt Nam để dạy trường Kinh Thánh. Đó cũng là suy nghĩ chung của các giáo sĩ được sai phái đến Việt Nam trước đó. Sau cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Louis King, lúc đó đang là Tổng Thư ký khu vực Á Châu của C&MA, ông cầu xin Chúa cho mình có ơn để trở nên người rao giảng Phúc Âm theo Ê-phê-sô 4:11. Một vài năm sau, ông nhận ra rằng lời cầu nguyện đó chính là sự định hướng cho chức vụ của mình.
Sau thời gian ngắn chuẩn bị mọi thứ, gia đình giáo sĩ Thomas Stebbins lên tàu rời Hoa Kỳ để hướng về Việt Nam. Sáng sớm ngày 15/2/1957, gia đình giáo sĩ Thomas Stebbins đã đặt chân đến Việt Nam.[1]
Những ngày đầu tại Việt Nam, giáo sĩ Thomas Stebbins và gia đình lưu trú tại Trường Kinh Thánh Đà Nẵng để bắt đầu quá trình học tiếng Việt và thích nghi với cuộc sống mới. Các giáo sĩ mới không chỉ cần phải thích nghi về phương diện ngôn ngữ và văn hóa nơi xứ sở mà họ phục vụ, nhưng tất cả các giáo sĩ trong nhiệm kỳ đầu tiên còn phải thích nghi khí hậu và thổ nhưỡng. Gia đình giáo sĩ Thomas Stebbins phải chịu nhiều thử thách về thể xác bởi sự bệnh tật, đau yếu.[2]
Sau một năm học tiếng Việt, ông bà được bổ nhiệm đến Phú Yên (năm 1958). Năm đầu tiên tại Phú Yên, cũng là năm thứ hai của chức vụ giáo sĩ, sẽ bao gồm việc soạn bài giảng, giảng và dạy.[3] Giáo sĩ Thomas Stebbins tỏ ra rất khiêm nhường học hỏi nơi các bạn đồng lao, đặc biệt là các Mục sư Truyền đạo người Việt. Ông học nơi Mục sư Nguyễn Văn Thìn về văn hóa Việt Nam, cách thiết lập mối quan hệ với người Việt để thuận lợi cho công tác rao giảng Phúc Âm.[4] Ông học nơi Mục sư Phan Đình Liệu về cách giới thiệu Phúc Âm cho người Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Việt Nam sao cho thuyết phục.[5]
Giáo sĩ Thomas Stebbins sống giữa vòng người Việt Nam, hiệp tác với Mục sư và Truyền đạo Việt Nam, ăn thức ăn Việt Nam, nói tiếng Việt cả ngày, và cảm thấy yêu thương người Việt Nam ngày càng nhiều hơn![6]
Tình hình chiến sự tại Việt Nam, cụ thể là Phú Yên những năm đầu thập niên 1960 ngày càng dữ dội, sự an nguy của các giáo sĩ (người nước ngoài) bị đe dọa nghiêm trọng. Dầu vậy, giáo sĩ Thomas Stebbins và gia đình cứ phó thác đời sống mình trong bàn tay của Đức Chúa Trời để Ngài sử dụng và bảo vệ. Có những chuyến đi lưu giảng “lành ít dữ nhiều”, không biết còn cơ hội sống sót trở về hay không, nguy hiểm cho cả người đi lẫn người ở nhà, nhưng ông vẫn không ngại hiểm nguy, cậy nhờ quyền năng Chúa để làm tròn phận sự của một tôi tớ Ngài.[7]
Giáo sĩ Thomas Stebbins và Hội Thánh Thạch Bàn (Phú Yên). Hình chụp năm 1958
Giáo sĩ Thomas Stebbins và các Mục sư Truyền đạo người Việt tại Tuy Hòa (Phú Yên). Hàng trước từ trái qua: Truyền đạo Nguyễn Kim Khánh, Mục sư Nguyễn Văn Thìn, Truyền đạo Đặng Đăng Khoa. Hàng sau từ trái qua: Giáo sĩ Thomas Stebbins, Truyền đạo Đinh Thống.
Bà Giáo sĩ Donna Stebbins cùng giới nữ Việt Nam phục vụ trong một lớp Kinh Thánh ngắn hạn tại Tuy Hòa (Phú Yên)
Sau gần ba năm ở Phú Yên (1958-1960), sáu tháng trước khi mãn nhiệm kỳ đầu tiên, giáo Thomas Stebbins tạm thời được phân công làm giám thị khu ký túc xá nữ tại trường quốc tế Đà Lạt (Dalat International School), nơi ông theo học thuở nhỏ. Cuối năm 1961, Giáo sĩ Thomas Stebbins và gia đình đã trở về Hoa Kỳ để nghỉ phép sau bốn năm rưỡi phục vụ tại Việt Nam.[8]
Hết kỳ nghỉ phép, gia đình giáo sĩ Thomas Stebbins trở lại Việt Nam (năm 1962). Ông bà được bổ nhiệm đến Đà Nẵng. Mặc dù không muốn đến đó nhưng ông vẫn bày tỏ lòng thuận phục lãnh đạo. Lý do ông không muốn đến Đà Nẵng vì nghĩ rằng tại đó đã có những Mục sư kỳ cựu và những Hội Thánh lâu đời trong khi còn nhiều vùng chưa hề được truyền giáo và mở mang Hội Thánh. Kết quả của sự thuận phục của ông là nhiều Hội Thánh mới được thành lập tại Đà Nẵng.[9]
Sau hai năm hầu việc Chúa tại Đà Nẵng, ông bà giáo sĩ Thomas Stebbins được thuyên chuyển đến Huế (cuối năm 1964). Tại đây, ông bà tiếp tục hiệp tác với Mục sư Lê Đình Tố (cũng từ Đà Nẵng chuyển đến) để mở mang công việc Chúa tại Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị.[10]
Sau nhiệm kỳ thứ hai phục vụ tại Việt Nam, giữa năm 1967, gia đình giáo sĩ Thomas Stebbins trở lại Hoa Kỳ để nghỉ phép. Trong khoảng thời gian nầy, một số giáo sĩ đã tuận đạo tại Việt Nam trong biến cố Tết Mậu Thân 1968, trong đó có người anh rể Ed Thompson và chị ruột Ruth Thompson của giáo sĩ Thomas Stebbins.[11]
Một năm nghỉ phép tại Hoa Kỳ trôi qua, gia đình giáo sĩ Thomas Stebbins trở lại Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba (năm 1968) tại Đà Nẵng. Một năm sau, tại Hội Đồng Địa Hạt năm 1969 diễn ra tại Sài Gòn, giáo sĩ Thomas Stebbins được tín nhiệm chức vụ Hội trưởng Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp (C&MA) tại Việt Nam, một chức vụ mà ông không hề nghĩ tới. Với trách nhiệm của mình, ông phải lãnh đạo 150 giáo sĩ, phục vụ trong một đất nước chiến tranh.[12]
Trong nhiệm kỳ hội trưởng của mình (1969-1973), giáo sĩ Thomas Stebbins không tự giới hạn mình tại văn phòng điều hành nhưng ông luôn sẵn sàng trong công tác rao truyền Phúc Âm cho những nơi cần đến, một sứ mạng mà ông được kêu gọi tận hiến trọn đời.[13]
Nhiệm kỳ bốn năm chức vụ Hội trưởng Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp tại Việt Nam của giáo sĩ Thomas Stebbins cũng là giai đoạn gay cấn nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Năm 1972, khi chiến tranh ngày càng leo thang, nhìn trước viễn cảnh Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp phải rời khỏi Việt Nam và Hội Thánh Tin Lành Việt Nam ở lại đứng một mình, lãnh đạo hai bên đã ký kết một bản giao ước để Hội Thánh Tin Lành Việt Nam sẽ tiếp quản toàn bộ tài sản và công việc Chúa mà Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp để lại.[14]
Đại diện Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp và Hội Thánh Tin Lành Việt Nam trong buổi ký kết Bản Giao Ước 1972. Giáo sĩ Thomas Stebbins (Hội trưởng Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp tại Việt Nam) ngồi ở bìa trái – hàng đầu tiên, bên cạnh là Mục sư Đoàn Văn Miêng (Hội trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam)
Mùa hè năm 1973, sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ ba, gia đình giáo sĩ Thomas Stebbins lại trở về Hoa Kỳ để nghỉ ngơi.[15] Sau một năm nghỉ phép, ông bà giáo sĩ Thomas Stebbins cùng gia đình trở lại Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ thứ tư (năm 1974) với chức vụ Mục sư cho Hội Thánh Tin Lành Quốc Tế (International Protestant Church – IPC).[16]
Một thời gian ngắn sau khi làm Mục sư tại IPC, giáo sĩ Thomas Stebbins có dự định trở thành một nhà truyền giảng lưu động. Nhưng, tình hình tại Việt Nam lúc đó (đầu tháng 3/1975) đang bước vào đỉnh điểm giao tranh, chuẩn bị kết thúc cuộc chiến nên dự định tổ chức truyền giảng tại Quảng Trị (thành phố cực bắc của Nam Việt Nam lúc đó) đã không thành. Lúc bấy giờ, Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp đã có kế hoạch rút các giáo sĩ ra khỏi Việt Nam. Thay vì chuẩn bị cho cuộc di tản, những ngày cuối cùng của giáo sĩ Thomas Stebbins tại Việt Nam đã được tận dụng tối đa bằng những cuộc truyền giảng Tin Lành và công tác chứng đạo cá nhân.[17] Trưa ngày 8/4/1975, ông bà giáo sĩ phải gấp rút rời Việt Nam trên chuyến bay thương mại cuối cùng rời khỏi Sài Gòn để đến Manila (Philippines).[18]
Các giáo sĩ họp tại Đà Lạt (Ông Bà Giáo sĩ Hội trưởng Thomas Stebbins ngồi ở bìa trái)
Mặc dù có cơ hội rời Việt Nam trước khi cuộc chiến kết thúc, nhưng với tấm lòng cưu mang những người còn ở lại Việt Nam nên từ Philippines giáo sĩ Thomas Stebbins đã tìm cách quay trở lại Việt Nam trong tình cảnh hết sức hiểm nguy vào trưa ngày 28/4/1975, chỉ hai ngày trước khi Sài Gòn sụp đổ.[19] Lúc đó, tình hình hết sức hỗn loạn nên ông không thể làm được gì hơn là tìm cách rời khỏi Việt Nam lần nữa. Rạng sáng ngày 30/4/1975, giáo sĩ Thomas Stebbins là một trong những người cuối cùng di tản bằng trực thăng đúng vào ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam. Chiếc trực thăng đáp trên boong tàu SS Navigator để chuyển tất cả hành khách (trong đó có giáo sĩ Thomas Stebbins) xuống tàu. Đứng trên boong tàu, nhìn về bờ biển Việt Nam, giáo sĩ Thomas Stebbins đã khóc suốt 3-4 giờ đồng hồ. Một nỗi đau mà suốt cả cuộc đời ông chưa bao giờ trải qua.[20]
Nỗi khắc khoải hướng về Việt Nam (từ năm 1975)
Ngày 30/4/1975, giáo sĩ Thomas Stebbins rời Việt Nam trong nước mắt. Một tâm trạng mà ông đã diễn tả trong cuốn hồi ký của mình là “tan nát cõi lòng”.[21] Dù không còn ở Việt Nam nữa, nhưng lòng ông lúc nào cũng khắc khoải hướng về Việt Nam. Ông vẫn tiếp tục gắn bó chức vụ mình với những người Việt xa xứ sau năm 1975.
Chuyến tàu cập bến Subic (Philippines), ông bà Thomas Stebbins được đoàn tụ với nhau. Chỉ một vài ngày sau, ông bà bắt đầu công tác mới, đó là chăm sóc cho các ‘thuyền nhân’[22] tại đảo Guam (Hoa Kỳ). Ông bà đã chăm lo mọi mặt đời sống thuộc linh lẫn thuộc thể cho cộng đồng người Việt tị nạn tại đây. Những chương trình truyền giảng tại đảo Guam đã đem nhiều người trở lại với Chúa Giê-xu.[23]
Một năm sau ngày rời Việt Nam để đến Guam, gia đình giáo sĩ Thomas Stebbins rời Guam để đến phục vụ Chúa tại Hồng Kông vào năm 1976. Tại đây, ông có dịp tiếp xúc và làm quen với linh vụ Chứng Đạo Sâu Rộng (Evangelism Explosion – EE), một công tác mà ông gắn bó và phát động suốt quảng đời còn lại của mình.[24]
Năm 1989, ông bà trở về Hoa Kỳ để làm Mục sư đặc trách truyền giáo tại Hội Thánh Ohama Gospel Tabernacle ở Ohama (Nebraska), Hội Thánh sau nầy đổi tên thành Christ Community Church. Chúa cho công việc ở đây đạt nhiều kết quả, đặc biệt là công tác huấn luyện chứng đạo.[25]
Từ năm 1995-2003, Mục sư Thomas Stebbins giữ chức Phó Chủ tịch Điều hành (COO) và đảm nhận chức vụ Sứ giả Toàn cầu kể từ năm 2004 cho Cơ quan Chứng Đạo Sâu Rộng Quốc tế (Evangelism Explosion – EE).[26]
Những năm tháng xa cách Việt Nam, dù đi đến đâu ông cũng tìm cách kết nối với cộng đồng người Việt và trong cuộc sống ông luôn có những hình ảnh hoặc từ ngữ liên tưởng tới Việt Nam.[27]
Những lần trở lại Việt Nam (sau 1975)
Sau khoảng 30 năm xa cách, ông bà Mục sư Thomas Stebbins có dịp trở lại Việt Nam nhiều lần. Trong đó, có những lần về Việt Nam của ông bà gắn liền với những sự kiện quan trọng của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam:
– Năm 2005, ông là khách mời của Đại Hội Đồng Tổng Liên Hội lần thứ 44 diễn ra tại Tp.HCM
– Năm 2011, ông là diễn giả của Lễ Kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam diễn ra tại Đà Nẵng
– Năm 2013, ông là diễn giả của Đại Hội Đồng Tổng Liên Hội lần thứ 46 diễn ra tại Tp.HCM
Trong những lần trở lại Việt Nam, ông bà có dịp thăm viếng các Hội Thánh ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam để nhìn thấy công việc Chúa vẫn đang tiếp tục được gây dựng và phát triển tại đất nước Việt Nam thân yêu. Một sự tiếp nối thành quả mà nhiều thập kỷ trước ông đã dày công vun đắp.
Thay lời kết
Sáng ngày 15/02/2018 (theo giờ địa phương), Mục sư Thomas Stebbins (Tôn Thất Bình) đã yên nghỉ trong Chúa tại Florida (Hoa Kỳ), chấm dứt cuộc hành trình 85 năm trên đất. Ông đã sống một cuộc đời hiến dâng trọn vẹn cho Đức Chúa Trời và vâng phục trọn vẹn đường lối Ngài cho cuộc đời mình. Ông cũng dành trọn tấm lòng của mình cho đất nước, con người và công cuộc truyền giáo tại Việt Nam.
Trong lời tựa của cuốn hồi ký về cuộc đời chức vụ của mình, ông ví sánh cuộc đời mình như một chiếc găng tay. Bản thân chiếc găng tay không hữu dụng gì, không có khả năng và giá trị thực tiễn nào. Nhưng với bàn tay của người chủ, người sử dụng là Đức Chúa Trời khôn ngoan, tuyệt diệu và quyền năng, thì một chiếc găng tay có thể hoàn thành nhiều công tác ngoạn mục có giá trị lâu dài.[28]
“Chiếc găng tay” Tôn Thất Bình đã để cho “bàn tay quyền năng” của Đức Chúa Trời vận hành bên trong suốt những năm tháng trên đất để hoàn thành nhiều công tác ngoạn mục có giá trị lâu dài. Liệu mỗi người chúng ta có sẵn sàng để “bàn tay quyền năng” của Đức Chúa Trời vận hành bên trong “chiếc găng tay” cuộc đời mình không?
Thiết nghĩ mỗi tôi con Chúa người Việt chúng ta tưởng nhớ đến Mục sư Tôn Thất Bình không chỉ với tâm tình tri ân ông nhưng cũng với tâm tình học theo ông!
Tường Quang (HTTLVN.ORG)
Mục sư Thomas Stebbins tại Lễ Kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam
Đà Nẵng – năm 2011
[1] Ibid., 63-69.
[2] Ibid., 71-78.
[3] Ibid., 78.
[4] Ibid., 84.
[5] Ibid., 88-89.
[6] Ibid., 91.
[7] Ibid., 97-99.
[8] Ibid., 101-102.
[9] Ibid., 115-117.
[10] Ibid., 120-126.
[11] Ibid., 143-145.
[12] Ibid., 153.
[13] Ibid., 159-164.
[14] Ibid., 165-166.
[15] Ibid., 167.
[16] Ibid., 174.
[17] Ibid., 177-178.
[18] Ibid., 182-183.
[19] Ibid., 185-186.
[20] Ibid., 188-191.
[21] Ibid., 185.
[22] Tên gọi thuyền nhân Việt Nam dùng để chỉ những người rời khỏi Việt Nam vượt biên bằng thuyền và tàu sau chiến tranh Việt Nam.
[23] Ibid., 192-204.
[24] Ibid., 205-221.
[25] Ibid., 225-252.
[26] Ibid., 269-.
[27] Ibid., 227.
[28] Ibid., ix-x.

Bài giảng Của MS Billy Graham: Bí Quyết Thành Công Trong Công Tác Truyền Bá Phúc Âm

Bí Quyết Thành Công Trong Công Tác 
Truyền Bá Phúc Âm (*)[1] 
       Lời giới thiệu
Công tác truyền giáo thế giới Thế kỷ 21 được đánh dấu bằng sự kiện “Hội nghị Amsterdam năm 2000.” Tại hội nghị này, Mục sư Billy Graham, nhà truyền giáo nổi tiếng nhất thế kỷ 20 đã gửi đến con dân Chúa sứ điệp truyền giáo mạnh mẽ và sâu sắc như là lời tâm tình và khải tượng truyền giáo trao gửi lại cho thế hệ kế tục chúng ta hôm nay.
Để tưởng nhớ nhà truyền giáo trứ danh đã tận hiến cả cuộc đời cho công tác truyền bá Phúc âm, vừa về Nước Chúa vào 21.2.2018, chúng tôi xin gửi tới quí tôi con Chúa bài giảng được xức dầu này của ông.             
Hân hoan chào mừng qúy vị trong Danh Chúa Giê-xu Cơ Đốc, Chúa chúng ta!
Tôi xin hoan nghênh qúy vị đã đến đây tham dự lễ khai mạc Hội nghị Amsterdam 2000 tối nay.
Chúng ta từ hơn 185 quốc gia, lãnh thổ, khu vực trên thế giới đã họp nhau tại Amsterdam này. Một số quí vị đã vượt qua chặng đường hàng ngàn dặm, chịu nhiều hy sinh để đến với hội nghị này. Chúng ta không phải chỉ đến từ những vùng đất khác nhau trên trái đất, nhưng cũng đến từ những nền văn hóa, dân tộc và hệ phái khác nhau nữa. Thật vậy, thiết tưởng chưa có một cuộc hội họp rộng lớn như thế này trong Hội Thánh của Chúa Giê-xu từ trước đến nay. Phần lớn qúy vị sẽ không có cơ hội nào khác để có thể từ phương trời này thông công với anh chị em trong Chúa từ khắp nơi trên trái đất như thế này. Ước mong mỗi người trong chúng ta sẽ cảm thấy vui thỏa suốt những ngày chúng ta cùng nhau học hỏi những gì Đức Chúa Trời đang làm trên thế giới. Nguyện Chúa dùng mối thông công này để khích lệ và giục giã mỗi lòng chúng ta.
Nhưng tại sao chúng ta lại ở đây, trong thành phố xinh đẹp này? Chúng ta đã dự tính, quyết định, ra đi và chịu nhiều phí tổn để đến Amsterdam 2000 nhằm mục đích gì? Hay nói một cách khác, tai sao Đức Chúa Trời họp nhau chúng ta tại đây? Ngài muốn thực hiện điều gì trên mỗi người chúng ta trong những ngày này? Tôi tin rằng chúng ta đã đến đây do ý muốn thiên thượng. Lời cầu nguyện của tôi và cũng là lời cầu nguyện khẩn thiết của qúy vị, đó là mục đích của Đức Chúa Trời sẽ được thực hiện trên mỗi đời sống chúng ta.
Tôi mong rằng quí vị đến đây chỉ với một mục đích chính: khám phá ra một phương cách thật hiệu qủa cho công tác mở mang Nước Trời trên đất. Đây là lý do chủ yếu để chúng ta tồn tại với tư cách là những người phục vụ Đấng Christ. Xin đừng để ý đến những khác nhau về bối cảnh, vì chúng ta được hiệp nhất trong tình yêu của Đấng Christ, trong sự cam kết truyền bá Phúc Âm cho đến cùng trái đất.
Nhưng làm thế nào để có thể đạt được điều ấy? Chúng ta nên tìm kiếm điều gì trong suốt những ngày tham dự hội nghị này? Chúng ta hãy quay lại và tìm kiếm lời của Đức Chúa Trời để khám phá ra những nguyên tắc mà chúng ta phải theo nhằm áp dụng trong thời đại mình.
Có lẽ không có chương Kinh Thánh nào lại dạy dỗ về chủ đề này nhiều hơn các chương mở đầu của sách Công vụ, nó ghi lại những ngày đầu tiên của Hội Thánh Đấng Christ. Những chương này cần được nghiên cứu cẩn thận dù ở đây tôi chỉ lướt qua thôi. Những nguyên tắc xoay quanh thời kỳ sôi động này dạy chúng ta phương cách mà Đức Thánh Linh sử dụng để truyền bá Phúc Âm trong nền văn hóa và thời đại của chúng ta.
Tôi suy nghĩ và rút ra từ các chương đầu của sách Công Vụ bốn mục đích mà tôi tin rằng quí vị nên cố gắng đạt được trong kỳ hội nghị này. Mặc dù tôi sẽ không tham dự hết các buổi nhóm của hội nghị này, nhưng tôi và quí vị hiệp một với nhau trong lời cầu nguyện. Vì thế xin cho phép tôi được nói như tôi đang hiện diện với quí vị, vì tâm linh tôi đang ở với quí vị.
Trước hết, hãy tái khẳng định sự cam kết của chúng ta đối với chân lý Phúc Âm .
Một vài nguời trong quí vị đến từ những nơi đang bị ảnh hưởng của những trào lưu tôn giáo hay các hệ tư tưởng chối bỏ những chân lý cốt lõi của Phúc Âm. Một số qúy vị đang phải đối diện với sự bành trướng của chủ nghĩa thế tục hay chủ nghĩa duy vật luôn tỏ thái độ lạnh nhạt, thờ ơ hay thậm chí thù địch đối với Phúc Âm nữa. Hoặc có thể quí vị đang sống giữa xã hội hậu hiện đại, họ phủ nhận tất cả dù đó là chân lý đi nữa.
Dù qúy vị đang sống trong hoàn cảnh thế nào đi nữa, có một điều hoàn toàn rõ ràng đối với Cơ Đốc nhân đầu tiên, đó là họ biết rõ Phúc Âm là gì và họ cũng sẵn sàng đánh đổi cuộc sống của mình cho những điều họ đã tin chắc là chân lý. Phi-e-rơ trong ngày lễ Ngũ tuần cũng đã cất tiếng lean rằng: “Vậy, cả nhà Y-sơ-ra-ên khá biết chắc rằng Đức Chúa Trời đã tôn Jêsus này mà các ngươi đã đóng đinh trên thập tự giá, làm Chúa và Đấng Christ” (Công Vụ 2: 36). Sau đó ít lâu ông cũng đã đứng trước Hôi đồng công luận, tuyên bố cách mạnh mẽ rằng: “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời chẳng có danh nào khác ban cho loài người để chúng ta nhờ đó mà được cứu” (Công Vụ 4:12).
Trước tiên các môn đồ cũng đã ở trong mối hiểm nguy của sự hiểu lầm Phúc Âm. Bốn mươi ngày sau khi Đấng Christ phục sinh, họ nhóm lại với Chúa Jêsus trên đỉnh núi Ô-li-ve, ngay trước khi Ngài thăng thiên về cùng Đức Chúa Trời. Họ đã nói rằng: “Lạy Chúa, có phải trong lúc này Chúa sẽ lập lại nước Y-sơ-ra-ên chăng?” (Công Vụ 1: 6). Mắt họ phải được mở ra để nhìn thấy trước vấn đề. Đây là thời điểm mà họ đang chờ đợi, thời điểm mà Đấng Mê-si-a sẽ bẻ gãy cái ách bạo ngược của người La Mã và đưa dân Y-sơ-ra-ên vùng lên. Nhưng điều thắc mắc đó đã bị lệch lạc. Quan điểm của họ về vương quốc của Đấng Christ chỉ là vấn đề chính trị và có tính chất trần thế này, bị giới hạn trong một lãnh vực và hoàn toàn mất đi những khía cạnh sâu xa hơn của thập tự giá và sự phục sinh.
Chúa lập tức sửa sai họ: “Kỳ hạn và ngày giờ mà Cha đã tự quyền định lấy, ấy là việc các ngươi chẳng nên biết” (Công Vụ 1: 7). Ánh mắt háo hức của họ có lẽ đã sụp xuống khi nghe những lời nói này. Nhưng một sự rung động mới đã lấp đầy trái tim họ, tấm lòng họ khi Chúa Giê-xu tuyên bố về ngày Chúa trở lại, “các ngươi sẽ làm chứng về ta tại thành Jê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công Vụ 1:8). Trong lời tuyên bố đó, Chúa Jêsus đã bày tỏ trực tiếp cho Hội Thánh một mệnh lệnh mạnh mẽ và một chương trình hành động. Quả thật đó là một nhiệm vụ phi thường: Truyền bá Phúc Âm toàn cầu! Chúng ta ngày nay cũng phải đem Phúc Âm đến mọi nơi trên khắp trái đất.
Nhưng còn một điều chắc chắn nếu chúng ta muốn thấy công tác này hoàn thành, đó là chúng ta phải nắm chặt lấy bản chất của Phúc Âm, đó là “quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rô-ma 1:16)
Như vậy, Phúc Âm là gì? Hãy xem xét lại những lời mà Phi-e-rơ đã rao giảng trong ngày lễ Ngũ tuần, hay ở những bài giảng khác được ghi trong sách Công vụ. Hoặc xem những gì Phao-lô đã viết cho người Cô-rinh-tô: “Hỡi anh em, tôi nhắc lại cho anh em Tin lành mà tôi đã rao giảng và anh em đã nhận lấy, … Vả, trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà tôi đã nhận lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại theo lời Kinh thánh” (I Côrinhtô 15: 1, 3 – 4).
Phúc Âm không tập trung vào những chương trình hay cách thức chúng ta thờ phượng, hoặc là những đặc thù của hệ phái chúng ta. Phúc Âm đặt trọng tâm vào Chúa Jêsus Christ, Con độc sanh của Đức Chúa Trời, đã bị đóng đinh trên thập tự giá vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại để cứu vớt chúng ta. Phúc Âm đảm bảo rằng đời sống chúng ta sẽ được thay đổi khi chúng ta nương dựa vào Đấng Christ trong sự ăn năn, đức tin và sự tái sinh bởi Đức Thánh Linh. Nhờ Phúc Âm chúng ta được tha thứ các tội lỗi mình và hoà thuận lại với Đức Chúa Trời, trở nên thành viên trong gia đình Ngài mãi mãi. Đó là Phúc Âm!
“Tin Lành của Chúa Jêsus Christ là tin tức, tin tức tốt lành: tin tức tốt đẹp và quan trọng nhất mà mọi người từng nghe”. Các nhà truyền giáo đầu tiên đã giới thiệu tất cả những điểm trên cách rõ ràng và đầy quyền năng. Đó cũng là thông điệp của các nhà truyền giáo ngày nay nữa, dù mang tính chất cá nhân hay trên bục giảng. Một khi Phúc Âm được công bố cách trung thành và đầy đủ, chúng ta sẽ khám phá được quyền năng trong đó. Chúng ta phải rao giảng toàn bộ Phúc Âm, không phải là lặp lại những lời nói sáo rỗng, rập khuôn hay những lời giáo huấn đạo đức. Điều mà Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta phải truyền giảng đó là chân lý Phúc Âm như Ngài đã bày tỏ cho chúng ta qua lời Ngài, là quyển Kinh thánh. Kinh thánh là nguồn của sứ điệp chúng ta và chúng ta phải rao giảng trung thực, không thêm không bớt sứ điệp Thánh kinh về sự chết và sự phục sinh của Đấng Christ vì chúng ta.
Đó là lý do tại sao trong các chiến dịch truyền giảng tôi luôn luôn giảng ít nhất là một bài giảng dựa vào Giăng 3:16 “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời”.
Đúng vậy, trong những ngày này chúng ta hãy tái khẳng định chân lý Phúc Âm.
Thứ hai, hãy tái khẳng định sự ưu tiên cho công tác truyền bá Phúc Âm.
Nếu Phúc âm là chân lý thì việc rao truyền nó cho mọi người phải được đặt ở vị trí hàng đầu trong đời sống và chức vụ của chúng ta.
Một điều trở nên rất hiển nhiên, rõ ràng khi chúng ta nghiên cứu các chương đầu của sách Công Vụ (và cả phần còn lại của Tân ứơc nữa): Hội Thánh đầu tiên đã dành ưu tiên cho công tác truyền bá Phúc Âm. Khi phải đối mặt với sự bắt bớ họ đã cầu xin, “Này, xin Chúa hãy xem xét sự họ ngăm dọa và ban cho các đầy tớ Ngài rao giảng đạo Ngài một cách dạn dĩ” (Công Vụ 4: 29). Khi bị cấm rao giảng, Phi-e-rơ đã trả lời, “Chúng tôi không có thể chẳng nói về những điều mình đã thấy và nghe” (Công Vụ 4: 20). Một trong những lời cầu nguyện thường xuyên của tôi cho hội nghị này là xin Chúa cho Hội thánh toàn cầu đặt ưu tiên cho công tác truyền bá Phúc âm. Đôi khi chúng ta quên mất điều đó. Hội Thánh thực hiện việc này chỉ trong một thế hệ rồi sau đó mất hẳn. Thế giới cần được truyền giảng trong mọi thế hệ.
Tất nhiên chinh phục những người bị hư mất cho Đấng Christ không phải bao gồm mọi chuyện mà Hội thánh được kêu gọi phải làm. Chúng ta được kêu gọi môn đệ hóa như Chúa Jêsus đã phán qua việc “dạy cho họ giữ hết cả những điều mà ta đã truyền cho các ngươi”(Mathiơ 28: 20). Chúng ta cũng được kêu gọi để thờ phượng và cầu nguyện, được kêu gọi để làm công tác từ thiện trong thế giới chúng ta. Chúng ta phải tham gia vào nhiều công tác giúp đỡ gia đình, giáo dục, xã hội. Tuy nhiên công tác truyền bá Phúc Âm phải được đặt ưu tiên hàng đầu. Nó không giải quyết được tất cả mọi nan đề, nhưng nó vẫn phải là việc ưu tiên của chúng ta. Nguyện Đức Chúa Trời sẽ dùng kỳ hội nghị này để tái khẳng định sự ưu tiên cho việc truyền bá Phúc Âm trong đời sống chúng ta và trong các Hội Thánh của chúng ta.
Vì lẽ gì mà việc truyền giảng Tin Lành phải là điều ưu tiên của chúng ta?  Nó không đơn thuần chỉ là một công tác được duy trì từ thế hệ này đến thế hệ khác, nhưng bởi vì sự hư mất và sự tuyệt vọng mà chúng ta đang nhìn thấy chung quanh mình. Chính vì thế giới của chúng ta đang ở trong sự kèm kẹp của Sa-tan, chúa tể của sự gian dối, lừa lọc. Chính vì chúng ta đang sống trong một hành tinh bị bóp méo và làm cho sai lạc bởi tội lỗi. Nhân loại đang ở trong tình trạng nổi loạn chống lại Đấng Tạo Hóa và không còn cách nào khác hơn là hòa thuận lại với Ngài. Qúy vị đã nhìn thấy những điều đó chung quanh mình. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà theo như Ê-phê-sô 2: 2 là “không có hy vọng và không có Đức Chúa Trời”.
Chúng ta có nhìn thấy tha nhân như cách Đức Chúa Trời nhìn thấy không? Việc yêu thương mà chúng ta có thể làm cho tha nhân là đem họ đến với Jêsus Christ. Đấng duy nhất là “đường đi, chân lý và sự sống” (Giăng 14: 6).
Dù vậy, công tác làm chứng không phải là một việc dễ dàng. Truyền bá Phúc Âm thật sự thường diễn ra trong tình cảnh phải chịu nhiều hy sinh và đau khổ. Một số quí vị đến từ những nước rất khó khăn và có lẽ quí vị kinh nghiệm điều đó hơn tôi nhiều. Nhưng xin đừng bao giờ quên: Đấng Christ đã từ thiên đàng xuống nơi bần hàn nhất, Ngài sẵn sàng chịu hy sinh đến mức cùng cực nhất vì Ngài yêu chúng ta. Nguyện tình yêu ấy cũng chan chứa trong lòng chúng ta và khiến chúng ta ra đi chia sẻ cho người khác về Phúc Âm biến đổi cuộc đời của Đấng Christ. Mong rằng đây sẽ là điều chúng ta dành ưu tiên sau khi rời Amsterdam này.
Thứ ba, chúng ta hãy tái khẳng định sự nương cậy nơi sự cầu nguyện và quyền năng của Đức Thánh Linh.
Hội Thánh đầu tiên được sinh ra trong môi trường cầu nguyện. Chúng ta đọc thấy điều này trong những ngày các môn đồ ở trên phòng cao, “Hết thảy những người đó bền lòng đồng một ý mà cầu nguyện” (Công Vụ 1: 14). Tiếp theo những ngày sau lễ Ngũ tuần, Kinh Thánh chép, “những người ấy bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ, sự thông công của anh em, lễ bẻ bánh và sự cầu nguyện, … Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội thánh” (Công Vụ 2: 42, 47). Khi đối mặt với chống đối, họ cầu nguyện. Kinh Thánh chép rằng: “Khi đã cầu nguyện, thì nơi nhóm lại rúng động; ai nấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ” (Công Vụ 4: 31).
Nguồn động lực trong công cuộc truyền bá Phúc âm là gì? Nó không xuất phát từ các chương trình hay các tổ chức, nó không phụ thuộc vào kỹ thuật tối tân.
Khi tôi chào thăm quí vị ở tại trung tâm RFI – Amsterdam, quí vị có thể nhìn thấy tôi và tôi có thể nhìn thấy quí vị nhờ kỹ thuật tuyệt vời của truyền hình và vệ tinh. Nhưng, sức mạnh trong công tác truyền giảng không phải nhờ vào kỹ thuật. Nó chỉ đến từ Đức Chúa Trời. Chỉ duy nhất Đức Thánh Linh mới có thể đập vỡ những tấm lòng bằng đá của con người, mở mắt chúng ta ra để nhìn thấy chân lý Phúc Âm. Lời cuối cùng Đức Chúa Jêsus phán với các môn đồ của Ngài khi thăng thiên còn ghi khắc trong lòng và trí chúng ta:”Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công Vụ 1: 8).
Có nhiều điều tôi không hiểu hết về sự cầu nguyện – cũng như có nhiều điều tôi không hiểu hết về công việc lạ lùng của Đức Thánh Linh. Nhưng tôi biết hai điều này liên quan mật thiết với nhau. Nhờ sự cầu nguyện chúng ta tuyên bố mình lệ thuộc vào Đức Chúa Trời, và nhờ sự cầu nguyện Đức Chúa Trời tuôn đổ Thánh Linh trên chúng ta và trên công tác của chúng ta. Những lúc gặp căng thẳng thì cầu nguyện là nền tảng cho những công việc vĩ đại của Đức Chúa Trời. Sự cầu thay xóa tan ưu sầu, làm bật lên những khúc ca thiên thượng. Tôi thường được hỏi rằng bí quyết để thành công trong việc rao giảng Phúc Âm là gì, và tôi trả lời rằng nó gồm có ba yếu tố: cầu nguyện… cầu nguyện… và cầu nguyện!
Giống như chúng ta nhờ sự chết và sự phục sinh của Đức Chúa Jêsus Christ để được sự sống đời đời, thì mỗi ngày chúng ta cũng phải nhờ cậy quyền năng của Đức Thánh Linh đã ban xuống trong ngày lễ Ngũ tuần. Đức Chúa Trời muốn chúng ta kinh nghiệm sự đổ đầy Đức Thánh Linh thường xuyên mà hễ ai tin thì nhận được. Xin đừng nhầm lẫn: mặc dù các tín hữu có Đức Thánh Linh nhưng không phải tất cả đều kinh nghiệm sự đầy dẫy quyền năng của Ngài. Chỉ quyền năng của Ngài mới ban sức mạnh để làm cho chức vụ hiệu quả. Đầy dẫy Đức Thánh Linh có nghĩa là đầy dẫy quyền năng trong chức vụ. Không có Đức Thánh Linh thì không có quyền năng, không kết quả, không có sự sống, không có gì cả!
Tình yêu, sức mạnh, sự rao giảng Phúc Âm và sự năng động thuộc linh xuất phát từ đâu? Nó xuất phát chỉ từ một nguồn duy nhất: Đó sự hiện diện mạnh mẽ của Thánh Linh Đức Chúa Trời khi Ngài ngự trị và chiếm hữu đời sống chúng ta. Việc này sẽ xảy ra như thế nào? Nó xảy ra khi chúng ta quy phục Đức Chúa Jêsus Christ, hằng ngày ăn năn về tội lỗi mình, tìm kiếm quyền năng Ngài để trở nên càng giống Christ trong sự thánh khiết và tình yêu. Có tội lỗi nào kín giấu trong đời sống quí vị ngăn trở sự hiệu qủa của chức vụ quí vị không?
Khi chúng ta rao giảng Phúc Âm, Đức Thánh Linh hành động và chúng ta lệ thuộc vào Ngài. Đó là lý do tại sao khi tôi rao giảng tôi luôn trích chính xác từng lời trong Kinh Thánh. Đối với tôi những lời đảm bảo chắc chắn nhất được tìm thấy trong Ê-sai: “Vả, như mưa và tuyết xuống từ trên trời, và không trở lại nữa, mà đượm nhuần đất đai, làm cho sanh ra và kết nụ … lời nói của Ta cũng vậy, đã ra từ miệng thì chẳng trở về luống nhưng, mà chắc sẽ làm trọn đều ta muốn, thuận lợi công việc ta đã sai khiến nó” (Ê-sai 55: 10 – 11). Phao-lô cũng đã nói: “Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự không ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép, hầu cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người, bèn là trên quyền phép Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 2: 4 – 5).
Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi muốn thêm vào điều tôi tìm thấy trong khi tôi giảng, đó là có sự khác nhau giữa sự tự do và quyền năng. Thật là một cảm xúc tuyệt vời khi có sự tự do trong khi giảng. Nhưng đôi lúc tôi cảm nhận được quyền năng lớn lao khi tôi có ít sự tự do khi rao giảng. Đó là do Đức Chúa Trời hành động qua Thánh Linh Ngài dù tôi có cảm giác hay xúc động ra sao.
Cuối cùng, hãy tái khẳng định tận dụng mọi phương tiện Đức Chúa Trời ban cho để công bố Phúc Âm.
Hội Thánh đầu tiên đã không nhờ vào kỹ thuật tiến bộ, nhưng họ dùng mọi phương pháp, mọi phương tiện tùy theo hoàn cảnh của mình. Kinh Thánh ghi lại: “Ngày nào cũng vậy, tại trong đền thờ hoặc từng nhà, sứ đồ cứ dạy dỗ rao truyền mãi về Tin lành của Đức Chúa Jêsus, tức là Đấng Christ” (Công Vụ 5: 42)
Một vài người mới đây nhắc lại với tôi rằng, khi chúng ta tổ chức một hội nghị như thế này mười bốn năm về trước, chúng ta không có máy fax, điện thoại, email hay Internet để hỗ trợ. Chúng ta hãy suy nghĩ về những thay đổi trong vòng mười bốn năm tới sẽ mang lại! Kỹ thuật công nghệ không phải là tất cả, nhưng nó là một món qùa Đức Chúa Trời ban cho chúng ta trong lúc này nhằm giúp chúng ta trong việc rao giảng Phúc Âm đến cùng trái đất. Đối với thời kỳ đầu tiên trong lịch sử nhân loại, chúng ta cũng có thể đi đến cùng trái đất vì Đấng Christ.
Xin đừng bao giờ quên rằng Sa-tan cũng sẽ dùng những phương tiên mới mẻ khiến con người làm nô lệ cho nó. Còn chúng ta đem sự tự do trong Đấng Christ cho mọi người, tại sao chúng ta không nỗ lực nhiều hơn nữa? Trong kỳ hội nghị này, chúng ta được tiếp cận với những phương tiện, công cụ mới mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta trong thời đại này, hãy sử dụng nó để tôn vinh Đức Chúa Trời.
Điều đó không có nghĩa là mỗi người chúng ta khi rời Amsterdam sẽ hoạch định việc sử dụng những tiến bộ kỹ thuật cho Hội Thánh mình. Có thể nó sẽ không thể thực hiện được ở nơi quí vị sinh sống. Nhưng Đức Chúa Trời có những công cụ khác mà Ngài muốn trang bị cho chúng ta. Đó có thể là sự hiểu biết rộng hơn về cách thức soạn một bài giảng, cách kêu gọi, cách chinh phục một làng cho Đấng Christ. Có thể đó là cách nắm bắt vấn đề để lời nói của quí vị đáp ứng được nhu cầu của người nghe, hay cách tổ chức công việc hiệu quả hơn, với kết quả to lớn hơn. Nhưng bây giờ hãy cầu xin Đức Chúa Trời trang bị cho chúng ta, để chúng ta sẽ là một công cụ sắc bén và hiệu quả trong cánh tay Ngài.
Lời kết luận
John Wesley, nhà truyền giáo lỗi lạc thế kỷ 18, người có công thành lập Hội thánh Giám Lý, một lần đã nói, “Hãy cho tôi ba mươi người không yêu mến điều gì khác hơn ngoài yêu mến Đức Chúa Trời, không ghét gì khác hơn ngoài ghét tội lỗi, và chỉ tìm kiếm vinh quang Đức Chúa Trời mà thôi, thì tôi sẽ làm cho cả thế giới bùng cháy”.
Trong số quí vị chắc đã có nghe về vẻ đẹp của công viên quốc gia Yosemite tại California Hoa Kỳ. Tôi nhớ đến một cảnh tượng ngoạn mục gọi là “Thác lửa”, người ta thường đến ngắm nó mỗi đêm mùa hè. Một ngọn lửa vĩ đại được đốt cháy cao lên trên bề mặt thung lũng nơi mọi người tập hợp lại để xem quang cảnh kỳ vĩ này. Khi ngọn lửa rực cháy, phô bày sự đường bệ của nó, một giọng nói vang lên trong đêm thanh vắng: “Hãy tuôn lửa xuống”. Ngay lúc ấy, một cảnh tượng thật ngoạn mục, như một thác nước các mẩu than hồng đỏ rực tuôn trào đổ xuống nền đá. Đó là một cảnh tượng không thể quên cho những ai đã nhìn thấy.
Trong một thời đại mà thế giới đầy sự hoài nghi, ngờ vực, ghẻ lạnh, nơi mà ngọn lửa và sự nồng ấm của Đức Chúa Trời thiếu vắng giữa các con dân Ngài, lòng tôi luôn thổn thức “Xin hãy đổ lửa xuống!”
Mong rằng đây là điều mỗi người chúng ta nên cầu nguyện: Ôi Đức Chúa Trời! Xin hãy đổ lửa xuống; khuấy động tinh thần con, dạy dỗ tâm trí con; quăng đi gánh nặng của lòng con; trang bị cho con; đốt cháy đời sống con bằng ngọn lửa thánh khiết của Đức Thánh Linh. Chúa ơi! Xin hãy đổ lửa của Ngài xuống – bắt đầu từ chính mình con!
Thứ bảy ngày 29 tháng 7 năm 2000
Trịnh Phan dịch (HTTLVN.ORG)
———-
[1] Tựa đề do người dịch đặt.

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!