Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

Mục Sư Billy Graham Với Việt Nam

Đêm 21/02/2018 (theo giờ Việt Nam), các cơ quan thông tấn quốc tế gần như đồng loạt loan tin Mục sư Tiến sĩ Billy Graham đã qua đời ở tuổi 99 tại Montreat, North Carolina (Hoa Kỳ) với những dòng tiêu đề rất ấn tượng. Trên mạng xã hội cũng đầy những dòng trạng thái bày tỏ lòng ngưỡng mộ, cảm kích, tiếc thương và hy vọng đoàn tụ với ông nơi thiên đàng.
Mục sư Billy Graham…
Mục sư William Franklin Graham, Jr. (được biết đến nhiều hơn với tên Billy Graham) sinh ngày 7 tháng 11 năm 1918 tại Charlotte, North Carolina (Hoa Kỳ). Sinh thời, ông được biết đến như là nhà truyền giảng Tin Lành vĩ đại nhất thế giới trong thế kỷ 20. Thậm chí, có người còn ví von rằng Mục sư Billy Graham là “nhà truyền giảng Tin Lành vĩ đại nhất kể từ thời Sứ đồ Phao-lô”.[1]
Trong suốt 60 năm chức vụ, ước tính ông đã giảng Tin Lành trực tiếp cho khoảng 215 triệu người tại 185 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sứ điệp truyền giảng Tin Lành của ông đã vươn tới hàng trăm triệu người khác qua các phương tiện truyền thanh, truyền hình và internet. Ông còn được biết đến với tư cách là cố vấn thuộc linh cho hơn 10 đời tổng thống Hoa Kỳ.[2]
Ngoài ra, ông thường xuyên xuất hiện trong danh sách những người “được ngưỡng mộ nhất” (most admired) từ năm 1950 đến năm 1990.[3]
…với Việt Nam
Ngoài việc được biết đến như là một nhân vật có tầm ảnh hưởng cả thế giới, đặc biệt là cộng đồng Tin Lành, Mục sư Billy Graham cũng đã dành sự quan tâm đặc biệt đến Việt Nam.
Từ ngày 26/10/1966 đến ngày 04/11/1966 tại Tây Bá Linh (Berlin) – Đức quốc đã diễn ra sự kiện quan trọng, đó là Đại Hội Thế Giới Truyền Giáo Tin Lành (World Congress on Evangelism). Mục sư Billy Graham tham dự với tư cách cố vấn kiêm diễn giả chính của Đại hội.[4] Lúc bấy giờ, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam cũng đã cử phái đoàn tham dự Đại hội nầy.[5]
Khoảng một tháng sau, vào dịp Giáng sinh năm 1966, Mục sư Billy Graham đã có chuyến viếng thăm Việt Nam lần đầu tiên trong bối cảnh đất nước còn đang ngập chìm trong khói lửa chiến tranh. Với sứ mạng của một nhà truyền giảng Tin Lành, ông dành thì giờ viếng thăm và tổ chức các chương trình truyền giảng Tin Lành trong suốt thời gian lưu lại Việt Nam, khi thì tại vùng cao nguyên (An Khê – Gia Lai), lúc thì tại miền duyên hải (Đà Nẵng)…[6]
Hai năm sau, cũng vào dịp Giáng sinh năm 1968, ông trở lại Việt Nam trong chuyến đi 5 ngày để tiếp tục thi hành sứ vụ của một sứ giả của Đức Chúa Trời. Trong sứ điệp của mình, ông luôn bày tỏ niềm hy vọng về tương lai hòa bình cho đất nước Việt Nam.[7]
Cuộc viếng thăm Việt Nam của Mục sư Billy Graham vào cuối thập niên 1960, khi cuộc chiến tại Việt Nam ngày càng trở nên khốc liệt, đã phần nào làm vơi đi nỗi đau thương của chiến tranh, mang đến sứ điệp hòa bình và Tin Lành cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
Tiếp nối chức vụ của ông, nửa thế kỷ sau, người con trai của ông là Mục sư William Franklin Graham đã có cuộc truyền giảng Tin Lành tại Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 500 năm Cải Chánh Giáo Hội vào các ngày 08-09/12/2017.[8]
Những ngày cuối đời, ông đã từng nói: “Tôi biết rằng chẳng bao lâu nữa cuộc đời tôi sẽ kết thúc, tôi cảm tạ Chúa vì điều đó, và vì tất cả những gì Ngài đã ban cho tôi trong cuộc đời này, nhưng tôi mong đợi thiên đàng.” [9]
Giờ đây, điều mà Mục sư Billy Graham mong đợi đã thành hiện thực. Ông đã yên nghỉ trong nước Chúa sau khi “đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, và đã giữ được đức tin.”[10] Có thể nói, Mục sư Billy Graham đã để lại một di sản đức tin đồ sộ, đặc biệt là công cuộc truyền bá Tin Lành khắp thế giới như một lời nhận xét về ông: “Mục sư Billy Graham – một con người vĩ đại của Đức Chúa Trời đã nằm xuống, nhưng có hàng triệu người đã “đứng lên” khi “nghe” (sứ điệp của) ông.”[11]
Là thành viên của đại gia đình Tin Lành toàn thế giới, chúng ta dâng lời cảm tạ Chúa vì chính Ngài đã tạo nên một Billy Graham thật vĩ đại. Là người Việt Nam, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đối với ông về tấm lòng yêu thương mà ông đã dành cho đất nước Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn vô cùng khó khăn. Cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục dấy lên những thế hệ nối tiếp chức vụ của ông trong công cuộc truyền bá Tin Lành khắp thế giới.
Tường Quang (HTTLVN.ORG) 
Mục sư Billy Graham (chụp năm 2010)
Mục sư Billy Graham trong chuyến viếng thăm Việt Nam lần đầu vào năm 1966. Từ trái qua: Mục sư Đoàn Văn Miêng – Hội trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (giai đoạn 1960-1976), Mục sư Billy Graham và Mục sư Giáo sĩ Thomas Grady Mangham Jr – một trong những giáo sĩ Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp (C&MA) tại Việt nam
Mục sư Billy Graham trong một chương trình truyền giảng tại Việt Nam năm 1966
Mục sư Billy Graham (chụp năm 1966)
Mục sư Billy Graham giảng tại Tân Sơn Nhất trong một chương trình thờ phượng vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1968     
[1] https://www.tennessean.com/story/news/religion/2018/02/21/billy-graham-dead-99-tennessee-reaction/358116002/
[2] https://www.nbcnews.com/news/us-news/billy-graham-america-s-pastor-dead-age-99-n701276
[3] http://www.christianitytoday.com/ct/2018/billy-graham/died-billy-graham-obituary.html
[4] http://www2.wheaton.edu/bgc/archives/berlin66.htm
[5] Thánh Kinh Báo số 338, tháng 12/1966
[6] http://photos.vnbible.com/v/vnchurch/1965/VN653-66.jpg.html
[7] https://www.stripes.com/rev-billy-graham-in-vietnam-1968-1.353146
[8] http://www.tinlanhmienbac.org/?do=news&act=detail&id=4668
[9] http://www.bbc.com/news/world-us-canada-43142263
[10] 2 Ti-mô-thê 4:7
[11] Trích dẫn lời Mục sư Hồ Nguyên Kha

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!