Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2018

Năm Mới, Người Mới


                Kính thưa quý độc giả,

                Quý vị và tôi đang đứng trước thềm năm mới. Quý vị đang có những dự định nào cho năm mới? Quý vị đang ước mơ gì trong năm nay?
                Người Việt chúng ta, theo truyền thống, thường xem trọng ngày đầu năm âm lịch, hay dịp Tết. Đối với người Tây phương, đầu năm dương lịch, hay ngày đầu năm, là một ngày lễ rất quan trọng. Vào ngày năm mới, mọi cơ quan, công ty, dịch vụ đều tạm nghỉ, để mọi người có dịp nghỉ ngơi, họp mặt với gia đình hay bè bạn, cùng đón mừng năm mới và chúc cho nhau một năm mới vui vẻ, một “Happy New Year”.
                Đứng trước một năm mới, người ta cũng có thói quen nhìn lại năm qua, thấy mình đôi khi lãng phí thời gian, tiền bạc, biếng nhác, trễ nải, để lỡ qua nhiều cơ hội tốt, nên lương tâm có phần áy náy. Do vậy, trong bầu không khí mới mẻ và phấn khởi của ngày đầu năm, người ta thường đưa ra những lời cam kết đầu năm, những “New Year Resolutions”, hạ quyết tâm bỏ đi những thói hư, tật xấu cũ, hứa hẹn với lòng mình rằng sẽ thay đổi những điều không hay, không tốt trong đời sống, công việc v.v. hầu cho năm mới sẽ vui vẻ, tốt đẹp hơn năm qua.
                Có người cho rằng tập tục cam kết đầu năm xuất phát từ xứ Babylone cách đây hơn 4000 năm. Hồi đó, xứ Babylone có lẽ thịnh vượng và giàu có, người ta quanh năm suốt tháng mãi mê ăn uống, nhậu nhẹt, tiệc tùng, tiêu tiền phung phí, ai cũng béo phì, rồi đâm ra biếng nhác. Do vậy, họ đặt ra tập tục làm cam kết đầu năm, để chỉnh đốn lại đời sống sau một năm đã đi quá đà. Một cam kết đầu năm rất phổ biến của dân Ba-by-lôn là hứa hoàn trả lại cho hàng xóm hay bạn bè những món đồ mượn mà họ đã lỡ tay giữ quá lâu!
Thế nhưng những điều cam kết đầu năm có mang lại những thay đổi gì trong đời sống không? Có người đang chìm vào những nghiện ngập, nợ nần, khó khăn trong đời sống, muốn xua đuổi cái xui năm cũ, đang mong chờ vận hên sẽ đến trong năm mới. Những người này dồn hy vọng vào những điều cam kết đầu năm, hạ quyết tâm thay đổi trong năm mới. Có người theo đuổi những điều cam kết đầu năm được vài tuần hay vài tháng, rồi bỏ cuộc. Có người sau nhiều năm làm cam kết, nhiều năm thất bại, nên đã cam kết không bao giờ làm cam kết đầu năm nữa.

                Những cam kết đầu năm có cơ hội thành tựu không? Theo các nhà phân tích tâm lý, những điều cam kết đầu năm khó mà thành tựu được, lý do là những điều này thường chỉ là những ước muốn suông mà thôi, chứ không phải là ý chí thực sự muốn hành động. Thí dụ như một người thực tâm muốn bỏ thuốc lá, người đó có thể tập bỏ ngay bất cứ lúc nào, chứ đâu cần phải đợi đến ngày đầu năm, rồi mới cam kết hay hứa hẹn. Theo các nhà tâm lý, các điều cam kết khó mà thành sự thật vì chúng ta thông thường chỉ có ý định nhưng không đi kèm với hành động. Các điều cam kết đầu năm thật khó thực hiện vì trong rất nhiều người, giữa lòng mong ước và ý chí hành động là một khoảng cách rất lớn. Như vậy thì chúng ta có nên tiếp tục truyền thống làm cam kết đầu năm hay không?
Theo thiển ý chúng tôi, có ít nhất là ba lý do tích cực mà chúng ta cứ nên tiếp tục làm cam kết đầu năm.

                Lý do thứ nhất, khi bạn và tôi giở tấm lịch cũ xuống và treo tấm lịch mới lên, đây là dịp tiện để chúng ta tự đánh giá lại một năm qua. Bạn và tôi có thăng tiến thêm một bước nào trong nghề nghiệp, tài chánh, sức khỏe không? Bạn và tôi có dành nhiều thời giờ hơn với những người thân yêu, xây đắp các mối quan hệ không? Trong năm qua, bạn và tôi có đầu tư thời giờ và năng lực trong những công việc mang lại lợi ích cho cuộc sống, hay đã mù quáng, tiếp tục lãng phí vào những chuyện gây nhiều tổn hại. Lời Kinh Thánh có nhắc nhở “Hãy vỡ ruộng mới. Đừng gieo giống trong ruộng đầy gai gốc” (Giê-rê-mi 4:3).
Lý do thứ nhì, đầu năm mới là một dịp tiện để điều chỉnh lại những hoạch định lâu dài. Chúng ta đang sống trong một thế giới với nhiều biến động và thay đổi mỗi ngày. Những mục tiêu đề chúng ta đề ra hai ba năm trước, có thể không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại hay cho chính nhu cầu của chúng ta. Trước đây, chúng ta có thể đặt ra những mục tiêu cao quá với sức mình mà không biết, cho nên ngày đầu năm là dịp tốt để nhìn lại và điều chỉnh những mục tiêu này cho thích hợp.

                Để nâng cao xác suất thành công, các nhà tâm lý học khuyên rằng, khi cam kết điều gì, bạn phải ghi xuống giấy để có thể nhớ và theo dõi được. Nên cam kết những điều thực tế, có thể thực hiện được. Nếu bạn đặt ra chỉ tiêu xóa nghèo cho cả thế giới thì là chuyện quá cao vời, nhưng nếu bạn quyết tâm dành ra một khoảng tiền cụ thể nào đó, để bảo trợ một trẻ em nghèo là chuyện có thể thực hiện được. Những điều cam kết phải cụ thể, thí dụ như đừng nói rằng năm nay tôi sẽ giảm ký, nhưng nên đặt ra chỉ tiêu rõ ràng là sẽ giảm từ 80 ký xuống 70 ký. Phải đặt ra thời hạn cho những chỉ tiêu này, thí dụ như phải giảm 10 ký trước tháng sáu năm nay. Rồi sau đó, có một chương trình hành động cụ thể, thí dụ như chạy bộ mỗi tuần mấy giờ, đi bơi mấy ngày, hay ăn kiêng những món gì vv. Các nhà tâm lý cũng khuyên nên chuẩn bị cho những lúc tinh thần chán nản, không còn trạng thái phấn khởi như khi mới bắt đầu. Nên liên kết với những người cùng một hoàn cảnh hay mục tiêu để nâng đỡ và khích lệ nhau.
                Lý do thứ ba, chúng ta nên tiếp tục làm cam kết đầu năm, để chúng ta thấy mình thật là yếu đuối và cần đến sự hỗ trợ của Thiên Chúa đến dường bao. Chúng ta không nên phủ nhận sức mạnh của ý chí cá nhân, nhưng quả thật, bạn và tôi là những con người rất giới hạn. Đầu tiên, hoàn cảnh chung quanh chi phối nặng nề trên chúng ta. Một người nghiền đi mua sắm, phải chống đỡ với hàng ngàn cảnh quảng cáo hấp dẫn đập vào mắt mỗi ngày, khắp nơi trên đường phố, trên TV, báo chí. Một người nghiền nhậu nhẹt làm sao tránh nổi lời mời mọc liên tục của bạn bè. Thứ nhì, chúng ta đang chống chỏi với những thói quen đã hình thành qua nhiều năm, nhiều tháng, như nhiều viên gạch cộng dính với xi-măng, đã xây nên một bức tường kiên cố, đâu dễ gì xóa bỏ được trong một tuần, một tháng. Lương tâm chúng ta mong mỏi làm điều chính đáng, nhưng áp lực của hoàn cảnh và bức tường của thói quen, đã ngăn trở chúng ta hành động.
                Quý độc giả thân mến,
                Khi trình bày đến đây, tôi bỗng nhớ đến một nhân vật thật đặc biệt có ghi trong Kinh Thánh. Nhân vật này là Sau-lơ, một người Do thái chính gốc, sinh trưởng và lớn lên tại Tạt-sơ, xứ Si-li-si. Chàng thanh niên đúng là con nhà tông, thuộc dòng đại tộc, mà bản thân thì học hành, đỗ đạt rất cao. Chúng ta hãy nghe chàng Sau-lơ kể lại lý lịch bản thân như sau:
                “Tôi sinh trưởng trong một gia đình Do thái chính gốc, thuộc đại tộc Bên-gia-min; tôi là người Do-thái thuần túy; giữ giáo luật rất nghiêm khắc vì tôi thuộc dòng Biệt-lập, xét theo tiêu chuẩn thánh thiện của luật pháp Môi-se, nếp sống của tôi hoàn toàn không ai chê trách được.” (Phi-líp 3:5-6)
                Sau-lơ không chỉ tự hào về gia thế, địa vị, học thức và tư cách đạo đức hoàn hảo của mình, nhưng là một người kiên quyết hành động. Để bảo vệ Do-thái giáo, chàng thanh niên Sau-lơ đã có một thời tích cực ra tay đàn áp và khủng bố những người tin theo Chúa Cứu Thế Giê-xu. Thế nhưng Chúa Giê-xu đã đến với Sau-lơ và biến đổi hoàn toàn cuộc đời chàng thanh niên này. Sau-lơ chợt nhận ra tư cách đạo đức của mình thật chẳng ra gì trước tiêu chuẩn thánh khiết tuyệt đối của Thiên Chúa. Quan trọng hơn nữa, Sau-lơ nhận ra tình thương của Chúa Cứu Thế Giê-xu vượt lên trên những lầm lỗi, vấp phạm của mình. Chàng thanh niên Sau-lơ bỗng dưng hạ đi bức màn kiêu ngạo bên ngoài và đã từng tâm sự một cách chân thành về sự yếu đuối trong bản ngã của mình như sau:
                “Dù tôi ước muốn làm điều tốt, nhưng không thể nào thực hiện. Tôi chẳng làm điều tốt mình muốn, lại làm điều xấu mình không muốn” (Rô-ma 7:18).
                Sau-lơ, sau này đổi tên là Phao-lô, có nghĩa là “nhỏ”, vì ông nhìn nhận mình là một người hèn mọn và chẳng đáng kể . Thế nhưng Thiên Chúa đã sử dụng ông như một nhà truyền giáo vĩ đại nhất trong lịch sử, rao báo tin vui của Chúa Cứu Thế Giê-xu cho mọi dân tộc. Phao-lô đã trải qua bao thử thách, bị tù đày, xiềng xích, đói khát, hoạn nạn, nhưng ông đã đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển của hội thánh ra khắp thế giới. Ông cũng là tác giả của nhiều sách trong Kinh Thánh, trình bày thật rõ ràng và sinh động về chương trình cứu rỗi nhân loại của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Thế thì bí quyết trong đời sống của Phao-lô là gì?
                Ông thường nói: “Khi tôi yếu đuối là lúc tôi mạnh mẽ.” (2 Cô-rinh-tô 12:10). Phao-lô thừa nhận mình yếu đuối, không tự vượt lên trên hoàn cảnh hay tự chiến thắng được bản ngã của chính mình. Những lúc như vậy, ông nương dựa hoàn toàn nơi tình thương, sự mở đường và năng lực của Thiên Chúa ban cho để tiếp tục thực hiện những công việc tốt lành. Quyền năng thiên thượng ở cùng Phao-lô khi ông thấy mình yếu đuối và cần Thiên Chúa hỗ trợ. Trải qua một đời đầy cam go, thử thách, Phao-lô thừa nhận rằng “Mọi việc tôi làm được đều do năng lực Chúa ban” (Phi-líp 4:13)
                Quý độc giả thân mến,
                Tấm gương của Phao-lô đã mở ra cho chúng ta một cánh cửa hy vọng trong năm mới. Quý vị và tôi không tự vượt lên trên những hoàn cảnh, thói quen hay bản ngã của chính mình, để thực hiện những cam kết đầu năm, để theo đuổi những mục tiêu tốt lành trong cuộc sống, nhưng Thiên Chúa có thể giúp chúng ta.
                Hãy mời Chúa Giê-xu bước vào đời sống, ban cho quý vị và tôi sức sống mới. Chúa Giê-xu chính là Thiên Chúa, là Đấng sáng tạo ra muôn loài, là Đấng nuôi dưỡng và chăm sóc quý vị và tôi mỗi ngày. Ngài biết chúng ta không tự mình chiến thắng được bản ngã tội lỗi, nên cách đây hơn 2000 năm, Ngài đã tự nguyện giáng sinh thành người, sau đó chịu chết treo trên thập tự, lãnh món nợ tội thế cho quý vị và tôi. Những ai tin vào tình thương và sự chết thế của Ngài, thì người đó được Thiên Chúa xóa bôi mọi tội lỗi và thoát khỏi sự đoán phạt đời đời.
                Chúa Giê-xu đã tự nguyện lìa Thiên Đàng cao sang, đến thế gian trong hình hài một con người, để cảm thông với những yếu đuối, đau khổ của quý vị và tôi. Những ai tin nhận tình thương và sự hy sinh của Ngài, thì cũng nhận được món quà thiên đàng vô giá và một sức sống mới mãnh liệt trong tâm hồn.
                Quý vị và tôi không cô đơn. Chúng ta không phải tự mình chống chọi một cách vô vọng với hoàn cảnh và bản ngã yếu đuối của mình. Hãy nương tựa nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, như Phao-lô đã từng nương tựa. Hãy bắt đầu một năm mới bằng lời chứng sống của chính Phao-lô:
                “Ai ở trong Chúa Cứu Thế là con người mới: cuộc đời cũ đã qua, nhường chỗ cho đời sống hoàn toàn đổi mới.” (2 Cô-rinh-tô 5:17)

                 Xin kính chúc quý vị một năm thực sự mới, hoàn toàn mới.
                
Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!