Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

THÔNG BÁO: V/v Tạm ngưng hoạt động website httltannghia.blogspot.com


Kính thưa Quý Hội Thánh,

Do thiếu hụt nguồn nhân sự phụ trách nền tảng web, và xét thấy lượng truy cập website của Hội Thánh sau 5 năm hoạt động (2015 - nay) tuy có tăng nhưng vẫn rất thấp so với các nền tảng khác (như mạng xã hội Youtube, Facebook...). Vì vậy, Ban Truyền thông sẽ tạm ngưng mọi hoạt động trên nền tảng web trong vòng 30 ngày tới, bắt đầu từ 00 giờ ngày 01/07/2020 cho đến khi có thông báo mới, cụ thể với các tên miền sau:

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn những cộng tác viên, đặc biệt là của Hội Thánh khác, đã hỗ trợ chúng tôi điều hành website trong thời gian qua.

Vì ngừng hoạt động nên toàn bộ nhận xét trên trang sẽ bị ẩn và không được xét duyệt để hiển thị. Do đó, nếu Quý vị có nhu cầu cần hỗ trợ xin liên hệ Ban Truyền thông theo email: tannghiamedia@gmail.com

Lưu ý: Ban Truyền thông vẫn sẽ từ chối hỗ trợ những cá nhân/tổ chức nằm trong danh sách TỪ CHỐI HỢP TÁC.

Nay thông báo./.

BAN TRUYỀN THÔNG
Số: 08/2020/BTT-TB

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

Sheet nhạc - ĐẤNG SỐNG MUÔN ĐỜI | Nhạc Phục sinh Tin Lành

   

Để nhận file PDF bản gốc, vui lòng liên hệ nhân sự Ban Âm nhạc
(Sheet nhạc này cần phải thanh toán trước bằng hình thức chuyển khoản)




Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

Sheet nhạc - NGOÀI CHÚA RA CON CHẲNG LÀ CHI | Nhạc và lời: Tiến Nguyễn


Để tải file PDF bản gốc, vui lòng liên hệ nhân sự Ban Âm nhạc hoặc Ban Truyền thông (tannghiamedia@gmail.com) hoặc liên hệ tác giả



Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

LHD Quý 2-2020 Ban TTN (Cập nhật ngày 30/03/2020)


          Ban Hướng dẫn Thanh Thiếu Niên HTTL Tân Nghĩa thông báo đến các ban viên nội dung Chương trình sinh hoạt Quý 2 năm 2020 như sau:





Tải file về tại đây:

Bên cạnh tinh thần tham gia và cầu nguyện cho chương trình sinh hoạt Ban Thanh Thiếu niên hàng tuần, trong năm 2020 xin Quý anh chị em dành vài phút để tiếp tục cầu nguyện cho những vấn đề sau:

A. HỘI THÁNH:

1. Xin Chúa cứu dân tộc Việt Nam nói chung và người dân vùng đất Tân Nghĩa nói riêng được trở về cùng Chúa.
2. Cầu xin Chúa ban phước trên chức vụ của Mục sư Quản nhiệm, Ban Chấp sự - Trị sự để ai nấy đều có sức khỏe, có tinh thần hầu việc Chúa hết lòng, sẵn sàng chu toàn trách nhiệm Chúa giao phó. Có đường hướng lãnh đạo đúng đắn, giúp Hội Thánh Chúa tại Tân Nghĩa phát triển.
3. Cầu nguyện cho vấn đề Truyền giảng của Hội Thánh trong những tháng đầu năm 2020. Đặc biệt là CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN GIẢNG MỞ RỘNG HỘI THÁNH. Xin Chúa cho có nhiều Thân hữu tham dự, nhiều người bằng lòng tiếp nhận Chúa và sinh hoạt với Hội Thánh.
4. Cầu nguyện cho Quý Tín hữu trong Hội Thánh trung tín trong sự nhóm lại, học Kinh Thánh, Dâng hiến và Cầu nguyện. Hội Thánh hiệp một trong niềm tin, giúp đỡ nhau xây dựng Hội Thánh vững mạnh.

B. BAN NGÀNH:

5. Cầu nguyện cho Trưởng ban có một nếp sống tin kính Chúa, làm gương cho Ban Điều hành và các ban viên còn lại, giúp các ban viên có đời sống đức tin mạnh mẽ.
6. Cầu nguyện cho Ban Âm nhạc vì số lượng quá ít mà nhu cầu thì lại quá nhiều. Xin Chúa cho các em trung tín trau dồi kỹ năng, dâng ân tứ để phục vụ Chúa.
7. Cầu nguyện cho những anh em đang thiếu vắng trong Sinh hoạt B.TTN. Trước khó khăn của Hội Thánh, xin Chúa cho các bạn có đức tin vững vàng, cùng khích lệ nhau thêm lòng yêu mến Chúa. Chúa chúng ta là Đấng Quyền năng và Thành tín, Ngài chẳng lìa bỏ Hội Thánh của Ngài.

TRONG TÌNH HUỐNG PHẢI PHÒNG NGỪA DỊCH COVID-19, CÁC SINH HOẠT CỦA HỘI THÁNH SẼ CÓ ẢNH HƯỞNG ÍT NHIỀU. XIN CHÚA Ở CÙNG VÀ BẢO VỆ, NÂNG ĐỠ ĐỨC TIN CHO DÂN SỰ CỦA NGÀI.


Tác giả bài viết: BHD Thanh Thiếu niên 2020

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

THÔNG BÁO: V/v Hướng dẫn sinh hoạt trong tình hình dịch bệnh Covid-19

BAN TRUYỀN THÔNG
Số: 07/2020/BTT-TB
Trích nguyên văn thông báo số 047/TV-HĐTN.TH ký ngày 27/03/2020 của MS Phó Giáo hội Trưởng kiêm Tổng Trưởng nhiệm.

Có lỗi trong quá trình hiển thị nội dung. Vui lòng quay lại sau!

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

THÔNG BÁO: V/v tổ chức Thờ phượng Chúa trực tuyến của Thường vụ Hội đồng Trưởng nhiệm Tổng Hội

BAN TRUYỀN THÔNG
Số: 06/2020/BTT-TB
Trích nguyên văn thông báo số 046/TV-HĐTN.TH ký ngày 26/03/2020 của MS Phó Giáo hội Trưởng kiêm Tổng Trưởng nhiệm.

Trong hình ảnh có thể có: văn bản

THÔNG BÁO THỜI GIAN DỰ KIẾN TỔ CHỨC LỄ THƯƠNG KHÓ - PHỤC SINH 2020

BAN TRUYỀN THÔNG
Số: 05/2020/BTT-TB




       Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Bình Thuận cũng như khắp cả nước, cảm ơn Chúa vì tại thị trấn Tân Nghĩa, Chúa cho vẫn bình an. Tuy nhiên, do việc tập trung đông người sẽ là nguy cơ tiềm ẩn lây lan dịch bệnh, do đó, xin Quý Tín hữu cầu nguyện, nếu Chúa cho, thì chương trình Lễ Kỷ niệm Chúa Chịu Thương Khó và Phục Sinh năm nay vẫn sẽ được diễn ra theo như kế hoạch. Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp tại khu vực Tân Nghĩa, chương trình sẽ buộc phải điều chỉnh. Khi đó, Mục sư Quản nhiệm và Ban Chấp sự sẽ thông báo sau.
      Thời gian tổ chức dự kiến:
       - Lễ Thương khó: Thứ năm, ngày 09/04/2020
       - Lễ Phục sinh: Chúa nhật, ngày 12/04/2020

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2020

Thư chúc mừng Lễ phục sinh năm 2020 của Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ gửi các Hội thánh Tin Lành Việt Nam

Ngày 17/3/2020, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng gửi thư chúc mừng Lễ Phục sinh năm 2020 tới chức sắc và tín hữu các Hội thánh Tin Lành Việt Nam.

Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2020

Tin Lành Nơi Đảo Xa - Hội Thánh PHÚ QUÝ

        Hải đảo Phú Quý là một cù lao ở ngoài biển thuộc tỉnh Bình Thuận, cách xa đất liền 120 cây số, bề dài độ hơn 8 cây số, bề ngang độ 4 cây số; theo sổ bộ thì dân số được 7.070 người, còn nam, phụ, lão, ấu cư trú độ hơn 2.000 người. Có 8 thôn chia làm 3 liên xã. Dân chúng ở trên đảo này đã lâu đời, sinh hoạt với nghề trồng trọt: bắp, khoai, đậu, bông vải và nghề chài lưới. Họ sống cách cực khổ, nhà giàu mới có cơm ăn, còn toàn ăn bắp, khoai thôi. Về văn hóa họ chỉ biết chữ Tàu, nên các nhà ngói trên cột đều có viết câu đối chữ Nho. Lúc này chính phủ đã mở trường học dạy chữ quốc ngữ và đã có các Nha đại diện hành chánh, quân sự, y tế, thông tin. Về tôn giáo, họ chỉ biết thờ cúng ông bà, thần bụt và xu hướng Phật giáo.
         Năm 1936, đạo Tin Lành của Chúa mới được rao truyền lần đầu trên đảo này do vị tiên phong cố Chủ nhiệm Mục sư Ông Văn Trung khi ông đến hầu việc Chúa tại Chi hội Phan Thiết. Cùng đi với ông có ông cố Chấp sự Lê Châu đến ở 1 tuần lễ, đi làm chứng và phát sách Tin Lành cho một số dân cư trên đảo. Có ông Hương chủ làng tên Ngô Văn Lành 63 tuổi cầu nguyện tin Chúa. Ông dọn dẹp khám trang thờ tà thần, ông bà, chỉ thờ Chúa thôi, sau ông cũng có vô nhóm ở Hội Thánh Phan Thiết. Khi ông Mục sư Nguyễn Xuân Hảo đến hầu việc Chúa có dẫn ông Chủ Lành đi dự Hội đồng Tổng Liên Hội tại Cần Thơ, từ đó ông về nhà hết lòng trung tín thờ Chúa cho đến năm 1952 thì qua đời hưởng thọ được 79 tuổi. Ông có trối lại với vợ con rằng: “Phải tìm đến Hội Thánh Tin Lành đem tin cho biết ông đã qua đời và nên cầu nguyện tin theo Chúa Giê-xu để được cứu rỗi.” Ngày 28/12/1952, con trưởng nam ông Lành là Ngô Lục 61 tuổi, và cháu là Ngô Đức 24 tuổi đem tin cho Mục sư Lê Khắc Chấn cho biết ông Chủ Lành đã qua đời. Mục sư tỏ lời an ủi và khuyên phải tin Chúa thì hai bác cháu bằng lòng xin cầu nguyện và cũng vui lòng đem sách Tin Lành trở về hải đảo. Sau 3 tháng, ông Ngô Lục có gởi thơ thăm Mục sư Chấn và xin ông sớm đến hải đảo giảng Tin Lành cho đồng bào của ông. Lời trong thư chẳng khác nào lời kêu gọi của người Ma-xê-đoan kêu gọi Phao-lô xưa kia, khiến cho Mục sư Chấn cảm động vô cùng, Hội Thánh và ông tha thiết nài xin Chúa mở đường cho.
          Trải 3 năm đều có sự chuẩn bị đi hải đảo song luôn gặp sự ngăn trở. Đến ngày 04/05/1956, ông nhờ Chúa quyết định đi hải đảo, thì Chúa thử đức tin lần cuối cùng: ghe chở hành lý đã sẵn sàng ngoài biển, vào lúc 5g30, ông ra ngoài cửa biển để ra ghe thì trời chuyển mưa, sóng to nổi dậy, ông và các hành khách tưởng phải trở về. Song Chúa nhắc tôi: “Giê-xu hôm qua, ngày nay cho đến đời đời không hề thay đổi” ông liền bảo với mấy thanh niên đưa ông đi, hiệp lại sấp mình xuống đất cầu nguyện xin Chúa cất sự ngăn trở, thì 15 phút sau quả nhiên, Chúa làm cho mây tan, gió lặng, sóng êm. Họ đồng thinh ngợi khen Chúa, nhóm họ gồm ông Nghị viên Đào Trinh, Nghị viên Thanh niên Lê Khắc Hoa, cô Lê Thị Lành và Mục sư Lê Khắc Chấn đều từ giã các thanh niên xuống ghe đi bình an. Đến 8g tối ghe nhổ neo và giương buồm lênh đênh suốt một đêm, một ngày trên mặt biển. Hành khách trên ghe có đến 75 người đều được nghe Tin Lành bởi lời làm chứng, sách vở và máy hát Tin Lành. Vào lúc 5g30 chiều ngày 05/06/1956, ghe cập bến, họ lên bờ về đến nhà ông Ngô Lục thì vừa tối. Sau khi dùng bữa xong, họ nhóm lại cầu nguyện tạ ơn Chúa cùng dùng Lời Chúa làm chứng cho gia đình ông Lục thì vợ và 3 con ông cầu nguyện tin Chúa. Sáng thứ hai họ đến Nha Đại diện Hành chánh thăm và trình giấy Tỉnh đường cho phép, ông Đại diện Hành chánh làm giấy thông báo cho các ban Hội đồng Hương chính các thôn xã, để tập trung dân chúng lại nghe các ông giảng Tin Lành của Chúa Giê-xu. Cám ơn Chúa đã mở cửa giảng đạo tại đây cách lạ lùng! Các Hương chức 3 liên xã: Long Hải, Ngũ Phụng và Tam Thanh gồm 9 thôn đều vui lòng hưởng ứng, đón tiếp tôi tớ Chúa cách niềm nở và cho rao loa triệu tập dân chúng tại đình làng, trường học và các địa điểm thuận tiện rất đông. Tại xã Long Hải, khi giảng xong thì ban Hội đồng Hương chánh gồm có 4 ông: Chánh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, và nhân viên Cảnh sát cùng 8 người nữa đầu phục Chúa. Suốt hai tuần lễ giảng và làm chứng, phát sách cho dân cư 9 thôn đều được nghe về tình yêu thương của Chúa. Các tôi tớ Chúa phải đi bộ 7, 8 cây số mới đến chỗ giảng, nên phải làm việc thâu đêm, tuy có sự mệt nhọc nhiều nhưng lòng được thỏa mãn và thấy Chúa ban phước có 38 linh hồn cầu nguyện tin Chúa, báo Hừng Đông và Thánh Kinh báo phát độ 10.000 quyển. Tạ ơn Chúa, hai gia đình ông Ngô Lục và Ngô Đức có đến 14 người tin, có 5 người thật được tái sanh bỏ rượu, thuốc, trầu và biết cầu nguyện rất có ơn nên Mục sư Chấn đã nhân danh Chúa làm lễ báp-têm cho họ và dâng 2 con trẻ cho Chúa. Chúa có cảm động gia đình ông Ngô Lục tình nguyện dâng sở nhà ngói ba căn, hai chái cho Chúa để làm nhà giảng. Mục sư Chấn đã làm đơn xin Nha Đại diện Hành chánh đảo Phú Quý cho phép dùng nhà ông Ngô Lục làm chỗ thờ phượng Chúa mỗi Chúa nhật. Cậy ơn Chúa đặt Ban Trị sự lâm thời; ông Ngô Lục làm Chấp sự, ông Ngô Đức làm Thư ký để lo việc nhóm họp thờ phượng ngày Chúa nhật và thăm viếng những người mới cầu nguyện. Đến ngày 18/05/1956, các tôi tớ Chúa nhóm họp các anh chị em và hai chức viên lại để cầu nguyện giao phó anh em tin Chúa và công việc Ngài trên đảo Phú Quý cho Chúa, xin Ngài gìn giữ, và từ giã về. Con cái Chúa tỏ lòng cảm ơn và lòng luyến ái tôi tớ Chúa với những giọt lệ, khiến họ không thể cầm được nước mắt.

(Theo Mục sư Lê Khắc Chấn, Chứng thực quyền Chúa, Tiếng Kêu Gọi Của Người Hải Đảo, 240 (071), tháng 10/1956, trang 10-11).

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2020

Làm Theo Ý Muốn Chúa

Kết quả hình ảnh cho Làm Theo Ý Muốn Chúa

Làm Theo Ý Muốn Chúa


          Kinh Thánh: I Giăng 2:14-17
 
          Câu gốc: “…ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời” (câu 17b).
 
          Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Giăng nói về giới trẻ như thế nào? Ông có lời khuyên gì? Điều gì sẽ còn lại đời đời? Bạn đang chạy theo thế gian hay đang làm theo ý muốn Chúa?
 
          Sứ đồ Giăng viết phần thư tín này với những lời khuyên dành cho các tín hữu thuộc ba hạng tuổi: phụ lão, trẻ con, và thanh niên. Trong câu 14, ông cho rằng các bạn trẻ “đã biết Đức Chúa Cha” và “là mạnh mẽ, Lời Đức Chúa Trời ở trong các ngươi và các ngươi đã thắng được ma quỷ.”
 
          Thanh thiếu niên Cơ Đốc ngày nay là thế hệ mạnh mẽ nhất trong Hội Thánh. Nếu được trang bị Lời Chúa kỹ càng, họ sẽ thắng được cám dỗ của ma quỷ, cũng như biết được ý muốn Chúa để thực hiện công việc của Ngài. Tuy nhiên, trên thực tế, giới trẻ Cơ Đốc lại dễ bị cuốn hút vào những thú vui của trần gian nhiều hơn là dành thời gian học Lời Chúa. Trước thực trạng đáng buồn ấy, lời khuyên của Sứ đồ Giăng rất bổ ích: “Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa” (câu 15a). Ông cho biết “thế gian với những tham dục nó đều qua đi” (câu 17a). “Yêu thế gian” là chạy theo những gì mắt mình thích, lòng mình ham muốn, và tâm trí mình chú tâm vào đó. Khi một người yêu thế gian sẽ dẫn đến ba thái độ. (1) Mê tham của xác thịt: cố thỏa mãn những ham muốn của xác thịt; (2) mê tham của mắt: cố chất chứa của cải, chạy theo lợi ích thấy trước mắt; và (3) sự kiêu ngạo của đời: tìm kiếm danh vọng, địa vị, và quyền lực. Đây cũng là những cám dỗ mà ma quỷ thường dùng để tấn công giới trẻ. Vậy làm sao thanh thiếu niên Cơ Đốc có thể chiến thắng cám dỗ và giữ vững được đức tin nơi Chúa? Sứ đồ Giăng khẳng định mọi sự đều sẽ qua đi, nhưng chỉ “ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời” (câu 17). Đây chính là bí quyết để thanh thiếu niên xây dựng tương lai trên nền tảng Lời Chúa và có thể định hướng cho cuộc đời mình.
 
          Tuổi trẻ có nhiều ước mơ, tham vọng, và dự định cho tương lai. Nhưng nếu không quan tâm, không định hướng đúng cho cuộc đời mình sẽ rất dễ vấp ngã và đánh mất đức tin trước bao cám dỗ của thế gian. Do đó, thanh thiếu niên Cơ Đốc cần phải trang bị Lời Chúa kỹ càng và sống với một quyết tâm là “yêu kính Chúa” hơn là “yêu mến thế gian.” Cần nhớ rằng, những gì thuộc về thế gian sẽ dễ dàng qua đi, nhưng những gì thuộc về Đức Chúa Trời mới có giá trị vĩnh cửu, và ai làm theo Lời Ngài thì còn lại đời đời. Chúng ta sẽ nhận được phần thưởng đời đời trên trời hay chỉ là những thành tựu tạm thời trên trần gian này, tùy thuộc vào việc chúng ta quyết định làm theo ý muốn của Chúa hay theo ý thích của mình!
 
          Bạn có học Lời Chúa và làm theo ý muốn Ngài mỗi ngày không?
 
          Lạy Chúa, xin giúp con luôn nhớ rằng thế gian này sẽ hư mất và qua đi, nhưng chỉ ai làm theo ý muốn Chúa mới còn lại đời đời. Con nguyện sống vâng theo ý muốn Ngài.
 
Bài Thơ: Làm Theo Ý Muốn Chúa (TBM)
 
Sống là chọn lựa, bạn ơi,
Theo ý muốn Chúa, theo đời tùy ta.
Theo đời gặt hái xót xa,
Và rồi hư mất; đó là tương lai!

Theo Chúa, phước hạnh đời nầy,
Chết về với Chúa sum vầy thỏa vui.
Trần đời ngắn lắm bạn ơi,
Công danh, sự nghiệp trả đời, buông tay!

Nên lợi dụng cơ hội nầy,
Trong lúc tuổi trẻ dựng xây đời mình.
Chuyên tâm học, hành Thánh Kinh,
Thắng cám dỗ, biết Cha mình muốn chi.

Làm theo ý Chúa khắc ghi,
Tránh xa tội lỗi, ôm ghì Cha yêu.
Sốt sắng việc Chúa; mão triều
Là phần thưởng của Chúa yêu ban mình.

Quyết lòng theo Chúa trung trinh,
Cậy ơn Chúa, chớ cậy mình, bạn ơi.
Quyết tâm yêu kính Chúa Trời,
Tránh xa danh lợi trần đời hư không.

 
Nguồn: vietchristian.com

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2020

Sheet nhạc ĐẤNG CHẾT RỒI SỐNG LẠI - Bùi Trung Nhơn


Để tải file PDF bản gốc, vui lòng liên hệ nhân sự Ban Âm nhạc HTTL Tân Nghĩa để được hỗ trợ.
Hoặc Quý vị có thể mua ủng hộ tác giả với giá 50.000VNĐ.

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2020

KHUYẾN CÁO của Ban Truyền thông về tình hình dịch bệnh Covid-19 do virus SARS-CoV-2

Kết quả hình ảnh cho covid 19 virus
Tân Nghĩa, ngày 09 tháng 03 năm 2020

KHUYẾN CÁO

        Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đang diễn biến phức tạp, dịch bệnh đã lan rộng trên 100 quốc gia trên thế giới. Hiện, Việt Nam cũng đang có ca nhiễm bệnh COVID-19 này. Trước tình hình trên, Mục vụ Truyền thông HTTL Tân Nghĩa (BTT) đã có video clip khuyến cáo đăng tải ngày 08/03/2020. Nay, BTT xin tiếp tục có những lưu ý sau:

       1- Thực hiện theo sự hướng dẫn của công văn số 48/TGCP-VP ngày 01 tháng 02 năm 2020 của Ban Tôn giáo Chính phủ gửi Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam, trong đó có đoạn: nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế và chính quyền địa phương.

        2- Trước khi đến Nhà thờ, mỗi Tín hữu nên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay khô, dung dịch có cồn (>60 độ). Sử dụng khẩu trang khi di chuyển đến Nhà thờ/về nhà, hoặc khi cần thiết.

        3- Trên hết, chúng ta cần hết lòng nhờ cậy Chúa gìn giữ dân sự của Ngài khỏi bệnh dịch này, nương trên Lời Chúa trong Thi-thiên 91.

       Quý Hội Thánh có thể xem thống kê tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống cần thiết,... trên chuyên trang của Bộ Y tế: ncov.moh.gov.vn.

          Nguyện xin Chúa ban ơn lành trên hết thảy chúng ta!

BAN TRUYỀN THÔNG
Số: 04/2020/BTT-TB-KCYT

Thứ Ba, 3 tháng 3, 2020

Tổng hợp Sheet nhạc Thương Khó - Phục Sinh 2020 của các Ban ngành (Cập nhật đến ngày 07/03/2020)


Các sheet nhạc chỉ có chất lượng tương đối. Đối với các Giáo viên phụ trách lớp, Nhân sự Âm nhạc của Hội Thánh và Điểm nhóm sẽ được cung cấp bản giấy hoặc bản mềm (file PDF) qua email trước Chúa nhật 08/03. Các Hội Thánh khác cần file PDF gốc, xin liên hệ Ban Âm nhạc.

1. BAN THIẾU NHI
- Lễ Thương khó: "Xin Chúa Làm Chủ Cuộc Đời Con"
- Lễ Phục sinh: "Chúa Hằng Sống"
2. BAN THANH THIẾU NIÊN
- Lễ Thương khó: "Bởi Ân Điển Chúa"
- Lễ Phục sinh: "Christ Sống Trong Tôi"
3. ĐƠN CA, SONG CA, TỐP CA
Chưa có dữ liệu

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2020

CƠ ĐỐC NHÂN CẦN CÓ THÁI ĐỘ NÀO KHI ĐỐI DIỆN VỚI ĐẠI DỊCH VIRUS CORONA?

 
“Chúng con không biết phải làm sao; nhưng con mắt chúng con ngưỡng trông Chúa.”

Khi ngồi trong căn hộ của mình tại Trung Quốc, nơi tràn ngập dịch bệnh nCoV, với tâm trạng căng thẳng, lo lắng, tôi cố nghĩ xem liệu có lời cầu nguyện nào hay hơn lời cầu nguyện được thốt ra bởi vua Giô-sa-phát tuyệt vọng nhưng đầy lòng tin chắc nơi Chúa (2 Sử Ký  20:12).

Cả thế giới đang hồi hộp, lo lắng dõi theo khủng hoảng về y tế toàn cầu. Các công ty, trường học đang cố trì hoãn mọi hoạt động. Biên giới đóng cửa. Những ngày gần đây nhiều chuyến bay ra vào nước này bị ngưng lại. Là Mục sư người Mỹ hiện đang hầu việc Chúa tại Trung Quốc, chúng tôi cảm thấy dường như quyết định ở lại của mình là một sai lầm.

Chúng tôi cầu nguyện gì? “Chúng con cũng không biết điều gì mình phải làm; nhưng con mắt chúng con ngưỡng trông Chúa.” (2 Sử Ký 20:12c)

Cái nhìn lúc xưa của Giô-sa-phát rất phù hợp với tình hình tháng 2 năm 2020 hiện nay. Lúc đó, có một đạo quân lớn từ Ê-đôm áp tới tấn công Giu-đa. Nhưng đức tin Giô-sa-phát rất vững vàng. Ông không chỉ tin cậy Chúa khi đối diện với sự bại trận có thể xảy ra nhưng với cả tai họa có thể giáng xuống trên ông và con dân Chúa!

“Nếu tai họa giáng trên chúng con, hoặc gươm giáo, hoặc sự trừng phạt, hoặc dịch bệnh, hoặc nạn đói, thì chúng con sẽ đứng trước đền thờ này và trước mặt Chúa (vì danh Chúa ở trong đền thờ này), mà kêu cầu Ngài trong cảnh khốn cùng của chúng con, Ngài sẽ lắng nghe và giải cứu chúng con.” (2 Sử Ký 20:9, BHĐ)

Giô-sa-phát hết lòng tin cậy Chúa khi đối diện với hiểm nguy. Thậm chí khi đối diện với bệnh tật và dịch lệ, ông vẫn tìm cầu Chúa.

Trong cảnh dịch bệnh như hiện nay, chúng ta phải học cách làm giống như vậy. Dưới đây là 5 khía cạnh của lòng tin cậy Chúa của Giô-sa-phát mà có thể giúp chúng ta ngày nay:

1. Tin cậy Chúa mà trao dâng cho Ngài mọi lo sợ
Giô-sa-phát “sợ hãi, quyết định tìm kiếm Đức Giê-hô-va” (2 Sử Ký 20:3). Ông không phải là người phi thường; ông chỉ là một người bình thường. Bước đầu tiên cần làm khi tin cậy nơi sự vùa giúp của Chúa – trong thời Giô-sa-phát và cả trong thời của chúng ta ngày nay – đó là thừa nhận sự yếu đuối của mình. Tìm đến với Chúa và thành thật trình dâng mọi cảm xúc của mình mới có thể là liều thuốc tốt. “Con sợ. Con bực bội. Con tức giận. Con cô đơn. Con bị tổn thương. Con kiệt sức” – Hãy cứ thưa với Chúa.

Việc tuôn đổ sự đau đớn mình không phải là để lay động ngón tay Chúa; nhưng là thành thật khi tin cậy và giao phó cho Ngài những điều khiến chúng ta lo lắng nhất. Giô-sa-phát đã chọn việc tin cậy Chúa, và đó cũng là điều chúng ta đang được mời gọi. Tin cậy Chúa luôn là sự chọn lựa. Đó là việc chúng ta cứ phải làm luôn.

2. Khích lệ người khác tin cậy Chúa 

Sau khi Giô-sa-phát tìm cầu Chúa, ông kêu gọi cả quốc gia kiêng ăn, “Giu-đa nhóm lại đặng cầu Đức Giê-hô-va cứu giúp; người ta ở các thành Giu-đa đều đến đặng tìm cầu Đức Giê-hô-va” (2 Sử Ký 20:4). Vua Giô-sa-phát biết sự cứu giúp thật đến từ đâu và ông đã dẫn dân chúng đặt lòng trông cậy nơi đó.

Khi mọi người quanh chúng ta bối rối, láng giềng quanh chúng ta hoảng sợ, chúng ta cần nhắc nhau nhớ rằng chúng ta đang hầu việc một Đức Chúa Trời yêu thương, giàu lòng thương xót, luôn tể trị, và là Đấng không bị lay chuyển bởi dịch lệ hay virus (Thi Thiên 91).

Khi trình dâng mọi lo lắng mình cho Chúa, chúng ta sẽ kinh nghiệm sự bình an, là bình an vượt trên mọi sự hiểu biết (Phi-líp 4:6-7). Và khi chúng ta kinh nghiệm loại bình an đó, niềm hy vọng sống mà chúng ta có trong Chúa sẽ được bày tỏ ra (1 Phi-e-rơ 3:15). Cuối cùng, niềm tin chúng ta là loại niềm tin cá nhân nhưng không giấu kín.

3. Kêu cầu với Chúa
Vua Giô-sa-phát đã cho chúng ta một kiểu mẫu cầu nguyện trong câu 5-12. Ông công bố danh xưng Chúa, lời Chúa hứa và việc Ngài làm trong quá khứ. Lời cầu nguyện đó càng tha thiết hơn khi ông nói, “Chúng con không đủ sức để đối địch cùng đám quân đông đảo đang đến tấn công chúng con. Chúng con không biết phải làm sao, nhưng mắt chúng con ngưỡng trông Chúa.”

Có lẽ bạn cũng cảm thấy như vậy khi đối diện với dịch bệnh nCov. Có lẽ bạn cũng thấy bất lực khi đối mặt với loại virus có khả năng lây nhiễm cao ngay cả khi không có dấu hiệu rõ ràng. Có lẽ nỗi lo trong bạn gia tăng khi các chuyên gia y tế vẫn chưa nắm bắt rõ mọi đường lây nhiễm từ loại virus này. Có lẽ bạn cũng thấy nãn lòng khi bạn thấy số ca lây nhiễm và số tử vong ngày càng tăng. Nếu vậy, hãy cùng vua Giô-sa-phát cầu nguyện rằng con bất lực, nhưng niềm hy vọng của con đặt trọn nơi Chúa Toàn năng.

Có bao nhiêu người trong chúng ta có lời cầu nguyện kết thúc như vậy? Đó là thái độ và cách nhìn của người Cơ Đốc. Công bố danh xưng Chúa, xưng nhận sự bất lực, yếu đuối của mình và mắt nhìn xem Chúa.

4. Hãy nhớ đến sự giải cứu của Đức Chúa Trời 
Trong ký thuật 2 Sử Ký, Đức Chúa Trời đáp ứng bằng cách sai một vị tiên tri đến để nhắc dân Giu-đa rằng trận chiến đó không thuộc về họ, nhưng thuộc về Đức Chúa Trời (20:15). Họ không cần phải chiến đấu, nhưng chỉ cần ngồi và nhìn xem sự giải cứu của Chúa dành cho họ (20:17).

Câu chuyện này là một ví dụ nhỏ của một trận chiến thuộc linh lớn hơn cho mọi người trong mọi hạng tuổi. Giờ đây chúng ta đối diện với một vấn đề chết người mà bản thân mình chẳng làm gì được (dầu chúng ta gắng sức!) Chúng ta cần tin nơi một điều khác, vì trận chiến không thuộc về chúng ta. Khi chúng ta tin cậy Đấng có thể chiến cự thay cho chúng ta, chúng ta được mời gọi lùi về phía sau và nhìn xem sự giải cứu của Ngài.

Dịch bệnh do virus corona có thể không gia tăng trong tuần tới. Nhưng nó cũng có thể trở nên tệ hại hơn. Gia đình chúng tôi có thể không bị nhiễm bệnh, nhưng cũng có thể sẽ nằm trong những con số bị lây nhiễm. Nhưng chúng tôi vẫn ngưỡng trông sự giải cứu của Chúa. Nhưng không phải vì Chúa cần bày tỏ tình yêu Ngài với tôi qua việc gìn giữ tôi khỏi bệnh tật, nhưng vì Ngài đã bày tỏ tình yêu Ngài với tất cả chúng ta qua việc sai Con Ngài chịu chết thay cho chúng ta khi chúng ta còn là người có tội, để bất kỳ ai tin Ngài sẽ không bị hư mất nhưng có sự sống đời đời (Rô-ma 5:8; Giăng 3:16).

Tôi cầu nguyện xin Chúa tiêu trừ loại virus này và khiến gia đình tôi khỏe mạnh, nhưng nếu như có điều gì đó không hay xảy ra trong tuần lễ tới thì Chúa vẫn là tốt lành. Tôi mang khẩu trang khi ra đường, và rửa tay thường xuyên, nhưng hy vọng của tôi không dừng lại ở những nỗ lực đó. Tôi ước ao một cuộc sống lâu dài cho tôi và gia đình, nhưng tôi cũng nhận biết rằng mục đích đời sống không phải là thoát khỏi sự chết thể xác. Đó là mục đích của người ngu dại. Mục đích đời sống là được chuẩn bị sẵn sàng khi sự chết thể xác đến thì làm sáng danh Chúa và vui hưởng sự hiện diện của Ngài cho đến ngày đó.

5. Thờ phượng Chúa
Giô-sa-phát tin cậy Chúa, và ông cũng dẫn dắt người khác tin cậy Ngài. Nhưng hãy chú ý đến việc sau cùng mà họ đã làm là thờ phượng. Trong 2 Sử Ký 20:21, trước khi sự chiến thắng đến, vua Giô-sa-phát đã đưa dân sự đến sự ngợi khen Chúa: “Khi họ bắt đầu hát vang ca ngợi thì Đức Giê-hô-va cho quân mai phục tấn công đám quân đang tiến đánh Giu-đa…” (2 Sử Ký 20:22, BHĐ)

Hình ảnh cuối cùng của việc tin cậy Chúa này diễn ra thế nào? Vì nếu Chúa là tốt lành, và chúng ta biết rõ Đấng chúng ta tin cậy, thì chúng ta có thể thờ phượng Ngài giữa khổ đau mà chúng ta đang phải đối diện. Chúng ta có thể ngợi khen Chúa khi bị hiểm nguy đe dọa. Chúng ta khiến Ngài được vinh hiển ngay cả khi virus đang lây lan khắp nơi.

Đức Chúa Trời không bảo vua Giô-sa-phát điều phải làm. Ngài cũng không bảo ông kêu gọi con dân Chúa hiệp nhau lại để nhóm thờ phượng. Thờ phượng không phải là chiến lược để khiến Chúa hành động; nhưng thờ phượng là sự đáp ứng vì chúng ta biết Ngài đã hành động, và Ngài sẽ tiếp tục hành động. Thờ phượng giống như việc tìm kiếm Chúa.

Sau ngày đó, khi dân Giu-đa tiến ra ngoài, sự đe dọa của họ đã biến mất. Tôi không có ý nói rằng Đức Chúa Trời sẽ giải quyết mọi nan đề của bạn cách lạ lùng khi bạn thờ phượng Ngài. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là nan đề lớn nhất của bạn – nan đề của sự vô tín – sẽ được tháo gỡ khi bạn thờ phượng Chúa.

Nguyện xin Chúa khiến mọi tín hữu tại Trung Quốc và ở khắp nơi trên thế giới có lòng tin vững chắc nơi Chúa khi đối diện với dịch Corona – ngay cả khi chúng ta không biết điều gì sẽ xảy đến tiếp theo.

Mục sư Jason Seville
Thảo Anh dịch
Nguồn: thegospelcoalition.org 

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2020

Bài 52: NHỮNG ĐÒI HỎI MỖI ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC NHÂN

 
NHỮNG ĐÒI HỎI MỖI ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC NHÂN

Kinh Thánh: IITi-mô-thê 3:15-17
Câu gốc: “Cho nên, kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm thì phạm tội” (Gia-cơ 4:17)
Mục đích: Khuyến khích tín hữu dâng đời mình để theo Chúa và chấp nhận những đòi hỏi của Ngài.
MỆNH LỆNH ĐỂ VÂNG THEO: “Ngài bảo chi hãy vâng theo” (Giăng 2:5)
LỜI CẦU NGUYỆN ĐỂ DÂNG LÊN: “Đức Chúa Trời bình an… khiến anh em nên trọn vẹn trong mọi sự lành, đặng làm thành ý muốn Ngài và làm ra sự đẹp ý Ngài, sự vinh hiển đáng về Ngài đời đời vô cùng. A-men” (Hê-bơ-rơ 13:21)

Kinh Thánh đọc hằng ngày
Chúa Nhật:
ĐỌC KINH THÁNH VÀ CẦU NGUYỆN
 (IITi-mô-thê 2:15; 3:15-17; Ma-thi-ơ 26:41)
Thứ Hai:
DÂNG MÌNH CHO CHÚA VÀ ĐI TRUYỀN GIẢNG
 (Lu-ca 6:38; Công-vụ 1:8; 20:35; Mác 16:15; IICô-rinh-tô 9:6, 7)
Thứ Ba:
YÊU THƯƠNG LẪN NHAU
 (Giăng 15:12-17)
Thứ Tư:
SỐNG CHO CHÚA JÊSUS
 (Rô-ma 12:1-16)
Thứ Năm:
Ở TRONG ĐẤNG CHRIST
 (Giăng 15:1-16)
Thứ Sáu:
THEO CHÚA VÀ GIỮ LÒNG CAN ĐẢM
 (Giô-suê 14:5-14)
Thứ Bảy:
THA THỨ VÀ VÂNG PHỤC
 (Ma-thi-ơ 18:21-35; Công-vụ 5:17-29)

Suốt một năm qua, và ba tháng cuối cùng này, chúng ta đã học nhiều điều rất quý báu, song học để cho biết thì không đủ, mà phải làm theo. Học và hành là 2 điều luôn luôn đi đôi với nhau. Sau khi học, chúng ta phải làm theo. Nhờ tập làm theo, chúng ta kinh nghiệm điều mình học, ghi nhớ nó một cách lâu dài, như không hề quên được, làm như vậy, chúng ta sẽ thấy đời sống thuộc linh của mình ngày càng lớn mạnh, có thêm giá trị, đạt được kết quả khả quan.

Chúng ta là Cơ đốc nhân, tức là tín đồ Đấng Christ. Vậy, Đấng Christ đã sống thế nào? Và Ngài đòi hỏi chúng ta phải sống thế nào?
1.      Làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời (Giăng 5:30).
2.      Học lời của Đức Chúa Trời (Lu-ca 24:27).
3.      Cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời (Mác 1:35).
4.      Dâng đời mình cho Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 20:28).
5.      Đi truyền giảng Tin Lành (Giăng 8:42).
6.      Yêu thương lẫn nhau (Giăng 15:12, 13).
7.      Biết cách nào phải sống (Khải-huyền 1:18).
8.      Ở trong Đấng Christ (Giăng 15:10).
9.      Đi theo Đấng Christ (Giăng 4:34).
10. Phải can đảm (Giăng 18:4-8).
11. Tha thứ kẻ khác (Lu-ca 23:34)
12. Vâng phục Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 5:8).

Để thì giờ cho mỗi tín hữu làm chứng kết quả của sự học lời Chúa trong năm qua, hay 3 tháng cuối cùng này. Trong khi đem lời Chúa ra thực hành, nếu có gì trở ngại, tín hữu nên nêu lên câu hỏi để nhờ người có trách nhiệm giải đáp.

BÀI TẬP
Những tín hữu viết được nên làm bài giải đáp hai câu hỏi sau đây để nhờ người có trách nhiệm hoặc Chủ tọa Hội Thánh chấm.
1. Chúng ta phải biết điều chi Chúa đòi hỏi, đồng thời Ngài cũng ban cho. Vậy làm sao để chúng ta có thể sống như Chúa đòi hỏi?
2. Chúng ta phải hành động thế nào để người chung quanh hưởng được phước hạnh do đời sống theo Chúa của chúng ta?
Mục sư Đoàn Văn Miêng

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2020

Bài 51: Đức Chúa Trời Muốn Chúng Ta Vâng Phục

 
ĐỨC CHÚA TRỜI MUỐN CHÚNG TA VÂNG PHỤC

Kinh Thánh: Sáng-thế Ký 12:1-3; Xuất 20:1-11; Hê-bơ-rơ 5:8,9
Câu gốc: “Ví thử các ngươi làm theo điều ta dạy thì các ngươi là bạn hữu ta” (Giăng 15:14)
Mục đích: Giúp tín hữu biết vâng phục Đức Chúa Trời là điều tối quan trọng.
MỆNH LỆNH ĐỂ VÂNG THEO: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn vâng lời người ta” (Công-vụ 5:29).
LỜI CẦU NGUYỆN ĐỂ DÂNG LÊN: “Chúng tôi sẽ vâng theo tiếng phán của Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi” (Giê-rê-mi 42:6).

Kinh Thánh đọc hằng ngày
Chúa Nhật:
VÂNG PHỤC ĐỨC CHÚA TRỜI
(Xuất 20:1-11; Công-vụ 5:17-29)
Thứ Hai:
VÂNG PHỤC CHA MẸ
(Xuất 20:12; Ê-phê-sô 6:1-3; Cô-lô-se 3:20)
Thứ Ba:
NÔ-Ê VÂNG PHỤC ĐỨC CHÚA TRỜI
(Sáng-thế Ký 6:8, 22; 7:1, 5; 8:1, 15-19; 9:1)
Thứ Tư:
SA-MU-ÊN VÂNG PHỤC ĐỨC CHÚA TRỜI
(ISa-mu-ên 3:1-21)
Thứ Năm:
ÁP-RA-HAM VÂNG PHỤC ĐỨC CHÚA TRỜI
(Sáng-thế Ký 12:1-9; Hê-bơ-rơ 11:8)
Thứ Sáu:
PHAO-LÔ VÂNG PHỤC ĐỨC CHÚA TRỜI
(Công-vụ 26:1-23)
Thứ Bảy:
ĐẤNG CHRIST VÂNG PHỤC
(Rô-ma 5:19; Phi-líp 2:5-8; Hê-bơ-rơ 5:8-10)

Sự vâng phục là đức tính tốt nhất của con cái đối với cha mẹ, của học trò đối với thầy giáo, của công dân đối với luật lệ nhà nước.

Sự vâng phục mà Kinh Thánh dạy không giống như sự vâng phục của nô lệ đối với chủ, tức là không phải vâng phục vì sợ hãi trước một uy quyền, thế lực nào, nhưng vâng phục vì yêu thương. Jêsus Christ là Thầy, là Chúa chúng ta, Đấng đã liều thân thể để cứu chúng ta. Vì biết ơn Ngài, vì kính mến Ngài, chúng ta sẵn sàng vâng phục cho đến chết. Tình yêu phải là động cơ mạnh nhất thúc đẩy chúng ta vâng phục Đức Chúa Trời.

I. VÂNG PHỤC ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG
Trời đất muôn vật, nói chung là thiên nhiên giới rất đẹp đẽ, vì tất cả đều vâng phục Đức Chúa Trời. Ngài ban cho mỗi chiếc lá mỗi cành hoa một hình dạng, một màu sắc khác nhau, song thảy đều đẹp đẽ. Chim bay trên trời, cá lội dưới nước, thú đi trên đất, loài nào cũng đẹp đẽ trọn vẹn. Thân thể của con người còn tuyệt vời hơn cả chiếc lá, cành hoa và mọi loài động vật. Song thật tiếc, loài người đã lợi dụng sự tự do Chúa cho mà không vâng phục Ngài. Vì thế trong tâm giới, Đức Chúa Trời không thể làm gì cho loài người. Đó là lý do loài người đau khổ.

Trong bài cầu nguyện chung có câu: “Xin ý Cha được nên ở đất như trời”. Trên trời ý Cha được nên lập tức và trọn vẹn. Dưới đất ý Cha chưa được nên như vậy, vì sứ bất phục của loài người. Nếu chấp sự Phi-líp không vâng phục Đức Chúa Trời mà đi ngay đến Ga-xa thì đã bỏ lỡ mất dịp tiện hướng dẫn hoạn quan Ê-thi-ô-pi về cùng Chúa (Công-vụ 8:26, 27).

Dưới đất có nhiều kẻ không vâng phục Đức Chúa Trời lại còn xúi giục kẻ khác không vâng phục Ngài nữa (Rô-ma 1:32). Nê-bu-cát-nết-sa, Đa-ri-út, Chính quyền Do-thái và La-mã đã hành động như vậy. Nếu gặp trường hợp đó, chúng ta phải đồng thanh với Phi-e-rơ và Giăng mà nói rằng: “Thà vâng lời Đức Chúa Trời, còn hơn vâng lời người ta” (Công-vụ 5:29).

Dầu hậu quả ra sao, chúng ta cũng phải can đảm, để cho Đức Chúa Trời có cơ hội thi hành quyền năng siêu việt của Ngài, hầu danh Ngài được vinh hiển.

II. NHỮNG TẤM GƯƠNG VÂNG PHỤC
1. Áp-ra-ham: (Sáng-thế Ký 12:1-3; Hê-bơ-rơ 11:8).
Chúa bảo ông ra khỏi quê hương, vòng bà con, nhà cha ông mà đến một xứ xa, rồi Ngài sẽ ban phước lớn cho ông. Phước lớn thật song sự vâng phục cũng khó thật. Nhưng Áp-ra-ham đã sẵn sàng ra đi, mặc dầu ông không biết mình đi đâu. Ông không biết song Chúa biết, nên ông chỉ vâng phục Ngài còn Chúa dẫn dắt và lo liệu mọi sự cho ông.

Không phải Áp-ra-ham chỉ vâng phục chừng đó. Về sau ông còn vâng phục Chúa mà đuổi A-ga và Ích-ma-ên ra khỏi nhà (Sáng-thế Ký 21:8-14). Hơn nữa ông vâng phục Chúa mà đem con trai một yêu dấu của mình là Y-sác lên núi Mô-ri-a dâng làm của lễ thiêu cho Ngài (Sáng-thế Ký 22:1-19).

2. Môi-se (Xuất 3:1-14; Hê-bơ-rơ 11:27).
Môi-se đã thực hiện một công tác rất vĩ đại là giải phóng hơn một triệu người Y-sơ-ra-ên ra khỏi tay độc ác của hoàng đế nước Ê-díp-tô. Môi-se là một người chăn chiên, trong tay chỉ có cây gậy, còn hoàng đề Ê-díp-tô trong tay có cả lực lượng của một cường quốc. Môi-se chống Pha-ra-ôn như  châu chấu chống với xe, như trứng chọi vào đá. Thế mà binh mã Ê-díp-tô bị tiêu diệt, Môi-se hoàn toàn thắng, buộc Pha-ra-ôn phải phóng thích dân Y-sơ-ra-ên. Thật ra, không phải Môi-se chống với Pha-ra-ôn mà Pha-ra-ôn chống với Đức Chúa Trời. Pha-ra-ôn chống với Đức Chúa Trời như châu chấu chống với xe, như trứng chọi vào đá. Môi-se thành công chỉ vì ông hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Trời.

Ngoài ra, Môi-se làm sao mà nuôi nổi hơn một triệu người Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng suốt 40 năm? Mọi sự đó có Chúa lo, ông chỉ vâng phục Ngài là đủ. Chúa làm mưa mana từ trời cho họ ăn, khiến hòn đá tuôn ra nước cho họ uống, che phủ họ ban ngày bằng một đám mây, soi sáng họ ban đêm bằng một trụ lửa. Ngài dẫn dắt họ từng bước, cung cấp cho họ đầy đủ mọi nhu cầu. “Phải, Chúa nuôi dưỡng chúng 40 năm trong đồng vắng, chúng chẳng thiếu thốn chi cả, quần áo chúng không cũ rách, và chân chúng chẳng phù lên” (Nê-hê-mi 9:21).

3. CÁC MÔN ĐỒ (Ma-thi-ơ 28:18-20)
Chúa bảo các môn đồ làm một việc mà sức người không ai làm nỗi. Họ là những người quá tầm thường, suốt đời chưa hề ra khỏi xứ, bị kể là thành phần dốt nát, vô học. Thế mà họ phải khiến muôn dân trở nên môn đồ của Chúa. Chúa bảo như vậy không phải vô lý đâu, vì Ngài đã phán: “Và này Ta thường ở cùng ngươi luôn cho đến tận thế”. Chúa cũng đã hứa với Môi-se câu đó (Xuất 3:12). Họ ngu dại song Chúa khôn ngoan, họ yếu đuối song Chúa mạnh mẽ, họ vô quyền song Chúa toàn quyền, họ không có gì cả song Chúa có đủ mọi sự. Họ chỉ cần vâng phục, bao nhiêu việc khác Chúa sẽ làm và làm trổi hơn mọi điều họ cầu xin và suy tưởng. Lịch sử chứng minh các môn đồ đã thành công.

Ngày nay, phạm vi trách nhiệm của chúng ta là truyền giảng Tin Lành cho trên 70 triệu đồng bào Việt Nam. Chúng ta phải làm sao? Nếu chúng ta vâng phục Đức Chúa Trời như Áp-ra-ham, Môi-se, như các sứ đồ, chắc chắn Chúa sẽ bày tỏ quyền năng vô cùng của Ngài để thực hiện công tác truyền giảng, cứu vớt tội nhân và Danh Chúa được vinh hiển.

Nguyện Chúa cho chúng ta thảy đều đồng một lòng, một miệng nói lên: “Lạy Chúa, con xin vâng phục Ngài!”

III. KẾT QUẢ CỦA SỰ VÂNG PHỤC
1. So sánh sự không vâng phục của A-đam với sự vâng phục của Chúa Jêsus (Rô-ma 5:12, 19).
A-đam đã không vâng phục, chẳng những mang họa vào đời sống của ông mà còn gây họa cho muôn vàn con cháu trải qua các đời. Chắc A-đam không ngờ, và cho đến bây giờ, không ai có thể lường hết tai họa đó. Thế mà ngày nay cũng còn lắm bậc ông bà, cha mẹ không cẩn thận về cách ăn ở của mình. Dầu đã tin Chúa, nhiều người đang sống cuộc đời không vâng phục nên họ sẽ hối tiếc đời đời khi thấy con cháu mình phải chịu họa lây.

Chúa Jêsus là A-đam cuối cùng đã vâng phục trọn vẹn, nên sự chết đền tội và sự sống lại của Ngài làm cho Ngài trở thành đầu của nhân loại mới, tức là một dòng dõi công bình. Ơn phước tràn ra từ sự vâng phục của Chúa Jêsus thật không xiết kể, đem nhân loại mới trở lại thời A-đam trước khi phạm tội. Những gì A-đam đã làm mất do sự bất phục của ông, chúng ta tìm lại được do sự vâng phục của Chúa Jêsus. Vì vậy, Ngài đã “trở nên cội rễ của sự cứu rỗi đời đời cho những kẻ vâng lời Ngài” (Hê-bơ-rơ 5:8, 9). Chúng ta không được kể là dòng dõi của Chúa Jêsus nếu chúng ta không vâng phục.

2. Có rất nhiều phần thưởng dành cho kẻ vâng phục.
Chúng ta biết nhiều lần Chúa buồn rầu vì sự không vâng phục của nhân loại trong đời Nô-ê, của dân Y-sơ-ra-ên, của Sau-lơ và của Hội Thánh ngày nay (Ê-phê-sô 4:30). Nếu yêu Chúa, chúng ta không nỡ nào làm cho Ngài buồn rầu, mà phải làm cho Ngài vui (Lu-ca 15:7, 10, 23, 24, 32).

Các phước lành của Chúa đều dành cho kẻ vâng phục Ngài. Đó là một đời sống hạnh phúc, một đời sống thành công, một đời sống phong phú, một đời sống thánh khiết, một đời sống bất diệt trên trời.
TÔI SỐNG ĐỂ VÂNG PHỤC CHÚA

CÂU HỎI
1.      Đức tính tốt nhất của một người là gì?
2.      Tại sao muôn loài vạn vật được đẹp đẽ?
3.      Tại sao loài người vẫn đau khổ?
4.      Hãy thuật lại gương vâng phục của Áp-ra-ham?
5.      Hãy thuật lại gương vâng phục của Môi-se?
6.      Hãy thuật lại gương vâng phục của các môn đồ?
7.      Bí quyết thành công của họ là gì?
8.      Tại sao con cháu A-đam bị đau khổ?
9.      Tại sao dòng dõi của Chúa Jêsus được phước?
10. Sau khi học bài học này, chúng ta có quyết định gì? 
Mục sư Đoàn Văn Miêng

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!