Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Lẽ Thật, Ngôi Lời, Kinh Thánh –Tại Sao Quyển Sách Này có Nhiều Tên Như Thế?

Quyển Sách Bán Chạy Nhất Trong Mọi Thời Đại

Nếu bạn sống như một người Mỹ trung bình, có lẽ bạn đang có một quyển Kinh Thánh. Theo nghiên cứu năm 2017 bởi Hội Kinh Thánh Mỹ, 87% người đáp ứng nói họ có ít nhất một quyển Kinh Thánh.
Sở hữu một quyển Kinh Thánh không phải là một hiện tượng mới lạ. Trong một bài viết trong tạp chí “Người Nữu Ước” năm 2006, phóng viên Daniel Radosh lưu ý: “Quan sát quen thuộc nhất cho thấy rằng Kinh Thánh là quyển sách bán chạy nhất trong mọi thời đại làm lu mờ một sự kiện đáng giật mình: Kinh Thánh là quyển sách bán chạy nhất trong năm, từng năm một”. Số lượng 20 triệu quyển Kinh Thánh được bán ra từng năm ở Hoa Kỳ làm nổi bật tầm quan trọng mà chúng ta đặt trên quyển sách bán chạy nhất này.
Thực sự là có nhiều cách người ta đề cập đến quyền sách đáng yêu này. Có lẽ bạn đã nghe quyển sách ấy được gọi là “Lẽ Thật” hay “Ngôi Lời” hoặc “Kinh Thánh”. Chúng ta hãy cùng nhau khám phá một số danh xưng đã được gán cho Quyển Kinh Thánh.

Kinh Thánh hay Quyển Sách Phước Hạnh

Tước hiệu “Kinh Thánh” ra từ chữ Hy Lạp “biblos” ý nói một quyển sách hay thư viện. Điểm phân biệt Kinh Thánh đối với các quyển sách khác và để nhận ra tầm quan trọng thuộc linh của quyển sách này, trang bìa quyển Kinh Thánh của bạn ghi là “Holy Bible” [Kinh Thánh]nghĩa là “Quyển Sách Phước Hạnh”.
Sau khi hiểu rõ gốc rễ Hy Lạp thay cho tiếng Anh “Bible” [Kinh Thánh] cũng đóng vai trò là nền tảng của việc xác định “Quyển Sách Phước Hạnh”. Kinh Thánh là “Quyển Sách Phước Hạnh” vì đây là một quyển sách chứa đựng Tin Lành, hay những tin tức tốt lành nói tới việc làm sao có được mối quan hệ với Đức Chúa Trời và một tương lai đời đời với Ngài trên Thiên Đàng.

Ngôi Lời (The Word)

Trong những ngày trước khi có điện thoại và truyền thông kỹ thuật số, nhận được một lời từ ai đó có nghĩa là bạn liên lạc hoặc thông tin từ một người bạn hoặc người thân thường ở dạng thư từ hoặc tin nhắn cá nhân. Kinh Thánh thường được đề cập đến là “Lời của Đức Chúa Trời” hay “Lời Chúa” vì đây là sự truyền đạt từ Đức Chúa Trời cho nhân loại tỏ ra Ngài là ai và làm thế nào để có mối quan hệ với Ngài.
Phần xác định phổ thông này cũng bắt rễ từ sự hiểu biết Kinh Thánh bắt nguồn từ chính mình Đức Chúa Trời. II Ti-mô-thê 3:14 cho chúng ta biết rằng “cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời soi dẫn”, ý nói rằng mặc dù Kinh Thánh đã được viết ra bởi hơn 40 cá nhân ở ba châu lục khác nhau, mỗi người đã được Thánh Linh Đức Chúa Trời hướng dẫn để viết ra những quyển sách bao gồm cả Kinh Thánh của chúng ta.
Một bức tranh đầy đủ hơn cho thấy cách “Đức Chúa Trời hà hơi” được thấy trong II Phi-e-rơ, điều này giải thích Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời”(II Phi-e-rơ 1:21). Kinh Thánh được gọi là “Lời của Đức Chúa Trời” vì Ngài là tác giả tối hậu của tất cả 66 sách.

Thánh Kinh

Tôi thích nhận được những ghi chú và các tấm thiệp tạo ra sự khích lệ từ gia đình và bạn bè, và tôi đã giữ rất nhiều các thứ ấy để tôi có thể quay lại và đọc những lời lẽ giàu ơn của chúng. Cũng thực như thế với Lời của Đức Chúa Trời cho chúng ta.
Sau khi có sẵn “Lời của Đức Chúa Trời” cho chúng ta hôm nay là khả thi bởi vì sứ điệp của Đức Chúa Trời cho nhân loại đã được viết ra. Phương diện truyền đạt thành văn của Đức Chúa Trời được chuyển tải tốt nhất trong một thuật ngữ phổ thông khác, “scripture” [Thánh Kinh], có thể được tìm thấy 54 lần trong Kinh Thánh. Từ này được sử dụng để mô tả cả Cựu và Tân Ước. Khi các trước giả Tân Ước chỉ cho chúng ta thấy cách Chúa Giê-xu làm ứng nghiệm các lời tiên tri trong Cựu Ước, họ đề cập đến Ngài làm ứng nghiệm Kinh Thánh (xem Ma-thi-ơ 26:54, Giăng 19:36). Sau khi Ngài phục sinh, Chúa Giê-xu ủy thác cho các môn đồ Ngài và Ngài mở trí cho môn đồ được hiểu Kinh Thánh” (Lu-ca 24:45), đề cập đến các sách trong Cựu Ước.
Tân Ước cũng được mô tả là Thánh Kinh (Scripture) trong Kinh Thánh (Bible) khi sứ đồ Phi-e-rơ đề cập đến các thư tín của Phao-lô, tạo nên phần lớn trong Tân Ước, là Thánh Kinh [Scripture] trong II Phi-e-rơ 3:16.

Lẽ Thật

Một danh xưng phổ thông khác của Kinh Thánh gọi quyển sách là “lẽ thật”. Đề cập đến Kinh Thánh là “lẽ thật”, nhắc cho độc giả nhớ rằng mọi sự chứa trong Kinh Thánh là không có sai lầm trong các bản gốc và chính xác trong mọi sự dạy của nó. Nói cách khác, Kinh Thánh đáng tin cậy.
Chính mình Chúa Giê-xu sử dụng cụm từ “lẽ thật” để mô tả Kinh Thánh. Vào đêm cuối của Chúa Giê-xu với các môn đồ của Ngài trước khi Ngài bị bắt trong Vườn Ghết-sê-ma-nê, Ngài cầu thay cho các môn đồ Ngài. Chúa Giê-xu xin Đức Chúa Trời bảo vệ và làm cho họ nên thánh bằng lẽ thật, tuyên bố “Lời Ngài là lẽ thật” (Giăng 17:17).
Việc xác định Kinh Thánh là lẽ thật cung ứng cho chúng ta độ tin cậy khi đọc nó. Chúng ta có thể nhìn biết rằng Đức Chúa Trời đã bảo tồn Kinh Thánh vì ích của chúng ta, bởi vì Kinh Thánh có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình” (II Ti-mô-thê 3:16).

Ngọn Đèn

Bài hát “Thy Word” [Lời Ngài] của Amy Grant, năm 1984, đại chúng hoá ý tưởng của Kinh Thánh như một ngọn đèn cung ứng sự dẫn dắt và định hướng. Bài hát này chiếu theo lời lẽ của Thi thiên 119, ở đó tác giả Thi thiên tuyên bố Kinh Thánh là “ngọn đèn cho chơn của tôi, ánh sáng cho đường lối tôi” (Thi Thiên 119:105).
Trong khi chúng ta có loại đèn pha hoặc đèn pin công nghiệp khoả lấp đầy toàn bộ khu vực bằng ánh sáng, loại đèn được đề cập đến trong Kinh Thánh là những mảnh gốm nhỏ chứa đầy dầu. Những chiếc đèn này rất hữu ích để chiếu sáng một con đường nhưng chúng chỉ cung ứng đủ ánh sáng để nhìn thấy một vài bước trước mặt người mang đèn.
Cũng một thể ấy, khi chúng ta đề cập đến Kinh Thánh là ngọn đèn, chúng ta khẳng định rằng Kinh Thánh cung ứng sự dẫn dắt và chỉ cho chúng ta thấy con đường chúng ta nên đi trên linh trình của mình nhưng nó thường soi sáng một vài bước kế tiếp trên đường lối của chúng ta.

Gươm

Có lẽ trong phần nghiên cứu Kinh Thánh hay nhóm thanh niên của bạn, bạn đã tham gia vào cuộc “luyện gươm”. Có thể bạn tự hỏi về nguồn gốc của cụm từ độc đáo này. Thực vậy, đề cập đến Kinh Thánh như một thanh gươm xuất phát từ Kinh Thánh.
Trong Ê-phê-sô 6:10-17, sứ đồ Phao-lô mô tả về “áo giáp của Đức Chúa Trời”. Ông so sánh các phương thức khác nhau Đức Chúa Trời thêm sức cho các tín đồ với một bộ giáp mà người lính mặc ra trận. Ở cuối danh sách, Phao-lô bảo chúng ta phải sử dụng “gươm của Đức Thánh Linh, là Lời của Đức Chúa Trời“ (Ê-phê-sô 6:17). Sau khi mô tả Kinh Thánh như một thanh gươm làm nổi bật cách thức tín đồ có thể nương vào lẽ thật được tìm thấy trong Kinh Thánh để đối diện với những lời nói dối và các lần công kích của ma quỷ.
Thanh gươm cũng có một mép có thể cắt sâu. Trước giả sách Hê-bơ-rơ nhắc cho chúng ta nhớ lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng” (Hê-bơ-rơ 4:12). Sự ví sánh này giữa Kinh Thánh và một thanh gươm làm nổi bật cách Kinh Thánh có thể phơi bày và xác định những tư tưởng sâu kín nhất, sâu sắc nhất của chúng ta để nhắc cho chúng ta nhớ rằng không có gì giấu được Đức Chúa Trời.

Hột Giống

Trong các gói hột giống mùa xuân đặt trong cửa hàng làm vườn địa phương của chúng ta, tôi luôn ngạc nhiên về số lượng cà chua và dưa chuột được thu hoạch từ những hột giống thật nhỏ bé.
Chúa Giê-xu thuật lại một thí dụ trong Lu-ca 8 về một nhà nông đi ra ngoài và gieo hột giống trong vườn của mình. Một số hộ giống bị giẫm đạp hoặc bị chim ăn. Một số hột giống bắt đầu bén rễ nhưng sau đó héo đi vì thiếu nước hoặc bị cỏ dại làm nghẹt ngòi. Tuy nhiên, một hột giống được trồng trong đất tốt, nhận được nhiều nước, ánh sáng rồi tạo ra một vụ thu hoạch lớn. Khi các môn đồ không hiểu được thí dụ mà Chúa Giê-xu nói với họ: “hột giống là Đạo của Đức Chúa Trời” (Lu-ca 8:11).
Chúa Giê-xu khích lệ các môn đồ Ngài rằng khi họ cho phép Kinh Thánh bắt rễ trong tấm lòng của họ rồi lớn lên, họ sẽ tạo ra một vụ mùa bội thu trong đời sống của họ. Ngay cả hôm nay, thời gian chúng ta để ra đặng đọc Kinh Thánh có khả năng mang lại một mùa gặt thuộc linh, bao gồm yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22-23).

Đồ Ăn

Không một điều gì cung cấp sự no lòng cho một dạ dày đói khát hơn một bữa ăn ngon lành. Đồng thời, không một điều gì làm thỏa mãn một linh hồn khao khát cho bằng các lời hứa của Đức Chúa Trời được tìm thấy trong Kinh Thánh. Giống như mọi người cần trưởng dưỡng cho thân thể vật lý của họ, chúng ta cũng cần sự dinh dưỡng cho linh hồn của chúng ta nữa. Vì vậy, không có gì phải ngạc nhiên khi nhiều lần trong Kinh Thánh, Kinh Thánh được ví sánh với đồ ăn.
Tác giả thơ Hê-bơ-rơ nói cho độc giả biết rằng họ cần được dạy dỗ về các lẽ thật cơ bản trong Lời của Đức Chúa Trời, đề cập đến Kinh Thánh là “sữa” (Hê-bơ-rơ 5:12). Một vài câu sau đó, ông bày tỏ mong muốn họ tiến sâu hơn trong sự hiểu biết về Kinh Thánh của họ, gọi đấy là “đồ ăn đặc” (5:14).
Trong sách Thi thiên, Đa-vít viết về sự vui thích mà ông nhận lãnh từ luật pháp của Đức Chúa Trời. Ông đề cập đến chúng “ngọt hơn mật, hơn nước ngọt của tàng ong” (Thi Thiên 19:10).
Trong các sách Tin Lành, chúng ta thấy Chúa Giê-xu khẳng định tính cần thiết của dinh dưỡng về mặt thuộc linh. Khi Ngài bị Sa-tan cám dỗ trong đồng vắng, Chúa Giê-xu đáp: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 4:4). Chúa Giê-xu cần đồ ăn thuộc linh của Kinh Thánh và khích lệ những ai theo Ngài cũng dùng nó thường xuyên.

Kinh Thánh. Quyển Sách Phước Hạnh. Ngôi Lời. Thánh Kinh. Lẽ Thật. Ngọn Đèn. Gươm. Hột Giống. Đồ Ăn.

Đây là một số phương thức mà mọi người đề cập đến Kinh Thánh. Mỗi tước hiệu này nêu bật một lợi ích khác nhau mà ai nấy trải nghiệm khi họ đọc và suy gẫm luôn về quyển sách quan trọng này.
Tôi hy vọng việc học hỏi thêm về một số danh xưng được gán cho Kinh Thánh khích lệ bạn phải mở quyển Kinh Thánh của bạn ra (một khi bạn có một quyển Kinh Thánh) và cho phép nó giúp bạn trên linh trình của mình.
 Tác giả: Lisa M. Samra
Người dịch: Đoàn Phan Danh (HTTLVN.ORG)

Thờ Phượng Chúa Thăng Thiên

Trong các ký thuật của Kinh Thánh thì sự thăng thiên là câu chuyện rất quan trọng đến nỗi Lu-ca không chỉ kể một, mà đến tận hai lần (Lu-ca 24:50-53; Công Vụ 1:6-11). Khi một người nào đó được cất lên trời, dường như đó là một sự kiện thật kỳ lạ đối với chúng ta, nhưng đó không phải là một khái niệm xa lạ với các tôn giáo khác trên thế giới. Truyền thống Do Thái cho rằng Môi-se đã được cất lên trời, và Hồi giáo dạy rằng vị tiên tri Mô-ha-mét của họ cũng được đem lên thiên đàng trong một thời gian.
Nhưng sự thăng thiên của Chúa Giê-xu rất khác với những câu chuyện này. Trong khi những câu chuyện thăng thiên khác đánh dấu những thời khắc quan trọng trong cuộc đời của những người đó, thì sự thăng thiên của Chúa Giê-xu bắt đầu một kỷ nguyên hoàn toàn mới của lịch sử loài người.
Thế nhưng, nhiều Cơ Đốc nhân sống trong thời đại mới này lại không suy ngẫm sự thăng thiên của Chúa Giê-xu đem đến sự gây dựng đức tin và khuôn đúc đời sống của họ ra sao. Khi chúng ta cùng nhau thờ phượng Chúa trong ngày lễ Thăng thiên này, hãy xem xét ba phương cách sau để chúng ta có thể tôn vinh Chúa Giê-xu là Đấng thăng thiên.
  1. Lắng nghe tiếng Chúa thăng thiên, là tiên tri của chúng ta
Trong vai trò Tiên tri, Chúa Giê-xu công bố luật pháp và Phúc Âm của Ngài qua chức vụ rao giảng Lời Chúa. Chúng ta biết “Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách” (Hê-bơ-rơ 1:1) và Đức Chúa Giê-xu là vị Tiên tri lớn hơn cả Môi-se (Phục Truyền 18:15-19). Hãy suy ngẫm cách Sứ đồ Phao-lô liên kết với Đấng Christ thăng thiên:
Nhưng sự công bình đến bởi đức tin, thì nói như vầy: Chớ nói trong lòng ngươi rằng: Ai sẽ lên trên trời? Ấy là để đem Đấng Christ xuống; hay là: Ai sẽ xuống vực sâu? Ấy là để đem Đấng Christ từ trong kẻ chết lại lên. Nhưng nói làm sao? Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng và trong lòng ngươi. Ấy là đạo đức tin mà chúng ta giảng dạy. Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Giê-xu ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu“(Rô-ma 10: 6-9)
Trong những ngày cuối cùng này, tác giả Hê-bơ-rơ nói với chúng ta, Đức Chúa Trời đã phán với chúng ta trong Con của Ngài. Chúa Giê-xu đã thăng thiên, vì vậy chúng ta không nên đi tìm những lời tiên tri mới nào trong các buổi nhóm hiệp đặc biệt hay trong một phương pháp thuộc linh mới mẽ nào. Thay vào đó, hãy để sự thăng thiên nhắc nhở chúng ta lắng nghe Đấng Cứu Rỗi đã sống lại của mình trong lời Chúa, trong những trang Kinh Thánh.
  1. Kêu cầu cùng Chúa thăng thiên, là thầy tế lễ của chúng ta.
Là thầy tế lễ của chúng ta, Chúa thăng thiên nắm giữ một vai trò quan trọng để giúp đỡ chúng ta khi Ngài đồng hành cùng chúng ta. Kinh Thánh dạy rằng, với tư cách là thầy tế lễ của chúng ta, Đấng Christ gánh thay tội lỗi của chúng ta (1 Giăng 2:1; Rô-ma 8:23) và ban ân điển cho con dân của Ngài (Ê-phê-sô 4:8).
Chúa Giê-xu không giống như các thầy tế lễ trần gian là những người chắc chắn sẽ chết. Chúa Giê-xu “hằng có đời đời, nên giữ lấy chức tế lễ không hề đổi thay. Bởi đó Ngài có thể cứu toàn vẹn những kẻ nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những kẻ ấy. Ấy đó thật là thầy tế lễ thượng phẩm mà chúng ta có cần dùng, thánh khiết, không tội, không ô uế, biệt khỏi kẻ có tội, được cất lên cao hơn các từng trời: không như những thầy tế lễ thượng phẩm khác, cần phải hằng ngày dâng tế lễ, trước vì tội mình, sau vì tội dân; Ngài làm việc đó một lần thì đủ cả, mà dâng chính mình Ngài làm tế lễ” (Hê-bơ-rơ 7: 24-27).
Chúa Giê-xu đã thăng thiên, vì vậy chúng ta đừng tìm kiếm sự khôn ngoan trần thế hay sự khéo léo của con người để được giúp đỡ. Hãy để sự thăng thiên nhắc nhở bạn kêu cầu cùng Đấng Cứu Rỗi và thầy tế lễ thăng thiên để nhận và sống với sự cứu rỗi của bạn.
  1. Tin cậy Chúa thăng thiên, là Vua sẽ trở lại của chúng ta
Là vua thăng thiên của chúng ta, Chúa Giê-xu sở hữu mọi thẩm quyền để thi hành công lý và phán xét ngay thẳng, loại bỏ những điều sai trật.
Kinh Thánh mô tả Chúa Giê-xu đang ngồi trên thiên đàng. Nhưng chúng ta không nên nhầm vị trí ngồi này ở đây là không làm gì. Không phải Ngài ngồi đó để hưởng thụ, nhưng Ngài là vua đắc thắng, là Đấng hành động. Chúng ta thấy trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ, tức là sau khi Chúa Giê-xu đã thăng thiên, Ngài vẫn tiếp tục đồng hành và hỗ trợ con dân yêu dấu của Ngài và chiến đấu chống lại kẻ thù. Trong khi bị ném đá, Ê-tiên “mắt ngó chăm lên trời, thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Giê-xu đứng bên hữu Đức Chúa Trời” (Công Vụ 7:55). Và Sau-lơ thành Tạt-sơ đã được Chúa thăng thiên bắt phục (Công Vụ 9:3-6).
Nhưng vị vua này không chỉ đã sống lại và đang trị vì, Ngài cũng sắp trở lại. Phi-e-rơ rao giảng Chúa Giê-xu như sau: “hầu cho các thời kỳ tươi mới mà Chúa ban cho sẽ đến, và để Ngài sai Đấng Christ, tức là Đức Chúa Giê-xu, Đấng đã được chỉ định trước, đến với anh em. Đấng ấy phải được giữ lại trên trời cho đến thời kỳ muôn vật phục hồi, như Đức Chúa Trời đã phán qua miệng các nhà tiên tri thánh từ nghìn xưa.” (Công Vụ 3:20-21 TTHĐ). Vị vua đã chịu đóng đinh trong đau yếu nhưng đã sống lại trong năng quyền. Tương tự như vậy, giờ đây Ngài cai trị trong ân điển, nhưng Ngài sẽ trở lại trong sự phán xét và bào chữa để hoàn thành vương quốc của Ngài trong vinh quang.
Chúa Giê-xu đã thăng thiên, vì vậy chúng ta đừng tìm đến các hệ thống chính trị hay xã hội trần gian như là phương thức giải quyết sự đổ vỡ của thế giới này. Hãy ngước mắt lên vị vua thăng thiên của chúng ta mỗi khi bạn đối diện với khó khăn, thử thách. Và hãy vững lòng, vì vua thăng thiên của bạn sắp trở lại.
Mục sư Matthew Westerholm
Hồng Nhung dịch
Nguồn: DesiringGod.org

HÀNH TRÌNH VỀ ĐẤT HỨA: Luật Về Lễ Vượt Qua


Xuất Ê-díp-tô Ký 12:43-50
43 Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se và A-rôn rằng: Đây là luật lệ về lễ Vượt qua: Phàm người ngoại bang chẳng được ăn lễ đó. 44 Còn về phần kẻ tôi mọi, là người bỏ tiền ra mua, ngươi hãy làm phép cắt bì cho, thì họ mới được ăn. 45 Khách ngoại bang và kẻ làm thuê cũng chẳng được phép ăn lễ đâu. 46 Lễ đó chỉ ăn nội trong nhà; ngươi đừng đem thịt ra ngoài, và cũng đừng làm gãy một cái xương nào. 47 Hết thảy hội chúng Y-sơ-ra-ên phải giữ lễ Vượt qua. 48 Khi một khách ngoại bang nào kiều ngụ nhà ngươi, muốn giữ lễ Vượt qua của Đức Giê-hô-va, thì mọi người nam của họ phải chịu phép cắt bì; đoạn, họ mới được đến gần giữ lễ nầy, và được coi như người sanh trong xứ. Nhưng ai không chịu phép cắt bì, thì chẳng được ăn đâu. 49 Cũng đồng một luật cho người sanh trong xứ cùng khách ngoại bang nào đến kiều ngụ giữa các ngươi.50 Toàn dân Y-sơ-ra-ên đều làm như lời Đức Giê-hô-va đã phán dặn Môi-se và A-rôn. Cũng trong ngày đó, Đức Giê-hô-va rút dân Y-sơ-ra-ên, tùy theo quân đội, ra khỏi xứ Ê-díp-tô.

Câu gốc:  “Lễ đó chỉ ăn nội trong nhà; ngươi đừng đem thịt ra ngoài, và cũng đừng làm gãy một cái xương nào. Hết thảy hội chúng Y-sơ-ra-ên phải giữ lễ Vượt Qua” (câu 46-47).
Câu hỏi suy ngẫm: Dân Chúa giữ lễ Vượt Qua như thế nào? Điều kiện nào để một người ngoại bang được tham dự lễ Vượt Qua? Ngày nay con dân Chúa phải ghi nhớ điều gì trong Thánh lễ Tiệc Thánh?
Lễ Vượt qua liên hệ trực tiếp với tai họa thứ mười Chúa giáng trên người Ai Cập. Trong khi mọi con trưởng nam và súc vật đầu lòng của người Ai Cập bị Đức Chúa Trời hành hại, thì Ngài đã vượt qua nhà của người Y-sơ-ra-ên có huyết con sinh bôi trên đầu cửa. Một con chiên hay dê một năm tuổi không tì vết phải chết thay cho các con trưởng nam trong gia đình tuyển dân. Đây là luật đời đời cho mọi thế hệ dân Chúa phải giữ để kỷ niệm sự kiện Chúa giải cứu họ ra khỏi Ai Cập. Giữ lễ Vượt Qua cũng là đặc ân dành riêng cho dân Chúa. Thịt con chiên không được bán ra ngoài. Tất cả người ngoại bang, từ khách vãng lai đến nô lệ trong nhà đều không được ăn thịt ngoại trừ họ đã được coi là người Y-sơ-ra-ên, đã làm phép cắt bì theo giao ước của Chúa với dòng dõi của ông Áp-ra-ham (Sáng Thế Ký 17:9-14). Đặc ân được giữ lễ Vượt Qua không chỉ đơn thuần là được ăn một bữa thịt nhưng mang ý nghĩa xác quyết niềm tin và được xác nhận là tuyển dân của Chúa, được ở trong mối tương giao đặc biệt với Ngài, nhận được sự hướng dẫn và bảo vệ của Ngài.
Việc ăn thịt con sinh tế trong lễ Vượt Qua phải rất thận trọng hầu cho không có một chiếc xương nào bị gãy như Lời Đức Giê-hô-va đã căn dặn (câu 46). Vì Con chiên trong lễ Vượt Qua là hình ảnh của Chúa Giê-xu, Đấng chết thay cho toàn nhân loại. Lời tiên tri đã được ứng nghiệm: “Chẳng một cái xương nào của Ngài sẽ bị gãy” (Dân Số Ký 9:12; Thi Thiên34:20; Giăng 19:36). Tuyển dân đã làm y theo lời, và trong ngày đó, Đức Giê-hô-va đã rút họ ra khỏi Ai Cập theo từng chi phái (câu 50).
Ngày nay, Cơ Đốc nhân được làm con dân của Đức Chúa Trời qua giao ước mới trong huyết của Chúa Giê-xu trong thánh lễ Tiệc Thánh (Lu-ca 22:20). Khi dự Tiệc Thánh, Cơ Đốc nhân phải ghi nhớ Lời Chúa đã dạy: Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh này, uống chén này, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến. Bởi đó, ai ăn bánh hoặc uống chén của Chúa cách không xứng đáng, thì sẽ mắc tội với thân và huyết của Chúa. Vậy mỗi người phải tự xét lấy mình, và như thế mới ăn bánh uống chén ấy; vì người nào không phân biệt thân Chúa mà ăn bánh uống chén đó, tức là ăn uống sự xét đoán cho mình” (I Cô-rinh-tô 11:26-29).
Bạn có cảm nhận được cảnh Chúa chịu khổ hình mỗi khi nhận lãnh Tiệc Thánh không? Có cam kết nào được dâng lên Chúa trong mỗi lần kỷ niệm Chúa chết vì bạn?
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì huyết Ngài đã đổ ra để tội con được tha, linh hồn con được cứu rỗi! Xin Chúa giúp con bước đi mỗi ngày với tấm lòng biết ơn và rao giảng sự chết của Ngài cho đến lúc Ngài trở lại.
HTTLVN.ORG

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

HÀNH TRÌNH VỀ ĐẤT HỨA: Ra Khỏi Ai Cập


Xuất Ê-díp-tô Ký 12:37-42
37 Dân Y-sơ-ra-ên đi từ Ram-se đến Su-cốt, số không kể con nít, được chừng sáu mươi vạn người đàn ông đi bộ. 38 Lại có vô số người ngoại bang đi lên chung, luôn với chiên, bò, súc vật rất nhiều. 39 Chúng bèn hấp bánh không men bằng bột của mình đã đem theo từ xứ Ê-díp-tô; bột không men, vì cớ bị đuổi khỏi xứ Ê-díp-tô không thế chậm trễ, và cũng chẳng sắm kịp lương thực chi được.40 Vả, thì kiều ngụ của dân Y-sơ-ra-ên tại xứ Ê-díp-tô được bốn trăm ba mươi năm. 41 Khi mãn bốn trăm ba mươi năm rồi, thì, cũng trong ngày đó, các quân đội của Đức Giê-hô-va ra khỏi xứ Ê-díp-tô. 42 Ấy là một đêm người ta phải giữ cho Đức Giê-hô-va, vì Ngài rút dân Y-sơ-ra-ên khỏi xứ Ê-díp-tô. Trải các đời, cả dân Y-sơ-ra-ên phải giữ đêm đó, để tôn trọng Đức Giê-hô-va. 
Câu gốc: Khi mãn bốn trăm ba mươi năm rồi, thì, cũng trong ngày đó, các quân đội của Đức Giê-hô-va ra khỏi xứ Ê-díp-tô (câu 41).
Câu hỏi suy ngẫm: Dân Y-sơ-ra-ên đã ra khỏi Ai Cập như thế nào? Chúa đã thực hiện lời hứa với ông Áp-ra-ham ra sao? Phân đoạn Kinh Thánh này nhắc nhở chúng ta điều gì về Đức Chúa Trời chúng ta đang tôn thờ?
Sau bao nhiêu năm trông đợi, giờ đây tuyển dân nếm trải sự tự do! Họ đi từ Ram-se đến Su-cốt, hướng đến con đường vào hoang mạc dẫn đến xứ Ca-na-an. Tại Ai Cập, Đức Chúa Trời đã làm thành lời hứa với ông Áp-ra-ham về một dòng dõi đông như sao trời, nhiều như cát biển (Sáng Thế Ký 15:5). Họ đã sinh sản nhiều thêm cách diệu kỳ khiến Pha-ra-ôn phải khiếp sợ. Bảy mươi người trong gia đình ông Gia-cốp ngày trước, giờ đây đã nhân lên đến sáu trăm nghìn đàn ông đi bộ (câu 37). Ước tính cả con trẻ, người già và phụ nữ thì dân số của tuyển dân lên đến hai triệu người. Bằng chứng hiện hữu sống động của Đức Chúa Trời giữa họ khiến một số đông người ngoại bang quyết định đi theo tuyển dân ra khỏi Ai Cập (câu 38).
Vì bị đuổi khỏi Ai Cập gấp rút, dân Chúa không có thời gian chuẩn bị lương thực, nên họ vội vã đem theo bột không men. Đây cũng là cơ hội để họ trải nghiệm sự chu cấp thực phẩm của Chúa trong đồng vắng. “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời” (Phục Truyền 8:3; Ma-thi-ơ 4:4). Đức Chúa Trời là Đấng chu cấp mọi nhu cần để chúng ta sống và sống dư dật!
Trong khi Chúa cho ông Áp-ra-ham biết dòng dõi của ông sẽ làm kiều dân ở đất khách, phải phục dịch cho dân bản xứ và bị họ áp bức trong bốn trăm năm (Sáng Thế Ký 15:13); dân Y-sơ-ra-ên đã sống ở Ai Cập 430 năm (câu 40). Thoạt nhìn, chúng ta thấy dường như sự giải cứu của Chúa đến chậm hơn ba mươi năm so với lời Ngài hứa. Nhưng nhìn lại lịch sử, tuyển dân đã có một thời gian được làm thượng khách, hưởng mọi sự ưu ái của Pha-ra-ôn khi ông Giô-sép còn làm tể tướng đương triều. Vậy nên tuyển dân cư ngụ tại Ai Cập 430 năm; trong đó phục dịch và bị người Ai Cập hà hiếp 400 năm. Chúa không chậm trễ như người ta tưởng.
Lời Chúa cho biết rằng: “Ấy là đêm Đức Giê-hô-va canh giữ, vì trong đêm đó Ngài đã đem dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập” (câu 42a BTTHĐ). Đức Chúa Trời thành tín biết bao! Ngài canh giữ thời điểm để giải cứu con dân Ngài đúng theo hoạch định tốt đẹp đã được ấn định. Chúng ta phải học hỏi và suy ngẫm Lời Chúa để hiểu đúng ý định của Chúa và yên nghỉ trong đức thành tín của Ngài. Sau cùng, Chúa muốn dòng dõi Y-sơ-ra-ên đáp ứng với lòng tôn kính và biết ơn Ngài qua việc giữ lễ Vượt Qua.
Bạn đã thể hiện lòng tôn kính và biết ơn Chúa như thế nào?
Lạy Đức Chúa Trời, Đấng tể trị trên mọi loài vạn vật, con tin Chúa là Đấng Toàn Tri, Toàn Năng, Công Bình và Yêu Thương. Cảm tạ Chúa cho con được làm con dân Ngài, được sống bình an trong sự hướng dẫn, chăm sóc, và giải cứu của Ngài.
HTTLVN.ORG

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

HỌC BIẾT VỀ 10 TAI VẠ: Tai Vạ Thứ Mười - Các Con Đầu Lòng Bị Giết Chết


Xuất Ê-díp-tô Ký 12:29-36
29 Vả, khi giữa đêm, Đức Giê-hô-va hành hại mọi con đầu lòng tại xứ Ê-díp-tô, từ thái tử của Pha-ra-ôn ngồi trên ngai mình, cho đến con cả người bị tù, và hết thảy con đầu lòng của súc vật. 30 Đương lúc ban đêm, Pha-ra-ôn, quần thần cùng hết thảy người Ê-díp-tô đều chờ dậy; có tiếng kêu la inh ỏi trong xứ Ê-díp-tô, vì chẳng một nhà nào là không có người chết. 31 Trong đêm đó, Pha-ra-ôn bèn đòi Môi-se và A-rôn mà phán rằng: Hai ngươi và dân Y-sơ-ra-ên hãy chờ dậy, ra khỏi giữa vòng dân ta mà đi hầu việc Đức Giê-hô-va, như các ngươi đã nói. 32 Cũng hãy dẫn bò và chiên đi, như lời các ngươi đã nói, và cầu phước cho ta nữa. 33 Người Ê-díp-tô thúc giục dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ mau mau, vì nói rằng: Chúng ta đều chết hết! 34 Vậy, dân sự đều đem bột nhồi rồi chưa men đi, và bọc những thùng nhồi bột trong áo tơi vác lên vai mình. 35 Vả, dân Y-sơ-ra-ên có làm y theo lời Môi-se đã dặn, xin người Ê-díp-tô những đồ bằng bạc và bằng vàng cùng áo xống. 36 Đức Giê-hô-va làm cho dân sự được ơn trước mắt người Ê-díp-tô, nên họ bằng lòng cho; và dân Y-sơ-ra-ên lột trần người Ê-díp-tô vậy. 
Câu gốc: “Vả, khi giữa đêm, Đức Giê-hô-va hành hại mọi con đầu lòng tại xứ Ê-díp-tô, từ thái tử của Pha-ra-ôn ngồi trên ngai mình, cho đến con cả người bị tù, và hết thảy con đầu lòng của súc vật” (câu 29).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa đã làm gì với người Ai Cập như lời Chúa báo trước? Tại sao Chúa đoán phạt trên toàn dân Ai Cập? Vua và dân Ai Cập đã làm gì với dân Chúa khi tai vạ ập đến? Chúng ta rút ra những bài học nào để áp dụng trong cuộc sống?
Chúa đã hành hại tất cả con đầu lòng của người Ai Cập như lời Ngài đã cảnh cáo trước (câu 29). Chúa ban cho con người quyền tự do quyết định nhưng phải tự nhận lấy hậu quả về hành động của mình. Sự phán xét khủng khiếp của Chúa có thể đến nhanh hay chậm nhưng chắc chắn sẽ đến trong thời điểm Ngài quy định. Có thể chúng ta thắc mắc tại sao vua Ai Cập cứng lòng nhưng Chúa lại đoán phạt trên toàn dân Ai Cập. Ê-xê-chi-ên 33:11 chép rằng: “Thật như Ta hằng sống, ta chẳng lấy sự kẻ dữ chết làm vui, nhưng vui về nó xây bỏ đường lối mình và được sống.” Với trí hiểu hạn hẹp, chúng ta không thể hiểu hết công việc Chúa làm, nhưng Kinh Thánh cho biết Ngài không tuyệt diệt họ, mà để cho họ con đường sống. Mục đích của sự đoán phạt trên dân Ai Cập là để họ và mọi dân trên đất nhận biết Danh của Ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:15-16).
Sự hoảng sợ lên đến tột đỉnh khi người Ai Cập mất con đầu lòng! Trong đêm kinh hoàng đó, Pha-ra-ôn và quần thần triệu ngay ông Môi-se và ông A-rôn vào cung, yêu cầu hai ông đưa dân Chúa và cả súc vật đi ngay mà không còn ra một điều kiện nào cả. Vua còn yêu cầu ông Môi-se cầu phước cho ông. Người Ai Cập cũng thúc giục tuyển dân mau ra khỏi xứ họ vì sợ sự chết cũng sẽ xảy đến với họ. Họ sẵn lòng tặng đồ bằng bạc, vàng, và áo xống cho tuyển dân cho đến khi bị lột trần! Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên. Vua Ai Cập muốn giữ dân Chúa để tiếp tục làm giàu cho người Ai Cập, nhưng Đức Chúa Trời đã lấy lại sự công bằng cho tuyển dân. Sự việc này ứng nghiệm lời tiên tri cho ông Áp-ra-ham “Phải biết rằng, dòng dõi ngươi sẽ ngụ trong một xứ chẳng thuộc về chúng nó, làm tôi mọi cho dân xứ đó và bị họ hà hiếp bốn trăm năm. Nhưng, ta sẽ đoán phạt dân mà dòng dõi ngươi sẽ làm tôi mọi đó; rồi khi ra khỏi xứ, thì sẽ được của cải rất nhiều” (Sáng Thế Ký 15:13-14).
Bài học này cho chúng ta thấy của cải quý giá nhưng mạng sống con người còn quý hơn; và Đức Chúa Trời nắm giữ cả hai. Chúa là Đấng Toàn Tri, Toàn Năng, Công Bình và Thành Tín. Mọi thế lực chống cự Ngài đều sẽ tiêu tan. Con người không được khinh dể lời Chúa cảnh báo nhưng phải ăn năn, quy phục Ngài ngay.
Bạn có quan tâm đến những lời cảnh báo của Chúa trong Kinh Thánh không?
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã hy sinh Con Một của Ngài để ban sự sống đời đời cho con và cho mọi người tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu! Xin giúp con núp dưới bóng cánh toàn năng của Ngài luôn luôn.
HTTLVN.ORG

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2019

Sự Phong Phú Đáng Kinh Ngạc của Thi Thiên 23


Thi Thiên 23 là một tác phẩm rất lạ lùng.
Tôi đoán nếu bạn hỏi hầu hết các tín đồ thì họ đều có thể trích dẫn dòng thứ nhất của Thi Thiên này Nhưng giống như rất nhiều việc, chúng ta sẽ trở nên quá quen thuộc với Thi Thiên này, chúng ta thường có thể đọc nó một cách nhanh chóng và làm nổi bật sự phong phú mà nó mô tả. Đối với những người tin theo Chúa Giê-xu và các tin tức tốt lành trong mọi sự Ngài đã làm cho chúng ta, Thi Thiên 23 là một kho tàng của sự giàu có đáng kinh ngạc.
Vì vậy, hãy để mở chiếc rương kho tàng này ra và dành thời gian để xem xét một số đá quý mà nó chứa.

Đức Giê-hô-va là Đấng Chăn Giữ tôi (câu 1)

Hãy suy nghĩ về câu này xem – Đức GIÊ-HÔ-VA – Đấng Dựng Nên các dãy thiên hà, Đấng cai quản các đạo binh trên trời, Đấng nâng đỡ muôn vật bởi Lời của Ngài, Đấng biết tên của từng ngôi sao và vị trí của từng hạt cát, Đấng có Quyền Phép Vô Hạn, Đấng tể trị trên lịch sử và từng chi tiết trong cuộc đời của chúng ta, Đấng ban sự sống cho từng tạo vật từ bậc vua chúa cho đến các loài đơn bào – Đức GIÊ-HÔ-VA – là Đấng Chăn Giữ TÔI.
Đấng Chăn Giữ TÔI.
Nếu bạn tin theo Chúa Giê-xu, thì Ngài là Đấng Chăn của riêng bạn. Ngài quan tâm đến từng chi tiết của cuộc đời bạn. Ngài dõi theo bạn và trông chừng bạn. Ngài yêu thương bạn thật mãnh liệt, bởi vì Ngài đã đổ chính huyết Ngài ra để mua chuộc bạn. Ngài không chịu chết vì số nhân loại đông đảo mà vì bạn và tôi. Ngài đã trả giá cho từng thứ tội lỗi của chúng ta. Bởi vì Ngài đã mua chúng ta bằng huyết của Ngài, Ngài sẽ dẫn dắt, quan tâm và tiếp trợ cho chúng ta.
Vì lẽ đó, mỗi một người chúng ta có thể đưa ra câu nói: “tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì”.
Chúa Giê-xu sẽ làm thoả mãn từng nhu cần chân chính của bầy chiên Ngài. Ngài sẽ tiếp trợ cho chúng ta; Ngài sẽ không để cho chúng ta thiếu thốn đâu. Và vì Ngài là CHÚA, Ngài có quyền làm phu phỉ từng nhu cần chân chính của chúng ta. Không một “đấng chăn” nào khác có thể làm được điều đó. Nếu Bill Gates là người chăn của tôi, dù ông ta rất giàu có, ông ta không thể cung ứng cho tôi sự vui mừng sâu sắc, lâu dài. Ông ta không thể ban cho tôi quyền phép thắng hơn tội lỗi và sự cám dỗ. Không một người nào có thể hiệp mọi sự trong đời sống tôi để làm ích cho tôi.
Tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì. Không những đây là sự thật, mà tôi thường nghĩ đến nó như một quyết định riêng tư.
Nếu tôi biết Đức Chúa Giê-xu Christ là Chúa lo chăm sóc và dẫn dắt tôi, thế thì tôi sẽ không lằm bằm hay than phiền nữa. Tôi sẽ thực hiện từng nỗ lực để liên tục dâng lên lời cảm tạ Chúa. Tôi biết Đấng Chăn của tôi quan tâm đến lợi ích của tôi trong tấm lòng Ngài, và Ngài sẽ ban cho tôi mọi sự tôi có cần, vì vậy tôi sẽ thoả lòng ở trong Ngài.

Ngài khiến tôi yên nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi (câu 2a)

Đồng có xanh tươi là một bức tranh nói tới sự dư dật, yên nghỉ và thoải mái. Một con chiên nằm xuống nơi đồng cỏ xanh tươi sẽ chẳng có lo lắng gì trong thế gian – con chiên ấy có đầy thức ăn phong phú ở chung quanh. Con chiên ấy không lo lắng về việc mình có đủ ăn hay không!?! Đấng Chăn Nhân Lành của nó tiếp trợ cho rất phong phú.
Đồng cỏ xanh tươi phong phú nhất Chúa Giê-xu là Đấng Chăn của chúng ta khiến cho “nằm xuống” theo lời của Ngài. Lời của Ngài đầy dẫy các lời hứa đầy sự yên ủi và khôn ngoan phong phú. Lời của Ngài trưởng dưỡng, nâng đỡ, làm vui thoả và bảo hộ chúng ta.
Trong các dân trên mặt đất, chúng ta là những người nhìn biết Chúa Giê-xu có Lời của Ngài.
Hãy ở trong Lời của Ngài. Nguyện Chúa Giê-xu giúp cho bạn “nằm xuống” trong đó, suy ngẫm luôn Lời ấy. Ngài sẽ phán cùng bạn, và ban cho bạn đức tin, khích lệ và làm cho bạn thoả lòng.

Dẫn tôi đến mé nước bình tịnh (câu 2b)

Mé nước bình tịnh mô tả sự bình an. Chính Đức GIÊ-HÔ-VA này, là Đấng phán với cho gió và sóng Biển Ga-li-lê và khiến chúng phải im lặng, dẫn bầy chiên Ngài vào sự hoà thuận lại với Đức Chúa Trời. Vì Chúa Giê-xu đã gánh lấy cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời mà chúng ta đáng phải gánh lấy, chúng ta được làm hoà lại với Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu cất bỏ những phạm thượng của chúng ta trước mặt Đấng Thánh. Giờ đây, chúng ta được phục hoà, Đức Chúa Trời kể chúng ta là con nuôi y như chính con ruột của Ngài vậy. Đây là sự bình an tối hậu.
Đấng Chăn của chúng ta cũng dẫn dắt chúng ta vào sự bình an trong đời này. Ngài bảo chúng ta đừng lo lắng mình sẽ ăn gì, uống gì, mặc gì, vì Cha chúng ta là Đấng tiếp trợ cho loài chim sẻ chắc chắn sẽ tiếp trợ cho con trai con gái của Ngài. Chúa Giê-xu dẫn chúng ta vào sự bình an, rồi giúp chúng ta tin cậy Ngài ở giữa mọi thử thách. Ngài dẫn chúng ta vào sự hoà thuận với các anh chị em của chúng ta. Ngài giúp đỡ chúng ta tin cậy Ngài, nhìn biết Ngài đang nắm quyền tể trị trong muôn vật.
“Bây giờ, hỡi Gia-cốp! Đức Giê-hô-va là Đấng đã dựng nên ngươi, hỡi Y-sơ-ra-ên! Ngài là Đấng đã tạo thành ngươi, phán như vầy: Đừng sợ, vì ta đã chuộc ngươi. Ta đã lấy tên ngươi gọi ngươi; ngươi thuộc về ta. Khi ngươi vượt qua các dòng nước, ta sẽ ở cùng; khi ngươi lội qua sông, sẽ chẳng che lấp. Khi ngươi bước qua lửa, sẽ chẳng bị cháy, ngọn lửa chẳng đốt ngươi. Vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, Đấng Thánh của Y-sơ-ra-ên, Cứu Chúa ngươi. Ta ban Ê-díp-tô làm giá chuộc ngươi, Ê-thi-ô-bi và Sê-ba làm của thay ngươi” (Ê-sai 43:1-3).
Vì Chúa Giê-xu đã chuộc chúng ta, gọi đích danh chúng ta, rồi khiến chúng ta thuộc về Ngài, thì Ngài sẽ luôn luôn ở cùng chúng ta, vô luận chúng ta nếm trải điều gì. Và vì Ngài là GIÊ-HÔ-VA Đức Chúa Trời và Cứu Chúa của chúng ta, Ngài sẽ chẳng để cho một việc gì quá sức chịu đựng của chúng ta. Ngài sẽ ban bình an cho chúng ta.

Ngài bổ lại linh hồn tôi (câu 3a)

Đau khổ, nhọc nhằn, và thách thức từng ngày trong cuộc sống có thể làm cho chúng ta phải cạn kiệt đi. Nhưng Chúa Giê-xu phục hồi chúng ta từng ngày một.
Mỗi buổi sáng chúng ta đều có hy vọng mới mẻ, ân điển được đổ ra mới mẻ. Ngài phục hồi chúng ta lại rất nhiều lần. Ngài phục hồi đức tin chúng ta rồi ban ơn tươi mới cho chúng ta.
Tôi là Mục sư trong Hội Thánh này đã 37 năm. Và giống như tôi, con dân Chúa tôi yêu mến và chăn giữ đã có những thử thách và phấn đấu của họ. Chăn giữ là khích lệ và rất thú vị, song chức vụ ấy cũng căng thẳng và dễ kiệt quệ. Tôi đã đối diện với nhiều tình huống thực sự nhọc nhằn, song mỗi buổi sáng Chúa Giê-xu bổ lại linh hồn tôi. Từng ngày, Ngài ban cho tôi sự vui mừng, sự trông cậy và đủ ơn cho mỗi ngày.

Ngài dẫn tôi vào các lối công bình vì cớ danh Ngài (câu 3b)

Tôi thích lời hứa này. Đấng Chăn Hiền Lành của chúng ta hứa dẫn chúng ta vào các lối công bình, giải cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi và bảo vệ chúng ta không sa ngã. Một trong những lời hứa mà tôi ưa thích là Thi Thiên 32:8:
“Ta sẽ dạy dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi; Mắt ta sẽ chăm chú ngươi mà khuyên dạy ngươi.”
Chính Đức Chúa Trời hứa dạy dỗ theo cách riêng, dạy dỗ và mưu luận với chúng ta với mắt Ngài chăm chú trên chúng ta. Ngài không sai thiên sứ đến bảo chúng ta phải đi đâu và chúng ta phải làm gì, mà chính mình Ngài bảo chúng ta.
Và như Thi Thiên 23:3 chép, Ngài dẫn dắt chúng ta “vì cớ danh Ngài”, không những vì ích cho chúng ta mà còn vì sự vinh hiển của Ngài nữa – “vì cớ danh Ngài”. Đấng Chăn Hiền Lành của chúng ta dẫn dắt, mưu luận cùng chúng ta đi theo các đường lối của Ngài và dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Cha. Sự vinh hiển của Đức Chúa Cha luôn luôn là ưu tiên một của Chúa Giê-xu, và đó là ưu tiên một của Ngài cho đời sống của chúng ta.
Dầu trong thời buổi tối tăm, Đấng Chăn chúng ta hứa ở cùng chúng ta.

Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi(câu 4a).

Trũng bóng chết ý nói khi chúng ta sắp qua đời hoặc ý nói tới các thời điểm đau khổ hoạn nạn. Tuy nhiên, Chúa Giê-xu hứa Ngài sẽ ở cùng chúng ta bất luận chúng ta nếm trải điều gì. Chúng ta có thể không ý thức được sự gần gũi của Ngài, nhưng Ngài hứa Ngài không lìa chúng ta cũng không bỏ chúng ta.
Khi mẹ già của tôi bị chẩn đoán với chứng Alzheimer, bà nói: “Mẹ hy vọng mẹ không bao giờ quên Chúa Giê-xu, và mẹ mong không bao giờ quên con cái mình”. Và tôi nói: “Mẹ ơi, dầu nếu mẹ quên Chúa Giê-xu, Ngài sẽ không hề quên mẹ đâu. Và chúng con cũng sẽ chẳng bao giờ quên mẹ”. Như Đức Chúa Trời hứa ở Rô-ma 8:
Vì tôi chắc rằng bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Giê-xu Christ, là Chúa chúng ta (các câu 38-39).
Và Đấng Chăn chúng ta luôn luôn bảo đảm Ngài ở cùng chúng ta:

Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi (câu 4b)

Tôi có đọc thấy khi những kẻ chăn chiên dẫn bầy của họ vào bóng tối tăm, nếu một con chiên bị lạc, người chăn “móc” lấy con chiên rồi đưa nó trở lại với chỗ cong của cây trượng. Người chăn đánh trả bầy sói với cây gậy của người. Những người chăn chiên cũng sử dụng roi của họ vỗ nhẹ vào sườn chiên khi nó muốn rời khỏi bầy. Chúa Giê-xu liên tục bảo vệ chúng ta và giúp chúng ta không phải đi lạc.
Nửa phần thứ hai của Thi Thiên này phác hoạ Chúa chúng ta là Đấng Chủ Tể giàu ơn đang phục vụ chúng ta tại bàn của Ngài:

Chúa dọn bàn cho tôi trước mặt kẻ thù nghịch tôi; Chúa xức dầu cho đầu tôi, chén tôi đầy tràn (câu 5)

Có thể chúng ta có kẻ thù trong đời này, nhưng kẻ thù quan trọng nhất của chúng ta là Sa-tan, hắn mong muốn cướp khỏi chúng ta sự vui mừng trong Đấng Christ. Nhưng mặc dù hắn cứ rinh mò về chúng ta, Chúa Giê-xu có dư dật cho chúng ta. Đấng Chủ Tể của chúng ta đang dọn bàn, và ở trong Ngài chúng ta có tiệc tùng liên miên. Chúa Giê-xu xức dầu cho chúng ta với Thánh Linh của Ngài và chén chúng ta đầy tràn – trong Đấng Christ chúng ta có nhiều hơn chúng ta cần – vui mừng, bình an, sức lực và từng việc tốt lành nữa.
Đấng Chủ Tể của chúng ta bảo đảm với chúng ta về một tương lai diệu kỳ, cả trong đời này và đời hầu đến:

Quả thật, trọn đời tôi phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi (câu 6a)

Có thể bạn nghĩ, nhưng há Lời của Đức Chúa Trời không nói cho chúng ta biết người tin Chúa sẽ chịu khổ đủ thứ và chúng ta không ngạc nhiên khi điều đó xảy ra sao? Phải, song vì Đấng Chăn Hiền Lành của chúng ta đang tể trị, với sự khôn ngoan và tình yêu vô hạn, Ngài khiến mọi sự hiệp lại làm ích cho chúng ta. Vô luận điều chi xảy ra cho chúng ta, Ngài đổ ơn thương xót của Ngài giáng trên chúng ta từng ngày một trong đời sống của chúng ta.
“Ta nhớ lại sự đó, thì có sự trông mong: Ấy là nhờ sự nhân từ Đức Giê-hô-va mà chúng ta chưa tuyệt. Vì sự thương xót của Ngài chẳng dứt. Mỗi buổi sáng thì lại mới luôn, sự thành tín Ngài là lớn lắm” (Ca thương 3.21-23).

Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va cho đến lâu dài (câu 6b)

Khi chúng ta tin theo Chúa Giê-xu, Ngài ban cho chúng ta sự sống đời đời trong sự hiện diện của Ngài. Một ngày kia, chúng ta sẽ nhìn thấy sự đẹp đẽ ngoạn mục không tưởng được của Ngài cho đến đời đời. Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt và hết thảy chúng ta sẽ nhìn biết trong cõi đời đời sẽ tràn ngập sự vui mừng nơi tiệc cưới Chiên Con.
———
Mark Altrogge là Mục sư của Hội thánh Saving Grace ở Indiana, bang Pennsylvania, từ năm 1982. Ông đã viết hàng trăm bài ca cho sự thờ phượng, gồm bài “I Stand in Awe” và “I’m Forever Grateful”. Mark và vợ ông, Kristi, có năm đứa con và năm đứa cháu.
Mark Altrogge
Người dịch: Đoàn Phan Danh (HTTLVN.ORG)

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2019

ĐIỀU GÌ XẢY RA KHI XÃ HỘI PHÁT TRIỂN?

I. Thực trạng xã hội hiện nay
A. Xã hội phát triển – Tính cách con người thay đổi
Nền văn minh của nhân loại hiện nay ngoài những thành tựu về sự phát triển do khoa học kỹ thuật mang lại, thì tình trạng đạo đức của con người đang tụt dốc và càng ngày càng sa đọa nghiêm trọng.
Chẳng khó để chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh lũ trẻ bám víu vào công nghệ để tìm kiếm niềm vui. Nhưng đằng sau những niềm vui ấy, chúng đã bị mất đi cả tuổi thơ hồn nhiên. Tất nhiên, chúng ta không thể phủ nhận rằng hiện nay là thời đại công nghệ. Khắp nơi đều là những món đồ điện tử, từ rẻ cho đến đắt tiền, vật bất ly thân của con người đó là điện thoại di động. Thông tin cá nhân được lưu trên máy chủ, các dịch vụ điện tử, mua sắm trên mạng, đủ các kiểu phục vụ nhu cầu cho con người. Cuộc sống bắt đầu đi vào guồng quay không thể kiểm soát được, những thiếu nhi, thiếu niên thời nay không giống  tuổi thơ những thời trước nhưng lại gắn liền với những chiếc Ipad. Mỗi ngày, mỗi giờ đều “tự kỷ” với chiếc điện thoại trên tay, không còn quan tâm đến ai hết, thậm chí là người nhà mình. Những người hàng xóm thân quen trở thành xa lạ. Môi trường của những người trẻ đang tiếp xúc mỗi ngày đó không có tình yêu thương, họ không cảm nhận được yêu thương là thế nào, họ máy móc. Chính lẽ đó nên họ không thể yêu thương người khác được. Dần dần tất những điều đó hình thành tính cách của con người trong xã hội thời hiện đại, một tính cách ngang bướng, bất cần và ngỗ nghịch, dễ dàng nóng giận, gây gỗ và sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được mục đích sau cùng. Chính vì lẽ đó, tội ác xuất hiện sẽ càng nhiều, và mức độ sẽ càng trở nên trầm trọng hơn.
Dĩ nhiên không ai có thể phủ nhận giá trị vật chất mà xã hội phát triển mang lại, bởi nó đem lại cho chúng ta những sự tiện lợi nhất định, có được một cuộc sống đầy đủ hơn, tiện nghi hơn. Nó đáp ứng cho chúng ta về mặt vật chất và một chút gì đó về tinh thần. Vậy đó, xã hội ngày càng phát triển, sẽ đem lại những hệ quả, tốt và  xấu. Vì vốn dĩ điều gì cũng có hai mặt của nó.
B. Xã hội phát triển -Tội ác càng nhiều
Điều thực tế xảy ra hằng ngày trên mạng xã hội, trên các trang báo đều có các tin tức về những vụ giết người. Cha giết con, cưỡng hiếp cướp tài sản, giết nhau chỉ vì tiền…và những vụ án đó xảy ra bởi vì con người không còn nhân tính.
Xã hội càng phát triển, tội ác càng gia tăng, cụ thể trong thời gian qua xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng cá nhân hoặc băng nhóm dùng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong xã hội. Bạo lực xảy ra ngang nhiên, công khai trước thanh thiên bạch nhật, ngay tại trong gia đình, nơi công cộng, trường học, bệnh viện… mà không cần phải lén lút trong bóng tối. Một món nợ vài triệu đồng, một cái nhìn vô tư của một người xa lạ cũng được coi là “nhìn đểu”, một vụ xô xát nhẹ trên đường, một lời nói vô tình… cũng là những lý do để bạo lực có cớ xuất hiện. Phương tiện thực hiện bạo lực gồm đủ các loại hung khí nguy hiểm như dao, kiếm, mã tấu, kể cả súng đạn là loại cấm hoặc hạn chế sử dụng trong đời sống dân sự cũng được đem ra. Những vụ thanh toán đẫm máu gần đây đã khiến dư luận có cảm tưởng cái ác đang tự do lộng hành, gây nên nỗi lo sợ trong đời sống thường nhật của người dân. Và tỉ lệ phạm tội là những người trẻ là: người phạm tội từ 18 – 30 tuổi chiếm khoảng 70%, dưới 18 tuổi chiếm 8%, tỷ lệ này cũng đang có chiều hướng gia tăng. Đa số người phạm tội đều phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự, con số này chiếm 82% (Theo Báo Mới 21/10/2018). Các đây không lâu, nhiều tờ báo đã đăng tin về vụ việc “Chơi đùa với con trong công viên, cha bị đâm chết vì tưởng bắt cóc trẻ em”. Bài báo trên trang Báo Mới cho biết nạn nhân dẫn con mình đi dạo thì người bán vé số nhìn và la bắt cóc trẻ em, dù nạn nhân có giải thích nhiều lần là con ruột của mình nhưng hung thủ dí theo và đâm vào nạn nhân ngay tim và tử vong tại bệnh viện. [1] Chỉ vì một lời nói của người bán vé số và rượu mà đứa trẻ mất cha. Nạn nhân trong vụ việc kể trên là tín đồ của Hội Thánh Tin Lành Hậu Nghĩa, Long An.
C. Xã hội càng phát triển – Tội ác càng trẻ hóa
Các hung thủ đều trong lứa tuổi rất trẻ và chắc chắn thiếu hẳn sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của gia đình. Bản thân lại thích ăn chơi, đua đòi… nên đã gây tội ác ở lứa tuổi đẹp nhất đời người. Theo thống kê hơn 3.340 trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật trong sáu tháng đầu năm 2017. Số liệu thống kê của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64), Bộ Công an cho thấy trong hai năm (2014-2015), toàn quốc xảy ra hơn 17.000 vụ vi phạm pháp luật do hơn 25.000 trẻ em và người chưa thành niên gây ra. Trong đó, phần lớn là các hành vi cướp tài sản (2.105 vụ), cố ý gây thương tích (3.236 vụ), gây rối trật tự công cộng (2.035 vụ), trộm cắp tài sản (4.027 vụ)…Cơ quan công an đã xử lý hình sự 5.667 vụ với hơn 8.300 người. Đáng chú ý, số trẻ dưới 14 tuổi chiếm tỉ lệ gần 20%. Thống kê mới đây của Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh cho thấy rất nhiều đối tượng phạm các tội liên quan đến ma túy, tội phạm hình sự phần lớn có sử dụng ma túy. Trong khi đó số đối tượng nghiện ma túy tuổi từ 16 đến dưới 30 chiếm hơn 60%. Từ đó cho thấy số đối tượng phạm tội hình sự đều ở lứa tuổi còn rất trẻ. [2]
D. Xã hội phát triển – Con người sống “mackeno” (mặc kệ nó)
Một bộ phận giới trẻ hiện nay coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của mình và người khác. Họ sẵn sàng làm mọi việc để có thể thỏa mãn các nhu cầu của bản thân, bất chấp nhu cầu đó có chính đáng hay không, việc làm của mình có phạm pháp hay không. Con người không thể kìm chế tự ái của mình, hay cơn giận khi sĩ diện bị xúc phạm. Không dễ dàng bỏ qua lỗi lầm của người khác hoặc hành vi xúc phạm của người khác đối với mình.
Một đứa trẻ đang ở tuổi học tập làm người lớn thì nó sẽ học được gì khi mà thế giới xung quanh nó luôn là những thứ mang tính tiêu cực: người lớn không tôn trọng nhau, sẵn sàng mạt sát nhau kể cả trên mạng ảo, những sai lầm của người nổi tiếng (dù cố ý hay vô ý), cũng bị đem ra mổ xẻ đầy soi mói, ác ý. Sự vô cảm của cả xã hội trước những hành vi man rợ, tàn bạo, tính bốc đồng và bầy đàn của đám đông. Đời sống của con người đang phát triển mạnh mẽ về công nghệ, máy móc, con người có thể kiếm được nhiều tiền hơn, giàu có hơn, nhưng lại tỉ lệ nghịch với sự quan tâm giữa người với người. Vô cảm là một căn bệnh hiện không có trong danh sách của ngành y học, nhưng nó đã ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống con người. Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, một số người chỉ lo vun vén cho đời sống cá nhân và quay lưng lại với cộng đồng xã hội. Chỉ lo chạy theo giá trị vật chất, đôi khi con người ta đã vô tình đánh mất đi vẻ đẹp đích thực của tâm hồn. Cuộc sống dù có sung túc hơn, giàu sang hơn, nhưng khi con người không biết quan tâm yêu thương nhau, thì đó vẫn không được xem là cuộc sống trọn vẹn được. Sự vô cảm đánh mất dần giá trị nhân văn trong cuộc sống vốn có, làm khoảng cách giữa con người với con người ngày càng rộng lớn, đó là khoảng cách giữa các tâm hồn, khoảng trống của lòng người. Con người sẽ trở thành những cỗ máy vô tri, vô giác, nó vô tình tiếp tay cho cái xấu trong xã hội. Và từ sự vô cảm đó làm cho con người mất hết tình người mất hết nhân tính. Trong Kinh Thánh có chép: “Vì sự gian ác sẽ gia tăng nên tình yêu thương của nhiều người cũng phai nhạt dần” (Ma-thi-ơ 24:12 – BDM).
Vô cảm chính là sự trơ lì cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ, “máu lạnh” với những hiện tượng đời sống xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân. Ra đường gặp cái đẹp không mảy may rung động; gặp cái tốt không ủng hộ; thấy cái xấu, cái ác không dám lên án, không dám chống lại…Trước đây, vô cảm chỉ là những hiện tượng đơn lẻ, nhưng bây giờ đang có chiều hướng lây lan, nếu không có những biện pháp ngăn chặn thì có thể trở thành một căn bệnh có tính xã hội. Trong cơn lốc toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cùng với việc tiếp thu những tinh hoa của văn minh nhân loại thì lối sống hưởng thụ và mặt trái của nền kinh tế thị trường đang tác động mạnh đến tâm lý xã hội, dần dần hình thành lối sống thực dụng trong một bộ phận người Việt Nam. Người ta có thể thản nhiên đứng nhìn cảnh một kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu; một vụ nữ sinh lột áo, giật tóc, đánh hội đồng; một vụ làm nhục người khác… như xem một màn kịch, lấy điện thoại ra quay rồi tung lên mạng. Người ta coi như không nhìn thấy kẻ gian móc túi trên xe buýt mặc dù việc đó xảy ra sờ sờ trước mắt. Từ những chuyện tranh cãi hay xô xát lặt vặt nhưng không ai lên tiếng can ngăn và thế là dẫn tới án mạng. Tại sao người ta không can thiệp? Bởi người ta vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Bởi người ta sợ liên lụy, mang vạ vào thân. Khi sự gắn kết giữa người với người trong xã hội bị rạn nứt, thậm chí bị đứt gãy thì nó làm cho con người không dám tin vào điều thiện, không dám đứng lên chiến đấu chống cái xấu và cái ác.
Qua báo chí, chúng ta biết tại Đồng Nai, ngày 26/7, chỉ vì anh Lưu Minh Trung (22 tuổi, ngụ xã Phú Xuân, huyện Tân Phú) giặt giẻ lau làm văng nước ra xung quanh mà bà Nguyễn Thị Ánh Hồng (41 tuổi, bán thịt heo ở chợ Phương Lâm, xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) tức giận, dẫn đến cãi nhau. Thấy Trung xông tới định đánh, sẵn dao trong tay, bà Hồng đâm 2 nhát trúng ngực và bụng khiến nạn nhân tử vong. [3] Một vụ án mạng khác: Vì từ chối nhậu tiếp mà anh Đỗ Văn Oanh (24 tuổi) bị nhân viên một quán thịt vịt trên phố Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) lao vào đâm chết, 3 người bạn đi cùng bị thương nặng. Vụ việc xảy ra vào rạng sáng 15-6…[4]. Đây là những vụ án vì sự vô cảm và xem thường mạng sống của người khác và giết nhau.
II. Những điều cần phải làm
A. Thực hành Lời Chúa dạy
Qua những điều trên chúng ta là một Cơ Đốc nhân chúng ta phải sống và làm gì? Vì như có chép rằng: “Vậy anh em hoặc ăn hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (I Cô-rinh-tô 10:31).Chúa Giê-xu kể câu chuyện thầy tế lễ thấy người bị nạn nằm bên đường mà không cứu, người Lê-vi cũng thấy người bị nạn cũng không cứu, chỉ có người Sa-ma-ri thấy người bị nạn là ra tay cứu ngay. Nếu trì hoãn không cứu ngay thì kết cuộc người bị nạn rất thê thảm. (Lu-ca 10:30-35).
Người chăn chiên mất một con chiên (trong Lu-ca 15), ông ta lo tìm chiên ngay, không chần chờ, không trì hoãn. Thử nghĩ xem, nếu để vài ngày sau mới lo đi tìm chiên thì thế nào? Chắc chắn vì quá trễ, vì chiên bị đi lạc quá xa, bị người khác bắt hoặc ở trong bụng thú dữ rồi. Chúng ta đang nhìn thấy cảnh tượng gì trong sách Ê-xê-chi-ên 34:6 “Những chiên ta đi lạc trên mọi núi và mọi đồi cao, chẳng có ai kiếm, chẳng có ai tìm”. Người chăn bầy thuộc linh cần nhìn thấy những con chiên bị lạc mất để ra tay cứu giúp, các bậc cha mẹ phải thấy con mình đang trong tình trạng nguy hiểm về thuộc linh, có thể chết mất trong tội lỗi, phải nhìn thấy lo cứu và cứu ngay.
Phải chăng giới trẻ, thanh niên, thiếu niên, thiếu nhi đang bị bỏ rơi và bị lạc mất ngay trong chính Hội Thánh của chúng ta? Hội chúng không quan tâm đã đành, còn giới lãnh đạo, những người chịu trách nhiệm, các bậc phụ huynh cũng thờ ơ sao? Có thể chúng ta nói chúng ta đã quan tâm, nhưng chúng ta đã quan tâm lúc nào, vào thời điểm nào? Phải chăng khi thời điểm tệ hại nhất? Phải chăng khi nếp sống diễn biến theo chiều hướng xấu lúc đó mới quan tâm chăng? Hãy nhớ trong ẩn dụ Chúa kể, người chăn có một trăm con chiên chỉ lạt mất một con, là người chăn biết lo đi tìm ngay. Chi tiết này cho thấy người chăn luôn luôn quan tâm đến bày đàn của mình, một sự quan tâm tích cực. Còn bầy chiên của chúng ta thì sao?
B. Người lớn cần làm gương tốt cho người nhỏ.
 Là con cái Chúa, cần được soi rọi dưới ánh sáng Phúc Âm và góc nhìn Cơ Đốc, chúng ta biết rằng càng gần ngày Chúa trở lại, ma quỷ, Sa-tan càng giận hoảng, hoành hành. Dù thực tế cái ác đã hiện diện kể từ khi con người phạm tội ở vườn Địa Đàng. Từ đó nó len vào thế gian, vào trong mỗi người, để rồi khi gặp thời cơ là chúng trỗi dậy, biến những con người, những đứa trẻ vốn lương thiện, thậm chí chưa có tiền án tiền sự, mặt mũi ngây ngô, bỗng chốc trở thành kẻ thủ ác, giết người man rợ một cách rất vô tư  hồn nhiên. Có bao giờ chúng ta  tự hỏi tại sao người ta có thể dễ dàng giết người, giết nhau như thế? Các vụ án chấn động xã hội diễn ra hầu như hàng ngày nói lên điều gì? Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cần có tiếng nói, vai trò và trách nhiệm của cộng đồng Cơ Đốc, cần những giải pháp tích cực nhằm phát huy, lan tỏa văn hóa Cơ Đốc ra cộng đồng, nhằm hạn chế và là rào chắn trước làn sóng cái xấu, cái ác đang ngày càng nổi lên, lan rộng và trẻ hóa. Cụ thể các Gia đình Cơ Đốc cần làm gương, thay đổi từ những hành vi nhỏ nhất, ý thức hướng đến việc bảo vệ và phát triển đạo đức cộng đồng. Cần xem lại những gì con cháu chúng ta đang tập chú vào như phim ảnh, mạng xã hội, nhất là các loại game. Một nhà tâm lý còn khuyên ngay cả thói quen lâu nay của các gia đình là giết mổ động vật sống để phục vụ cho bữa ăn gia đình cũng cần để ý, tránh xa tầm nhìn của trẻ nhỏ. Các bật phụ huynh cần quan tâm đến con em mình hơn, cần lắng nghe, chia sẽ với con em mình nhiều hơn và dành thì giờ quan xác con mình để hiểu con mình hơn. Trong Châm Ngôn 22:6 có chép: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.”
C. Gia đình quan tâm nhau hơn
Ngày nay có nhiều người có cách sống Chúa nhật thì đến nhà thờ, đưa con mình đến nhà thờ  vào  ngày Chúa nhật, còn thứ hai đến thứ bảy đi đâu, làm gì tùy ý không quan tâm các con mình như thế nào. Theo quan niệm con mình đến nhà thờ là bình an rồi, an tâm rồi. Nếu muốn có niềm tin, lòng kính sợ Chúa, thì chính gia đình phải có niềm tin và lòng kính sợ Chúa thể hiện trong đời sống của Cha – Mẹ và làm gương cho con cái mình.
Con cái là cơ nghiệp do Đức Chúa Trời ban, nên Ngài đã giao cho các bậc cha mẹ trách nhiệm dạy dỗ con cái theo đường lối Chúa. Và cơ nghiệp này có bền vững hay không tùy thuộc vào việc người lớn có làm tròn trách nhiệm nuôi dạy con cái cho Chúa? Di sản đức tin Cơ Đốc sẽ được lưu truyền bằng cách dạy đạo cho con cái từ gia đình. Nếu không, nó sẽ mai một dần và có nguy cơ phá sản. Gia đình là nơi thân thuộc nhất của trẻ, nơi chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống… Lời Chúa đã chỉ rằng, cha mẹ cần ân cần dạy bảo con cái trong Chúa: “Khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy.”(Phục. 6:7). “Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó.” (Ê-phê-sô 6:4) Hãy sửa phạt con cái khi thực sự cần thiết, bởi sự sửa phạt nghiêm khắc đúng lúc sẽ giúp con cái của bạn. Là cha mẹ, hãy lắng nghe con khi con trút bầu tâm sự, hãy tôn trọng và chú ý đến mong muốn của nó, đừng bao giờ cười nhạo hay bác bỏ ý kiến của nó ngay khi con trẻ chưa kịp chia sẻ. Hãy cho nó những gợi ý, những lời khuyên, những sự chọn lựa. Hãy đặt ra các giả thuyết về kết quả việc làm mà con có thể chưa nghĩ đến, chưa thể thấu đáo trong vấn đề mà gia đình đang gặp mâu thuẫn. Hãy trở thành người bạn, người mà con cái có thể tin cậy. Là cha mẹ hãy dành thời gian cho con mình nhiều hơn, hãy đặt chính mình vào tâm lý con mình để hiểu rõ con mình hơn.
D. Về Hội Thánh:
Hội Thánh dưới góc nhìn của nhiều bạn trẻ Cơ Đốc chính là “ngôi nhà thứ hai”. Nhưng cũng không ít bạn cho rằng nó chỉ là cái “nhà thờ”, “nơi sinh hoạt tôn giáo”, “nơi giao lưu, học hỏi”…
 Mục sư, người hướng linh hay những người đặc trách thanh thiếu niên rất quan trọng. Chẳng những cần cái tâm, cái tầm, mà còn phải thấu hiểu, gắn bó với các bạn trẻ và buộc mình vào chức vụ. Tính cách và hoàn cảnh mỗi bạn mỗi khác, rất cần sự quan tâm sâu sát. Đặc trách cũng là người chăn bầy, người nối kết thanh thiếu niên với Hội Thánh. Các bạn trẻ với rất nhiều năng lượng và nhiệt huyết sẽ không được góp phần vào công việc nhà Chúa nếu những người lãnh đạo Hội Thánh không trao cho họ cơ hội, khiến họ không thấy mình có trách nhiệm gì cả, mà trách nhiệm thuộc về “người lớn”, về các chức sắc trong Hội Thánh. (Và Người Linh Dẫn có vai trò rất quan trọng, là cầu nối của Gia Đình và các bạn, là người cố vấn, người giúp các  thành viên trong ban gắn kết với nhau, là người dạy dỗ về phương diện thuộc linh….-  Trích một phần trong sách Khởi Đầu Đúng Đắng Tập 1)
Lãnh đạo thuộc linh cũng là người chăn, nếu chúng ta không kiếm tìm họ, chắc chắn sẽ tạo cơ hội cho ma quỷ. Vậy nên, sự sống còn của thanh thiếu niên thuộc linh lẫn thuộc thể có phần không nhỏ của những người xung quanh, đặc biệt là gia đình và Hội Thánh. Vì vậy, hãy cứu lấy thế hệ trẻ trong Hội Thánh, hãy đi ra tìm kiếm và đem họ về, “…nhân danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:18-20)
E. Về Bản Thân:
Chúng ta là một Cơ Đốc nhân mà Chúa đặt để ở thế gian này. Chúng ta là ánh sáng của Chúa phải tỏa sáng cho những người xung quanh. Trong Kinh Thánh có chép: ‘Các ngươi là sự sáng của thế-gian; một cái thành ở trên núi thì không khi nào bị khuất được: Cũng không ai thắp đèn mà để dưới cái thùng, song người ta để trên chân-đèn, thì nó soi sáng mọi người ở trong nhà. Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi-khen Cha các ngươi ở trên trời.”(Ma-thi-ơ 5:1-16).
Chúa Giê-xu là ánh sáng thật cho trần gian và chúng ta là môn đệ của Chúa cũng phải tỏa ánh sáng giống như Chúa. Hình ảnh đầu tiên của việc soi sáng là cái thành ở trên núi. Đây nói đến một điều hiển nhiên, không thể chối cãi. Một cái thành ở trên núi là điều mọi người phải thấy. Nếu đời sống của chúng ta trong trần gian nầy không nổi bật lên với những cá tính của người tin Chúa, nếu người khác không biết chúng ta là người tin Chúa qua nếp sống của chúng ta thì chúng ta chưa là ánh sáng của thế gian! Hình ảnh thứ hai của việc soi sáng là cái đèn. Đặc điểm của ánh sáng là soi sáng như chúng ta thắp đèn để có ánh sáng. Không ai thắp đèn rồi lấy thúng úp lại cả! Chữ cái thùng trong nguyên văn là modios, là vật dụng để đong lúa, tương đương với tám lít nên đây là hình ảnh của cái thúng. Nói khác đi, thắp đèn là để cho sáng, thắp đèn rồi đem che lại là làm hai điều tương phản cùng một lúc là chuyện ngược đời, không thể xảy ra được! Đèn phải được đặt đúng chỗ (trên chân đèn) thì mới làm được mục đích của cái đèn. Chúa Giê-xu gọi chúng ta là ánh sáng cho trần gian nhưng đây là ánh sáng soi sáng, ánh sáng tỏa rọi. Chúng ta phải tỏa rọi ánh sáng của Chúa cho trần gian như cái đèn để trên chân đèn (Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy). Chúa cho thấy ánh sáng chúng ta tỏa rọi cho mọi người thấy là những việc lành của chúng ta. Việc lành không nói đến làm lành lánh dữ hay bố thí nhưng là công việc tốt lành hay đời sống tốt lành của người tin Chúa. Đời sống đã được Chúa biến đổi phải nẩy sinh ra việc lành (Ê-phê-sô 2:10). Trái của Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22) là hình ảnh của những việc lành đó. Kết quả sau cùng là Cha của chúng ta trên trời được sáng Danh (c. 16b).
Tóm lại cần có giải pháp chung
Cần có nhiều hơn những dịp để bước tạm ra khỏi xã hội hiện tại, cần những lần cà phê nói chuyện với nhau nhiều hơn, tập sống yêu thương và hãy để Chúa ngự ở giữa những cuộc nói chuyện. Đừng gạt phăng đi hết những gì người khác nói và bình luận về mình, nhưng hãy tập yên lặng, lắng nghe và suy ngẫm, xem thử điều người đó nói đúng hay sai, lúc đó, tranh luận cũng chưa muộn. Nhưng không phải tranh luận rồi ầm ĩ lên, cáu bẳn lên nhưng hãy tranh luận trong trong sự yêu thương, hạ mình và hiệp một; cùng nhau lắng nghe và tiếp nhận giải pháp của nhau. Giữa một xã hội bộn bề, vô cảm, hãy sống đầy tràn tình yêu thương, vì như vậy, các Cơ Đốc nhân mới có thể trở thành ánh sáng cho mỗi người khác, để họ còn được nhìn biết và chiêm ngưỡng chính Chúa qua đời sống giàu sự yêu thương và cảm thông của chúng ta.
Phương Quỳnh (HTTLVN.ORG)
Chú thích:
[1]https://baomoi.com/choi-dua-voi-con-trong-cong-vien-cha-bi-dam-chet-vi-tuong-bat-coc-tre-em/c/29740964.epi?fbclid=IwAR3Z8DQBdF7Tw_lMOdrvecnnyYREWH2cEczaCFNBxk-YtzTEPKayy3KGs5c


[2]http://cstc.cand.com.vn/Phong-su-Tieu-diem/Tre-em-pham-toi-ngay-cang-vuot-qua-gioi-han-cua-do-tuoi-461802/


[4] như trên

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!