Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Chén Đau Thương


               Trong Mùa Chay, suy niệm về những thương khó Chúa Cứu Thế Giê-xu gánh chịu vì chúng ta, chúng ta hãy cùng nhau đi theo bước chân của Chúa để thấu hiểu phần nào nỗi khổ đau Chúa phải gánh chịu.
               Trong câu chuyện Phúc Âm hôm nay, mời quý vị cùng tôi bước đến vườn Ghết-sê-ma-nê, nơi Chúa đã cầu nguyện trước lúc bị bắt để học bài học khổ đau đầu tiên với Chúa. Ghết-sê-ma-nê là một khu đất trồng cây ô-liu. Người Do-thái trồng cây ô-liu, ép trái để lấy dầu, vì vậy trong những khu đất trồng cây ô-liu thường có những chỗ để ép dầu. Chữ “Ghết-sê-ma-nê” nghĩa là nơi ép dầu và đây là nơi Chúa đã đi chặng đường đầu tiên trong hành trình thống khổ vì tội của nhân loại.
               Ghết-sê-ma-nê là một địa điểm Chúa và các môn đệ thường tụ họp để nghỉ ngơi và cầu nguyện. Không phải đợi đến lúc sắp bị bắt Chúa mới đến nơi nầy.Trong đời sống bận rộn mỗi ngày, quý vị và tôi, chúng ta cũng cần có một nơi để nghỉ ngơi và cầu nguyện như vậy. Thánh Kinh cho biết đây là nơi Chúa đến cầu nguyện theo thói quen của Ngài. Chúa Giê-xu là Con Ðức Chúa Trời có thói quen cầu nguyện như vậy thì chúng ta là con người tội lỗi lại còn cần phải dành thì giờ và tìm một nơi yên tịnh mỗi ngày để tâm giao và cầu nguyện với Chúa.
               Một số người cho rằng cầu nguyện là hèn yếu, ủy mị. Thật sự không phải như vậy. Cầu nguyện chỉ có nghĩa là chúng ta ý thức có Ðấng Tạo Hóa Chí Cao đầy quyền uy. Chúng ta tiếp nhận sự sống từ nơi Chúa, vì vậy chúng ta cần Chúa và tùy thuộc nơi Chúa để mà sống. Cầu nguyện cũng là tâm giao, trò chuyện với người Cha thân yêu để được Ngài hướng dẫn trên đường đời đầy cạm bẫy.Và cầu nguyện cũng là để cho tâm trí chúng ta tràn đầy tư tưởng của Thiên Chúa, để chúng ta biết nói năng và xử sự đúng. Khi Chúa vào vườn Ghết-sê-ma-nê để cầu nguyện, Chúa bảo các môn để hãy cầu nguyện để khỏi sa vào chước cám dỗ. Cầu nguyện cũng là để trang bị cho chúng ta vũ khí phòng thân, giúp chúng ta vượt thắng cám dỗ. Chúng ta biết rằng cám dỗ trước hết đến trong tư tưởng chúng ta. Cầu nguyện chính là để cho tư tưởng chúng ta hòa hợp với tư tưởng của Chúa và nhờ đó chúng ta có sức mạnh để chiến thắng cám dỗ.
               Chúa Giê-xu đã bước vào vườn Ghết-sê-ma-nê cầu nguyện theo thói quen để trình dâng nỗi lòng cho Ðức Chúa Cha và đây là thì giờ Chúa Giê-xu phải vật vã với nỗi khổ lớn nhất trong cuộc đời của Chúa. Ðó là nỗi khổ đau mang tội của toàn thể nhân loại. Trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giê-xu đã cầu nguyện những lời như sau: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén nầy. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha.” Ðức Chúa Giê-xu cầu nguyện xin Ðức Chúa Cha khỏi phải uống chén, nhưng không theo ý của Chúa mà theo ý của Ðức Chúa Cha.
               “Chén” mà Chúa Giê-xu xin khỏi phải uống là chén gì? Ðây là chén thịnh nộ, chén hình phạt của Ðức Chúa Trời. Ðức Chúa Giê-xu không sợ chết nhưng nỗi khổ lớn nhất Chúa Giê-xu phải gánh chịu là nỗi khổ phải mang tội của toàn thể nhân loại. Chúa Giê-xu là con người hoàn toàn vô tội, giờ đây phải mang tội của toàn thể nhân loại, đó là cái chén mà Chúa Giê-xu không muốn uống.Chúng ta cần đặt mình vào hoàn cảnh nầy để có thể nhìn thấy vấn đề rõ hơn. Chúng ta là một người hiền lương vô tội, không làm điều gì bất chính. Giả sử con của chúng ta gây nên tội ác phải ngồi tù. Nếu chúng ta không muốn con ngồi tù, chúng ta phải đứng ra nhận tội thế cho con. Chúng ta vô tội hoàn toàn, nhưng bây giờ vì thương con, chúng ta hy sinh tất cả danh dự, tiếng tăm và cả đến hạnh phúc của chúng ta đứng ra nhận tội. Người ta sẽ chê cười, khinh bỉ chúng ta, nói rằng một người tưởng hiền lương mà thật ra là gian ác xấu xa. Và rồi chúng ta phải lãnh bản án thế cho con. Giả sử chúng ta phải vật vã trước một quyết định như vậy, chúng ta sẽ làm gì?
               Ðó chính là một phần của nỗi đau thương Chúa Giê-xu phải trải qua trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Vô tội mà phải mang lấy tội của toàn nhân loại. Có phương cách nào khác để cứu rỗi nhân loại không? Câu trả lời là không bởi vì tội lỗi phải bị hình phạt, đó là công lý của Thiên Chúa. Công lý phải được thi hành. Tội lỗi không bị hình phạt thì Thiên Chúa không còn công chính nữa.Nhưng hình phạt toàn thể nhân loại sao? Như vậy Thiên Chúa không còn tình thương. Phải có một giải pháp và giải pháp duy nhất là Chúa Giê-xu phải chịu hình phạt thế cho nhân loại, không còn một con đường nào khác. Nỗi khổ của Chúa Giê-xu trong vườn Ghết-sê-ma-nê là nỗi khổ phải mang tội của toàn thể nhân loại, phải uống chén đau thương mà Ðức Chúa Cha đã dành cho Ngài. Nỗi thống khổ nầy càng lớn, càng giúp chúng ta thấu hiểu được giá trị của sự cứu rỗi và tình thương vĩ đại Thiên Chúa dành cho chúng ta.
               Thưa quý vị, niềm tin nơi Chúa Giê-xu, nhận rằng Chúa đã chết vì tội của chúng ta không phải là một cái gì đơn sơ, tầm thường nhưng là một giá rất đắt Thiên Chúa đã trả vì tội của chúng ta. Nó nói lên tình yêu vô điều kiện Chúa dành cho chúng ta. Tin Chúa và tôn thờ Ngài là đền đáp lại phần nào tình thương vĩ đại Chúa dành cho chúng ta và không phụ sự hy sinh cao cả của Chúa vì chúng ta. Chúa đã uống chén khổ đau để chúng ta không còn phải uống. Hãy cảm tạ Chúa và tiếp nhận món quà cứu rỗi Thiên Chúa dành cho chúng ta.
               Chúa Giê-xu không sợ chết nhưng run sợ vì là một con người vô tội phải mang lấy tội của toàn nhân loại. Dầu vậy, Chúa không tránh né, Chúa chỉ trình bày với Ðức Chúa Cha và xin thuận phục hoàn toàn ý muốn của Ðức Chúa Trời.Chúa cầu nguyện, “Ðừng làm theo ý con mà xin theo ý Cha.” Thánh Kinh đã xác nhận tinh thần vâng phục nầy như sau: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.” Chúa Giê-xu đã học bài vâng phục trong những nỗi khổ đau Ngài gánh chịu vì nhân loại.Lời Thánh Kinh nói tiếp: “Khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.” Chúa Giê-xu đã vâng phục Ðức Chúa Cha, chịu hình phạt vì tội của nhân loại chẳng những để cứu rỗi nhân loại nhưng cũng để chúng ta noi gương Chúa, vâng phục như Chúa đã vâng phục.
               Chúa Giê-xu đã chịu chết để hoàn thành chương trình cứu chuộc nhân loại nhưng nhân loại phải tiếp nhận thì mới kinh nghiệm được ơn cứu chuộc đó và đó chính là tin mừng cứu rỗi chúng tôi loan báo với quý vị. Chúa Giê-xu là nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu nhưng nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu đó chỉ dành cho những ai tùng phục Chúa như chính Chúa đã tùng phục, vâng lời Ðức Chúa Cha. Không vâng lời Chúa là coi thường, coi khinh, coi cái chết của Chúa Giê-xu như không có giá trị gì trong khi cái chết của Chúa Giê-xu mang giá trị tuyệt đối và là phương pháp duy nhất Thiên Chúa có thể dùng để cứu rỗi nhân loại.
               Người ta kể chuyện có một cậu bé nọ đẽo gỗ thành một chiếc thuyền xinh xắn. Cậu đem thả chiếc thuyền xuống biển để chơi, thình lình một đợt sóng lớn kéo chiếc thuyền ra khơi và cậu bé mất đi bảo vật của mình. Cậu buồn lắm, lúc nào cũng nghĩ đến chiếc thuyền và công khó mình bỏ ra để làm chiếc thuyền đó. Một ngày nọ, cậu đi ngang một tiệm bán đồ chơi, nhìn vào tủ kính, cậu thấy chiếc thuyền của mình bày bán trong cửa hiệu đó. Cậu chạy vào nói với người bán hàng, “Ông ơi, chiếc thuyền đó của tôi, ông đưa cho tôi đi!” Người bán hàng nghiêm nghị nhìn cậu và nói, “Cậu phải bỏ tiền ra mua chứ làm sao là thuyền của cậu được?” Cậu bé tiu nghỉu ra về và bắt đầu để dành tiền. Sau nhiều ngày có đủ tiền, cậu đem đến tiệm đồ chơi và nói với người chủ tiệm, “Tiền đây, ông đưa chiếc thuyền cho tôi đi.” Người chủ tiệm lấy tiền và trao chiếc thuyền cho cậu bé. Cậu bé sung sướng, ôm chiếc thuyền vào lòng và nói, “Thuyền ơi, ta thương ngươi lắm. Ta đã bỏ công sức làm ra ngươi, bây giờ ta lại bỏ tiền để mua ngươi nữa. Từ nay trở đi ngươi sẽ thuộc về ta hoàn toàn, ngươi sẽ không bao giờ ra khỏi vòng tay của ta nữa!”
               Kính thưa quý vị, những lời cậu bé nói với chiếc thuyền cũng là những lời Thiên Chúa nói với chúng ta. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta, đã làm nên chúng ta, nhưng chúng ta đã tự ý từ bỏ Chúa, xa lìa Ngài. Chúng ta cần trở về với Ðấng Tạo Hóa yêu thương, lúc nào cũng giang rộng vòng taychờ đón chúng ta. Thiên Chúa chẳng những đã tạo dựng chúng ta, Ngài cũng đã giáng trần chịu chết để chuộc tội chúng ta. Chúa muốn chúng ta trở về với Ngài và nói với chúng ta rằng, “Ta đã tạo dựng con và cũng đã cứu chuộc con, hãy trở về để kinh nghiệm ơn cứu rỗi Ta dành cho con.” Bạn đáp ứng thế nào trước lời mời gọi của Ngài?
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

THÔNG BÁO: V/v Thay đổi mã vùng điện thoại mà HT đang sử dụng



            Bộ trưởng Bộ TT&TT vừa ký Quyết định số 2036/QĐ-BTTTT ban hành Kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định, bắt đầu triển khai từ ngày 11/2/2017 và chia làm 3 giai đoạn. Kế hoạch chuyển đổi mã vùng kết thúc vào ngày 31/8/2017. 



            Trong khoảng thời gian đó, người dân có thể dùng song song mã vùng mới hoặc cũ. Sau ngày 13/3 (của đợt 1), 14/5 (của đợt 2) và 16/7 (của đợt 3), các tỉnh thành này sẽ dùng mã vùng mới hoàn toàn. 


            Trong đó, tỉnh Bình Thuận nằm trong giai đoạn 3 (giai đoạn 3 từ 17/6 áp dụng cho 23 tỉnh, thành phố).

Theo đó, số ĐT cố định của Hội Thánh sẽ thay đổi từ
(062) 628 0049
thành (0252) 628 0049.

Tổ Quản trị sẽ thay đổi số điện thoại này trên banner Trang Chủ bắt đầu từ 07h00, ngày  17/06/2017.

Trân trọng thông báo!

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

THƠ: Một Trời Thương

Một Trời Thương!


Lặng nhìn Chúa bước trên đồi đau đớn
Thập tự mang chân xiêu tó, ngã lăn
Ngài thấy tôi, trong thế giới lạc lầm
Lìa Thiên Quốc, Ngài đến thăm dương thế

Tôi thấy Chúa trong màn chiều tuôn lệ
Vai vui mang thập tự, nặng bước đi
"Bởi vì con, Ta đổ huyết tiếc chi
Cứu con thoát đời sầu bi, đau khổ"

Gô gô tha, nơi thân Ngài loang lỗ
Bao vết thương đau khổ chất chồng lên
Rồi tôi thấy thập tự chiếu vinh quang
Soi dương thế ngập tràn đêm tăm tối

Một trời thương, tình yêu Ngài vô đối
Thập tự kia loà sáng giống Hải Đăng
Nghìn nghìn thu, nhân thế nhận cứu ân
Từ thập tự, một trời thương rực sáng.

Hoa Dã Quỳ

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Gà Con Và Hai Mươi Bốn Hạt Kê


      Tiếng gáy inh ỏi vang dội cả một vùng trời của bác gà trống vạm vỡ làm cho mọi vật trong khu rừng già trở nên lay động, thức giấc sau một đêm ngủ dài. Lấp lánh trên lá cây còn đọng giọt sương đêm như những viên ngọc đầy màu sắc, những nụ hoa được ướp đầy sương bùng nở cánh hoa rực rỡ, khoe mình trong tia nắng ban mai dịu dàng chiếu qua kẽ lá. Lũ chim trên cành cũng bắt đầu chuyền cành rộn ràng bài hát chào ngày mới.

      Nấp trong bóng cánh mẹ, những chú gà con mắt lim dim ngước miệng lên ngáp, dường như chẳng muốn thức dậy, nhưng bị tiếng gáy của gà bố làm cho tỉnh giấc.
  • Dậy đi nào các con, ánh nắng mùa xuân đã chiếu rọi rồi kìa - Gà mẹ gọi.
  • Các anh chị khỏe mạnh vùng dậy khỏi cánh mẹ chạy tung tăng vui đùa trong nắng sớm. Còn lại cậu út thì vẫn chưa chịu thức giấc.
  • Cho con ngủ một xíu nữa thôi nha mẹ yêu! – Gà con năn nỉ.

Gà mẹ bước ra khỏi tổ để chuẩn bị thức ăn buổi sáng cho cả nhà. Gà con thì cố “nướng” cho bằng được thêm một tí nữa, nhưng chẳng bao lâu, món kê rang mẹ cậu đang chế biến dưới bếp tỏa đến mũi cậu. Hương thơm đặc biệt cộng với cái bụng đói meo từ tối qua đi ngủ sớm làm cậu út thức tỉnh, vội vàng chạy xuống bếp, duối đầu vào âu cánh của mẹ.
  • Ôi, thơm quá mẹ ơi! Lâu lắm rồi con chưa được thưởng thức món kê rang của mẹ!
  • Đầu năm mới mẹ dành tặng cho mỗi đứa các con món quà này, đó là hai mươi bốn hạt kê thượng hạng thơm lừng.
  • Ôi nhiều thế! Thật hả mẹ? Cảm ơn mẹ yêu dấu!
  • Đây là món quà trong năm mới, các con hãy dùng nó vào những việc thật là hữu ích nha.
  • Dạ! Nhưng con làm gì với chừng ấy ạ? Con ăn không hết được?- cậu út hỏi mẹ.
      Thế là mỗi chú gà con nhận số lượng hạt kê bằng nhau. Gà con nghĩ :
  • Bây giờ mình sẽ làm gì với món quà này nhỉ?
       Gà con vươn đôi cánh ra, cố gắng bước những sải chân thật dài, vừa đi vừa ca hát và nhâm nhi hai hạt kê dưới ánh nắng vàng mùa xuân đang vẫy gọi. Ôi! tuyệt quá đi.
Từ đàng xa người bạn thân thiết của Gà con đi tới đó là Sóc nâu.
  • Chào bạn Gà con!
  • Bạn mang gì trên lưng mà nhiều thế hả? Sóc nâu hỏi.
  • Quà mẹ cho mình năm mới đó.
  • Hèn chi bạn cứ ôm khư khư bên mình, mà cái gì trong đó vậy?
  • Đố Sóc nâu biết được nó là gì? Đoán đúng mình sẽ cho bạn thưởng thức.
  • Ừm là gì vậy ta…? Bạn gói cẩn thận che kín mất rồi có thấy được gì đâu, nói cho mình đi! – Sóc nâu năn nỉ.
  • Thôi được, đó là một món ăn thượng hạng, ngon-bổ và không hề rẻ tí nào!
  • Thảo nào nãy giờ mình nghe mùi thơm gì đó, cứ ngỡ là hương hoa chứ. Để mình xem lại nào.
 Sóc nâu nhắm mắt lại và đưa lên mũi ngửi kỹ hơn hương thơm đã theo mình từ sáng đến giờ, mùi hương kê rang chín dầu đã gói nhiều lớp vẫn tỏa ra thơm ngát. Sóc nâu ngây ngất trong mùi thơm nồng nàn, bất chợt la lên:
  • Đây là hạt kê thượng hạng, được trồng trên cao nguyên đất đỏ Ba-zan, và đã được rang qua bởi tay một đầu bếp siêu đẳng. Chính xác là như vậy rồi – Sóc nâu quả quyết.
  • Ồ, bạn hay quá nhỉ, đoán đúng rồi.
Giữ đúng lời hứa, Gà con trao cho bạn thân hai hạt kê. Sóc nâu vui mừng móm mém nhâm nhi hạt kê to và ngon nhất hồi giờ cậu được thưởng thức. Vậy là số hạt kê mà Gà con còn lại là hai mươi hạt.

    Mặt trời lên cao, ánh nắng cũng to dần xuyên qua khu rừng già, rọi xuống thảm cỏ xanh mơn mởn, những con bướm xinh múa lượn như khoe bộ áo mới. Sóc nâu và Gà con cứ tiếp tục vui đùa, chạy nhảy thỏa thích qua các con suối nhỏ nước trong veo, soi mình dưới nước, Gà con thấy mình cũng đẹp đấy chứ. Cảnh vật thơ mộng trong khu rừng mùa xuân đã đưa hai bạn đi xa dần, xa dần ngôi nhà của mình và đi vào rừng sâu. Khi cả hai dừng lại đã hết đường để đi, phía trước là một con sông rộng lớn.
  • Sóc nâu ơi mình đi đâu thế này? Thôi mình về nhà đi.
  • Mùa xuân mà! Cứ vui chơi heng! Về nhà làm gì sớm vậy.
  • Mình chưa chúc sức khỏe ông bà và cha mẹ. Giờ này chắc họ lo cho mình và mong mình lắm!
  • Bên kia sông có nhiều trò vui lắm, Gà con qua bên đó chơi nha! Còn ông bà cha mẹ gặp hoài mà, hôm nay không chúc thì mai chúc có sao đâu.
  • Nhưng mà..
  • Không nhưng nhị gì hết. Quyết định vậy ha! Bên kia sông là cả một thế giới rộng lớn vui nhộn cứ theo mình đi bảo đảm bạn sẽ thích không muốn về luôn cho mà coi.
  • Nhưng mà sông rộng lớn vậy qua bằng cách nào, mình đâu có biết bơi?
  • Cái này cậu cứ an tâm đi, một lát nữa sẽ có những bạn Ngỗng qua đây, tụi mình sẽ nhờ Ngỗng chở sang.

       Gà con không từ chối được lời mời của Sóc nâu, nên đã theo Sóc nâu đi sang bên kia bờ sông để vui chơi. Trên lưng Ngỗng, Gà con và Sóc nâu rất thích, với sự giúp đỡ của Ngỗng hai bạn đã qua được sông. Để trả ơn cho Ngỗng, Gà con đã tặng cho Ngỗng bốn hạt kê làm quà. Túi kê của Gà con nhẹ dần đi khi còn lại mười sáu hạt.
Trước mặt Gà con là một thế giới hoàn toàn lạ lẫm so với mãnh vườn và khu rừng già bên kia sông nơi mà gia đình gà đang sinh sống. Nơi đây có những đồi cỏ xanh mướt trải dài, vô số loài hoa xinh đẹp khoe sắc rực rỡ, lại có nhiều hoa quả chín nữa. Từng đàn chim bay lượn ca hát líu lo giai điệu mùa xuân. Gà con cứ xuýt xoa tròn xoe mắt.
  • Gà con thấy vui không? Mình đã bảo là Gà con sẽ rất thích mà – Sóc nâu nói.
  • Ừm! cảnh nơi đây tuyệt quá! – Gà con trả lời.
  • Chưa hết đâu, nơi đây còn có nhiều bạn lắm, để mình dẫn Gà con đến đó chơi với các bạn.
Sóc nâu tiến lại gần bên gốc cây cổ thụ già gọi:
  • Sói ơi có nhà không?
Trong gốc cây, Sói vẫn chưa ngủ dậy, nghe tiếng Sóc nâu gọi nên Sói nói vọng ra:
  • Ai gọi mình vậy?
  • Là Sóc nâu đây, mình đến chơi với bạn nè.
  • Ừ,  chờ tí mình ra liền – Sói trả lời.
Nghe nói đến Sói, Gà con run cầm cập, liền hỏi Sóc nâu:
  • Sao bạn lại dẫn mình đến đây? Nơi đây không bình an đối với mình.
  • Không sao đâu, Gà con đừng sợ. Sói này dễ thương lắm, không làm hại cậu đâu.
  • Nhưng nghe mẹ mình nói là Sói ghê lắm, phải tránh thật xa nó.
  • Đã nói không sao mà, tí nữa thôi là bạn sẽ biết thôi…
Sóc nâu chưa dứt lời thì Sói đã ra,vẻ mặt vui vẻ hớn hở:
  • Ôi xem ai đến thăm này, lâu quá mới thấy bạn Sóc nâu đến chơi – Sói tươi cười chào đón.
  •  Hôm nay năm mới nên mình đến thăm Sói. Mình có rủ cả bạn của mình là Gà con đến nơi đây chơi nữa.
  • Gà con sao? Cũng thú vị nhỉ! – Sói ngạc nhiên.
  • Dạ...em... chào... anh..Sói..Sói. Rất vui khi được gặp anh – Gà con nói trong sợ hãi.
  • À đúng rồi! Gà con có hạt kê rang ngon tuyệt, Gà con đãi anh soi đi – Sóc nâu gợi ý.
  • Dạ đây ạ! mời Anh Sói dùng ạ!
Nói rồi Gà con lấy tay cầm từng hạt đặt xuống bàn một cách run rẫy, số hạt kê đếm được dưới bàn là tám hạt. Vậy là trong túi của Gà con chỉ còn lại tám hạt kê mà thôi.
  • Cảm ơn Gà con, đây là lần đầu tiên trong đời ta ăn kê rang ngon như vậy.
  • Dạ anh Sói quá khen! Gà con đáp.
Gà con dường như thấy an tâm vì những người bạn mới quen thật tốt không như mẹ mình đã dặn, nên cứ tiếp tục ở lại chơi mà không còn nhớ lời mẹ. Trong lúc chơi đùa, thấy Sói cứ mon men tới gần sát Gà con như thể muốn nuốt chửng Gà con. Thấy Sói tiến đến gần Gà con, nên Sóc Nâu hỏi:
  • Anh Sói sao thế? có chuyện gì à?
  • Sói nói dối rằng hạt kê ngon quá muốn thêm vài hạt, chưa kịp để Gà con trả lời, Sói nói nhanh :
  • Nhưng ta thấy rằng thịt của ngươi còn thơm ngon hơn nữa kìa – Sói trừng mắt nhìn chăm chăm về phía Gà con.
  • Ơ... Sói! ...

Không suy nghĩ gì thêm, Sóc nâu và Gà con vắt chân lên cổ chạy bán sống bán chết hòng thoát ra khỏi nơi chốn nguy hiểm này. Sóc nâu thì nhanh nhẹn hơn, loáng cái đã chạy vút xa hướng về phía dòng sông bỏ lại Gà con. Phía đằng sau, Sói bắt đầu tăng tốc, sẽ chẳng mấy chốc nữa thôi là Sói sẽ tóm được Gà con. Gà con cảm nhận sự bất an ngay phía sau lưng mình. Phải, Sói đã tiến đến sau, chỉ cần một động tác há miệng ra ngoạm thôi là Gà con sẽ nằm gọn trong miệng Sói. Sói nhảy đến phía trước, vồ một cái lên mình Gà con, nhưng may thay sao lúc ấy Gà con vỗ cánh thật mạnh và bay lên né được. Gà con vừa cố gắng hết sức thoát khỏi miệng Sói vừa kêu cứu.

Bên kia bờ sông bố và mẹ của Gà con đang đi tìm bỗng nghe tiếng Gà con kêu cứu. Cả bố và mẹ cố gắng mọi cách để qua bên kia bờ sông cứu Gà con, cố bám vào miếng gỗ bơi theo dòng nước, khó khăn lắm Gà bố mới đến được bên kia sông và cũng kịp lúc cuộc rượt đuổi của Sói và Gà con cũng đến nơi. Dù mệt mỏi ướt sủng nhưng Gà bố đã kịp thời chống trả với Sói để cứu Gà con. Gà con mõi mệt, kiệt sức, không còn nhấc nỗi cánh nữa, thân thể trầy trụa, xơ xác với đầy thương tích. Gà bố ôm con trong cánh nhìn con trìu mến không la mắng. Gà con biết lỗi lặng lẽ dúi đầu vào cánh của bố, con xin lỗi bố mẹ...

 Hình ảnh Gà con đôi khi cũng là hình ảnh của những Cơ Đốc nhân, mỗi một buổi sáng thức dậy bạn được Chúa ban tặng cho hai mươi bốn giờ. Bạn đã sử dụng nó như thế nào? Game, mạng xã hội, phim, truyện tiểu thuyết…nó khiến bạn đánh mất bao nhiêu“hạt kê”? Một ngày Chúa ban cho bạn hai mươi bốn giờ, bạn dâng hiến lại cho Chúa sao đây?

Thời gian trôi đi bạn không thể nào tìm lại được, hãy sử dụng nó làm ích lợi cho công việc Chúa, hãy sử dụng nó để đem lại vinh hiển danh Chúa. Ước mong rằng bạn sẽ biệt riêng thời giờ để đến với Chúa mỗi ngày Chúa đang mong chờ chúng ta đến với Ngài. A-men.


Thi Nhất
Nguồn: httlvn.org

Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

THÔNG BÁO: Lễ Thành Hôn đôi bạn NGUYỄN DUY KHANH & HUỲNH THỊ NGỌC LAM

HỘI THÁNH LIÊN HỮU CƠ ĐỐC VIỆT NAM
HỘI THÁNH TÂN NGHĨA
ĐIỂM NHÓM - HỘI THÁNH HÀM THẠNH
BAN THANH TRÁNG NIÊN
---@@@---


Ông Bà                                                   Ông Bà
NGUYỄN HẢI                                       HUỲNH VĂN LƯỢM
TRẦN THỊ LỄ                                     PHẠM THỊ THU THẢO


Trân Trọng Báo Tin Cùng Toàn Thể Hội Thánh
LỄ THÀNH HÔN
Của Con Chúng Tôi


Nguyễn Duy Khanh & Huỳnh Thị Ngọc Lam

Hôn Lễ sẽ được cử hành tại TƯ GIA
(Ấp Dân Bình, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận)
Vào lúc 10 giờ 00
Ngày 06 tháng 04 năm 2017
(Nhằm ngày 10 tháng 03 năm Đinh Dậu)

Chủ lễ & nghi thức hôn phối: Mục sư Lê Văn Tiến - Quản nhiệm HT. Tân Nghĩa
Hướng dẫn chương trình: Chấp sự Nguyễn Tấn Hậu - Thư ký HT. Tân Nghĩa 
------------------------------


TTV. Hồng Duyên
Hội Thánh Hàm Thạnh./.

THƠ: Tình Cha!

Tình Cha!

Đã bao lần Lễ Thương Khó đi qua
Con cảm xúc sâu xa tình Thiên Chúa
Yêu thế nhân, Ngài hy sinh, máu ứa
Nát tim Ngài thân vữa, huyết, lệ tuôn

Đã bao lần con thấy Chúa đau buồn
Và cảm xúc tràn tuôn không thể tả
Con chỉ muốn yêu Ngài hơn tất cả
Chẳng chối Ngài, chẳng bán Chúa một giây

Rồi qua đi, năm tháng phủ rêu dày
Con lại sống đắng cay đời sống cũ
Vẫn để Chúa đứng bên ngoài và nhủ:
“Con sẽ về tranh thủ đón Phục Sinh!”

Ngài đợi con gần như suốt linh trình
Con mãi miết, tâm linh nào có Chúa?
Hôm nay đây tiếng lòng ta nhắc nhở
Chúa muốn vào, muốn sưởi ấm hồn linh

Con quỳ đây dâng lên Chúa tâm tình
Xin tái ngự, làm tâm linh trong trắng
Mùa Thương Khó! Ôi tình Ngài sâu lắng
Đổi thay con, nguyện khắng khít Ngài ôi!

Vì tình yêu, Chúa đã phó thân rồi
Con nguyện sống, không rời xa chân Chúa
Mùa Thương Khó, càng yêu Ngài thêm nữa
Mở cửa lòng, mời Chúa đến quản cai

Như Phê-rô bao nước mắt tuôn dài
Được tha thứ, được chính Ngài yêu mến
Con về đây bên chân Ngài con đến
Nguyện sắt son, bền chặt mãi không xa

Con về đây nguyện được Chúa thứ tha
Con hạnh phúc trước tình Cha bất biến…

Hoa Dã Quỳ

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

Truyện ngắn: BÀI HỌC TỪ LÒNG MẸ!


BÀI HỌC TỪ LÒNG MẸ!

(Truyện ngắn: "Bài học từ lòng mẹ!" là sáng tác mới nhất của Hoa Dã Quỳ gởi đến cho lứa tuổi Thanh Thiếu Niên trong Hội Thánh. Ước mong các em nhận ra được tình yêu Chúa, tình yêu của bậc sinh thành, tình bạn bè trong sáng... Nếu có lúc nào đó em lỗi lầm, hãy quay về...)

*****


        - Lành! Em bước lên bảng, úp mặt vào tường.
        Tiếng cô Lan, giáo viên chủ nhiệm vang lên trong lúc tôi đang cúi xuống cột lại dây giày thể dục bị tuột. “Lành lanh lợi” bước lên, những bước chân nặng nề. Đằng nào thì chúng tôi cũng đã là những học sinh trung học chứ có phải là đứa nhóc lớp hai đâu mà phải úp mặt vào tường cơ chứ? - Tôi nói thầm.
        Vừa đi lên, Lành vừa nắm chặt đôi bàn tay giấu phía sau lưng vừa cắn chặt môi như thể một phạm nhân biết mình sắp sửa đứng trước vành móng ngựa và bị xét xử.
        - Tại sao em ăn cắp tiền của bạn?
        Một sự im lặng bao trùm đến nỗi chúng tôi nghe rõ từng tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo ở cuối lớp. Tôi thấy môi cậu ấy tái nhợt.
        - Trong lớp, ai là người nhìn thấy bạn Lành ăn cắp tiền của Tiến?
        - Tiến nào cô? Tiếng thằng Tân vang lên: “Tiến Tùng hay Tiến Tình?”
        Vốn dĩ lớp tôi có hai thằng Tiến cùng họ, cùng tên khác mỗi chữ lót: Trần Tùng Tiến và Trần Tình Tiến nên cả lớp cứ gọi cho gọi là Tiến Tùng và Tiến Tình để dễ phân biệt, mà cũng vui thiệt. Tên hai ông bạn ấy nói lái lại thì rất hay một thằng là Túng Tiền, thằng kia là Tính Tiền. Đi đâu, ăn uống hay chơi trò gì cứ lôi cái ông Tiến Tình đó đi cho ông tính tiền là ổn.

        Chắc chắn là thằng Tiến Tình chứ thằng Tiến Tùng làm gì có tiền mà mất? Thằng “Hưng hôi hám” nói to như pháo nổ. Cả lớp lại được một trận cười no bụng. Không có cánh tay nào giơ lên. Làm sao mà thấy được? Ăn cắp mà để bị phát hiện thì xem như là toi. Bỗng nhiên, một cánh tay giơ lên làm tôi giật bắn cả người.
        Không lẽ thằng “Hậu hí hửng” biết? Không lẽ nó thấy hả ta? Cái thằng cận thị mà cũng nhìn rõ dữ?
        Hậu, cậu học trò ngồi ở cuối lớp đeo mắt kính giơ tay rồi đứng lên.
        Em thấy bạn Lành lấy 50.000 đồng từ trong túi quần ra đưa cho bạn Tiến Tình sáng nay ạ.

        Vậy là đúng rồi. Em sợ tôi đánh nên vội vàng trả lại tiền cho bạn chứ gì? Tiếng cô giáo Lan gằn từng chữ một chắc nịch.
        Dù sao thì bạn ấy cũng biết lỗi rồi. Kịp thời trả lại số tiền đã lấy cắp, nên cô phạt nhẹ thôi ạ. Tiếng “Sơn sung sức”, lớp trưởng nói vọng lên, đỡ cho bạn.
        Tôi phạt một roi thật mạnh cảnh cáo em và cả lớp, từ nay không được lấy cắp đồ đạc hay tiền bạc của ai cả nghe rõ chưa?
        Chạch… tiếng thước gỗ vang lên nghe dài… cả tiết học.
        Lành bước về chỗ ngồi, tôi nhìn thấy hai hàng nước mắt cậu ấy chảy xuống, hai con mắt đỏ hoe. Vậy là xong, cái thằng hiền đúng y như là tên ba mẹ đó đặt. Tuần trước thằng “Long vịt”, à không “Long Việt” đặt nguyên một nhánh cây xương rồng lên ghế cô Thắm- giáo viên Sinh học, nó cũng đứng lên nhận thay và chịu roi dùm bạn. Lần này, không biết nhân vật nào ăn cắp tiền, chứ lành như nó thì có khi một tỷ cũng không mất một xu, chứ đừng nói 50.000 đồng để trong cặp thằng Tiến để đóng tiền ủng hộ khu vực bà con Cồn Nhất Trí, Nha Trang cháy nhà hôm trước Tết.



        Tùng… tùng… tùng…



        Tiết Toán của cô chủ nhiệm kết thúc.
        - Ê mày, Lành! Yên tâm đi, tao, thằng Tín này hứa sẽ truy tìm thủ phạm, bắt nó đền bù cho mày 100.000 đồng nhé. Đừng có khóc. Nhận tội thay bạn thì phải can đảm lên chứ? Mày mà khóc thì chẳng đáng mặt nam nhi đâu. Không để lần sau tao nhận thay cho nhé!
        - Ừ mà sao mày cứ hay nhận thay cho mấy đứa trong lớp vậy?
        - Tao, tao có lý do riêng, mày hỏi làm gì?
        - Tao không biết lý do của mày là gì? Chứ theo tao, đứa nào làm đứa đó chịu mới công bằng. Tao mà làm là tao chịu chứ không đổ tội cho ai, cũng chẳng để ai gánh thay đâu.
        - Vậy sao? Không biết lần này là ai làm cái việc đó nữa?
        …



        Một thời gian trôi qua khá lâu, cũng đã kết thúc năm học, lớp 9/4 chuẩn bị chia tay nhau.
        Các bạn trong lớp trao nhau Lưu Bút. Tín cũng đưa lưu bút cho các bạn trong lớp và sáng nay quyển sổ Lưu Bút màu xanh hình con gà được trao đến tay Lành với câu nói vui của Tín: “Nè cậu, người cuối cùng của lớp, viết gì thật ngọt ngào, thật tình cảm. Cậu mà lấy được nước mắt của tớ, tớ sẽ thưởng cho cậu một quyển truyện của Nguyễn Nhật Ánh mà cậu thích.”
Thật không? Lành hỏi lại. Quyển: “Cô gái đến từ hôm qua” nhé!
Ok - Tín vừa nói vừa khoanh tròn hai ngón tay cái và trỏ lại với nhau để ra hiệu chắc chắn và lẻn đi trong đám học trò tan trường.



        Cầm quyển Lưu Bút trên tay đã hai ngày mà Lành suy nghĩ mãi không biết nên viết gì cho Tín. Còn chỉ hai ngày nữa là kết thúc năm học rồi. Lành không muốn trễ hẹn với bạn, thế là Lành bắt đầu cầm bút, cây bút Pi-lót màu nâu theo Lành bốn năm cấp II.
        Tín thân mến!
        Tụi mình học chung với nhau cũng đã bốn năm rồi nhỉ? Thời gian trôi nhanh thật. Ngay mai đây chúng ta sẽ chia tay để chuẩn bị đối diện với một kỳ thi khó. Kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông Cơ sở để bước vào cấp III, một môi trường mới.
        Cậu từng hỏi mình lý do tại sao mình cứ gánh tội cho các bạn?
        Mình kể cậu nghe, năm mình học lớp 4, mình đã phạm phải một sai lầm, vì cần 5.000 đồng để mua kiệng chơi với mấy bạn trong xóm mà mình đã lấy 2 quyển vở của mẹ và giấu mẹ bán 2 quyển vở Bút Cầu ấy đi. Thật tình là mình không hề biết 2 quyển vở giá bao nhiêu tiền. Nhưng thằng Tú, cậu có nhớ thằng Tú tinh tế ở sát nhà tớ không? Thằng cao cao, có cái trán dồ đó. Chính thằng Tú đã đồng ý đổi cái kiệng mới của nó để lấy hai quyển vở.
        Sau đó, mẹ tớ nói: “Vì con mắc lỗi nên con sẽ bị phạt 1 roi”. Tớ đã khóc rất to trước khi bị đánh. Cậu biết không, tớ sợ ăn roi lắm. 
        Đưa cái tay lấy cắp vở ra. Mẹ tớ nói to.
        Tớ đưa tay phải ra và nhắm nghiền mắt. Tớ tưởng tượng mẹ sẽ quất thật mạnh, thật đau vào tay tớ. 
        Chạch, tiếng roi tre vang lên nghe dài và to. Tớ giật mình, bàng hoàng…
Tớ ôm chằm lấy mẹ và gào lên:“Tại sao mẹ lại làm thế? Tại sao mẹ lại tự đánh mình? Con mới là đứa đáng bị đánh cơ mà?”
        “Vì mẹ thương con, mẹ muốn chịu thay con”. Tớ chỉ biết ôm và hôn lên bàn tay phải của mẹ, bàn tay có một dấu lằn rất dài từ chiếc roi tre.
        Mẹ tớ nói: “Ngài đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác của chúng ta mà bị thương…” Chúa Giê-xu chịu chết vì tội lỗi của chúng ta đấy. 
        Từ đó, tớ hứa với mẹ tớ và cả với Chúa là tớ sẽ không ăn cắp hay là làm những việc sai quấy nữa, tớ không muốn Chúa buồn và cũng không muốn mẹ mình buồn Tín à. Tớ ước được trở nên giống Chúa Giê-xu hơn từ bài học lòng mẹ. 
        Tớ hoàn toàn không dám so sánh việc mình làm là giống mẹ mình và giống Chúa Giê-xu nhưng tớ muốn làm như vậy.
        Có lẽ cậu sẽ cho rằng tớ ngốc? Nhưng tớ thương các bạn trong lớp, tớ muốn nhận tội thay thôi cũng giống như mẹ tớ thương tớ và chịu roi thay tớ vậy Tớ tin rồi cậu sẽ hiểu tớ.



        Chúa Giê-xu đã vì cớ mỗi chúng ta mà Ngài cam chịu khổ hình. Chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài như thế nào?
        Cậu còn nhớ là đã hứa là sẽ truy tìm thủ phạm cho tớ trong cái vụ mất tiền đầu năm không? Cậu hứa sẽ bắt cậu ấy trả cho mình 100.000 đồng.
        Lời hứa ấy cậu còn nhớ hay đã quên mất theo dòng thời gian rồi? Mấy tháng rồi Tín nhỉ? Dễ lắm cậu đã quên.
        Nhưng mình thì không giây phút nào quên lời cậu đã hứa. Mình chờ đợi từng ngày để mong cậu tìm được thủ phạm của vụ ăn cắp ấy. Không phải để có 100.000 đồng đâu cậu ạ!
        Xem ra cậu không muốn tìm thủ phạm cho mình rồi. Bây giờ ngược lại nhé, mình có điều kiện cho cậu. 
        Mình sẽ thưởng cậu 200.000 đồng nếu cậu nói cho mình biết thủ phạm là ai nhé!
        Mình đặt tờ 200.000 đồng mới tinh là tiền lì xì của mình hôm Tết vào Lưu Bút của cậu nè.
        Chỉ cần cậu nói cho mình biết ai là thủ phạm thì cậu sẽ được thưởng. 
Thủ phạm này ẩn mặt rất kỹ nhưng nếu cậu có vũ khí bí mật này. Cậu chắc chắn sẽ tìm được. Mình trao cho cậu một chìa khóa mở mật mã nhé: “Sau con bê em thấy anh đếm 2813 nhé! Cậu giải như trong trò mật thư hôm trước mà chúng ta tham gia kỳ trại hè:“Thiếu niên yêu Chúa!”ấy.
        Mong tin cậu.
        Lành.



        Ngày cuối cùng ngồi trên ghế nhà trường, chỗ bàn thứ 4, nơi góc trái lớp thân quen, trên mặt bàn có khắc: “Love 9/4”. Tín nhận Lưu Bút của mình từ tay Lành và cảm ơn ríu rít. Tối nay tớ sẽ đọc, xem thử có cảm động, có rơi nước mắt không nhé. Người bạn ngồi cùng bàn với tớ.
        21 giờ, ôi bài vở xong hết rồi. Tín lấy tay định tắt đèn học đi ngủ thì va phải quyển Lưu Bút rớt xuống đất và tờ 200.000 đồng mới tinh nằm trên nền gạch. Tín háo hức: “Tiền, tiền ở đâu rơi ra vậy? Chắc là của mẹ mình. Mỗi ngày bà ấy hay vào để dọn dẹp phòng của mình. Chắc cầm tiền đi chợ mà lại làm rơi đây? Thôi, cất đi cái đã. Không có tiền này, thì mẹ sẽ đi tìm, sẽ hỏi mình. Mình bảo không thấy, không biết là xong. Mẹ sẽ mở tủ lấy tờ khác mà đi chợ. Lo gì?”



        Nghĩ như vậy nên Tín không còn bận tâm nữa. Cậu ấy nhặt quyển Lưu Bút lên và lật đến những trang cuối, chỗ có nét chữ thân quen tròn tròn,mập mập như chủ nhân của nó vậy.
        “Tín thân mến…”
        Một giọt nước mắt rơi xuống. Tín lấy tay quẹt giọt nước mắt tiếp theo, tắt hết đèn học và đèn ngủ, Tín nằm úp mặt vào gối, rồi lẩm bẩm một mình trong bóng đêm.
        - Thì ra cậu đã chờ tớ truy tìm thủ phạm hằng ngày cho cậu ư? Tớ nói đùa thôi. Làm sao tớ có thể nói cho cậu biết thủ phạm là ai được?Mật mã gì đây? “Sau con bê em thấy anh đếm 2813. Xem nào, cậu ấy đúng là người rất giỏi trong lãnh vực giấu ý tưởng mà.
        Sau con bê là… ồ hiểu rồi! Em thấy anh… cũng không khó… CN 2813? Sách gì nhỉ? Hay là ký hiệu gì? Tìm trong Kinh Thánh trước đã. À! Châm Ngôn, chỉ có sách Châm Ngôn là viết tắt CN thôi. Hay CN là viết tắt của Chúa Nhật vậy ta?
Có Chúa nhật nào mà 2813? Không đúng, nếu 2812 thì thuyết phục hơn.
        Sau một hồi suy luận, Tín đã chắc chắn phương án CN là Châm Ngôn nên gật gật cái đầu, khen Lành “Cái thằng khỉ này, giỏi thật”. 



        Để xem cậu muốn nhắn gì nào? Thi Thiên… Châm Ngôn đây rồi! 25, 26, 27, 28 đây… câu 13 rồi chính xác:“Người nào giấu tội lỗi mình sẽ không được may mắn; nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ nó sẽ được thương xót” Châm Ngôn 28:13.
        Tín lặng đi trong giây lát…



        Lành thân:
        Thì ra cậu đã biết thủ phạm là ai ngay từ đầu sao? Tại sao cậu không đứng lên trước lớp để tố giác mình ngay lúc đó chứ? Tại sao cậu lại muốn bảo vệ mình và các bạn hết lần này đến lần khác?
        Mình thấy xấu hổ vì mình đã lừa gạt cả cô giáo, cả lớp và cả cậu. Mình không dám đứng lên nhận lỗi mà để cậu nhận thay và cậu còn bị cô giáo đánh rất đau. Mình thấy có lỗi với cậu quá. Mình phải làm gì đây? Mình đã cầu nguyện xin Chúa tha lỗi rồi. Chúa sẽ tha cho mình phải không nào? Còn cậu nữa? Cậu sẽ tha cho mình chứ? Mong cậu tha lỗi cho mình.
        Cảm ơn Chúa vì những gì cậu đã làm cho mình. Qua câu chuyện cậu kể, mình cũng có một ao ước. Mình ước được giống Chúa Giê-xu. Mình muốn được Chúa đẹp lòng.
        Tín



        Sáng hôm sau, Lành nhận được phong thư của Tín với 250.000 đồng và những dòng chữ nghiêng nghiêng, cao cao có vài chỗ bị nhòa đi.

        Lành đến bắt tay Tín, đôi bạn khoác vai nhau bước đi trên sân trường đầy nắng, có những xác phượng đỏ rực rơi trên sân.


Tác giả bài viết: Hoa Dã Quỳ
Nguồn: Website HTTL Vĩnh Phước

THƠ: Tiếng Gà Gáy


Tiếng Gà Gáy

Sáng sáng gà vẫn gáy đều
Tôi chẳng để ý tiếng kêu mỗi ngày
Hôm nay gà gáy sớm thay
Lòng tôi tan nát, mắt đầy lệ rơi

Thật tôi đã chối Chúa rồi?
Thật tôi đã để Ngài rơi lệ buồn
Ngài đã bảo trước đêm buông
Thế mà tôi đã chối luôn thế này

Ngài nhìn tôi mắt cay cay
Tôi nhìn mắt Chúa, tâm đầy xót xa
Tiếng gà gáy sớm canh ba
Tôi bèn nhớ lại, lệ sa từng dòng

Chúa ôi! Ngài có đau không?
Chúa ôi! Ngài có trách lòng tôi xa
Chúa ôi! Nguyện được thứ tha
Chúa ôi! Tôi khóc xót xa cõi lòng

Tiếng gà gáy giữa không không
Mà sao tê tái, bão giông lối về
Vì tôi Chúa gánh nặng nề
Vì tôi Chúa chịu mọi bề thương đau

Vì tôi mắt Chúa trũng sâu
Vì tôi Chúa đã nguyện cầu thay cho
Tôi về tràn những âu lo
Tôi về ray rức buồn cho chính mình

Tôi về khép lại gập ghình
Tôi về khép lại bên mình cũ xưa
Tôi về mắt ướt như mưa
Tôi về xin Chúa dẫn đưa tháng ngày

Tôi về quỳ dưới chân Thầy
Tôi về thống hối từ đây một lòng
Ngài nhìn tôi giữa mênh mông
Gặp ánh mắt Chúa, tôi- lòng vỡ tan

Vừa lúc tiếng gà gáy vang
Tôi như bừng tỉnh, ngỡ ngàng Chúa ôi!
Tiếng gà gáy mãi trong tôi
Dặn lòng trung tín không dời, chẳng thay

Tiếng gà gáy nhắc mỗi ngày
Giục tôi hăng hái tỏ bày tình yêu
Tiếng gà tha thiết bao nhiêu
Tôi về bên Chúa nhận nhiều phước ân.

Hoa Dã Quỳ

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

Chung Một Dòng Máu


                Kính thưa quý độc giả,
                Vào những năm 1800, trước khi thuyết tiến hóa của Darwin được phổ biến, khi nhắc đến danh từ “chủng tộc”, người ta có ý phân biệt “chủng tộc người Anh”, chủng tộc người Pháp” hay “chủng tộc người Việt”, “chủng tộc người Trung Hoa” vv. Tuy vậy, khái niệm “chủng tộc” đã hoàn toàn đổi khác, kể từ khi Charles Darwin công bố tác phẩm “Nguồn Gốc Các Loài” vào năm 1859, mà trong đó ông cho rằng, các loài sinh vật khác nhau, trong đó có các chủng tộc khác nhau của con người, là kết quả của quá trình chọn lọc trong tự nhiên hay quá trình đấu tranh để sinh tồn.
                Giả thuyết tiến hóa của Darwin hàm chứa một triết lý kỳ thị, bởi vì giả thuyết này cho rằng những nhóm người hay những chủng tộc khác nhau, tiến hóa ở thời điểm khác nhau với những mức độ tiến hóa cũng khác nhau, cho nên có những chủng tộc vẫn còn sơ khai, trí tuệ còn thô thiển và hình dáng nhìn giống như tổ tiên người vượn hơn những chủng tộc khác.
                Nhà sinh vật học người Đức, Ernst Haeckel, bị ảnh hưởng nặng nề bởi giả thuyết tiến hóa, đã đưa ra lời nhận định rất bất công cho nhiều dân tộc, khi ông tuyên bố: “Nằm ở phía chót của bậc thang trí tuệ là thổ dân Úc Đại Lợi, rồi đến các bộ lạc của người Polynesians thuộc các đảo quốc Thái Bình Dương, người Bushmen và người Hottentots tại Phi Châu, và một vài bộ lạc người da đen”.
                Cũng theo trào lưu này mà vào năm 1906, sở thú Bronx tại Nữu Ước đã trưng bày một người pygmy Phi châu trong một chuồng khỉ, như để so sánh và làm nổi bật những nét tương đồng giữa khỉ và người thuộc chủng tộc pygmy mà giả thuyết tiến hóa cho là “chậm tiến” trong bậc thang tiến hóa.
                Giả thuyết tiến hóa đã gieo rắc thành kiến kỳ thị trong rất nhiều người, là nền tảng của chủ nghĩa Phát xít Đức và cũng là căn bản của những lý luận cộng sản. Như lịch sử đã chứng kiến trong thế kỷ 20 vừa qua và tất cả chúng ta đều biết, tất cả những chế độ chính trị dựa trên giả thuyết tiến hóa đã xem thường giá trị con người, sản sinh ra những nhà cai trị độc tài khát máu như Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot vv., gây ra biết bao đau thương và tang tóc đến cho nhân loại.
                Quý độc giả thân mến,
                Kể từ khi Charles Darwin công bố giả thuyết tiến hóa cách đây khoảng 150 năm, khoa học đã bước thật dài trong việc tìm hiểu tại sao có sự khác biệt giữa các loài sinh vật và các nhóm người khác nhau trên thế giới, nhất là sau khi người ta khám phá ra chuỗi di truyền DNA vào năm 1953.
                Ngày nay, đại đa số các khoa học gia đều đồng ý rằng, xét trên phương diện sinh vật học, thì chỉ có một chủng tộc loài người mà thôi. Như tại cuộc hội nghị khoa học tại Atlanta, một khoa học gia đã phát biểu:
                “Chủng tộc chỉ là một cấu trúc xã hội, chủ yếu dựa trên những nhận định về lịch sử, chứ không hề đặt trên căn bản về sinh vật học”.
                Đài ABC có tuyên bố về những công trình nghiên cứu mới nhất trên nhân chủng học như sau:
                “Càng ngày càng có nhiều khoa học gia tìm thấy sự khác biệt giữa các chủng tộc là yếu tố văn hóa, chứ không phải yếu tố giống nòi. Thậm chí, có một vài khoa học gia đề nghị loại bỏ từ “chủng tộc” vì nó hoàn toàn vô nghĩa”.
                Công trình khoa học mang tên “Human Genome Project”, một công trình với nhiều tốn kém, kéo dài trong 13 năm của chính phủ Hoa Kỳ, chuyên thâu thập những chuỗi genes của mọi nhóm dân trên thế giới để nghiên cứu, phân tách và so sánh. Ở giai đoạn cuối của đồ án nổi tiếng này, các khoa học gia đã cho biết rằng:
                “Khi nghiên cứu để sắp xếp lại toàn bộ cấu trúc chuỗi gene di truyền của cả nhân loại, tất cả đều đồng ý rằng, mọi người đều thuộc vào một chủng tộc duy nhất - đó là chủng tộc con người.”
                Quý độc giả thân mến,
                Nếu càng ngày càng nhiều khoa học gia đồng ý rằng chỉ có một chủng tộc duy nhất là chủng tộc con người mà thôi, thế thì chúng ta giải thích ra sao về sự khác biệt giữa màu da và hình dạng của đôi mắt, cũng như những yếu tố ngoại hình khác giữa những nhóm người da trắng, da vàng, da đỏ và da đen?
                Cũng nhờ vào thành quả của ngành di truyền học, sau khi chuỗi gene được khám phá, các khoa học gia cho biết, các yếu tố ngoại hình như màu da, màu tóc, hình dạng của đôi mắt vv. chỉ là yếu tố phụ, không phải là yếu tố chính trong toàn bộ cấu trúc di truyền của một con người.
                Tiến sĩ Harold Page Freeman, giám đốc khoa phẫu thuật tại bệnh viện North General, Manhattan, Hoa Kỳ, cho biết:
                “Nếu bạn hỏi có bao nhiêu phần trăm trong chuỗi gene di truyền của bạn quyết định những yếu tố ngoại hình, thì câu trả lời là trong khoảng 0.01%”.
                Điều này có nghĩa là giữa một người da trắng và một người da đen, sự khác biệt trong cấu trúc chuỗi gene di truyền của hai người đó chỉ là con số 0.01 % không đáng kể; hay nói một cách khác, cả người da trắng và da đen đều có chung chuỗi gene của con người, chứ không phải chỉ người da trắng mang chuỗi gene con người, còn người da đen mang một loại chuỗi gene khác gần với chuỗi gene của loài khỉ.
                Các nghiên cứu sâu rộng hơn còn cho biết, mức độ khác biệt trong chuỗi gene di truyền giữa những người cùng một màu da với nhau còn cao hơn những giữa những người khác màu da với nhau. Như thống kê cho biết, một người da trắng dễ tìm thấy một quả thận thích hợp để ghép, từ một người da den, hơn là từ một người da trắng khác.
                Do vậy, nếu người ta đã xem những yếu tố ngoại hình như những khác biệt lớn lao, đến nỗi phân biệt ra các chủng tộc khác nhau, là dựa vào yếu tố văn hóa, hay đến từ ý thức giáo dục hay xuất phát từ thành kiến, chứ còn thực ra, trên phương diện sinh vật học, khoa học ngày nay đã khẳng định, tất cả mọi người, dầu có những khác biệt ngoại hình, đều thuộc một chung tộc duy nhất là chủng tộc con người. Tất cả mọi người, bất kể những văn hóa, phong tục khác nhau, dưới cái nhìn của khoa học ngày nay, đều mang chung một loại “genome”, hay chung một cấu trúc chuỗi gene di truyền của con người.
                Kính thưa quý độc giả,
                Nói về màu sắc bên ngoài của da, các khoa học gia cho biết, tuy có làn da bên ngoài khác nhau, nhưng mọi người đều mang chung một chất màu dưới da cả, được gọi là chất “melanin”. Chất “melanin” dưới da có hai dạng chính: dạng thứ nhất là “eumelanin”, có sắc màu từ nâu chuyển sang đen, và dạng thứ nhì là “pheomelanin”, có sắc màu từ đỏ chuyển sang vàng. Các nhà di truyền học cho biết, có từ 4 đến 6 gene trong chuỗi gene kiểm soát việc sản sinh và kết hợp hai chất màu chính dưới da, để tạo nên màu da của một người. Do vậy, mọi người đều có cùng một làn da nâu của chất melanin. Nếu bạn có nhiều chất melanin, làn da bên ngoài sẽ ngã sang màu nâu đậm. Còn nếu bạn có ít chất melanin hơn, làn da bên ngoài sẽ ngã sang một màu sáng hơn. Chất melanin cũng quyết định màu mắt và màu tóc của một người.
                Những người mang nặng thành kiến kỳ thị chủng tộc, cho rằng người có làn da trắng, làn da đen, làn da vàng và làn da đỏ thuộc về những chủng tộc khác biệt, không thể đến chung từ một nguồn gốc được, vì người da đen không thể sinh ra người da trắng hay ngược lại, cha mẹ da trắng không thể sinh ra con cái da đen được.
                Sự thực thì như thế nào?
                Khi một đứa bé chào đời, chuỗi di truyền gene của đứa bé là sự kế thừa và kết hợp từ chuỗi di truyền gene của cha và mẹ. Sự kết hợp rất đa dạng, do vậy, đôi khi chỉ trong một thế hệ thôi, một cặp vợ chồng có thể sản sinh ra những đứa con với những màu da rất khác của mình và khác với những đứa con khác.
                Vào tháng 4 năm 2005, tại Nottingham, Anh quốc, cặp vợ chồng Kylie Hodgson và Remi Horder, với làn da màu nâu, vì cả hai đều có mẹ là người da trắng và cha là người da đen, đã sinh ra một cặp song sinh, là hai đứa bé gái, với Remee mắt xanh da trắng và Kian mắt nâu và da đen. Và đây không phải là trường hợp duy nhất, như báo chí có đăng tải những trường hợp song sinh khác với một em da trắng và em da màu, như gia đình Biggs và gia đình Singerl tại Úc đại lợi vào năm 2006, gia đình Richardson tại Anh quốc cũng vào năm 2006 và gia đình Grant tại Anh quốc vào năm 1983.
                Do vậy, nếu hai con người đầu tiên là A-đam và Ê-va có làn da màu nâu, thì loài người xuất phát từ hai con người đầu tiên này sẽ có vô số những làn da khác nhau, từ làn da trắng, làn da vàng, làn da nâu cho đến làn da đỏ và làn da đen. Sự khám phá ra chuỗi gene di truyền, kết quả từ những công trình khoa học, cùng với vô số bằng chứng hiển nhiên, đã khẳng định chân lý bày tỏ trong Kinh Thánh, rằng tất cả mọi người đều xuất phát từ một người là A-đam, như sứ đồ Phao-lô có tuyên bố: “Từ một người, Ngài dựng lên tất cả các dân tộc trong nhân loại cho họ ở khắp mặt địa cầu, định thời gian hiện hữu và biên giới cho họ cư trú” (Công Vụ 17:26)
                Kinh Thánh cũng ký thuật lại rằng, thoạt tiên, loài người ở chung với nhau một nơi, cùng một tiếng nói và họ đã hiệp tác thật dễ dàng với nhau để phản nghịch với Đấng tạo dựng ta mình. Do vậy, Đấng Tạo Hóa đã làm cho tiếng nói của họ bị xáo trộn, khiến họ bị phân tán ra khắp nơi trên mặt đất. Kể từ đó, ngôn ngữ, văn hóa khác biệt, hoàn cảnh địa lý xa xôi, cùng màu da chỉ phù hợp cho một vùng khí hậu, đã hình thành nên những nhóm người khác nhau, với ngôn ngữ, văn hóa, và làn da đặc trưng khác nhau, nhưng tất cả đều xuất phát từ hai người đầu tiên là A-đam và Ê-va, và do vậy, tất cả đều thuộc chủng tộc con người cả.
                Kính thưa quý độc giả,
                Kinh Thánh không chỉ bày tỏ tất cả mọi người đều xuất phát từ một người, nhưng cũng chỉ ra hiện trạng rằng, mọi người đều đã phạm tội với Đấng tạo dựng ra mình, đi ngược lại với ý chỉ và mục đích mà Thiên Chúa đã dựng nên. Chính tội lỗi đã ngăn cách giữa Đấng Tạo Hóa và loài người, cũng như ngăn cách giữa con người với nhau, đem đến bao ngộ nhận và thành kiến. Vì phạm tội với Thiên Chúa, mọi người đều phải khai trình và nhận bản án phạt đời đời trong ngày chung kết.
                Cảm thương trước số phận hư vong đời đời của loài người, cho nên cách đây hơn 2000 năm, Thiên Chúa Ngôi Hai đã giáng trần trong một con người mang tên Giê-xu. Chúa Cứu Thế đã đến với con người là tạo vật yêu dấu nhất của Ngài, để rồi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự, lãnh bản án tội thế cho muôn người. Những ai tin vào sự chết thế của Con Trời trên cây thập tự, thì người đó được Thượng Đế xóa bôi mọi vi phạm, được tha cho bản án chết, và nhận được sự sống đời đời, như chính Chúa Cứu Thế Giê-xu có tuyên bố: “Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài, để tất cả những người tin nhận Con Thượng Đế đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh cửu” (Giăng 3:16).
                Kinh Thánh cũng nhấn mạnh: “Hễ ai tin Ngài sẽ chẳng bao giờ thất vọng.” “Hễ ai” có nghĩa là tất cả mọi người…Chúa là Chúa của mọi người. Ngài ban phúc lành cho bất cứ ai tin nơi Ngài” (Rô-ma 10:11-12)
                Quý độc giả thân mến,
                Trong khi giả thuyết tiến hóa phủ nhận Đấng Tạo Hóa, với lập luận phân biệt và kỳ thị, đã đào sâu hố ngăn cách giữa con người với nhau, suýt đẩy nhân loại vào cảnh diệt vong, thì Kinh Thánh khẳng định nguồn gốc chung của loài người, nhấn mạnh giá trị cao trọng của mỗi người, đến nỗi Con Trời phải giáng thế và chết thay cho mỗi một chúng ta.
                Thế kỷ 20 đã chứng minh giả thuyết tiến hóa là phản đạo đức.
                Thế kỷ 21 đang chứng minh giả thuyết tiến hóa là phản khoa học.
                Ước mong quý vị sớm dứt khoát với giả thuyết lỗi thời này, để quay trở lại với Đấng Tạo Hóa, là Đấng đã dựng nên quý vị và tôi bằng tình yêu bao la, là Đấng đang đeo đuổi theo mỗi bước chân của chúng ta trong từng giây phút của cuộc đời, với lòng nhân từ và xót thương vô hạn.
                Thân chào quý vị và các bạn.
Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!