Kính thưa quý độc giả,
Cách đây hơn 2000 năm, Thượng Đế đã sai Con Một của Ngài giáng trần, trong một con người mang tên Giê-xu. Sứ mạng chính của Chúa Cứu Thế Giê-xu khi đến trần gian này là, chết thay cho tội lỗi của muôn người, trong đó có quý vị và tôi. Sau khi bị chết treo thật đau thương trên cây thập tự, lãnh món nợ tội thế cho nhân loại, Chúa Cứu Thế bị đặt vào mộ đá. Thánh sử cũng ký thuật tiếp, sau ba ngày thì Chúa Cứu Thế Giê-xu đã phục sinh, đã sống lại từ cõi chết và đi đến với rất nhiều người, trước khi Ngài từ giã họ để trở về trời.
Sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu là nền tảng của niềm tin của những ai tin nhận Ngài.
Vì tất cả chúng ta đều phạm tội với Đấng Tạo Hóa, đáng phải bị chết trong nơi đau khổ đời đời. Dầu biết vậy, chúng ta không ai mà tránh sao cho khỏi phạm tội, vì bản chất ưa phạm tội, đã ăn sâu trong suy nghĩ và thể hiện trong muôn vàn hành vi của chúng ta.
Cảm thương nhân loại bất lực trước sự thống trị của tội lỗi, biết chắc loài người vô phương tự cứu mình thoát khỏi bản án phạt đời đời, cho nên Thượng Đế đã sai Con Một của Ngài xuống trần, để rồi bị đóng đinh trên cây thập tự, chịu chết thế tội cho muôn người. Hễ ai ăn năn, tin vào sự chết thế đó, sẽ được Đấng Tạo Hóa xem là vô tội, được tha khỏi bản án chết, và sẽ được sống lại trong ngày sau cùng, để tận hưởng một đời đời phước hạnh cho đến muôn đời.
Lời hứa sẽ được Thượng Đế cho phục sinh, cho sống lại, để vui hưởng đời sống phước hạnh muôn đời, đã được chứng minh qua sự phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Vì hễ ai tin vào sự chết thế của Con Trời, thì cùng sẽ được phục sinh sống lại như Ngài, như Kinh Thánh có bày tỏ: “Thượng Đế đã làm cho Chúa Giê-xu sống lại từ cõi chết, nên một khi Thánh Linh Ngài sống trong anh em, Thượng Đế cũng sẽ khiến thi thể của anh em sống lại, do quyền năng Thánh Linh” (Rô-ma 8:11).
Như vậy, sự phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu là niềm hy vọng duy nhất của loài người để có thể vượt thoát được bản án chết đời đời nơi âm phủ.
Kính thưa quý độc giả,
Nếu Chúa Cứu Thế thực sự sống lại từ cõi chết, xét theo phương diện lịch sử, chắc chắn sự kiện diệu kỳ này đã gây ra một chấn động trong lịch sử, phải lưu lại vô số những bằng chứng, những lời tường thuật cùng những ảnh hưởng sâu sắc trong nhiều người.
Trong tuần trước, chúng ta đã đưa ra một số lời tường thuật của nhiều nhân chứng đã được gặp Chúa Cứu Thế Giê-xu sau khi Ngài phục sinh sống lại. Trong tuần này, chúng ta cùng nhau xem xét sự phục sinh của Ngài đã biến đổi những con người này như thế nào.
Ngay giây phút Chúa Giê-xu bị các nhà lãnh đạo tôn giáo sai người đến bắt, mười một môn đệ thân tín đã khiếp sợ, bỏ Ngài mà trốn mất biệt. Sau khi Ngài bị đóng đinh, bị chết, bị bỏ vào mộ đá, sau ba ngày, quý bà là những người đầu tiên khám phá Ngài đã phục sinh sống lại và vội báo tin cho các nam môn đệ đang lẩn trốn. Một số nam môn đệ, mới đầu cho là chuyện hoang đường, vì từ trước giờ, có ai chết mà có thể sống lại. Tuy nhiên, sau khi kiểm chứng lại ngôi mộ trống, cũng như sau khi Chúa Giê-xu đã xuất hiện với họ, các nam môn đệ được chứng kiến Thầy mình đã thực sự sống lại từ cõi chết.
Tuy vậy, có một người môn đệ là Thô-ma, vì không có mặt với các môn đệ khác trong lần đầu tiên Chúa Giê-xu xuất hiện, mặc dù được tất cả các môn đệ kia làm chứng kể lại, nhưng ông vẫn hoài nghi và không tin. Sứ đồ Giăng tường thuật lại câu chuyện của Thô-ma như sau: “Thô-ma, còn gọi là Đi-đim, một trong mười hai môn đệ, không có mặt ở đó khi Chúa Giê-xu hiện ra. Các môn đệ kia quả quyết với Thô-ma rằng, “Chúng tôi đã thấy Chúa!” Nhưng Thô-ma bảo, “Nếu tôi không thấy dấu sẹo đinh nơi tay Ngài, nếu ngón tay tôi không rờ được dấu đinh và bàn tay tôi không đụng vào hông Ngài thì tôi không tin. Một tuần sau, các môn đệ đang nhóm nhau trong phòng, lần nầy có mặt Thô-ma. Cửa đang khóa chặt thì Chúa Giê-xu bỗng hiện đến đứng giữa họ và nói rằng, “Bình an cho các con.” Rồi Ngài bảo Thô-ma, “Hãy đặt ngón tay con vào đây và hãy nhìn kỹ bàn tay ta. Hãy đến đặt bàn tay con vào hông ta. Đừng ngờ vực nữa mà hãy tin! Thô-ma kêu lên, “Lạy Chúa và Thượng Đế của con!”(Giăng 20:24-28)
Chính con người Thô-ma này, đã được biến đổi hoàn toàn sau biến cố phục sinh. Từ một người đa nghi, Thô-ma đã trở nên một người tử vì đạo, chịu chết đâm, chỉ vì khăng khăng muốn nói cho cả thế giới biết rằng, Chúa Cứu Thế Giê-xu chính là Thượng Đế trong thân xác con người và đã thực sự phục sinh sống lại từ cõi chết.
Trong các môn đệ thân tín, có một người tên là Phi-e-rơ. Ông là người rất bạo dạn và trực tính. Tuy vậy, sau khi Chúa Giê-xu bị lính bắt giải đi, ông đã trở nên vô cùng sợ hãi, đến nỗi đã ba lần chối quanh rằng, ông không có liên hệ gì với con người mang tên Giê-xu.
Sử gia Lu-ca tường thuật câu chuyện về Phi-e-rơ như sau: “Chúng bắt Chúa Giê-xu dẫn đi và giải Ngài đến nhà riêng của thầy tế lễ tối cao. Phi-e-rơ đi theo sau xa xa. Sau khi bọn lính đốt một đống lửa giữa sân và ngồi sưởi gần nhau thì Phi-e-rơ cũng đến ngồi chung với họ. Một đứa tớ gái thấy Phi-e-rơ ngồi đó qua ánh lửa chập chờn, cô nhìn Phi-e-rơ thật kỹ rồi bảo, “Ông nầy cũng ở với người ấy.” Nhưng Phi-e-rơ chối biến; ông bảo, “Chị ơi, tôi không hề biết người ấy.” Lát sau, một người khác thấy Phi-e-rơ liền nói, “Ông cũng là người thuộc bọn đó.” Nhưng Phi-e-rơ đáp, “Anh ơi, tôi không thuộc đám đó đâu!” Độ một giờ sau, một người nữa nhất quyết, “Chắc chắn người nầy từng ở với ông ấy vì ông ta cũng gốc Ga-li-lê.” Nhưng Phi-e-rơ trả lời, “Anh à, tôi không hiểu anh nói gì cả!” (Lu-ca 22:54-60)
Quý độc giả thân mến,
Ấy vậy mà, một thời gian rất ngắn sau khi Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên cây thập tự và bị chôn, người ta chứng kiến cũng con người Phi-e-rơ đó, lại trở nên can đảm đến lạ lùng. Phi-e-rơ, ngay trong thủ đô Giê-ru-sa-lem, nơi tập trung những thế lực tôn giáo, đã vừa bắt và xử tử thầy mình, lại dám đứng giữa hàng ngàn người, để dõng dạc tuyên bố rằng, Giê-xu chính là Chúa Cứu Thế đến từ trời, đã chết thay cho tội lỗi của mọi người và đã phục sinh sống lại. Cuối cùng, Phi-e-rơ đã bị đóng đinh ngược trên thập tự. Điều gì đã khiến một con người chết nhát như gà mái đã trở nên can trường như một con sư tử dũng mãnh? Có thể nào Phi-e-rơ tự thêu dệt nên huyền thoại về sự phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu, để rồi tự lao mình, chết cho cái huyền thoại mà chính mình tự bịa đặt ra? Không ai chịu chết một cách vô lý và oan uổng như vậy. Câu trả lời thỏa đáng nhất, được sứ đồ Phao-lô ghi nhận như sau: “Tôi truyền lại cho anh chị em điều tôi đã nhận mà điều hệ trọng nhất như sau: Chúa Cứu Thế chết vì tội chúng ta theo lời Thánh Kinh; Ngài được chôn và sống lại vào ngày thứ ba theo lời Thánh Kinh; Ngài hiện ra cho Phi-e-rơ và mười hai sứ đồ. Sau đó Ngài hiện ra cho hơn năm trăm tín hữu cùng thấy. Hầu hết những người ấy vẫn còn sống, tuy một số đã qua đời.” (1 Cô-rinh-tô 15:3-6).
Như vậy, vì Phi-e-rơ cùng nhiều người khác đã được chứng kiến Chúa Giê-xu sống lại, khiến ông trở nên can đảm đến lạ thường, đến nỗi ông sẵn sàng chết để bảo vệ sự thật đó.
Chúa Cứu Thế Giê-xu có một em trai tên là Gia-cơ. Khi Chúa Giê-xu trưởng thành và bắt đầu đi ra để thi hành chương trình cứu chuộc nhân loại, Gia-cơ không tin rằng người anh của mình lại chính là Con của Thượng Đế đã giáng trần trong thân xác loài người. Đã nhiều lần, Gia-cơ cùng các em khác đã mỉa mai, thách thức Chúa Giê-xu như vầy: “Anh cứ qua xứ Giu-đê, cho đám môn đệ anh chứng kiến tài nghệ! Muốn được danh tiếng, đâu cần lẫn tránh giấu giếm. Nếu anh muốn làm việc lớn, cứ ra mặt cho thiên hạ biết rõ!” (Giăng 7:3-4). Thật ra, Gia-cơ cảm thấy sượng sùng và xấu hổ, vì người anh của mình chỉ làm cho gia đình mình bị tai tiếng, bị nhục nhã, qua những lời tuyên bố thật to lớn của anh ấy, như: “Ta là Con đường, Chân lý và Nguồn sống. Nếu không nhờ Ta, không ai được đến với Cha” (Giăng 14:6) hay như “Ta là cây nho, các con là cành” (Giăng 15:5).
Thế nhưng một điều gì đó đã xảy đến với Gia-cơ. Không bao lâu, sau khi Chúa Giê-xu bị đóng đinh và bị chôn, người ta chứng kiến Gia-cơ đứng giảng trên các đường phố của thủ đô Giê-ru-sa-lem. Sứ điệp mà Gia-cơ tuyên bố, đó là Chúa Giê-xu chính là Thượng Đế trong thân xác con người, đã chết thay cho tội lỗi của nhân loại và đã phục sinh sống lại rồi. Gia-cơ đã trở nên nhân vật đi đầu trong hội thánh đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem và ông cũng là tác giả của bức thơ mang tên ông trong Kinh Thánh Tân Ước. Gia-cơ đã bị ném đá cho đến chết chỉ vì tội “ngoan cố” loan tin phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Điều gì đã khiến người em trai sượng sùng, xấu hổ của Giê-xu lại trở nên mạnh dạn phi thường như vậy,đến nỗi sẵn sàng chết để nói lên gốc tích từ trời của người anh Giê-xu của mình? Câu trả lời thỏa đáng được tìm thấy trong lời tường thuật của sứ đồ Phao-lô như sau: “Sau đó Chúa hiện ra cho Gia-cơ, rồi cho tất cả các sứ đồ” (1 Cô-rinh-tô 15:7).
Quý độc giả thân mến,
Thực ra còn có rất nhiều cuộc đời đã được biến đổi qua sự phục sinh sống lại của Chúa Giê-xu, nhưng vì thời giờ có hạn, nên kính mời quý vị cùng tiếp tục khám phá thêm với chúng tôi trong những lần tới.
Nếu chú ý, quý vị sẽ thấy tất cả những cuộc đời được biến đổi trong một thời gian cực ngắn. Ngày thứ sáu, Chúa Giê-xu bị đóng đinh, các môn đệ và người thân của Ngài buồn rầu, thất vọng, chán chường. Qua ngày đầu tuần, tâm hồn họ rạng rỡ, tràn đầy hy vọng. Làm sao mà rất nhiều người, lại thay đổi một cách đột ngột chỉ trong vòng từ ba đến bốn ngày? Vết thương lòng sâu thẳm nào, sự thất vọng to tát nào cũng cần rất nhiều thời gian để khuây khỏa, để lãng quên. Huyền thoại nào cũng cần nhiều thời giờ để thêu dệt, để thổi phồng, để lây lan. Thế nhưng chỉ trong vòng ba ngày ngắn ngủi, người buồn rầu trở nên vui mừng, kẻ hoài nghi trở nên kiên quyết, người sượng sùng mắc cỡ lại trở nên can đảm lạ thường. Chỉ có một câu trả lời hữu lý nhất; đó là tất cả đã được gặp Chúa Giê-xu phục sinh sống lại từ cõi chết.
Thực ra, đây không phải là một sự tình cờ, nhưng Con Trời đã cố ý lưu lại vô số những chứng cớ phục sinh, để quý vị và tôi vững tin rằng, khi chúng ta tin vào sự chết thế của Ngài, thì cũng sẽ phục sinh giống như Ngài, để vui hưởng đời sống phước hạnh muôn đời, như Kinh Thánh có khẳng định: “Nếu chúng ta đồng chết với Ngài, chúng ta sẽ đồng sống với Ngài” (2 Ti-mô-thê 2:11).
Thân chào quý vị và các bạn.
Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com