Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Ăn Năn


         Trong câu chuyện Phúc Âm cách đây hai tuần, chúng tôi có nói về Nước Đức Chúa Trời hay vương quốc của Thiên Chúa. Nước Đức Chúa Trời hay vương quốc của Thiên Chúa nói đến quyền cai trị của Chúa và chúng ta là thần dân của Ngài. Trong lời rao giảng Phúc Âm đầu tiên, Chúa Giê-xu phán: "Các ngươi hãy ăn năn vì Nước Trời đã đến gần." Điều kiện để được vào Nước Trời là chúng ta phải ăn năn. Ăn năn hay hối cải hay sám hối là điều kiện tiên quyết để được vào Nước Trời, được làm con dân Chúa. Danh từ ăn năn hay hối cải hay sám hối chỉ dùng cho người có tội. Chỉ người có tội hay có lỗi mới cần phải ăn năn sám hối, tại sao Chúa Giê-xu cũng như sứ giả của Chúa mọi thời đại lại kêu gọi mọi người ăn năn, sám hối? 
         Vấn đề có hai phương diện:
         1. Mọi người, dù muốn hay không khi sinh ra là đã có tội. Đây là nguyên tội hay tội lỗi lưu truyền từ tổ tiên, ông bà cha mẹ. Chúng ta không muốn như vậy và có thể cũng không nhận như vậy, nhưng đã sinh ra làm người, chúng ta mang trong huyết quản dòng máu tội lỗi của tổ tiên truyền lại. Có thể chúng ta không công nhận điều nầy nhưng quan sát những đứa bé hay qua kinh nghiệm bản thân, chúng ta thấy điều nầy rất rõ. Không ai trong chúng ta dạy cho trẻ con làm điều xằng bậy, nhưng ngay từ khi còn nhỏ các em đã có khuynh hướng làm điều xấu như nói dối, ích kỷ, thích cãi nhau, đánh nhau. Điều đó cho thấy mầm mống tội lỗi vốn nằm sẵn trong con người, đợi đúng đến thời kỳ hay dịp tiện là bộc phát. Người xưa nói rằng: "Nhân chi sơ, tính bản thiện" hàm ý nói đến con người đầu tiên lúc mới được tạo dựng mang bản tính của Thiên Chúa và là con người toàn thiện. Nhưng với ý chí tự do thiên phú, con người đã chọn con đường phản loạn, xa cách Thiên Chúa và bản tính tội lỗi đã ở với con người luôn từ khi con người đầu tiên sa ngã và phạm tội. Như dòng sông phát xuất từ một nguồn, như cái hột, như cái gốc, từ nguồn gốc tội lỗi, những gì sinh ra đều là tội lỗi. Tội lỗi đã di truyền trong con người trải mọi thời đại. Con người dù là ai, trong thời đại nào cũng đều mang nguyên tội vì vậy đều cần phải ăn năn, hối cải để được vào Nước Trời, được làm công dân thiên quốc.
         2. Nhiều người cho rằng nguyên tội không phải là lỗi của tôi, không thể bắt tôi chịu trách nhiệm về những gì tôi không làm. Cứ hãy cho rằng chúng ta không chịu trách nhiệm về vấn đề nguyên tội nhưng hãy nhìn lại chính mình. Từ khi hiểu biết cho đến nay đã bao nhiêu lần chúng ta làm những điều không đáng làm, suy nghĩ những điều không đáng suy nghĩ, nói những lời không đáng nói? Lương tâm chúng ta đã bao nhiêu lần cáo trách mà chúng ta vẫn "chứng nào tật nấy?" Thật vậy, dù phủ nhận nguyên tội là tội do ông bà tổ tiên truyền lại, mỗi chúng ta đều phải nhận là chúng ta cũng có kỷ tội tức là tội do chính mình gây ra, dù không kinh khủng như giết người, gian dâm nhưng chắc chắn đã có những ý nghĩ xấu, lòng ganh ghét, ích kỷ, nói dối, làm những điều không nên làm, v.v... cho nên cũng cần phải ăn năn hối lỗi mới có thể tương giao với Thiên Chúa thánh khiết là Đấng đã tạo dựng chúng ta và muốn chúng ta tương giao với Ngài.
         Nhưng dù là nguyên tội hay kỷ tội, tội lỗi là một thực tế chúng ta không thể phủ nhận. Chính vì vậy mà lời giảng đầu tiên của Chúa cho chúng ta là "Hãy ăn năn." Ăn năn nghĩa là đổi ý, thay đổi thái độ. Chúng ta đang lái xe trên một đoạn đường nào đó mà nếu biết rằng chúng ta đang lạc đường hay sai hướng, điều chúng ta cần làm là đổi hướng, quay ngược lại, tiếng Anh gọi là "make a U turn." Thưa quý vị, đó là ý nghĩa của chữ ăn năn. Chúng ta là con người tội lỗi nhưng không nghĩ hay không biết mình có tội cho đến khi chúng ta đối diện với Phúc Âm của Thiên Chúa. Phúc Âm là tin mừng, tin vui, nhưng tin mừng hay tin vui chỉ có ý nghĩa khi chúng ta ở trong hoàn cảnh khó khăn, đau buồn. Đối với người đau, tin mừng là được chữa bệnh. Đối với người mắc nợ, tin mừng là được tha nợ hay có tiền để trả nợ. Đối với người ở tù, tin mừng là giấy phóng thích, là ơn ân xá. Tin mừng không có ý nghĩa nếu trước đó chúng ta không ở trong một hoàn cảnh tuyệt vọng, đau khổ. Tin mừng nói lên một điều gì tốt đẹp hơn tình trạng hiện tại của chúng ta. Cũng vậy, sở dĩ Phúc Âm của Thiên Chúa là tin mừng là vì Phúc Âm trước hết cho con người thấy mình là tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Ăn năn, hối lỗi, trở lại với Thiên Chúa là điềukiện tiên quyết để được tha thứ và nối lại mối quan hệ với Thiên Chúa.
         Cội nguồn của những khổ đau ở đời là tội, nguyên tội và kỷ tội, tội di truyền trong dòng máu và tội do chính ta gây ra. Ăn năn, hối lỗi, quay lại với Thiên Chúa là bước đầu tiên dẫn chúng ta đến an bình, viên mãn và ý nghĩa của đời sống. Tội lỗi đã làm cho hài hòa giữa Thiên Chúa và con người không còn nữa và vì vậy, dừng lại, ăn năn, quay đầu, đổi hướng, chính là điều quan trọng đầu tiên cần làm. Chúa Giê-xu phán: "Các ngươi hãy ăn năn vì Nước Trời đã đến gần." Nước Trời đã đến gần, ngày Chúa Giê-xu trở lại trần gian để làm vua đã gần kề. Để được cùng sống với Chúa trong vương quốc của Ngài, chúng ta phải ăn năn, nhận mình là người có tội và quay trở lại với Chúa.
         Trên thế giới ngày nay chỉ còn một số ít quốc gia theo chế độ quân chủ, còn có vua cai trị. Chúng ta nói đến vương quốc Thái Lan, vương quốc Anh, vương quốc Hòa-lan, v.v... Nhưng còn một vương quốc quan trọng mà có lẽ nhiều người không biết hay đã quên, đó là vương quốc của Thiên Chúa hay Nước Trời. Trong vương quốc nầy, Thiên Chúa là vua và chúng ta là thần dân của Ngài và điều kiện duy nhất để được làm dân Chúa là ăn năn, quay trở lại với Chúa, thần phục Ngài, nhận Ngài là vua của đời sống. Thiên Chúa đã làm tất cả, đã hy sinh Con Một của Ngài là Chúa Giê-xu chịu chết vì tội chúng ta. Lời loan báo của chúng tôi cho quý vị hôm nay cũng không có gì khác hơn là, "Hãy ăn năn vì Nước Trời đã đến gần." Chúng tôi hy vọng rằng trong ngày cuối cùng, lúc Chúa Giê-xu trở lại làm vua trên trần gian nầy, Bạn sẽ không phải ân hận vì đã được nghe tin lành cứu rỗi của Thiên Chúa mà lại khước từ hay bỏ qua. Niềm tin nơi Chúa Giê-xu chẳng những đảm bảo sự sống đời đời cho chúng ta trong cõi vĩnh hằng nhưng cũng cho chúng ta một đời sống có ý nghĩa và mục đích trong cõi đời tạm nầy như lời Chúa Giê-xu đã hứa: "Ta đã đến hầu cho chiên được sống và được sống sung mãn."
         Con người đầu tiên đã sử dụng ý chí tự do Thiên Chúa ban cho và bất tuân Lời Chúa và đưa cả nhân loại vào con đường diệt vong. Ý chí tự do của chúng ta vẫn có và Phúc Âm cứu rỗi của Chúa Giê-xu đã đến cho chúng ta tiếp nhận và được trở về tình trạng thiện lành nguyên thủy. Bạn sẽ sử dụng ý chí tự do của mình như thế nào trước lời mời gọi của Thiên Chúa?
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Không Biết Xấu Hổ


KHÔNG BIẾT XẤU HỔ

               Kinh Thánh: Giê-rê-mi 8:12

               Chúng nó làm ra sự gớm ghiếc, há lấy làm xấu hổ ư? Đã chẳng xấu hổ chút nào, lại cũng không thẹn đỏ mặt. Vậy nên chúng nó sẽ ngã với những người vấp ngã. Đến ngày thăm phạt, chúng nó sẽ bị lật đổ, Đức Giê-hô-va phán vậy.

               Giê-rê-mi đã giảng những từ này để tả sự không biết hổ thẹn của dân sự (6:15). Họ không biết xấu hổ (3:3). Giê-rê-mi muốn họ thừa nhận sự xấu hổ về những tội lỗi họ đã phạm.

               Dân sự không còn biết xấu hổ làm gì. Họ không cảm thấy phải ăn năn về lối sống gớm ghiếc của họ. Giê-rê-mi đã liệt kê từng tội lỗi xấu xa của họ.

               Họ quay khỏi Đức Chúa Trời (8:5) họ chối bỏ lời Ngài (8:9). Họ gian ác (8:6). Họ tham lam và dối giả (8:10). Có đủ mọi lý do khiến họ phải xấu hổ.

               Tuy nhiên họ không cảm thấy hổ thẹn. Tội lỗi họ đã ăn sâu đến nỗi lương tâm họ trở nên chai lì. Nó làm mù lòa phẩm chất đạo đức của họ, làm lòng họ cứng đến nỗi họ không còn phân biệt được điều đúng sai. Họ không còn nhận ra được sự gian ác của chính mình.

               Không sớm thì muộn, Đức Giê-hô-va cũng đem sự xấu hổ đến cho những ai không còn cảm biết xấu hổ. Giê-rê-mi đã dùng hình ảnh của những thầy thông giáo để làm ví dụ điển hình. Những người khôn ngoan này đã chối bỏ nguồn của sự khôn ngoan. Họ chối bỏ lời Đức Chúa Trời và họ không cảm thấy hổ thẹn vì thiếu sự khôn ngoan thật của mình. Hậu quả là sự xấu hổ sẽ đến trên họ trong tương lai (8:8, 9).

               Ngày nay nhiều người cũng vậy. Họ cố che đậy sự xấu hổ. Nhưng họ không nhận ra rằng cố gắng thoát khỏi sự hổ thẹn không loại bỏ được tội lỗi. Sự hổ thẹn vào trong thế gian cùng với tội lỗi và nó sẽ tồn tại cho đến khi tội lỗi còn tồn tại.

               Bạn có biết xấu hổ không? Bạn phải biết xấu hổ trước lối sống không tin kính của mình. Cảm thấy xấu hổ về tội lỗi của chính mình hay người lân cận mình là điều bình thường mà Bạn nên có. Vì cớ Chúa hãy xấu hổ về những điều sai trật!

               Những điều nào Bạn đã làm mà bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy xấu hổ? Hãy xưng ra trước mặt Đức Chúa Trời và đến gần Ngài.

David Coldwell
Nguồn: cdnvn.com

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

ĐỐ KINH THÁNH số 1/2017

HỘI THÁNH LIÊN HỮU CƠ ĐỐC VIỆT NAM
TỔNG ĐOÀN THANH THIẾU NIÊN
*****


ĐỐ KINH THÁNH SỐ 1/2017
(Mỗi Quý sẽ có một bài đố mới. Bài được chọn là bài tham gia trả lời đúng nhiều câu hỏi nhất và thời gian trả lời nhanh nhất)





Lưu ý:



        1- Hạn chót nộp bài của bài ĐKT 1/2017: ngày 15/04/2017 (tính theo dấu Bưu điện)
        2- Bài làm viết trên giấy ghi đầy đủ thông tin: Họ Tên, Năm Sinh, Điện Thoại, Hội Thánh đang sinh hoạt.
        3- Hình thức nộp bài dự thi: Có thể chọn 1 trong 2 hình thức
        - Gửi theo đường Bưu Điện (thông tin địa chỉ nhận thư được ghi tại trang 2 tờ Đố Kinh Thánh)
        - Chụp hình bài dự thi gửi Email hoặc Inbox Facebook Tổng Đoàn (Hình chụp phải rõ ràng và đầy đủ thông tin)
        4- Bài trả lời Đố Kinh Thánh vui lòng gửi về:
        - Văn Phòng Tổng Hội - Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam (Số 14/6b Trịnh Thị Miếng, Ấp Đông, Thới Tam Thôn, Hóc Môn, Tp.HCM (ngoài phong bì ghi rõ bài trả lời Đố Kinh Thánh);
        - Có thể gửi qua email: tongdoanttn@yahoo.com (chụp hình bài làm rồi gửi qua mail)
        - Hoặc qua tiện ích Messenger Facebook của Tổng Đoàn Thanh Thiếu Niên (tương tự như gửi mail)

        5- Lưu ý dành riêng cho ban viên Thanh Thiếu Niên HTTL Tân Nghĩa:
        Nhằm khích lệ các ban viên TTN tham gia học Kinh Thánh, Ban ĐKT sẽ đưa ra các gợi ý để giải đố cho các bạn. Để xem gợi ý, các ban viên vui lòng gửi thông tin yêu cầu vào hòm thư: dkttannghia@gmail.com


        Rất mong sự tham gia nhiệt tình của các bạn như một cách để học hỏi Lời Chúa và cơ hội nhận nhiều phần quà giá trị. Xin chào và hẹn gặp lại!


Ban Đố Kinh Thánh

Thời Gian và Cuộc Đời


                Đối với nhà vật lý, thời gian có thể đo được thật chính xác. Với nhà toán học, thời gian là không gian một chiều, thẳng tắp chạy liên tục, có thể được chia thành các “thời khắc”, giống như từng tấm ảnh trong một cuộn phim. Còn với phần đông còn lại, thời gian là sự dần trôi, trôi từ quá khứ qua hiện tại và trôi thẳng tới tương lai.
                 Có người nói rằng: "Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già, qua một ngày đi mất một ngày, phí một ngày thiệt hại một ngày". Nhưng điều quan trọng khi nói đến thời gian, chúng ta phải nghĩ đến thì giờ hữu hạn lúc ta sống trên đất là món quà quý báu mà Chúa Trời ban cho mỗi người. Chúng ta không thể dùng tiền bạc mà mua được thời gian, chính vì thế mà chúng ta phải dùng thì giờ thật hiệu quả, thật có ích lợi, không nên lãng phí. Thánh Kinh dạy: "Việc gì cũng có lúc, có thời của nó: Có lúc sinh, lúc tử; Có lúc gieo, lúc gặt; Có lúc giết hại, lúc chữa lành; Có lúc phá, lúc dựng; Có lúc khóc, lúc cười; Có lúc buồn, lúc vui; Có lúc vứt bỏ, lúc nhặt lại; Có lúc ôm ấp, lúc ruồng rẫy; Có lúc đánh mất, lúc tìm được; Có lúc giữ gìn, lúc loại bỏ; Có lúc xé, lúc vá; Có lúc câm nín, lúc lên tiếng; Có lúc yêu, lúc ghét; Có thời chiến, thời bình." (Truyền Đạo 3:1-8)
                 Ngày nay chúng ta thường nghe có người nói: “chuyện gì tới rồi sẽ tới.” Người theo chủ trương này luôn để cuộc đời trôi theo định mệnh. Có lúc được, có lúc mất, như những người đầu tư vào thị trường chứng khoán, hoặc những kẻ đánh cuộc, cá độ, có lúc được, có lúc mất tiền cách dễ dàng. Chắc quý vị đã từng chứng kiến những biến cố xảy ra trong vài thập niên qua, có người làm giàu mau chóng như nước ngập, nhưng sau đó tiền bạc, tài sản của họ mất đi một cách bất ngờ như chiếc thùng lủng đáy, như bong bóng bể, và họ trở thành những kẻ trắng tay.
                 Thánh Kinh dạy tiếp: "Kẻ làm việc có được ích lợi gì về lao khổ mình chăng?" (Truyền đạo 3:9) Liệu sự lao khổ nhọc nhằn ấy có đem lại lợi ích cho mình không? Tại sao mình mãi tranh đấu? Đối với những người không nhận biết Đức Chúa Trời trong thế giới thương mại, làm ăn, họ chỉ nghĩ đến chuyện làm giàu, kiếm sao cho thật nhiều tiền chẳng màng đến sự tôn kính Chúa Trời hay thành tâm thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời mình, Đấng Tạo Hóa mình.
                 Thời gian là tặng phẩm của Chúa Trời ban cho loài người chúng ta. Nếu Chúa Trời cho ta sự sống mà không cho ta thời gian để sống thì ta không thể sống được. Như vậy, thì gian liên hệ mật thiết đến cuộc đời và khi thì giờ không còn nữa thì cuộc sống con người sẽ chấm dứt. Chính vì thế mà những điều chúng ta làm trong cuộc đời, những cơ hội chúng ta có, những người mà chúng ta gặp, con đường mà chúng ta đang đi, phước hạnh mà chúng ta đang thụ hưởng, tất cả mọi sự đó sớm hay muộn gì cũng tới một thời điểm, thời điểm mà thời gian không còn nữa.
                 Ngày nay có những người lệ thuộc vào thời gian hơn là chúng ta quản trị nó. Chẳng hạn, người kia ăn trưa với một người bạn. Anh bạn ấy lấy từ trong túi chiếc điện thoại cầm tay ra, để trên bàn ăn bởi vì anh e sợ sẽ bỏ lỡ một cuộc điện thoại trong lúc bận ăn. Anh ta cũng có một máy pager gắn trên thắt lưng vì anh e sợ anh sẽ bỏ lỡ một cú điện thoại khác đang lúc anh sử dụng cái chiếc điện thoại di động ấy.
                 Thời gian vừa quý báu vừa qua mau nên con người tìm cách tiết kiệm thời gian, như cách con người trên thế giới hiện nay liên lạc với nhau. Khác với vài thập niên trước đây, chúng ta truyền đạt với nhau bằng thư từ. Hiện nay chỉ cần vài giây là email có thể đến tay người nhận, hoặc chúng ta nói chuyện trực tiếp qua Facetime hay Viber.
                 Ông bà ta dạy "Thì giờ là tiền bạc". Chúng ta đang sống trong xã hội văn minh tuyệt đỉnh, nhưng chúng ta phải vật lộn với cuộc sống, phải chạy đua với thời gian. Thì giờ quý hơn cả tiền bạc vì tiền bạc còn có thể kiếm được, còn thì giờ thì không ai có thể nhận thêm hay bớt đi, vì Chúa Trời ban cho mọi người không kể sang hèn, mỗi người đều có 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày, và 7 ngày trong tuần. Đáng tiếc là có một số người, tuy biết rằng mình không còn sống bao lâu, số ngày còn lại trên trần gian sắp cạn rồi mà vẫn không thấy quý. Và một điều đáng tiếc nữa là có người dù biết không thể dùng tiền để mua thêm thời gian, thế mà họ lại kiếm thêm tiền bằng cách xài phí thời giờ của mình.
                 Trong khi đó có người khôn ngoan, dùng tiền để tận dụng thời gian (Chẳng hạn như có người trả tiền cho người khác để trông nom con mình để có thêm thì giờ làm việc khác). Thánh Kinh ký thuật lời cầu nguyện của Môi-se, trong lời cầu nguyện nầy ông ta thiết xin Chúa dạy mình cách sử dụng thời giờ một cách khôn ngoan. Rất mong quý vị cũng dâng lên Chúa Trời lời khẩn nguyện nầy:
                 "Lạy Chúa, từ đời nầy qua đời kia Chúa là nơi cư trú của chúng con. 
                 Trước khi núi non chưa sanh ra, 
                 Đất và thế gian chưa dựng nên, 
                 Từ trước vô cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời." (Thi Thiên 90:1-2)
                 Từ ngữ ‘đời đời’ là chữ biểu tượng trong tiếng Do Thái cổ, có nghĩa là từ điểm tiêu tán này đến một điểm tiêu tán khác. Đức Chúa Trời từ một điểm tiêu tán trong quá khứ đến một điểm tiêu tán trong tương lai đời đời. Cũng như chúng ta có thể có một điểm khởi đầu, bắt đầu từ điểm khởi đầu này đến một điểm khác. Dẫu thời gian sẽ qua đi nhưng Đức Chúa Trời vẫn y nguyên. Đây là một ý tưởng rất cao siêu và vô cùng thâm thúy, trong khi con người chỉ là một tạo vật của Đức Chúa Trời. Thánh Kinh chép: "Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ." (Sáng thế ký 1:27) Thánh Kinh viết tiếp: "Chúa Hằng Hữu Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh" (tức là một loài thọ tạo có linh hồn) (Sáng thế ký 2:7)
                 Lời cầu nguyện của Môi-se cho chúng ta thấy con người là một tạo vật quý báu nhất, vượt xa những loài vật khác. Con người được dựng nên một cách đặc biệt và thật kỳ diệu. Thân thể con người được dựng nên từ bụi đất. Sau đó vì phạm tội con người phải làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày họ trở về bụi đất, nơi mà Đức Chúa Trời đã dựng nên. Đó là hình ảnh của con người.
                 Kinh Thánh ghi "Chúa khiến loài người trở vào bụi tro, và phán rằng: Hỡi con cái loài người, hãy trở lại. Đức Chúa Trời hoàn trả lại cơ thể tạm bợ trở về với cát bụi và nói rằng, Hãy trở về cát bụi nơi mà con người được dựng nên. Vì một ngàn năm trước mắt Chúa Khác nào ngày hôm qua đã qua rồi, Giống như một canh của đêm." (Thi Thiên 90:3-4)
                 Thưa quý vị, giả sử quý vị sống lâu đến 969 tuổi như một nhân vật trong Thánh Kinh tên là Mê-tu-sê-la (Sáng thế ký 5:25, 27), hay dầu cho quý vị có thể sống đến một ngàn năm thì thời gian dài đó cũng chỉ giống như một đêm mà thôi, giống như bóng chim bay qua cửa sổ. Ngay cả nếu quý vị có thể sống đến 10 ngàn năm, thời gian đó vẫn không bao nhiêu. Đời người ngắn ngủi so sánh với cõi đời đời:
                 "Chúa làm chúng nó trôi đi như nước chảy cuồn cuộn; 
                 Chúng nó khác nào một giấc ngủ, 
                 Ban mai họ tợ như cây cỏ xanh tươi: 
                 Sáng ngày cỏ nở bông và tốt tươi; 
                 Buổi chiều người ta cắt nó và nó héo." (Thi thiên 90:5- 6)
                 Đây là bức tranh của đời người. Cơ thể con người ra từ bụi đất, và khi chết sẽ được trả lại bụi đất. Tuy nhiên, nếu người chết ấy có niềm tin tưởng Chúa Trời, hết lòng thờ phượng Ngài đúng cách khi còn sống, thì người ấy đã gieo trồng hạt giống. Mà hễ gieo trồng thì hạt giống ấy sẽ nẩy mầm và lớn lên. Như lời phán của Chúa Jesus: "Đây là sự thật, nếu hạt lúa kia không được gieo vào lòng đất và chết đi, nó chỉ là một hạt giống lẻ loi. Nhưng nếu chết đi, nó sinh sôi nẩy nở rất nhiều. Ai quý chuộng mạng sống mình sẽ mất nó. Ai hy sinh tính mạng trong đời này, sẽ được sự sống vĩnh cửu. Ai phục vụ Ta đều phải theo Ta, vì Ta ở đâu, người phục vụ Ta cũng ở đó. Ai phục vụ Ta sẽ được Cha Ta tôn trọng.” (Giăng 12:24-26)
                 Môi-se cầu nguyện tiếp: "Thật, chúng con bị hao mòn vì cơn giận của Chúa, bị bối rối bởi sự thạnh nộ Chúa. Chúa đã đặt gian ác chúng con ở trước mặt Chúa, để những tội lỗi kín đáo chúng con trong ánh sáng mặt Chúa." Chúng ta cần nhận biết rằng tất cả tội lỗi kín giấu dưới đất sẽ được đưa ra công khai trên trời. Thiên sứ của Chúa nhìn thấy tất cả mọi việc quý vị làm dưới trần gian này.
                 "Bởi cơn giận của Chúa, các ngày chúng con đều qua đi; năm chúng con tan mất như hơi thở." Trong tiếng Hê-bơ-rơ đây là câu nói biểu tượng, đời sống của con người là lao khổ. Ngày nay nếu quý vị không có Chúa Cứu Thế trong đời sống, quý vị không có hy vọng cho cõi đời đời. Môi-se cầu nguyện tiếp "Tuổi tác của chúng tôi đến được bảy mươi, Còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi; Song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm, Vì đời sống chóng qua, rồi chúng con bay mất đi."
                 Con người thường sống thọ đến 70 hay 80 tuổi. Nhưng đến 80 tuổi, con người thường mang nhiều bịnh tật như nhức mỏi, đau lưng, lãng tai, làn mắt v.v.. Khi tuổi càng cao, con người càng gần với sự chết, giống như ngọn đèn sắp tàn. Mỗi ngày trôi qua với sự lao khổ, than van. Vì thế quý vị cần có một hy vọng cho đời sau bằng cách đặt đức tin vào Chúa Cứu Thế Jesus.
                 Môi-se tiếp tục cầu nguyện: "Ai lường nổi cường lực thịnh nộ của Chúa? Tùy theo sự kính sợ xứng đáng cho Chúa, ai biết sức sự nóng nả Chúa? Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, Hầu cho chúng tôi được lòng khôn ngoan." Khi tiếp nhận Chúa Cứu Thế Jesus và sống mãi trong niềm tin, chúng ta chẳng những không bị áp lực trước cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời mà con được Ngài ban ơn, che chở, yêu thương bảo vệ, dìu dắt, ban khôn ngoan để sống mỗi ngày. Như lời phán của Chúa Jesus: "Ai tin Con Đức Chúa Trời, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con Đức Chúa Trời, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó." (Giăng 3:36)
                 Thưa quý vị, những gì chúng ta làm trong đời sống này sẽ ảnh hưởng trong cõi đời đời. Vì thế chúng ta phải cẩn thận để biết rằng những gì chúng làm ngày hôm nay là đặt niềm tin mình vào Chúa Jesus và hết lòng thờ phượng Đức Chúa Trời. Triết gia Paul cũng nhắc nhở chúng ta rằng: “Hãy lợi dụng thì giờ vì những ngày là xấu." (Ê-phê-sô 5:16)
                 Ước mong quý vị tận dụng từng phút giây với gia đình con cái, thân nhân bạn hữu mình. Nhất là hết lòng tin tưởng Chúa Cứu Thế Jesus, Ngôi Hai Đức Chúa Trời đã giáng thế làm người, chết thế tội mình.
                 Nếu quý vị cảm nhận rằng trong quá khứ, đã nhiều lần chúng ta chần chờ với sự mời gọi của Chúa, nhiều lần chúng ta hẹn với Chúa sẽ làm điều này, điều kia nhưng không bao giờ thực hiện, nếu Chúa bảo quý vị hãy đến với Chúa trước mùa đông cuộc đời chấm dứt, thì ngay giờ nầy, xin quý vị đến với Chúa Jesus, mời Ngài bước vào đời sống mình, và dâng lên Chúa lời cầu nguyện như sau: "Kính lạy Đức Chúa Trời, cảm ơn Ngài đã ban Chúa Jesus cho con, nay con xin Ngài tha thứ mọi lỗi lầm con, xin Chúa Jesus bước vào đời sống con, ngự trị tâm hồn con, làm chủ cuộc đời con để con hết lòng theo Chúa và trung tín theo Ngài trọn đời mình. Nhơn Danh Chúa Cứu Thế Jesus. A-men.
                 Kính chào quý vị và các bạn.
 
Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong.com

THƠ: Đầy Dẫy Đức Thánh Linh!


Đầy Dẫy Đức Thánh Linh!


“Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh.” – Ê-phê-sô 5:18
“Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. 2 Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.” – Rô-ma 12:1-2 
“Ta lại nói cùng các ngươi: Hãy xin, sẽ ban cho; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, và sẽ mở cửa cho ai gõ.” – Lu-ca 11:9-10 
Ga-la-ti 3:2, “Tôi chỉ hỏi anh em một câu nầy: Ấy là cậy các việc luật pháp hay là bởi nghe và tin mà anh em đã nhận được Đức Thánh Linh?” 
Ga-la-ti 5:16, “Vậy tôi nói rằng: Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt.” 
Rô-ma 15:13, “Vậy xin Đức Chúa Trời của sự trông cậy, làm cho anh em đầy dẫy mọi điều vui vẻ và mọi điều bình an trong đức tin, hầu cho anh em nhờ quyền phép Đức Thánh Linh được dư dật sự trông cậy!” 
2 Ti-mô-thê 1:14, “Hãy nhờ Đức Thánh Linh ngự trong chúng ta mà giữ lấy điều phó thác tốt lành.” 


Làm con của Đức Chúa Trời, 
Chúng ta cần phải theo Lời Ngài khuyên, 
Điều Răn, Giềng Mối ban truyền, 
Thánh Linh đầy dẫy, chớ quên bao giờ!
 
Sống làm của lễ tôn thờ, 
Dọn lòng trong sạch, không dơ bẩn gì, 
Sao cho xứng đáng lễ nghi, 
Cuộc đời, tư tưởng, chẳng gì phạm sai! 

Thánh Linh làm chủ, quản cai, 
Mọi nơi, mọi lúc, tháng ngày trong ta, 
Mọi điều, hành động gần xa, 
Thánh Linh Chúa sẽ xét tra tận tường! 

Vì Ngài là Đấng Yêu Thương, 
Muốn ta sống mãi trong đường Chúa ban, 
Để ta kinh nghiệm bình an, 
Tràn đầy năng lực chống gian trừ tà, 

Khó khăn, thử thách vượt qua, 
Làm công việc Chúa thật là hiển vinh, 
Thế gian thấy được công bình, 
Nhờ Nguồn Ân Điển, Thiên Tình ban cho! 

Thánh Linh luôn giúp, chẳng lo, 
Ngài ban dư dật, ấm no, thỏa lòng, 
Vững tin, ta mãi cậy trông, 
Nguyện xin Linh Chúa ngự trong ta hoài, 

Tràn đầy Dầu Chúa mỗi ngày, 
Sống theo mục đích Chúa Ngài ban cho!
A-men! 

Tiểu Minh Ngọc
Nguồn: vietchristian.com

Loài Chim Còn Biết


LOÀI CHIM CÒN BIẾT ...

                  Kinh Thánh: Giê-rê-mi 8:7

                  Chim học giữa khoảng không tự biết các mùa đã định cho nó, chim cu chim yến, chim nhạn giữ kỳ dời chỗ ở. Nhưng dân Ta chẳng biết luật pháp của Đức Giê-hô-va.

                  Loài chim theo bản năng biết các mùa đã định cho nó và biết phải làm gì. Loài chim đã phản ứng chính xác với những gì Đức Chúa Trời định cho nó. Khi chúng đi di trú, chúng đến những nơi chúng đã được ấn định.

                  Ngày nay những người quan sát chim tin rằng loài chim bay theo sự định hướng của các ngôi sao. Khi thời tiết quá xấu chúng không thấy được các ngôi sao, chúng sẽ tìm lối đi từ trường của trái đất. Từ trường của trái đất và ngôi sao đều do Đức Chúa Trời tạo ra.
Giê-rê-mi có thể là một người từng quan sát chim. Ông lớn lên ở nông thôn và có nhiều điều kiện để quan sát các loài chim. Giê-rê-mi học biết nhận dạng các loài chim khác nhau và ông quan sát chúng bay về khi Xuân đến và bay đi khi Thu sang. Ông cũng thường sử dụng hình ảnh loài chim để minh hoạ khỉ rao giảng.


                  Bốn loài chim di trú này theo bản năng biết kế hoạch của Đức Chúa Trời dành cho chúng, nhưng dân Giu-đa lại không biết. Khi Đức Giê-hô-va khẳng định qua Giê-rê-mi rằng dân sự Ngài không biết luật pháp Ngài, từ “biết” trong tiếng Hê-bơ-rơ mang ý nghĩa sâu sắc. Biết luật pháp của Đức Giê-hô-va thì có ý nghĩa hơn nhiều so với sự hiểu biết về tâm trí. Có nghĩa là hiểu biết theo mức độ tình cảm và sẵn lòng. Biết luật pháp Đức Giê-hô-va có nghĩa là để những tiêu chuẩn của Ngài ăn sâu vào trong bản chất Bạn, đến nỗi ước ao làm theo luật pháp Ngài là điều rất tự nhiên trong lòng Bạn như loài chim biết đường bay của chúng.

                  Bạn có thể chọn đi theo đường lối mà Ngài đã vạch sẵn cho dân sự Ngài. Nếu Bạn chọn không theo đường lối Ngài thì Giê-rê-mi cho biết Bạn còn ngu dại hơn loài chim.

                  Khi tôi còn bé, một trong những cái tên xấu nhất mà bạn bè dùng để gọi nhau là "óc chim". Một người "óc chim" nghĩa là một người đần độn. Không ai trong chúng tôi muốn người ta nghĩ về mình như là một đứa trẻ ngốc nghếch.

                  Chẳng lẽ Bạn kém khôn ngoan hơn một người "óc chim" sao? Loài chim biết khi nào thì thay đổi nơi cư trú, nhưng Bạn không biết rằng đây là thời điểm cho Bạn bay đến gần Chúa sao? Chúa tạo dựng nên Bạn để Bạn theo Ngài ngay hôm nay.

                  Bạn cảm nhận Chúa đang mong Bạn thay đổi trong lãnh vực cụ thể nào?

 
David Coldwell
Nguồn: cdnvn.com

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

THÔNG BÁO MỚI từ BBT&QT V/v phản hồi thông tin từ độc giả


Trong những ngày vừa qua, BBT nhận được nhiều yêu cầu chia sẻ các file Thánh Ca và Kinh Thánh Đối Đáp. Nay chúng tôi xin được giải trình như sau:

- Chúng tôi vẫn đang tiến hành sửa chữa, cập nhật lỗi của các file TC, KTĐĐ nên chậm nhất phải đến trước Lễ Thương khó 13/04/2017 mới cập nhật xong.

- Quý vị vui lòng chờ đợi. Trong thời gian này, nếu còn nhu cầu quý vị có thể để lại địa chỉ email ngay bên dưới mục Nhận xét. Chúng tôi sẽ gửi trực tiếp cho Quý vị ngay khi cập nhật xong.




Tổ Truyền thông./.
19/02/2017

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

Kết Lá Che Thân


                  Kính thưa quý độc giả,
                  Nữ văn sĩ Hoa Kỳ Flannery O’Connor, trong tác phẩm đầu tay của bà mang tên “Wise Blood”, đã dựng nên một nhân vật thật độc đáo, mang tên Hazel Motes. Khi chỉ mới là một cậu thiếu niên, ngày kia Hazel có một lần theo cha đến tham dự một cuộc hội hè. Vì tò mò, Hazel đã lẻn vào một khu vực vui chơi chỉ dành cho người lớn và chẳng may cậu chứng kiến một số cảnh không thích hợp với lứa tuổi của cậu. Hazel cảm thấy mặc cảm tội lỗi đè nặng trong tâm hồn và cậu nhất quyết phải làm một điều gì đó về chuyện này.
                  Ngày hôm sau, Hazel lấy ra đôi giày mà cậu ấy đã cất kỹ trong hộp từ bấy lâu nay, rồi đổ vào đôi giầy một mớ sỏi và đá nhọn. Sau đó, Hazel mang giầy vào chân, thắt chặt dây giầy và rồi đi bộ vào sâu trong rừng tới khoảng một dặm, cho đến khi tới một suối nước. Tại đó, Hazel tháo giầy ra, để thả lỏng đôi chân tê buốt trên lớp cát ướt lạnh. Hazel nghĩ rằng mình đã phạm tội và cần phải làm một điều gì đó để làm vừa lòng Thượng Đế. Nhưng hình như chẳng có gì xảy ra cả. Sau khi nghỉ ngơi một hồi lâu, Hazel xỏ chân vào đôi giầy đầy sỏi và đá nhọn bên trong, rồi lê trở lại nhà.
                  Cũng giống như quý vị và tôi, lương tâm của Hazel cáo trách khi cậu ấy vượt quá lằn ranh của lẽ phải. Cậu ấy ra sức thực hiện những điều phù hợp để mong trả lại cho những lỗi lầm mà mình gây ra. Nhưng rốt cuộc lại, dầu đã làm điều này, mà hình như vẫn chưa đủ; dầu ra sức làm điều kia, nhưng sao lương tâm vẫn còn nặng trĩu những mặc cảm không thôi.
                  Cũng giống như nhân vật Hazel, mặc cảm tội lỗi nằm trong gene di truyền tâm linh trong mỗi chúng ta. Không ai mà không mang ít nhiều những mặc cảm tội lỗi. Ai cũng có tiếng nói lương tâm từ bên trong cho biết mình vừa làm điều này không chính đáng, điều kia không công bằng. Và cũng giống như nhân vật Hazel, bản năng của chúng ta cho biết rằng bằng cách này, hay cách nọ, mình phải trả cái giá cho những sai phạm, do những tội lỗi mình gây nên.
                  Chúng ta tin rằng, mình phải làm một điều gì đó để cất đi cái gánh nặng mặc cảm đang đè nặng trong tâm hồn. Chúng ta cũng tin rằng, làm việc lành, thực hiện công đức, tu thân hành xác sẽ bù lại, thậm chí xóa đi được món nợ tội lỗi.
                  Hễ khi nào chúng ta làm nhiều điều lành hơn là làm điều xấu; hễ khi nào cán cân đạo đức nghiêng về bên điều lành, dẫu chỉ chịch qua có một chút xíu thôi, thì điều này cũng bảo đảm là chúng ta có thể về tới được thiên đàng và sẽ được Thượng Đế chấp nhận. Mang sỏi và đá nhọn vào giày, tự hành hạ, tu thân ép xác, và như vậy sẽ làm hài lòng Đấng Tối Cao.
                  Từ lúc nào, con người chúng ta lý luận như vậy? Mặc cảm tội lỗi đến từ đâu? Từ lúc nào, con người ý thức rằng có tội thì phải đền tội?
                  Kính thưa quý độc giả,
                  Sau khi sáng tạo trời đất và cùng muôn loài, Thiên Chúa đã sáng tạo nên con người. Loài người là loại thọ tạo duy nhất trong tất cả muôn loài, được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của chính Ngài, mang những bản tính cao đẹp của Đấng Tối Cao.
                  Điều này có nghĩa là Thượng Đế ban cho con người ý chí, quyền tự do để lựa chọn và quyết định, sự khôn ngoan, óc sáng tạo và cũng do vậy, loài người được vinh dự trao cho thẩm quyền cai quản muôn loài, như Kinh Thánh có ký thuật: “Thượng Đế phán: 'Hãy tạo nên loài người theo hình ảnh Chúng Ta, giống như Chúng Ta, để quản trị các loài cá dưới biển, loài chim trên trời, cùng các loài gia súc, dã thú và bò sát trên mặt đất'. Vậy Thượng Đế sáng tạo loài người theo hình ảnh Ngài. Dựa theo hình ảnh Thượng Đế, Ngài dựng nên loài người.” (Sáng Thế Ký 1:26-27).
                  Bên cạnh thể xác vật lý, con người cũng là một thể tâm linh và là loài thọ tạo duy nhất có thể giao thông với Thượng Đế, như Thánh Kinh có ghi: “Đức Chúa Trời nắn lên loài người từ bụi đất, hà sinh khí vào lỗ mũi và người trở nên một linh hồn sống”(Sáng Thế Ký 2:7)
                  Sự sáng tạo loài người thật là độc đáo, có một không hai, và môi trường sống mà Thiên Chúa đặt để hai người đầu tiên là A-đam và Ê-va cũng thật là tuyệt vời, như Kinh Thánh có mô tả: “Thượng Đế Hằng Hữu lập một khu vườn tại Ê-đen, về phương đông, đưa người đến ở. Trong vườn, Thượng Đế trồng các loại cây đẹp đẽ, sinh quả ngon ngọt. Chính giữa vườn là Cây Sự Sống và Cây Lương Tâm (biết phân biệt thiện ác). Một con sông phát nguyên từ Ê-đen tưới khắp vườn, rồi chia ra bốn nhánh. Nhánh thứ nhất, Bi-sông, chảy quanh xứ Ha-vi-la, nơi có vàng ròng, nhũ hương và bích ngọc. Nhánh thứ nhì, Ghi-sông, chảy vòng xứ Cúc. Thi-giang, nhánh thứ ba, chảy sang phía đông xứ A-sy-ri. Nhánh thứ tư là Phát-giang. Thượng Đế Hằng Hữu đưa A-đam vào vườn Ê-đen để trồng trọt và chăm sóc vườn” (Sáng Thế Ký 2:8-15)
                  A-đam và Ê-va được tận hưởng công trình sáng tạo tuyệt vời của Thượng Đế, mọi trái cây ngon ngọt quý hiếm, kể cả trái của Cây Sự Sống ngay giữa khung vườn Ê-đen tuyệt vời. Tuy nhiên, Thượng Đế có căn dặn thật rõ ràng: "Con được tự do ăn mọi thứ cây trái trong vườn, trừ Cây Lương Tâm, vì trái nó mở mắt con, cho con biết điều thiện điều ác. Một khi con ăn, chắc chắn sẽ chết!" (Sáng Thế Ký 2:16-17).
                  Thoạt tiên, chúng ta có cảm tưởng như Thượng Đế có phần khắt khe, cấm đoán. Nhưng thực ra, bên cạnh bản tính công bình với uy quyền tuyệt đối, Thượng Đế thật giàu lòng nhân từ, vì Ngài đã làm mọi sự để giúp cho việc vâng lời của A-đam và Ê-va thật dễ dàng và thoải mái. Ngài đã sáng tạo ra A-đam và Ê-va với bản tính tốt lành, đưa hai người vào một môi trường tuyệt hảo, cung cấp mọi nhu cầu cần thiết, ban cho A-đam và Ê-va ý chí và năng lực, trao cho họ thẩm quyền lớn lao cùng những công việc thật kỳ thú để tận dụng bàn tay và khối óc của mình, cho họ có bầu bạn bên nhau, cũng như chính Ngài làm bầu bạn, gần gũi với cả hai người. Do vậy, nghiêm lệnh mà Thượng Đế ban ra cho A-đam là một cuộc trắc nghiệm đơn giản và công bằng về sự vâng lời và tình yêu, là cách thức để hai con người đầu tiên có dịp thừa nhận Ngài là Đấng Tạo Hóa của họ.
                  Kính thưa quý độc giả,
                  Tuy vậy, Quỷ vương trong lốt con rắn, đã cố tình lung lạc về tình trạng đầy ân sủng thật tuyệt vời này, khi đánh tiếng với Ê-va rằng: “Có phải Thượng Đế cấm chị không được ăn mọi thứ cây trong vườn không?" (Sáng Thế Ký 3:1).
                  Chính Ê-va cũng khẳng định về sự ban cho rộng rãi của Đấng Tối Cao cùng mệnh lệnh thật rõ ràng của Ngài như sau: "Chúng tôi được ăn các thứ trái cây trong vườn chứ!" người nữ đáp, "Chỉ mỗi một cây trồng giữa vườn, Thượng Đế không cho đụng chạm đến; nếu trái lệnh chúng tôi sẽ chết." (Sáng Thế Ký 3:2-3)
                  Sa-tan tiếp tục lung lạc về chân lý của Thiên Chúa: “Chắc chắn không chết đâu! Thượng Đế biết rõ khi nào ăn, mắt anh chị sẽ mở ra, anh chị sẽ giống như Thượng Đế, biết phân biệt thiện ác." (Sáng Thế Ký 3:4-5)
                  Và cuối cùng, hai con người đầu tiên đã bị Quỷ vương cám dỗ để phạm tội với Thiên Chúa, như Kinh Thánh có chép: “Người nữ nhìn trái cây thèm thuồng, thấy vừa ngon, vừa đẹp, lại mở mang trí khôn, liền đưa tay hái ăn, rồi trao cho chồng đứng bên mình. Chồng cũng ăn nữa. Mắt hai người mở ra, biết mình trần truồng, liền kết lá vả che thân. Đến chiều, nghe tiếng Thượng Đế Hằng Hữu đi qua vườn, A-đam và vợ liền ẩn nấp
                  Ngay sau khi A-đam và Ê-va hái trái cấm ăn để mong được khôn ngoan như Đấng Tạo Hóa, “mắt hai người mở ra”, hay họ có khả năng phân biệt điều thiện, điều ác. Cả hai “biết mình trần truồng” hay họ biết mình vừa sa ngã và phạm tội cùng Thiên Chúa. Cả hai bị mặc cảm tội lỗi dày xéo trong tâm hồn, thôi thúc họ phải lấy lá vả để che đậy sự trần truồng, để khỏa lấp sự xấu hổ của họ. Nhưng dầu đã kết lá vả đóng khố che thân, trong tận thâm tâm, A-đam và Ê-va biết rằng lá vả che thân cũng chẳng che dấu được gì sự vi phạm của họ. Do vậy, đến chiều, khi nghe tiếng chân Thiên Chúa đi qua vườn, cả hai đã tìm chỗ kín đáo để ẩn nấp, để tránh mặt Ngài.
                  Quý độc giả thân mến,
                  Kể từ khi A-đam và Ê-va sa ngã, tội lỗi đã tràn vào dòng lịch sử nhân loại, đem đến bao nhiêu hệ quả đau đớn. Chiến tranh, hận thù, oán hờn không nguôi. Thiếu bình an, mang mặc cảm tội lỗi, bị lương tâm dày vò, cắn rứt không bao giờ dứt.
                  Giống như hai con người đầu tiên bị thôi thúc để kết lá vả, làm khố che thân, loài người đã dựng nên không biết bao nhiêu là tôn giáo, bao nhiêu là triết lý, cố công tu hành, tích đức, ép xác, ép thân, để mong che đập hay bù lại những vi phạm của mình.
                  Nhưng cũng giống như A-đam và Ê-va biết rằng lá vả chẳng làm sao che đậy cho hết sự lõa lồ, nên họ đã phải kiếm chỗ kín đáo để trốn tránh Đấng Tạo hóa, thì con người cũng không sao biết được tu hành, làm công đức đến đâu mới che đậy hay xóa bôi được hết những vi phạm của mình với Thiên Chúa.
                  Con người, kể cả những người tu hành, những nhà hiền triết, những bậc chức sắc tôn giáo, ai ai đều cũng lo sợ trước cái chết, ai ai cũng muốn trì hoãn cuộc hẹn với Đấng Tối Cao, vì ai dám khẳng định cái khố lá che thân của mình là trọn lành trước mặt Đấng Tuyệt Đối Công Bình và Thánh Khiết?
                  Kính thưa quý độc giả,
                  Trở lại với biến cố sa ngã của A-đam và Ê-va trong vườn Ê-đen năm xưa, sau khi gọi cả hai ra khỏi nơi ẩn nấp của họ, Thiên Chúa đã định tội họ thật rõ ràng và công minh. Tuy vậy, Ngài không dừng lại ở việc định tội, nhưng đã làm một việc vô cùng quan trọng, như Kinh Thánh có ghi lại: “Thượng Đế Hằng Hữu lấy da thú làm áo mặc cho A-đam và Ê-va” (Sáng Thế Ký 3:21).
                  Đây là một ân sủng vô cùng lớn lao mà Thượng Đế ban cho A-đam và Ê-va cho dầu cả hai đã phản bội và phạm tội nghịch với Ngài. Trong khi A-đam và Ê-va lấy lá vả kết khố che thân, nhưng vẫn còn lõa lồ hổ thẹn, thì Thiên Chúa đã tự tay ban cho họ chiếc áo da thú để che đậy họ được trọn vẹn trước mặt Ngài. Trong khi A-đam và Ê-va, dầu cố gắng, nhưng vẫn cảm thấy bất lực về trong tội lỗi, thì Thiên Chúa bày tỏ sự cảm thông và tự tay ban cho họ một giải pháp trọn lành. Đây là một hành động đầy cảm thông và thương xót của Đấng Tối Cao bày tỏ đến con người bất toàn và bất lực trước sức mạnh của tội lỗi.
                  Nhưng để có được chiếc áo da thú ban cho A-đam và Ê-va, Thượng Đế đã phải giết một con sinh vật để lấy da. Để che đậy trọn vẹn cho A-đam và Ê-va, Thượng Đế phải hy sinh mạng sống của một con sinh tế. Hành động ban áo da thú của Thượng Đế nói lên chương trình cứu rỗi mà Ngài đã hoạch định ngay sau khi hai con người đầu tiên phạm tội, nhằm cứu chuộc và đem con người trở lại trong mối liên hệ hòa thuận và tốt đẹp với Ngài.
                  Chương trình cứu rỗi đó đã hoàn tất cách đây hơn 2000 năm, khi Thiên Chúa Ngôi Hai tự nguyện giáng trần, sinh ra làm một con người mang tên Giê-xu. Chúa Cứu Thế Giê-xu đã sống một cuộc đời tràn đầy yêu thương và tốt lành, nhưng bị loài người khinh dễ và ghét bỏ. Chúa Giê-xu đã bị người ta đóng đinh, chết thật đau đớn và nhục nhã trên cây thập tự. Nhưng đây cũng là chương trình cứu rỗi của Thượng Đế, vì khi chết đau thương trên cây thập tự, Chúa Cứu Thế Giê-xu đã lãnh bản án tội thay cho mọi người, trong đó có quý vị và tôi, hầu cho ai biết mình có tội, tin vào sự chết thế của Con Trời, thì sẽ được Thiên Chúa tha bỗng, được khôi phục lại mối quan hệ với Đấng Tạo Hóa, và được ban cho sự sống đời đời tràn đầy phước hạnh, như chính Chúa Giê-xu có khẳng định: “Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài, để tất cả những người tin nhận Con Thượng Đế đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh cửu” (Giăng 3:16).
                  Kính thưa quý độc giả,
                  Trong vườn Ê-đen năm xưa, để A-đam và Ê-va có được chiếc áo da thú lành lặn, thay cho chiếc khố lá hời hợt lõa lồ, một con sinh vật phải bị giết để lấy da. Con sinh vật bị giết này chính là hình ảnh của Chúa Cứu Thế Giê-xu, hay còn được gọi là “Chiên Con”, vì Ngài đã phải bị giết để nhờ đó, loài người có được chiếc áo trắng như lông chiên, thánh khiết, trọn vẹn, phủ kín, che đậy vô số những tội lỗi, như Kinh Thánh khẳng định: “Chúa Cứu Thế đã yêu thương chúng ta, dâng thân Ngài làm sinh tế chuộc tội đẹp lòng Thượng Đế” (Ê-phê-sô 5:2)
                  Thiên Chúa biết rõ quý vị và tôi yếu đuối trong tội lỗi, không thể tự cứu mình được.
                  Tự mình tu thân, ép xác, đổ sỏi và đá nhọn vào trong giày cũng không giúp chúng ta chiến thắng được tội lỗi.
                  Làm lành lánh dữ, thăng tiến trong tôn giáo, sâu sắc trong triết lý cũng giống như kết thêm lá vả, để đóng khố che thân một cách hời hợt, tạm bợ và lõa lồ trước Đấng Tối Cao.
                  Hãy đến nhận chiếc áo dài trắng trọn lành của Chúa Cứu Thế Giê-xu, vì Kinh Thánh có tuyên bố: “Người thuộc về Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ không bị kết tội nữa” (Rô-ma 8:1)
                  Thân chào quý vị và các bạn.
 
Tùng Tri
Nguuồn: phatthanhhyvong.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!