Kính thưa quý độc giả,
Là một người Việt, quý vị có cảm nghĩ gì khi nhắc đến “đồng đô-la Mỹ”. Khi tôi mới định cư tại nước Úc cách đây trên 20 năm, thì một Úc kim thời đó đổi được trên một đô-la Mỹ. Nhưng sau đó không bao lâu, thì đồng đô-la Mỹ đã vượt qua mặt Úc kim và bây giờ, một Úc kim chỉ đổi ra được dưới 80 xu Mỹ. Nếu là một người Việt định cư tại Mỹ, chắc quý vị rất hài lòng với “mãnh lực” và sự thông dụng của đồng đô-la Mỹ. Đi du lịch hay công việc khắp nơi trên thế giới, mà có mang theo đô-la Mỹ trong túi, thì có cảm giác thật chắc ăn, vì hầu như mọi nơi đều công nhận giá trị của đồng đô-la xanh này. Đối với quý vị tại Việt Nam, thì đồng đô-la Mỹ có giá trị giống như vàng. Làm ăn khấm khá, có chút tiền tiết kiệm được, thay vì mang trong người một mớ tiền Việt vừa cồng kềnh, dễ mất giá, lại dễ rách, thì đồng bào ta thường đổi ra vàng hay đô-la Mỹ mà để dành.
Đồng đô-la Mỹ, là tiền tệ chính thức của Hoa Kỳ, nhưng từ lâu, cũng đã trở thành tiền tệ được sử dụng nhiều nhất trong các công việc giao dịch và chuyển ngân quốc tế. Trong năm 1995, có trên $380 tỷ đô-la Mỹ được luân chuyển khắp thế giới, với khoảng 2/3 món tiền này nằm ngoài nước Mỹ. Mười năm sau đó, tức năm 2005, số lượng Mỹ kim tăng gấp đôi, lên đến $760 tỷ, với khoảng 2/3 nằm ngoài Mỹ.
Nhiều nước trên thế giới đang chính thức tiến hành quá trình “đô-la hóa”. Thí dụ như nước Panama đang sử dụng song hành đồng “balboa” của họ cùng với đồng đô-la Mỹ như một đơn vị tiền tệ chính thức tại quốc gia này. Các quốc gia khác như Ecuador, El Salvador, Đông Timor vv. cũng đang thực thi chương trình “đô-la hóa” tương tự. Một số quần đảo trong Thái bình dương, thuộc Hoa Kỳ trước đây, nay được tự trị, cũng không tự phát hành tiền riêng cho mình, nhưng tiếp tục sử dụng đồng đô-la Mỹ như tiền tệ chính thức. Một số quốc gia khác liên hệ với đồng đô-la Mỹ qua hối xuất cố định, “một đổi một”, như tại Miến Điện, Bahamas, Argentina. Có một thời, Trung quốc và Mã lai “nối kết” với đồng đô-la Mỹ qua hối xuất cố định, nhưng kể từ năm 2005, sự nối kết cố định này đã được thay thế với sự thả nối theo thời giá của thị trường quốc tế.
Tại Pêru và Căm-bốt, mặc dầu đồng đô-la Mỹ không được chính thức công nhận là tiền tệ quốc gia, nhưng người dân ở đây thích trao đổi và sử dụng đô-la Mỹ hơn tiền chính thức của quốc gia họ. Tại Việt nam, chúng ta cũng thấy một khuynh hướng tương tự, có nghĩa là dân Việt nam chỉ sử dụng tiền Việt cho những trao đổi, mua bán lặt vặt hàng ngày, như khi bàn đến những thương vụ quan trọng, mua bán bất động sản, điều hành công ty, người Việt thường quy ra đô-la Mỹ và dựa vào đó mà tính toán với nhau.
Đồng đô-la Mỹ được sử dụng như một tiêu chuẩn tiền tệ trong thị trường quốc tế về vàng và dầu hỏa là hai món hàng cực kỳ quan trọng cho mọi nền kinh tế quốc gia. Thậm chí những quốc gia ít có liên hệ hay trao đổi với Hoa Kỳ, cũng liệt kê giá trị hàng hóa bằng đô-la Mỹ. Hiện nay, nhiều quốc gia đang dự trữ đô-la Mỹ, thường là tờ $100 đô, như “tiền thế chân” cho tiền tệ của quốc gia họ. Khi đồng euro gia nhập thị trường thế giới vào năm 2002, thì giá trị của đồng đô-la Mỹ có lúc xuống thấp, có lúc lên cao. Tuy vậy, đồng đô-la Mỹ hiện nay vẫn đang dẫn đầu trên thương trường thế giới, so với những tiền tệ quan trọng khác như đồng Euro của Âu châu, đồng Yen của Nhật, bảng Anh, tiền đô của Canada, đồng Krona của Thụy Điển và đồng Franc của Thụy sĩ. Theo thống kê năm 2006, đồng đô-la Mỹ chiếm 66% thị trường thế giới, trong khi đồng Euro chiếm 25%, bảng Anh chiếm 4% và đồng Yen của Nhật chiếm 3.2%.
Kính thưa quý độc giả,
Bên cạnh vị trí đương kim vô địch trên thị trường đang được toàn cầu hóa, thì đồng đô-la Mỹ có một đặc điểm khác nổi bật. Đó là trên tất cả những tiền kim loại hay tiền giấy của Hoa kỳ, luôn luôn có ghi một hàng chữ vô cùng nổi tiếng “In God We Trust”, xin được tạm dịch là “Chúng Tôi Tin Cậy Vào Thượng Đế”. Người dân Mỹ muốn bày tỏ lòng tin tưởng của họ vào Thượng Đế, ủy thác vận mệnh quốc gia vào tay của Thiên Chúa toàn năng. Vì sự tin cậy này mà Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, kể từ ngày chính thức lập quốc 4.7.1776 cho tới ngày nay, mặc dầu trải qua bao nhiêu thử thách, vẫn đương là một siêu cường quốc bậc nhất thế giới.
Thượng Đế mà người Mỹ tin cậy, chính là Đức Chúa Trời quyền năng, tự xưng mình là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” (Xuất Hành 3:14), là Đấng Sáng Tạo ra thế giới và con người và cũng là Đấng đang nắm giữ dòng lịch sử của nhân loại. Sau khi cuộc nội chiến tại Hoa Kỳ chấm dứt vào năm 1865, nhiều công dân Hoa Kỳ đã đề đạt với bộ Ngân Khố Quốc Gia công nhận Thiên Chúa trên những đồng tiền. Bộ Trưởng Nội Vụ Hoa Kỳ, ông Chase đã gởi văn thư chính thức đến Tổng Giám Đốc Sở Đúc Tiền, ông James Pollock, vào ngày 20.11.1861 với những lời như sau:
“Kính thưa ông Tổng Giám Đốc,
Không quốc gia nào có thể vững mạnh, trừ khi được núp dưới sức mạnh của Thiên Chúa. Không quốc gia nào có thể an ninh trừ khi được Thượng Đế che chở. Sự tin cậy của toàn dân vào Thiên Chúa cần phải được thể hiện trên đồng tiền của quốc gia chúng ta.
Mong ông đừng chậm trễ tìm kiếm một khẩu hiệu thật ngắn gọn và súc tích, để in trên các đồng tiền, hầu thể hiện cho niềm tin của quốc gia chúng ta.”
Sau đó, vào ngày 22.04.1864, quốc hội Hoa Kỳ đã chấp thuận khẩu hiệu “In God We Trust” do ông James Pollock, Tổng Giám Đốc Sở Đúc Tiền, đưa ra và khẩu hiệu này đã được in lần tiên trên đồng tiền 2 xu của Hoa Kỳ, được phát hành vào năm 1864. Quốc hội Hoa Kỳ sau đó cũng thông qua một số đạo luật bắt buộc phải in khẩu hiệu “In God We Trust” trên các đồng tiền vàng và đồng tiền bạc.
Vào ngày 30 tháng bảy 1956, tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower và quốc hội tán đồng và tuyên bố khẩu hiệu “In God We Trust” từ nay chính thức là khẩu hiệu chính thức của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Sau đó một năm, tức là năm 1957, khẩu hiệu “Chúng Tôi Tin Cậy Vào Thượng Đế” được in trên các tờ giấy bạc đô-la Mỹ cho đến ngày nay.
Kính thưa quý độc giả,
Chắc chúng ta không cần đưa ra những thống kê để minh chứng, nhưng ai ai cũng dư biết Hoa Kỳ hiện nay vẫn đang là quốc gia đứng đầu thế giới về kinh tế, quân sự, khoa học, kỹ thuật, y tế, tin tức, truyền thông vv. và vị trí “đương kim vô địch” của đồng la Mỹ trên thị trường thế giới đang phản ánh trung thực sức mạnh của quốc gia này.
Có khoảng 230 triệu người Mỹ, chiếm đến 70% tổng dân số của Hoa Kỳ, tin vào Thiên Chúa. Nước Mỹ bên cạnh thành quả về kinh tế và là thành trì của các quốc gia tự do và dân chủ, cũng là quốc gia hiện nay có nhiều mạng lưới thông tin nhất trên TV, radio, internet, báo chí, trình bày cho thế giới về Cơ-Đốc giáo và tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Nhiều người Mỹ cũng tự nguyện ra đi tới nhiều quốc gia nghèo khó, lạc hậu trên thế giới để giúp đỡ cải thiện đời sống và trình bày về tình thương của Chúa Cứu Thế Giê-xu cho nhiều dân tộc. Nhiều giáo sĩ Tin Lành người Mỹ cũng đã hy sinh, chỉ vì muốn trình bày và chia sẻ ân sủng của Thượng Đế cho người Việt. Chính lòng nhiệt thành của người Mỹ trong sứ mạng loan báo sứ điệp cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Giê-xu, mà nhiều người Việt lầm tưởng rằng Cơ-Đốc giáo là “đạo Mỹ”, nhưng thực ra Cơ-Đốc giáo đã có mặt khoảng 2000 năm, trong khi lịch sử nước Mỹ chỉ vỏn vẹn có 230 năm thôi.
Kính thưa quý độc giả,
Câu khẩu hiệu “In God We Trust” được in trên đồng tiền Mỹ trong hơn 150 năm qua, và đã chính thức trở thành phương châm quốc gia chính thức của Hoa Kỳ trong hơn 50 năm. Đất nước Hoa Kỳ đã trải qua nhiều trận chiến tranh, nhưng vẫn luôn chứng tỏ là một siêu cường với ưu thế nổi bật về kinh tế, quân sự, khoa học, kỹ thuật. Biến cố “11 tháng 9” đang đưa Hoa Kỳ vào một giai đoạn lịch sử mới với nạn khủng bố toàn cầu. Đứng trước những bất ngờ của tương lai, người dân Mỹ một lần nữa, nhớ lại nền tảng vững chắc mà cha ông họ đã nương tựa vào trong quá trình khai phá và phát triển quốc gia này. Nền tảng vững chắc này chính là sự nương tựa vào Thiên Chúa, được thể hiện qua câu khẩu hiệu “In God We Trust”. Ngày 30.7.2006 năm ngoái, nhân dịp kỷ niệm 50 năm câu khẩu hiệu quốc gia “In God We Trust”, đương kim tổng thống Hoa Kỳ, ông George Bush, đã đọc diễn văn trước toàn dân như sau:
“Câu khẩu hiệu “Chúng Tôi Tin Cậy Vào Thượng Đế” đã dẫn đường cho hàng triệu người Mỹ, công nhận những phước lành của Đấng Sáng Tạo, cũng như bày tỏ lòng biết ơn về món quà tự do quý giá mà Ngài ban tặng cho đất nước này.
Hôm nay, chúng ta kỷ niệm 50 năm câu khẩu hiệu này, nhớ lại với cả tấm lòng biết ơn của chúng ta về sự thương xót của Thiên Chúa trải dài trong cả lịch sử của đất nước này, cũng như nhận ra rằng có một chương trình kỳ diệu, vượt trội lên hết những kế hoạch của loài người, và chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm ý muốn của Thượng Đế cho quốc gia của chúng ta.”
Kính thưa quý độc giả,
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là một quốc gia tự do và thịnh vượng nếu người dân Mỹ cứ tiếp tục theo gót cha ông họ là biết nương dựa vào Thiên Chúa. Lời hứa của Đấng Sáng Tạo có ghi trong Kinh Thánh như sau:
“Hạnh phúc thay quốc gia được CHÚA làm Chúa Tể,
Hạnh phúc thay dân nào Người chọn làm gia nghiệp.” (Thánh Thi 33:12)
Hạnh phúc thay dân nào Người chọn làm gia nghiệp.” (Thánh Thi 33:12)
Chúng ta có thể phóng rộng tầm mắt quan sát để nhận định, bên cạnh Hoa Kỳ, còn có những quốc gia khác, đã biết đặt nền tảng luật pháp trên Kinh Thánh và luật lệ tình thương của Thiên Chúa, đã trở nên những quốc gia thịnh vượng, tự do và dân chủ. Lịch sử cũng cho thấy, những quốc gia vô thần, chối bỏ Thiên Chúa đều đi đến chỗ độc tài, lạc hậu và diệt vong, như vua Đa-vít cũng đã từng nói:
“Trong lòng người ngu dại thầm nhủ:
"Thượng Đế dĩ nhiên không thực hữu!" (Thánh Thi 53:1)
"Thượng Đế dĩ nhiên không thực hữu!" (Thánh Thi 53:1)
Chúng ta cũng thấy những quốc gia chối bỏ Thượng Đế, nhưng tôn thờ những thần tượng vô tri, vô giác, bằng gỗ, bằng đá, bằng vàng, bằng bạc, do tay người tạc nên hay dựng ra, là những quốc gia cũng đắm chìm trong mê tín, dị đoan và tăm tối mà thôi.
Quý độc giả thân mến,
Không phải ngẫu nhiên mà tờ đô-la Mỹ, tờ bạc duy nhất với câu khẩu hiệu xác nhận niềm tin “Chúng Tôi Tin Cậy Thượng Đế”, đã trở nên đồng bạc được luân lưu và phổ biết nhất thế giới. Lý do đơn giản là Thiên Chúa muốn dùng phương tiện này, bên cạnh nhiều cách thức khác nhau, để nhắc nhở nhân loại rằng, Ngài là tình yêu và là Đấng đáng tin cậy duy nhất cho mọi dân tộc và mỗi cá nhân, như lời Kinh Thánh đã khẳng định:
“Chúa đứng với tôi, tôi còn sợ ai?
Loài người làm chi tôi được nữa?
Ẩn náu trong Chúa là hơn nương cậy loài người” (Thánh Thi 118: 6-8)
Loài người làm chi tôi được nữa?
Ẩn náu trong Chúa là hơn nương cậy loài người” (Thánh Thi 118: 6-8)
Chính Chúa Cứu Thế Giê-xu là Thiên Chúa, đã từ bỏ vinh quang thiên đàng, giáng trần làm người, để cuối cùng chịu chết trên cây thập tự, đền nợ thế cho cả nhân loại. Đấng Sáng Tạo đã trở thành loài thọ tạo, cuối cùng hy sinh chính mạng vàng để chuộc tội cho quý vị và tôi. Quả thật, Ngài có đầy đủ những lý do chính đáng nhất để chúng ta tin cậy và nương cậy vào.
Kính chúc quý thính giả sớm nhận ra tình yêu vô biên của Thiên Chúa.
Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com