Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Dưỡng linh - Tiếng Gà Gáy

TIẾNG GÀ GÁY
Kinh Thánh: Lu-ca 22: 34-62
Câu gốc: Lu-ca 22: 61-62
“Chúa xây mặt lại ngó Phi-e-rơ. Phi-e-rơ nhớ lại lời Chúa đã phán cùng mình rằng:
Hôm nay trước khi gà chưa gáy, ngươi sẽ chối ta ba lần; rồi đi ra ngoài, khóc lóc thảm thiết”.

          “Ò...ó...o!” Tiếng gà gáy làm tôi tỉnh thức, tôi sực nhớ sáng nay mùng Một Tết Đinh Dậu 2017. Thường thì tôi được đánh thức bởi chiếc điện thoại báo thức. Nhưng hôm nay lại là tiếng gà gáy! “Tiếng gà gáy” liên quan đến năm Đinh Dậu! Tiếng gà gáy nhắc tôi nhớ đến thời điểm Chúa chịu thương khó mà môn đồ Ngài yêu không chịu tỉnh thức khiến ông sa ngã, phản Chúa. Lẽ ra, nhân ngày nghỉ, tôi có thể “nướng” thêm một chút trong giấc ngủ, nhưng nhớ đến câu chuyện “gà gáy” nên tôi vùng dậy để cùng tỉnh nguyện tương giao với Chúa.

          Đặc trưng của tiếng gà gáy là gì? Có thể tương đối giống nhau về âm sắc, song cường độ của âm thanh tuỳ thuộc vào sức lực mạnh yếu của con gà. Hình ảnh con gà gáy vào bình minh rất đẹp: đầu ngất cao, miệng to, hai cánh giương cao đập mạnh, hai chân dang rộng đủ vững chắc... tiếng gà gáy không thay đổi bởi thời gian, xưa cũng như nay gà luôn gáy vào buổi sáng.

          Khi nhà tôi còn làm quản nhiệm tại một Hội Thánh, cứ sau những tiếng gà gáy sáng là những hồi chuông nhà thờ được gióng lên, con cái Chúa trong khu vực tỉnh thức, tề tựu trong ngôi Thánh đường để cầu nguyện tương giao với Chúa. Đây là thì giờ chúng tôi được trò chuyện với Chúa và được nhắc nhở để nhớ đến nhau và cầu thay cho nhau. Thật là thì giờ phước hạnh của con cái Chúa và Hội Thánh Ngài. Bởi sự cầu nguyện mà Hội Thánh tại đây mỗi ngày phát triển, mở mang rất nhiều... dù lúc ấy là thời kỳ Tin Lành gặp nhiều trở ngại.

          Lúc nhỏ, khi còn đi học, cứ mỗi buổi sáng chúng tôi được ba tôi đến cạnh giường để đánh thức chúng tôi dậy để ôn lại bài học trước khi đến trường. Có những hôm ba tôi kiên nhẫn gọi chúng tôi nhiều lần đến khi chúng tôi chịu vùng dậy. Cũng có hôm vì không kiên nhẫn, ba tôi cũng dùng roi yêu thương để nhắc nhở chúng tôi. Hình ảnh ba tôi đánh thức chúng tôi dậy khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh Chúa yêu thương tỉnh thức các môn đồ Chúa trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Lời Chúa nhắc nhỡ “các ngươi ở đây và tỉnh thức với ta” (Ma-thi-ơ 26: 38). Khi thấy các môn đồ cứ mãi mê trong giấc ngủ... Chúa kiên nhẫn thức tỉnh họ bằng một lời cảnh báo: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ, tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối” (Ma-thi-ơ 26:41). Chúa khích lệ các môn tỉnh thức vì Chúa biết sẽ có nhiều cám dỗ, nhiều sự tấn công của các thế lực thế gian và thế lực của sự tối tăm. Chúa nhìn biết loài người yếu đuối, Chúa biết chúng ta không thể đắc thắng mọi sự đó bởi sức riêng, bởi ý riêng, bởi khả năng hạn chế của chúng ta. Nên Chúa muốn chúng ta tỉnh thức và cầu nguyện. Chúa Giê-xu cũng là con người, Ngài cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, nên Chúa phán: “Hãy tỉnh thức với ta...” Chúng ta thất bại vì thiếu tỉnh thức và cầu nguyện, nhưng Chúa đắc thắng vì Ngài chiến đấu cầu nguyện trong tinh thần tỉnh thức.

          Học theo gương Chúa, chúng tôi cũng luôn tỉnh thức nhắc nhở các con trong sự tương giao với Chúa, dầu các con có những thời gian sống xa nhà để đi học, nhưng điều chúng tôi luôn quan tâm và nhắc nhở các con là phải giữ thì giờ đọc, học Lời Chúa và cầu nguyện với Chúa. Chúa cho gia đình chúng tôi có ba người con: hai trai, một gái. Cô gái út đã có gia đình và con tôi được kêu gọi trong chức vụ hầu việc Chúa với chồng. Lòng tôi hằng ao ước các con tôi đều được bước vào chức vụ hầu việc Chúa trọn thời gian. Cứ hằng năm, chúng tôi có cơ hội nhắc lại ơn cứu sống toàn gia đình tại đèo Cù Mông, để nhớ lại ơn thương xót của Chúa và mục đích Chúa cho còn sống là để hầu việc Chúa. Biết bao năm mơ ước để các con tự nguyện dấn thân bước vào chức vụ, có những lúc chúng nói với tôi rằng: “Con vẫn chưa nghe Chúa gọi, mà con cứ chỉ nghe mẹ gọi!” Nó lại nói: “Mẹ gọi mà Chúa không gọi thì con lo lắm, sợ lắm!” Bẵng đi rất lâu, tôi không nhắc đến sự kêu gọi vào chức vụ hầu việc Chúa nữa, thì gần đây chính con tôi lại được nghe tiếng Chúa gọi. Chúng tôi quá bàng hoàng lẫn vui sướng khi con tôi có quyết định dâng mình hầu việc Chúa. Khi biết được quyết định của con, tâm lòng tôi lẫn lộn sự mừng vui và cảm xúc, miệng cười nhưng những giọt nước mắt lại rơi.

          Con tôi tâm sự những thách thức con đối diện khi quyết định đi theo tiếng gọi của Chúa. Tôi khích lệ và cầu nguyện cho con với những lời động viên. Con tôi tiếp rằng: “Mẹ ơi, bấy lâu nay con chần chờ, nhưng Chúa thức tỉnh con trong Lời Chúa rằng: tất cả mọi công việc của đời này chỉ dành cho lửa! Và con quyết định phục vụ Chúa trọn thời gian, vợ con cũng chính là người giúp con thực hiện sự đáp ứng này mẹ à”.

          Vâng, con trai tôi đã trải qua thời kỳ giống Phi-e-rơ lúc trong vườn Ghết-sê-ma-nê, ông ngủ! Con trai tôi cũng đã ngủ trong công việc trần gian! Nhưng nay, Lời Chúa đã thức tỉnh con trai tôi như Chúa đã dùng “tiếng gà gáy” tỉnh thức Phi-e-rơ, Phi-e-rơ ăn năn cách đắng cay về lỗi lầm của mình và được Chúa phục hồi. Lại cũng có môn đồ phạm tội phản bội Chúa Giê-xu, đó là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Ông cũng “sám hối” nhận biết tội lỗi mình, đem bạc đi trả lại cho nhà hội... nhưng ông không thật sự ăn năn, tức không chịu từ bỏ con người cũ, từ bỏ đường lối cũ... ông tiếp tục đi trong bóng tối và tìm đến sự tự sát.

          Điều tôi thường thắc mắc khi còn nhỏ: tại sao Chúa dùng “tiếng gà gáy” để thức tỉnh Phi-e-rơ mà không thức tỉnh Giu-đa Ích-ca-ri-ốt? Điều chắc chắn Chúa yêu cả hai môn đồ. Ngài nhiều lần nhắc nhở Giu-đa hãy từ bỏ ý đồ phản Chúa lúc Chúa rửa chân và trao bánh cho ông. Ông thật là môn đồ không thật sự yêu Chúa, còn Phi-e-rơ là môn đồ thật tâm yêu Chúa, ông từng tuyên bố: “Dầu ai vấp phạm vì cớ Chúa nhưng ông sẽ không bỏ Chúa” (Ma-thi-ơ 26:33). Dầu vậy, ông quên rằng ông cũng yếu đuối và giới hạn... Điều ông lẽ ra phải nói với Chúa rằng: “Chúa ôi, con cũng là người yếu đuối, xin Chúa cho con không vấp phạm và cho con luôn vững tin nơi Chúa”.

          “Tiếng gà gáy” là tiếng kêu tỉnh thức mỗi đời sống Cơ Đốc nhân, khi được thức tỉnh chúng ta hãy nhớ lại giao ước Chúa giao và cũng xác quyết tình yêu của chúng ta đối với Chúa như Phi-e-rơ: “Lạy Chúa, Chúa biết rằng con yêu Chúa” (Giăng 21:15-17). Chúa giao việc cho Phi-e-rơ sau ba lần xác quyết tình yêu Chúa khi ông kinh nghiệm tình yêu Chúa với tình yêu “Agape” tức tình yêu cao quý - tình yêu hy sinh và tình yêu mặc dầu mà Chúa đã dành cho chính ông.

          Năm mới, năm Đinh Dậu, “tiếng gà gáy” luôn nhắc nhớ chúng ta về tình yêu cao quý của Chúa - Đấng Thánh Khiết đã từ bỏ mình đến thế gian, yêu tội nhân và cứu rỗi họ. “Tiếng gà gáy” nhắc chúng ta về sự hy sinh của Ngài đã đổ huyết chuộc tội chúng ta. Nhớ ơn cứu chuộc của Chúa, chúng ta dốc đổ sức lực, thì giờ của mình để cộng tác phục vụ Chúa trong nơi mà Chúa đặt để... và hãy nhìn lại chính mình để mỗi ngày nhờ Lời Chúa giúp chỉnh sửa chính mình và tin chắc rằng Chúa luôn yêu chúng ta, phục hồi chúng ta và Ngài luôn ước ao sử dụng cuộc đời chúng ta cho mục đích của vương quốc Ngài.

Đầy Tớ Gái
Nguồn: httlvn.org

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!