Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

Luật Vàng của Tình Yêu


               Kính thưa quý độc giả,

               Nếu có ai đó bất ngờ hỏi chúng ta “tình yêu là gì” thì quý vị sẽ trả lời ra sao? Hay nếu bạn bất ngờ hỏi người bên cạnh câu hỏi này, hãy xem người đó suy nghĩ bao lâu rồi mới có thể giải thích được, tình yêu là gì, theo ý riêng của mình. Nhà thơ Xuân Diệu, đứng trước sự đa dạng và sâu thẳm của tình yêu, đã phải thú nhận rằng: “Làm sao định nghĩa được tình yêu”.

               Mà thật vậy, chẳng có ai định nghĩa “tình yêu” sao cho trọn vẹn cả. Có người cho rằng “yêu” là quan tâm thật nhiều đến một người khác, nhưng như vậy thì “quan tâm” có nghĩa gì? Có người đóng khung tình yêu trong mối quan hệ nam nữ, thậm chí lẫn lộn “tình yêu” với những ham muốn tình dục. Khoa học mô tả tình yêu như những phản ứng của bộ não trước những tiếp nhận của các giác quan. Thuyết tiến hóa với quy luật sinh tồn “mạnh được yếu thua” thì không sao giải thích được tình yêu, vì tình yêu không loại bỏ người cô thế, nhưng lại giang tay bảo bọc người kém may mắn hơn.

               Tình yêu bao trùm và chi phối tất cả những hoạt động của con người, nhưng con người chúng ta vẫn lúng túng khi đi tìm một định nghĩa cho tình yêu, bởi vì tình yêu không phải là một sản phẩm nhân tạo. Tình yêu không đến từ con người, nhưng tình yêu bắt nguồn từ Đấng Tạo Hóa, như Kinh Thánh có khẳng định: “Thượng Đế là Tình Yêu. Ai sống trong tình yêu là sống trong Thượng Đế và Thượng Đế sống trong họ” (1 Giăng 4:16)

               Chủ đề then chốt của Kinh Thánh là tình yêu. Toàn bộ Kinh Thánh bày tỏ tình yêu vô hạn của Thượng Đế dành cho con người, cũng như nhắc nhở mục đích của đời sống là kính yêu Đấng tạo dựng ra mình và biết yêu người đồng loại. Kinh Thánh, là bức thư tình chan chứa yêu thương của Đấng Tạo Hóa gởi đến con người, với bao dặn dò về những luật vàng của tình yêu. Những quy luật vàng này được bắt đầu với những nguyên tắc căn bản nhất, được gọi là “Mười Điều Răn” mà chính Thiên Chúa đã trực tiếp phán với Môi-se và tuyển dân Do-thái như sau:
               "Các ngươi không được thờ thần nào khác ngoài Ta.
               Không được làm cho mình tượng của các thú vật bay trên trời, đi trên đất hay lội dưới nước. Không được quỳ lạy hoặc phụng thờ các tượng ấy, vì Ta, Chúa Hằng Hữu, Thượng Đế các ngươi, rất kỵ tà. Người nào ghét Ta, Ta sẽ trừng phạt họ, và luôn cả con cháu họ cho đến ba bốn thế hệ. Nhưng người nào yêu kính Ta và tuân giữ điều răn Ta, Ta sẽ thương yêu săn sóc người ấy và con cháu họ cho đến ngàn đời.
               Không được dùng tên của Chúa Hằng Hữu, Thượng Đế các ngươi, một cách bất kính, vì Ta sẽ không tha người làm điều ấy.
               Phải giữ ngày Sa-bát làm ngày thánh. Ngươi có sáu ngày để làm công việc, nhưng ngày thứ bảy là ngày thánh dành cho Chúa Hằng Hữu, Thượng Đế ngươi. Trong ngày ấy, ngươi cũng như con trai, con gái, tôi trai, tớ gái, súc vật, luôn cả khách trong nhà ngươi, đều không được làm việc gì cả. Vì trong sáu ngày, Chúa Hằng Hữu tạo dựng trời, đất, biển và muôn vật trong đó; đến ngày thứ bảy, Ngài nghỉ. Vậy, Chúa Hằng Hữu chúc phước cho ngày Sa-bát và làm nên ngày thánh.
               Phải hiếu kính cha mẹ, như vậy ngươi mới được sống lâu trên đất mà Chúa Hằng Hữu Thượng Đế ban cho.
               Không được giết người.
               Không được tà dâm.
               Không được trộm cướp.
               Không được làm chứng dối.
               Không được tham muốn nhà cửa, vợ, tôi trai, tớ gái, bò, lừa, hoặc vật gì khác của người láng giềng." (Xuất Ê-díp-tô ký 20:2–17)

               Quý độc giả thân mến,

               “Mười Điều Răn” vỏn vẹn chỉ có 296 chữ, nhưng mười quy luật vàng là nền tảng của luật gia đình, luật sở hữu, quyền tự do cá nhân và vô số luật lệ của các thể chế tự do và dân chủ thuộc các nước Tây phương thịnh vượng ngày nay. Bốn điều răn đầu tiên nói về thái độ con người cần có trước Đấng Tạo Hóa. Năm điều răn tiếp theo hướng dẫn cách cư xử giữa con người với nhau. Điều răn thứ mười là điều răn cuối cùng nói về suy nghĩ và thái độ cần có của mỗi chúng ta. Trải qua hơn 4000 năm, các nhà làm luật phải nhìn nhận “Mười Điều Răn” vẫn là cốt lõi bất di, bất dịch của đạo đức, dù trong bối cảnh văn hóa hay thời đại nào, đến nỗi một người đã đưa ra nhận định rằng, dầu con người đã lập nên 32,647,389 luật nhưng không bao giờ cải thiện được sự hoàn hảo của “Mười Điều Răn”.

               Khi nhắc đến điều răn hay luật lệ, chúng ta thường nghĩ rằng đây là những điều khiến “ràng buộc” hay “hạn chế”, nhưng “Mười Điều Răn” của Thiên Chúa là những nguyên tắc căn bản của tình yêu, chỉ mang đến sự tự do để con người có thể đến với Đấng tạo dựng ra mình và đến với nhau.

               “Không được giết người” là lời mời tự do để một người đến với một người khác, để làm bạn, làm người đồng hành, làm người cộng sự, làm láng giềng hay bất cứ một điều gì khác, ngoại trừ sự thù nghịch, ganh ghét và toan hãm hại người đó.

               “Không được tà dâm” là lời mời tự do để vợ chồng đến thật gần với nhau, làm bất cứ điều gì cho nhau, ngoại trừ lòng phản trắc và hành động ngoại tình.

               “Không được trộm cắp” là lời mời tự do để sở hữu tài sản ngoại trừ xâm phạm đến tài sản của người khác.

               “Không được làm chứng dối” là lời mời tự do về tự do ngôn luận, ngoại trừ lời nói bịa đặt để bôi nhọ hay vu oan giá họa một người nào.

               “Tự do” mà Thiên Chúa đặt trong các luật vàng yêu thương của Ngài, khác hẳn với quan niệm tự do của con người. Kinh Thánh dùng cụm từ “nô lệ cho tội lỗi”, với hàm ý rằng “nô lệ” có nghĩa là bị “tội lỗi” trói buộc. Ngược lại với tình trạng “nô lệ” là “tự do thật”, hay có nghĩa là thoát được sự ràng buộc của tội lỗi cùng những hệ quả đau thương của nó.

               Vì quan niệm sai trật, cho rằng “tự do” là có quyền làm tất cả mọi sự mình thích, mà con người đang trả một cái giá quá đắt cho tự do. Con người đang nhân danh tự do tôn giáo, nhân danh tự do tình dục; nhân danh tiến bộ khoa học, và vô số những quyền “tự do” khác, để loại bỏ dần “Mười Điều Răn” và những luật tình yêu của Thiên Chúa ra khỏi hiến pháp. Kết quả là một khoảng trống tâm linh to lớn đang bao trùm cả thế giới ngày nay, với xã hội mất dần đi ý nghĩa sống cùng những tiêu chuẩn đạo đức căn bản nhất.

               Phá thai, giết người, bạo động, lạm dụng rượu bia, chất kích thích, đỗ vỡ trong hôn nhân và những vấn nạn tương tự đang leo thang đến chóng mặt. Tin cậy lời nói của nhau trong giao dịch mỗi ngày là một điều thuộc về quá khứ. Mọi nơi chốn, từ công sở, công viên, phi trường, đường phố, khách sạn cho đến nhà riêng, đều phải gắn hệ thống an ninh để theo dõi và báo động. Thời nay, con trẻ không được tự do đi ra đường, nhưng luôn luôn phải có cha mẹ hay người lớn đi bên cạnh. Đúng vậy, con người đang nhân danh tự do để loại bỏ “Mười Điều Răn” nhưng để rồi thấy con người càng ngày càng bị trói buộc và giới hạn trong mọi sinh hoạt và mọi mối quan hệ,

               Thực ra, “Mười Điều Răn” là trái tim, là cốt lõi của sự tự do thật, không hề ràng buộc nhưng mang đến đời sống trật tự và hài hòa. Thánh Augustine đã tóm tắt luật vàng yêu thương của Thiên Chúa rằng “Hãy kính yêu Thượng Đế và rồi bạn sẽ tự do làm điều lòng mình ưa thích”, trong khi xã hội ngày nay đi theo một đường hướng hoàn toàn trái ngược; đó là “Hãy tự do làm những gì mình thích, rồi sau đó đi tìm một chuyên gia tâm lý để biết tại sao mình chẳng còn thích những điều đó nữa”.

               Kính thưa quý độc giả,

               Yêu có nghĩa là làm theo luật lệ yêu thương của Đấng Tạo Hóa, như Kinh Thánh có bày tỏ: “Quy luật Thượng Đế ban cho chúng ta từ đầu là chúng ta phải yêu thương nhau. Nếu chúng ta yêu Thượng Đế, chúng ta phải thực hành mệnh lệnh Ngài và ngay từ ban đầu, Ngài dạy chúng ta phải yêu thương nhau” (2 Giăng 1:5-6).

               Yêu cũng là điều kiện cần và đủ để một người có thể bước vào thiên đàng, nơi những con người kính yêu Thượng Đế sẽ sống mãi bên nhau trong tình yêu.

               Và bài học đầu tiên của tình yêu được bắt đầu với “Mười Điều Răn”.

               Tiếc thay, tất cả chúng ta đều “thi rớt” ở ngay bài học đầu tiên này. Có mấy ai trong chúng ta hết lòng tìm kiếm và biết ơn đến Đấng tạo dựng ra mình? Có mấy ai trong chúng ta không có lần ganh ghét, toan tính bài trừ đối phương? Có mấy ai trong chúng ta không một lần gian dối để thủ lợi cho chính mình?

               Khi không làm theo luật lệ yêu thương của Đấng Tạo Hóa, chúng ta đã phạm tội với Ngài như Kinh Thánh khẳng định: “Ai phạm tội tức là phạm luật Thượng Đế vì tội lỗi là sự phạm luật Thượng Đế” (1 Giăng 3:4).

               Vì phạm tội, chúng ta phải chết, bị xét xử, để rồi bị phân ly đời đời với Thiên Chúa, trong một nơi không còn tình yêu và niềm hy vọng nào cả. Cảm thương trước sự bất lực của bạn và tôi, cũng như muốn cứu vớt chúng ta ra khỏi sự đoán phạt đời đời, Thiên Chúa Ngôi Hai, cách đây hơn 2000 năm, đã tự nguyện giáng trần, trở nên một con người mang tên Giê-xu.

               Ngài đã bị người ta đóng đinh trên cây thập tự, chết thật đau đớn và nhục nhã. Thực ra, Chúa Cứu Thế đã tự nguyện chết thay cho nhân loại, lãnh thế giùm tôi và quý vị món nợ tội của mỗi người. Con Trời sau khi hy sinh mạng vàng cứu chuộc nhân loại, đã chết đi, nhưng sau ba ngày đã đắc thắng tử thần, sống lại đầy hiển vinh.

               Khi bạn nhận biết mình còn thiếu sót trước luật vàng tình yêu của Đấng Tạo Hóa, bạn chỉ cần tin vào sự chết thế của Chúa Giê-xu, thì mọi vi phạm của bạn sẽ được Thiên Chúa xóa bôi. Hơn thế nữa, sức mạnh của tình yêu từ Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ thay đổi tâm tính của bạn mỗi ngày, giúp chúng ta yêu mến và thích thú làm theo luật lệ yêu thương của Đấng Tạo Hóa, chuẩn bị mỗi chúng ta sẵn sàng cho thiên đàng là nơi chốn tuyệt hảo và trọn vẹn của tình yêu, như chính Chúa Giê-xu đã từng bày tỏ:“Đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ luật pháp và lời tiên tri. Không, Ta đến để hoàn thành luật pháp và thực hiện các lời tiên tri”(Ma-thi-ơ 5:17)

               Quý độc giả thân mến,

               Nhờ nhà bác học Newton khám phá ra luật trọng trường mà con người biết cách khắc phục lại sức hút của trái đất hầu đẩy phi thuyền vào không gian. Nhờ nhà bác học Archimedes khám phá ra quy luật đòn bẫy mà người ta biết cách nào để nâng vật nặng lên một cách dễ dàng. Sự khám phá và hiểu biết các vô số các quy luật chỉ đem đến sự tự do cho con người.

               Cũng tương tự như vậy, nhờ tiếp nhận Cứu Chúa Giê-xu vào tâm hồn, nhờ Chúa của Tình Yêu giúp chúng ta khám phá và ứng dụng những luật vàng của yêu thương vào trong đời sống mỗi ngày, bạn và tôi sẽ có sự tự do thật để đến với tha nhân trong tình nhân ái và đến với Đấng Tạo Hóa trong nơi đời đời phước hạnh. Do vậy, mà chẳng ngạc nhiên chút nào cả, khi vua Đa-vít ca ngợi luật vàng tình yêu của Thiên Chúa qua các vần thơ sau:
               Con đã tìm được nguồn hạnh phúc,
               Khi nghiêm chỉnh theo Lời vàng ngọc. 
               Con tuân theo Lời Ngài mãi mãi,
               Nên sẽ sống tự do, thoải mái.
               Luật pháp Chúa dạy thật là bảo vật,
               Còn quý hơn muôn bạc, ngàn vàng.
               Lời Chúa ngọt ngào trong miệng con,
               Ngọt hơn cả mật ong hảo hạng..
               Người yêu luật Chúa được thái an luôn,
               Không vấp ngã vì cuộc đời đầy bất trắc (Thi Thiên 119)

               Ước mong quý vị sớm khám phá ra thiên đàng của tình yêu qua các luật vàng của Thiên Chúa. Thân chào quý vị và các bạn.
 
Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

THÔNG BÁO: V/v Tôn vinh Chúa Quý 2/2018 của Ban TTN

Số: 15/2018/BTTN-TB

     Theo kế hoạch, Ban Thanh Thiếu niên sẽ tôn vinh Chúa trong giờ Thờ phượng của HT vào sáng Chúa nhật 24/06/2018. Tên bài hát: CHỌN GIÊ-XU THÔI. (Đã tập vào CN 15/04). Xem sheet nhạc tại link sau: https://httltannghia.blogspot.com/2018/04/sheet-nhac-chon-gie-xu-thoi-bai-hat-tvc.html

     Để chuẩn bị tốt nhất cho việc tôn vinh Chúa, Ban TTN sẽ tập lại bài hát này lần 2 vào CN tuần sau (10/6/2018).

     Trang phục: Áo đồng phục năm 2018 của Ban TTN. (Trường hợp chưa có đồng phục thì mặc áo thun hoặc sơmi trắng).

     Rất mong các ban viên tham gia đông đủ để cùng tôn vinh Chúa. BHD thông báo để các ban viên được biết và thực hiện./.

Tác giả bài viết: BHD Thanh Thiếu niên 

Luật Vàng

 

             
Người ta nói rằng ở đời nầy có ba thứ luật: luật sắt, luật bạc và luật vàng. Luật sắt là luật của những người nói rằng: “Cái gì của anh là của tôi!” Đây là “luật rừng,” luật của những người trộm cắp, luật của những người sống trên đau khổ của người khác. Luật bạc khá hơn luật sắt, nói rằng: “Cái gì của anh là của anh, cái gì của tôi là của tôi!” Luật này mới nghe có vẻ hợp lý và công bằng, nhưng thật ra rất ích kỷ. Nếu ở đời, ai cũng sống theo luật bạc nầy thì sẽ chẳng có ai giúp đỡ ai, mỗi người chỉ biết có mình và cuộc đời đã đau khổ sẽ càng thêm đau khổ. Đây cũng là chủ trương của những người theo triết lý “sống chết mặc bay!” Như vậy, những người theo luật sắt là những người gieo đau khổ cho người khác. Theo luật bạc , người ta không làm gì cho bớt đi đau khổ nên đau khổ sẽ nhiều thêm. Vì vậy, chúng ta cần sống với luật vàng là luật nói rằng: “Cái gì của tôi là của anh!” Đây là luật của tình yêu, của lòng vị tha, của những người sống vượt lên trên những tầm thường của đời sống.

               Tác giả của Luật Vàng là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài tuyên bố:
Điều gì các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ (Phúc Âm Ma-thi-ơ 7:12)

               Đây không phải là một lời tuyên bố mới lạ, nhưng chỉ trong Chúa Cứu Thế lời dạy nầy mới có giá trị đích thực vì hai lý do sau:

  • Chúa Giê-xu chẳng những dạy nhưng Ngài cũng thực hành những điều Ngài dạy. Nhiều bậc vĩ nhân nói rất hay, tuyên bố những câu nẩy lửa, nhưng đời sống của họ không phản ảnh những điều họ nói. Chúa Giê-xu trái lại, Ngài dạy yêu thương tha thứ và chính Chúa đã yêu thương, tha thứ. Chúa đã đưa tay chữa lành người đến bắt Chúa, Ngài cầu nguyện cho những kẻ đóng đinh Ngài. Chúa khóc với gia đình tang chế, tạo niềm vui cho lễ cưới. Chúa cung cấp thức ăn cho người đói, chữa lành cho người đau. Ngài đã làm cho người ta những điều mà ai cũng muốn người khác làm cho mình.

  • Lý do thứ hai khiến cho lời tuyên bố của Chúa Giê-xu có giá trị đó là Chúa không dạy suông, nhưng Ngài cũng ban cho chúng ta sức mạnh để chúng ta có thể thực hành lời dạy của Ngài. Thông thường, ít có người muốn sống cho người khác, ai cũng chỉ muốn sống cho mình. Người ta cho rằng sống theo luật vàng là dại, tại sao những gì của tôi lại là của anh được? Tuy nhiên, nếu thế giới này thiếu đi những người biết sống theo Luật Vàng như vậy, nỗi đau khổ của con người sẽ ngày càng gia tăng. Tự chúng ta, chúng ta không thể sống vị tha, vì người khác, nhưng với sức mạnh của Chúa, chúng ta có thể sống theo Luật Vàng dễ dàng. Nếu chúng ta đặt lòng tin nơi Chúa, Chúa sẽ tái tạo con người chúng ta, biến chúng ta thành một con người mới. Sự sống của Chúa sẽ tuôn tràn trong đời sống chúng ta và chúng ta sẽ tự nhiên làm được những điều chúng ta cần làm và phải làm.

               Chúa Giê-xu đã thực hành Luật Vàng khi Ngài hy sinh chính sự sống của Ngài vì tội của nhân loại. Chúa vô tội và không phải chịu chết nhưng Ngài đã bằng lòng gánh tội của chúng ta và chịu chết thay cho chúng ta. Chúa tuyên bố: “Không có tình yêu nào lớn hơn là vì bạn hữu mà hy sinh sự sống!” Chúa Giê-xu đã chết để cứu chúng ta, nhưng cái chết của Ngài cũng nhắc chúng ta về đức hy sinh để chúng ta sẵn sàng sống cho người khác. Và như đã nói, chính Ngài cũng ban cho chúng ta sức mạnh để chúng ta có thể sống theo Luật Vàng, sẵn sàng làm cho người khác những gì chúng ta muốn người khác làm cho mình.

               Đây không phải là điều viễn vông xa vời, chỉ có trên lý thuyết, nhưng là những điều chúng ta có thể làm mỗi ngày bắt đầu từ trong gia đình của chúng ta. Người chồng có thể trông mong người vợ làm điều này điều nọ cho mình. Người vợ cũng vậy. Con cái và cha mẹ, anh chị em, bạn bè với nhau… Chúng ta cần đặt câu hỏi ngược lại, “Nếu chúng ta muốn người khác làm điều đó cho mình, tại sao chúng ta không bắt đầu trước, làm điều đó cho người khác?” Ví dụ người chồng đi làm về mệt mỏi, mong được vợ hỏi thăm, nhưng người vợ có thể đang bận tâm về một chuyện gì đó, không lên tiếng hỏi trước. Thay vì bực dọc, cau có, ta hãy nhớ đến Luật Vàng của Chúa. Hãy hỏi thăm vợ mình trước, vì đó chính là điều mình muốn người khác làm cho mình kia mà! Bạn hãy thử áp dụng xem, Bạn sẽ thấy rằng khi ta bớt nghĩ về mình, bớt sống ích kỷ, cuộc đời sẽ đẹp hơn nhiều! Tương tự như vậy trong những mối tương quan khác như giữa cha mẹ và con cái. Con cái thì mong cha mẹ thông cảm với mình, cha mẹ thì nói tại sao con không thông cảm. Dù làm bậc cha mẹ, hay làm con, ta hãy đi bước đầu tiên, hãy làm cho người khác điều ta muốn người khác làm cho mình, ta sẽ thấy sự việc thay đổi tốt đẹp nhanh chóng.

               Có những người thường than rằng sao mình cô đơn quá, sao mình không có bạn. Bạn biết không, câu nói đã trở thành như sáo ngữ lại rất đúng. Người ta nói, “Muốn có bạn, chính mình trước hết phải là một người bạn!” Đừng chờ đợi người ta đến làm bạn với mình, nhưng chính mình phải bắt đầu xử sự như một người bạn tốt. Đó chính là làm cho người khác những điều chúng ta muốn người khác làm cho mình.

               Nếu thế giới chỉ là những người sống theo luật sắt, đau khổ của con người sẽ vô tận. Nếu chúng ta chỉ sống theo luật bạc, nghĩa là mạnh ai nấy sống, niềm đau của con người cũng không vơi đi được. Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đi trước, Ngài sống theo Luật Vàng, hy sinh bản thân vì người khác. Chúng ta cần theo chân của Chúa, sẵn sàng sống cho người khác, đối xử với người chung quanh như cách chúng ta muốn họ đối xử với mình. Nếu ai cũng sống như vậy, thiên đường sẽ đến với chúng ta ngay trên trần gian này, không phải tìm kiếm một nơi nào khác.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

Tin ảnh: Chương trình Hiệp nguyện tại Hội Thánh Chơn Thành - Bình Phước

Vào ngày 25/5/2018, tại Nhà thờ  Tin Lành Chơn Thành, đã tổ chức chương trình Hiệp nguyện, trang bị lời Chúa và giải đáp các thắc mắc cho quý tôi con Chúa.

Về tham dự có:
- MS Đinh Thiên Tứ - Giáo Hội trưởng HTLHCĐVN
- MS Huỳnh Huyền Vũ - Tổng Trưởng nhiệm 
- Các MS trong Thường trực Tổng Hội.
- Quản nhiệm các Hội Thánh phụ cận.

Hội Thánh được nghe lời Chúa, xây dựng niềm tin, thông tin về tà giáo... Ngoài ra, trong thời gian này còn có các chương trình Thẩm vấn và Tấn phong Mục sư cho các MSNC cầu phong.

Một số hình ảnh ghi nhận:



 
MS Giáo Hội trưởng giải đáp thắc mắc

Ảnh: MS Huỳnh Huyền Vũ

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

Câu Chuyện Về Hai Người Thợ Hớt Tóc


                Lời mở đầu: Philip Yancey là một nhà văn Cơ-đốc nổi tiếng, với số sách khoảng 14 triệu được ấn hành, phổ biến và được chào đón nồng nhiệt khắp nơi trên thế giới. Các tác phẩm nổi tiếng của ông như “The Jesus I Never Knew” (tạm dịch là “Chúa Giê-xu Mà Tôi Chưa Hề Biết”) và “What’s So Amazing About Grace?” (tạm dịch là “Điều Gì Quá Diệu Kỳ Về Ân Điển?”) và hàng ngàn các bài viết được đăng trên rất nhiều các tạp chí, đã làm xúc động hàng triệu triệu người đọc. Câu chuyện ngắn sau đây là một ghi nhận trong đời sống thường nhật của tác giả. Xin kính mời quý vị cùng theo dõi.
                Niềm hạnh phúc dường như lẫn trốn những người tìm kiếm hay đeo đuổi nó. Mặc dù hay lẩn khuất, niềm hạnh phúc lại thường xuất hiện vào những lúc bất ngờ, như một kết quả phụ, như một điều thứ yếu kèm theo, chứ không phải là mục tiêu chính.
                Cuộc gặp gỡ với hai người thợ hớt tóc, một ở California và một ở Ấn độ, giúp tôi thấu hiểu thế nào là sự thỏa lòng, là tình trạng khoái lạc của tâm hồn trong nơi sâu thẳm nhất. Tôi đến một tiệm hớt tóc và gặp người thợ hớt tóc thứ nhất tại thành phố Los Angeles trước khi lên đường thực hiện một chuyến du hành ra hải ngoại vào những năm của thập niên 1960. Người thợ hớt tóc này làm chủ một tiệm hớt tóc có lót gạch bông bóng lộn và những dụng cụ tân thời bằng thép không rỉ sáng chói. Trong tiệm có bốn chiếc ghế với hệ thống lực đặc biệt mà người ta có thể nâng lên hay hạ xuống thật dễ dàng bằng cách chỉ đạp vào cái bàn đạp đặt ở chân ghế. Buổi sáng hôm đó chỉ có một mình người chủ tiệm và do vậy, tôi thấy mừng vì anh ấy có thể cắt tóc liền cho tôi, kịp cho tôi ra để phi trường trước giờ bay.
                Là một người đàn ông trạc ngoài năm mươi, có vẻ cáu kỉnh, người chủ tiệm dùng cơ hội này để trút đổ những bực dọc trong nghề hớt tóc hiện giờ. Anh nói: “Bây giờ kiếm sống thật là chật vật. Chẳng có ai tử tế biết giúp đỡ người khác. Đây, anh coi, cái anh chàng hớt tóc làm việc cho tôi, kỳ kèo tôi miết, hết đòi tiền thưởng lại đòi tăng lương. Nó không hề biết làm chủ một cái tiệm như thế này là phải lo lắng cả trăm điều. Tôi mà làm ra được đồng nào là phải trả thuế cho chính phủ”. Rồi cứ thế mà anh thợ hớt tóc này đưa ra những nhận định thật là cay đắng về tình trạng ì ạch của nền kinh tế, những chuyện ngớ ngẩn của luật an toàn lao động và thái độ vô ơn của khách hàng đối với anh. Khi tôi đứng dậy khỏi chiếc ghế, tôi có cảm tưởng rằng anh ấy phải trả cho tôi lệ phí chữa bịnh tâm lý mới phải, vì mình đã kiên nhẫn chịu đựng lắng nghe những trút đổ bực dọc của anh ấy. Nhưng thay vào đó, tôi đã trả anh ấy năm đô-la, một khoảng tiền khá lớn cho lệ phí hớt tóc vào thời đó.
                Một tháng sau đó, tôi có ghé ngang qua Úc châu và một vài nơi tại Á châu, trước khi dừng chân tại Vellore thuộc Ấn độ. Lại một lần nữa, tôi cần phải hớt tóc. Lần này tôi đến một tiệm hớt tóc nằm trên con đường chính băng ngang qua trước cửa bệnh viện Vellore. Người thợ hớt tóc đon đả hướng dẫn tôi vào ngồi trên chiếc ghế đơn độc trong tiệm. Thực ra, đó chẳng phải là cái ghế đúng nghĩa, nhưng chỉ là một sự chắp nối tạm thời những thanh kim loại đã rỉ sét lại với nhau, được bao lại bằng một miếng da thuộc đã rách tươm mà không hề có nệm nhồi bên trong. Khi tôi ngồi xuống, anh thợ hớt tóc vội biến ra khỏi cửa đi ra ngoài, rồi sau đó trở vào với một thau đựng nước bằng đồng đã móp méo. Anh cẩn thận bày ra thành hàng nào kéo, nào lược, nào dao cạo và cái tông-đơ hớt tóc bằng tay. Tôi rất khâm phục vì thái độ chững chạc và yên lặng của anh ấy. Anh ấy đúng là một người thợ lành nghề và yêu quý công việc của mình. Anh ấy sắp xếp những dụng cụ của mình một cách thận trọng và tỉ mỉ, giống như những y tá chuẩn bị dao kéo và dụng cụ mổ trong những ca giải phẫu nghiêm trọng trong bệnh viện vậy.
                Khi anh thợ hớt tóc đang liếc chiếc dao cạo thật hăng hái để chuẩn bị hớt tóc cho tôi, đứa con trai mười tuổi của anh ấy từ nhà vừa đến, mang đến đồ ăn trưa nóng hổi cho cha. Anh thợ nhìn tôi có vẻ như muốn xin lỗi và nói: “Thưa ông, xin ông vui lòng hiểu cho bây giờ là thời gian ăn trưa của tôi. Tôi có thể cắt tóc cho ông sau khi dùng xong bữa trưa không?” Tôi trả lời: “Chắn chắc là được rồi”. Vừa trả lời, tôi cũng mừng thầm vì thấy anh thợ hớt tóc cũng tự nhiên, không quá e dè, sợ hãi trước một người khách nước ngoài mang áo choàng bác sĩ như tôi. Tôi quan sát khi đứa con trai bày đồ ăn trưa ra trên chiếc lá chuối. Ngồi bệt xuống sàn, đôi chân xương xẩu đan chéo vào nhau, người cha thưởng thức món ăn trưa gồm có cơm, đồ chua, cà-ri và đậu hủ, trong khi đứa con trai đứng cạnh bên cha, sẵn sàng tiếp thêm đồ ăn vào trên tấm lá chuối. Ăn xong, anh thợ hớt tóc ợ một tiếng thật lớn, một dấu hiệu của một bữa ăn ngon miệng thỏa mãn, theo như phong tục địa phương ở đây.
                Nhìn thấy thái độ lễ phép của đứa con trong cung cách đối xử với cha, tôi bèn hỏi: “Con trai anh, lớn lên chắc cũng hành nghề hớt tóc giống anh, phải không?” Anh thợ hớt tóc vội trả lời với ánh mắt tự hào: “Thưa ông, chắc chắn rồi! Tôi hy vọng lúc đó tôi có được hai chiếc ghế. Cha con tôi có thể làm chung với nhau cho đến khi tôi nghỉ hưu. Rồi sau đó cái tiệm này thuộc về của nó luôn!”
                Khi đứa con trai còn đang dọn dẹp sau bữa ăn trưa, anh thợ hớt tóc bắt đầu làm việc. Một vài lần, tôi có cảm tưởng rằng cái tông-đơ cũ kỹ của anh như muốn giựt một vài cọng tóc của tôi bứt ra khỏi chân tóc, nhưng nhìn chung lại, bữa hôm đó tôi có được một bữa hớt tóc thật tốt đẹp. Hớt tóc xong, anh ấy xin tôi tiền cắt tóc: một rúp-pi, tức là chỉ bằng mười xu Mỹ. Khi liếc nhìn vào gương, hài lòng khi so lại với kỳ cắt tóc lần trước, tôi không thể nào không so sánh hai người thợ hớt tóc với nhau. Làm sao một người kiếm được chỉ bằng một phần năm mươi tiền cắt tóc của người kia, dường như lại có một đời sống hạnh phúc hơn.
                Tôi rất thỏa nguyện trong thời gian lưu lại tại Ấn độ. Từ những con người giống như anh thợ hớt tóc tại Vellore, tôi học được rằng sự thỏa lòng là một tình trạng nội tâm, một sự thật mà nhiều người đã quên lãng trước những chèn ép của nhiều màn quảng cáo ồn ào trong xã hội phương Tây ngày nay. Ở trong một xã hội đua đòi theo những tiện nghi vật chất, chúng ta lúc nào cũng bị nhồi sọ rằng sự thỏa lòng đến từ những điều bên ngoài, và chúng ta chỉ duy trì được sự thỏa lòng khi chúng ta mua thêm được một món đồ nào đó.
                Tôi tìm thấy được sự thỏa nguyện sâu thẳm trong những con người sống trong những hoàn cảnh thiếu thốn mà chúng ta, những người đang sống trong xã hội Tây phương, thường nhìn đến với cặp mắt thương hại hay ghê sợ. Thế thì bí quyết của họ là gì?
                Mặc dù người thợ hớt tóc tại Los Angeles đạt được mức giàu có, sung túc mà anh thợ hớt tóc tại Vellore không bao giờ dám mơ ước tới, nhưng anh sống trong một xã hội đầy dẫy tranh cạnh và bị thúc đẩy đi lên không ngừng vì con người thiếu hài lòng. Khi tiêu chuẩn cuộc sống được nâng cao chừng nào, thì ước vọng cũng được nâng cao lên chừng ấy.
                Hễ chúng ta càng để cho sự thỏa lòng của mình phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài như xe mới, quần áo thời trang, thanh danh nghề nghiệp, quyền cao chức trọng trong xã hội, thì chúng ta càng buông lỏng, để mặc cho những điều này kiểm soát và chế ngự nỗi niềm hạnh phúc của mỗi chúng ta.
                Quý thính giả thân mến,
                Ba yếu tố để nhận được sự thỏa lòng, đó là lòng khiêm nhượng, lối sống đơn giản và thái độ tự chủ, nhưng trên hết là biết phó thác vào Đấng Tạo Hóa là Đấng hay chăm sóc và làm ơn, như vua Đa-vít diễn tả qua vầng Thi Thiên 131 như sau:
                Chúa Hằng Hữu ôi, 
                Lòng con không tự hào, 
                Mắt con không kiêu hãnh, 
                Con không mơ việc cao xa, 
                Vượt quá tài sức mình. 
                Con đã làm lắng dịu tâm hồn, 
                Như trẻ thôi bú nằm yên bên mẹ, 
                Tâm hồn an tĩnh trong con. 
                Y-sơ-ra-ên, hãy hy vọng nơi Chúa Hằng Hữu Từ nay đến muôn đời.
                Lời Kinh Thánh cũng nhắc nhở về lợi ích của sự thỏa lòng như sau:
                Nhưng niềm tin kính và lòng mãn nguyện là lợi ích lớn. Vì con người ra đời tay trắng, khi qua đời cũng chẳng đem gì theo được, nên đủ ăn đủ mặc là thỏa lòng rồi. Người ham làm giàu thường mắc vào những cám dỗ và cạm bẫy, bị lôi cuốn vào những “lòng chảo” tham dục dại dột và tai hại, bị nhận chìm xuống đáy “biển” hư hoại và diệt vong. (1 Ti-mô-thê 6:6-9)
                Ước mong quý vị có một đời sống thỏa nguyện và biết tin cậy nơi Thiên Chúa nhân từ. Thân chào quý vị và các bạn.
 
“A Tale of Two Barbers” by Dr. Philip Yancey – Tùng Tri chuyển ngữ
Nguồn: phatthanhhyvong.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!