Nói đến mẹ và tình yêu của mẹ, thì nền văn học nghệ thuật thế giới đã nói rất nhiều xuyên suốt lịch sử nhân loại. Chỉ riêng trong âm nhạc và văn chương Việt Nam chúng ta mà thôi, cũng có biết bao sáng tác viết về chủ đề người mẹ. Trừ một số trường hợp ngoại lệ như mẹ mất sớm, hoặc có một người mẹ quá hung dữ, còn phần lớn chúng ta đều giữ trong lòng hình ảnh người mẹ hiền thân yêu, hết lòng hy sinh cho con cái. Thật vậy, mẹ và tình yêu bao la của mẹ vẫn tiếp tục làm trái tim chúng ta rung lên những cung nhạc tuyệt vời và lòng chúng ta luôn bồi hồi cảm động khi nhớ đến những kỷ niệm thời thơ ấu bên người mẹ hằng thương yêu chúng ta bằng trọn con tim.
Cựu phu nhân tổng thống Hoa Kỳ, bà Nancy Reagan, đã cho rằng: “Mẹ là người mà chúng ta đặt trọn niềm tin cậy; là người cùng cười, cùng khóc với chúng ta; là người mà chúng ta luôn luôn tìm đến khi có cần. Mẹ cũng là người hiểu chúng ta nhiều hơn bất kỳ một người nào khác. Thậm chí có người còn cho rằng chỉ có mẹ là người duy nhất hiểu được mình trong cuộc đời này mà thôi.”
Kính thưa quý độc giả,
Người Việt Nam mình thường nói: “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Thật vậy, khi còn ở trong sự chăm sóc bảo bọc của cha mẹ, chúng ta thường không nhận thức được tình yêu và sự hy sinh của cha mẹ cho bằng khi đã rời mái ấm gia đình. Chính cựu nữ thủ tướng Anh, bà Margaret Thatcher, đã tâm sự rằng: “Mẹ tôi đã làm việc cật lực suốt đời, và tôi thấy buồn khi phải công nhận rằng mẹ hiếm có khi nào được thảnh thơi. Con cái thường không biết ơn công lao khó nhọc của mẹ, cho đến khi chúng trưởng thành và chính bản thân chúng cũng làm mẹ.”
Nói về tình thương của mẹ, nữ thi sĩ người Úc, Pam Brown, đã nói: “Bạn sẽ không bao giờ có thể biết được rằng mẹ bạn yêu bạn nhiều đến mức độ nào, cho đến khi bạn lục lọi trong phòng chứa đồ cũ và tìm thấy tất cả những lá thư bạn đã từng gởi cho mẹ, cùng tất cả những thứ lặt vặt khác của bạn mà mẹ đã cất giữ từ ngày đầu tiên bạn đi học.”
Nói đến đây, thì người viết không khỏi chạnh lòng, vì chính bản thân mình cũng cất giữ những chiếc hộp “gia bảo” đại loại như vậy. Thỉnh thoảng trong những dịp nghỉ hè sau mùa Lễ Giáng Sinh, tôi có chút thì giờ rảnh rỗi để xem lại những món đồ mà tôi đã cất giữ từ ngày các con mới đi nhà trẻ. Tôi có thể tìm thấy những tờ giấy vẽ ngoằn ngoèo từ ngón tay nhỏ xíu của mấy đứa con ở lớp mẫu giáo. Có bức tranh hai mẹ con đã đồng ý đặt tên là “Khu Rừng Bí Mật”, The Secret Garden, vẽ những đường thẳng đứng song song màu xanh lá cây và màu nâu, chen lẫn với chút màu vàng đậm. Có bức tranh được đặt tên là “Một Ngày Tuyệt Vời”, A Wonderful Day, phản ánh cuộc phỏng vấn chớp nhoáng với đứa con họa sĩ tí hon đã vẽ bức tranh này sau khi đi chơi ở Vườn Bách Thú Melbourne Zoo với gia đình, trong dịp nghỉ giữa học kỳ năm lớp Hai. Một bức tranh khác mà con gái út đặt tên là “Vườn Bướm”, vẽ bằng những miếng sponge mềm, tôi tìm thấy hàng chục mảng màu sặc sỡ chen chúc nhau như những con bướm trong rừng nhiệt đới. Bức tranh này con bé út đã vẽ hồi còn đi nhà trẻ. Một bức tranh khác, được đặt tên là Balloonia Land, “Vùng Đất của Những Quả Bóng Màu”, phản ánh câu chuyện vui trong quyển sách Balloonia mà tôi đã đọc cho con nghe trước giờ đi ngủ. Bức tranh này thằng bé đã rất ưng ý sau khi vẽ xong, trên giấy chỉ có khoảng 10 hình tròn tô màu nguệch ngoạc và vô số những dấu chấm vẽ bằng viết chì đủ màu…
Mỗi một bức tranh đơn sơ, mộc mạc đến vụng về của từng đứa con đều được tôi cất giữ như những vật quý giá trong nhiều năm tháng, vì mỗi khi có dịp ngồi xem lại, chúng lại đưa tôi về vùng trời kỷ niệm khi các con còn thơ ấu. Mà như vậy đã hết đâu? Lần giở lại những quyển nhật ký School Journal của từng đứa con viết vào mỗi Thứ Hai đầu tuần trong lớp học, kể lại những sinh hoạt của chúng trong hai ngày nghỉ cuối tuần, tôi được thấy lại những hình ảnh và cuộc sống vui buồn của gia đình mình trong thời gian đó, phản ánh qua cái nhìn và nhận xét của trẻ thơ. Rồi đến những tấm thiệp Giáng Sinh làm bằng tay trong giờ thủ công ở lớp tiểu học, cùng tất cả những học bạ, những món lặt vặt mà từng đứa con trong nhà đã làm để tặng mẹ trong các dịp lễ…
Kính thưa quý độc giả,
Có thể nói, vài giờ đồng hồ được ngồi một mình để thong thả xem lại những món lặt vặt của các con đã làm khi còn nhỏ, là những giờ phút tôi cho là hạnh phúc của riêng mình. Có một bức tranh con tôi vẽ hồi Lớp Năm, mà mãi đến bây giờ vẫn được đóng khung treo trong phòng học, đặt tên “Mẹ Là Tổ Ấm Của Con”. Trong đó chẳng vẽ người mẹ nào, cũng chẳng có đứa trẻ nào, nhưng toàn bức tranh chỉ là những căn nhà xây kề nhau bên thảm cỏ xanh non. Khi được hỏi tại sao lại đặt tên cho bức tranh “Mẹ Là Tổ Ấm Của Con” mà chẳng thấy người mẹ nào trong bức tranh đó cả, con tôi đã trả lời: “Vì người mẹ trong nhà đã biến căn nhà thành ra tổ ấm cho các con, nên gia đình của họ đang vui chơi ở trong nhà, và niềm vui của mọi người đã làm cho căn nhà nào cũng có sắc màu tươi thắm”.
Câu trả lời của một đứa trẻ mới lên 9 tuổi đã làm cho tôi cảm động đến rơi nước mắt. Đồng thời, nó cũng giúp tôi nhận thức một cách sâu xa vai trò quan trọng của người mẹ trong việc xây đắp hạnh phúc gia đình đến là dường nào. Có thể nói, từ lúc ấy, tôi đã nỗ lực học hỏi không ngừng về những kỹ năng giúp mình trở nên một người mẹ tốt hơn cho con cái, và quyết tâm biến căn nhà của mình thành một tổ ấm đầy tình yêu thương.
Quý độc giả thân mến,
Tôi tin chắc rằng điều tôi quyết tâm thực hiện cũng là điều mà nhiều người mẹ khác mong muốn đạt được. Điều đáng tiếc, là mặc dù đã quyết tâm như vậy, chúng ta phải thú nhận rằng đây chẳng phải là điều dễ làm. Chúng ta sẽ nương dựa vào đâu để dẫn dắt các con bước đi trong sự bình an, khi cuộc sống luôn đầy những thử thách và khó khăn? Chúng ta sẽ lấy chuẩn mực đạo đức nào để làm gương mẫu cho con cái tránh xa những cám dỗ của xã hội như vấn đề rượu bia, cờ bạc, ma túy, tình dục bừa bãi và nếp sống tự do quá trớn đi đến chỗ phóng túng như xã hội hiện nay?
Theo bản tin được phổ biến ngày 8 tháng Tư, năm 2008 vừa qua của Ủy Ban Thanh Thiếu Niên Toàn Quốc, thì hiện nay tại Úc có khoảng 22,000 thanh thiếu niên không có chỗ thường trú, và con số hàng ngàn thanh thiếu niên vô gia cư không tìm được chỗ trú ẩn qua đêm tạm thời đã tăng gấp đôi kể từ năm 1989. Những vấn nạn xã hội như gia đình tan vỡ, cha mẹ ly hôn, xung đột giữa cha mẹ và con cái trong gia đình, cùng việc gặp khó khăn về tài chính đã đưa đến việc các em bỏ nhà đi hoang, bước vào một tương lai bất định. Mà cái tương lai gần nhất là các em không tìm được một chỗ trú ẩn an toàn qua đêm vì các nhà trọ khẩn cấp không có đủ chỗ cho tất cả những người vô gia cư. Viễn ảnh bị cám dỗ vào con đường ma túy và những tội ác khác dường như là điều chắc chắn sẽ xảy ra cho các em.
Bà Stormie Omartian, một ca sĩ, một nhà soạn nhạc nổi tiếng, và cũng là tác giả của những quyển sách đang bán rất chạy tại Hoa Kỳ, trong Chương Đầu của quyển sách “Năng Lực Trong Lời Cầu Nguyện Của Cha Mẹ”, đã có những trăn trở như sau:
“Làm cha mẹ! Chúng ta cố gắng tối đa để nuôi dạy con cái mình. Khi tưởng rằng mình đã đầy đủ bổn phận làm cha mẹ rồi thì bỗng nhiên chúng ta lại thấy một loạt các bổn phận khác vì mỗi một độ tuổi, trẻ nhỏ lại có các nhu cầu khác nhau nổi cộm lên.
Đôi khi chúng ta thấy công việc thật êm xuôi. Có lúc chúng ta lại gặp giông tố lẫn ba đào. Lắm khi chúng ta mệt mỏi đến nỗi chỉ muốn bỏ cuộc – mặc cho bão tố muốn đưa tới đâu cũng được.”
Ở một đoạn khác, bà viết: “Chúng ta đừng để những con gió đổi thay dồi dập mình như vậy. Cuộc đời con cái chúng ta không thể phó mặc cho thời cơ được.
Chúng ta đừng sợ hãi những điều mà mỗi giai đoạn phát triển có thể đưa tới, những hiểm nguy có thể lẫn khuất trong từng ngõ ngách…”
“…Vấn đề không phải tự bản thân chúng ta có thể cố gắng làm tất cả cùng một lúc, mà phải nhờ sự giúp đỡ từ bậc thầy làm cha mẹ của mọi thời đại – Tức là Đức Chúa Trời của chúng ta.”
Thưa quý độc giả,
Bản thân tôi phải công nhận đây là một lời khuyên hết sức khôn ngoan, vì nếu chỉ từ sức riêng của mình, thì tôi nghĩ chẳng người mẹ nào có đủ năng lực để bảo vệ con cái mình 24 giờ một ngày, 365 ngày 1 năm, và liên tiếp từ năm nầy qua năm khác trong suốt cuộc đời của các con. Sức người có hạn, và cho dù người mẹ có yêu thương con đến đâu đi nữa, cũng không đủ năng lực và khôn ngoan để bảo vệ con trước những cạm bẫy xã hội.
Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng nên con người và yêu chúng ta bằng một tình yêu không bờ bến, đến nỗi Ngài đã tuyên bố:“Một người đàn bà có thể quên con mình đang bú, hay không thương xót (đứa) con trai một của mình hay sao? Dù những người này có thể quên, nhưng chính Ta sẽ không quên ngươi” (Ê-sai 49:15). Lời Chúa trong Kinh Thánh đã kêu gọi cha mẹ“Hãy đổ lòng ra như nước ở trước mặt Chúa. Hãy đưa tay hướng về Chúa vì sự sống con nhỏ ngươi” (Ca Thương 2:19). Đây là lời kêu gọi cha mẹ hãy dốc lòng hướng về Thượng Đế, là Thiên Chúa Nhân Từ mà cầu khẩn luôn luôn cho sự an toàn của con cái mình.
Kinh Thánh cho chúng ta lời hứa chắc chắn về sự đáp lời từ Thiên Chúa Toàn Năng khi chúng ta đặt trọn niềm tin nơi Ngài, như có chép trong Thi Thiên rằng: “Người công bình kêu cầu, Đức Giê-hô-va bèn nghe, và giải cứu người khỏi các sự gian truân”. (Thi Thiên 34:17). Ở một đoạn khác trong sách Thi Thiên, chúng ta sẽ được an ủi biết bao khi nghe lời hứa của Chúa rằng:“Người nào ở trong nơi trú ẩn của Đấng Chí Cao, sẽ được che chở dưới bóng của Đấng Toàn Năng” (Thi Thiên 91:1).
Những lời hứa ấy đem lại cho chính tôi sự tin cậy trọn vẹn mà trao phó con cái mình trong sự chăm sóc đầy yêu thương và nhân từ của Đức Chúa Trời, vì “Chúa có lòng thương xót và ban ân huệ, Ngài chậm nóng giận và nhiều tình yêu thương” (Thi Thiên 103:8). Trong suốt những năm tháng nuôi dạy con cái, tôi kinh nghiệm rằng lời la mắng con cái sẽ đẩy chúng xa ta. Thay vào đó, người mẹ vì yêu quý con mà dốc đổ lòng mình và nước mắt ra trước mặt Chúa để khẩn nài sự thương xót của Ngài trên đời sống các con của mình, sẽ lay động cánh tay quyền năng của Thiên Chúa. Ngài là Đấng giàu lòng nhân từ, Ngài cũng là Đấng Toàn Năng có thể thay đổi lòng người. Bởi lời cầu nguyện tha thiết và những giọt nước mắt của người mẹ yêu con bằng trọn trái tim, Chúa sẽ làm mềm lòng những đứa con trong gia đình để chúng biết nghe lời giáo huấn và sống xứng đáng với tình yêu của mẹ.
Ngày Từ Mẫu năm nay, chúng tôi ước mong quý độc giả đến với Thiên Chúa và đặt trọn niềm tin nơi Ngài. Hãy vì con cái mình mà khẩn nguyện cùng Chúa, để cả gia đình quý vị luôn được phước hạnh và vui thỏa. Xin hẹn gặp lại quý vị vào lần sau.
Ngọc Diệp
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com