Kính thưa quý độc giả,
Vào những năm 1800, trước khi thuyết tiến hóa của Darwin được phổ biến, khi nhắc đến danh từ “chủng tộc”, người ta có ý phân biệt “chủng tộc người Anh”, chủng tộc người Pháp” hay “chủng tộc người Việt”, “chủng tộc người Trung Hoa” vv. Tuy vậy, khái niệm “chủng tộc” đã hoàn toàn đổi khác, kể từ khi Charles Darwin công bố tác phẩm “Nguồn Gốc Các Loài” vào năm 1859, mà trong đó ông cho rằng, các loài sinh vật khác nhau, trong đó có các chủng tộc khác nhau của con người, là kết quả của quá trình chọn lọc trong tự nhiên hay quá trình đấu tranh để sinh tồn.
Giả thuyết tiến hóa của Darwin hàm chứa một triết lý kỳ thị, bởi vì giả thuyết này cho rằng những nhóm người hay những chủng tộc khác nhau, tiến hóa ở thời điểm khác nhau với những mức độ tiến hóa cũng khác nhau, cho nên có những chủng tộc vẫn còn sơ khai, trí tuệ còn thô thiển và hình dáng nhìn giống như tổ tiên người vượn hơn những chủng tộc khác.
Nhà sinh vật học người Đức, Ernst Haeckel, bị ảnh hưởng nặng nề bởi giả thuyết tiến hóa, đã đưa ra lời nhận định rất bất công cho nhiều dân tộc, khi ông tuyên bố: “Nằm ở phía chót của bậc thang trí tuệ là thổ dân Úc Đại Lợi, rồi đến các bộ lạc của người Polynesians thuộc các đảo quốc Thái Bình Dương, người Bushmen và người Hottentots tại Phi Châu, và một vài bộ lạc người da đen”.
Cũng theo trào lưu này mà vào năm 1906, sở thú Bronx tại Nữu Ước đã trưng bày một người pygmy Phi châu trong một chuồng khỉ, như để so sánh và làm nổi bật những nét tương đồng giữa khỉ và người thuộc chủng tộc pygmy mà giả thuyết tiến hóa cho là “chậm tiến” trong bậc thang tiến hóa.
Giả thuyết tiến hóa đã gieo rắc thành kiến kỳ thị trong rất nhiều người, là nền tảng của chủ nghĩa Phát xít Đức và cũng là căn bản của những lý luận cộng sản. Như lịch sử đã chứng kiến trong thế kỷ 20 vừa qua và tất cả chúng ta đều biết, tất cả những chế độ chính trị dựa trên giả thuyết tiến hóa đã xem thường giá trị con người, sản sinh ra những nhà cai trị độc tài khát máu như Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot vv., gây ra biết bao đau thương và tang tóc đến cho nhân loại.
Quý độc giả thân mến,
Kể từ khi Charles Darwin công bố giả thuyết tiến hóa cách đây khoảng 150 năm, khoa học đã bước thật dài trong việc tìm hiểu tại sao có sự khác biệt giữa các loài sinh vật và các nhóm người khác nhau trên thế giới, nhất là sau khi người ta khám phá ra chuỗi di truyền DNA vào năm 1953.
Ngày nay, đại đa số các khoa học gia đều đồng ý rằng, xét trên phương diện sinh vật học, thì chỉ có một chủng tộc loài người mà thôi. Như tại cuộc hội nghị khoa học tại Atlanta, một khoa học gia đã phát biểu:
“Chủng tộc chỉ là một cấu trúc xã hội, chủ yếu dựa trên những nhận định về lịch sử, chứ không hề đặt trên căn bản về sinh vật học”.
Đài ABC có tuyên bố về những công trình nghiên cứu mới nhất trên nhân chủng học như sau:
“Càng ngày càng có nhiều khoa học gia tìm thấy sự khác biệt giữa các chủng tộc là yếu tố văn hóa, chứ không phải yếu tố giống nòi. Thậm chí, có một vài khoa học gia đề nghị loại bỏ từ “chủng tộc” vì nó hoàn toàn vô nghĩa”.
Công trình khoa học mang tên “Human Genome Project”, một công trình với nhiều tốn kém, kéo dài trong 13 năm của chính phủ Hoa Kỳ, chuyên thâu thập những chuỗi genes của mọi nhóm dân trên thế giới để nghiên cứu, phân tách và so sánh. Ở giai đoạn cuối của đồ án nổi tiếng này, các khoa học gia đã cho biết rằng:
“Khi nghiên cứu để sắp xếp lại toàn bộ cấu trúc chuỗi gene di truyền của cả nhân loại, tất cả đều đồng ý rằng, mọi người đều thuộc vào một chủng tộc duy nhất - đó là chủng tộc con người.”
Quý độc giả thân mến,
Nếu càng ngày càng nhiều khoa học gia đồng ý rằng chỉ có một chủng tộc duy nhất là chủng tộc con người mà thôi, thế thì chúng ta giải thích ra sao về sự khác biệt giữa màu da và hình dạng của đôi mắt, cũng như những yếu tố ngoại hình khác giữa những nhóm người da trắng, da vàng, da đỏ và da đen?
Cũng nhờ vào thành quả của ngành di truyền học, sau khi chuỗi gene được khám phá, các khoa học gia cho biết, các yếu tố ngoại hình như màu da, màu tóc, hình dạng của đôi mắt vv. chỉ là yếu tố phụ, không phải là yếu tố chính trong toàn bộ cấu trúc di truyền của một con người.
Tiến sĩ Harold Page Freeman, giám đốc khoa phẫu thuật tại bệnh viện North General, Manhattan, Hoa Kỳ, cho biết:
“Nếu bạn hỏi có bao nhiêu phần trăm trong chuỗi gene di truyền của bạn quyết định những yếu tố ngoại hình, thì câu trả lời là trong khoảng 0.01%”.
Điều này có nghĩa là giữa một người da trắng và một người da đen, sự khác biệt trong cấu trúc chuỗi gene di truyền của hai người đó chỉ là con số 0.01 % không đáng kể; hay nói một cách khác, cả người da trắng và da đen đều có chung chuỗi gene của con người, chứ không phải chỉ người da trắng mang chuỗi gene con người, còn người da đen mang một loại chuỗi gene khác gần với chuỗi gene của loài khỉ.
Các nghiên cứu sâu rộng hơn còn cho biết, mức độ khác biệt trong chuỗi gene di truyền giữa những người cùng một màu da với nhau còn cao hơn những giữa những người khác màu da với nhau. Như thống kê cho biết, một người da trắng dễ tìm thấy một quả thận thích hợp để ghép, từ một người da den, hơn là từ một người da trắng khác.
Do vậy, nếu người ta đã xem những yếu tố ngoại hình như những khác biệt lớn lao, đến nỗi phân biệt ra các chủng tộc khác nhau, là dựa vào yếu tố văn hóa, hay đến từ ý thức giáo dục hay xuất phát từ thành kiến, chứ còn thực ra, trên phương diện sinh vật học, khoa học ngày nay đã khẳng định, tất cả mọi người, dầu có những khác biệt ngoại hình, đều thuộc một chung tộc duy nhất là chủng tộc con người. Tất cả mọi người, bất kể những văn hóa, phong tục khác nhau, dưới cái nhìn của khoa học ngày nay, đều mang chung một loại “genome”, hay chung một cấu trúc chuỗi gene di truyền của con người.
Kính thưa quý độc giả,
Nói về màu sắc bên ngoài của da, các khoa học gia cho biết, tuy có làn da bên ngoài khác nhau, nhưng mọi người đều mang chung một chất màu dưới da cả, được gọi là chất “melanin”. Chất “melanin” dưới da có hai dạng chính: dạng thứ nhất là “eumelanin”, có sắc màu từ nâu chuyển sang đen, và dạng thứ nhì là “pheomelanin”, có sắc màu từ đỏ chuyển sang vàng. Các nhà di truyền học cho biết, có từ 4 đến 6 gene trong chuỗi gene kiểm soát việc sản sinh và kết hợp hai chất màu chính dưới da, để tạo nên màu da của một người. Do vậy, mọi người đều có cùng một làn da nâu của chất melanin. Nếu bạn có nhiều chất melanin, làn da bên ngoài sẽ ngã sang màu nâu đậm. Còn nếu bạn có ít chất melanin hơn, làn da bên ngoài sẽ ngã sang một màu sáng hơn. Chất melanin cũng quyết định màu mắt và màu tóc của một người.
Những người mang nặng thành kiến kỳ thị chủng tộc, cho rằng người có làn da trắng, làn da đen, làn da vàng và làn da đỏ thuộc về những chủng tộc khác biệt, không thể đến chung từ một nguồn gốc được, vì người da đen không thể sinh ra người da trắng hay ngược lại, cha mẹ da trắng không thể sinh ra con cái da đen được.
Sự thực thì như thế nào?
Khi một đứa bé chào đời, chuỗi di truyền gene của đứa bé là sự kế thừa và kết hợp từ chuỗi di truyền gene của cha và mẹ. Sự kết hợp rất đa dạng, do vậy, đôi khi chỉ trong một thế hệ thôi, một cặp vợ chồng có thể sản sinh ra những đứa con với những màu da rất khác của mình và khác với những đứa con khác.
Vào tháng 4 năm 2005, tại Nottingham, Anh quốc, cặp vợ chồng Kylie Hodgson và Remi Horder, với làn da màu nâu, vì cả hai đều có mẹ là người da trắng và cha là người da đen, đã sinh ra một cặp song sinh, là hai đứa bé gái, với Remee mắt xanh da trắng và Kian mắt nâu và da đen. Và đây không phải là trường hợp duy nhất, như báo chí có đăng tải những trường hợp song sinh khác với một em da trắng và em da màu, như gia đình Biggs và gia đình Singerl tại Úc đại lợi vào năm 2006, gia đình Richardson tại Anh quốc cũng vào năm 2006 và gia đình Grant tại Anh quốc vào năm 1983.
Do vậy, nếu hai con người đầu tiên là A-đam và Ê-va có làn da màu nâu, thì loài người xuất phát từ hai con người đầu tiên này sẽ có vô số những làn da khác nhau, từ làn da trắng, làn da vàng, làn da nâu cho đến làn da đỏ và làn da đen. Sự khám phá ra chuỗi gene di truyền, kết quả từ những công trình khoa học, cùng với vô số bằng chứng hiển nhiên, đã khẳng định chân lý bày tỏ trong Kinh Thánh, rằng tất cả mọi người đều xuất phát từ một người là A-đam, như sứ đồ Phao-lô có tuyên bố: “Từ một người, Ngài dựng lên tất cả các dân tộc trong nhân loại cho họ ở khắp mặt địa cầu, định thời gian hiện hữu và biên giới cho họ cư trú” (Công Vụ 17:26)
Kinh Thánh cũng ký thuật lại rằng, thoạt tiên, loài người ở chung với nhau một nơi, cùng một tiếng nói và họ đã hiệp tác thật dễ dàng với nhau để phản nghịch với Đấng tạo dựng ta mình. Do vậy, Đấng Tạo Hóa đã làm cho tiếng nói của họ bị xáo trộn, khiến họ bị phân tán ra khắp nơi trên mặt đất. Kể từ đó, ngôn ngữ, văn hóa khác biệt, hoàn cảnh địa lý xa xôi, cùng màu da chỉ phù hợp cho một vùng khí hậu, đã hình thành nên những nhóm người khác nhau, với ngôn ngữ, văn hóa, và làn da đặc trưng khác nhau, nhưng tất cả đều xuất phát từ hai người đầu tiên là A-đam và Ê-va, và do vậy, tất cả đều thuộc chủng tộc con người cả.
Kính thưa quý độc giả,
Kinh Thánh không chỉ bày tỏ tất cả mọi người đều xuất phát từ một người, nhưng cũng chỉ ra hiện trạng rằng, mọi người đều đã phạm tội với Đấng tạo dựng ra mình, đi ngược lại với ý chỉ và mục đích mà Thiên Chúa đã dựng nên. Chính tội lỗi đã ngăn cách giữa Đấng Tạo Hóa và loài người, cũng như ngăn cách giữa con người với nhau, đem đến bao ngộ nhận và thành kiến. Vì phạm tội với Thiên Chúa, mọi người đều phải khai trình và nhận bản án phạt đời đời trong ngày chung kết.
Cảm thương trước số phận hư vong đời đời của loài người, cho nên cách đây hơn 2000 năm, Thiên Chúa Ngôi Hai đã giáng trần trong một con người mang tên Giê-xu. Chúa Cứu Thế đã đến với con người là tạo vật yêu dấu nhất của Ngài, để rồi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự, lãnh bản án tội thế cho muôn người. Những ai tin vào sự chết thế của Con Trời trên cây thập tự, thì người đó được Thượng Đế xóa bôi mọi vi phạm, được tha cho bản án chết, và nhận được sự sống đời đời, như chính Chúa Cứu Thế Giê-xu có tuyên bố: “Vì Thượng Đế yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài, để tất cả những người tin nhận Con Thượng Đế đều không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh cửu” (Giăng 3:16).
Kinh Thánh cũng nhấn mạnh: “Hễ ai tin Ngài sẽ chẳng bao giờ thất vọng.” “Hễ ai” có nghĩa là tất cả mọi người…Chúa là Chúa của mọi người. Ngài ban phúc lành cho bất cứ ai tin nơi Ngài” (Rô-ma 10:11-12)
Quý độc giả thân mến,
Trong khi giả thuyết tiến hóa phủ nhận Đấng Tạo Hóa, với lập luận phân biệt và kỳ thị, đã đào sâu hố ngăn cách giữa con người với nhau, suýt đẩy nhân loại vào cảnh diệt vong, thì Kinh Thánh khẳng định nguồn gốc chung của loài người, nhấn mạnh giá trị cao trọng của mỗi người, đến nỗi Con Trời phải giáng thế và chết thay cho mỗi một chúng ta.
Thế kỷ 20 đã chứng minh giả thuyết tiến hóa là phản đạo đức.
Thế kỷ 21 đang chứng minh giả thuyết tiến hóa là phản khoa học.
Ước mong quý vị sớm dứt khoát với giả thuyết lỗi thời này, để quay trở lại với Đấng Tạo Hóa, là Đấng đã dựng nên quý vị và tôi bằng tình yêu bao la, là Đấng đang đeo đuổi theo mỗi bước chân của chúng ta trong từng giây phút của cuộc đời, với lòng nhân từ và xót thương vô hạn.
Thân chào quý vị và các bạn.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com