Thứ Ba, 6 tháng 2, 2018

Bài 16: Bốn Trăm Năm Yên Lặng

 
Bốn Trăm Năm Yên Lặng

Kinh Thánh:      Ê-sai 44:28-45:4.
Câu gốc:        "Nầy, tay Ðức Giê-hô-va chẳng trở nên ngắn mà không cứu được; tai Ngài cũng chẳng nặng nề mà không nghe được đâu. Nhưng ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Ðức Chúa Trời; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa". Ê-sai 59:1-2
Mục đích:      Cho chúng ta biết chương trình của Ðức Chúa Trời đã được làm trọn như thế nào trong khoảng thời gian giữa Cựu Ước và Tân Ước, cũng nói về cách Ðức Chúa Trời đưa dắt chúng ta trong những ngày khó khăn.

Kinh Thánh đọc hằng ngày

Chủ Nhật: Bảy mươi năm tù đày.
 Giê-rê-mi 25:8-14, 32, 33
Thứ Hai: Lời tiên đoán về sự tan lạc.
 Lê 26:22-32; Phục truyền 28:63-68
Thứ Ba: Các phu tù Do Thái được trở về.
 E-xơ-ra 1:1-2:1
Thứ Tư: Các phu tù Do Thái được trở về lần thứ hai.
 E-xơ-ra 7:1-10, 27, 28
Thứ Năm: Các phu tù Do Thái được trở về lần thứ ba.
 Nê-hê-mi 2:1-20
Thứ Sáu: Lời tiên tri lạ lùng về Si-ru.
 Ê-sai 44:28-45:4
Thứ Bảy: Hy vọng của dân Do Thái.
 Ê-sai 9:1-7

            Kinh thánh không được sắp theo thứ tự thời gian mà được sắp theo loại. Các sách lịch sử từ Giô-suê đến Ê-xơ-tê, các sách văn thơ từ Gióp đến Nhã-ca, các sách tiên tri từ Ê-sai đến Ma-la-chi. Thời gian thì không theo thứ tự. Ví dụ: có 3 sách lịch sử chép lúc dân Y-sơ-ra-ên được trở về tổ quốc là Ê-xơ-tê, E-xơ-ra và Nê-hê-mi. Bấy giờ có 3 tiên tri giảng dạy họ là A-ghê, Xa-cha-ri và Ma-la-chi. Vậy Ma-la-chi là tiên tri cuối cùng của Cựu Ước, còn Nê-hê-mi là nhân vật cuối cùng của lịch sử Y-sơ-ra-ên trong Cựu Ứớc. Từ Ma-la-chi và Nê-hê-mi đến Chúa Giê-Xu giáng sinh là khoảng thời gian hơn 400 năm và là thời gian yên lặng.

I. Lời tiên tri về dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày.

            Theo sách Lê-vi ký 26:22-32 và Phục-truyền luật-lệ ký 28:63-68 thì trước khi vào Ca-na-an đượm sữa và mật, Ðức Chúa Trời đã cảnh cáo dân Y-sơ-ra-ên rằng nếu họ không nghe lời Chúa, không cẩn thận làm theo điều răn và luật pháp của Ngài, họ sẽ bị rủa sả. Các sự rủa sả là bệnh tật, chiến tranh, hạn hán, nhất là bị bắt làm nô lệ ở xứ người. Dầu Ðức Chúa Trời đã không ngớt sai các tiên tri đến khuyên lơn, thức tỉnh, song dân Y-sơ-ra-ên cứ miệt mài trong tội lỗi của họ nên Ngài phải thi hành mạng lệnh của Ngài là lưu đày họ 70 năm làm nô lệ ở Ba-by-lôn (Giê-rê-mi 25:8-11).. Chúa đã dấy Nê-bu-cát-nết-sa lên và phó dân Y-sơ-ra-ên vào tay của ông. Ông chẳng qua là một công cụ như cây roi trong tay của Chúa để Ngài sửa phạt dân sự Ngài.

            Ðức Chúa Trời là Ðấng thương yêu, công bình, thánh khiết. Ngài ban phước cho dân Y-sơ-ra-ên, song Ngài không thể tha sự sửa phạt nếu họ đã phạm tội mà không chịu ăn năn. Ngài ban phước rất nhiều, và sửa phạt rất nặng đúng như lời Ngài đã phán. Ðó là bài học mà chúng ta phải ghi nhớ luôn.

II. Lời tiên tri về dân Y -sơ-ra-ên được trở về tổ quốc.

            Khi tiên tri Giê-rê-mi công bố bản án của dân Y-sơ-ra-ên thì tiên tri Ê-sai cũng công bố lời hứa của Chúa cho họ. Lời hứa đó là Chúa sẽ dấy Si-ru lên. Ông sẽ chinh phục Ba-by-lôn làm vua nước Mê-đi Ba-tư và giải phóng dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi cảnh nô lệ mà trở về tổ quốc (Ê-sai 44:28-45:4). Khi Ê-sai công bố lời tiên tri nầy thì Si-ru chưa ra đời cho đến khoảng 100 năm sau. Vì bấy giờ dân Y-sơ-ra-ên chưa làm phu tù, và sau 70 năm làm phu tù, Si-ru mới vâng lệnh Chúa mà giải phóng dân Y-sơ-ra-ên.

            Vào năm 538 T.C., tức là năm thứ nhất triều vua nước Mê-đi Ba-tư, ông ra một chiếu chỉ phóng thích dân Y-sơ-ra-ên, trả lại tất cả khí dụng trong đền thờ Ðức Chúa Trời tại Giê-ru-sa-lem mà Nê-bu-cát-nết-sa đã cướp đoạt và đem qua Ba-by-lôn. Ðồng thời ông cũng khuyến khích các dân tộc thuộc quyền đế quốc của ông nên biếu tặng vàng, bạc, của cải, súc vật và các thứ lạc hiến cho việc xây lại đền thờ của Ðức Chúa Trời (E-xơ-ra 1:1-11). Những người hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên trở về tổ quốc là E-xơ-ra, Nê-hê-mi và Xô-rô-ba-bên. Dầu phải đương đầu với nhiều khó khăn, trở ngại do kẻ thù gây nên, song cuối cùng họ đã thành công và có 1 lễ khánh thành vui vẻ (Nê-hê-mi 12:27-47).

            Chỉ có một mình Ðức Chúa Trời biết trước mọi sự và làm được mọi sự. Những thịnh, suy, bĩ, thới, vinh, hư, tiêu, trưởng của các nưóc trên thế giới nằm gọn trong tay Chúa và Ngài điều khiển mọi sự hiệp lại làm ứng nghiệm lời hứa của Ngài, hoàn tất chương trình của Ngài. Khi dân Y-sơ-ra-ên tuyệt vọng trong cảnh nô lệ, tự sánh như trủng xương khô chỉ chờ ngày mục nát mà thôi, thì Chúa đã làm cho họ sống lại thành một đạo quân rất lớn, trở về tổ quốc. Hy vọng nơi Ðức Chúa Trời sẽ không bao giờ hổ thẹn, không bao giờ thất vọng, vì Ngài không bao giờ thất hứa, không bao giờ thay đổi (Thi 42 và 43).

III. Bốn trăm năm yên lặng.

            Ðó là khoảng thời gian từ khi Nê-hê-mi xây lại xong xuôi đền thờ của Ðức Chúa Trời tại Giê-ru-sa-lem cho đến khi Chúa Giê-Xu giáng sinh hay là từ Ma-la-chi cho đến Ma-thi-ơ. Trong thời gian nầy Kinh thánh không ghi lại chi cả, song lịch sử thế giới có ghi chép, trong đó có những việc tương quan với dân Y-sơ-ra-ên.

            Vào năm 336 TC. A-lịch-sơn được 20 tuổi, nối ngôi cha là Phi-líp làm vua làm vua xứ Ma-xê-đoan. Ông chinh phục đế quốc Mê-đi Ba-tư và các lân bang, nắm quyền bá chủ thế giới bấy giờ. Song ông qua đời quá sớm vào năm 323 TC, tuổi được 33, A-lịch-sơn rất tử tế với dân Do Thái, dành cho họ nhiều đặc ân.

            Dưới triều A-lịch-sơn, văn chương Hy-lạp được truyền bá khắp nơi, ngôn ngữ Hy-lạp là ngôn ngữ phổ thông. Nhờ đó Kinh thánh Cựu Ước từ tiếng Hy-bá-lai được dịch ra tiếng Hy-lạp thì có nhiều người đã hiểu được.

            Sau khi A-lịch-sơn qua đời, đế quốc Hy-lạp bị chia làm 4 phần do 4 tướng lãnh cai trị, Ptolémée xứ Ê-díp-tô, Séleucus xứ Ba-by-lôn, Cassandre xứ Ma-xê-đoan và Lysimaque xứ Thrace. Bấy giờ xứ Do-thái nằm trong lảnh thổ của Ptolémée và được ông nầy đối đãi tử tế.

            Năm 198 TC, vua của Sy-ri là Antiochus nổi lên chống lại với Ptolemée và chiếm xứ Do thái. Ngay sau đó, dân Do thái bị bắt bớ một cách tàn nhẫn, phải trốn khỏi Giê-ru-sa-lem, nhiều người bị giết, đàn bà, con trẻ bị bán làm nô lệ, Antiochus đã đánh hạ các thành cướp giựt mọi khí dụng trong đền thờ, dựng lên trong đó tượng thần Jupiter, dâng huyết và thịt heo trên bàn thờ để làm ô uế và sỉ nhục người Do thái hầu tiêu hủy đức tin của họ (Ða-ni-ên 11:31). Ngoài ra ông còn cấm làm lễ cắt bì, tịch thu tất cả Kinh thánh. Trong 3 năm liền, đền thờ tại Giê-ru-sa-lem bị bỏ hoang. Thật là một thời kỳ hắc ám kinh hoàng.

            Bấy giờ có một gia đình Do-thái họ Ma-ca-bê là ông Mattathia và năm con trai nổi lên chống lại sự bạo tàn của Antiochus. Họ đã chiến thắng. Năm 165 TC, họ tẩy uế đền thờ tại Giê-ru-sa lem, tái lập cuộc thờ phượng như trước, đem lại an ủi, niềm tin và hy vọng cho dân tộc Do thái. Về sau, dân Do thái còn giữ ngày ấy làm kỷ niệm (Giăng 10:22).

            Năm 63 TC dân Do-thái bị ở dưới quyền đô hộ của đế quốc La-mã sau khi đế quốc nầy đã lần hồi cướp quyền Hy-lạp.

            Năm 47 TC Hê-rốt được hoàng đế La-mã cử làm vua Do-thái. Hê-rốt không phải là người Do-thái chính tông, nên ông đã theo Do-thái giáo để được đẹp lòng họ. Ngoài ra ông còn xây một đền thờ rất đẹp mà Chúa Giê-Xu đã đến đó. Vì gian ác nên lúc nào Hê-rốt cũng sợ hãi, vì tham quyền cố vị nên ông cũng muốn giết Giê-xu là vua của Do-thái (Ma-thi-ơ 2:13, 16). Bốn năm sau Chúa giáng sinh, Hê-rốt qua đời.

            Dầu khi Ðức Chúa Trời làm thinh, Ngài vẫn có mặt, dầu khi tưởng như Ngài yên lặng, Ngài vẫn hoạt động không ngừng. Trong bóng đêm dầy đặc, Chúa vẫn hiện diện, trong cảnh vật đổi sao dời, Chúa vẫn y nguyên. Bất luận lúc nào chúng ta kêu cầu, Chúa vẫn phán "Có ta đây!"(Ê-sai 58:9). Vậy chúng ta không nên nản lòng, thất vọng, mà lúc nào cũng vững vàng, tin cậy và tràn đầy hy vọng.

CÂU HỎI

1- Tại sao dân Y-sơ-ra ên bị lưu đày 70 năm tại Ba-by-lôn?
2- Việc đó thình lình xảy ra hay có trong chương trình của Chúa?
3- Khi Giê-rê-mi công bố bản án thì Ê-sai làm gì?
4- Lời hứa nầy bao nhiêu năm sau mới thực hiện?
5- Ai cầm vận mạng của các nước trên thế giới?
6- Các sách trong Kinh thánh được sắp đặt theo thứ tự nào?
7- Bốn trăm năm yên lặng là từ thời nào đến đời nào?
8- Trong bốn trăm năm năm yên lặng, có những việc gì xảy ra?
9- Làm sao chúng ta biết Ðức Chúa Trời thật không yên lặng như chúng ta tưởng?
10- Chúng ta phải có thái độ nào trong thời kỳ tối tăm hơn hết?

Mục sư Đoàn Văn Miêng

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!