Rebecca Thompson Brown có hai lần chết: Lần thứ nhất cô bị xô từ trên chiếc cầu Fremont Canyon xuống dòng sông Platte. Dầu cô được cứu sống nhưng cõi lòng đã chết, cô phải sống trong sự khổ đau, cay đắng, hận thù. Lần thứ nhì tự cô nhảy xuống sông tự vận cũng tại chính chiếc cầu định mệnh ấy. Lần nầy cô thật sự chết vì đầu cô bị vỡ ra khi đụng phải đá.
Năm 18 tuổi, Rebecca và em gái 11 tuổi bị bọn lưu manh bắt cóc đang lúc hai chị em cô đến gần tiệm tạp hóa trong thành phố nhỏ Casper thuộc bang Wyoming Hoa Kỳ. Bọn bất lương nầy chở hai chị em đi trên đoạn đường 40 dặm về hướng tây nam đến chiếc cầu Fremont Canyong. Đây là một chiếc cầu lâu đời chỉ có một làn đường xe chạy, sườn của chiếc cầu nầy bằng sắt. Chiều cao của chiếc cầu là 112 bộ Anh, khoảng 37 thước bắc ngang qua con sông Platte. Đáy của con sông nầy là một hẻm núi đá. Bọn bất lương đã đánh đập cô Rebecca và luân phiên hãm hiếp hai chị em cô, dầu cô đã nhiều van xin bọn chúng dung tha cho đứa em của cô còn quá nhỏ! Sau khi bọn ác nhân thỏa mãn thú tính, chúng xô cả hai chị em cô xuống sông. Em gái cô chết ngay tại chỗ vì đầu bị đụng vào đá. Còn cô, sau khi từ trên cao rơi xuống, trúng vào bụi cây mọc từ mõm đá nhô ra rồi mới xuống nước. Dầu bị gãy xương chân và xương hông nhưng cô đã cố sức bơi vào bờ. Để giữ cho mình khỏi bị sự lạnh giá của vùng đồi núi lúc đêm về, cô cố leo lên bờ rồi bò vào hóc núi, nằm chờ đợi bình minh đến.
Nhưng bình minh của cuộc đời cô không bao giờ đến! Dẫu rằng khi mặt trời mọc, người ta đã tìm thấy cô và mang cô đến bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ đã trị lành các vết thương trên thân thể cô. Sau đó tòa án đã trừng phạt và giam cầm những hung thủ đã hãm hiếp và giết chết hai chị em cô. Sau đó dù cô sống nhưng mất hẳn nụ cười và niềm hy vọng! Đối với cô, không có ngày mai, không có niềm vui. Bình minh đã tắt, ánh mặt trời của cuộc đời sẽ không bao giờ ló dạng.
Bóng tối kinh hoàng của đêm định mệnh đó luôn luôn ám ảnh cuộc đời cô. Cô không bao giờ dám lui tới vùng đồi núi, khu rừng đó dẫu rằng nơi có thắng cảnh tuyệt đẹp đã thu hút nhiều du khách thập phương đến. Nhưng rồi đến một ngày trong tháng 9 năm 2000, tức là sau 19 năm, cô trở lại chiếc cầu định mệnh mang tên Fremont đó.
Cô bất chấp lời tha thiết, khuyến cáo của bạn trai, mà lái xe đến giòng sông Platte với 70 miles giờ. Cùng đi với cô là đứa con hai tuổi và người bạn trai ngồi bên cạnh. Khi đến chiếc cầu nầy, cô dừng xe lại, rồi bước xuống, cô đi bộ trên chiếc cầu Fremont, rồi ngồi tại đó mà khóc tức tưởi. Qua hai hàng nước mắt, cô kể lại câu chuyện 19 năm xưa những gì đã xảy ra tại đây cho người bạn trai. Anh ta không muốn đứa bé hai tuổi chứng kiến cảnh mẹ mình khóc thảm thương như thế nên đã vội mang cháu ra xe. Nhưng sau đó anh nghe tiếng kêu thất thanh, khi chạy đến thì đã quá trễ, vì cô ta đã nhảy xuống sông tự vẫn, thân thể cô Rebecca đã đụng phải đá dưới vực sâu của đáy nước dưới dòng sông nước chảy qua cầu Fremont.
Đây chính là lần chết thứ hai của cô. Ánh mặt trời đã không bao giờ chiếu rọi vào cuộc đời ngập tràn bóng đêm. Tại vì sao? Điều gì đã che lấp ánh mặt trời trong thế giới riêng của cô? Rất có thể là vì cô sống trong sợ hãi. Bởi vì đang lúc làm nhân chứng tố cáo bọn bất lương, cô đã can đảm khi đưa ngón tay, chỉ thẳng vào các hung thủ tại tòa án. Một trong kẻ giết người ấy đã hăm dọa cô khi y vừa đưa tay chỉ vào mặt cô vừa đưa tay ra dấu rằng một ngày nào đó y sẽ cắt cổ cô. Ngày cô chết cũng chính ngày mà hai kẻ sát nhân hiểm độc kia được tòa án ân xá.
Phải chăng cô căm giận! Giận tòa án đã dung thứ, ân xá những kẻ sát nhân? Hay cô căm giận chính mình vì mình đã trải qua bảy ngàn đêm sống trong ác mộng hãi hùng? Hoặc vả là lòng cô mang mặc cảm tội lỗi? Bởi vì khi có người vô tâm đã hỏi cô bằng cô hỏi ngu xuẩn ‘Vì sao em cô chết mà cô lại vẫn còn sống?’ Chính câu hỏi ngu ngốc đó đã làm khơi dậy niềm đau của cô, làm cho cô bị dày vò khó chịu hơn bao giờ hết.
Dầu mỗi lần cô cười, nét đẹp và sự duyên dáng vẫn còn đó, nhưng lòng cô lại không yên khi nhìn thấy những vết sẹo vẫn hằn in trên gương mặt khắc khổ của mình. Phần cô mặc cảm vì mặt mình có sẹo, phần cô thấy xấu hổ như nhớ lại hàng ngàn người trong tỉnh nhỏ nơi cô sinh sống đều biết thảm kịch của đời cô, người con gái bị hãm hiếp, đánh đập, bị quăng xuống sông, bản tin đó đã từng được in ngay trang đầu trên mặt báo. Lúc nào cô cũng cảm thấy tủi nhục, sự tủi đó không bao giờ bị xóa mờ trong ký ức của cô.
Rồi đến ngày định mệnh, cô lại quay về chiếc cầu Fremont, đứng trên cầu nhìn hẻm núi bên dưới, cô mơ hồ thấy chiếc cầu nầy cũng là thủ phạm của vụ án năm xưa, vì nó dung túng và đồng lõa với bọn sát nhân. Các mỏm đá dưới kia cũng là kẻ đồng phạm. Vách núi rêu phong phủ kín bên dưới cũng mang dấu vết của sự chết của người em cô và loang máu của cô. Những tiếng gầm của nước chảy dưới chân cầu, những tiếng của gió cũng đã không bao giờ chấm dứt, nó cũng giống như tiếng khóc nức nở, uất nghẹn từ đáy tim cô. Cô đã không thể nào bỏ qua chuyện đau buồn nầy, thảm kịch của quá khứ khiến cô vẫn nhớ cho dù cô cố gắng quên đi, cảnh thương tâm đó cứ như hiện ra trước mắt và chính thảm kịch năm xưa đã mang cô Rebecca trở lại cây cầu định mệnh nầy.
Kính thưa quý vị,
Đáng lẽ cô gái đáng thương nầy không phải tự mình nhận cái chết bi thảm như thế, nếu cô giao hết mọi điều uất ức của mình cho Đức Chúa Trời. Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế nhân, Ngài không muốn cho loài người phải sống trong khổ đau và chết trong tuyệt vọng. Hai ngàn năm trước Chúa Cứu Thế Jesus đã giáng trần, gánh thế mọi tủi nhục và uất hận của loài người, trong đó có cô! Thánh Kinh dạy: "Nếu anh em làm quấy, rồi chịu đựng hành hạ đánh đập thì chẳng có gì đáng khen, nhưng nếu anh em chịu khổ vì làm lành và kiên nhẫn chịu đựng, Đức Chúa Trời sẽ rất hài lòng." (1 Phi-e-rơ 2:20)
Đây là cách đối xử của người đối với người trong mọi thời đại. Vào thời đó, nếu một người nô lệ ăn cắp, nói dối hay chống nghịch với chủ và không chịu làm việc, chủ của người ấy có thể hành hạ người. Theo lời Thánh Kinh nếu chúng ta bị đánh do chính lỗi lầm mà ta đã gây ra, thì chúng ta đành phải cam chịu! Chúng ta không có lý do gì để phàn nàn! Nhưng nếu chúng ta chẳng những đã không phạm tội mà còn làm việc thiện, mà nhận chịu sự hành hạ, thì ấy là một ơn phước trước mặt Đức Chúa Trời. Lẽ tự nhiên, theo phản ứng thông thường, ai trong chúng ta ai cũng bực tức, thậm chí là từ chỗ uất ức dẫn đến hành động giống như cô Rebecca Thompson Brown.
Rất tiếc là cô ta không nhìn thấy được tình yêu và gương chói sáng của Chúa Cứu Thế Jesus, vì muốn giải cứu loài người ra khỏi tội lỗi và những uất ức của cuốc sống mà Chúa đã phải nhận sự đớn đau, hiểu lầm, khổ nhục từ thể xác đến tinh thần, thậm chí là Chúa chịu hành hành trên cây thập tự. Thánh Kinh nói rõ điều nầy: "Anh em được Đức Chúa Trời kêu gọi để sống như thế. Chúa Cứu Thế đã chịu khổ vì anh em và làm gương sáng cho anh em. Hãy bước theo dấu chân Ngài. Chúa chẳng hề phạm tội, không nói một lời dối trá; khi bị lăng nhục Ngài không trả đũa; khi bị đau khổ Ngài không hăm dọa phục thù; Ngài phó thác nỗi oan khiên của mình trong tay Đấng xét xử công minh. Khi chịu chết trên cây thập tự, Ngài đã gánh hết tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài, để chúng ta có thể dứt khoát với tội lỗi và sống cuộc đời công chính. Vết thương Ngài chịu đã chữa lành thương tích chúng ta. Anh em trước kia như chiên đi lạc, nhưng nay đã trở về Đấng Chăn Chiên Lớn, Đấng coi sóc linh hồn anh em." (1 Phi-e-rơ 2:21-25)
Thưa quý vị, khi Chúa Cứu Thế Jesus giáng trần, Ngài đã làm hai điều: (1) Ngài gánh chịu mọi hiểu lầm và tủi nhục của loài người chúng ta. (2) Ngài gánh chịu mọi sự đớn đau, thậm chí nhận cái chết nhục nhã trên cây thập tự thế tội cho loài người chúng ta. Chúa cam chịu mọi cực hình vì tội lỗi của chúng ta, Chúa đã trở thành một tấm gương cho những ai theo Ngài và thuộc về Ngài, nhất là qua sự hy sinh của Chúa mà những ai tin nhận Ngài nhận được sự cứu rỗi và được sự sống đời đời.
Đây là điều tối cần để chúng ta tin và tiếp nhận Chúa. Trước khi Chúa Jesus giáng trần nhiều thế kỷ, có lời tiên tri đã báo trước về tâm sự của Ngài với Cha Ngài:
"Đức Chúa Trời ơi!
Xin ra tay cứu vớt!
Con bị dòng nước xiết cuốn đi,
Lún xuống bùn lầy, không chỗ tựa,
Trôi vào lòng chảo, nước dìm thân.
Khản tiếng kêu van, người kiệt sức
Mắt mờ trông ngóng Chúa Toàn Năng.
Người ghét con vô cớ nhiều hơn tóc.
Kẻ thù hiểm độc, sức vóc,
Bắt con đền bù những gì con chẳng lấy. (Thi Thiên 69:1-4)
Xin ra tay cứu vớt!
Con bị dòng nước xiết cuốn đi,
Lún xuống bùn lầy, không chỗ tựa,
Trôi vào lòng chảo, nước dìm thân.
Khản tiếng kêu van, người kiệt sức
Mắt mờ trông ngóng Chúa Toàn Năng.
Người ghét con vô cớ nhiều hơn tóc.
Kẻ thù hiểm độc, sức vóc,
Bắt con đền bù những gì con chẳng lấy. (Thi Thiên 69:1-4)
Thưa quý vị, mỗi khi chúng ta gánh chịu đau đớn, bị bạc đãi vì làm lành, vì đức tin của mình vào Chúa, chúng ta sẽ nhớ đến Chúa Cứu Thế Jesus, Đấng đã để lại cho ta tấm gương ngời sáng: Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề hăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình; Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình; lại nhân những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh.(I Phi-e-rơ 2:23)
Có một học trò sau khi tan trường thường về nhà, lúc nào cậu cũng đi trễ dẫu cha mẹ cậu đã bao lần cảnh cáo ‘Khi tan trường con phải về nhà ngay!’. Nhưng cậu ta vẫn dửng dưng trước lời khuyến cáo nầy! Mỗi lần về đến nhà cậu thấy mẹ đứng trước cửa trông đợi, cậu không nói lời nào. Nhưng rồi đến một ngày kia, cậu vẫn về trễ, thấy mẹ đứng chờ, bước vào nhà thấy cha cũng đứng chờ, lúc đó là giờ ăn chiều. Thức ăn đã dọn sẵn trên bàn, người nào cũng có dĩa đựng đầy thức ăn vừa nóng vừa thơm ngon, nhưng dĩa của cậu trống không. Nhìn thấy cảnh tượng nầy cậu biết mình đang bị hành phạt. Nhưng sau khi cha cậu dâng lên Chúa Trời lời cảm tạ về sự chu cấp thức ăn của Chúa, cha cậu đã hoán chuyển dĩa đầy ấp thức ăn và ly trái cây của ông cho cậu, còn ông thì chỉ là chiếc dĩa không. Ông nhìn cậu với cặp mắt thứ tha và nụ cười nhân ái. Nhìn thấy sự hy sinh của cha, nhịn ăn thay mình, cậu đã lặng người.
Thời gian trôi qua, cậu bé về trễ ngày nào đã lớn khôn, cậu tâm sự rằng từ đó cậu đã không về nhà trễ nữa, cậu cố học hành để làm đẹp lòng mẹ. vui lòng cha, cậu nói: Tôi thấy hình ảnh của cha tôi giống như tấm gương Chúa Cứu Thế Jesus mà tôi đã học được trong Thánh Kinh, Ngài đã hy sinh tất cả để mang đến sự cứu rỗi và sự thinh vượng cho con dân Ngài.
Thưa quý vị, Chúa Cứu Thế Jesus chính là Đức Chúa Trời trong thân xác con người, Ngài là Cha Thiên Thượng của chúng ta. Chúa đã vì yêu con người chúng ta mà giáng trần, chịu bao điều khổ đau, tủi nhục, nhận cái chết nhục nhã để giải cứu loài người chúng ta khỏi khỏi tội lỗi và khỏi lửa địa ngục.
Chúa yêu quý vị, Chúa đã giáng trần vì quý vị, cả thiên đàng của Chúa mở ra đợi quý vị. Rất mong quý vị đặt lòng tin vào Chúa, nhẫn nhục bước theo dấu chân của Ngài và sống theo lời dạy của Ngài trong Thánh Kinh.
Kính chào quý vị và các bạn.
Mục sư Tiến sĩ Ngô Minh Quang
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Nguồn: phatthanhhyvong.com
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com