PHƯƠNG CÁCH THỰC HIỆN GIỜ THỜ PHƯỢNG GIA ĐÌNH
Rất ít người trong chúng ta được sinh trưởng trong gia đình đã hình thành giờ thờ phượng gia đình. Vì thế chúng ta hãy cùng xem một số chỉ dẫn thực tế và hy vọng nó có thể giúp đỡ các gia đình chúng ta trong hành trình mới này.
Tìm Thời Gian Thuận Tiện Nhất
Đây chỉ là giai đoạn thử nghiệm và có nhiều sai sót nhưng hầu hết các gia đình thực hiện việc này tốt hơn ở một số thời điểm trong ngày so với những gia đình khác. Một số trẻ (và cha mẹ!) không thể thực hiện tốt vào sáng sớm vì mệt và cáu gắt. Nếu đó là trường hợp của gia đình bạn, thì đừng cố thử tạo giờ thờ phượng gia đình vào thời gian đó. Hãy thử những thời điểm khác trong ngày và xem lúc nào là tốt nhất cho mọi người. Mỗi gia đình đều khác nhau.
Gặp Nhau Trong Cùng Thời Điểm
Tôi thường lên lịch cho cả tuần. Tôi lên lịch cho những hoạt động khác nhau ở những thời điểm khác nhau và chắc hẳn “giờ gia đình” cũng được ghi tạm trong khoảng thời gian từ 5-8 giờ tối hay một việc nào đó tương tự. Khi vợ tôi cảm thấy hơi bị thiếu quan tâm, cô ấy sẽ nói, “Anh phải lên lịch cho giờ gia đình nữa chứ?” Cô ấy nói đùa, nhưng khi cô ấy nói nghiêm túc, tôi sẽ phải nói, “Được.” Nếu không, những việc khác sẽ bắt đầu lấn chiếm thì giờ này. Có rất nhiều việc có thể và sẽ lấp đầy kế hoạch làm việc của chúng ta. Vì thế, nếu chúng ta không ghi xuống những việc quan trọng nhất thì chúng sẽ bị quên lãng và khiến những điều khác trong đời sống chúng ta bị tổn hại. Thờ phượng gia đình phải được lên kế hoạch. Điều đó không có nghĩa là mỗi tối thì giờ đó phải được thực hiện lúc 6 giờ. Đó là thì giờ “bán cố định”. Có vài bữa ăn tối không vượt quá 6 giờ tối. Đừng cứng nhắc, nhưng cần có một thì giờ thường xuyên và liên tục để gia đình bạn biết rằng đó là lúc mọi người sẽ hiệp chung thờ phượng Chúa.
Gặp Nhau Trong Cùng Nơi Chốn
Một số gia đình nhóm nhau tại bàn ăn. Những người khác có thể chọn ngồi tại phòng khách hay ở hiên sau nhà. Việc ngồi nhóm thờ phượng gia đình ở đâu không quan trọng. Nhưng sẽ ích lợi nếu “nơi đó” được liên tục sử dụng cho giờ gia đình lễ bái. Nhất là đối với trẻ nhỏ. Con cái của chúng tôi sẽ biết rằng khi chúng tôi nói giờ gia đình lễ bái đến rồi thì chúng tôi sẽ cùng ngồi tại phòng của gia đình. Con trẻ sẽ lớn lên trong sự nhận biết điều đó và sẽ giữ thường xuyên thì giờ đó.
Bắt Đầu Từ Từ
Chúng ta đang bắt đầu tiến trình đưa Hội thánh trở lại vấn đề kỷ luật cần thiết này. Hy vọng con trẻ của chúng ta sẽ có thể đi bước xa hơn, nhưng đối với hầu hết chúng ta thì đây là điều mới. Vì thế, đừng vội mong đợi quá nhiều trong khoảng thời gian quá ngắn hay đặt quá nhiều kỳ vọng nơi gia đình về lâu về dài. Nhiều lãnh đạo gia đình (nhất là người cha) khi được cảm thúc mạnh mẽ về nhu cầu thờ phượng Chúa trong gia đình thì trở nên quá sốt sắng đưa gia đình vào thì giờ đó. Các ông bố ơi, đừng bắt con học thuộc Lê-vi-ký trong vài tuần đầu của gia đình lễ bái. Chỉ nên bắt đầu đọc một phần nhỏ Kinh thánh, cầu nguyện ngắn, và hát một bài thánh ca. Khi mọi người trong gia đình cùng lớn lên trong sự thờ phượng, thì tại nơi đó sẽ có khả năng và ước ao khiến giờ thờ phượng trở nên đầy trọn hơn.
Ngắn Gọn
Thờ phượng Chúa trong gia đình không nên là gánh nặng, nhưng nhiều lần chúng ta khiến nó trở nên gánh nặng khi kéo dài quá lâu. Đặc biệt những gia đình trẻ nên lưu ý điều này vì cớ các con nhỏ của mình. Những ai chỉ mới bắt đầu giờ thờ phượng gia đình cũng nên giữ thì giờ đó ngắn gọn. Đáng ngạc nhiên là giờ thờ phượng chất lượng của gia đình cũng có thể diễn ra trong khoảng thời gian từ 15-20 phút. Thời lượng của giờ phượng gia đình không phải là thước đo về mức độ tăng trưởng thuộc linh của gia đình đó. Kéo dài hơn không phải lúc nào cũng có nghĩa là tốt hơn.
Đặt Ở Vị Trí Ưu Tiên
Nó phải được đặt ở vị trí ưu tiên trong gia đình. Điều này có nghĩa là chúng ta không cho phép những hoạt động khác lấn chiếm kế hoạch của chúng ta. Một gia đình hiếm khi ở nhà với nhau thì không thể thờ phượng cùng nhau. Việc đọc Kinh thánh đương lúc đến phòng tập thể dục hay trong một buổi tập bóng không thể tính chung được! Cơ Đốc nhân thời hiện đại cần nghe điều này: sự bận rộn (ngay cả với những hoạt động của Hội thánh) không có giá trị tương đồng với sự tin kính.
Linh Động
Khi bàn cãi về tầm quan trọng của việc lập giờ thờ phượng Chúa trong gia đình, chúng ta phải nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tính linh động trong cách chúng ta tiếp cận vấn đề thờ phượng gia đình. Sẽ có những ngày chẳng có hiệu quả gì. Nếu đây là việc thực hiện thường xuyên, thì chúng ta nên điều chỉnh lại thời điểm và nơi chốn cho việc này. Tuy nhiên, sẽ có đôi ngày chẳng hiệu quả. Nhưng không sao cả! Đó là việc bởi ân điển chứ không phải là gánh nặng mà gia đình phải đương đầu.
Làm Gương Trong Thái Độ Đúng
Thái độ chúng ta có liên quan nhiều đến kinh nghiệm của chúng ta. Và những người khác luôn theo dõi thái độ của chúng ta. Chồng phải làm gương trong thái độ phải lẽ của mình trước mặt vợ, cha mẹ phải làm gương trước mặt con cái. Trẻ con rất giỏi quan sát. Chúng biết khi nào bố mẹ đang chỉ thực hiện một cách máy móc hay thật lòng mong muốn khi mời gọi cả gia đình hiệp chung thờ phượng Chúa. Đôi khi nó cũng chỉ là một trong những việc phải làm khi bố mẹ nói đến việc mong chờ giờ thờ phượng và liên tục thể hiện niềm vui lẫn ước vọng đối với việc thờ phượng gia đình.
Kiên Trì
Có lẽ lời khuyên quan trọng nhất đối với giờ thờ phượng gia đình là sự kiên trì. Sẽ có những lúc hay thậm chí là những tuần mà việc đó dường như bị xem nhẹ hay gặt hái ít kết quả: đứa nhỏ thì không chịu ngồi yên, đứa lớn tuổi thiếu niên thì tối nào cũng cằn nhằn, hay bị lạc điệu khi đang hát. Cứ tiếp tục! Bạn không cô đơn, hoàn cảnh của gia đình bạn không phải độc nhất. Cứ tiếp tục nhóm họp gia đình để thờ phượng. Kiên trì là giải pháp tốt nhất cho tất cả những cái không hay này. Lần hồi, hầu hết mọi khó khăn phải tranh chiến sẽ vượt qua, và bông trái không nhìn thấy được trước đây sẽ dần hồi hé lộ.
Jason Helopoulos là Mục sư phụ tá của Hội Thánh Cải cách Đại học tại East Lansing, Michigan, và cũng là tác giả của quyển Ân Sủng Bị Lãng Quên: Thờ Phượng Gia Đình trong Gia Đình Cơ Đốc (Trọng Tâm Cơ Đốc, 2013).
Thảo Anh dịch
Link https://www.thegospelcoalition.org/article/then-what-when-and-how-of-family-worship/
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com