Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

Ăn Nói Mặn Mà – Bài 3

               Kính thưa quý độc giả,
               Thông tin truyền đạt được rõ ràng và mạch lạc tạo nên niềm cảm thông và tình quyến luyến giữa vợ chồng, ngược lại, khi “ông nói gà, bà nói vịt” thì còn nhiều rắc rối và hiểu lầm giữa hai người. Cho nên, hiểu rõ những nguyên tắc cùng nghệ thuật truyền đạt qua lời nói là biết nắm lấy chiếc chìa khóa của hôn nhân hạnh phúc. Tuy vậy, kỹ năng thông tin truyền đạt thường không phải tự nhiên mà có, nhưng đòi hỏi phải trau dồi rèn luyện thường xuyên, cho nên người xưa mới ân cần dặn dò chúng ta phải “học ăn, học nói” là vậy.
               Trong tuần vừa qua, chúng ta cùng khám phá với nhau rằng, lời nói là xuất phát từ những suy nghĩ trong lòng, như Chúa Giê-xu có giải thích: “Những gì từ miệng nói ra là xuất phát từ trong lòng” (Ma-thi-ơ 15:18). Để có thể nói ra những lời nói tốt đẹp, lành lặn và xây dựng, bạn cần phải bắt đầu với những suy nghĩ tốt đẹp, lành lặn và đầy nhã ý. Để ăn nói được mặn mà, trước hết bạn phải hướng suy nghĩ của mình vào những điều thanh cao, như Kinh Thánh có hướng dẫn: “Sau hết, thưa anh chị em, bất cứ điều gì chân thật, điều gì đáng kính, điều gì công chính, điều gì thanh sạch, điều gì đáng yêu chuộng, điều gì cao quý; nếu có đức hạnh nào, nếu có điều gì đáng khen, anh chị em hãy suy nghĩ đến” (Phi-líp 4:8). Nếu một người trong lòng còn chất chứa hận thù, cay đắng và thành kiến, thì rất khó để người đó nói ra những lời êm tai, chân thật và xây dựng, như vua Sa-lô-môn có cảnh cáo:“Nhưng miệng kẻ ác tuôn ra lời độc địa” (Châm Ngôn 15:28)
               Rồi nữa, vợ chồng phải học cách nói thật với nhau, đừng nói dối mà cũng không nên chỉ nói một phần sự thật. Nền tảng của hôn nhân phải là sự tin cậy và làm sao có sự tin cậy nếu không chân thật với nhau trong lời ăn tiếng nói mỗi ngày, như sách Châm Ngôn có ghi: “Ai trả lời thẳng thắn mới là người bạn thật” (Châm Ngôn 24:26). Tuy vậy, xin chúng ta cũng đừng nhân danh “sự thật” mà trở nên thẳng thắn một cách thô lỗ, muốn nói ở đâu thì nói hay muốn nói khi nào thì nói, sẵn sàng xé nát danh dự hay tâm hồn của người nghe. Hãy nói thật trong một cách thức tế nhị, đầy yêu thương vì lợi ích của người vợ hay chồng, như sứ đồ Phao-lô hướng dẫn: “Chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật” (Ê-phê-sô 4:15)
               Kính thưa quý độc giả,
               Vợ chồng ăn ở với nhau không sao tránh được những lúc có mâu thuẫn, khi những suy nghĩ và ước muốn của cả hai hoàn toàn trái ngược nhau. Vợ chồng là hai cá nhân khác nhau và cá biệt, không thể nào đến gần với nhau mà không điều chỉnh cho phù hợp nhau. Ý thích, thói quen, cá tính, quan niệm đạo đức khác biệt nhau, thì chắc chắn, không sớm thì muộn, sẽ chạm trán với nhau thôi. Nhưng hãy nhớ rằng, mâu thuẫn không đồng nghĩa với cãi vả hay rầy rà với nhau. Bất đồng ý kiến không có nghĩa là phàn nàn, đấu khẩu, sinh sự, quát tháo, thậm chí to tiếng dậy cả làng cả xóm, gây ra cảnh “xấu thiếp, hổ chàng”.
               Khi đang cãi vả, hai vợ chồng thường bị cảm xúc quản chế hoàn toàn và lời qua tiếng lại thường chỉ “chỉa mũi dùi” vào cá nhân của đối phương, chứ không giải quyết được vấn đề mâu thuẫn. Thường sau một trận gây gỗ hay cãi vả, giữa vợ và chồng là một khoảng cách bao la hay một cảm xúc u buồn còn lắng đọng cho đến lâu dài.
               Kinh Thánh, là lời của Thiên Chúa, nhắc nhở chúng ta phải cẩn thận để tránh cãi vả nhau:
               Kẻ thiếu suy xét khinh chê bạn hữu,
               Người thông sáng kín miệng không nói năng. (Châm Ngôn 11:12)
               Tranh chấp khởi đầu như đê vỡ,
               Thà nên dứt lời trước khi cãi lộn. (Châm Ngôn 17:14)
               Tránh được tranh cạnh là điều vinh dự,
               Chỉ điên cuồng mới sinh sự cãi nhau. (Châm Ngôn 20:3)
               Người hay giận nhạy chuyện rầy rà,
               Như than, như củi, nhạy cháy bùng ra. (Châm Ngôn 26:21)
               Phải cố sức sống hòa bình với mọi người. (Rô-ma 12:8)
               Phải loại bỏ khỏi đời sống anh em những điều cay đắng, oán hờn, giận dữ, cãi cọ, phỉ báng và mọi điều xấu xa khác. (Ê-phê-sô 4:31)
               Quý độc giả thân mến,
               Phê bình hay chỉ trích là một hình thức thông tin thường đem gây tổn thương và hủy phá. Phê bình không hòa giải được mối mâu thuẫn mà cũng chẳng khiến vợ chồng xích lại gần nhau hơn. Phê bình chỉ biện minh cho người đang phê bình và nâng người đó lên cao hơn người bị phê bình. Mỗi khi bạn phê bình ai, bạn đang buộc lỗi người đó. Phê bình khiến người nghe hờn giận và thậm chí sẽ kiếm cách phản công lại bạn. Phê bình chẳng đem ích lợi gì, như lời sứ đồ Phao-lô có khuyên lơn: “Vậy, anh em nên chấm dứt việc chỉ trích phê phán nhau, nhưng hãy quyết định không tạo chướng ngại cho anh em mình vấp ngã”. (Rô-ma 14:13)
               Chúa Giê-xu đã nói: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: 'Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn', trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh?”(Ma-thi-ơ 7:3-4)
               Mọi cặp vợ chồng đều có những lúc cần bày tỏ ra những điều bất như ý, nhưng chúng ta cần phải nói làm sao để người phối ngẫu có thể nghe mình mà không bị dồn vào tư thế chống đỡ hay phòng thủ. Thí dụ như thay vì bạn chỉ tập trung vào điều làm bạn đang bực mình, hãy nói nhiều hơn về những điều mà người phối ngẫu có thể làm được để khiến bạn yêu thích. Như vậy, người vợ hay chồng của bạn sẽ nghe và chấp nhận yêu cầu của bạn dễ dàng hơn. Khi bạn chỉ biết phàn nàn về những điều mình không thích, bạn chỉ củng cố thêm điều đó và khiến nó xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn trước nữa. Nguyên tắc là khi bạn đặt trọng tâm và hướng người phối ngẫu về những gì bạn yêu thích, bạn đang nói thật rõ ràng rằng bạn đang tin tưởng vợ mình hay chồng mình có dư khả năng để thực hiện những điều mà bạn yêu thích và mong mỏi. Một khi bạn làm điều này thường xuyên, cộng với lời khen tặng và thái độ biết ơn khi người phối ngẫu đáp ứng lời yêu cầu của bạn, bạn sẽ chứng kiến một sự thay đổi. Với cách thức đối xử như vậy, bạn đã loại bỏ phê bình hay chỉ trích ra khỏi hôn nhân, và điều này sẽ khiến tình vợ chồng trở nên ngọt ngào qua mỗi ngày. Đối với con cái trong nhà cũng vậy, bạn đừng bao giờ xem thường năng lực của lời khen và lời nói khích lệ.
               Bộ lạc Babemla ở nam Phi châu có một phong tục rất đặc biệt; đó là khi một thành viên trong bộ lạc hành động một cách thiếu trách nhiệm, lập tức người đó bị đem ra giữa làng. Mọi người trong làng phải nghỉ việc và tụ họp thành một vòng tròn lớn vây chung quanh người đó. Sau đó, mỗi người sẽ thay phiên, bất luận già trẻ lớn bé, sẽ kể về người đang ngồi giữa vòng tròn, thuật lại những điều tốt lành mà người đó đã thực hiện từ trước đến giờ. Bao nhiêu nghĩa cử, cùng với những tính tốt, những ưu điểm, lòng tử tế của người ngồi giữa vòng tròn, sẽ được mọi người kể lại với từng chi tiết thật rõ ràng và chính xác. Không ai được thốt lên một lời phê bình nào về người đó.
               Nghi lễ này, đôi khi, kéo dài tới cả mấy ngày, cho đến khi mọi người đã kể xong về tất cả những công đức của người đó mới thôi. Người ngồi giữa vòng sẽ được bao phủ trong cơn mưa rào của những lời khen ngợi khích lệ và rồi được hoan nghênh chào đón trở lại với bộ lạc. Bạn nghĩ là nhân vật phạm lỗi kia sẽ cảm thấy như thế nào? Bạn có thể nào mường tượng được người đó khát khao đến dường nào để tiếp tục theo đuổi và thực hiện những công việc tốt lành sau đó?
               Phê bình chỉ trích là khởi đầu cho những phản ứng tiêu cực. Phê phán khác với việc bày tỏ những điều bất như ý với nhau, bởi vì nó khích bác hay chê bai cá tính của đối phương và thường là để đổ lỗi cho nhau. Phê bình chỉ trích thường bắt đầu với những lời thổi phồng, có tính “vơ đũa cả nắm”, thí dụ như “anh lúc nào cũng vậy” hay “anh luôn luôn là thế”. Phê bình đem lời buộc tội trên cá nhân, thí dụ như “chính anh đó, tại anh đó”. Phê bình mang lời lẽ ra lệnh, xem mình cao hơn để ban bảo, thí dụ như “em nên thế này, em nên thế nọ”.
               Kính thưa quý độc giả,
               Phê bình chỉ trích có thể được ngụy trang khéo léo bằng những lời bông đùa diễu cợt. Khi bị chất vấn về lời đùa cợt đó, một người kiếm cách trốn tránh trách nhiệm bằng cách chối khéo: “Nè, anh chỉ giỡn chơi thôi mà”. Sách Châm Ngôn có đề cập đến trường hợp này như sau: “Như người điên bắn than lửa, mũi tên và sự chết. Người nào lừa gạt kẻ láng giềng mình rồi lại nói: Tôi chỉ đùa thôi, thì cũng như vậy” (Châm Ngôn 26:18,19)
               Phê bình thường hủy phá hơn là xây dựng, nhưng đa số những người phê bình thường rào đón trước là họ chỉ phê bình để xây dựng. Thực ra, lời phê bình chỉ phá vỡ mối quan hệ, buộc tội, lên án, hăm dọa đối phương, đem lại mặc cảm tự ti. Người ta thường phê bình vì đang bị phẫn uất hay bực bội mà thôi.
               Phê bình đến với nhiều dạng thức và tầm cỡ khác nhau. Đôi khi lời phê bình đến với những lời cay độc, phá hủy công trình xây đắp của bao nghĩa cử tốt đẹp trước đó! Lời nói chỉ trích cay độc giáng xuống tựa như chất phóng xạ chết người phủ xuống một vùng đất màu mỡ. Vùng đất trở nên bị ô nhiễm trầm trọng đến nỗi chẳng có hạt giống nào rải ra mà có thể nẩy mầm hay đâm rễ được nữa. Đất độc đến như vậy phải chờ vài thập niên mới giải hết độc được, thì một khi lời nói cay độc đã buông ra, nó cần một thời gian dài mới có thể bắt đầu nhận được những phản ứng tích cực.
               Phê bình cũng đến với những lời chối từ hay phủ nhận giá trị của đối phương. Đôi khi, có những cặp vợ chồng vẫn có thể tiếp tục sống bên nhau mà thiếu lời nói chấp nhận giá trị của nhau, nhưng hầu như không ai chịu đựng nỗi khi người phối ngẫu cứ liên tục phủ nhận những giá trị của mình. Một người vợ có tâm sự: “Người mà trước ngày cưới là bạn, bây giờ trở thành kẻ thù vì những tấn công thật bất ngờ của hắn. Tôi cảm thấy mình thật thấp kém, hèn hạ và nhân phẩm mình không còn nữa vì luôn luôn bị phủ quyết và từ chối”
               Để nuôi dưỡng tình yêu và xây đắp hôn nhân, bạn phải vứt bỏ những phê bình chỉ trích ra khỏi đời sống.
               Kính thưa quý độc giả,
               Vì thời giờ có hạn, nên loạt bài “Ăn Nói Mặn Mà” tạm chấm dứt nơi đây. Ước mong những giây phút vừa qua có đem lại một chút lợi ích cho quý vị trong việc sử dụng lời ăn tiếng nói để xây đắp cho mình một hôn nhân hạnh phúc cũng như vun đắp mối liên hệ ngày càng tốt đẹp với những người thân yêu và bè bạn.
               Trong một dịp khác trong tương lai, chúng tôi xin mời quý vị cùng tiếp tục khám phá những bước khác nữa trong việc thông tin truyền đạt qua lời nói.
               Kính tặng quý vị lời dặn dò quý giá của sứ đồ Phao-lô như một lời kết của loạt bài này: “Lời nói của anh em phải luôn luôn mặn mà dễ thương, để anh em biết đối đáp sao cho phải với mỗi người” (Cô-lô-se 4:6)
               Thân chào quý vị và các bạn.
 
Dựa theo “Communication Is The Key To Your Marriage” by Dr. H. Norman Wright – Tùng Tri chuyển ngữ
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!