Muốn nhận lãnh những chức vụ trong Hội Thánh, trước hết phải có được sự kêu gọi, thúc giục của Đức Chúa Trời và được Ngài chọn lựa. Những người giữ các chức vụ phải bước đi trong sự yêu thương, phải có tiếng tốt, phải có tinh thần phục vụ, phải hiểu biết căn bản Kinh Thánh, nhờ cậy sự khôn ngoan của Chúa, phải là chiến sĩ cầu nguyện. Bài viết này là một bài tham khảo không đại diện cho quan điểm của Hội Thánh.
Kinh Thánh: I Ti-mô-thê 3:8-13Câu gốc: Chớ ai tự dối mình: Nếu có ai trong vòng anh em tưởng mình khôn ngoan theo cách đời này, hãy trở nên dại dột, để được nên khôn ngoan (I Cô-rinh-tô 3:18)
Giới thiệu
Theo sách Công Vụ (chương 6: 1-6) cho biết lý do những chấp sự được lập nên với nhu cầu và mục đích như sau: Khi số môn đệ Chúa gia tăng gấp bội, các tín hữu Hy lạp gốc Do Thái phàn nàn về người Do Thái bản xứ vì các quả phụ trong nhóm họ bị bỏ bê trong việc cung cấp vật thực hằng ngày. Mười hai sứ đồ triệu tập toàn thể tín hữu tuyên bố: “Bỏ việc phục vụ Lời của Đức Chúa Trời đi phục vụ bàn là điều không nên làm. Vậy, thưa anh em hãy chọn giữa vòng mình bảy người được chứng nhận là tốt, đầy dẫy Thánh Linh và khôn ngoan; chúng tôi sẽ giao trách nhiệm này. Còn chúng tôi sẽ chuyên tâm cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa.
Toàn thể tin hữu rất hài lòng về đề nghị này, họ chọn Ê-tiên (người đầy dẫy Đức Thánh Linh), Phi-líp, Bô-cô-rơ, Ni-ca-nô, Ty-môn, Bác-mê-na và Ni-cô-la, rồi trình diện họ trước các sứ đồ. Các sứ đồ cầu nguyện và đặt tay trên các người ấy.
Thưa quý ông bà anh chị em! Đó là chức vụ của những Chấp sự được ghi chép trong Kinh Thánh, sách Công Vụ (chương 6:1-6) như đã được trình bày ở trên. Ngày nay, vì sự phát triển của Hội Thánh mỗi ngày một gia tăng, tùy theo nhu cầu của mỗi Hội Thánh điạ phương, vai trò của Chấp sự phải đảm đương nhiều công việc khác cụ thể như: Giúp Mục sư trong Tiệc Thánh, Thủ quỹ, Thư ký, phụ trách các lớp Trường Chúa Nhật, tiếp tân, chăm sóc, thăm viếng quản trị cơ sở vật chất của Hội Thánh v.v… Nhiệm vụ của Chấp sự rất là cần thiết và quan trọng; cho nên đòi hỏi phải có những yêu cầu về phẩm cách của Chấp Sự căn cứ theo Kinh Thánh, sách I Ti-mô-thê 3: 8-13:
I. Các chấp sự phải cho nghiêm trang, không được nói hai lời, không được ghiền rượu, không được tham lợi phi nghĩa (Câu 8).
– Không được nói hai lời: Tức là “Nói đi cũng được, nói ngược cũng xong.” Tục ngữ Việt Nam: “Cái lưỡi không xương, nhiều đường lắc léo. Kinh Thánh dạy:
“Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói của mình ấy là người trọn vẹn, hãy hãm cầm cả mình…Cái lưỡi là một quan thể nhỏ mà khoe được những việc lớn. Thử xem cái rừng lớn chừng nào mà một chút lửa có thể đốt cháy. Cái lưỡi cũng như lửa; ấy là nơi đô hội của tội ác ở giữa các quan thể chúng ta, làm ô uế cả mình, đốt cháy cả đời người, chính mình nó đã bị lưỡi điạ ngục đốt cháy. Hết thảy loài muông thú, chim choc, sâu bọ loài dưới biển đều trị phục được nó; ấy là một vật dữ người ta không thể hãm dẹp được: đầy dẫy những chất độc giết người. Bởi cái lưỡi người ta khen ngọi Chúa, Cha chúng ta, và cũng bởi nó chúng ta rủa sả loài người, là loài tạo theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Đồng một lỗ miệng mà ra cả sự khen ngợi và rủa sả!” (Gia cơ: 3:2-10)
Là con cái Chúa, chúng ta phải cẩn thận, cân nhắc trong lời nói. Coi thử xem lời nói có làm tổn hại anh em mình không. Không nên “suy bụng ta, ra bụng người” rồi xét đoán, lên án anh em mình. Lời nói phải nhất quán trước sau như một. Cẩn thận và chọn lọc khi nghe những thông tin từ người khác. Phao lô dạy cho Ti-mô-thê rằng: “Này là điều con hãy nhắc lại và răn bảo trước mặt Đức Chúa Trời rằng, phải tránh sự cãi lẫy về lời nói, sự đó thật là vô dụng, chỉ hại cho kẻ nghe mà thôi…Hãy bỏ những lời hư không phàm tục, vì những kẻ giữ những điều đó càng sai lạc luôn trong đường không tin kính, và lời nói của họ như chum bao ăn lan. (2Ti-mô-thê 2: 14,16,17).
–Không ghiền rượu: Tức là không bị nô lệ bởi rượu, không nhậu nhẹt, say sưa. Nếu uống chút rượu nho để giúp cho tì vị dễ tiêu hóa thì không mắc tội, vì Kinh Thánh cho phép. (Ti-mô-thê 5:23) Tuy nhiên, phải biết uống lúc nào, ở đâu, có gây cớ vấp phạm cho anh em mình không?
–Không tham lợi phi nghĩa: Người hầu việc Chúa phải liêm chính, ngay thẳng, làm mọi sự đều phải tôn vinh danh Chúa. Không tham lam của cải bất chính.
II. Các Chấp Sự phải lấy lương tâm trong sạch giữ lẽ mầu nhiệm của đức tin (Câu 9).
Thế nào là lương tâm trong sạch và giữ lẽ mầu nhiệm? Kinh Thánh Hê-bơ-rơ (chương 10: 22, 24, 25, 26, 27) chép: “Chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong mà đến gần Chúa. Ai nấy hãy coi sóc nhau để khuyên giục về lòng yêu thương và việc tốt lành; chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì cần phải làm như vậy chừng nấy. Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự chờ đợi kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi.”
III. Các Chấp sự chỉ nên làm chồng một vợ mà thôi, phải khéo cai trị con cái và nhà riêng mình (Câu 12).
Chấp sự cũng như Mục sư không thể có hai vợ, ngoại trừ sau khi người phối ngẫu đã qua đời, hoặc đã ly dị vì lý do ngoại tình; thì người giữ chức vụ hầu việc Chúa có thể kết hôn lần nữa.
Phải khéo cai trị con cái và nhà riêng mình: Đúng như vậy, nếu người chấp sự không cai trị con cái và nhà riêng mình thì không thể nhận lãnh chức Chấp sự được! Vợ các Chấp sự cũng phải nghiêm trang, chớ nói xấu, phải có tiết độ và trung tín trong mọi việc (Câu 11).
Kết luận:
Muốn nhận lãnh những chức vụ trong Hội Thánh, trước hết phải có được sự kêu gọi, thúc giục của Đức Chúa Trời và được Ngài chọn lựa. Những người giữ các chức vụ phải bước đi trong sự yêu thương, phải có tiếng tốt, phải có tinh thần phục vụ, phải hiểu biết căn bản Kinh Thánh, nhờ cậy sự khôn ngoan của Chúa, phải là chiến sĩ cầu nguyện. Sứ đồ Phao Lô dạy dỗ trong (I Cô-rinh-tô 3: 18, 19, 20): “Chớ ai tự dối mình: Nếu có ai trong vòng anh em tưởng mình khôn ngoan theo cách đời này, hãy trở nên dại dột, để được nên khôn ngoan; vì sự khôn ngoan đời này trước mặt Đức Chúa Trời là sự dại dột. Như có chép rằng: Ấy là Chúa bắt những kẻ khôn ngoan trong mưu kế họ. Lại rằng: Chúa thông biết ý tưởng họ đều vô ích.”
Tuy nhiên, theo con mắt của loài người, chúng ta khó mà tìm thấy một người trọn vẹn đúng với tiêu chuẩn của Thánh Kinh. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một số người tương đối về các tiêu chuẩn theo như Kinh Thánh quy định; nhưng Đức Chúa Trời là Đấng nhìn thấy bên trong của mỗi tấm lòng và ân tứ của họ. Khi Chúa chọn lựa ai thì Ngài sẽ có cách tôi luyện họ để trở nên xứng đáng với chức vụ. Điều cần phải nhấn mạnh thêm rằng, các Chấp sự chỉ nên ở trong phạm vi trách nhiệm của mình; không nên đi quá giới hạn, sử dụng sự khôn ngoan riêng của mình làm ngăn trở công việc Chúa.
Nguyện xin Đức Thánh Linh là Đấng ban cho chúng ta sự khôn sáng. Ngài sẽ dẫn dắt cho chúng ta chọn người xứng đáng. Amen!
MỤC SƯ LÊ VĂN THỂ
http://www.hoithanhhanoi.com/blog/lanh-dao/pham-hanh-cua-chap-su#ixzz4qA1eme5s
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com