Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

Ăn Nói Mặn Mà – Bài 2

              Kính thưa quý độc giả,
              Trong mọi lãnh vực của đời sống và trong mọi mối quan hệ, thông tin truyền đạt luôn luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu để đem đến sự cảm thông, hiệp tác và thành công. Trong hôn nhân, thông tin truyền đạt với nhau một cách rõ ràng và mạch lạc là chiếc chìa khóa đem lại hạnh phúc.
              Tuy vậy, cái việc “ăn nói” mỗi ngày coi vậy mà không phải dễ đâu, như tuần rồi chúng ta đã phân tích, hễ khi chúng ta nói ra một điều gì, thực ra có tới sáu mẫu thông tin đã được “phát sóng”. Những gì chúng ta thực sự nói ra có thể khác với những gì chúng ta dự định nói trước đó. Những gì người nghe nhận chưa chắc giống y như những điều chúng ta đã nói. Sau đó, người nghe gạn lọc và xử lý những gì đã nghe và trong suy nghĩ của người nghe đã hình thành một điều khác như điều đã nghe từ đầu. Cái việc “ăn nói” lắm nhiêu khê, nên người xưa có ân cần căn dặn phải “học ăn, học nói” là vậy. Nói năng thì phải rõ ràng, có ý có tứ, có đầu có đuôi, theo như câu châm ngôn: “Nói những gì như ý mình muốn nói và làm sáng tỏ ý muốn nói bằng những gì mình nói” (“say what you mean and mean what you say”).
              Lại nữa, phải “chọn lời mà nói cho vừa lòng nhau”, vì Kinh Thánh so sánh cái lưỡi hay là cơ quan phát ra lời nói, có năng lực như một cái bánh lái, tuy nhỏ, nhưng có thể định hướng cho con tàu hôn nhân đi vào nơi bến bờ hạnh phúc hay khiến cho nó lạc mất trong dòng nước xoáy cuồn cuộn. Kinh Thánh cũng cảnh cáo lời nói cũng giống lửa mồi, có thể san bằng cả một cánh rừng mênh mông, thiêu rụi mọi cảm tình sau bao tháng ngày xây dựng.
              Nếu dùng sai lời đem đến thiệt hại biết bao, nhưng một khi đã học biết, nói đúng lúc, đúng thì, lựa lời tốt đẹp mà nói, tựa như “phun châu nhả ngọc”, thì lời nói đem đến hạnh phúc quý báu, như lời Kinh Thánh có so sánh: “Lời nói đúng lúc, khác nào trái táo vàng để trên đĩa bạc” (Châm Ngôn 25:11)
              Quý độc giả thân mến,
              Khi đề cập đến vấn đề “ăn nói”, chúng ta thường nghĩ rằng phải có người nói và có đối tượng để nghe. Nhưng nếu để ý kỹ, chúng ta sẽ nhận ra là mọi người, mỗi ngày đều tự nói với chính mình. Đây là chuyện bình thường thôi, ai cũng làm cả, chứ không phải là bị quẩn trí hay mất bình thường đâu. Nếu để ý kỹ hơn một chút nữa, bạn sẽ thấy những cảm xúc của chúng ta, như hờn giận, muộn phiền, mặc cảm, lo lắng vv. được bắt đầu và từ từ leo thang trong các cuộc độc thoại với chính bản thân mình. Thái độ cư xử của chúng ta đối với người phối ngẫu, nhiều khi là cũng do những cuộc độc thoại mà ra, chứ không liên can gì đến cách cư xử của người vợ hay người chồng. Những gì bạn nói và cách bạn nói với người khác, rất nhiều khi là sự biểu hiện trực tiếp của những gì bạn đã nói với chính bản thân mình.
              Độc thoại là những gì bạn nói với chính mình về chính bản thân mình, về người phối ngẫu của bạn, về những kinh nghiệm, về những điều đã xảy ra trong quá khứ, về những mơ ước trong tương lai vv. Độc thoại, hay cuộc đối thoại bên trong tâm trí của bạn, không phải là một cảm xúc hay cảm giác mà cũng chẳng là một thái độ hay khuynh hướng nào cả. Tuy vậy, những suy nghĩ da diết, lập đi lập lại trong tâm trí sẽ nảy sinh ra thái độ hay quan niệm về một vấn đề nào đó.
              Nhiều suy nghĩ xuất hiện trong tâm trí bạn một cách tự động. Thông thường, bạn không ngồi xuống để suy nghĩ là mình phải nghĩ gì sắp tới. Những suy nghĩ cứ hiện ra trong tâm thức của bạn thật êm đềm đến nỗi bạn không nhận ra nó đến bằng cách nào. Nhiều suy nghĩ bắt nguồn từ kinh nghiệm trong quá khứ, từ thái độ và niềm tin của chúng ta. Bạn đã xây nên trong tâm trí của bạn một nhà kho chứa đầy kỷ niệm và kinh nghiệm, bạn gìn giữ và nhớ lại những kỷ niệm mà bạn tập trung hay chú ý nhất.
              Kinh Thánh, là lời của Đức Chúa Trời, đã đề cập thật nhiều về suy nghĩ hay cuộc sống nội tâm của chúng ta. Từ ngữ “suy nghĩ”, “ý tưởng” hay “tâm trí” xuất hiện hơn 300 lần trong Kinh Thánh. Sách Châm Ngôn 23:7 có chép: “Vì lòng hắn nghĩ sao, con người hắn như vậy”
              Kinh Thánh cũng xem tấm lòng của chúng ta là nguồn cội của những suy nghĩ, như vua Sa-lô-môn có ghi: “Lòng người công chính cân nhắc lời đối đáp, Nhưng miệng kẻ ác tuôn ra lời độc địa” (Châm Ngôn 15:28)
              Hay như Chúa Giê-xu có giải thích: “Nhưng điều gì miệng nói ra phát xuất từ trong lòng, điều đó mới làm ô uế người ta. Vì từ trong lòng sinh ra những tư tưởng gian ác, sát nhân, ngoại tình, gian dâm, trộm cắp, chứng gian, phỉ báng” (Ma-thi-ơ 15:18,19)
              Thiên Chúa xem xét tấm lòng chúng ta trước hết, như Kinh Thánh có chép: “Mọi đường lối của một người đều là trong sạch theo mắt mình, Nhưng CHÚA cân nhắc tấm lòng” (Châm Ngôn 16:2), bởi vì có một mối liên hệ trực tiếp giữa những điều suy nghĩ trong lòng và những biểu hiện ra bên ngoài bằng lời nói. Do vậy, để ăn nói mặn mà với nhau, giữ gìn hôn nhân hạnh phúc, đầu tiên bạn phải xem xét về những suy nghĩ bên trong tâm trí hay tấm lòng của mình như thế nào. Kinh Thánh khuyên hãy hướng tâm trí mình vào những suy nghĩ tốt đẹp, có như vậy mình mới có thể nói ra những lời tốt đẹp được, như sứ đồ Phao-lô có viết: “Sau hết, thưa anh chị em, bất cứ điều gì chân thật, điều gì đáng kính, điều gì công chính, điều gì thanh sạch, điều gì đáng yêu chuộng, điều gì cao quý; nếu có đức hạnh nào, nếu có điều gì đáng khen, anh chị em hãy suy nghĩ đến” (Phi-líp 4:8)
              Kính thưa quý độc giả,
              Ai chúng ta cũng đã từng nghe: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” và Kinh Thánh cũng dạy như vậy. Một khi lời nói đã thốt ra, thì bạn không thể lấy lại hay bôi xóa được. Do vậy, hãy dành đủ thời giờ để suy nghĩ trước khi bạn nói ra, để có thể đánh giá, điều chỉnh và suy xét ảnh hưởng lời nói của mình trên một người khác. Hãy thận trọng nhận định và áp dụng những nguyên tắc quý báu sau đây được chép trong Kinh Thánh để xây đắp hôn nhân hạnh phúc:
              Lời nói thiếu suy nghĩ như lưỡi gươm đâm thủng,
              Nhưng lưỡi người khôn ngoan chữa lành. (Châm Ngôn 12:18)
              Người chậm nóng giận có nhiều sáng suốt;
              Nhưng người hay nóng tính bày tỏ sự điên rồ. (Châm Ngôn 14:29)
              Người nào gìn giữ miệng lưỡi,
              Gìn giữ linh hồn khỏi hoạn nạn. (Châm Ngôn 21:23)
              Con có thấy một người ăn nói hấp tấp không?
              Kẻ ngu dại còn có hy vọng hơn người đó. (Châm Ngôn 29:20)
              Kính thưa quý độc giả,
              Xã hội ngày nay dần dần xem thường về việc nói dối. Nói dối tức là nói khác với sự thật, với những gì thực sự đã xảy ra. Chúng ta chọn cách nói dối để tránh khỏi rơi vào một tình huống khó xử trong hôn nhân. Chúng ta chọn im lặng, không nói lên một sự thật nào đó vì không muốn thấy người khác bị tổn thương. Nhưng nói dối có thực sự khiến chúng ta tránh đi một tình trạng khó xử nào đó, hay là khi sự thật được bày tỏ thì càng làm cho tình trạng trở nên khó xử hơn? Hơn nữa, che dấu sự thật vì chúng ta sợ ai sẽ bị tổn thương, người kia hay chính ta?
              Có lẽ, điều khiến người ta nói dối nhiều nhất là sợ phải đối diện với những hậu quả do chính tay mình đã gây nên. Chúng ta có khuynh hướng thêm bớt vào sự thật, hay tìm ra lý lẽ để đổ lỗi cho người khác. Ai cũng biết, con nít thường chối quanh chối quẩn vì sợ bị đánh đòn. Nhưng khi một người thành thật nói rằng: “Phải anh làm điều đó. Anh xin lỗi. Anh hoàn toàn chịu trách nhiệm” thì bạn thấy người nghe thường phản ứng ra sao? Có phải người nghe thường là kinh ngạc, sửng sốt nhưng rồi sau đó, cũng tỏ ra khâm phục và thậm chí cảm thông nữa.
              Nhưng nếu một người khôn khéo, không bóp méo sự thật, không quanh co, nhưng chỉ trình bày một phần sự thật mà thôi và dấu lại phần kia vì sợ đối phương chưa sẵn sàng để nhận hết một lúc, thì điều này có nên làm không? Có bao giờ bạn nghĩ rằng vì chỉ biết một phần sự thật khiến người kia hiểu hoàn toàn trái ngược với cả sự thật không?
              Kính thưa quý độc giả,
              Chuyện gì thường xảy ra khi người vợ bước vào và hỏi chồng: “Anh có thích cái áo em mới mua không? Em mặc áo này đẹp không?” Thường thì quý ông trả lời “Đẹp chứ” mà không hề nhìn tới cái áo, hay cho dù nó chẳng hợp với vợ mình chút nào cả. Giả sử người vợ hỏi chồng một cách thực tình để tìm kiếm một nhận định khách quan, chứ nàng không hỏi vì lòng kiêu hãnh về sắc đẹp của mình. Trong trường hợp này, quý ông nên chia sẻ với vợ mình cảm nghĩ trung thực của mình, bởi vì một hôn nhân hạnh phúc phải được xây dựng trên sự tin cậy lẫn nhau và làm sao có được sự tin cậy nếu không có sự chân thật? Để trả lời cho cái câu hỏi về chiếc áo mới mua của bà xã, cũng như hàng trăm câu hỏi tương tự trong hôn nhân, bạn cần phải học cách lịch thiệp và khéo léo. “Theo anh, anh thích em mặc cái áo kia hơn” là câu trả lời tốt đẹp hơn là câu “Ấy cha! Cái áo này làm em nhìn thấy mập ú à”
              Kinh Thánh nói gì để việc thêm bớt vào sự thật? Sau đây là một số nguyên tắc để chúng ta suy nghĩ:
              Sáu điều Chúa Hằng Hữu ghét,
              Bảy điều làm Ngài gớm ghê:
              Mắt kiêu hãnh, lưỡi gian dối,
              Bàn tay đẫm máu vô tội,
              Lòng mưu toan những việc hung tàn,
              Chân phóng nhanh đến nơi tội ác,
              Nhân chứng khai gian hại người,
              Kẻ xúi giục anh em tranh chấp. (Châm Ngôn 6: 16 -1 9)
              Nhân chứng thật nói ra lời ngay thẳng,
              Nhân chứng gian chỉ lừa gạt mưu đồ (Châm Ngôn 12:17)
              Đến cuối cùng, người ta sẽ phân định
              Và biết ơn người nói thẳng hơn dua nịnh. (Châm Ngôn 28:23)
              Vậy, hãy chừa bỏ sự dối trá; anh em phải nói thật với nhau, vì chúng ta cùng chung một thân thể, một Hội thánh. (Ê-phê-sô 4:25)
              Đừng nói dối nhau vì con người cũ của anh em đã chết, các hành động xấu xa đã bị khai trừ. (Cô-lô-se 3:9)
              Quý độc giả thân mến,
              Một điều vô cùng quan trọng là lời nói chân thật phải đi đôi với tình yêu thương. Hãy hết sức thận trọng khi bạn nói về một sự thật. Phải nhạy bén và tinh tế đối với người nghe để người đó có thể nhận được lời chân thật của bạn. Đừng xé nát tâm hồn người nghe bằng những lời lẽ, tuy chứa đựng sự thật những cũng mang đến những nhát dao hung bạo đâm thấu vào tim. Sự chân thật phải luôn luôn đi kèm với tình yêu thương, cư xử khôn khéo và thái độ quan tâm vì lợi ích của người nghe. Sự chân thật và lòng tin cậy luôn luôn là hai người bạn song hành.
              Vì thời giờ có hạn, chúng ta tạm dừng câu truyện “Ăn Nói Mặn Mà” tại đây và sẽ tiếp tục trong tuần tới. Thân chào quý vị và các bạn.
 
Dựa theo “Communication Is The Key To Your Marriage” by Dr. H. Norman Wright – Tùng Tri chuyển ngữ
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!