Xuất Ê-díp-tô Ký 9:8-12
8 Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se và A-rôn rằng: Hãy hốt tro trong lò đầy tay các ngươi, rồi tại trước mặt Pha-ra-ôn, Môi-se sẽ vải tro đó lên trời. 9 Tro sẽ hóa thành bụi khắp cả xứ Ê-díp-tô, và sanh nhiều ghẻ chốc cương mủ trên mình người và súc vật trong khắp cả xứ Ê-díp-tô. 10 Vậy, hai người hốt tro trong lò, đứng trước mặt Pha-ra-ôn, rồi Môi-se vải tro lên trời, thì sanh ra ghẻ chốc cương mủ trên mình người ta và súc vật. 11 Các thuật sĩ đứng trước mặt Môi-se không được, vì cớ ghẻ chốc đã sanh trên mình các thuật sĩ như trên mình của hết thảy người Ê-díp-tô. 12 Đức Giê-hô-va làm cho Pha-ra-ôn cứng lòng, không nghe Môi-se và A-rôn chút nào, y như lời Đức Giê-hô-va đã phán cùng Môi-se.
Câu gốc: “Vậy hai người hốt tro trong lò, đứng trước mặt Pha-ra-ôn, rồi Môi-se vãi tro lên trời, thì sanh ra ghẻ chốc cương mủ trên mình người ta và súc vật” (câu 10).
Câu hỏi suy ngẫm: Tai vạ ghẻ chốc xảy ra như thế nào? Tai vạ này có ý nghĩa gì trên Pha-ra-ôn và thần dân Ai Cập? Bạn suy nghĩ gì về việc Chúa khiến cho vua Ai Cập cứng lòng? Làm thế nào để chúng ta không cứng lòng trước sự cảnh báo của Chúa?
Giống như tai vạ thứ ba, Chúa giáng tai vạ thứ sáu trên dân Ai Cập mà không cảnh báo trước. Ngài sai phái ông Môi-se và ông A-rôn hốt tro trong lò đầy tay rồi đứng trước mặt Pha-ra-ôn tung tro lên trời, tro hóa thành bụi khắp cả xứ Ê-díp-tô, và sinh nhiều ghẻ chốc cương mủ trên mình người và súc vật. Chúng ta thấy mức độ tác động của các tai vạ trên dân Ai Cập tăng dần. Đây là tai vạ có ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề trên mọi người. Từ vua, quần thần cho đến dân chúng đều vô cùng nhức nhối vì ghẻ chốc cương mủ đầy mình. Hình ảnh tro được lấy từ lò nung gạch cho họ thấy mối liên hệ giữa sự đau khổ của người Ai Cập với sự lao khổ của người Y-sơ-ra-ên bị họ đọa đày khi làm gạch. Chắc chắn người Ai Cập nhận ra đây là phép lạ đến từ Đức Giê-hô-va. Từ vài nắm tro trên tay đã gây nên nạn ghẻ chốc cho cả người và súc vật trên khắp xứ Ai Cập. Hình ảnh các thuật sĩ cũng không thể đứng nổi trước mặt ông Môi-se vì ghẻ chốc đầy mình như tất cả dân chúng, cho thấy rõ người Ai Cập không được bảo vệ bởi các thần tượng hư không cũng như sự khôn ngoan và tri thức của các thuật sĩ.
Trong năm tai vạ trước, Kinh Thánh chép: “Pha-ra-ôn cứng lòng” nhưng trong tai vạ thứ sáu thì: “Đức Giê-hô-va đã làm cho Pha-ra-ôn cứng lòng” (câu 12). Có phải Đức Chúa Trời làm cho Pha-ra-ôn cứng lòng để khống chế ý chí tự do chọn lựa của ông không? Không! Bản chất của Chúa là công bình, Ngài không thể hành động cách bất công! Chúa đã cho ông nhiều cơ hội trước đó để nghe theo lời cảnh báo của ông Môi-se nhưng ông đã chọn chống nghịch Ngài. Chúa khiến vua cứng lòng bằng cách phó ông cho sự tư dục của chính ông, và Ngài có thể thực hiện mục đích của Ngài qua sự cứng lòng của Pha-ra-ôn.
“Đức Giê-hô-va từ trên trời ngó xuống các con loài người, Đặng xem thử có ai khôn-ngoan, tìm kiếm Đức Chúa Trời chăng. Chúng nó thay thảy đều bội nghịch, cùng nhau trở nên ô uế; Chẳng có ai làm điều lành, dẫu một người cũng không” (Thi Thiên 14:2-3). Chính Chúa đã tìm kiếm mỗi chúng ta. Ngay khi nhận biết sự cảnh báo của Chúa, chúng ta phải lập tức ăn năn ngay, kẻo sự cứng lòng ngày càng lớn lên che mờ chân lý; và đến một lúc nào đó Chúa phó chúng ta cho tư dục mình, thì chúng ta không thể đến với Ngài.
Bạn có ăn năn và xưng tội ngay với Chúa khi nghe tiếng cảnh báo của Ngài không?
Lạy Chúa, xin giúp con nhạy bén đi theo mọi sự hướng dẫn của Chúa để tránh sự sửa phạt, và qua đó, con kinh nghiệm cuộc đời ý nghĩa, phước hạnh ở đời này và đời sau.
HTTLVN.ORG
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com