Thứ Hai, 28 tháng 1, 2019

Bạn và tôi có đang nô lệ cho mạng xã hội?

Xã hội mỗi ngày một phát triển đến mức kinh ngạc. Đi đôi với sự phát triển của khoa học kĩ thuật là sự phát triển của các mạng xã hội (MXH). Với nhu cầu cầu nắm bắt nhanh chóng các tin tức, liên lạc với nhau tốt hơn, nhanh hơn, tiện ích hơn và có thể chia sẻ với nhau nhiều điều hơn trong cuộc sống, nên nhiều trang MXH như Facebook, Zalo, Twister… đã ra đời. Nhưng cũng chính vì đó mà nảy sinh rất nhiều tiêu cực, bởi lẽ đã làm cho nhiều người, nhất là giới trẻ ngày nay đang và thích “sống ảo”. Thời gian  truy cập Facebook, lướt web chiếm đa số thời gian dành cho gia đình, bạn bè và người thân.
I. Mạng xã hội là gì ?
Nói một cách nôm na là dịch vụ kết nối các thành viên cùng một sở thích trên Internet lại với nhau, với nhiều mục đích khác nhau, không phân biệt giới tính hay tuổi tác và những thời điểm khác nhau ở các nơi trên thế giới. Trên MXH, mọi người có thể nói chuyện với nhau hàng giờ đồng hồ, có thể xem phim, hay bình luận về một đề tài nào đó…Thế mạnh của MXH này là khả năng giúp người dùng kết nối với bạn bè, phát triển các mối quan hệ xã hội, chia sẻ những suy nghĩ cá nhân và nội dung trên mạng.
Facebook là một trong những MXH “ảo” lớn nhất thế giới hiện nay. Tính đến thời điểm tháng 8/2012, có gần 7 triệu tài khoản người sử dụng đã được lập tại Việt Nam. Và hiện nay, sau gần 6 năm, con số đó đã tăng lên rất nhiều. Với hơn 80 triệu dân và cấu trúc dân số trẻ, Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ tăng người sử dụng Facebook cao nhất thế giới. Theo một nghiên cứu, hơn 70% người dùng Internet ở Việt Nam đều có tài khoản Facebook. Từ năm 2010 đến nay, Facebook tăng vọt về số người sử dụng và con số ấy không ngừng tăng lên. Đây có thể coi là một con số khổng lồ.
II. Hai mặt của Facebook       
  1. Mặt Tích Cực: Tạo điều kiện giao lưu
Thời đại thông tin ngày nay đã tạo những điều kiện cho con người giao lưu, liên kết, chia sẻ những sở thích, sự quan tâm, những ý tưởng, những việc làm bằng các phương tiện truyền thông hiện đại. Có thể nói MXH giúp kết nối con người trên toàn thế giới lại với nhau, rút ngắn không gian, thời gian và thúc đẩy sự giao lưu hợp tác quốc tế.
Sự xuất hiện với những tính năng đa dạng, nguồn thông tin phong phú, Facebook  đã cho phép người dùng tiếp nhận, chia sẻ và chọn lọc thông tin một cách có hiệu quả, vượt qua trở ngại về không gian và thời gian, vượt qua khoảng cách giữa các thế hệ, xóa mờ sự phân biệt dân tộc, tôn giáo và tín ngưỡng. MXH giúp nâng cao vai trò của mỗi công dân trong việc, tạo lập mối quan hệ và tự tổ chức xoay quanh những mối quan tâm chung trong những cộng đồng, thúc đẩy sự liên kết các tổ chức xã hội.
Facebook như một cuốn nhật ký ghi lại những ngày tháng kỉ niệm của chúng ta và bạn bè. Đó cũng là trang mạng truyền tải những thông điệp tốt đẹp trong cuộc sống đến với mọi người. Thông qua Facebook, mọi người biết được người thân, bạn bè đang gặp khó khăn gì để hỏi thăm, giúp đỡ. Facebook còn là trang mạng nơi chúng ta học tập và tìm tòi những kiến thức mới.
Qua MXH, các bạn trẻ đã kịp thời biểu dương rộng rãi những tấm gương tiêu biểu, những cá nhân xuất sắc có đóng góp thiết thực vào đời sống. Có rất nhiều bạn trẻ cũng sử dụng Facebook là nơi quảng cáo, kinh doanh và các hoạt động buôn bán khác rất hiệu quả đem lại nguồn thu nhập cao. MXH tác động đến lối sống giới trẻ hiện nay thông qua việc tìm hiểu nhu cầu, mục đích và các hình thức sử dụng mạng xã hội của họ.
  1.  Mặt tiêu cực:  Facebook gây “nghiện” cho người dùng
Facebook là một MXH cho phép chúng ta chia sẻ trạng thái, hình ảnh và tương tác với nhau rất dễ dàng. Bạn có thể kết nối Facebook mọi nơi chỉ bằng một chiếc điện thoại có kết nối mạng. Chính vì tiện lợi như vậy, có rất nhiều bạn trẻ và thậm chí là cả những người lớn tuổi cũng bị “nghiện” Facebook. Họ lên Facebook hàng ngày, hàng giờ, cập nhật mọi thứ của mình lên Facebook. Bất cứ việc gì họ cũng đăng lên Facebook. Đến cái chuyện ăn gì, uống gì, nghĩ gì, làm gì cũng đưa nó lên, thậm chí mua cái áo mới cũng đưa lên để mọi người “chém gió”. Hay đi ngoài đường gió lạnh quá cũng dừng xe lại “post” cái “status” “lạnh quá”, rồi thậm chí đang chạy thoát hiểm cũng vào Facebook “post” cái “status” đã. Có những hình ảnh “xàm xí” hay những biểu cảm hết sức “trẻ con” đến những câu nói “tào lao”… cũng đưa lên mạng.
Những người “nghiện” Facebook, họ bỏ cả nửa thời gian mỗi ngày để làm những công việc vô ích như lướt Facebook, xem bạn bè có đăng ảnh mới không, xem ai có “status” gì không, hay xem các chuyện trong giới showbiz…
Facebook rất dễ gây “nghiện” nơi người dùng, và ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho không gian “ảo” này. Những công dụng tốt của Facebook đã nhiều lần được nhắc đến, nhưng liệu chúng ta đã thật sự quan tâm đến những ảnh hưởng của mạng xã hội này đối với giới trẻ? Việc đăng lên một tấm ảnh hay một “status” rồi nhận được các lượt “like” và bình luận, hay việc “chém gió” với nhau hàng giờ trên Facebook, khiến nhiều bạn trẻ mất quá nhiều thời gian cho MXH. Ngày nay, bất cứ ở đâu và bất cứ thời gian nào, ta cũng có thể bắt gặp các bạn trẻ “cắm đầu” vào Facebook, trong giờ học, trong giờ ăn, trước khi đi ngủ và ngay cả khi đang đi vệ sinh.
III. Ảnh hưởng của Mạng Xã Hội đến cá nhân
  1. Ảnh hưởng đến tính cách
Với những bạn trẻ trong quá trình hình thành nhân cách, rất dễ bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài, như nhà trường, ba mẹ, người thân, bạn bè, và môi trường xung quanh. Báo chí và các phương tiện truyền thông cũng đóng một vai trò to lớn, là tấm màng lọc văn hóa, giúp góp phần định hướng phát triển tư tưởng cho giới trẻ. Nhưng với sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông số và MXH như hiện nay, người dùng không chỉ đón nhận thông tin từ các kênh truyền thông chính thống mà còn có khá nhiều sự lựa chọn khác.Tuy nhiên, trong số những người sử dụng Facebook, có những người không biết cách khống chế bản thân, tự biến mình thành nô lệ cho Facebook, vì nếu một giờ không lên Facebook thì không chịu được, và cảm giác như thiếu thiếu cái gì ấy.
Việc dành thời gian quá nhiều cho Facebook có ảnh hưởng tiêu cực đến công việc và việc học hành của các bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ dùng Facebook như một nơi để trút giận, bất cứ chuyện gì bực mình ở đâu cũng đem lên Facebook cho mọi người bàn luận, hay dùng Facebook để chửi người khác một cách công khai. Những câu “status” như: “Làm người lớn thật rắc rối, ước gì được trở về tuổi thơ, được vui chơi không suy nghĩ, làm sai cũng không phải chịu trách nhiệm”. “Ước gì tôi không được sinh ra trên đất này’. “Nếu tôi biến mất khỏi thế giới này thì sẽ tốt hơn, chẳng có ai sẽ tìm tôi” v.v. Chính những câu nói tưởng như đơn giản đó, nhưng nó làm cho các bạn trẻ tự thu vào “vỏ ốc” của chính mình, không muốn giao lưu với người khác, không thích ai làm phiền mình.
  1. Ảnh hưởng đến cách giao tiếp.
Facebook ảnh hưởng đến cách giao tiếp của con người. Trong cách thể hiện tình cảm, nhiều bạn trẻ không muốn giao tiếp với moi người, đến cái chào người khác hay người lớn hơn mình cũng thật khó. Nhiều bạn trẻ mãi nói chuyện với người trên mạng mà quên giao tiếp với người thân. Bị đắm chìm trong “thế giới ảo” mà thờ ơ, dửng dưng với mọi người, không muốn và không biết cách giao tiếp, chia sẻ với mọi người xung quanh, thậm chí mất niềm tin nơi cuộc đời thực, có khi dẫn đến mặc cảm trong cô đơn, trầm cảm, thu mình lại.
Nhiều ông bà, cha mẹ thấy cô đơn khi con cháu họ chỉ “ôm” điện thoại, laptop, thiếu sự truyền thông với nhau trong gia đình chứ chưa nói đến bạn bè hay người ở bên ngoài. Nhiều bạn sao nhãng việc học hành chỉ vì dành thời gian lướt Facebook, quên cả việc đọc sách, bỏ bê bài vở, kết quả học tập sa sút. Nguyên nhân của việc giới trẻ sử dụng Facebook một cách rộng rãi có lẽ chính là do sự hấp dẫn, mới lạ, tính giải trí cao trong việc sử dụng Facebook.
IV. Facebook có phải là ông chủ còn chúng ta là nô lệ?
Từ những vấn đề trên được nêu, câu hỏi đặt ra “Liệu chúng ta có đang làm nô lệ cho MXH?” Kinh Thánh chép: “Chẳng ai được làm tôi hai chủ,vì sẽ ghét người này mà yêu người kia, hoặc trọng người này mà yêu người kia. Các  ngươi không thể làm tôi Đức Chúa Trời mà lại làm tôi ma môn nữa.” Ma-thi-ơ 6: 24. Khi bạn dành thời gian nhiều nhất cho một điều gì đó, chắc chắn điều đó sẽ ảnh hưởng và chi phối bạn.
Khái niệm “thần tượng” (idol) đã rất quen thuộc với các bạn trẻ. Một số bạn trẻ ngày nay để những ca sĩ, những nhóm nhạc như BTS, EXO, IKON… lên trên Chúa. Các bạn gọi là “thần tượng” của mình, cho nên trên trang cá nhân của nhiều bạn trẻ “share” những hình ảnh của các thần tượng mà mình hâm mộ, để avartar… Một số bạn trẻ Cơ Đốc thậm chí còn xem “thần tượng” con người quan trọng hơn cả Chúa. Các bạn sẵn sàng sao chép bản thân các bạn sao cho thật giống với thần tượng của mình. Điều này thật chẳng đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Sự tốt đẹp bề ngoài đã đánh lừa các bạn trẻ Cơ Đốc thật nhanh chóng. I Sa-mu-ên 16:7b chép: “Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem, loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng”. Đức Chúa Trời chẳng bao giờ nhìn vào một ảnh đại diện nào trên Facebook mà khen các bạn, vì những giá trị đó là ảo, không thật. Mà Chúa nhìn vào con người thật của các bạn, nhìn vào tư tưởng công việc nơi tay các bạn. Điều Răn thứ nhất trong Kinh Thánh “Trước mặt Ta, ngươi chớ có các thần khác” Xuất Ê-Díp-tô ký 20: 3. Chúng ta tạm gát lại mọi chuyện, hãy dừng lại và suy nghĩ một chút với những câu hỏi đặt ra.
1.Bạn và tôi có làm vinh hiển danh Chúa thông qua mạng xã hội không ?
Trong Kinh Thánh I Cô-rinh-tô 6:12 có chép: “Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng để sự gì bắt phục được tôi”.
Chúa cho mỗi chúng ta có quyền lựa chọn việc mình làm, nhưng việc làm nào có ích và làm vinh hiển danh Chúa “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm.” I Cô-rinh-tô 10:3. Cách sử dụng Facebook của tôi và bạn có đang làm Vinh Hiển Danh Chúa không? Bạn có khi nào cho mọi người biết hôm nay bạn cầu nguyện với Chúa về điều gì và Ngài đáp lời các bạn như thế nào không? Đó mới là đồn danh Chúa ra.
2. Mạng xã hội có dẫn tôi và bạn đến tội lỗi?
Bản thân Facebook là một công cụ mang tính trung lập, không hẳn tốt và cũng không hẳn xấu. Tuy nhiên, khi Facebook nằm trong tay của một người tội lỗi, không có gì đáng ngạc nhiên rằng nó có thể được sử dụng để chất chứa những hành vi tội lỗi như: bắt nạt, các mối quan hệ tội lỗi, sự trụy lạc về tình dục, những ý tưởng của thế gian, và tự cho phép mình bị tác động bởi những ảnh hưởng xấu. Trên Facebook có rất nhiều hình ảnh, hay những thứ không tốt chúng ta chỉ vô tình lướt qua hoặt tò mò click vào xem thì có thể dẫn dụ chúng ta vào tội lỗi như tử vi, những hình ảnh mang tính kích dục. Kinh Thánh chỉ rõ cho chúng ta biết chúng ta có nên xem những hình ảnh đó hay không:
 “Vậy nếu con mắt bên hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy móc mà quăng nó cho xa ngươi đi; vì thà chịu một phần thân thể ngươi phải hư, còn hơn là cả thân thể bị ném vào địa ngục.” Ma-thi-ơ 5:29. Nếu bạn lỡ phạm tội vì những hình ảnh đó hãy cầu nguyện, xưng ra những tội lỗi và xin ân điển và quyền năng Chúa sẽ giải cứu bạn khỏi những tội lỗi này. Xin Chúa hướng dẫn để chúng ta cẩn thận khi dùng Facebook và xin Chúa giúp tôi và bạn dùng Facebook một cách khôn ngoan, không để sự tò mò dẫn chúng ta phạm tội.
3. Những “commet” của tôi và bạn đem lại sự gây dựng hay đổ vỡ?
Trên Facebook đang lan tràn những tin đồn, sự bắt nạt, những điều bi quan và phàn nàn. Thay vì sống như thế gian, hãy trở thành ánh sáng cho thế gian bằng cách sử dụng lời nói của bạn để gây dựng những người khác. Hãy suy nghĩ về những tình huống hoặc chủ đề có thể cám dỗ tôi và bạn để nói chuyện tiêu cực, và phải cảnh giác khi một người bạn trên Facebook gửi một lời nói gì đó có thể khiêu khích bạn. Bạn có dùng câu Kinh Thánh hay lời cầu nguyện nào an ủi những người khác không, họ có A men với bạn hay không?
4.Những người khác có thấy ánh sáng của Chúa qua những gì tôi và bạn chia sẻ trên mạng xã hội không?
Với những gì bạn chia sẻ, bạn có thể cho mọi người thấy niềm hy vọng của bạn nơi Chúa, và một người được biến đổi bởi Phúc Âm sẽ sống và suy nghĩ như thế nào. Bạn cũng có thể thách thức và khích lệ những mối liên hệ “online” của mình tin vào Chúa và đi theo Ngài. Đừng quên những cơ hội tuyệt vời mà bạn có để loan báo với thế giới về sự giàu có và dồi dào của Đấng Christ. Kinh Thánh có chép: “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời.” Ma-thi-ơ 5:16. Chúng ta là muối và ánh sáng của Chúa, chúng ta cần tận dụng Facebook để nhiều người biết đến Chúa qua trang cá nhân chúng ta.
5. Thời gian bạn và tôi dành thời gian bao nhiêu cho mạng xã hội?
Thành thật mà nói, một số trang MXH giống như một cái lỗ đen, thu hút hết sự chú ý và thời gian rảnh của chúng ta. Điều đó có thể dễ dàng và thậm chí trở nên bình thường, chỉ là lên Facebook hoặc Pinterest để kiểm tra một chút và ở lại trên đó khoảng một tiếng đồng hồ hoặc hơn thôi mà! Bạn và tôi  có thể làm gì với một giờ đó? Trong Kinh Thánh có chép: “Hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu. Ê-phê-sô 5:16.
6. Bạn và tôi  đang coi trọng những sự tương tác ảo hơn những mối quan hệ thật?
Thay vì nhấn nút “Thích” một tấm hình hoặc viết một bình luận trên trạng thái của người khác, hãy đầu tư cho những mối quan hệ bằng những cuộc trò chuyện ý nghĩa ngoài đời thực. Một nút “Thích” hay “Chọc ghẹo” không thể cho người khác thấy rằng bạn quan tâm đến họ. Hãy tiến thêm một bước nữa khi cho những người quan trọng đối với bạn biết rằng bạn quan tâm đến họ và bạn thực sự coi trọng mối quan hệ này. Hoặc tiến thêm một bước tuyệt hơn nữa là gặp nhau mặt đối mặt ở ngoài đời thực. “Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.”  Ma-thi-ơ 22:39.
7. Mạng xã hội có giúp bạn và tôi thỏa lòng?
MXH có thể là một công cụ giết chết sự thỏa lòng. Chúng ta  thấy ai đó đăng hình một đôi giày mới, và ngay lập tức chúng ta  cũng muốn có một đôi và thấy rằng đôi giày cũ của mình không còn tốt nữa và bạn muốn có nó, trông khi nó còn tốt có thể dùng đến một hai năm nữa.
MXH có thể đổ thêm dầu vào ngọn lửa của tham lam và bất an vì chúng ta thường so sánh mình với những người khác. Chúng ta nên quan tâm đến những gì Chúa nghĩ về chúng ta, chứ không phải người khác nghĩ gì; Chúa đánh giá chúng ta như thế nào, chứ không phải người khác. Bạn có bao giờ nghĩ rằng những người đăng tải thông tin về đôi giày mới hoặc chuyến du lịch đó có thể không thỏa lòng với những gì họ có? Sứ đồ Phao-lô nói rằng ông ấy đã học được sự thỏa lòng trong mọi hoàn cảnh: đói khát, no đủ hay thiếu thốn. Chúng ta cũng có thể làm được như vậy. “Không phải là tôi muốn nói đến sự cần dùng của tôi; vì tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy. Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được. Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.” Phi-líp 4:11-13.
8. Mạng xã hội có thúc đẩy bản ngã của chúng ta và khiến chúng ta cảm thấy tốt về chính mình?
Thật giả dối khi ai đó nói với bạn rằng bạn chỉ có giá trị đối với người khác khi họ thích những gì bạn đăng trên MXH. Nếu tâm trạng của bạn phụ thuộc vào số lượng “Thích” (like) trên Facebook mà bạn nhận được, điều đó có nghĩa là bạn quá chú tâm vào việc đạt được sự chấp nhận của mọi người.
Đừng rơi vào cái bẫy này! Đúng là việc xây dựng những mối quan hệ thông qua MXh có thể đem lại lợi ích, tuy nhiên, bạn cũng có thể thấy việc xây dựng tâm trạng của bạn và lòng tự trọng dựa trên nền tảng không vững chắc của Instagram và Twitter không ích lợi như chúng ta vẫn nghĩ. Thay vì cất trữ những thứ thuộc về đời này như số lượng người theo dõi trên Twitter hay số bạn Facebook,  chúng ta hãy cất trữ cho mình những kho báu thuộc về Thiên Đàng, những điều sẽ còn lại đời đời. Điều này cũng sẽ giúp bạn thoát khỏi những cái bẫy trên mạng xã hội. “Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì?” Mác 8:36.
Kết Luận :
Để xây dựng mối quan hệ ở thế giới thực tại, không nên quá sa đà, mất thời gian quá nhiều vào MXH. Bạn nên dành thời gian cho Chúa nhiều hơn những việc có  ích hơn, dành thời gian cho người thân và những người đang cần sự quan tâm của chúng ta. Nếu chúng ta quan tâm đến người khác thì chính mình cũng được quan tâm, và cảm thấy vui vẻ yêu đời hơn. Đừng để Facebook trở thành ông chủ, và chúng ta là những nô lệ của MXH? Chúng ta hãy nhạy bén tiếp thu chúng, nhưng hãy là người thông minh để dùng chúng một cách hiệu quả chứ không là nạn nhân của MXH. Đừng để những tiếng “bíp” của MXH điều khiển bạn.
Phương Quỳnh

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!