Với tên gọi Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp Hội Truyền Giáo Tin Lành Thế Giới, tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ đã xâm nhập vào Việt Nam và hoạt động tại Hà Nội từ khoảng năm 2012. Từ khi xâm nhập vào Việt Nam, tà giáo này đã lan rộng đến nhiều thành phố lớn, truyền đạt những giáo lý sai trật, níu kéo tín hữu Tin Lành bỏ Hội Thánh gia nhập tổ chức của họ. [1] (Để phân biệt rõ ràng giữa tà giáo này và Hội Thánh Tin Lành, từ đây, người viết sẽ đề cập đến tà giáo này là Tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ, và cụm từ Hội Thánh Đức Chúa Trời chỉ dành cho Hội Thánh Tin Lành, là những người đã thật sự tin Chúa, thuộc riêng về Ngài).
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi một số bài báo tại Việt Nam đề cập đến ảnh hưởng của tà giáo này, cung cấp đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin phản hồi, thì những thông tin về tà giáo này càng lan rộng hơn nữa qua sức mạnh của truyền thông báo đài. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là, dù vô tình hay cố ý, tác giả của các bài báo này đã sử dụng những từ ngữ không rõ ràng, dễ gây ngộ nhận và khiến cho cộng đồng Cơ Đốc và những anh em chưa tin Chúa hiểu sai và đánh đồng tà giáo này với Hội Thánh Tin Lành.
Trước tình hình đó, bài viết này được viết để nêu rõ nếp sống của Cơ Đốc nhân Tin Lành hoàn toàn khác biệt, không giống với những điều mà các bài báo cáo buộc. Nói cách khác, những cáo buộc được đề cập trong các bài báo chỉ nói về tà giáo Đức Chúa Trời, Cơ Đốc nhân Tin Lành phải có một nếp sống cao đẹp hơn, đúng với tinh thần và sự dạy dỗ của Kinh Thánh, là Lời Chúa. Ước mong rằng bài viết sẽ gợi ý cho các tín hữu Tin Lành biết cách trả lời với những người chưa hiểu rõ về sự khác biệt này, cũng như là lời cảnh tỉnh để sống một cách đúng đắn với Tin Lành, bày tỏ danh Chúa cho cộng đồng xã hội xung quanh.
I. Cơ Đốc Nhân Tin Lành Biết Quan Tâm Đến Lợi Ích của Người Khác
Một trong những điều mà những người theo Tà Giáo Đức Chúa Trời Mẹ bị cáo buộc là những người chỉ sống cho riêng mình. Nhưng Cơ Đốc nhân Tin Lành lại hoàn toàn khác. Là những người tin Chúa Giê-xu, được cứu chuộc bởi ân điển và tình yêu của Chúa, chúng ta là những thành viên của Hội Thánh thật của Đức Chúa Trời. Thẩm quyền tối cao của Hội Thánh Đức Chúa Trời là chính Đức Chúa Trời, và Ngài phán dạy, chỉ dẫn chúng ta qua Kinh Thánh là lời thành văn của Ngài.
Phi-líp chương 2 có lẽ là một trong những phân đoạn Kinh Thánh rõ ràng nhất về một nếp sống không ích kỷ nhưng quan tâm đến người khác. Phao-lô dù ở trong tù nhưng ông cũng biết những khó khăn mà các tín hữu tại Phi-líp đang trải qua, và ông nhắc nhở họ về điều cốt yếu của đời sống Cơ Đốc là phải sống đúng với Tin Lành và sẵn sàng chiến đấu vì đức tin của Tin Lành như chính Phao-lô đang chiến đấu (Phi-líp 1:27-28)[2]. Bên cạnh những khó khăn từ bên ngoài, từ những tà giáo, những người chống đối, Hội Thánh tại Phi-líp cũng như Hội Thánh tại Việt Nam ngày nay có thể sẽ phải đối diện với sự tranh cạnh giữa những người cùng đức tin. Tuy nhiên, nếu Đấng Christ là mối quan tâm hàng đầu, nếu Tin Lành là lẽ sống của chúng ta, thì chúng ta phải thuận phục Chúa, yêu thương nhau, làm những công việc có ích cho người khác. Nếu thật sự Đấng Christ đang ngự trị trong lòng chúng ta, chúng ta sẽ yêu thương, tôn trọng và quan tâm đến lợi ích của người khác. “Đừng làm điều gì vì lòng ích kỷ, hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, xem người khác đáng tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em, đừng chỉ quan tâm đến lợi riêng của mình, nhưng phải quan tâm đến lợi ích của người khác nữa” (Phi-líp 2: 3-4).
Đức Chúa Trời không chỉ đưa ra mệnh lệnh, đòi hỏi chúng ta phải sống vì người khác, nhưng chính Chúa Giê-xu là gương mẫu cho chúng ta trong nếp sống khiêm nhường, phục vụ vì ích lợi của người khác (2:5-11). Nếu Chúa Giê-xu là Chúa đã khiêm nhường, hạ mình, sẵn sàng hy sinh vì người khác, chúng ta cũng phải có đồng tâm tình này với Chúa.
Hôm nay, bạn và tôi có đang sống trong tinh thần tôn trọng, khiêm nhường, quan tâm đến lợi ích của người khác không? Hay chúng ta cũng đang sống ích kỷ, chỉ biết lo cho riêng mình như lời cáo buộc dành cho những người theo tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ?
II. Cơ Đốc Nhân Tin Lành Sống Có Trách Nhiệm, Quan Tâm Chăm Sóc Gia Đình Mình
Cáo buộc thứ hai các bài báo nhận định về những người theo tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ là: bỏ bê gia đình, sống thiếu trách nhiệm. Cụ thể, điều người ta cáo buộc cho tà giáo này là: “sẵn sàng từ bỏ cha mẹ, anh em ruột thịt”, xem “cha mẹ chỉ là “công cụ” Chúa Trời tạo ra để họ chịu tội ở thế giới trần tục”.[3] Đây là những điều hoàn toàn đi ngược với niềm tin và sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Ngoài ra, thực tế về quyền năng của Tin Lành đã đem lại sự biến đổi đời sống của những người từng là kẻ nghiện ngập vô vọng trở nên những con người có ích cho gia đình, xã hội là một thực tế không thể chối bỏ.
Cách đây không lâu, một chương trình truyền hình đã đưa tin, bài về những người nghiện ngập, xì ke, ma tuý đã được biến đổi và trở nên những người có ích cho gia đình, xã hội[4]. Trong khi theo báo cáo trước đó của nhiều trung tâm cai nghiện, có đến 90% số người tái nghiện sau cai nghiện[5]. Sự thay đổi là kết quả có được sau khi họ tin nhận Chúa Giê-xu. Họ vốn bị xem là “tệ nạn của xã hội”, “gánh nặng của gia đình”, “sự xấu hổ cho cha mẹ”, nhưng nay lại trở nên những người dự phần đóng góp tích cực trong cộng đồng, xã hội. Trong lúc nghiện ngập, họ có thể là những con người tàn nhẫn, chỉ làm thoả cơn thèm khát của mình, nhưng khi tin nhận Chúa và được quyền năng của Chúa biến đổi, họ là những người sống có trách nhiệm, thực sự quan tâm, chăm sóc cho gia đình mình.
Chính quyền năng của Tin Lành đã biến đổi đời sống của họ trở nên người có trách nhiệm và có ích cho xã hội. Có thể tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ đã khiến người vốn là những đứa con ngoan hiền, những người cha người mẹ có trách nhiệm, lại trở nên những con người vô trách nhiệm, bỏ bê gia đình. Nhưng hãy nhớ rằng ảnh hưởng của Tin Lành làm điều ngược lại, từ người vô trách nhiệm trở nên có trách nhiệm, yêu thương; từ những người yêu thương gia đình trở nên những người càng yêu thương, quan tâm cho gia đình mình hơn nữa. Bởi vì người Cơ Đốc sống và làm theo sự dạy dỗ của Chúa trong Kinh Thánh:
Ngay trong Cựu Ước, trong điều răn, thì điều đầu tiên trong bổn phận với gia đình, Đức Chúa Trời đòi hỏi dân sự Ngài phải hiếu kính cha mẹ (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12). Và điều răn này được bày tỏ cụ thể hơn khi cho biết nếu ai đánh cha mẹ hay nguyền rủa cha mẹ thì hình phạt cho những kẻ đó là án chết (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:15, 17). Và điều răn này cũng được nhắc lại trong Tân Ước.
Lời Chúa không chỉ cung cấp sự hướng dẫn về bổn phận của con cái đối với cha mẹ, mà còn là trách nhiệm giữa chồng và vợ, cha mẹ với con cái. Cụ thể như chồng phải yêu vợ như chính Đấng Christ đã yêu Hội Thánh; vợ phải tôn trọng và sẵn sàng thuận phục chồng trong sự kính sợ Chúa (Ê-phê-sô 5; Cô-lô-se 3); cha mẹ: nuôi nấng, dạy dỗ con trong kỷ luật và sự khuyên dạy của Chúa, với tình yêu, không phải dùng quyền lực áp đặt con cái theo ý riêng của mình (Ê-phê-sô 6, Cô-lô-se 3). Ngoài ra, Kinh Thánh cũng đòi hỏi con cái Chúa phải là người quan tâm, chăm sóc đến bà con, gia đình mình vì ai không quan tâm, chăm sóc bà con, gia đình mình thì đó là người đã chối bỏ đức tin, một người phạm tội với Chúa (I Ti-mô-thê 5:8).
Chắc chắn, tất cả Hội Thánh Tin Lành đều khích lệ con cái Chúa sống gương mẫu trong gia đình, yêu thương, chăm sóc gia đình mình.
Hiện tại, chúng ta có đang làm trọn trách nhiệm của một thành viên trong gia đình mình hay không? Người khác có thể nhận thấy chúng ta là một người sống có trách nhiệm, yêu thương, khéo léo trong cách cư xử với mọi người trong gia đình mình hay không? Đừng để bất kỳ ai nhìn vào và chê cười danh Chúa vì chúng ta chưa thực sự sống đúng với Tin Lành (Phi-líp 1:27)
III. Cơ Đốc Nhân Tin Lành Làm Việc Hết Sức Mình Với Tinh Thần Trách Nhiệm Cao
Cáo buộc thứ ba mà các bài báo nói đến những người theo Hội Thánh Đức Chúa Trời là những người lười biếng, không chịu làm ăn. Có phải tất cả những người theo tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ đều là những người lười biếng hay không, bài viết này sẽ không đề cập đến, nhưng điều chắc chắn là Hội Thánh Tin Lành không bao giờ ủng hộ hay dạy dỗ tín đồ nếp sống lười biếng, vô trách nhiệm giống như cách gọi đánh đồng.
Ngược lại, Cơ Đốc nhân Tin Lành là những người chăm chỉ làm việc, và làm việc có trách nhiệm. Vì những Cơ Đốc nhân thực sự tin và làm theo sự dạy dỗ của Chúa về đạo đức công việc được ghi lại trong Kinh Thánh:
1/ Ngay từ buổi ban đầu, Đức Chúa Trời đã giao cho ông bà A-đam và Ê-va việc canh tác và gìn giữ vườn (Sáng Thế Ký 2:15). Ngay cả trước và sau khi phạm tội, con người đều phải làm việc.
2/ Xuyên suốt Cựu Ước, Đức Chúa Trời cũng truyền dạy dân sự của Ngài phải làm việc hết sức mình và Ngài cũng truyền dặn dân sự quan tâm đến những người nghèo, chừa bông lúa còn sót lại cho những người nghèo (Lê-vi Ký 23:22). Ngay cả đối với người nghèo trong trường hợp này, Chúa không truyền cho dân sự Ngài hãy đưa cho người nghèo những gì họ cần, nhưng chừa lại để những người nghèo chịu làm việc có thể tìm được thực phẩm cho mình. Rõ ràng, nghèo khổ cũng không thể là lý do cho sự lười biếng.
3/ Rất nhiều lời lên án và cảnh báo hậu quả của sự lười biếng, và kêu gọi tinh thần làm việc chăm chỉ được nhắc đến trong Châm Ngôn, Truyền Đạo (Ví dụ: Châm Ngôn 6:6-11, sự nghèo khổ và túng thiếu sẽ đến với kẻ lười biếng cách nhanh chóng; Châm Ngôn 14:23 mô tả sự nghèo nàn sẽ đến với kẻ chỉ biết nói mà không chịu làm việc; Truyền Đạo 9:10, phải tận dụng thời gian trên đất để làm việc hết sức mình,…).
4/ Cô-lô-se 3:23-25, tương tự với Ê-phê-sô 6:7-8 cũng cho biết Cơ Đốc nhân phải làm mọi việc hết sức mình như họ đang làm việc cho Chúa. Mỗi người chịu trách nhiệm trước Chúa về mọi điều Chúa ban cho, bao gồm cả tài sản, tài năng, sức khoẻ, công việc,… Người Cơ Đốc cũng phải làm việc hết sức mình xuất phát từ tấm lòng biết ơn về mọi điều Chúa đã làm và đã ban cho mình.
5/ II Tê-sa-lô-ni-ca 3:6-15, Phao-lô cũng kêu gọi các tín hữu phải chăm chỉ làm việc nuôi sống chính mình, cố gắng không trở thành gánh nặng của người khác.
1/ Ngay từ buổi ban đầu, Đức Chúa Trời đã giao cho ông bà A-đam và Ê-va việc canh tác và gìn giữ vườn (Sáng Thế Ký 2:15). Ngay cả trước và sau khi phạm tội, con người đều phải làm việc.
2/ Xuyên suốt Cựu Ước, Đức Chúa Trời cũng truyền dạy dân sự của Ngài phải làm việc hết sức mình và Ngài cũng truyền dặn dân sự quan tâm đến những người nghèo, chừa bông lúa còn sót lại cho những người nghèo (Lê-vi Ký 23:22). Ngay cả đối với người nghèo trong trường hợp này, Chúa không truyền cho dân sự Ngài hãy đưa cho người nghèo những gì họ cần, nhưng chừa lại để những người nghèo chịu làm việc có thể tìm được thực phẩm cho mình. Rõ ràng, nghèo khổ cũng không thể là lý do cho sự lười biếng.
3/ Rất nhiều lời lên án và cảnh báo hậu quả của sự lười biếng, và kêu gọi tinh thần làm việc chăm chỉ được nhắc đến trong Châm Ngôn, Truyền Đạo (Ví dụ: Châm Ngôn 6:6-11, sự nghèo khổ và túng thiếu sẽ đến với kẻ lười biếng cách nhanh chóng; Châm Ngôn 14:23 mô tả sự nghèo nàn sẽ đến với kẻ chỉ biết nói mà không chịu làm việc; Truyền Đạo 9:10, phải tận dụng thời gian trên đất để làm việc hết sức mình,…).
4/ Cô-lô-se 3:23-25, tương tự với Ê-phê-sô 6:7-8 cũng cho biết Cơ Đốc nhân phải làm mọi việc hết sức mình như họ đang làm việc cho Chúa. Mỗi người chịu trách nhiệm trước Chúa về mọi điều Chúa ban cho, bao gồm cả tài sản, tài năng, sức khoẻ, công việc,… Người Cơ Đốc cũng phải làm việc hết sức mình xuất phát từ tấm lòng biết ơn về mọi điều Chúa đã làm và đã ban cho mình.
5/ II Tê-sa-lô-ni-ca 3:6-15, Phao-lô cũng kêu gọi các tín hữu phải chăm chỉ làm việc nuôi sống chính mình, cố gắng không trở thành gánh nặng của người khác.
Nếu là Cơ Đốc nhân thực sự, chúng ta phải là những người làm việc chăm chỉ, và có tinh thần trách nhiệm cao. Nếu chúng ta lười biếng, thiếu trách nhiệm trong công việc, người khác hiểu sai về đạo Chúa, thì đó là trách nhiệm của chúng ta. Chúng ta không thể đổ lỗi cho bất kỳ ai, nếu chúng ta không sống đúng với Tin Lành như điều Chúa đòi hỏi và khuyên dạy.
Là một người tin Chúa Giê-xu, chúng ta đã trở nên một tạo vật mới, được biến đổi ngày càng giống Chúa hơn, bao gồm cả việc sống có trách nhiệm hơn, chăm chỉ hơn. Hơn ai hết, chúng ta phải là những người yêu công việc, làm việc với tinh thần vui vẻ vì biết rằng chúng ta đang làm việc vì Chúa, là Đấng đã yêu và Cứu Chuộc mình. Sống theo lời Chúa là một lời chứng sống hiệu quả nhất về quyền năng của Tin Lành trên cuộc đời của chúng ta. Người khác phải nhìn thấy Chúa qua chính đời sống của chúng ta.
(Còn tiếp)
Xuân Thủy (HTTLVN.ORG)
————-
[1] “Cần chặt đứt vòi bạch tuộc của tà đạo Đức Chúa trời Mẹ,” VOV – ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM, cập nhật 24/4/2018, truy cập 24/4/2018, https://vov.vn/content/NTYzODg0.vov.
[2] Phil Crowter, Giảng Sách Phi-Líp: Dàn ý Bài Giảng Của Thư Phao-Lô Gửi Cho Người Phi-Líp (NXB Tôn Giáo, 2017), 22–23.
[3] “Nỗi Kinh Sợ Tà Đạo Đức Thánh Chúa Trời: Cơ Quan Chức Năng ở đâu Giữa Ngàn Tiếng Kêu Cứu Tuyệt Vọng Khắp Nơi? – VTC News,” accessed April 24, 2018, https://vtc.vn/noi-kinh-so-ta-dao-duc-thanh-chua-troi-co-quan-chuc-nang-o-dau-giua-ngan-tieng-keu-cuu-tuyet-vong-khap-noi-d394931.html.
[4] “VTV4 Chân Dung Cuộc Sống: Từ bỏ ma túy sau khi tin nhận Chúa Giê-xu,” Trung tâm giải cứu Aquila Center, ngày 7/12/2016, truy cập 24/4/2018, http://aquilacenter.org/vtv4-chan-dung-cuoc-song-tu-bo-ma-tuy-sau-khi-tin-nhan-chua-gie-xu.html; “VTV4: Những cuộc đời được biến đổi (14/11/2016),” Trung tâm giải cứu Aquila Center, 14/11/2016, truy cập ngày 24/4/2018, http://aquilacenter.org/vtv4-nhung-cuoc-doi-duoc-bien-doi-14-11-2016.html.
[5] “90% Người Cai Nghiện Ma Túy Bị Tái Nghiện,” truy cập 24/4/ 2018, http://www.cainghienmatuythanhda.com.vn/38-thong-tin-bao-chi/thong-tin-bao-chi-v-ma-tuy/9022-90-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-cai-nghi%E1%BB%87n-ma-t%C3%BAy-b%E1%BB%8B-t%C3%A1i-nghi%E1%BB%87n.html; VTV BAO DIEN TU, “90% người nghiện ma túy tái nghiện,” BAO DIEN TU VTV, cập nhật ngày 3/5/2017, truy cập vào ngày 24/04/2018, http://vtv.vn/news-20170503110400407.htm; Báo Lao Động Thủ Đô và Báo Lao Động Thủ Đô, “Tỉ lệ tái nghiện vẫn ở mức hơn 90%,” Lao động thủ đô, truy cập vào ngày 24/4/2018 http://laodongthudo.vn/ti-le-tai-nghien-van-o-muc-hon-90-38685.html.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com