Tư Vấn Tiền Hôn Nhân, Một Nhu Cầu Cấp Thiết Cho Giới Trẻ Trong Hội Thánh Hiện Nay [1]
NAN ĐỀ CỦA XÃ HỘI: TỶ LỆ LY HÔN NGÀY CÀNG GIA TĂNG Ở VIỆT NAM LÀ NỖI LO CỦA NHIỀU NGƯỜI
Có thể nói chưa bao giờ tình yêu lại được nói nhiều, ca ngợi nhiều như trong xã hội hiện đại mà chúng ta đang sống, nhưng cũng chưa bao giờ mà tình yêu, hôn nhân lại đổ vỡ, cay đắng nhiều như ngày hôm nay. Không phải ở các nước văn minh, phát triển phương Tây, nhất là ở Mỹ, với tỉ lệ ly hôn lên tới 50 %, mà ngay ở nhưng nước mới thoát nghèo đói, và bắt đầu phát triển như Việt Nam, thì tỉ lệ ly hôn cũng đang gia tăng đến mức báo động.
Theo số liệu thống kê của tòa án thì tỉ lệ ly hôn ở Việt Nam “năm sau cao hơn năm trước”: Năm 2006 cả nước có khoảng 66.000 vụ ly hôn; năm 2007 khoảng 70.000 và năm 2008 có 76.490 vụ. Theo công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Tp Hồ Chí Minh thì tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam chiếm từ 31%-40%, nghĩa là cứ 3 cặp kết hôn thì có 1 cặp chia tay sau 1-3 năm chung sống.[2]Theo Lan Anh, kết quả điều tra quốc gia lần đầu tiên về hôn nhân gia đình được Bộ Văn hóa -Thể thao – Du lịch và UNICEF công bố vào tháng 6 /2008, thì gia đình hiện đại đang đối diện với nhiều nan đề khiến tình hình ly hôn đang có xu hướng tăng mạnh. Nguyên nhân dẫn đến ly hôn là do mâu thuẫn về lối sống (27,7%), ngoại tình (25%), kinh tế (13%), bạo lực gia đình (6,7%), sức khỏe 2,2%), và xa cách lâu ngày (1,3%). Độ tuổi ly hôn, ly thân cao nhất là ở Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.[3]
Theo Trường Sơn, tác giả bài báo có tựa đề “Ly hôn… xanh” đăng trên Báo Phụ nữ số ra ngày 3/11/2009 cho biết: Trong cuộc khảo sát 324 người đã ly hôn gần đây do Trung tâm Tư vấn Giáo dục Tâm lý – Thể chất TP. Hồ Chí Minh thực hiện, đã có hơn 60% gia đình chỉ tồn tại không đến 2 năm và số gia đình chia tay khi chưa đến nỗi phải chia tay lại chiếm đa số, mà các nhà tâm lý gọi đó là “ly hôn …xanh”.[4]
Tình trạng ly hôn, ly thân không chỉ gia tăng ở ngoài xã hội mà ngay trong Hội Thánh Chúa, là điều vốn hiếm thấy trước đây.
Thật vậy, theo thống kê của chúng tôi ở một vài Hội Thánh Tin Lành ở TP. Hồ Chí Minh, đặt biệt là qua công tác tư vấn hôn nhân gia đình của chúng tôi ở Hội Thánh Tin Lành Gia Định trong những năm qua, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ ly hôn và ly thân đang gia tăng đáng ngại. Thí dụ, trong số 35 cặp trong độ tuổi thanh tráng của một Hội Thánh X, có 4 trường hợp ly hôn, (tỷ lệ 11,4%) và 11 trường hợp ly thân (tỷ lệ 31,4%). Tỷ lệ ly thân ở trong Hội Thánh cao hơn tỷ lệ ly hôn cũng là điều dễ hiểu, bởi vì các tín hữu không muốn ly hôn vì sợ vi phạm điều răn cấm mặc dù họ phải tranh chiến, chịu đựng với sự xung đột hôn nhân lâu ngày. Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, một phu nhân mục sư ở một Hội Thánh nọ trong TP. Hồ Chí Minh vốn quan tâm đến vấn đề hôn nhân gia đình đã cho chúng tôi biết: Xung đột hôn nhân và tỷ lệ ly hôn trong Hội Thánh đang gia tăng. Trong năm 2009, trong Hội Thánh của bà không có trường hợp ly hôn nào, nhưng qua những tháng đầu năm 2010, có 2 cặp đã ly hôn và 6 trường hợp xung đột nghiêm trọng.[5] Cho đến nay chưa có con số thống kê chính thức nào về tỷ lệ ly hôn trong Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Nói chung, chúng tôi cảm thấy rất khó khăn trong việc thăm dò, thống kê về tình trạng hôn nhân trong Hội Thánh bởi vì, về phương diện văn hóa và tâm linh, các tín hữu Tin Lành thường muốn che giấu nan đề hôn nhân của mình và không dám nói ra sự thật sợ bị đánh giá này nọ và có mặc cảm phạm tội.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ NGĂN NGỪA HIỆU QUẢ TÌNH TRẠNG LY HÔN NGÀY CÀNG GIA TĂNG? LÀM SAO ĐỂ CHUẨN BỊ CHO MỘT CUỘC HÔN NHÂN BỀN LÂU?
Có lẽ không ai dám phủ nhận tầm quan trọng của hôn nhân, gia đình trong đời sống con người, tuy nhiên hầu như mọi người bước vào hôn nhân mà không có sự chuẩn bị chu đáo. Ngày nay, các bạn trẻ sắp lập gia đình thường tập trung chuẩn bị chu đáo cho lễ cưới thật long trọng, bữa tiệc cưới thịnh soạn, linh đình chứ ít chuẩn bị cho đời sống hôn nhân tương lai của mình. Thực ra, để có thể bước vào đời thành công, ai cũng phải trải qua một thời gian dài để trau dồi học văn hóa, nghề nghiệp chuyên môn. Ngay cả việc nấu ăn, may vá, thêu thùa… người ta cũng phải học. Nhưng trong chuyện hôn nhân gia đình là chuyện quan trọng cả một đời người thì chẳng mấy người bỏ thời gian để học, cũng chẳng có trường lớp nào để dạy dỗ, huấn luyện hầu chuẩn bị cho một cuộc hôn nhân bền vững. Đặc biệt trong xã hội ta ngày xưa, việc hôn nhân do cha mẹ định đoạt “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” nên nam nữ bước vào hôn nhân càng thụ động hơn. Tuy nhiên, cho đến ngày hôm nay, dù chúng ta đang sống trong thời đại văn minh khoa học của xã hội hiện đại, nhưng có thể nói ở Việt Nam chưa có một trường lớp “dự bị hôn nhân” chính thức nào ngoài xã hội hay trong giáo hội ngoại trừ Giáo hội Công giáo. Có thể nói Giáo hội Công giáo đã đi tiên phong trong việc giáo dục tiền hôn nhân ở Việt Nam, bắt đầu từ những thập niên 70 của thế kỷ 20. Theo nữ tu Nguyễn Thị Oanh, Giáo hội Công giáo đã có chương trình Dự bị hôn nhân “sớm nhất và qui củ nhất” và tất cả các tín hữu Công giáo được yêu cầu học lớp giáo lý hôn nhân trước khi được làm lễ thành hôn.[6]
Hiện nay, trong Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (MN) nói chung cũng chưa có chương trình giáo dục tiền hôn nhân chính thức nào cả. Hầu hết các mục sư, truyền đạo trong các Hội Thánh thường chỉ lo cử hành đính hôn, sau đó là lễ cưới cho các thanh niên với chỉ một bài giảng về hôn nhân gia đình trong dịp lễ hỏi, lễ cưới mà thôi. Sau đó, Hội Thánh cũng không có một chương trình đặc biệt nào nhằm theo dõi, giúp đỡ cho các gia đình mới. Dường như mục sư và Hội Thánh không biết gì nhiều về tình trạng hôn nhân của họ kể từ ngày cưới, cho đến một ngày nào thì bất ngờ biết tin họ đã âm thầm ly hôn hoặc ly thân. Trong Hội Thánh có chăng cũng chỉ một vài bài nói chuyện, bài giảng về hôn nhân gia đình trong các Ban Thanh niên, Thanh tráng hay Tráng niên hằng năm, nhưng xem ra cũng chẳng có tác dụng gì nhiều!
Vì thế, để đáp một phần nào nhu cầu tư vấn tiền hôn nhân, hôn nhân cho các bạn trẻ trong Hội Thánh nhằm tích cực ngăn chận tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng trong Hội Thánh cũng như trong xã hội, Hội Thánh Chúa cần phải quan tâm và có hành động thiết thực, cụ thể nào. Ý thức được điều này, trong những năm qua chúng tôi đã soạn và dạy một số bài học về dự bị hôn nhân trong một số Hội Thánh Tin Lành ở thành phố Hồ Chí Minh và nhận được sự đáp ứng tích cực từ các bạn trẻ. Đặc biệt từ năm 2007, ở Hội Thánh Gia Định, Mục sư quản nhiệm Nguyễn Hữu Bình và Ban Trị sự Hội Thánh đã quyết định đã mở một phòng Tư vấn và mời chúng tôi phụ trách và sau đó là lớp dự bị hôn nhân dành cho các bạn trẻ sắp lập gia đình được mở ra và lớp học đó vẫn còn tiếp tục cho đến hôm nay. Do đó, chúng tôi nghĩ đã đến lúc nếu không muốn nói là quá trễ để Hội Thánh cần thiết kế một chương trình tư vấn tiền hôn nhân để phổ cập giáo dục dự bị hôn nhân trong các Hội Thánh Tin lành nhằm giúp các bạn trẻ trong các Hội Thánh bước qua chiếc cầu dẫn vào đời sống hôn nhân. Đó là mục tiêu và tầm quan trọng của dự án nầy.
NHU CẦU CẤP THIẾT CỦA CÔNG TÁC TƯ VẤN TIỀN HÔN NHÂN VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA KẾ HOẠCH PHỔ CẬP GIÁO DỤC DỰ BỊ HÔN NHÂN.
Tư vấn nói chung và tư vấn tiền hôn nhân nói riêng vẫn còn là một vấn đề tương đối mới mẻ đối với đa số người Việt Nam. Sau năm 1975, một số người trí thức ở thành phố Hồ Chí Minh đã có những nỗ lực ban đầu trong việc học hỏi, nghiên cứu về tư vấn tâm lý với sự giúp đỡ của tiến sĩ tâm lý Tô Thị Ánh (một nữ tu Công giáo) và một số tư vấn viên được huấn luyện qua những khóa học về chuyên ngành tư vấn. Khoảng từ năm 1995 trở đi, một vài trung tâm tư vấn về hôn nhân gia đình bắt đầu thành lập trong thành phố, nhưng cũng chưa được dân chúng quan tâm nhiều. Do đặc điểm tâm lý của người Việt, một số người có nan đề thường thích tư vấn qua điện thoại hơn là tư vấn trực tiếp. Cho đến nay mặc dù chính quyền đã ý thức được tầm quan trọng của nhu cầu tư vấn trong xã hội và cũng có những chương trình tư vấn trên đài phát thanh và truyền hình, nhưng vấn đề tư vấn về hôn nhân gia đình, nhất là tư vấn tiền hồn nhân vẫn còn mới mẻ, chưa quen với đại đa số dân chúng. Do tâm lý và văn hóa khép kín của người Việt, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, “tốt khoe, xấu che” nên đa số người Việt Nam không muốn cho người khác biết những nan đề mình đang gặp, đặc biệt là vấn đề hôn nhân, gia đình, cho nên công tác tư vấn gặp nhiều khó khăn và khó phát triển. Cũng có người cho rằng tư vấn là khái niệm của phương Tây và không thích hợp với văn hóa Á đông như Việt Nam. Tuy nhiên, tôi tin rằng dần dần, người Việt Nam sẽ ý thức được nhu cầu và tầm quan trọng của tư vấn, giáo dục tiền hôn nhân và họ sẽ tìm đến để được giúp đỡ.
Thực ra, công tác tư vấn tiền hôn nhân rất cần thiết để ngăn ngừa tình trạng ly hôn và cũng để chuẩn bị tốt cho một cuộc hôn nhân tốt đẹp bền vững. Tuy nhiên, công tác nầy hiện còn đang bỏ ngỏ ở ngoài xã hội cũng như trong Hội Thánh. Người Việt Nam có câu “mất bò mới lo làm chuồng” để nhắc nhở mọi người phải chuẩn bị kẻo rơi vào tình trạng “sự đã rồi”, dù có hối tiếc cũng đã muộn. Cũng vậy, chúng ta đang lo lắng và tìm cách đối phó với những nan đề, đổ vỡ trong hôn nhân như xung đột, ly thân, ly hôn nhưng lại không tích cực chuẩn bị cho thanh niên nam nữ bước vào hôn nhân. Không chuẩn bị là chuẩn bị để thất bại. Đó là điều tất nhiên.
Một số nước tiên tiến trên thế giới từ lâu đã có những chương trình giáo dục tiền hôn nhân. Ở Mỹ, theo Dennis A. Bargarozzi, chương trình giáo dục tiền hôn nhân đầu tiên được thiết lập ở Viện Merrill-Palmer Institude năm 1932 và đến nay đã có khoảng trên 50 tài liệu về chương trình nầy đã được xuất bản.[7]
Như đã đề cập ở trên, điều đáng ghi nhận và hoan nghênh là Giáo hội Công giáo Việt Nam đã nhìn thấy được nhu cầu này rất sớm và đi tiên phong trong việc giáo dục, tư vấn tiền hôn nhân ở Việt Nam. Tuy nhiên chương trình nầy chưa ảnh hưởng mấy đến xã hội Việt Nam, có lẽ vì Giáo hội Công giáo chỉ tập trung vào việc giúp đỡ cho các tín hữu Công giáo mà thôi. Thiết nghĩ đã đến lúc, Hội Thánh Tin Lành sớm xúc tiến công tác nầy như Giáo hội Công giáo để dấy lên phong trào giáo dục, tư vấn tiền hôn nhân trong Hội Thánh Tin Lành Việt Nam và góp phần đối phó hiệu quả với tình trạng ly hôn đang gia tăng hiện nay. Tôi hi vọng Cơ Đốc giáo ở Việt Nam nói chung (Công giáo và Tin lành) sẽ là người đi tiên phong trong lãnh vực tư vấn hôn nhân, tiền hôn nhân như ở Singapore. Thật vậy, Hội Thánh Tin Lành Giám lý đã thiết lập một Trung tâm tư vấn đầu tiên ở Singapore vào năm 1966 và từ đó công tác nầy đã lan rộng trong xã hội Singapore để giúp đỡ cho những người có nan đề. [8] Ngoài ra, một trung tâm ngăn ngừa tự tử ở Singapore có tên S.O.S (Samaritans of Singapore) cũng được các các Cơ Đốc nhân thiết lập từ năm 1969. Tôi ước mơ một ngày nào đó, tại Sài Gòn cũng sẽ có một trung tâm S.O.S (Samaritans of Saigon) như vậy.
Tư vấn tiền hôn nhân là kiểu tư vấn mang tính giáo dục. Vì thế, người viết tập trung biên soạn một giáo trình phù hợp với bối cảnh tâm linh và văn hóa ở Việt Nam. Nội dung giáo trình gồm 3 phần: Trước hết trang bị cho các bạn trẻ quan điểm Cơ Đốc về tình yêu, tính dục, hôn nhân gia đình và lối sống cùng mối quan hệ trong hôn nhân. Thứ hai, dạy cho các bạn trẻ những kiến thức và kỹ năng căn bản để giải quyết xung đột trong hôn nhân. Phần thứ ba giúp họ hiểu và khám phá sức mạnh bản thân để đối phó với những vấn đề liên quan đến tài chính, cũng như vai trò và trách nhiệm trong hôn nhân.
Đối tượng của chương trình tư vấn tiền hôn nhân trước hết dành cho thanh thiếu niên trong Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Chương trình nầy trước hết được thực hiện ở một Hội Thánh địa phương thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó sẽ nhân rộng ra cho các Hội Thánh khác để đáp ứng nhu cầu dự bị hôn nhân cho giới trẻ. Tuy nhiên chương trình nầy cũng hướng đến việc mở rộng cho các bạn trẻ ngoài Hội Thánh như một nỗ lực truyền giáo thông qua việc giáo dục hôn nhân gia đình theo quan điểm Cơ Đốc.
Trịnh Phan
————-
[1] Trích Chương 1 sách Tư vấn Tiền hôn nhân của Mục sư Trịnh Chiến và Bs Lê Hoàng Sơn biên soạn do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Dân tộcTLH xuất bản năm 2017.
[2]. Thùy Dương, “Phổ cập hôn nhân” Báo Phụ Nữ ngày 15,5. 2009, số 36, tr.1-2
[3] . Lan Anh, “Kết hôn muộn, ly dị tăng” Báo Tuổi Trẻ ngày 27.6. 2008, tr. 3.
[4] . Trường Sơn, “Ly hôn …. xanh” Báo Phụ Nữ Tp Hồ Chí Minh ngày 3.11. 2009, tr. 5.
[5]. Phỏng vấn phu nhân mục sư của một Hội Thánh ở Tp Hồ Chí Minh ngày 29 tháng 3 năm 2010
[6] Nguyễn Thị Oanh, 1998. Gia đình Việt Nam thời mở cửa. (NXB Trẻ, Tp Hồ Chí Minh), tr. 24
[7] Dennis A. Bargarozzi, Prematrial conseling, 165, source unknown.
[8] Anthony Yeo, 2008. Bàn tay giúp đỡ (Lan Khuê dịch- Trịnh Chiến hiệu đính) (NXB Trẻ, Tp Hồ Chí Minh), tr.167.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com