Phải làm gì khi vợ chồng bất đồng về cách nuôi dạy con?
Các cặp vợ chồng mới cưới thường đối diện với những khác biệt khá phổ biến, chẳng hạn như bóp ống kém đánh răng từ đáy ống đi lên hay bóp ở đầu ống, hoặc rút giấy vệ sinh theo hướng nào. Trong việc nuôi dạy con cái, vợ chồng cũng gặp phải những mâu thuẫn phổ biến tương tự, chẳng hạn chúng ta nên chọn những sinh hoạt nào và bao nhiêu là đủ? Tụi nhỏ có thể chơi trước khi làm xong những việc vặt chúng phải làm không? Con cái cũng làm việc vặt nữa sao? Phải làm gì khi chúng không ăn hết cơm?
Bất đồng trong cách nuôi con có thể thường xuyên xảy ra. Xét cho cùng, cha mẹ Cơ Đốc nghiêm túc trong việc dạy con sẽ có những phương pháp khác nhau liên quan đến cách dạy con, kỷ luật con và liên quan đến những quyết định cá nhân của mỗi người dành cho con của mình.
Sáu đề nghị
Dưới đây là sáu đề nghị nhằm giúp bạn và người phối ngẫu có thể thống nhất – hoặc hướng đến việc đồng thuận- trong phương cách nuôi dạy con.
1. Tôn trọng nhau
Người cha cần cái nhìn của người mẹ và mẹ cần cái nhìn của người cha. Thường thì luôn có điều gì đó giá trị mà mỗi một chúng ta có thể nghe thấy nếu chúng ta chú ý đến điều người kia quan tâm.
2. Nhận biết Kinh Thánh kêu gọi cả cha lẫn mẹ nuôi dạy con cái
Kinh Thánh nói rằng trưởng lão (tức mỗi người nam) phải cai quản chính gia đình mình cho tốt, dạy con cái biết vâng lời và kính trọng (1 Ti-mô-thê 3:4). Nếu con cái hư hỏng và không vâng lời, lỗi là ở người cha (Tít 1:6). Mặt khác, người mẹ được Chúa giao nhiệm vụ chính là môn đồ hóa và uốn nắn tấm lòng con trẻ. Trong hầu hết gia đình, mẹ là người thường có mặt bên cạnh con (Tít 2:3-4).
3. Chống cự cám dỗ tội lỗi
Cám dỗ tội lỗi phổ biến nhất đối với người nam là từ bỏ vai trò lãnh đạo trong gia đình. Có lẽ là vì anh ta không biết phải làm gì, hoặc vì anh ta cảm thấy vợ mình là “chuyên gia” trong việc nuôi dạy con. Đồng thời, người vợ cũng thường giành quyền kiểm soát và đẩy vai trò lãnh đạo cũng như ảnh hưởng của chồng qua một bên một cách tinh vi. Dù người cha vẫn chơi với con, nhưng những quyết định gay go liên quan đến việc nuôi dạy con và đề ra cách giải quyết đều ở người mẹ. Ngược lại, một số ít ông bố có thể bị cám dỗ quá độc đoán, còn mẹ thì thụ động.
Tôi muốn khuyên những người mẹ rằng bạn cần cái nhìn của anh ấy (xem #1), vì Đức Chúa Trời xem anh ấy là chủ gia đình (xem #2). Còn những người cha, quý vị là người chịu trách nhiệm cuối cùng trước mặt Chúa trong việc dẫn dắt gia đình; vì vậy, phải thận trọng.
4. Cùng nhau tìm ra cách nuôi dạy con.
Điều quan trọng là cả vợ chồng cùng học hỏi và bàn luận với nhau. Điều nầy sẽ giúp các bạn quyết định dựa trên một hiểu biết chung. Cùng nhau học tập không bao giờ là vô ích cả! Cám dỗ tội lỗi đối với người làm cha thụ động có thể bắt đầu từ việc không học hỏi chung với vợ, khiến vợ biết nhiều hơn, dẫn tới việc người chồng cảm thấy bản thân mình yếu kém.
5. Tỏ ra nhất trí trước mặt con cái.
Cố gắng đừng tỏ ra bất đồng trước mặt con cái. Hãy cứ đồng ý với quyết định của người kia trước mặt con; rồi nếu cần thì tìm cơ hội thảo luận lại sau.
6. Nhận định mức độ của những bất đồng và hành động thích hợp.
Kinh Thánh kêu gọi vợ thuận phục vai trò lãnh đạo của chồng, và bảo chồng phải yêu thương vợ qua việc tìm cách để hiểu nàng. Cách thực hành những mạng lịnh nầy trong cuộc sống đòi hỏi sự khéo léo. Vợ chồng xử lý bất đồng theo cách nào? Sau đây là những gợi ý nhằm áp dụng cho các vấn đề từ nhỏ tới lớn:
a. Bỏ qua. Đối với những vấn đề nhỏ, có lẽ bạn chỉ cần “bỏ qua.” Bạn có thể tỏ ra quan tâm, nhưng do có biết bao việc phải quyết định mà thời gian lại có hạn, cho nên có một số vấn đề cần giao cho người kia quyết định. Và đối với những quyết định hằng ngày liên quan đến chuyện con cái thì thường là việc của người mẹ. Riêng đối với các ông, cần thận trọng đừng quản lý vợ mình quá mức cần thiết. Còn các bà mẹ sợ bị quản lý thì nên cho qua những quyết định dễ khiến mình căng thẳng.
b. Bàn bạc bất đồng trong phòng riêng. Tôi đã đề cập điều nầy ở mục #4, nhưng có một số quyết định cấp bách thì có thể cần phải bàn bạc riêng. Bạn có thể cần phải tạm gác một vấn đề gây tranh cãi để thảo luận sau.
c. Bàn bạc sau. Một buổi tối đi uống cà phê là cơ hội tốt để đưa ra những vấn đề lớn cần sự thông hiểu cùng mối quan tâm của người phối ngẫu. Hẹn nhau đi uống cà phê là thời gian vô giá suốt những tháng năm chúng tôi nuôi dạy các con.
d. Cầu nguyện chung hoặc riêng cho vấn đề đó. Một số quyết định quan trọng mà bạn đang bất đồng sẽ không còn, khi các bạn cùng cầu nguyện xin Chúa ban sự khôn ngoan như Ngài đã hứa (Gia-cơ 1:5-6).
e. Tìm lời khuyên cá nhân. Trao đổi mọi thắc mắc với những bậc làm cha mẹ và mục sư dày dạn kinh nghiệm. Hãy lắng nghe những ý kiến có thể là bạn không nghĩ tới. Sự khiêm tốn sẽ thúc giục chúng ta tìm kiếm sự hiểu biết mà bản thân mình không nhận ra.
f. Tìm lời khuyên nghiêm túc. Đối với vài vấn đề cực kỳ quan trọng, có thể sự bất đồng quá lớn khiến cả vợ lẫn chồng đều không “chịu thua”. Trong trường hợp nầy, tìm lời khuyên từ những người có chuyên môn là điều hữu ích. I Cô-rinh-tô 6 bảo chúng ta phải trao những tranh cãi cho người tư vấn khôn ngoan xét xử. Trong một Hội thánh lành mạnh, vợ chồng có thể trình sự bất đồng của mình trước mặt một hoặc hai mục sư rồi cứ làm theo lời cố vấn của họ.
Cần nhớ, bất đồng trong việc nuôi dạy con là chuyện không thể tránh được. Đừng để phải chia rẽ nhau vì chuyện này.
Khue Tran dịch
Link nguồn https://www.crosswalk.com/family/parenting/when-you-don-t-agree-with-your-spouse-on-child-rearing.html
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com