Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

Sự Ngã Lòng Trong Kinh Thánh


             Kính thưa quý độc giả,
             Chúng ta đang ở Chương 6 với Chương Đề “Sự Tự Nhủ và Chứng Suy Nhược Thần Kinh hay Bệnh Trầm Cảm” trong quyển sách YOU ARE WHAT YOU THINK, tạm dịch là NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Tuần qua chúng ta đã làm một cuộc trắc nghiệm ngắn giúp chúng ta nhận ra mình đang ở đâu trong mối tương quan với sự suy nhược thần kinh.
             Nếu các câu trả lời là “đôi lúc” hoặc “thường xuyên hay luôn luôn” thì chúng ta cần chú ý đến mức độ suy nhược thần kinh của bản thân mình. Với số điểm từ:
0-5Không có vấn đề về suy nhược thần kinh
6-10Suy nhược thần kinh nhẹ
11-15Suy nhược thần kinh vừa phải
16-20Suy nhược thần kinh trầm trọng
21-30Suy nhược thần kinh cùng cực
             Nếu điểm của bạn là 11 trở lên, bạn cần tìm kiếm một sự điều trị chuyên môn nào đó cho sự suy nhược thần kinh của mình. Nếu bạn có đôi khi hoặc thường xuyên nghĩ bạn “có ý tưởng muốn tự sát” và “ước gì mình có thể chết đi”, thì khuynh hướng tự tử của bạn đã trầm trọng đến mức bạn phải khẩn cấp tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn ngay lập tức. Vấn đề không phải chỉ là những ý tưởng tự tử bạn đang nhận diện, nhưng những ý tưởng đó cũng là những dấu hiệu chính yếu cho thấy những cảm giác vô vọng của bạn đã trở nên nghiêm trọng biết bao. Chính tình trạng tuyệt vọng này là điều cần được chữa trị.
             Nếu bạn thấy mình thường xuyên “lo lắng về những nan đề thuộc thể”, thì bạn phải hỏi ý kiến bác sĩ của mình. Sự suy nhược thần kinh có thể gây nên một số triệu chứng về thể chất, nhưng các vấn đề về thể chất có thể đang cho thấy một căn bệnh có thể điều trị được vốn có một trong các triệu chứng của nó là cảm giác suy nhược thần kinh.
             Đối với một số loại suy nhược thần kinh thì điều cần phải làm là tập trung chính yếu vào việc điều trị. Ví dụ như, một số chứng suy nhược thần kinh hay trầm cảm có tính di truyền. Nếu bố hay mẹ, hoặc cả bố lẫn mẹ hay hai bên nội ngoại như ông bà, cô, dì, chú, bác đã có người từng tranh chiến với chứng suy nhược thần kinh hay bệnh trầm cảm, thì chúng ta cần được điều trị bằng thuốc men. Ngược lại, chúng ta cần chú ý những sự thay đổi trong tính chất hóa học của não bộ hay nỗi tuyệt vọng về mặt cảm xúc.
             Tuần qua chúng ta đã nghe về cuộc thí nghiệm của Tiến Sĩ Aaron Beck, một trong những nhà lý luận gần đây chủ trương phép điều trị sự suy nhược thần kinh bằng cách thay đổi sự Tự-Nhủ của người bệnh. Trong hai nhóm bệnh nhân có mức độ suy nhược thần kinh như nhau thì một nhóm được điều trị trong mười hai tuần lễ với một loại thuốc giúp hó chống lại chứng suy nhược thần kinh hay bệnh trầm cảm; nhóm kia được điều trị trong mười hai tuần với liệu pháp chỉ tập trung vào sự Tự-Nhủ của họ mà thôi. Nhóm thứ nhì này không dùng thuốc men gì cả. Kết quả cuộc thí nghiệm của Tiến Sĩ Aaron Beck đã cho thấy điều gì?
             Kính thưa quý độc giả,
             Vào cuối mười hai tuần lễ, những kết quả hoàn toàn bất ngờ, đặc biệt là trong việc cho thấy số lượng khác biệt đáng kể giữa hai nhóm này. Trong nhóm thứ nhất là nhóm chỉ dùng thuốc thì có khoảng 20% cho thấy sự phục hồi hoàn toàn và gần 33% số bệnh nhân trong nhóm bỏ cuộc trước khi hoàn tất mười hai tuần lễ này. Trong nhóm thứ hai, tức là các bệnh nhân chỉ làm việc dựa trên sự Tự-Nhủ của họ, trên 75% cho thấy sự phục hồi trọn vẹn và chỉ 10% của nhóm thì hoặc là bỏ cuộc hoặc là không có sự tiến triển nào. Trong khi tiếp tục theo dõi những người tham gia suốt một năm sau đó, các kết quả ghi nhận vào cuối mười hai tuần lễ được duy trì bởi cả hai nhóm. Thuốc men đã giúp ích, và trong một số trường hợp thì hoàn toàn cần thiết, nhưng chỉ dùng thuốc men thôi thì đã không giúp ích được nhiều so với thái độ của người được chữa trị. Thái độ của bệnh nhân là tất cả, hay ít ra, trong trường hợp của sự suy nhược thần kinh, gần như là tất cả!
             Sự Ngã Lòng trong Kinh Thánh
             Kính thưa quý độc giả,
             Trong chương 2 chúng ta đã xem xét sự miêu tả của Giê-rê-mi về tình trạng ngã lòng của ông trong Ca-thương 3:1-20. Một trong những sự miêu tả Kinh Thánh dùng cho sự ngã lòng là sờn ngã hay nao sờn, hao mòn. Trong câu 20, sau khi Giê-rê-mi đã kể lể mọi điều kinh khiếp ông đã trải qua, ông kết thúc bằng câu, “Hồn ta … hao mòn trong ta.”
             Gốc của từ Hy-bá-lai được dùng ở đây tương tự với từ được dùng trong Thi-thiên 42:5, nơi mà tác giả thi-thiên hỏi, “Hỡi linh hồn ta, vì sao ngươi sờn ngã và bồn chồn trong mình ta?”
             Đây là điệp khúc ông lặp lại lần nữa trong câu 11, và rồi một lần nữa trong Thi-thiên 43:5. Ý nghĩa gốc của từ Hy-bá-lai này là “chìm xuống” hay “làm ngã lòng.” Trong mỗi nơi nhắc đến, tác giả đang nói về sự ngã lòng. Và như Giê-rê-mi làm trong Ca-thương 3:21, tác giả Thi-thiên trả lời câu hỏi vì sao do chính mình nêu ra bằng cách thay đổi sự tập trung của ông, sự Tự-Nhủ của ông. Ông nói với chính mình trong Thi-thiên 42:5 rằng, hãy:
             Trông cậy nơi Đức Chúa Trời; ta sẽ còn ngợi khen Ngài nữa.
             Vì nhờ mặt Ngài, bèn được cứu rỗi.
             Rõ ràng, Giê-rê-mi và tác giả Thi-Thiên không phải là những nhân vật duy nhất trong Thánh Kinh đã tranh chiến với sự ngã lòng. Vua Sau-lơ đã đau khổ vì một sự ngã lòng lớn lao trong hầu hết cuộc đời trưởng thành của người. Sự ngã lòng của người bắt đầu khi Đức Chúa Trời cất việc xức dầu khỏi người với tư cách là vị vua được xức dầu của Đức Chúa Trời. I Sa-mu-ên 16:14 đánh dấu sự khởi đầu tình trạng ngã lòng của Sau-lơ: “Thần của Đức Giê-hô-va lìa khỏi Sau-lơ, Đức Giê-hô-va bèn khiến một ác thần khuấy khuất người.”
             Đây là một đoạn kinh văn khó giải nghĩa. Chúng ta thật khó mà hiểu được Đức Chúa Trời có thể khuấy khuất Sau-lơ ra sao bởi một “ác thần.” Cụm từ này cũng có thể được dịch là “một thần dữ” hoặc “một thần gây đau buồn, khốn khổ.” Nhiều lần khi chúng ta thấy từ ngữ đau buồn, khốn khổ trong Cựu Ước, nó chứa đựng ý nghĩa của “sự ngã lòng.” Chẳng hạn như, chúng ta thấy điều này trong việc Giô-sép đặt tên cho con trai thứ nhì của ông là Ép-ra-im, có nghĩa là “Đức Chúa Trời làm cho ta được hưng vượng trong xứ mà ta bị khốn khổ” (Sáng 41:52) hay “trong xứ của sự ngã lòng ta.” Giô-sép hẳn đã kinh nghiệm sự tuyệt vọng và ngã lòng, đặc biệt là khi ông trải qua 13 năm trong tù do bị kết tội cách bất công.
             Chúng ta cũng kinh nghiệm sự ngã lòng như một sự tấn công từ kẻ thù của linh hồn mình. Trong trường hợp của Sau-lơ, đoạn kinh văn trên cũng có thể hàm ý rằng một ác thần áp bức đã tấn công người. Rõ ràng, có những nguyên nhân thuộc linh cho sự ngã lòng. Khi chúng ta phạm tội, như Sau-lơ đã phạm trong việc bất tuân, chúng ta có thể từng trải sự ngã lòng. Khi có tội lỗi trong đời sống mình, chúng ta chắc chắn mở ngõ cho kẻ thù và những sự tấn công của hắn vào tấm lòng và tâm trí của mình. Chúng ta đã nhận thấy rằng những vũ khí trong chiến trận thuộc linh của chúng ta là những vũ khí của tâm trí và những ý tưởng của chúng ta (xin xem 2 Cô-rinh-tô 10:3-6).
             Trong cả hai trường hợp của Sau-lơ lẫn của Giô-sép, sự ngã lòng của họ có liên hệ trực tiếp tới những biến cố bên ngoài đang diễn ra trong đời sống họ và tới sự đối thoại bên trong họ, hay sự Tự-Nhủ về những biến cố đó. Sau-lơ bị ngã lòng bởi vì Đức Chúa Trời đã cất việc xức dầu của Ngài khỏi người với tư cách là vua. Giô-sép bị ngã lòng bởi vì ông đã từng bị mọi người trong đời sống ông bỏ rơi và phải ngồi tù trong một xứ xa lạ trong tình trạng bị cáo buộc cách bất công. Chúng ta có thể hiểu sự ngã lòng của họ, vì có một điều gì đó đặc trưng chúng ta có thể chỉ ra như một biến cố chấn thương chính yếu trong đời sống họ. Khi chúng ta có thể trực tiếp nối kết những cảm giác ngã lòng của chính mình với một biến cố bất công, đau đớn, gây tổn thương nào đó trong đời sống, ít ra chúng ta có thể hiểu được vì sao chúng ta cảm thấy ngã lòng. Nhưng sự ngã lòng không phải lúc nào cũng hợp lý hay lô-gíc như thế.
             Kính thưa quý độc giả,
             Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Tuần tới chúng ta sẽ tiếp tục nghe thêm về sự ngã lòng và sự tự nhủ của Tiên tri Ê-li trong Kinh Thánh. Điều gì đã làm cho tiên tri Ê-li bị ngã lòng sau khi chính mắt ông đã chứng kiến quyền phép của Chúa trước tà thần? Điều gì làm nổi bật lên những cảm xúc tuyệt vọng và sợ hãi trong Ê-li? Chúng tôi ước mong quý thính giả sẽ tiếp tục lắng nghe tiết mục đọc sách hàng tuần để chúng ta cùng nhau sánh bước trên hành trình tìm hiểu bản thân, học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 
Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhhyvong.com

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!