16. Giáo hội Tin Lành Mennonite

Ai thành lập Giáo Hội Tin Lành Mennonite?

Trong thời cải chánh giáo hội của Martin Luther và Ulrich Zwingli hồi thế kỷ XVI. Vào khoảng năm 1520, ở Thụy sĩ, Hà Lan, Áo và Miền Nam nước Đức có một nhóm Cơ đốc nhân theo phe cải chánh nổi lên chống đối việc làm báp-têm cho trẻ sơ sinh. Họ cho rằng việc làm báp-têm ghi trong Kinh Thánh Tân Ước đều là cho người lớn, và Hội thánh sơ khai chỉ làm báp-têm cho người lớn mà thôi. Nên nhóm tín hữu này tách rời khỏi Giáo Hội Cải Chánh, để thành lập một nhóm riêng biệt lấy tên là “Anabaptists”. Anabaptists có nghĩa là làm báp-têm lại. Nhóm này bắt buộc những tín hữu đã được giáo hội làm báp-têm hồi mới sinh ra phải làm báp-têm lại ở tuổi trưởng thành, sau khi đã tuyên xưng đức tin mình nơi Cứu Chúa Giê-xu Christ. Giáo Hội Công Giáo La Mã, Martin Luther và John Calvin coi nhóm Anabaptists là tà giáo nên đã thẳng tay đàn áp. Cuộc đàn áp này kéo dài từ năm 1535 cho đến năm 1600, làm cho một vạn tín hữu Anabaptists phải tuận đạo. Đến năm 1536, Linh mục Menno Simons nhận thấy niềm tin của tín hữu Anabaptists đúng với lời Chúa dạy, nên đã rời bỏ Giáo Hội Công Giáo La Mã, rồi gia nhập nhóm Anabaptists. Chẳng bao lâu, Menno Simons trở thành thủ lãnh đáng yêu chuộng của nhóm này. Menno Simons qua đời năm 1561, hưởng thọ được 65 tuổi. Menno Simons có ảnh hưởng rộng lớn với nhóm Anabaptists, vì ông đã không ngại hiểm nguy cho chính bản thân mình mà đã dám ăn dám nói để binh vực niềm tin của nhóm Anabaptists để họ khỏi bị nhóm đối lập tiêu diệt. Nhóm tín hữu Anabaptists rất hãnh diện cho mình là ‘người của Menno’. ‘Người của Menno’ theo Anh ngữ gọi là ‘Mennonite’. Khi nhóm Anabaptists trở thành một Giáo Hội thì họ đặt tên Giáo Hội mình là Mennonite, là danh hiệu bắt nguồn từ tên Menno của người lãnh đạo. Tiếng Việt gọi Giáo Hội Tin Lành này là Mê-nô-nít. 
Tín hữu Mennonite tin rằng cá nhân tín hữu có thẩm quyền giải nghĩa Kinh Thánh theo lương tâm mình cho là phải. Giáo Hội Mennonite chống đối việc làm báp-têm cho trẻ sơ sinh. Giáo Hội chỉ làm báp-têm cho người lớn và trẻ em có trí khôn, sau khi đã tuyên xưng đức tin nơi Đức Chúa Giê-xu Christ. Giáo Hội Mennonite cử hành lễ Tiệc Thánh để tưởng nhớ đến sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giê-xu Christ trên thập tự giá và lễ Rửa Chân (Foot Washing) để nhớ lại lời dạy của Chúa là môn đệ của Ngài phải sẳn lòng phục vụ lẫn nhau và tha nhân. Giáo Hội Mennonite ủng hộ chánh sách tôn giáo tách rời với nhà nước. Tín hữu Mennonite tôn trọng luật pháp của quốc gia nhưng không chịu đầu quân cầm súng chiến đấu. Không chịu tuyên thệ trước tòa án và không chấp nhận giữ các chức vụ trong chánh quyền. Tín hữu Mennonite chủ trương sống và ăn mặc đơn giản. 
Riêng, Cộng Đồng Amish Mennonite, có khoảng 200.000 người, đa số ở bang Ohio, Pennsylvania và Indiana. Nhóm người Amish này sống tách biệt với văn minh, tự may mặc theo lối cổ xưa và sống cô lập với thế giới bên ngoài. Họ dùng ngựa để cày ruộng và dùng xe ngựa để làm phương tiện di chuyển. Trong cuộc sống hằng ngày, họ không dùng các phương tiện tân tiến hiện đại như  xe hơi, ti-vi, tủ lạnh, điện  thoại, máy vi tính… 
Đến cuối thế kỷ XVI, cuộc bắt bớ và sát hại tín hữu Mennonite ở Hà Lan được hoàn toàn chấm dứt, nhưng tín hữu Mennonite ở Thụy Sĩ vẫn còn bị bắt bớ cho đến cuối thế kỷ XVIII. Trong thời gian bị bắt bớ này, họ phải chạy trốn qua Rhineland, Hà Lan, Đông Âu và Pennsylvania, Hoa Kỳ. Vào giữa bán thế kỷ XIX, tín hữu Mennonite ở Thụy sĩ  và Đức qua định cư ở bang Ohio và các tiểu bang nằm về hướng tây của Ohio cho đến bang Missouri. Sau cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ, tín hữu Mennonite từ Nga qua định cư ở bang Kansas, Nebraska và South Dakota, Hoa Kỳ. Sau thế chiến thứ nhất, tín hữu Mennonite từ Nga qua định cư ở tỉnh Saskatchewan, Gia-nã-đại. Sau đệ nhị thế chiến, nhiều tín hữu Mennonite từ Âu Châu định cư ở Mễ Tây Cơ, Paraguay và Ba Tây. 
Đến năm 1980, Giáo Hội Mennonite gồm có 17 hệ phái như: Amish Mennonites, Mennonite Church or Old Mennonites,  General Conference Mennonite Church…
Sau hiệp định Genève năm 1954, Hội Đồng Trung  Ương Mennonite (Mennonite Central Committee) ở Lancaster, Pensylvania, Hoa Kỳ, gởi một số giáo sĩ đến hoạt động ở Miền Nam Việt Nam để giúp đỡ số dân di cư từ Miền Bắc vào định cư ở Miền Nam Việt Nam.
Năm 1957, Ủy Ban Truyền Giáo Mennonite Đông Phương gởi Ông bà Giáo sĩ James và Arlene Stauffer đến Sài Gòn để rao giảng Tin Lành cứu rỗi của Đức Chúa Giê-xu cho đồng bào Việt Nam. Đến năm 1961, Giáo Hội Mennonite đã tạo dựng một cơ sở đối diện với Bệnh Viện Bình Dân ở Sài Gòn để làm nơi cho tín hữu nhóm lại thờ phượng Chúa. Nơi này cũng có một thư viện và một lớp dạy Anh ngữ cho sinh viên và học sinh Việt Nam. Vào năm 1970, Giáo Hội Mennonite đã thành lập được một Hội thánh ở Gia định do Mục sư Trần Xuân Quang quản nhiệm.
Kể từ năm 1954 cho đến năm 1960, các giáo sĩ Mennonite đã hợp tác chặt chẽ với Hội Thánh Tin Lành Việt Nam để xây cất và điều hành Chẩn Y Viện Tin Lành Pleiku và Hòn Chồng Nha Trang.
Năm 1964, chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa thừa nhận Giáo Hội Tin Lành Mennonite là một tổ chức tôn giáo hợp pháp hoạt động trên toàn lãnh thổ Miền Nam Việt Nam.
Năm 1966, Giáo Hội Mennonite thành lập cơ quan Xã hội Tin Lành dưới sự bảo trợ của Church World Service và Lutheran World Relief, nên có một số chuyên viên từ Mỹ, Gia-nã-đại, Nhật bản, Thụy sĩ và Ấn độ đến Việt Nam để giúp nước này về mặt xã hội, giáo dục, y tế và nông nghiệp ở những vùng như  Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Pleiku, Di Linh, Huế và Sài Gòn.
Năm 1973, Hội Thánh Tin Lành Mennonite ở Việt Nam có khoảng 1.100  tín hữu. Nhóm tín hữu này hiệp lại thành lập giáo hội mang tên là Giáo Hội Tin Lành Mê-nô-nít.
Sau biến cố 1975, chánh quyền  tịch thâu hết tài sản của Giáo Hội Tin Lành Mê-nô-nít làm cho tín hữu phải  nhóm lại ở các Hội thánh bạn như Hội Thánh Tin Lành Việt Nam và các Hội Thánh Báp-tít hay tại tư gia của tín hữu.
Năm 1990, Giáo Hội Mennonite Hoa Kỳ đã trở lại Việt Nam mở một văn phòng ở Hà Nội để tìm cách giúp đỡ Việt Nam một lần nữa.
Đến năm 2005, Giáo Hội Mennonite có mặt ở 65 quốc gia trên thế giới với tổng số tín hữu là 1.300.000 người. Riêng ở Hoa Kỳ có khoảng 323.000 tín hữu và Gia Nã Đại có khoảng 127.000 tín hữu.
Nguồn: cdnvn.com


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!