Cơ đốc Phục lâm (Phúc Âm đời đời)

CƠ ĐỐC PHỤC LÂM (PHÚC ÂM ĐỜI ĐỜI) 

LỊCH SỬ 
Dù Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm (CĐPL) chỉ chính thức thành lập với Đại Hội Đồng lần thứ nhất của họ vào năm 1863, nhưng nguồn gốc thì có thể bắt đầu trước đó mấy mươi năm. Năm 1818, qua nghiên cứu sách Đa-ni-ên chương 8 và 9, một người Mỹ tên là William Miller (1782-1849) đã tính toán rằng Đấng Christ sẽ tái lâm vào khoảng từ 21 tháng 3 năm 1843 đến 21 tháng 3 năm 1844. Cụ thể Đa-ni-ên 8:14 chép rằng:“Cho đến hai ngàn ba trăm buổi chiều và buổi mai; sau đó nơi thánh sẽ được thanh sạch”. 
Phần lớn các nhà giải kinh đều hiểu “buổi chiều và buổi mai” là chỉ về thời gian 24 tiếng đồng hồ theo nghĩa đen, và thấy rằng lời tiên tri này đã được ứng nghiệm khi Judas Maccabe tái cung hiến bàn thờ của Chúa vào năm 165 TC. Tuy nhiên, Miller lại hiểu cụm từ này là “năm”, vì vậy ông tin rằng Đấng Christ sẽ tái lâm 2300 năm sau lời tiên tri của Đa-ni-ên – tức là vào năm 1843 hoặc 1844 gì đó. Một môn đồ của Miller sau đó điều chỉnh lại thành ngày 22 tháng 10 năm 1844. Khoảng 100 ngàn người đã tin theo lời dạy dỗ của Miller cho rằng Đấng Christ sắp tái lâm.
Khi Đấng Christ không tái lâm vào ngày 22 tháng 10 năm 1844 thì có một “sự thất vọng lớn”. Thế nhưng sáng hôm sau đó, Hiram Edson (1806-82) lại có một “khải tượng” giải thích rằng Miller và những người theo ông ta không tính sai ngày tháng, mà sai về sự kiện. Theo “khải tượng” mà Edson nhận được thì Chúa Giê-xu  không tái lâm thế gian mà là vào đền thánh trên trời – Nơi Chí Thánh trên trời – để bắt đầu chức vụ Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của Ngài ở đó.Vài tháng sau, đầu năm 1845, một vị thuyền trưởng về hưu có tên là Joseph Bates (1792-1872) thông qua quá trình nghiên cứu đã đi đến kết luận là Cơ đốc nhân phải thờ phượng vào ngày thứ bảy mới chính xác. Năm 1846, ông xuất bản một tập sách 48 trang tóm tắt niềm tin của mình với nội dung ngày thứ bảy mới thật sự là ngày Sa bát.
Tuy nhiên, chính bà Ellen White (1827-1915) mới có tiếng nói quan trọng nhất. Năm 1844, bà bắt đầu có “khải tượng” xác nhận sự dạy dỗ của Edson và Bates, đồng thời cũng thêm vào nhiều giáo lý mới mà sau này giáo hội CĐPL tiếp nhận. Bà nhanh chóng được thừa nhận là nhà lãnh đạo tinh thần và nữ tiên tri của giáo hội CĐPL, được chính thức thành lập năm 1863 trong phiên Đại Hội Đồng thứ nhất của họ. Bà đã viết nhiều sách, và lãnh đạo giáo hội CĐPL trong hơn 70 năm.
Vào ngày chính thức thành lập vào năm 1863, Giáo hội CĐPL có 3500 tín đồ. Đến năm 1900, số tín đồ lên đến 75000; rồi hơn 1,5 triệu vào giữa thập niên 1960; và hiện nay trên dưới 10 triệu trên khắp thế giới. Trong số này chỉ có 12% tín đồ là ở Bắc Mỹ – khoảng 30% ở Phi Châu, 40% ở Trung Mỹ, Nam Mỹ và vùng Caribe.
Dù CĐPL có nhiều tín lý hoàn toàn chính thống – như giáo lý Ba Ngôi và thần tánh của Đấng Christ – nhưng họ cũng có một số tín điều đi lệch khỏi Tin lành thuần túy – như giáo lý ngày Sa bát, giáo lý chuộc tội, quan điểm công nhận bà Ellen White là nữ tiên tri được thần cảm, và giáo lý về Hội Thánh còn sót lại. Bây giờ chúng ta sẽ xét một số giáo lý này:
Ngày thứ bảy Sa bát.
Ellen White mô tả “khải tượng” của bà về vị trí của ngày thứ bảy Sa bát như sau:
“Tôi đã được cất lên trời và chỉ cho thấy nơi thánh và cấu trúc của nó. Chúa Giê-xu đã mở nắp hòm giao ước, và tôi thấy những bảng đá trên đó có viết Mười Điều Răn. Tôi kinh ngạc khi thấy Điều Răn thứ Tư nằm ngay giữ mười điều răn, với một vầng hào quang bao quanh nó”.
Qua câu trích dẫn này, chúng ta thấy rằng Giáo hội CĐPL xem Điều Răn thứ tư quan trọng hơn 9 điều răn kia. Điều này được xác nhận bởi điều 6 trong bản tuyên ngôn 13 tín điều mà người nào chịu báp tem của Giáo hội CĐPL đều phải tuyên xưng:
“Tôi tin nhận Mười Điều Răn là vẫn còn tính bắt buộc đối với Cơ đốc nhân, và mục đích của tôi là, bởi quyền năng của Đấng Christ ngự trong lòng, sẽ vâng giữ luật pháp này, kể cả điều răn thứ tư, là điều đòi hỏi phải giữ ngày thứ bảy trong tuần làm ngày Sa bát của Chúa”.
Ellen White còn đi xa hơn việc nâng điều răn thứ tư cao hơn các điều răn khác. Bà tuyên bố rằng việc vâng giữ ngày Sa bát chính là “ấn của Đức Chúa Trời”:
“Những kẻ thù của luật pháp Đức Chúa Trời, từ các mục sư truyền đạo cho đến những người nhỏ nhất, đều có một quan điểm mới về lẽ thật và nhiệm vụ. Họ nhận ra quá trễ rằng ngày Sa bát của điều răn thứ tư chính là ấn của Đức Chúa Trời hằng sống” (Đại Tranh Biện, tr. 640).
Trong Khải Huyền 9:4 có chép rằng những ai không có ấn của Đức Chúa Trời thì sẽ bị ném vào lò lửa hừng của Hố Sâu – hỏa ngục. Vì thế, sự dạy dỗ của bà Ellen White mặc định rằng tất cả những ai không tin theo giáo thuyết ngày thứ bảy Sa bát đều sẽ bị hư mất đời đời. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng dù đó là giáo lý ban đầu của Giáo hội CĐPL, nhưng nhiều tín đồ ngày nay không theo quan điểm cực đoan này, bất chấp sự dạy dỗ của các lãnh tụ tinh thần và nữ tiên tri của họ.
Kinh Thánh Nói Gì…
Nền tảng của giáo thuyết ngày thứ bảy Sa bát của Giáo hội CĐPL xuất phát từ Mười Điều Răn. Mười Điều Răn là một phần của Luật Pháp được ban qua trung gian của Môi-se cho dân Y-sơ-ra-ên vốn được Đức Chúa Trời giải cứu khỏi vòng nô lệ của Ai cập. Phục Truyền 5:3 nói rõ rằng Luật Pháp được ban cho dân Y-sơ-ra-ên chớ không phải cho cả nhân loại. Vì lý do đó, Luật Pháp không chỉ bao gồm những điều dạy dỗ về tinh thần và đạo đức (như “Trước mặt Ta ngươi chớ có các thần khác” và “Ngươi chớ giết người”) mà còn có những huấn thị về chính trị và tổ chức xã hội nữa. Ngoài ra, cũng có nhiều giáo nghi được mô tả trong Luật Pháp.
Khi Giáo hội CĐPL nói đến Luật Pháp, ý họ thường chỉ nói đến Mười Điều Răn (hoặc có khi chỉ có Điều Răn thứ Tư). Họ loại ra ngoài những luật nghi lễ và chính trị. Tuy nhiên, Kinh Thánh không hề có sự phân biệt như vậy. Khi Kinh Thánh nói đến Luật Pháp, thì đó là toàn bộ Luật Pháp – do đó nếu Giáo hội CĐPL thật sự muốn giữ Luật Pháp thì phải giữ hết cả các điều luật nghi lễ và chính trị nữa.
Dù Giáo hội CĐPL tôn cao Điều Răn thứ tư, nhưng họ vẫn không giữ điều răn này theo đúng đòi hỏi của Cựu Ước. Nếu muốn giữ đúng thì họ phải:
- Tử hình tất cả những ai làm việc trong ngày Sa bát (Xuất Ê-díp-tô ký 31:14-17).
- Không được đốt lửa trong ngày Sa bát (Xuất 31:14-17).
- Dâng một của lễ thiêu mỗi ngày Sa bát (Dân số 28:9,10). 
Điều Răn thứ tư là điều răn duy nhất không được xác nhận trong sự dạy dỗ của Tân Ước. Thật ra, một số câu Kinh Thánh cho thấy việc vâng giữ ngày Sa bát là vấn đề lương tâm của mỗi tín hữu, chớ không phải là cái để vâng giữ một cách giáo điều: 

“Người nầy tưởng ngày nầy hơn ngày khác, kẻ kia tưởng mọi ngày đều bằng nhau: ai nấy hãy tin chắc ở trí mình. Kẻ giữ ngày là giữ vì Chúa…” (Rô-ma 14:5,6).
“Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày trăng mới, hoặc ngày Sa bát, ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ” (Cô-lô-se 2:16,17).
Trong Tân Ước, chỉ có một lần đề cập đến việc giữ ngày Sa bát, đó là trong Hê-bơ-rơ 4:4-10. Tuy nhiên khúc Kinh Thánh này nói về sự yên nghỉ ngày Sa bát dành cho mọi Cơ đốc nhân trên thiên đàng, chớ không nói đến việc giữ ngày Sa bát ở dưới đất này.
Chuộc Tội.
Dù Giáo hội CĐPL được mọi người biết đến nhiều nhất qua giáo lý ngày thứ bảy Sa bát, nhưng tín lý chuộc tội của họ có lẽ mới chính là điều nghiêm trọng nhất. Nếu họ muốn thờ phượng ngày thứ bảy thay vì ngày Chúa nhật, thì đó là quyền của họ. Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều là quan điểm sai lạc về ơn cứu rỗi và phương thức chuộc tội.
Giáo lý của họ về đề tài này được hình thành từ “sự thất vọng lớn”, phát xuất từ nhu cầu giải thích tại sao Đấng Christ không tái lâm vào năm 1844 như họ mong đợi. Để làm việc đó, họ diễn giải lại Đa-ni-ên 8:14 một lần nữa, và kết hợp khúc Kinh Thánh này với Lê-vi ký 16 để có một cách giải thích. Đáng tiếc là nỗ lực che đậy sai lầm của họ như thế đã đưa họ càng lúc càng xa rời sự dạy dỗ của Kinh Thánh về vấn đề chuộc tội.
Có một số khái niệm trong giáo lý chuộc tội của họ mà chúng ta sẽ xem xét ở đây – Nơi thánh, Cánh cửa đóng, sự Thẩm tra, con Dê thế thân.

 Nơi Thánh.
Ban đầu Giáo hội CĐPL tin rằng nơi thánh được tẩy sạch vào năm 1844 (tức là vào cuối thời gian 2300 ngày/năm, theo cách họ diễn giải không chuẩn xác về Đa-ni-ên 8:14), đó là ở dưới đất. Theo cách diễn giải này, nơi thánh dưới đất sẽ được tẩy sạch khi Đấng Christ tái lâm để phán xét. Thế nhưng Đấng Christ đã không tái lâm vào lúc đó, thế là họ quay ra tin rằng nơi thánh đó không ở dưới đất, mà là ở trên trời – đó là một đền thánh trên trời. Theo cách giải thích này, Đấng Christ vào đền thánh trên trời năm 1844 để bắt đầu một giai đoạn mới trong công tác chuộc tội của Ngài. Những đoạn trích sau đây từ các ấn phẩm của Giáo hội CĐPL cho thấy họ hiểu nơi thánh theo cách đó:
“Thay vì Đa-ni-ên 8:14 chỉ về sự thanh tẩy dưới đất, thì bây giờ rõ ràng là câu đó chỉ về công việc hoàn tất của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta ở trên trời, sự hoàn tất công cuộc chuộc tội, và chuẩn bị cho dân sự đón mừng ngày Ngài tái lâm” (Lời chứng, quyển 1, tr.58).
“Chúa Giê-xu vào nơi chí thánh trên trời (đền thánh), vào cuối thời gian 2300 ngày của Đa-ni-ên 8, tức là năm 1844, để làm động tác chuộc tội cuối cùng cho tất cả mọi người nào có thể hưởng được ích lợi của sự cầu thay của Ngài” (Những Bài Viết Đầu Tiên, tr.253).
Nói thế xem ra sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá chưa hoàn tất công cuộc cứu chuộc (dẫu rằng Ngài đã từng kêu lên: “Mọi sự được trọn!”). Trái lại, sự chết của Đấng Christ chỉ dời tội lỗi chúng ta vào nơi thánh trên trời, chỉ xử lý một phần, chớ không xóa sạch đi:
“Huyết của Đấng Christ, dẫu rằng giải thoát tội nhân ăn năn khỏi sự kết tội của luật pháp, nhưng không xóa sạch tội lỗi… Tội lỗi sẽ được cất vào nơi thánh cho đến sự cứu chuộc cuối cùng” (Giáo Phụ và Tiên Tri, tr.357).
“Cũng như tội lỗi của dân sự ngày xưa được dời theo hình bóng vào nơi thánh dưới đất bởi huyết của con sinh chuộc tội, thì tội lỗi của chúng ta cũng thật sự được dời vào nơi thánh trên trời bởi huyết của Đấng Christ” (Đại Tranh Biện, tr.266, lần xuất bản năm 1886).
Khi Đấng Christ thăng thiên, Ngài vào Nơi Thánh của đền thờ, ở đó Ngài bắt đầu công việc cầu thay của mình và kết thúc năm 1844. Sau đó, Ngài đóng cửa Nơi Thánh lại, mở cửa Nơi Chí Thánh ra và bắt đầu công việc thẩm tra (xem phần sau) là công việc sẽ kết thúc công cuộc cứu chuộc. Thật là rối rắm – tội lỗi được xử lý một phần trên thập tự giá, nhưng không được chuộc hẳn cho đến mãi sau này, và điều đó còn phụ thuộc vào kết quả thẩm tra của Đấng Christ.
Thẩm Tra.
Sự thẩm tra của Đấng Christ bắt đầu khi Ngài vào Nơi Chí Thánh năm 1844. Mục đích của sự thẩm tra này là để xem người nào trong số những kẻ sống và kẻ chết xứng đáng được nhận sự sống đời đời. Ellen White giải thích việc này như sau:
“Sự hầu việc của thầy tế lễ bao nhiêu năm qua trong căn thứ nhất của đền thánh… tượng trưng cho công tác mà Đấng Christ đảm nhiệm khi Ngài thăng thiên… Trong suốt 18 thế kỷ công việc này được tiến hành trong căn thứ nhất của đền thánh. Huyết của Đấng Christ biện hộ cho tín hữu biết ăn năn, khiến cho họ được tha thứ và được Cha tiếp nhận, nhưng tội lỗi của họ vẫn còn ghi trong sổ sách” (Đại Tranh Biện).
Hoàn cảnh mâu thuẩn của tín hữu vừa được tha thứ và được Đức Chúa Trời tiếp nhận, nhưng đồng thời tội lỗi của họ vẫn còn ghi trong sổ sách, đó là điều mà công tác thẩm tra sẽ giải quyết.
“Trong ngày phán xét cuối cùng, người chết sẽ chịu ‘xử đoán tùy công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy’ (Khải huyền 20:12). Sau đó nhờ vào huyết cứu chuộc của Đấng Christ, tội lỗi của những kẻ ăn năn thật sẽ được xóa khỏi sổ sách trên trời” (Giáo Phụ và Tiên Tri, tr.357).
Qua sự thẩm tra này, những ai ở trong Đấng Christ, giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin nơi Chúa Giê-xu  thì được tuyên bố là xứng đáng hưởng sự sống đời đời, và sẽ nhận sự cứu chuộc trọn vẹn. Như thế thì việc được xưng công bình và nhận lấy sự sống đời đời là một sự đồng công giữa Chúa Giê-xu và con người – Chúa Giê-xu ban cho sự cứu chuộc bán phần trên thập tự giá, nhưng chỉ khi có một cuộc sống đủ gọi là tốt lành (như được chỉ ra qua sự thẩm tra này) thì con người mới được Đức Chúa Trời tiếp nhận.
Giáo thuyết này còn một hệ quả nữa đặc biệt đáng lo ngại. Khi Đấng Christ cuối cùng trở lại thế gian, thì công việc chuộc tội của Ngài sẽ chấm dứt. Do đó, những ai còn sống vào thời điểm đó phải trình diện với Đức Chúa Trời bằng chính công đức của mình – họ không còn trông chờ được vào sự chuộc tội của Đấng Christ nữa:
“Những ai còn sống trên đất khi sự cầu thay của Đấng Christ đã chấm dứt nơi đền thánh trên trời, thì phải trình diện trước mặt Đức Chúa Trời thánh khiết mà không có người cầu thay cho. Áo của họ phải không có tì vết, tâm tính của họ phải được tẩy sạch khỏi tội lỗi bằng sự rảy huyết. Nhờ ân điển của Đức Chúa Trời và sự cố gắng của riêng mình, họ phải đắc thắng trong trận chiến với điều ác” (Đại Tranh Biện).
Cánh Cửa Đóng.
Giáo lý về cánh cửa đóng dạy rằng, năm 1844 khi Đấng Christ vào Nơi Chí Thánh trong đền thánh trên trời thì trước tiên Ngài đóng cửa Nơi Thánh, nơi mà Ngài đã từng hầu việc trong cương vị là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm kề từ lúc Ngài về trời. Như vậy, cánh cửa cứu rỗi đóng lại cho những ai không tin giáo thuyết CĐPL trước thời điểm đó.
Trong “khải tượng” của mình, bà Ellen White có lúc tin, nhận và dạy dỗ giáo thuyết này. Tuy nhiên, khoảng 6 năm sau đó, vì nhận thấy tầm nghiêm trọng của giáo thuyết này, bà đã đổi ý và tuyên bố mình chưa bao giờ dạy giáo thuyết đó (dù bà công nhận có một thời gian ngắn bà đã sai lầm tin đó là thật). Sau đó, bà cẩn thận lược bỏ tất cả những đoạn nói về giáo thuyết đó trong các bài viết của mình. Bất kể những nỗ lực che đậy của bà, đoạn trích sau đây bị phát hiện trong một lá thư bà đã viết:
Nhiều người trong số họ không tin về cánh cửa đóng… sự vô tín dường như ở khắp nơi… Ở đây có một người chị em… Chị rất có thiện cảm với tôi, nhưng lại không thể tin cánh cửa đóng… Tôi thấy buồn, thật buồn… Phần lớn những người này tiếp nhận khải tượng và ủng hộ tín lý cánh cửa đóng…” (Thư B-3-1847, Thư gởi Joseph Bates, 13 tháng 7 năm 1847, White Estate).
Rõ ràng qua lá thư này không những bà có giảng tà thuyết này, mà còn bảo là nhận nó từ một khải tượng thần cảm. Do đó, ai bảo rằng đó chỉ là quan điểm cá nhân của bà Ellen White thì thật sai lầm. Bằng sự thừa nhận do chính tay bà viết thì giáo thuyết cánh cửa đóng xuất xứ từ một “khải tượng đến từ Đức Chúa Trời”.
Con Dê Thế Thân.
Còn một khía cạnh nữa trong cách hiểu của Giáo hội CĐPL về ơn cứu chuộc rất xa rời Kinh Thánh, đó là sự dạy dỗ của họ về con dê thế thân. Khi giải thích những sự kiện (hay sự kiện không có) năm 1844, họ liên kết Đa-ni-ên 8:14 với Lêvi ký 16. Trong Lêvi ký 16, tội lỗi của dân sự được chuyển cho một con dê thế thân, con này được thả ra đồng vắng tượng trưng cho sự cất bỏ hoàn toàn tội lỗi của họ. Theo Giáo hội CĐPL, Satan chính là con dê thế thân đó, và chính Satan chớ không phải Đức Chúa Giê-xu Christ, là người cuối cùng mang lấy hình phạt tội lỗi của chúng ta:
“Cũng thấy rằng dù của lễ chuộc tội biểu tượng cho sự hy sinh của Đấng Christ, và thầy tế lễ thượng phẩm biểu tượng cho sự trung bảo của Đấng Christ, thì con dê thế thân biểu tượng cho Satan, tác giả của tội lỗi, cuối cùng tội lỗi của người nào thật sự ăn năn sẽ được chất trên đó… Đấng Christ sẽ đặt tất cả những tội lỗi ấy trên Satan… Vậy Satan… cuối cùng sẽ gánh chịu toàn bộ hình phạt của tội lỗi” (Đại Tranh Biện, tr.422, 485, 486).
Thế là xem ra Đấng Christ không còn gánh tội lỗi cho chúng ta nữa, mà là Satan vậy. Bà Ellen White tuyên bố rằng: “Việc thông hiểu nơi thánh một cách chính xác là nền tảng đức tin của chúng ta” (Đại Tranh Biện, tr.409).
Kinh Thánh Phán…
Tuy nhiên, các giáo lý về nơi thánh và phương thức cứu chuộc này hoàn toàn đi ngược lại sứ điệp của Kinh Thánh. Sau đây là một số điểm so sánh giữa Kinh Thánh và giáo lý CĐPL:
1. Hê-bơ-rơ 9:12 chép rằng Chúa Giê-xu “đã vào nơi rất thánh một lần thì đủ hết, …dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời”. Hành động “một lần đủ hết” này trong nơi rất thánh đã xảy ra hơn 1800 trước năm 1844, không bao giờ lặp lại nữa. Điều này cho thấy giáo thuyết CĐPL về việc Đấng Christ vào nơi rất thánh năm 1844 và công tác thẩm tra của Ngài từ đó cho đến nay hoàn toàn không phù hợp với Kinh Thánh.
2. Như đã nói sơ lược trong phần đầu của tài liệu này, những sự kiện diễn ra sau 2300 buổi chiều và buổi mai được mô tả trong Đa-ni-ên 8:14 đã thực sự xảy ra năm 165 TC khi Judas Maceabêtái cung hiến bàn thờ Chúa đã bị làm ô uế bởi Antiochus Epiphanes IV. Xét vì lời tiên tri này đã được ứng nghiệm năm 165 TC, nó không thể lại ứng nghiệm vào năm 1844 SC được.
3. Trong Kinh thánh không hề có chỗ nào nói đến sự  thẩm tra cả. Không có chỗ nào ngụ ý rằng tội lỗi được tha thứ nhưng d0 đặt vào nơi thánh trên trời để sau này mới xóa bỏ hẳn. Kinh thánh chép: “ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội”  (Ê-phê-sô 1:7) – chúng ta đã được tha tội rồi. Không cần phải chờ đợi kết quả thẩm tra để xem chúng ta có xứng đáng lên Thiên Đàng hay không, vì “huyết của Đức Chúa Giê-xu, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta” (I Giăng 1:7), và tội lỗi không còn tính cho chúng ta nữa: “Phước thay cho kẻ lỗi mình được tha thứ, tội mình được che đậy! Phước thay cho người mà Chúa chẳng lể tội lỗi cho!” (Rô-ma 4:7-8). Những ai tin Đấng Christ thì có thể hoàn toàn an tâm biết rằng tội lỗi mình đã được tha thứ và hoàn toàn xó sạch rồi.
4. Cuối cùng, không có chỗ nào trong Kinh thánh nói rằng Satan cuối cùng sẽ gánh tội lỗi của chúng ta. Trái lại, Kinh thánh nói rất rõ rằng Đưc Chúa Giê-xu Christ là Đấng gánh lấy tội lỗi của chúng ta: “Ngài gánh tội lỗi chúng ta trpng thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình; lại nhơn những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh” (I Phi-e-rơ 2:24).
 Lời tiên Tri.
Nếu các bạn đọc các ấn phẩm của CĐPL, thì sẽ thường gặp những chữ “Linh tiên tri”. Thật ra chữ đó chỉ về những bài viết của bà Ellen White – vì những bài viết này được xem là klhải thị thần cảm từ Đức Chúa Trời. Dẫu rằng ngày nay nhiều người tự nhận có lời tiên tri, nhưng ít ai tự nhận như bà Ellen White – là ngang hàng với các đấng tiên tri trong Kinh thánh:
“Các bài viết của bà Ellen White… là những sứ điệp của Đức Chúa Trời cho Hội thánh còn sót lại và phải được đón nhận như các sứ đệp tiên tri ngày xưa. Như Sa-mu-ên là tiên tri cho Y-sơ-ra-ên trong thời ông, Giê-rê-mi là tiên tri Chúa Y-sơ-ra-ên trong những ngày bị lưu đày, Giăng Báp-tít là đại sứ của Chúa để dọn đường cho sự xuất hiện của Đấng Christ, thì chúng tôi cũng tin rằng bà White là tiên tri cho Hội thánh Đấng Christ ngày nay. Và các sứ điệp tiên tri ngày xư được đón nhận như thế nào thì ngày nay các sứ điệp của bà cũng phải được đón nhận như vậy” (Tạp chí vá Báo tin, ngày 4 tháng 10 năm 1928).
Do đó, bà được xem như ngang hàng với Sa-mu-ên, Giê-rê-mi và Giăng Báp-tít – và các thông điệp của bà cũng ngang hàng về giá trị và thần cảm, và phải được đón nhận cùng một cách. Thật ra, các lời tiên tri của bà còn quan trọng hơn cả lời tiên tri trong Kinh thánh, vì Đức Chúa Trời phán qua bà Ellen White một cách thiết tha hơn đối với các đấng tiên tri Kinh thánh ngày xưa. Câu trích dẫn sau đây về lời tiên tri của Ellen White nói lên điều đó:
“Ngày xưa, Đức Chúa Trời phán với loài người qua môi miệng của đấng tiên tri và các sứ đồ. Ngày nay, Ngài phán qua lời làm chứng của Thánh Linh Ngài. Chưa từng có bao giờ Đức Chúa Trời dạy dỗ loài người một cách khẩn thiết hơn khi Ngài dạy dỗ họ ngày hôm nay về ý chỉ Ngài và con đường mà Ngài muốn họ phải đi theo” (Lời chứng, quyển 4, tr.147).
Các lời tiên tri của bà Ellen White cũng tối quan trọng trong lĩnh vực thông giải Kinh thánh. Theo giáo hội CĐPL, cách thức duy nhất để hiểu Kinh thánh đúng đắn là qua lời tiên tri của bà Ellen White: “Chính trên quan điểm ánh sáng của Linh Tiên tri (các bài viết của bà Ellen White) mà chúng ta mới xem xét vấn đề, vì tin rằng Linh tiên tri là người diễn giải duy nhất không sai lầm về các nguyên tắc của Kinh thánh, bởi chính Đấng Christ, thông qua phương tiện này, ban cho chúng ta hiểu ý nghĩa thực sự của Lời Ngài” (G. A. Irwin, chủ tịch Đại Hội Đồng, từ chứng đạo đơn mang tên  Dấu của con thú, tr.1).
Ngoài ra kẻ nào làm điều gì để phá hoại, hay gieo rắc nghi ngờ đối với những lời tiên tri của Ellen White là chông nghịch Đức Chúa Trời và thuộc về Satan:
“Nếu ngươi làm giảm lòng tin của dân sự Đức Chúa Trời đối với những lời chứng mà Ngài gởi đến cho họ, thì ngươi chống nghịch lại Đức Chúa Trời giống như Côrê, Đathan, và Abiram” (Lời chứng, quyển 5; tr.66).
“Sẽ có một sự căm ngét đến từ Satan nổi lên chống lại những lời chứng này. Công việc của Satan sẽ nhắm mục đích làm lung lay đức tin của các Hội thánh nơi các lới chứng ấy” (Thư ngỏ số 40, 1980).
Do đa số Cơ đốc nhân không công nhận Ellen White là tiên tri của Đức Chúa Trời, nên theo giáo lý CĐPL thì họ đang làm việc cho Satan!
  Một Số Lời tiên Tri.

Dù giáo hội CĐPL gán cho những lời tiên tri của bà Ellen White những đặc tính cao quý, nhưng các thông điệp của bà chứa đựng một số sai lầm về kiến thức Kinh thánh, cũng như không ít những tư tưởng lạ lùng, xa lạ với Kinh thánh. Ví dụ năm 1858, Ellen White viết (được xem như dưới sự thần cảm của Đức Chúa Trời):
“Hê-rốt càng thêm cứng lòng, và khi nghe thấy tin Chúa Giê-xu đã sống lại, ông ta càng thêm lo lắng.  Ông cho giết Gia-cơ; và khi thấy điều đó làm vừa ý người Do Thái, ông ta cũng bắt Phi-e-rơ, định bụng sẽ xử tử ông luôn” (Ân Tứ Thuộc Linh, quyển 1, tr.71).
Vấn đề là Hê-rốt liên quan đến vụ xử án Chúa Giê-xu (Hê-rốt Antipas) không phải là Hê-rốt xử tử Gia-cơ (Hê-rốt Agrippa I). Tuy nhiên, vì đây là lời tiên tri “được thần cảm”, nên sau này, khi Giáo hội CĐPL phát hiện ra sự sai lầm của bà Ellen White thì không thể sửa đổi gì được. Họ đành phải thêm vào một phần cước chú nói rằng đây là “cùng một tinh thần của Hê-rốt nhưng ở trong một con người khác” – dù rõ ràng ai cũng thấy rằng đó không phải là ý ban đầu của bà Ellen White.
Sự dạy dỗ của bà cũng gồm nhiều câu tuyên bố hoàn toàn bịa đặt và không liên quan gì đến lẽ thật Kinh thánh cả. Ví dụ:
“… ông (A-đam) có vóc dáng cao hơn gấp bội so với con người hiện nay đang sống trên đất…” (Ân Tứ Thuộc Linh, quyển 3, tr.34).
“… tất cả các thiên sứ được giao nhiệm vụ đến thế gian thì đều có một tấm thẻ vàng, mà các đấng ấy sẽ trình cho vị thiên sứ ở cổng thành phố nơi các đấng ấy ra vào…” (Những Bài Viết Ban Đầu, lần xuất thứ nhất , tr.30 và 32).
Ngoài ra, còn có những lời dạy dỗ không những không đúng với Kinh thánh, mà còn không đúng với khoa học nữa. Ví dụ bà tuyên bố rằng ăn thịt sẽ làm cho chúng ta có bản tính của súc vật:
“… nếu chúng ta ăn nhiều thịt súc vật chết, chúng ta sẽ mang bản tính của chúng”  (Tư Vấn về Chế Độ Ăn Uống và Thực Phẩm, tr.390).
Để kết luận, dù bà Hellen White đưa ra những lời tuyên bố táo bạo về bản tính thiên thượng của những lời tiên tri của mình, như:
“Đây là Đức Chúa Trời phán chớ không phải một con người dễ phạm sai lầm” (Lời Chứng, quyển 5 tr.682).
“Kinh thánh phải là người tư vấn cho ngươi. Hãy đọc Kinh thánh và các lời chứng mà Đức Chúa Trời đã ban cho, vì những lời ấy không bao giờ mâu thuẫn với Lời Ngài” (Sứ Điệp Chọn Lọc, quyển 3, tr.3).
Những hiều lời tiên tri và dạy dỗ của bà không chính xác, không đúng với Kinh thánh và không đúng với khoa học. Bà không qua được kiểm nghiệm cho một đấng tiên tri, vì những lời tiên tri của bà không đúng và do đó bà không phải do Đức Chúa Trời sai đến.
 “Nếu tiên tri nào báo sự bình yên, mà lời mình được ứng nghiệm, thì sẽ biết tiên tri đó là thật bởi Đức Giê-hô-va sai đến!” (Giê-rê-mi 28:9).

Đạo Văn.
Giáo hội CĐPL công khai tuyên bố lời của bà Ellen White là khải thị từ Đức Chúa Trời, vì thế thật lạ khám phá ra rằng trên thực tế có không quá 20% ấn phẩm của bà chứa tư tưởng không phải của riêng bà. Một vị mục sư CĐPL là Walter Rea đã viết một quyển sách tựa đề “Láo Khoét”, trong đó ông mô tả sự kiện này; đại đa số các lời tiên tri của bà là lấy cắp của nhiều tác giả khác. Thế đấy, mặc dù chính bà từng tuyên bố:
“Khi viết ra những quyển sách quý giá này, hễ khi nào tôi ngập ngừng, thì tư tưởng nào tôi muốn nói, tôi đều nhận được những lời tương ứng“ (Sứ Điệp Chọn Lọc, quyển 3, tr.51,52).
Thật ra, “những lời tương ứng” ấy được ban cho bà, không phải từ nơi Đức Chúa Trời, mà là từ các tác giả khác! Ví dụ, Ellen White viết:
Tôi làm chứng cho các anh chị em tôi hay rằng Hội Thánh Đấng Christ dù có yếu đuối và thiếu sót, nhưng vẫn là đối tương duy nhất trên đất này mà Ngài quan tâm chiếu cố nhiều nhất” (Lời Chứng, quyển, tr.15, Melbourne Australia, ngày 23 tháng 12 năm 1892).
Nhưng 50 năm trước đó, một tác giả khác – John Harris- đã từng viết những lời hầu như hoàn toàn giống như vậy:
Nhưng Hội Thánh (Đấng Christ, dù có yếu đuối và thiếu sót, vẫn là đối tượng duy nhất trên đất này mà Ngài quan tâm chiếu cố nhiều nhất”(Trích từ ”Giáo Sư Lớn”, tr.158-160, John Harris, 1842).
Trong một trường hợp khác, Ellen White chép quá nhiều từ một quyển sách (“Cuộc đời và Các Thư tín của Sứ Đồ Phao Lô” của Conybeare và Howson) vào trong quyển sách của bà tựa đề “Phác Hoạ Cuộc đời của Phao Lô” đến nỗi tác giả quyển sách kiện bà ra tòa, đưa đến kết cục sách của bà bị tịch thu.
Lời biện hộ do Giáo hội CĐPL đưa ra là trong những ngày ấy chưa hề có luật bản quyền. Thế nhưng vấn đề là một vị tiên tri được  thần  cảm có sự thật cần phải chép một phần lớn lời tiên tri của mình từ những người khác hay không. 
Hội Thánh Còn Sót Lại.
Giáo hội CĐPL có ba giáo lý riêng của họ - các biến cố năm 1844 khi Đấng Christ được cho là vào nơi chí thánh trong Đền Thánh; sự thẩm tra; và sự công nhận lời tiên tri của bà Ellen White là “Linh Tiên Tri” (tức là được thần cảm). khi chấp nhận những tín lý đó, họ xem mình là” Hội Thánh Còn Sót Lại”. Hệ quả là tất cả Hội Thánh khác bị xem là “bội đạo”, và chỉ có Giáo hội CĐPL mới trung thánh với đức tin và các điều răn của Đức Chúa Trời:
“Hội Thánh phổ thông bao gồm tất cả những ai thực sự tin Đấng Christ, nhưng trong những ngày sau rốt, thời đại bội đạo lan rộng, một Hội Thánh còn sót lại được kêu gọi giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin nơi Chúa Giê-xu“ (Cơ Đốc Phục Lâm Tin, 1988).
Giáo hội CĐPL được biết đến nhiều nhất bởi niềm tin của họ cho rằng ngày thứ bảy phải được tuân giữ như ngày Sa bát, thay vì cách quen làm của đa số Cơ đốc nhân là nhóm thờ phượng Đức Chúa Trời vào ngày Chúa nhật-ngày đầu tuần lễ. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, một mặt Kinh Thánh không hề dạy Cơ  đốc nhân phải tiếp tục giữ ngày Sa bát Do thái như trong Cựu Ước, mặt khác cũng không nên lên án những ai quyết định giữ ngày Sa bát trở thành vấn đề lương tâm – Cơ đốc nhân Do Thái đầu tiên vẫn giữ ngày đó, nhưng tân tín hữu người ngoại bang mới theo đạo thì không ai bắt buột phải giữ và có thể là họ chỉ giữ “ngày của Chúa” vào ngày đầu tuần lễ (Công vụ 20:7; I Cô-rinh-tô 16:2; Khải huyền 1:10). Điều đáng lo ngại về giáo lý CĐPL về ngày Sa bát là sự dạy dỗ cho rằng việc tuân giữ ngày Sa bát là “ấn của Đức Chúa Trời”. Từ đó kéo theo hệ quả là tất cả những Cơ đốc nhân nào không giữ ngày Sa bát thì đều bị hư mất. Tuy nhiên, nhiều tín đồ CĐPL ngày nay không theo quan điểm cực đoạn này.
Khía cạnh đáng lo ngại nhất của giáo thuyết CĐPL là giáo lý về sự cứu chuộc. Rõ ràng là phần lớn giáo lý này được đặt ra để che lấp sự sai lầm của họ bảo rằng Đấng Christ tái lâm vào năm 1844, thay vì giải thích theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh, dẫn đến nhiều việc trong đó có việc tín hữu CĐPL không thể có sự bảo đảm tội lỗi mình được tha hay không. Trong khi Cơ đốc nhân nào tin theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh về ơn cứu chuộc thì đều có thể chắc chắn tội lỗi mình đã được xóa sạch, thì tín đồ CĐPL không thể được như vậy – họ không bao giờ có thể hát bài thánh ca: “Niềm Tin Chắc đầu ơn Phước” một cách thật lòng.
Khía cạnh đáng lo ngại cuối cùng trong giáo lý CĐPL là cách bà Ellen White được tôn kính. Trong quá khứ, các bài viết của bà đã từng được xem là quan trọng hơn cả Kinh Thánh, và chiếm tỷ trọng rất lớn trong các ấn phẩm CĐPL trong những năm qua. Vì bà là người giải thích Kính Thánh duy nhát không thể sai lầm nên phải đọc Kinh Thánh thông qua niềm tin của bà, thay vì đọc Kinh Thánh một cách độc lập.
Tuy nhiên, cân nói thêm rằng trong những năm gần đây, nhiều tín đồ CĐPL bắt đầu có biến chuyển. Một số lớn hiện đang thay đổi quan điểm về tính bất khả ngộ của bà Ellen White (hệ quả là chú trọng đến Kinh Thánh hơn) và về ý tưởng cho rằng chỉ có Giáo hội CĐPL là Hội Thánh đích thực còn sót lại. Nếu một tín đồ CĐPL sẵn sàng có cái nhìn đúng đắn về những vế đề trên, thì nên chấp nhận người đó là anh em trong Chúa. Nếu không, thì hóa ra người đó giảng Kinh Thánh ở hàng thứ hai sau bà Ellen White, cướp mất sự tin chắc tội lỗi được tha thứ, và bác bỏ đa số các Cơ đốc nhân khác, xem họ là kẻ “bội đạo”.
Chúng ta cầu nguyện để  có thêm nhiều người thấy được ánh sáng, và đế để có niềm vui tội lỗi được tha thứ một lầm đủ cả bởi huyết báu của đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa và Cứu Chúa chúng ta.

Nguồn: cdnvn.com
Biên soạn & trình bày: Ban Truyền thông HT.Tân Nghĩa



Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!