1. CƠ ĐỐC GIÁO


---1. CƠ ĐỐC GIÁO---

Đức Chúa Giê-xu sáng lập Cơ Đốc Giáo hay Ki-tô Giáo vào khoảng năm 26 ở xứ Do Thái. Đức Chúa Giê-xu giáng sinh vào khoảng năm 4 TCN, tại làng Bết-lê-hem xứ Giu-đê. Trú quán của Ngài là làng Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê. Đức Chúa Giê-xu khởi hành truyền bá Phúc Âm trong xứ Ga-li-lê lúc Ngài vào khoảng 30 tuổi.
Các tôn giáo trên thế gian dạy con người phải tự mình làm các điều lành thánh thiện tu tâm dưỡng tánh để tự cứu mình hay để được siêu thoát hoặc thi hành nghiêm túc các giới cấm của luật đạo để được lên thiên đàng. Trái lại, Cơ Đốc Giáo khẳng định là loài người chỉ có khả năng phạm tội, nhưng không có khả năng chuộc tội hay có thể tự cứu mình bằng các việc làm nhân đức do chính mình làm ra. Cơ Đốc Giáo theo lời phán dạy của Đức Chúa Giê-xu tin rằng Đức Chúa Trời đã ban Con Một của Ngài là Đức Chúa Giê-xu xuống thế làm người, chịu chết trên thập tự “để đem thân mình mà trừ bỏ luật pháp của các điều răn”(Ê-phê-sô 2:15) của giao ước cũ, đặng cứu chuộc loài người bằng cách đổ huyết ra để thành lập giao ước mới  (Lu-ca 22:20). Giao ước mới này thay thế giao ước cũ  lỗi thời đã bị đào thải (Hy-bá 8:13 BDY). Kinh Thánh cho biết sự cứu chuộc của Đức Chúa Giê-xu là một sự ban cho nhưng không từ Đức Chúa Trời cho những ai sẵn lòng chấp nhận sự ban cho này như lời tiên tri Ê-sai dự ngôn:“Hỡi những kẻ nào khát, hãy đến suối nước! Và người nào không có tiền bạc, hãy đến, mua mà ăn! Hãy đến, mua rượu và sữa mà không cần tiền, không đòi giá” (Ê-sai 55:1).
Cuộc đời của Đức Chúa Giê-xu được ghi lại trong bốn sách Phúc Âm Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng. Phúc Âm Ma-thi-ơ cho biết gia phả của Đức Chúa Giê-xu thuộc dòng dõi của vua Đa-vít và sanh bởi nữ đồng trinh Ma-ri (Ma-thi-ơ 1:1,23). Hai điều này đã thật sự xảy ra làm ứng nghiệm lời tiên tri, “Có một chồi sẽ nứt từ gốc Y-sai, một nhánh từ rễ nó sẽ ra trái”  “Nầy, một gái  đồng trinh sẽ chịu thai và sanh một con trai”(Ê-sai 11:1 & 7:14). Phúc Âm Ma-thi-ơ trưng dẫn khoảng 16 lần các lời tiên tri nói về Đấng Mê-si ở Cựu Ước đã được ứng nghiệm trong Đức Chúa Giê-xu ở Tân Ước để thuyết phục người Do Thái chấp nhận Đức Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si của mình. Phúc Âm Mác bày tỏ Đức Chúa Giê-xu là Con của Đức Chúa Trời và Đấng Cứu Thế của nhân loại. Phúc Âm Lu-ca bày tỏ Đức Chúa Giê-xu là Con của Đấng Rất Cao, Ngài sẽ ngồi trên ngôi Đa-vít trị vì đời đời, nước Ngài vô cùng. Phúc Âm Giăng bày tỏ Đức Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời Ngôi Hai nhập thế làm người, đem sự cứu chuộc đến cho nhân loại.
Trong thời gian ba năm thi hành chức vụ của Đấng Cứu Thế, Đức Chúa Giê-xu làm nhiều dấu kỳ phép lạ như hóa nước thành rượu, kêu người chết sống lại, chữa lành bệnh tật, đuổi quỉ, đi trên mặt biển…  để chứng tỏ Ngài là Đấng Mê-si hay Đấng Christ, đã đến trong thế gian để làm ứng nghiệm các lời tiên tri trong Cựu Ước. Ngoài các dấu kỳ phép lạ mà Ngài đã làm để chứng tỏ Ngài là Đấng cứu thế, Đức Chúa Giê-xu cũng công khai xác nhận Ngài là Đấng Mê-si hay Đấng Christ, như Ngài đã bày tỏ với người đàn bà Sa-ma-ri: “Ta, người đang nói với ngươi đây, chính là Đấng đó” (Giăng 4:26). Ngoài các dấu kỳ phép lạ mà Ngài đã làm, Đức Chúa Giê-xu còn giảng dạy là mỗi người phải hết lòng yêu mến Đức Chúa Trời và thương yêu kẻ lân cận như mình. Ngài kêu gọi mọi người phải thay đổi lòng mình, ăn năn và tin nhận Ngài để được cứu rỗi và thừa hưởng ân phước của nước Trời.
Đọc qua các Phúc âm của Đức Chúa Giê-xu, người ta không thấy Ngài bảo các môn đệ “hãy tự mình thắp đuốc mà đi tìm chân lý”. Nhưng Ngài phán: “Ta là đường đi, chân lý và sự sống, ta đến chẳng để xét đoán thế gian, nhưng để cứu chuộc” (Giăng 12:47 & 14:6).
Sau 3 năm giảng dạy về nước Trời, dân Do Thái tin theo Ngài rất đông, làm cho các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo xem Ngài là một mối đe dọa cho Do Thái Giáo và nền an ninh của quốc gia Do Thái. Nên họ đã bắt Ngài đem đến trường án vội vã kết tội Ngài đã phạm thượng, vì đã xưng mình là Con của Đức Chúa Trời, rồi họ đóng đinh Ngài trên thập tự giá cho đến chết.
Các sách Phúc Âm kể tiếp: Sau khi người ta đã đem Ngài chôn trong một hang đá, đến ngày thứ ba, Đức Chúa Giê-xu sống lại để chứng tỏ sự chết chuộc tội của Ngài trên thập tự giá đã được Đức Chúa Trời hoàn toàn chấp nhận, kế hoạch cứu chuộc tội lỗi của nhân loại đã hoàn tất. Sau khi sống lại, Ngài hiện ra với các môn đồ trong 40 ngày để phán dạy họ những việc liên hệ đến nước Đức Chúa Trời. Sau đó, Đức Chúa Giê-xu thăng thiên trước sự chứng kiến của các môn đồ Ngài, như đã ghi trong sách Công vụ các Sứ đồ 1: 9-11 là sau khi nói chuyện với các môn đồ lần chót xong, Đức Chúa Giê-xu được cất lên trời. Các môn đồ ngó theo cho đến khi có một đám mây đến tiếp Ngài khuất đi, không thấy nữa. Đoạn, có hai thiên sứ mặc áo trắng hiện đến bảo các môn đồ rằng: Giê-xu này đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy. Theo như lời thiên sứ thì Đức Chúa Giê-xu sẽ trở lại thế gian này để đánh bại Sa-tan cùng quyền lực của sự tối tăm để thành lậïp vương quốc của Ngài. Ngài sẽ ngồi trên ngôi Đa-vít trị vì đời đời, nước Ngài vô cùng. Bấy giờ “họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi cày, lấy giáo rèn lưỡi liềm. Nước này chẳng còn giá gươm lên nghịch cùng nước khác, người ta chẳng còn tập sự chiến tranh. Muông sói sẽ ở với chiên con, beo nằm với dê con; bò con, sư tử con với bò nuôi mập cùng chung một chỗ, một đứa con trẻ sẽ dắt chúng nó đi. Bò cái sẽ ăn với gấu; các con nhỏ chúng nó nằm chung, sư tử ăn cỏ khô như bò. Trẻ con đương bú sẽ chơi kề rắn hổ mang, trẻ con thôi bú sẽ thò tay vào hang rắn lục. Nó chẳng làm hại, chẳng giết ai” (Ê-sai 2:4 & 11:6-8).
Sau khi Đức Chúa Giê-xu thăng thiên khoảng 7 ngày, đến ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đồ của Chúa Cứu Thế đang nhóm lại để ăn lễ Ngũ Tuần theo truyền thống của Do Thái Giáo thì “thình lình, có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà môn đồ ngồi. Các môn đồ thấy lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người. Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh” (Công vụ 2:2-4)
Sau khi nhận được Đức Thánh Linh, các môn đồ của Đức Chúa Giê-xu đi ra rao giảng cho mọi người biết Đức Chúa Giê-xu là Đấng Cứu Thế đã chết trên thập tự giá để chuộc tội cho nhân loại. Nếu ai bằng lòng tin nhận Đức Chúa Giê-xu và sự chết của Ngài trên thập tự giá là để đền tội cho mình thì người đó được cứu chuộc bởi ân điển của Đức Chúa Trời. Như Sứ đồ Phi-e-rơ xác định trước Toà Công Luận Do Thái rằng: “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công vụ 4:12). Sứ đồ Phao lô vốn là một thành viên của môn phái Pha-ri-si, từng hăng say bắt bớ và sát hại người tin theo Đức Chúa Giê-xu. Nhưng sau khi trở lại tin nhận Chúa Giê-xu làm cứu Chúa mình và trở thành một sứ đồ lòng đầy nhiệt huyết rao giảng Tin Lành, ông tuyên bố: “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rô-ma 1:16). 
Dù Cơ Đốc Giáo bị Do Thái Giáo bắt bớ từ năm 35 đến năm 44, và sau đó bị các Hoàng Đế La Mã bách hại từ năm 64 đến năm 312, Cơ Đốc Giáo vẫn bành trướng mạnh trong đế quốc La Mã. Vào thế kỷ II, Cơ Đốc Giáo đã trở thành một tôn giáo có tổ chức hoàn bị với các giáo lý hẳn hoi. Đến thế kỷ IV, Cơ Đốc Giáo đã lan tràn đến Tây Ban Nha, Ba-Tư và miền đông Ấn Độ.
Đến cuối thế kỷ IV, các Hội Thánh Cơ Đốc Miền Đông nằm trong lãnh thổ của Đông Đế Quốc La Mã gồm có bốn giáo khu. Bốn giáo khu đó là Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ), An-ti-ốt (Syria), Giê-ru-sa-lem (Do-Thái) và Alexandria (Ai-cập). Các giáo khu này trực thuộc Đông Giáo Hội, đặt dưới quyền quản trị của các Giáo Trưởng, tòa thánh đặt ở Constantinople, Thổ Nhĩ Kỳ. Các Hội Thánh Cơ Đốc Miền Tây nằm trong lãnh thổ của Tây Đế Quốc La Mã trực thuộc Giáo Khu Rô-ma, cũng gọi làTây Giáo Hội. Tây Giáo Hội đặt dưới quyền quản trị của một Giám Mục, tòa thánh ở La Mã, Ý Đại Lợi. Đông Giáo Hội và Tây Giáo Hội có nhiều bất đồng về giáo lý và quyền hạn giữa chức Giám mục ở La Mã và các Giáo trưởng của Đông Giáo Hội. Sự việc này là mầm móng gây ra mối chia rẽ giữa Đông Giáo Hội và Tây Giáo Hội hồi thế kỷ V. Đến giữa thế kỷ XI, tức vào khoảng năm 1054, Tây Giáo Hội và Đông Giáo Hội tổ chức một buổi họp để thảo luận tìm cách san bằng các dị biệt giữa hai giáo hội. Sau nhiều ngày thảo luận, hai giáo hội không tìm được một sự đồng thuận nào mà còn gây thêm nhiều mâu thuẫn, nên hai giáo hội đã chính thức dứt phép thông công lẫn nhau, rồi xem nhau như thù nghịch từ dạo đó cho đến nay.
Năm 1517, tu sĩ Martin Luther phát khởi phong trào Cải Chánh Giáo Hội Công Giáo La Mã. Martin Luther cho rằng: "Sự cứu chuộc là nhờ ân điển bởi đức tin vào công lao của Đức Chúa Giê-xu mà thôi, tín hữu không cần phải làm thêm việc lành thán thiện để được cứu”. Điều Martin Luther tin tưởng trái với giáo lý của Công Giáo La Mã, “sự cứu chuộc là nhờ ân điển bởi đức tin vào công lao cứu chuộc của Đức Chúa Giê-xu và việc làm thánh thiện của tín hữu”. Vì giáo lý cứu rỗi khác biệt với Công Giáo La Mã, nên Martin Luther và nhóm người theo phái Cải Chánh của Martin Luther phải tách rời khỏi Công Giáo La Mã để thành lập Giáo Hội Tin Lành Lutheran. Cũng trong thế kỷ 16 này và các thế kỷ kế tiếp, một số Giáo Hội Cải Chánh khác được thành lập như: Reformed and Presbyterian, Anglican Communion, Báp-tít, Anh Em (Quakers), Congregationalists, Giám Lý, Ngũ Tuần, Disciple of Christ, Unitarians, Universalists, Evangelicals, Fundamentalists…
Theo truyền thống, từ ngày có cuộc cải chánh, Giáo Hội Công Giáo La Mã xem các Giáo Hội Tin Lành Cải Chánh là “Thệ Phản” hay “Đạo Lạc”. Nhưng đến năm 1962, Công Đồng Va-ti-can II của Công Giáo La Mã ra quyết nghị chấm dứt việc xem Tin Lành Cải Chánh là “Thệ Phản” hay “Đạo Lạc,” nhưng là “Anh Em Tách Rời”.
Năm 1969, các nhà thần đạo của Giáo Hội Công Giáo La Mã và Tin Lành Lutheran ngồi lại để bắt đầu thảo luận tìm cách thống nhất giáo lý cứu rỗi. Sau 30 năm thảo luận, đến năm 1999, hai Giáo Hội đã đồng ý xác định giáo lý cứu rỗi cho hai Giáo Hội là: “Chỉ nhờ ân điển bởi đức tin vào công lao cứu chuộc của Đức Ki-tô, chớ không phải bởi công trạng nào của Ki-tô hữu”. Đây, chính là giáo lý cứu rỗi mà Martin Luther đã đòi hỏi nơi Giáo Hội Công Giáo La Mã trong cuộc Cải Chánh hồi thế kỷ XVI. Đây cũng chính là giáo lý cứu rỗi mà Sứ đồ Phao-lô đã xác định trong Kinh Thánh, “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Ê-phê-sô 2:8).
Tạp chí Life, xuất bản tháng 12 năm 1999 cho biết: Dầu phải trải qua các cuộc bắt bớ của Do Thái Giáo và các cơn bách hại của các Hoàng Đế La Mã, Cơ Đốc Giáo đã trở thành một tôn giáo lớn nhất thế giới, có số tín hữu vào khoảng trên hai tỷ người, với khoảng 2.000 hệ phái.


Nguồn: cdnvn.com

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!