Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

Tổng hợp Sheet nhạc Thương khó - Phục sinh 2019 của các Ban hát Lễ, Đơn ca & Song ca (Cập nhật đến ngày 28/02/2019)

Lễ Kỷ niệm Chúa Chịu Thương Khó & Phục sinh 2019 sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 4. Dưới đây là sheet nhạc được các Ban hát Lễ, Đơn ca & Song ca sử dụng.

Bản mềm của các sheet nhạc (file .pdf ) Ban Âm nhạc có đính kèm trong các liên kết bên dưới.

A. LỄ THƯƠNG KHÓ
1. BHL Thiếu nhi Ấu (Chưa cập nhật)

2. BHL Thanh Thiếu niên:
- Ca khúc: Via Dolorosa (Lời Việt: Vĩnh Phúc)
- Phương thức: Sử dụng beat bản quyền. 

TẢI FILE KÍCH THƯỚC ĐẦY ĐỦ TẠI ĐÂY:

HỌC BIẾT VỀ 10 TAI VẠ: Tai Vạ Thứ Chín - Sự Tối Tăm

Xuất Ê-díp-tô Ký 10:21-29

21 Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng: Hãy giơ tay ngươi lên trời, hầu cho trên xứ Ê-díp-tô có sự tối tăm dày đến đỗi người ta rờ đụng đến được. 22 Vậy, Môi-se giơ tay mình lên trời, bèn có sự tối tăm rất dày trong ba ngày tại xứ Ê-díp-tô; 23 trong ba ngày đó người ta không thấy nhau được, không ai nhớm khỏi chỗ mình được. Nhưng trong chốn dân Y-sơ-ra-ên ở thì có ánh sáng cho họ.24 Pha-ra-ôn bèn đòi Môi-se mà phán rằng: Hãy đi hầu việc Đức Giê-hô-va; con trẻ các ngươi đi theo nữa; chỉ bầy chiên và bò ở lại thôi. 25 Nhưng Môi-se tâu rằng: Chính bệ hạ hãy cấp cho chúng tôi các con sinh và vật chi dùng làm của lễ thiêu để dâng cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi. 26 Các bầy lục súc sẽ theo chúng tôi nữa, không còn để lại một móng chân nào; vì chúng tôi sẽ dùng mấy con thú đó mà hầu việc Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi, Chúng tôi biết vật chi dùng để thờ phượng Đức Giê-hô-va, chỉ khi nào sẽ đến nơi đó. 27 Nhưng Đức Giê-hô-va làm cho Pha-ra-ôn cứng lòng, nên người không khứng cho dân Y-sơ-ra-ên đi. 28 Pha-ra-ôn nói rằng: Hãy lui ra khỏi ta cho rảnh! Khá giữ mình đừng thấy mặt ta nữa, vì ngày nào ngươi thấy mặt ta thì sẽ chết! 29 Môi-se bèn nói rằng: Bệ-hạ nói phải lắm; tôi chẳng hề thấy mặt bệ hạ nữa đâu. 
Câu gốc: Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng: Hãy giơ tay ngươi lên trời, hầu cho trên xứ Ê-díp-tô có sự tối tăm dày đến đỗi người ta rờ đụng đến được” (câu 21).
Câu hỏi suy ngẫm: Sự tối tăm ảnh hưởng đến các phương diện nào trong cuộc sống của người Ai Cập? Vì sao Pha-ra-ôn vẫn khăng khăng giữ súc vật của người Y-sơ-ra-ên ở lại? Sự nổi giận và lời hăm dọa của Pha-ra-ôn nhắc nhở chúng ta phải cẩn thận điều gì?
Giống như tai vạ thứ ba và thứ sáu, tai vạ thứ chín Chúa đã giáng xuống người Ai Cập mà không cảnh báo. Trong khi vùng đất Gô-sen nơi tuyển dân sinh sống, ánh sáng vẫn chan hòa như mọi ngày, thì toàn bộ các vùng đất của người Ai Cập sống bị bóng tối dày đặc bao phủ, đến nỗi người ta không nhìn thấy mặt nhau, mọi người không thể ra đường và làm bất kỳ một công việc gì, kể cả việc thực hiện lễ nghi cúng tế cho thần Ra, vị thần mặt trời tối cao của họ.
Trong chín tai vạ đã giáng xuống Ai Cập, phần lớn Chúa dùng phép lạ để minh chứng sự thờ phượng sai trật của người Ai Cập. Đối tượng thờ phượng của họ chỉ là hư không và bất năng, như thần ếch nhái, ruồi mòng, ngay cả những vị thần được cho là linh thiêng nhất như thần Ha-pi của sông Nile đã không thể ngăn chặn nước sông biến thành huyết (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:20), thần đầu bò Hathor bất lực trước dịch lệ làm súc vật chết toàn bộ (Xuất Ê-díp-tô Ký 9:6), và bây giờ thần mặt trời tối cao đã không thể xua đuổi sự tối tăm bao phủ khắp xứ suốt ba ngày đêm. Thế nhưng một lần nữa, chúng ta lại nhìn thấy lòng nhân từ của Chúa trên người Ai Cập, sự tối tăm chỉ bao trùm trên họ một thời gian ngắn để họ có cơ hội suy nghĩ về đối tượng thờ phượng của mình và nhìn biết Đức Giê-hô-va là Đấng thực hữu, năng quyền, Ngài đang tể trị trên toàn cõi vũ trụ.
Dù lần này vua nhân nhượng cho toàn thể dân Chúa ra đi nhưng vua yêu cầu giữ lại bầy súc vật của họ để mong kéo họ trở về Ai Cập, tiếp tục phục vụ. Khi ông Môi-se từ chối lời đề nghị, vua lại nổi giận đuổi ông Môi-se và ông A-rôn ra, và hăm dọa “Khá giữ mình đừng thấy mặt ta nữa, vì ngày nào ngươi thấy mặt ta thì sẽ chết” (câu 28). Vua quên rằng ông đã nhiều lần đuổi ông Môi-se và ông A-rôn ra khỏi mặt mình, rồi sau đó vội vã cho mời hai ông vào để cầu xin Đức Giê-hô-va rút tai vạ trên người Ai Cập. Và một điều rất quan trọng mà vua không biết là vua không có quyền tra tay vào sự sống của con dân Chúa nếu Ngài không cho phép. Con người dễ bộc lộ cơn giận nếu không thỏa mãn điều mình mong muốn. Khi nổi giận, con người mất khôn ngoan; giận cá chém thớt, phát ngôn bừa bãi và có những hành động gây hậu quả khôn lường.
Bạn có dễ nổi giận không? Khi nổi giận bạn thường làm gì?
Lạy Chúa, xin Chúa giúp con luôn nhận ra những thần tượng hư không, trung tín tôn thờ Ba ngôi Đức Chúa Trời hằng hữu và năng quyền. Xin giúp con biết kiềm chế lời nói và hành vi của mình khi nóng giận.
HTTLVN.ORG

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2019

HỌC BIẾT VỀ 10 TAI VẠ: Tai Vạ Thứ Tám - Cào Cào

Xuất Ê-díp-tô Ký 10:12-20

12 Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng: Hãy giơ tay ngươi ra trên xứ Ê-díp-tô, đặng khiến cào cào tràn lên xứ đó, cắn xả rau cỏ và mọi vật chi trên đất mưa đá còn chừa lại. 13 Vậy, Môi-se bèn giơ gậy mình ra trên xứ Ê-díp-tô, thì Đức Giê-hô-va dẫn ngọn gió đông thổi trên xứ suốt ngày và đêm đó; qua sáng mai gió đông đã dẫn cào cào đến. 14 Cào cào tràn lên khắp cả xứ Ê-díp-tô, và sa xuống trong địa hạt xứ ấy nhiều vô số. Trước kia chẳng bao giờ có bằng số đó, sau nầy cũng chẳng hề sẽ có bằng như vậy. 15 Cào cào bao phủ khắp mặt đất của cả xứ, và xứ thành ra tối tăm, cắn xả các rau cỏ ngoài đồng cùng trái cây mà mưa đá còn chừa lại; trong khắp xứ Ê-díp-tô chẳng còn chút xanh tươi chi cho cây cối hay là cho cỏ rau ở ngoài đồng ruộng nữa.16 Pha-ra-ôn vội đòi Môi-se và A-rôn đến mà phán rằng: Trẫm đã phạm tội cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, và cùng các ngươi nữa. 17 Nhưng bây giờ, xin xá tội cho trẫm lần nầy; và hãy cầu giùm Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, hầu cho ít nữa Ngài khiến xa trẫm cái vạ chết nầy. 18 Môi-se bèn lui ra khỏi Pha-ra-ôn, và khẩn nguyện Đức Giê-hô-va. 19 Đức Giê-hô-va dẫn ngọn gió tây đến rất mạnh, đem cào cào đi đuổi xuống Biển Đỏ; khắp địa hạt Ê-díp-tô chẳng còn một con cào cào nào. 20 Nhưng Đức Giê-hô-va làm cho Pha-ra-ôn cứng lòng; người chẳng tha dân Y-sơ-ra-ên đi. 
Câu gốc: Đức Giê-hô-va bèn phán cùng Môi-se rằng: Hãy giơ tay ngươi ra trên xứ Ê-díp-tô, đặng khiến cào cào tràn lên xứ đó, cắn xả rau cỏ và mọi vật chi trên đất mưa đá còn chừa lại” (câu 12).
Câu hỏi suy ngẫm: Những hình ảnh nào mô tả về tai vạ cào cào khủng khiếp? Vua Ai Cập đã làm gì trước tai vạ này? Bài học hôm nay cho bạn biết gì về Đức Chúa Trời và con người?
Có lẽ người Ai Cập không lạ gì với việc cào cào cắn phá mùa màng, nhưng lần này quả là tai vạ có một không hai (câu 14). Trong suốt một ngày đêm, Chúa dùng ngọn gió Đông thổi hàng đoàn cào cào làm phủ kín cả đất nước Ai Cập đến nỗi khắp chốn trở nên tối tăm. Cào cào cắn xả mọi thứ đến nỗi người ta không còn nhìn thấy màu xanh của cây cỏ (câu 15). Có lẽ khi nghe lời cảnh báo của ông Môi-se và ông A-rôn, vua chưa thể hình dung ra cảnh tượng này, và bây giờ ông mới nhận ra đây là tai vạ chết chóc (câu 17). Vua biết phải làm gì để cứu vãn tình trạng nguy cấp. Ông vội vã cho mời ông Môi-se và ông A-rôn đến. Một lần nữa vua hạ mình xưng nhận đã phạm tội với Đức Chúa Trời. Ông cũng xưng tội với ông Môi-se và ông A-rôn nữa; có lẽ do trước đó vua đã nổi giận, đuổi họ đi khuất mắt. Ông năn nỉ họ cầu nguyện, xin Đức Giê-hô-va rút tai họa chết chóc này lại. Ông Môi-se và ông A-rôn cầu nguyện với Đức Chúa Trời, Ngài nhậm lời, dùng cơn gió Tây thổi mạnh đem tất cả cào cào xuống Biển Đỏ.
Bài học hôm nay cho thấy hình ảnh của người đầy tớ trung thành của Chúa là ông Môi-se và ông A-rôn. Họ khiêm nhường bước đi với Chúa, làm theo mọi điều Ngài phán dạy. Họ không phán xét vua Ai Cập nhưng chỉ cầu nguyện cho vua và người Ai Cập thoát khỏi tai họa. Họ thật sự là ống dẫn phước đến nhiều người! Chúng ta cần trau dồi điều gì để trở nên công cụ đắc lực trong tay Chúa? Nhiều lần chúng ta cũng hành xử giống vua Ai Cập, xem thường lời cảnh báo của Chúa, bất tuân mệnh lệnh của Ngài. Khi bị Chúa sửa phạt, chúng ta hạ mình ăn năn thống hối, và khi được Chúa giải cứu thì chúng ta lại xem thường Lời Ngài, và bước vào một vòng lẩn quẩn tiếp theo.
Dân chúng chắc chắn nhận biết sự can thiệp của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Chỉ Ngài mới có quyền sai khiến thiên nhiên, thổi cơn gió Đông đem cào cào lên, và cơn gió Tây thổi cào cào về lại Biển Đỏ, Ngài hóa không thành có, rồi từ có thành không. Chúa đang tể trị mọi sự kiện và hoàn cảnh để đem ích lợi cho cả loài người. Ngay cả việc Chúa khiến vua Ai Cập cứng lòng cũng chỉ để người Ai Cập, người Y-sơ-ra-ên và cả thiên hạ nhìn biết Ngài là Chúa của cả vũ trụ. Chúa xứng đáng cho mọi dân tôn thờ và yêu mến. Lời Chúa đáng cho chúng ta suy ngẫm và vâng theo mỗi ngày.
Chúa đang ở vị trí nào trong lòng của bạn?
Lạy Chúa, con cầu xin Chúa giúp con biết yêu kính Chúa ngày càng hơn và giúp con làm người phục vụ khiêm nhường và trung tín trong nhà của Ngài luôn luôn.
HTTLVN.ORG

Bài 41: Đức Chúa Trời Muốn Chúng Ta Học Kinh Thánh

 
ĐỨC CHÚA TRỜI MUỐN CHÚNG TA HỌC KINH THÁNH
Kinh Thánh: Phục-truyền 6:6-9
Câu gốc: “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng mà giảng dạy lời của lẽ thật” (IITi-mô-thê 2:15)
Mục đích: Khuyến khích mỗi chúng ta thường xuyên đọc Kinh Thánh và dùng Kinh Thánh như một quyển sách hướng dẫn đời sống mình.
LỜI CẦU NGUYỆN ĐỂ DÂNG LÊN: “Xin Chúa mở mắt tôi, để tôi thấy sự lạ lùng trong luật pháp của Ngài” (Thi 119:18)
MỆNH LỆNH ĐỂ VÂNG THEO: “Hãy dò xem Kinh Thánh” (Giăng 5:39)

Kinh Thánh đọc hằng ngày
Chúa Nhật:
CHUYÊN TÂM CHO ĐƯỢC ĐẸP LÒNG CHÚA
(IITi-mô-thê 2:15; 3:15-17)
Thứ Hai:
CHUYÊN TÂM ĐỂ BIẾT Ý CHỈ CỦA CHÚA
(Phục-truyền 6:6-9)
Thứ Ba:
HAM THÍCH SỮA THIÊNG LIÊNG CỦA ĐẠO
(IPhi-e-rơ 2:1-7)
Thứ Tư:
HỌC BIẾT ĐƯỜNG LỐI CHÚA
(Thi 27:1-14)
Thứ Năm:
HỌC TẬP ĐỂ BIẾT CÁCH SỐNG
(Giăng 6:48-58)
Thứ Sáu:
HỌC HỎI ĐỂ ĐƯỢC SOI SÁNG
(Giăng 5:39-47)
Thứ Bảy:
HỌC TẬP DƯỚI SỰ HƯỚNG DẪN CỦA THÁNH LINH
(Giăng 16:7-16)

Theo Phục-truyền 6:6-9, Đức Chúa Trời muốn dân Y-sơ-ra-ên học lời Ngài. Chúa cũng muốn chúng ta học lời Ngài như vậy, vì chúng ta là dân Y-sơ-ra-ên thuộc linh, con cháu đức tin của Áp-ra-ham (Rô-ma 4:16; 9:8; Ga-la-ti 3:29).
1. Lời Chúa phải ở trong lòng chúng ta.
2. Phải dạy dỗ lời Chúa cho con cái, nghĩa là in vào trí, khắc vào lòng chúng nó.
3. Phải nói lời Chúa khi ở nhà hay khi đi đường, khi nằm hay khi ngồi, tức là suy gẫm lời Chúa ngày và đêm (Thi 1:2), rồi áp dụng lời Chúa vào hành vi của mình.
4. Phải buộc lời Chúa nơi tay, để nó nơi trán giữa đôi mắt. Người Do Thái bịt khăn ngang trán, nên họ để một câu Kinh Thánh tại đó.
5. Phải viết lời Chúa trên cột nhà và cửa để thấy và ghi nhớ.
Tóm lại, phải giữ lời Chúa trong nhà, trong thân, trong trí, trong lòng (Giô-suê 1:8)

I. ĐỨC CHÚA TRỜI PHÁN VỚI CHÚNG TA QUA KINH THÁNH
Đức Chúa Trời của chúng ta không phải như hình tượng câm, có miệng mà không nói (ICô-rinh-tô 12:2; Thi 115:5), song Ngài luôn luôn phán với chúng ta.
Ngài đã phán qua Môi-se và các tiên tri, Ngài đã phán qua Chúa Jêsus và các sứ đồ (Hê-bơ-rơ 1:1). Ngài đã bảo họ chép lại các lời phán và việc làm của Ngài để lưu truyền hậu thế.

Chúa bảo Môi-se: “Hãy chép điều nầy trong sách làm kỷ niệm (Xuất 17:14). “Môi-se chép hết mọi lời của Đức Giê-hô-va” (Xuất 24:4). Đức Giê-hô-va cũng chép lời Ngài trên bảng đá cho dân Y-sơ-ra-ên (Xuất 24:12; 32:15, 16). Chúa lại bảo Môi-se: “Hãy chép các lời nầy” (Xuất 34:27).

Chúa bảo Giê-rê-mi: “Hãy lấy một cuốn sách, chép vào đó mọi lời ta đã phán cùng ngươi…” (Giê-rê-mi 36:2).

Cuối cùng Chúa bảo với sứ đồ Giăng: “Vậy, hãy chép lấy những sự ngươi đã thấy, những việc hiện nay có và những việc sau sẽ đến” (Khải-huyền 1:19).

Phao-lô được Thánh Linh cảm động chép 13 thơ tín từ Rô-ma đến Phi-lê-môn, ông có nhắc: “Vả, mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn nhục và sự yên ủi của Kinh Thánh dạy mà chúng ta được trông cậy” (Rô-ma 15:4).

Vì vậy, tất cả những người được Chúa dùng chép Kinh Thánh đều nhấn mạnh: “Đức Giê-hô-va phán…”. Khi Kinh Thánh phán, ấy là lời Đức Chúa Trời phán. Lời Chúa là chân thật, quyền năng, sống động, đời đời. Kinh Thánh là một quyển sách, một bức thư của Đức Chúa Trời gởi cho nhân loại. Con cái được đọc thơ của Cha yêu dấu là sung sướng vô cùng.

II. ÍCH LỢI CỦA SỰ HỌC KINH THÁNH
Chúa phán với chúng ta là vì lợi ích cho chúng ta:
1. LỜI CHÚA LÀM CHO CHÚNG TA ĐƯỢC TÁI SANH (IPhi-e-rơ 1:23; Gia-cơ 1:18): Chúng ta được sanh lại, trở nên con cái Đức Chúa Trời là công việc của Đức Thánh Linh. Song Thánh Linh dùng Kinh Thánh để cáo trách tội lỗi, soi sáng, cảm động, đưa chúng ta đến sự ăn năn, tin nhận Cứu Chúa Jêsus Christ. Kinh Thánh là một dụng cụ đắc lực của Thánh Linh.

2. LỜI CHÚA LÀM CHO CHÚNG TA ĐƯỢC LỚN LÊN (IPhi-e-rơ 2:2): Sau khi được tái sanh, chúng ta cần lớn lên để đạt bậc trưởng thành, có tầm thước, vóc giạc trọn vẹn của Chúa Jêsus. Muốn vậy, chúng ta phải học hỏi, ăn nuốt lời Chúa như trẻ con ham thích ăn nuốt sữa mẹ.

3. LỜI CHÚA LÀM CHO CHÚNG TA ĐƯỢC TẨY SẠCH (Giăng 15:3): Sau khi được cứu, như vừa kể trên, chúng ta còn có những tội lỗi dễ vấn vương, những thói quen không tốt, những tư tưởng bất khiết. Song lời Chúa như lửa để thiêu hủy mọi sự đó, đồng thời lời Chúa như nước tẩy sạch tấm lòng chúng ta (Hê-bơ-rơ 10:22).

4. LỜI CHÚA LÀM CHO CHÚNG TA ĐƯỢC NÊN THÁNH (Giăng 17:17): Sau khi được tẩy sạch, lời Chúa còn giữ gìn chúng ta sạch mãi. Lời Chúa giữ chúng ta khỏi tội lỗi. Ngược lại, tội lỗi giữ chúng ta khỏi lời Chúa. Đa-vít nói: “Tôi đã giấu lời Chúa trong lòng tôi để tôi không phạm tội cùng Chúa” (Thi 119:11).

5. LỜI CHÚA NÂNG ĐỠ, AN ỦI CHÚNG TA (Thi 19:7): Lời Chúa có một tác động phi thường để nâng đỡ kẻ ngã lòng, an ủi kẻ thất vọng, thêm sức kẻ yếu đuối. Không cứ hoàn cảnh nào, lời Chúa đều có thể nâng đỡ, an ủi cả.

Tại một xứ kia, có một tín đồ gặp tai nạn mìn nổ làm mất hết hai tay, mù hết đôi mắt. Ông thất vọng vì không còn được đọc Kinh Thánh. Nhưng có người bảo ông rằng ông có thể dùng môi đọc Kinh Thánh bằng chữ nổi (Braille). Khi Kinh Thánh được đưa đến môi mình ông mới hay chất nổ đã làm cho thần kinh ở môi ông bị tê liệt, nên ông không thể dùng môi mà đọc được. Đang khi thất vọng, ông nhớ đến lưỡi mình. Thế là ông bắt đầu tập đọc Kinh Thánh chữ nổi bằng lưỡi. Ông cho biết: “Tôi đã đọc cả Kinh Thánh 4 lần, có nhiều đoạn đã đọc đi đọc lại hằng chục lần mà không chán”.

Đúng như Đa-vít đã nói: “Các điều ấy (Lời Chúa) quý hơn vàng, thật báu hơn vàng ròng; lại ngọt hơn mật, hơn nước ngọt của tàng ong. Lời Chúa ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi” (Thi 19:10; 119:103).

III. PHƯỚC HẠNH CỦA SỰ LÀM THEO KINH THÁNH
Chúng ta biết Kinh Thánh là Lời Chúa phán với chúng ta. Các lời ấy nhằm mục đích làm lợi ích cho chúng ta. Song muốn hưởng được lợi ích đó, chúng ta không những học, hiểu lời Chúa mà còn phải làm theo.

Đa-vít nói: “Phước cho người gìn giữ chứng cớ Ngài” (Thi 119:2). Chúa Jêsus phán: “Những kẻ nghe và giữ lời Đức Chúa Trời còn có phước hơn” (Lu-ca 11:28). Gia-cơ chép: “Những kẻ nào… hết lòng giữ theo phép tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời” (Gia-cơ 1:25).

Chúa Jêsus đã so sánh người nghe lời Chúa rồi làm theo, giống như người khôn ngoan xây nhà trên đá, còn người nghe lời Chúa mà không làm theo, giống như người dại dột, xây nhà trên cát. Đa-vít nói: “Các điều răn Chúa làm cho tôi khôn ngoan hơn kẻ thù nghịch tôi… Tôi thông hiểu hơn kẻ già cả, vì cớ gìn giữ các giềng mối Chúa” (Thi 119:98, 100). Phao-lô nói với Ti-mô-thê: “Từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan…” (IITi-mô-thê 3:15).

Kinh Thánh là một quyển sách lời hứa, chứa đựng vô số lời hứa quý báu và chân thật của Chúa chúng ta. Ai muốn hưởng lời hứa đó, phải đọc cho hiểu rồi cẩn thận làm theo. Lúc nào cũng phải sẵn sàng “quỳ xuống dưới chân Ngài đặng lãnh những lời của Ngài” (Phục-truyền 33:3).

Một kẻ sát nhân đang bị giam trong khám, chờ ngày thọ hình. Một quyển Tân Ước được gửi vào biếu anh, song anh không đọc. Thế rồi, vì tò mò, ngày kia anh mở ra xem. Anh say mê, đọc mải miết cho đến chỗ Chúa Jêsus bị đóng đinh và Ngài cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu-ca 23:34). Anh viết thơ ra cho bạn: “Lòng tôi cảm động vô cùng. Tôi ăn năn và thưa với Chúa: Lạy Chúa Jêsus, xin tha tội cho con”. Và anh đã qua đời bình an.

Xung quanh chúng ta có rất nhiều tội nhân đang thất vọng. Hãy giúp đỡ họ (Châm-ngôn 24:11).

CÂU HỎI
1. Kể lại 5 điều Chúa dặn phải giữ lời Chúa.
2. Sách nào được kể là lời của Chúa?
3. Tại sao Kinh Thánh là lời phán của Chúa?
4. Lược kể 5 điều lợi ích của sự học Kinh Thánh?
5. Kể lại một câu chuyện một tín đồ gặp tai nạn mìn nổ?
6. Muốn hưởng được lợi ích của lời Chúa phải làm sao?
7. Người theo Chúa giống như ai?
8. Thuật lại câu chuyện của một anh sát nhân?
9. Đa-vít xem lời Chúa quý giá và ngon ngọt như gì?
10. Qua bài học này, chúng ta có quyết định gì đối với lời Chúa?

Mục sư Đoàn Văn Miêng 

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

Bài 40: Đức Chúa Trời Muốn Chúng Ta Học Biết Và Làm Theo Ý Chỉ Của Ngài

 
ĐỨC CHÚA TRỜI MUỐN CHÚNG TA HỌC BIẾT VÀ LÀM THEO Ý CHỈ NGÀI
Kinh Thánh: Công-vụ 8:26-40; IITi-mô-thê 3:14-17
Câu gốc: “ Chẳng phải những kẻ nói cùng ta rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa thì đều được vào nước thiên đàng đâu, nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn Cha ta ở trên trời mà thôi” (Ma-thi-ơ 7:21)
MỆNH LỆNH: “…Để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2)
LỜI CẦU NGUYỆN: “Xin dạy tôi làm theo ý muốn Chúa, vì Chúa là Đức Chúa Trời tôi” (Thi 143:10)

Kinh Thánh đọc hằng ngày
Chúa Nhật:
TÌM Ý CHỈ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI TRONG VIỆC CHÚNG TA LÀM (Giăng 7:10-21)
Thứ Hai:
KINH THÁNH BÀY TỎ Ý CHỈ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
(IITi-mô-thê 3:14-17)
Thứ Ba:
ĐẶT Ý CHỈ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI TRÊN HẾT MỌI SỰ
(Gia-cơ 4:13-17)
Thứ Tư:
PHẢI VÂNG PHỤC Ý CHỈ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
(IITi-mô-thê 3:14-17)
Thứ Năm:
VÍ DỤ VỀ VIỆC LÀM THEO Ý CHỈ CỦA CHÚA
(Ma-thi-ơ 25:14-30)
Thứ Sáu:
SỰ QUAN TRỌNG TRONG VIỆC LÀM THEO Ý CHỈ CỦA CHÚA
(Ma-thi-ơ 7:21-29)
Thứ Bảy:
NHỮNG TẤM GƯƠNG VỀ SỰ TÌM BIẾT Ý CHỈ CỦA CHÚA
(Công-vụ 8:26-40; 16:6-10)

Chúng ta đã học về chương trình của Đức Chúa Trời qua các thời đại. Còn 3 tháng cuối cùng này, chúng ta học về chương trình của Đức Chúa Trời cho đời sống của mỗi chúng ta.

Chúng ta bắt đầu bài học hôm nay bằng lời cầu nguyện: Xin Chúa cho chúng con thấy chương trình của Ngài, dạy dỗ chúng con ý chỉ của Ngài, ban cho chúng con ân tứ để làm theo ý chỉ đó.

Chúa sẽ trả lời chúng ta bằng cách nào? Làm sao chúng ta biết được ý chỉ của Chúa cho mỗi đời sống chúng ta? Làm sao chúng ta được dẫn dắt để bước đi mỗi ngày, mỗi giờ trong ý chỉ Chúa? Xin chú ý các phần sau đây:

I. NHỜ SỰ DẪN DẮT CỦA THÁNH LINH (Giăng 16:13)
Thánh Linh ở với chúng ta và ở trong chúng ta, sẵn sàng dẫn dắt chúng ta trong ý chỉ của Đức Chúa Trời, miễn là chúng ta cũng sẵn sàng lắng nghe tiếng êm dịu, nhưng rõ ràng của Ngài. Không hề có người nào là con cái Đức Chúa Trời mà không được Thánh Linh dẫn dắt (Rô-ma 8:14).

Đang khi sẵn sàng nghe tiếng Chúa để biết ý chỉ của Ngài, Phi-líp được lệnh: “Hãy chờ dậy, đi qua phía Nam, trên con đường từ thành Giê-ru-sa-lem xuống Ga-xa. Đường ấy vắng vẻ, người chờ dậy và đi” (Công-vụ 8:26-27). Đức Chúa Trời không bảo Phi-líp làm một việc vô lý là bỏ một thành phố Sa-ma-ri đông người, đang có kết quả lớn mà đi đến con đường vắng vẻ. Song Ngài biết trên con đường đó có một người cần được hướng dẫn là hoạn quan Ê-thi-ô-pi, người sẽ đem Tin Lành về lục địa Châu Phi.

Để biết ý chỉ của Đức Chúa Trời đối với mình, Hội Thánh An-ti-ốt đã kiêng ăn cầu nguyện. Trước tấm lòng khao khát đó, Thánh Linh phán với họ: “Hãy để riêng Ba-na-ba và Sau-lơ làm công việc ta đã gọi làm… Mỗi môn đồ liền đặt tay trên hai người, rồi để cho đi” (Công-vụ 13:2-3). Hội Thánh thuộc về Chúa nên một mình Ngài có quyền tuyệt đối kêu gọi và sai người nào Ngài muốn, làm việc gì Ngài chỉ định.

Trong vòng truyền giáo thứ hai, Phao-lô và Si-la dự định tiếp tục công tác tại Á Châu vì đang có kết quả. Nhưng Thánh Linh không cho phép. Phao-lô hiểu ý chỉ của Đức Chúa Trời đối với mình là như vậy, nên ông dừng lại và chờ đợi sự dẫn dắt của Ngài. Đêm kia, trong một chiêm bao, Phao-lô biết mình được Chúa muốn ông qua truyền giáo tại Âu Châu, ông liền tìm cách qua đó (Công-vụ 16:6-10).

Sau khi được giải phóng khỏi ách nô lệ của người Ê-díp-tô, dân Y-sơ-ra-ên qua Biển Đỏ vào đồng vắng. Đó là con đường họ chưa từng đi, nên Chúa dẫn dắt họ từng bước một bằng trụ mây: “Mỗi khi trụ mây cất lên khỏi trại thì dân Y-sơ-ra-ên ra đi; trong nơi nào trụ mây dừng lại, thì dân Y-sơ-ra-ên hạ trại ở đó. Dân Y-sơ-ra-ên ra đi theo mạng Đức Giê-hô-va…” (Dân-số Ký 9:15-23).

II. NHỜ SỰ HỌC LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (IITi-mô-thê 3:14-17)
Cách Thánh Linh dẫn dắt chúng ta hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc căn bản trong Kinh Thánh. Dầu Ngài phán trong lòng chúng ta bằng tiếng êm dịu, song Ngài mượn Kinh Thánh mà phán, tức là dùng Kinh Thánh để dẫn dắt chúng ta.

Khi đứng trước một ngã ba đường, không biết phải qua bên hữu hay bên tả; khi gặp một nan đề không biết cách nào giải quyết. Nếu chúng ta yên lặng đủ, chờ đợi và sẵn sàng tìm biết ý chỉ của Chúa đối với mình, thì Chúa sẽ dùng Kinh Thánh nhắc lại, và dẫn dắt chúng ta đường nào phải đi, việc chi phải làm. “Đức Giê-hô-va sẽ cứ dắt đưa ngươi (Ê-sai 58:11). “Ta sẽ dạy dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi, mắt ta sẽ chăm chú ngươi mà khuyên dạy ngươi” (Thi 32:8). “Khi các ngươi xê qua bên hữu hoặc bên tả, tai các ngươi sẽ nghe có tiếng đàng sau mình rằng: Nầy là đường đây, hãy noi theo” (Ê-sai 30:21).

Vây, hãy triệt để áp dụng Kinh Thánh vào nếp sống hằng ngày của mình. Tuy nhiên, không phải đợi đến khi có việc mới mở Kinh Thánh ra xem, rồi vì không biết chỗ nào, nên đã có người làm như thầy bói. Đây là câu chuyện buồn cười: Một tín đồ khi có việc, mở Kinh Thánh ra, nhắm mắt lại, lấy ngón trỏ dặt trên một câu. Chẳng may nhằm Ma-thi-ơ 27:5:“Giu-đa bèn ném bạc vào đền thờ, liền trở ra đi thắt cổ”. Xếp Kinh Thánh lại, rồi mở ra, người tín đồ đặt ngón trỏ trên một câu khác, nhằm Lu-ca 10:37:“Hãy đi, làm theo như vậy”!

Chúng ta học lời Chúa ngay bây giờ, học luôn, chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với những bất trắc xảy ra, với những nhu cầu cấp bách, hầu mỗi khi có việc, chúng ta nhớ ngay Kinh Thánh dạy thế nào về vấn đề này. Phao-lô khuyên Ti-mô-thê: “Từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan…” (IITi-mô-thê 3:15). Đa-vít nói: “Tôi đã giấu lời Chúa trong lòng tôi để tôi không phạm tội cùng Chúa” (Thi 119:11). Giấu có nghĩa là để dành, tích trữ.

III. NHỜ SỰ CẦU NGUYỆN (IGiăng 5:14-15)
Để biết ý chỉ của Đức Chúa Trời, chúng ta phải nhờ Thánh Linh dẫn dắt chúng ta qua Kinh Thánh. Song sau hết mà cũng trước hết, chúng ta nhớ cầu nguyện: “Xin dạy tôi làm theo ý muốn Chúa, vì Chúa là Đức Chúa Trời tôi” (Thi 143:10). Bởi sự thông công mật thiết, Đức Chúa Trời có dịp bày tỏ chúng ta biết ý chỉ của Ngài, và lúc nào Ngài cũng sẵn lòng làm việc đó.

Khi biết được ý chỉ của Chúa, chúng ta phải phục tùng. Nếu không đỗ đạt thành tài thì học hành dang dở, chúng ta phải vui lòng hầu việc Chúa theo khả năng mình. Nếu phải nghèo nàn, chúng ta cũng hầu việc theo ân tứ Chúa cho. Nếu thân thể yếu đuối, chúng ta cũng hầu việc Chúa theo sức mình có (Các Quan-xét 6:14). Dầu thuận cảnh hay nghịch cảnh, chúng ta cứ bước đi theo sự dẫn dắt của Chúa vì biết rằng bất cứ hoàn cảnh nào cũng nằm trong chương trình của Chúa, và Ngài đang khiến mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Ngài.

Vậy, chúng ta hãy hành động ngay, như Phi-líp, như Hội Thánh An-ti-ốt, như Phao-lô không do dự, không trễ nãi. Hãy reo lên: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi vui mừng làm theo ý Chúa, luật pháp ở trong tôi” (Thi 40:8).

Kẻ nào nghe lời Chúa, biết ý chỉ của Chúa rồi làm theo thì giống như người khôn cất nhà mình trên đá. Dầu mưa sa, nước chảy, gió lay xô động nhà ấy, song nó không sập. Trái lại, kẻ nào nghe lời Chúa, biết ý chỉ của Ngài mà không làm theo thì giống như người dại, cất nhà mình trên bãi cát. Có mưa sa, nước chảy, gió lay xô động nhà ấy thì sập ngay, hư hại rất nhiều (Ma-thi-ơ 7:24-29).

Trước mặt chúng ta thường có hai người như vậy. Chúng ta giống như người nào?

CÂU HỎI
1. Phi-líp được Đức Thánh Linh dẫn dắt thế nào?
2. Hội Thánh An-ti-ốt được Thánh Linh dẫn dắt thế nào?
3. Phao-lô được Thánh Linh dẫn dắt thế nào?
4. Trong đồng vắng, dân Y-sơ-ra-ên được Thánh Linh dẫn dắt thế nào?
5. Ngày nay Thánh Linh dùng cách nào để dẫn dắt chúng ta?
6. Làm sao để chúng ta được Thánh Linh dẫn dắt bằng lời Ngài?
7. Đa-vít và Ti-mô-thê đã dạy chúng ta thế nào?
8. Sau hết và trước hết, chúng ta nhờ gì mà biết được ý chỉ của Chúa?
9. Sau khi biết được ý chỉ của Chúa, chúng ta phải làm gì?
10. Làm theo ý chỉ của Chúa và không làm theo khác nhau thế nào?  

Mục sư Đoàn Văn Miêng

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

Bài 39: Chương Trình Của Đức Chúa Trời Được Hoàn Tất

 
CHƯƠNG TRÌNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI ĐƯỢC HOÀN TẤT
Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 24:27-31; Mác 13:24-37; Lu-ca 21:25-36
Câu gốc: “Anh em đã nhận Đức Chúa Jêsus Christ thể nào thì hãy bước đi trong Ngài thể ấy” (Cô-lô-se 2:6).
Mục đích: Cho thấy rằng Đức Chúa Trời có một chương trình toàn hảo cho các thời đại và Ngài sẽ làm trọn chương trình ấy.

Kinh Thánh đọc hằng ngày
Chúa Nhật:
ĐẤNG CHRIST VÀ LUẬT PHÁP
(Rô-ma 10:4-15)
Thứ Hai:
HỘI THÁNH ĐẦU TIÊN
(Công-vụ 2:1-21)
Thứ Ba:
SỨ MẠNG CHÚA GIAO PHÓ CHO CHÚNG TA
(Ma-thi-ơ 28:16-20)
Thứ Tư:
PHẢI THỬ ĐỂ BIẾT LẼ THẬT
(IGiăng 3:1-21)
Thứ Năm:
SỰ ĐOÁN XÉT CỦA CHÚA
(Giô-ên 3:1-21)
Thứ Sáu:
VỊ VUA SẼ TRỞ LẠI
(Ma-thi-ơ 24:27-31; Mác 13:24-37; Lu-ca 21:25-26)
Thứ Bảy:
TRỜI MỚI ĐẤT MỚI
(Khải-huyền 21:1-8)

Chúng ta đã học 9 tháng qua. Bây giờ hãy xét lại: Đời sống của bạn phát triển thế nào? Bạn có biết Đức Chúa Trời và chương trình của Ngài không? Bạn có làm công việc Ngài đã giao phó cho bạn? Mong bạn thấy đời sống mình tiến bộ, năm này hơn năm ngoái, tháng này hơn tháng trước, hôm nay hơn hôm qua.

Khi đi đường xa phải vượt qua một đồi cao. Đến đỉnh đồi đứng nhìn lại con đường đã qua đầy quanh co khúc khuỷu, nhìn con đường sắp đi, chúng ta thấy mập mờ không biết còn bao xa. Tuy nhiên, chúng ta được khích lệ vì đã kinh nghiệm một đoạn đường và thấy trước đoạn đường còn lại mình phải đi qua để đến đích.

Chúng ta đã ôn lại lịch sử loài người trong chương trình của Đức Chúa Trời. Bây giờ, chúng ta nhìn về tương lai thấy những nét chính của chương trình đó, và hăm hở đi trọn chương trình Chúa muốn chúng ta đi.

I. HỘI THÁNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã chọn một dân tộc và hành động qua dân tộc ấy. Ngày nay, Đức Chúa Trời cũng chọn Hội Thánh làm một dân tộc thuộc riêng về Ngài và hành động qua Hội Thánh. “Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời…” (IPhi-e-rơ 2:9).

Hội Thánh là một tập thể lớn, gồm muôn dân muôn nước trong thế giới và qua các thời đại:
1. Hội Thánh do Chúa Jêsus thành lập (Ma-thi-ơ 16:18).
2. Hòn đá góc nhà và nền nhà là Chúa Jêsus (Ê-phê-sô 2:20; ICô-rinh-tô 3:11).
3. Đầu của Hội Thánh là Chúa Jêsus (Ê-phê-sô 5:23).
4. Hội Thánh là thân thể của Chúa (Ê-phê-sô 1:22,23).
5. Hội Thánh hiệp một trong Chúa (Rô-ma 12:5).
6. Hội Thánh được Chúa yêu thương (Ê-phê-sô 5:25).
7. Hội Thánh được Chúa làm cho tinh sạch (Ê-phê-sô 5:25, 26).
8. Hội Thánh được ân điển của Chúa (IICô-rinh-tô 8:1)
9. Hội Thánh được Chúa điều khiển và chăm sóc (Ê-phê-sô 4:11-13)
10. Hội Thánh bày tỏ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 3:10).
11. Hội Thánh được sanh ra trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Công-vụ 2).
12. Hội Thánh còn đời đời (Khải-huyền 22:5)
Chúng ta rất sung sướng vì được thuộc về Hội Thánh của Chúa.

II. CÔNG VIỆC CỦA HỘI THÁNH (Ma-thi-ơ 28:18-20)
Chúa đã long trọng tuyên bố với các môn đồ là Ngài có tất cả quyền hành trên trời và dưới đất. Với quyền hành lớn lao và vô hạn đó, Ngài sẽ ban Đức Thánh Linh cho họ để ai nấy mặc lấy quyền năng mà làm chứng cho Ngài khắp mọi nơi trên thế giới.

“Hãy đi dạy dỗ muôn dân” hay là hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ ta. Trải qua 20 thế kỷ tức là từ khi Đức Thánh Linh giáng lâm, Hội Thánh của Chúa đã lần lượt từ gần đến xa, người này qua người khác thay vào, nên Tin Lành đã được truyền giảng khắp mọi nơi cho mọi người.

“Hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh mà làm phép Báp-têm cho họ”. Sau khi hướng dẫn một người về với Chúa, chúng ta phải tiếp tục hướng dẫn người ấy chịu Báp-têm. Tin và chịu Báp-têm là 2 bước khác nhau mà mỗi người phải đi qua. Nếu đã có dấu hiệu thật lòng tin, mới tiến đến chịu Báp-têm. Vì ý nghĩa của Báp-têm là đồng chết với Chúa về tội lỗi và sống lại với Ngài trong một đời mới.

“Và dạy họ giữ hết mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi”. Đã chịu Báp-têm vẫn chưa đủ, người tín đồ còn phải tiếp tục học lời Chúa. Một em bé được sanh ra còn phải tuần tự lớn lên mãi nhờ thức ăn bổ dưỡng. Hội Thánh phải nỗ lực dạy tín đồ tất cả những điều Chúa đã truyền. Mỗi tuần lễ giảng một bài thật chẳng thấm vào đâu đối với nhu cầu tâm linh của tín đồ. Thân thể phải ăn mỗi ngày chứ không phải mỗi tuần, linh hồn cũng vậy. Hãy tập cho tín đồ biết lượm mana mỗi ngày (Xuất 16:13-36).

“Và nầy, ta hằng ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế”. Chúa ở cùng chúng ta là đồng công với chúng ta, là hành động qua chúng ta bằng quyền năng của Ngài, để chúng ta làm công việc của Ngài cho đến khi Ngài trở lại.

Chúng ta nói mình hầu việc Chúa. Vậy việc Chúa tại thế gian này là việc gì? Không có việc gì khác ngoài ra các việc vừa kể ra trên đây. Nếu ngày nào Chúa chưa tái lâm để chấm dứt thời đại ân điển này là ngày Ngài còn cho chúng ta cơ hội truyền giảng Tin Lành cứu vớt tội nhân, gây dựng Hội Thánh.

III. CHÚA JÊSUS TÁI LÂM
Ngày Chúa Jêsus tái lâm là ngày vui mừng nhất cho Hội Thánh – song lại là ngày khủng khiếp và tuyệt vọng nhất cho người đời. “Khi ấy điềm Con Người sẽ hiện ra trên trời, mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực và thấy Con Người lấy đại quyền, đại vinh ngự trên mây trời mà xuống” (Ma-thi-ơ 24:30). “Kìa, Ngài đến giữa những đám mây mọi mắt sẽ trông thấy, cả đến những kẻ đã đâm Ngài cũng trông thấy; hết thảy các chi họ trong thế gian sẽ than khóc vì cớ Ngài” (Khải-huyền 1:7).

Hội Thánh sẽ được biến hóa và cất lên không trung để gặp Chúa (Phi-líp 3:20; ITê-sa-lô-ni-ca 4:13-18). Tội nhân sẽ bị phán xét trước tòa án trắng (Khải-huyền 20:11-15).

Chúa Jêsus sắp tái lâm. Chỉ trong mấy câu cuối cùng của sách Khải-huyền có đến ba lần Chúa phán: “Nầy, Ta đến mau chóng” (Khải-huyền 22:7, 12, 20). Nguyện tất cả chúng ta đều đồng thanh với Giăng mà thưa: “A-men, Lạy Chúa Jêsus, xin hãy đến”.

IV. TRỜI MỚI ĐẤT MỚI (Khải-huyền 21:2-5)
Đây là chỗ ở Chúa sắm sẵn cho những kẻ thuộc về Ngài (IIPhi-e-rơ 3:13). Đấy cũng gọi là cõi đời đời. Đức Chúa Trời đã dựng nên cho chúng ta để sống đời đời với Ngài trong trời mới đất mới. Dầu khi chúng ta đã phạm tội, Chúa Jêsus đã sẵn sàng chịu chết để đền tội chúng ta để thực hiện chương trình vĩ đại đó.

Xin mời chúng ta hãy nghĩ đến chương trình Chúa dành cho mình, hãy xin Chúa thực hiện chương trình của Ngài cho chúng ta. Ngay bây giờ hãy quyết định một lần đủ cả là sống cho mục đích đời đời của Đức Chúa Trời.

CÂU HỎI
1. Chương trình của Đức Chúa Trời trong quá khứ là gì?
2. Chương trình của Đức Chúa Trời trong tương lai là gì?
3. Hội Thánh của Chúa gồm những ai?
4. Hãy kể một vài đặc ân của Hội Thánh?
5. Công việc Chúa giao cho Hội Thánh trong thế gian nàylà gì?
6. Chúng ta phải làm công việc Chúa cho đến chừng nào?
7. Chúa Jêsus tái lâm là hy vọng cho ai?
8. Chúa Jêsus tái lâm để làm gì?
9. Chúa dựng trời mới đất mới để làm gì?
10. Qua các bài học 9 tháng vừa rồi, đời sống thuộc linh của bạn ra sao?

Mục sư Đoàn Văn Miêng

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019

Bài 38: Chương Trình Của Đức Chúa Trời Được Bày Tỏ

 
CHƯƠNG TRÌNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI ĐƯỢC BÀY TỎ
Kinh Thánh: Giăng 19:16-37
Câu gốc: “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12).
Mục đích: Cho chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã bày tỏ chương trình của Ngài qua con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ và qua việc Ngài đối với dân Ngài.

Kinh Thánh đọc hằng ngày
Chúa Nhật:
SỰ KHÔNG VÂNG PHỤC CỦA DÂN Y-SƠ-RA-ÊN
(Lê 26:27-34; Nê-hê-mi 9:26-29)
Thứ Hai:
GIẤC MƠ CỦA ÔNG VUA
(Đa-ni-ên 2:1-18)
Thứ Ba:
TRUYỆN TÍCH CÂY THẬP TỰ
(Giăng 19:16-37)
Thứ Tư:
ĐẤNG CHRIST SỐNG LẠI
(Giăng 20:1-18)
Thứ Năm:
ĐẤNG CHRIST LÀ ĐẤNG TRUNG BẢO
(Ê-phê-sô 2:13-22)
Thứ Sáu:
HỘI THÁNH ĐẦU TIÊN
(Công-vụ 2:1-21)
Thứ Bảy:
ÂN ĐIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
(Rô-ma 3:21-23)

Hôm nay chúng ta ôn lại bài đã học quý II (tam cá nguyệt II). Nếu cần, chúng ta hãy cùng nhau mở các bài ấy ra để xem lại để hiểu thêm và nhớ. Xem cái cũ biết cái mới. Sau khi được giải phóng khỏi Ê-díp-tô, dân Y-sơ-ra-ên qua Biển Đỏ vào đồng vắng. Tại đó, họ được Chúa ban luật pháp. Trong luật đó có Luật luân lý hay Luật đạo đức như mười điều răn, cũng có luật lễ nghi hay luật thờ phượng, dân Y-sơ-ra-ên được tha thứ, được giao thông cùng Chúa (Xuất 25:8; 19:45-46; Phục-truyền 12:11)

Bốn mươi năm trong đồng vắng, dân Y-sơ-ra-ên ở dưới sự hướng dẫn của Môi-se. Khi vào Ca-na-an, phân chia sản nghiệp, dân Y-sơ-ra-ên ở dưới sự hướng dẫn của Giô-suê. Khi Giô-suê qua đời, dân Y-sơ-ra-ên ở dưới sự hướng dẫn của các quan xét. Sau thời các quan xét, dân Y-sơ-ra-ên xin lập một vương quốc. Thế là từ đó họ đã thay đổi, từ chính thể thần quyền sang chính thể quân chủ.

I. VƯƠNG QUỐC Y-SƠ-RA-ÊN
Vị vua thứ nhất của Y-sơ-ra-ên là Sau-lơ, Sau-lơ đã khởi sự rất tốt song kết thúc trở nên rất xấu. Vì vậy, Phao-lô đã khuyên: “Anh em đã nhận Chúa Jêsus Christ thể nào, hãy bước đi trong Ngài thể ấy” (Cô-lô-se 2:6).

Đa-vít, vị vua thứ hai cũng là vị vua tốt nhất của Y-sơ-ra-ên. Dầu ông đã phạm tội, nhưng đã hết lòng ăn năn (Thi 51). Trong thời kỳ cai trị của ông, nước Y-sơ-ra-ên phú cường lắm.

Vị vua thứ ba của Y-sơ-ra-ên là Sa-lô-môn, con vua Đa-vít. Khi còn trẻ, Sa-lô-môn rất tốt, song khi già, ông bị các bà vợ ngoại đạo cám dỗ thờ lạy hình tượng tà thần. Khi Sa-lô-môn qua đời, nước Y-sơ-ra-ên bị chia làm hai: Miền Bắc do Giê-rô-bô-am làm vua cai trị 10 chi phái, lấy tên nước là Y-sơ-ra-ên, miền nam do Rô-bô-am, con trai Sa-lô-môn làm vua cai trị 2 chi phái Giu-đa và Bên-gia-min, lấy tên nước là Giu-đa. Các vua của hai miền đó đã phạm tội cùng Chúa, song các vua miền nam đỡ hơn, nên thỉnh thoảng có cơn phục hưng đạo đức tại đó. Vua hai miền thường tranh chiến với nhau, mặc dù miền Bắc dân đông gấp hai, đất rộng gấp ba miền Nam.

Nước Y-sơ-ra-ên miền Bắc có 19 đời vua nối ngôi cai trị 210 năm. Đức Chúa Trời đã dùng các Đấng tiên tri cáo trách tội lỗi và kêu gọi dân chúng ăn năn, song họ vẫn ngoan cố, chống đối. Kết quả: Năm 722 TC, đạo quân Asyri xâm chiếm cả nước, bắt dân Y-sơ-ra-ên đày qua Asyri rồi đem các dân tộc khác đến ở tại Sa-ma-ri, thủ đô nước Y-sơ-ra-ên (IICác Vua 17:16,24). Phần đông dân Y-sơ-ra-ên không thừa nhận dân tại Sa-ma-ri là dân Y-sơ-ra-ên, mà cứ gọi là dân Sa-ma-ri và không chịu giao thiệp với họ.

Nước Giu-đa miền Nam có 20 đời vua, nối ngôi và cai trị 344 năm, Đức Chúa Trời đã dùng nhiều tiên tri kêu gọi họ ăn năn, song họ cũng không tỉnh thức để thoát khỏi tình trạng đau thương như dân Y-sơ-ra-ên miền Bắc. Vì vậy, năm 579 TC, đạo quân Ba-by-lôn xâm chiếm cả nước, bắt dân Giu-đa đày qua Ba-by-lôn (IICác Vua 24:14-16; 25:2-21). Sau 70 năm bị lưu đày, dân Y-sơ-ra-ên được trở về tổ quốc.

Kể từ khi bị đày qua Asyri và Ba-by-lôn, dân hai miền đã mất quyền tự chủ, phải bị Ba-by-lôn, Mê-đô-ba-tư , Hy Lạp và La-mã thay nhau cai trị (đô hộ). Dầu họ có vua, song chỉ là vua chư hầu như Hê-rốt. Mãi cho đến năm 1948, họ mới được độc lập cho đến ngày nay.

Tất cả hậu quả trên đều do lìa bỏ Chúa mà ra. “Tội ác ngươi sẽ sử phạt ngươi, sự bội nghịch ngươi sẽ trách ngươi, nên ngươi khá biết và thấy rằng lìa bỏ Đức Giê-hô-va ngươi, và chẳng có lòng kính sợ ta, ấy là một sự xấu xa cay đắng…” (Giê-rê-mi 2:19).

II. VƯƠNG QUỐC ĐẤNG CHRIST
Trước khi Đấng Christ đến, sứ giả của Ngài là Giăng Báp-tít đã báo tin và kêu gọi: “Các ngươi hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần.” Những người đã ăn năn đều được Giăng làm phép Báp-têm để chuẩn bị đón tiếp Cứu Chúa, cũng là vua Y-sơ-ra-ên. Đồng thời Giăng giới thiệu Jêsus là cao trọng hơn ông đến nỗi ông không đáng mở dây giày cho Ngài. Ông làm Báp-têm bằng nước, còn Ngài làm Báp-têm bằng Thánh Linh và bằng lửa. Ngài là Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi thế gian đi (Ma-thi-ơ 3:1-12; Giăng 1:29).

Khi bắt đầu chức vụ, Chúa Jêsus đã giảng giải luật pháp của nước Ngài (Ma-thi-ơ 5:7). Kế đó, Ngài làm nhiều phép lạ như chữa lành các thứ tật bệnh và đuổi quỷ trong giây phút qua lời phán của Ngài. Ngài quở bão tố yên lặng, đi bộ trên mặt biển, hóa bánh ra nhiều, kêu kẻ chết sống lại. Ngài làm các điều đó để chứng minh Ngài là Vua của Y-sơ-ra-ên (Đa-ni-ên 7:14). Đồng thời, Ngài giữ trọn luật pháp một cách không chỗ trách được. Thế mà chính quyền Do Thái lại chối bỏ Ngài, rồi bắt nộp cho chính quyền La-mã.

Nước của Chúa Jêsus Christ không thuộc về thế gian nầy (Giăng 6:15; 18:36). Ngài là Vua cai trị trong lòng của mọi thần dân Ngài (Lu-ca 17:20, 21). Ngài không giải phóng dân Y-sơ-ra-ên khỏi ách cai trị của La-mã, mà giải phóng toàn thể nhân loại khỏi ách nô lệ của ma quỷ và tội lỗi (Ma-thi-ơ 1:21), để họ trở thành một dân thuộc về Ngài (Tít 2:14).

Vì không hiểu như vậy nên chính quyền Do Thái và chính quyền La-mã hiệp nhau đóng đinh Jêsus trên thập tự giá. Song chính quyền Do Thái và chính quyền La-mã là ai mà có thể giết chết Chúa Jêsus? Vì Ngài là Đấng Tạo Hóa, còn họ là những tạo vật của Ngài. Chúa phán: “Chẳng có chi cất sự sống ta đi, song ta tự phó cho; ta có quyền phó sự sống và có quyền lấy lại; ta đã lãnh mạng lịnh này nơi Cha ta” (Giăng 10:18). Vậy Ngài đã tình nguyện chịu chết đền tội để giải phóng nhân loại khỏi ách của ma quỷ, khỏi kết quả của tội lỗi và quyền lực của nó, để làm vua đời đời trong một nước thánh khiết.

III. ĐỨC THÁNH LINH GIÁNG LÂM
Sau khi Chúa Jêsus về trời, Đức Thánh Linh giáng lâm để thành lập Hội Thánh, tức là đem cứu ân của Chúa Jêsus mà ứng dụng vào đời sống con người. Ngài cáo trách tội lỗi để tội nhân ăn năn (Giăng 16:8-11). Ngài ban cho họ đức tin để tiếp nhận Jêsus làm Cứu Chúa (Giăng 16:13-15). Ngài tái tạo tội nhân trở nên con cái Đức Chúa Trời (Giăng 3:3-5; Tít 3:5). Ngài giải phóng tín đồ khỏi quyền lực tội lỗi (Rô-ma 8:2), Ngài làm cho tín đồ được mạnh mẽ trong lòng (Ê-phê-sô 3:16). Ngài dẫn dắt tín đồ trong mọi bước đi (Rô-ma 8:14). Ngài ngự trong lòng của tín đồ để chứng cho họ biết rằng họ là con cái Đức Chúa Trời (Rô-ma 8:16). Ngài ban ân tứ cần thiết để tín đồ hầu việc Ngài trong Hội Thánh.

Đó là chương trình của Đức Chúa Trời đã được bày tỏ trải qua các thời đại. Chương trình đó là cứu rỗi nhân loại qua sự chết đề tội và sự sống lại của Chúa Jêsus. Đó là ân điển ban cho mọi kẻ tin.

CÂU HỎI
1. Luật pháp Môi-se được chia ra làm hai phần nào?
2. Ban đầu dân Y-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời cai trị qua các nhân vật nào?
3. Sau đó dân Y-sơ-ra-ên xin được ai cai trị họ?
4. Vua thứ nhất của nước Y-sơ-ra-ên là ai? Thứ hai là ai? Thứ ba là ai?
5. Nước Y-sơ-ra-ên đã bị chia ra làm hai thế nào? Ai cai trị miền Bắc? Ai cai trị miền Nam? Mỗi miền bao nhiêu chi phái?
6. Tại sao dân hai miền phải bị xâm chiếm, và phải bị lưu đày?
7. Chúa Jêsus đã làm gì để chứng minh Ngài là vua của Y-sơ-ra-ên, Cứu Chúa của nhân loại?
8. Tại sao dân Do Thái nộp Ngài để chịu giết?
9. Chính quyền Do Thái và La-mã có thể giết Chúa Jêsus không? Tại sao?

10. Đức Thánh Linh giáng lâm để làm gì? Hãy kể ra các công việc của Ngài?

Mục sư Đoàn Văn Miêng  

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

Nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng phạm tội ở giới trẻ!

Một số Cơ Đốc nhân tự tin quả quyết: “con cái trong gia đình Cơ Đốc sẽ không bao giờ phạm tội”. Thực ra, đây chỉ là một quan điểm tích cực trên lý thuyết, nhưng thực trạng là điều chúng ta cần nhìn nhận, suy nghĩ và hành động ngay hôm nay. Vì theo thống kê, mỗi năm có hơn 10.000 trẻ em vị thành niên phạm tội, không loại trừ một số em là Cơ Đốc Nhân.
Không ai khác, nhưng chính phụ huynh là đối tượng đang trực tiếp vẽ lên bức tranh cuộc đời của con em mình trong tương lai. Hầu hết mọi người đều sẵn sàng hy sinh cả đời mình để gây dựng một tương lai tốt đẹp cho con cái. Không ít người cho rằng: “Tôi làm mọi thứ cũng chỉ tích góp để dành cho con”. Nhưng thứ gì là điều tốt nhất và cần thiết cho cuộc đời con em chúng ta? Tiền bạc, nhà cửa hay những mối quan hệ con ông cháu cha, …!
Theo các nhà tâm lý học hình sự thì một trong ba nhóm yếu tố tác động tới hành vi phạm tội ở trẻ vị thành niên chính là “Hoàn cảnh gia đình”.
1/ HOÀN CẢNH GIA ĐÌNH:
a. Xây dựng một gia đình có tình yêu thương:
            + Cha mẹ nên thiết lập mối quan hệ vợ chồng gắn bó, khăng khít trong Chúa, để cho con cái thấy được chúng đang sống trong một ngôi nhà hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười. Đa phần các em phạm tội đều có một gia đình không hạnh phúc, thiếu sự quan tâm trọn vẹn của cha lẫn mẹ.
            + Khi “cơm không lành, canh không ngọt”, cha mẹ đừng thể hiện trước mặt con, mà có thể gặp nhau ở một không gian chỉ hai người để giải quyết. Nhưng cách tốt nhất là gia đình nên có những giờ cầu nguyện lễ bái vào mỗi tối để chia sẻ, khích lệ, cầu nguyện và tha thứ lẫn nhau. Ngược lại, khi cãi nhau trước mặt con cái, cha đánh mẹ thì trong ý thức của con trẻ nếu là con trai chúng sẽ tin rằng mình có quyền làm thế với người nữ. Nếu con gái thì sẽ ý thức mình là phái yếu luôn chịu thua thiệt trước người nam. Đây cũng là một trong những nguyên nhân của bạo lực gia đình, ly hôn, lối sống ích kỷ, tự kỷ, …
            + Phụ huynh cần tránh dùng ngôn ngữ “chợ búa” hoặc rủa sả con cái bằng những từ cay đắng. Vì những ngôn từ này sẽ khắc ghi sâu đậm vào tâm trí và trở thành nhân cách của các em sau này. Con cái là cơ nghiệp Chúa ban chứ không phải là kẻ thù không đội trời chung “Mão triều thiên của ông già, ấy là con cháu; Còn vinh hiển của con cái, ấy là ông cha” (Châm Ngôn 17:6).
            + Cần có thái độ công bằng khi cư xử trong gia đình. Tấm gương của gia đình ông Y-sác và bà Rê-bê-ca là một minh chứng: Ông Y-sác thì thương yêu con trai cả Ê-sau vì hay đi săn thú rừng về làm cho ông ăn, bà Rê-bê-ca thì thương Gia-cốp vì hay quấn quýt bên mẹ. Từ sự mất quân bình trong tình cảm gia đình đã nảy sinh những rạn nứt giữa hai anh em (Sáng Thế Ký 25:27:34).
            + Trong cách sử dụng tiền bạc, các em cần biết đó là do Chúa ban, nên tiết kiệm trong những việc không cần thiết, nhưng sẵn sàng dùng tiền bạc để dâng hiến và quan tâm, sẻ chia cho những người thiếu thốn. Phụ huynh làm gương để giúp các em biết nguyên tắc không được “mắc nợ ai chi hết, chỉ mắc nợ về sự yêu thương nhau mà thôi” (Rô-ma 13:8), vì nhiều em có thói quen mắc nợ dẫn đến những hành động phạm tội kinh hoàng như giết người cướp của, buôn bán ma túy, …
            + Các em cần biết và tin Chúa thật lòng chứ không phải chỉ là theo đạo. Điều đó sẽ được hình thành từ những giờ học Kinh Thánh cá nhân, gia đình lễ bái, lớp Trường Chúa Nhật, các kỳ trại hè, …Nên khuyến khích các em góp phần trong Hội Thánh, vì môi trường Cơ Đốc sẽ cho các em nhiều cơ hội nhận biết Chúa cá nhân. Đó chính là tấm khiên bảo vệ các em trước các suy nghĩ và hành động phạm tội.
b. Phát triển một mái ấm có kỷ luật:
            Kỷ luật trong gia đình và giúp các em nhận biết điều gì là tốt, điều gì là xấu phù hợp với lứa tuổi. Nhưng không phải là hành động giữa cảnh sát và tội nhân, cũng đừng quá nuông chiều xem các em là hoàng tử hay công chúa trong gia đình.
            + Nguyên tắc ứng xử phải là điều bắt buộc đối với các em. Các em cần được dạy hai câu “Xin lỗi” và “Cảm ơn” ngay chính trong gia đình của chúng ta là Cơ Đốc nhân. Dưới đây là 5 chữ vàng mà cha mẹ cần nhớ của nguyên tắc thực hiện kỷ luật trong gia đình:
  1. Rõ Ràng: Phải giải thích rõ ràng những nguyên tắc trong thái độ bình tĩnh, tích cực, hạn chế quát mắng, giận dữ.
  2. Cụ Thể: Các quy tắc phải cụ thể, chi tiết, điều gì được phép, điều gì không. Cha mẹ phải cầm tay chỉ việc trong từng trường hợp cụ thể.
  3. Bất Biến: Cha mẹ phải hiệp một và không nên thay đổi các quy tắc theo tâm trạng. Nếu thay đổi một nguyên tắc nào đó thì cần phải giải thích lý do.
  4. Nhất Quán: Cha mẹ là tấm gương để các em noi theo, không ít các em đã nói: “Ba mẹ con không đi nhóm, nên con cũng ở nhà
  5. Nhân Quả: Kỷ luật gồm: “Nguyên tắc, hậu quả và khen thưởng”. Cha mẹ cần phối hợp với nhau để hướng dẫn các em, thông thường các em trai hay gần gũi với mẹ, em gái lại gần gũi với cha (vẫn có những trường hợp ngược lại). Cha mẹ nên tận dụng điều đó để thực hiện năm nguyên tắc trên với tinh thần và thái độ yêu thương, luôn nhắc các em nhớ mình là Cơ Đốc nhân.
2/ YẾU TỐ KHÁCH QUAN NGOẠI CẢNH:
a. Bạn bè:
            Bắt đầu từ 6-7 tuổi, mối quan hệ bạn bè đã dần hình thành và khá quan trọng vì là một trong những đối tượng ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy và hành động của con em chúng trong tương lai. Anh chị trong gia đình không phải là bạn bè, nên đừng ngăn cản tình bạn giữa các em với nhau. Chính các em sẽ tìm thấy những người bạn hợp với mình trong các môi trường tiếp xúc mỗi ngày. Bởi vậy, thời gian sinh hoạt mỗi tuần trong môi trường Cơ Đốc càng nhiều, càng giúp các em có những tình bạn đẹp trong Chúa. Với các bạn ngoài Hội Thánh, hãy khích lệ các em mời bạn đến nhà, và giúp con em mình trở thành người chia sẻ nếp sống Cơ Đốc cho bạn bè xung quanh. Với những bạn xấu, cha mẹ không nên la mắng, cấm tuyệt, nhưng cần giải thích cho các em cách cư xử ấy không phù hợp với nếp sống Cơ Đốc, “chớ mắc lừa: Bạn bè xấu làm hư thói nết tốt” I Cô-rinh-tô 15:33). Để chính các em tự giác trước những hành động sai trái, và tự lánh xa những bạn bè xấu. Hãy xem các em như những người trưởng thành qua thảo luận, trò chuyện nhẹ nhàng với trung tâm là nếp sống Cơ Đốc, thay vì quát mắng, chửi bới, rủa sả.
b. Môi trường văn hóa:
– Văn hóa khỏe: Phụ huynh cần khích lệ tinh thần học tập của các em, nhưng đừng tạo áp lực thành tích và so sánh với những em khác. Nên chăng, giúp các em phát triển tính kiên trì và phấn đấu. Điều này cần thực hiện từ khi các em lên 2-3 tuổi, nhưng vẫn không quá muộn nếu chúng ta bắt đầu thực hiện ngay hôm nay. Cần giải thích cho các em biết khi em làm việc gì cũng là đang làm cho Chúa chứ không phải làm cho người ta. Dù việc lớn hay việc nhỏ, cũng phải mô tả cho các em thấy bức tranh tốt đẹp khi kiên trì khắc phục trở ngại làm đến lúc hoàn thành, và dù có thất bại hay thành công thì cha mẹ vẫn luôn ở bên cạnh các em. Điều quan trọng các em cần nhớ là “Con mắt Đức Giê-hô-va ở khắp mọi nơi, và Ngài sẽ ban sự khôn ngoan cho em” (Châm Ngôn 15:3; Gia-cơ 1:5).
– Văn hóa sạch: Văn hóa đọc sách, truyện, xem phim là những nhu cầu không thể thiếu để phát triển tư duy, kỹ năng sống của các em. Nhưng không ít truyện tranh, clip có nội dung bẩn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành ý thức, ngôn ngữ và nếp sống Cơ Đốc của các em. Điển hình là bài viết “Giật mình với ngôn ngữ “chợ búa” trong truyện tranh Tý Quậy của NXB Kim Đồng” (http://phanthi.vn), hay những clip đăng trên Youtube đi sàn nhảy, quán bar, đánh nhau, …Phụ huynh cần quan tâm, nhắc nhở và kỷ luật đúng lúc.
Tin vui cho quý phụ huynh là Hội Thánh có xuất bản và đăng khá nhiều văn phẩm Cơ Đốc phong phú như: Sách bồi linh, truyện ngắn Cơ Đốc, bản tin Mục Vụ, Kinh Thánh Hàng Ngày Cho Thiếu Nhi, …Quý phụ huynh có thể tìm thấy nguồn văn phẩm này tại phòng sách Cơ Đốc ở các tỉnh.
3/ĐẶC ĐIỂM TÂM LÝ CÁ NHÂN
a. Trạng thái cảm xúc: Thanh thiếu niên là người đang trong quá trình phát triển sinh lý, tâm lý và ý thức. Đây là giai đoạn mất cân bằng tạm thời trong cảm xúc của các em. Nên có không ít trường hợp, xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ, nhưng không kiềm chế được sự nóng giận quá khích mà một số em đã phạm phải hành động sai lầm, thậm chí là thực hiện hành vi phạm tội. Quý phụ huynh cần quan tâm đến cảm xúc của các em, và tạo một thói quen bình tĩnh trong gia đình khi đối diện với bất cứ việc gì với nguyên tắc “người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:9).
 b. Nhận thức pháp luật:
Thanh thiếu niên là lứa tuổi thiếu cân đối về trí tuệ, với kinh nghiệm sống còn quá ít ỏi và khả năng nhận thức pháp luật cũng hạn chế. Một số em thực hiện hành vi phạm tội chỉ để thỏa mãn nhu cầu, hứng thú không đúng đắn của cá nhân mà không quan tâm đến hậu quả. Chỉ khi được giải thích, phân tích thì các em mới hiểu rằng hành vi của mình là phạm tội.
Những hành vi bị luật pháp ngăn cấm, thì đối với luật Chúa là điều không thể chấp nhận được. Một em thanh thiếu niên luôn nhận thức mình là Cơ Đốc nhân thì khó để phạm tội. Quý phụ huynh có 90.000 giờ trong 15 năm đầu đời để dạy cho các em nếp sống đẹp lòng Chúa.
c. Nhu cầu độc lập: Ở mỗi lứa tuổi các em có nhu cầu tự quyết định, tự hành động theo ý kiến riêng mà không muốn bị ảnh hưởng của người khác. Điều này giúp có em hình thành nếp sống tự lập. Nhưng cần phải quan tâm và dùng biện pháp kỷ luật đối với những nhu cầu độc lập thái quá thể hiện dưới những hành động như ngang bướng, cố chấp, dễ tự ái, gây gổ, phô trương. Tất cả những hành vi này của người chưa thành niên đều mang tính chất của hành vi lệch chuẩn, dễ dẫn tới các hành vi phạm tội.
d. Nhu cầu khám phá cái mới: Đây là một trong những đặc điểm tâm lý của các em thanh thiếu niên. Quý phụ huynh cần quan tâm đến nội dung những điều con em mình đang chơi, xem, nghiên cứu để ngăn chặn và giúp các em dừng lại đúng lúc. Tuy nhiên, cần tế nhị để không ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân của các em.
            Sẽ không còn cơ hội để cứu con em chúng ta, nếu quý phụ huynh không bắt đầu hành động ngay hôm nay. Vì con cái chính là bầy chiên mà Chúa đang giao phó cho quý phụ huynh “hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm” (I Phi-e-rơ 5:2).
                                                                                                                             Paul Tạ (HTTLVN.ORG)
Tài liệu tham khảo:
Bí kíp dạy con từ 6-9 tuổi (Suzanne Vallières, Đỗ Đình Tấn dịch, NXB Trẻ, 2017);Bí kíp dạy con từ 9-12 tuổi (Suzanne Vallières, Đỗ Đình Tấn dịch, NXB Trẻ, 2017);Bí quyết Teen thành công (Adam Khoo & Gary Lee, Trần Đăng Khoa & Uông Xuân Vy dịch, NXB Phụ Nữ, 2018);Tâm lý học (Trung Tâm Giáo Dục Thường Xuyên – Đại Học Luật Đà Nẵng, 2017).

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!