Thứ Hai, 22 tháng 4, 2019

Ảnh hưởng triệt để của sự Phục sinh

Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết… Lại sao chính mình chúng tôi giờ nào cũng ở trong sự nguy hiểm? Hỡi anh em, tôi chết hằng ngày, thật cũng như anh em là sự vinh hiển cho tôi trong Đức Chúa Giê-xu Christ, là Chúa chúng ta. Nếu tôi theo cách loài người mà đã đánh cùng các loài thú ở thành Ê-phê-sô, thì có ích gì cho tôi? Nếu kẻ chết chẳng sống lại, thì hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết!… Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ.” (1 Cô-rinh-tô 15:19, 30-32, 20).
Phao-lô suy nghĩ liệu ông sẽ đánh giá cuộc đời mình như thế nào nếu không có sự Phục sinh. Ông nói rằng khi đó tình cảnh thật sự lố bịch, đáng kinh. Sự Phục sinh hướng dẫn và ban năng lực để Phao-lô có thể làm những việc mà nếu không có hy vọng Phục sinh thì đó sẽ là những điều ngớ ngẫn.
Chẳng hạn, Phao-lô nhìn vào tất cả những nguy hiểm mà ông sẵn sàng đối mặt. Ông có thể liệt kê chúng trong hàng giờ liền:
Lại nhiều lần tôi đi đường, nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối” (2 Cô-rinh-tô 11:26)
Sau đó, ông xem xét đến mức độ của sự từ bỏ chính mình và nói: “tôi chết hằng ngày“. Kinh nghiệm này của Phao-lô chính là những gì mà Chúa Giê-xu phán dạy trong Lu-ca 9:23 “Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta.” Tức là có những thú vui mà Phao-lô phải làm chết đi mỗi ngày. Không có ngày nào mà ông không làm chết đi những tham dục nào đó.
Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn, tù rạc nhiều hơn, đòn vọt quá chừng. Đòi phen tôi gần phải bị chết; năm lần bị người Giu-đa đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm. . . chịu khó chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ. Còn chưa kể mọi sự khác, là mỗi ngày tôi phải lo lắng về hết thảy các Hội Thánh. (2 Cô-rinh-tô 11: 23b-25, 27-28)

Sau đó, ông nhớ lại rằng ông “
đã đánh cùng các loài thú ở thành Ê-phê-sô“. Chúng ta không biết Phao-lô đang nói đến điều gì ở đây. Có một vài người chống đối Phúc Âm được gọi là con thú trong 2 Phi-e-rơ 2:12 và Giu-đe 10. Cho dù là gì đi nữa thì Phao-lô cũng rất phiền lòng.
Vả, hỡi anh em, chúng tôi không muốn để anh em chẳng biết sự khốn nạn đã xảy đến cho chúng tôi trong xứ A-si, và chúng tôi đã bị đè nén quá chừng, quá sức mình, đến nỗi mất lòng trông cậy giữ sự sống” (2 Cô-rinh-tô 1:8)
Vì vậy, Phao-lô kết luận từ sự nguy hiểm liên tục, sự chết đi mỗi ngày và sự chiến đấu của ông với những con thú rằng: một người chọn đi theo Chúa sẽ là ngu dại và đáng thương nếu người đó sẽ không sống lại từ cõi chết. “Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết”. Nói cách khác, chỉ có sự Phục sinh, được sống lại với Chúa Giê-xu và niềm vui của cõi đời đời mới có thể giải thích cho những đau khổ mà người theo Chúa chấp nhận.
Phao-lô nói rằng nếu chết là hết thì, “hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết!” (1 Cô-rinh-tô 15:32b). Không phải Phao-lô nói là tất cả hãy trở thành những kẻ tham ăn, mê uống vì những kẻ đó thật đáng thương cho dù có hay không có sự sống lại. Nhưng ý của ông muốn nói là nếu không có sự sống lại, thì điều dễ hiểu là hãy tận hưởng tối đa những thú vui của trần gian này.
Nhưng đó không phải là những gì Phao-lô chọn. Ông chọn chịu khổi bởi vì ông chọn vâng lời. Khi ông quy đạo, A-na-nia đem đến Lời Chúa cho Phao-lô rằng, “Ta lại sẽ cho người ấy biết phải chịu khổ vì danh Ta đến mực nào.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:16 – TTHĐ). Ông chấp nhận điều này như là một phần trong sự kêu gọi của mình. Ông biết chắc chắn mình phải chịu khổ.
Làm thế nào Phao-lô có thể làm điều đó? Nguồn gốc của sự vâng lời triệt để này là gì? Câu trả lời được đưa ra trong 1 Cô-rinh-tô 15:20: “Nhưng bây giờ, Ðấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ“. Nói cách khác, Đấng Christ đã sống lại và tôi cũng sẽ sống lại với Ngài. Vì vậy, “công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu” (1 Cô-rinh-tô 15:58b).
Niềm hy vọng Phục sinh hoàn toàn thay đổi cách sống của Phao-lô. Nó giải phóng ông khỏi chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa hưởng thụ. Nó cho ông năng quyền để bước đi mà không màng đến những thứ nhiều người cảm thấy họ buộc phải có trong cuộc sống này. Chẳng hạn, mặc dù ông có quyền kết hôn (1 Cô-rinh-tô 9:5), ông đã từ bỏ niềm vui đó bởi vì ông được kêu gọi để chịu nhiều đau khổ. Ông làm điều này vì cớ sự Phục sinh.
Đây là cách mà Chúa Giê-xu nói về hy vọng sống lại thay đổi hành vi của chúng ta. Chẳng hạn, Ngài nói chúng ta hãy mời những người không thể trả lại cho chúng ta trong đời này, hãy mời họ vào nhà. Điều gì cảm thúc chúng ta làm điều này? “Đến kỳ kẻ công bình sống lại, ngươi sẽ được trả.” (Lu-ca 14:14).
Đây là một lời kêu gọi căn bản để chúng ta nhìn kỹ vào cuộc sống hiện tại, xem thử chúng ta có đang sống đúng theo nhận thức của hy vọng Phục sinh hay không. Chúng ta có đưa ra những quyết định dựa trên căn bản về những gì chúng ta sẽ đạt được trong đời này hay trong đời sau? Chúng ta có chấp nhận rủi ro vì cớ tình yêu mà chỉ có sự Phục sinh mới có thể giải thích được.
Chúng ta có buồn phiền khi thân thể chúng ta trở nên già cỗi theo tuổi tác, khi chúng ta phải đối diện với thực tế là có những thứ chúng ta không bao giờ có thể làm được nữa. Hay là chúng ta nhìn vào sự Phục sinh và vững lòng.
Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn” (2 Cô-rinh-tô 4:16)
Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ tái kết ước đời sống tận hiến trong mùa Phục sinh này, để cho sự Phục sinh bày tỏ những tác động triệt để của nó trên cả cuộc đời chúng ta.
Mục sư John PiperHồng Nhung dịchNguồn: Desiring God Foundation

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019

LỄ KỶ NIỆM CHÚA CHỊU THƯƠNG KHÓ 18-04-2019 TẠI HTTL TÂN NGHĨA

CHƯƠNG TRÌNH
LỄ KỶ NIỆM CHÚA JÊSUS CHỊU THƯƠNG KHÓ 18-04-2019 TẠI HTTL TÂN NGHĨA

      Vào lúc 19h30, ngày 18/04/2019, tôi con Chúa Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa cùng nhau nhóm lại trong chương trình Lễ Kỷ niệm Chúa Chịu Thương Khó với chủ đề: CHIẾN THẮNG TẠI THẬP TỰ GIÁ. Câu gốc: Cô-lô-se 1:20. Chủ lễ: MsQn. Lê Văn Tiến, Hướng dẫn chương trình: CS. Trần Thị Loan. Hiện diện gồm quý Mục sư, truyền đạo, các tín hữu 2 Hội Thánh Tân Nghĩa, Hàm Thạnh.


      Người hướng dẫn có lời chào mừng, giới thiệu. Sau thì giờ ngợi ca Chúa của Hội chúng, MSQN cầu nguyện khai lễ. Tiếp theo đó, các bài Thánh Ca, Biệt Thánh ca, Kinh Thánh, Thi ca, ... với nội dung nói về sự Thương Khó và Sự Chết của Chúa Giê-xu được các Ban Thiếu nhi, Thanh Thiếu niên, Thanh Tráng niên của 2 Hội Thánh dâng lên Chúa với cả tấm lòng biết ơn. 

      Mục sư Quản nhiệm có Lời Chúa chia sẻ cho quý con cái Chúa về chương trình cứu rỗi vĩ đại của Đức Chúa Trời cho nhân loại, vì sự hy sinh cao cả của Con Một Ngài mà tội lỗi chúng ta được Chúa tha thứ, về cái nhìn của thế gian và Cơ Đốc nhân đối với hình ảnh thập tự giá. Sau giờ giảng luận, Cô Trần Thị Tuyết cầu nguyện đáp ứng Lời Chúa. 

      Sau đó, Hội Thánh cùng thông công với nhau qua Thánh Lễ Tiệc Thánh do MsQn cử hành.

      Chương trình kết thúc lúc 21h30 sau lời cầu nguyện tất lễ của Phu nhân MsQN và cầu nguyện chúc phước của Mục sư Chủ lễ.  

Thông tín viên: Nguyễn Dương, Hoàng Anh, Văn Thiện, Thu Thảo

Một số hình ảnh ghi nhận được:



Via Dolorosa - Ban Hát Lễ Thanh Thiếu niên

Thi ca Chúa Lên Thập Tự - 2 Thiếu nhi

Thánh sử Chúa Chịu Thương Khó - CS Nguyễn Thị Hương

 Con đường Chúa đã đi qua - Ban Hát Lễ Thanh Tráng niên

 Giảng luận: CHIẾN THẮNG TẠI THẬP TỰ GIÁ - MS Chủ lễ

 Cô Trần Thị Tuyết - Cầu nguyện đáp ứng

 Tình Chúa Cao Vời - Đơn ca Thúy Nga

 Thánh Lễ Tiệc Thánh - MS Chủ lễ Ban Tiệc Thánh

Cầu nguyện Tất lễ - Phu nhân MSQN


BAN TRUYỀN THÔNG

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

Thập tự giá nơi Chúa Giê-xu bị đóng đinh ở đâu?

Việc Chúa Giê-xu ở Na-xa-rét bị đóng đinh là một trong những sự kiện đã được chứng minh trong lịch sử cổ xưa. Sự thật đã được chứng minh bởi các nhà thần học và nhà sử học. Nó đã được viết mà không cường điệu: “Ngay cả những học giả và nhà phê bình, họ đã tẻ tách ra khỏi hầu hết mọi việc khác trong bối cảnh lịch sử sự hiện diện của Đấng Christ trên trái đất cũng không thể nghĩ ra sự thật về cái chết của Đấng Christ.” (John McIntyre, ‘The Uses of History in Theology’)
Một thí dụ về lời phát biểu này là sự khẳng định của Tiến sĩ Bart Erhrman của Đại học North Carolina trên Đồi Chapel. Trong khi ông chỉ trích Tân Ước về nhiều trường hợp và phủ nhận bản chất siêu nhiên của Cơ Đốc giáo, thì học giả thế tục nổi tiếng này cũng đã khẳng định như sau:
Một trong những sự kiện lịch sử chắc chắn nhất, ấy là Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá theo lịnh của Bôn-xơ Phi-lát, Tổng đốc xứ Giu-đê của người La Mã”.
Bốn sách Tin Lành khẳng định cột mốc quan trọng này trong lịch sử cứu chuộc. Các nhà cầm quyền thế tục trong thời buổi ấy đã xác nhận nó. Hội Thánh đầu tiên đã khẳng định điều đó. Hàng triệu và hàng triệu người tin vào điều đó. Nhưng sự đóng đinh trên thập tự giá đã đã xảy ra tại đâu? Câu trả lời cho câu hỏi đó có liên quan mật thiết đến ý muốn của Đức Chúa Trời và phương thức của Đức Chúa Trời. Nói một cách đơn giản, vị trí đóng đinh của Chúa Giê-xu có cả hai mặt: biết và không biết.
Chúng Ta Biết Gì Về Địa Điểm Đóng Đinh Trên Cây Thập Tự
Các sách Tin Lành khẳng định rằng Đấng Christ đã bị đóng đinh trên thập tự giá ở bên ngoài cổng thành Giê-ru-sa-lem. Cả Giăng và trước giả sách Hê-bơ-rơ khẳng định sự thật này:
Vì nơi Đức Chúa Giê-xu bị đóng đinh ở gần thành, và chữ đề trên bảng đó viết bằng chữ Hê-bơ-rơ, chữ La-tinh và chữ Gờ-réc, nên có nhiều người Giu-đa đọc đến” (Giăng 19:20).
Ấy vì đó mà chính mình Đức Chúa Giê-xu đã chịu khổ tại ngoài cửa thành để lấy huyết mình làm cho dân nên thánh (Hê-bơ-rơ 13:12).
Kinh Thánh cũng khẳng định rằng việc Chúa bị đóng đinh trên cây thập tự được các quan chức của đế quốc La Mã sắp xếp khi liên minh với cấp lãnh đạo Do Thái trong hệ thống ra-bi, là Toà Công luận. Sự hiện diện của quan chức quân sự La Mã chỉ ra bản chất quân sự của sứ mệnh và tầm quan trọng của sự hành quyết cho cả hai: địa phương và, phù hợp với áp lực của địa phương, nhà cầm quyền tỉnh lẽ (Quyển Jesus: A New Vision). Chúng ta biết rằng người ta có thể nhìn thấy sự hành quyết của người La Mã từ một khoảng xa xa. Vì chúng ta đọc: Lại có những đàn bà đứng xa xa mà xem. Trong số ấy có Ma-ri, Ma-đơ-len, Ma-ri là mẹ Gia-cơ nhỏ, và Giô-sê, cùng Sa-lô-mê (Mác 15:40).
Quan trọng nhất, chúng ta biết danh xưng của địa điểm Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên cây thập tự. C. W. Wilson viết: “Rõ ràng . . . Đấng Christ đã bị đóng đinh trên thập tự giá tại một địa điểm ai cũng biết, với danh xưng phân biệt…”. Vì sau khi bị sĩ nhục và quấy rầy qua việc vác thập tự giá mình qua các đường phố đông đúc có nhiều người quan sát trong giận dữ, dẫn tới bối cảnh hành quyết, Chúa Giê-xu người Na-xa-rét đã bị đóng đinh trên thập tự giá ở một chỗ gọi là Gô-gô-tha, nghĩa là chỗ cái Sọ (Ma-thi-ơ 27:33). Gô-gô-tha “là cách phiên âm chữ Hy Lạp từ Gulgulta tiếng A-ram, từ này tương đương với Gulgoleth tiếng Hê-bơ-rơ” theo Wilson. Tiếng Hy Lạp tương ứng là kranion (từ chữ này mới rút ra chữ cranial theo Anh ngữ). Chính bác sĩ Lu-ca sử dụng từ La-tinh calvaria. Phần dịch thuật Anh ngữ là chỗ ai cũng biết là Calvary (Gô-gô-tha). Phần dịch thuật trong Anh ngữ sẽ là “sọ hay cái sọ” (Carl Hensley, Tự điển bách khoa Kinh Thánh Baker).
Các cuộc chiến Nổi dậy của người Do Thái (66-73SC) đã chứng kiến sự huỷ diệt Đền thờ Thứ hai vào năm 70-71 SC ở thành Giê-ru-sa-lem bởi Titus (39-81SC), chắc chắn được thêm vào sự giảm dần của địa hình địa phương (Lawrence Schiffman, From Text to Tradition). Cuối cùng, sử gia nổi tiếng của Hội Thánh thời cổ đại, Eusibius, đã hành trình đến Giê-ru-sa-lem để khám phá bối cảnh của việc Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá. Giáo phụ Hội Thánh và là học giả lỗi lạc của Hội Thánh đã cùng đến đó với Nữ hoàng Helena (246-330SC), Hoàng hậu La Mã và là mẹ của Constantine Đại đế (272-337SC). Các Cơ Đốc nhân địa phương ở thành Giê-ru-sa-lem đã dẫn Eusibius và Helena đến một địa điểm bên ngoài cổng cổ thành (các bức tường được mở rộng vào thế kỷ XVI), một địa điểm nơi tổ chức tế lễ cho đến năm 66SC (Jerome Murphy-O’Connor, The Holy Land). Bối cảnh đã nếm trải những thay đổi đáng kể khi Hadrian (36-138SC), vào năm 135, xây dựng các đền thờ cho các thần của người La Mã, bao gồm Aphrodite và Jupiter, trong quyển Aelia Capitolina(tên mới La Mã mà Hadrian đặt cho Giê-ru-sa-lem).
Jerome Murphy-O’Connor phát biểu: “Mặc dù có bằng chứng về Jerome và một số văn bản Byzantine, nhiều khả năng nhất Ngôi Mộ Thánh (Holy Sepulcher) chính là nơi tọa lạc của Đền thờ Capitoline”. Và đấy là một lời tuyên bố đáng chú ý. Vào năm 326 SC, con trai của Helena, Constantine bắt đầu xây dựng trên đó một tòa lâu đài Cơ Đốc, Nhà thờ Mộ Thánh (the Church of the Holy Sepulcher), bao quanh cả đồi Gô-gô-tha, nơi đóng đinh Chúa trên thập tự giá và ngôi mộ của Giô-sép người A-ri-ma-thê, nơi chôn cất và là nơi Đức Chúa Giê-xu Christ phục sinh. Murphy-O’Connor, trong quyển Oxford Archeological Guide from the Earliest times to 1700, đã tóm tắt cả lịch sử và khảo cổ học của Nhà thờ Mộ Thánh và các khả năng rồi kết luận: Có phải đây là chỗ mà Đấng Christ đã chịu chết và chịu chôn? Phải, rất có thể”.
Những Gì Chúng Ta Không Biết Về Địa Điểm Đóng Đinh Chúa Trên Thập Tự Giá
Để đáp lời cho câu hỏi nêu trên, và bất chấp các quyết đoán của một số người, chúng ta phải đáp: “rất nhiều”. Chúng ta biết những gì chúng ta biết, và chúng ta phải nhất định rằng chúng ta không biết những gì chúng ta không biết. Chúng ta hãy nắm lấy lời xưng nhận trong Kinh Thánh nói rõ rằng Chúa của chúng ta đã bị đóng đinh tại đồi Gô-gô-tha. Trong khi chúng ta biết từ ngữ này: Gô-gô-tha, hoặc Calvary, ý nói (nghĩa là, “sọ”), chúng ta không biết liệu nó có đề cập đến một trong ba nguồn gốc của danh xưng này hay không.
Gô-Gô-Tha, Địa Điểm Của Đồi Sọ, Đề Cập Đến Địa Điểm Huyền Thoại “Sọ Của A-Đam”
Phải, đúng như thế đấy. Giáo phụ Hội Thánh, Origen (185-253SC), vừa là học giả Hê-bơ-rơ và là cư dân ở Giê-ru-sa-lem, biết Gô-gô-tha là địa điểm mà sọ của A-đam được chôn cất ở đó. Nếu bạn nghĩ Origen là “đúng”, thì ai cũng có thể thách thức nhận định của bạn bằng cách chỉ ra cấp lãnh đạo khác của Hội Thánh đầu tiên, họ đã tin rằng Chúa Giê-xu đã bị đóng đinh trên thập tự giá trong chỗ chôn cất A-đam. Trong số này bao gồm Athanasius đáng kính (296-373SC), Epiphanies (312-403SC) và Basil ở Caesarea (329-379SC).
Nhận định thứ hai về Gô-gô-tha thì hợp lý hơn, nhưng vẫn khác việc với nhận định của đa số:
Gô-Gô-Tha, Địa Điểm Của Đồi Sọ, Đề Cập Đến Địa Điểm Hành Quyết Của Người La Mã
Trong bối cảnh này, địa điểm mà ở đó Chúa chúng ta bị đóng đinh trên thập tự giá là “miếng ruộng chết” phổ thông dành cho những kẻ loạn nghịch và hàng tội phạm thù nghịch đối với sự chiếm đóng của người La Mã. Như vậy, khu vực này nằm rải rác với những hộp sọ của “những tên tội phạm bị kết án” (Wilson, quyển Golgotha and the Holy Sepulchre). Một khi thịt biến mất khỏi hộp sọ và bộ xương, các thành viên trong gia đình sẽ lo chôn cất hài cốt. Không kém gì học giả Cơ Đốc và dịch giả Kinh Thánh, là Jerome (347-420SC), và sử gia và thầy tu người Anh, Venerable Bede (673-735SC), đã duy trì vị trí này. Có một khu chôn cất nổi tiếng ở Luân Đôn được gọi là “Bunhill Fields” (Alfred Light, quyển Bunhill Fields). Cụm từ đó “Bunhill”, là một cách phát âm thông thường của “Bone Hill”. Các mục sư không theo quốc giáo và nhiều người khác ngoài vòng Giáo hội Anh đã bị chôn vùi ở đó. Quan điểm thứ hai về ý nghĩa Calvary cho rằng ngọn đồi nơi Đấng Christ bị đóng đinh cũng là một “Bunhill” nữa.
Giờ đây, nhận định thứ ba là nhận định mà bạn đã nghe.
Gô-Gô-Tha, Địa Điểm Của Sọ, Đề Cập Đến Một Tương Thích Về Địa Lý Giống Như Một Cái Sọ
Sự hiểu biết này đã duy trì quan điểm phổ thông nhất về địa điểm Gô-gô-tha ít nhất là thế kỷ thứ 18. Như vậy, có người đã viết Gô-gô-tha là một ngọn đồi trọc, một mảng đá có hình giống với cái sọ người. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng không có một tham khảo nào nói tới việc này trong Kinh Thánh. Phải, đây là một vị trí khá cao có thể nhìn thấy được, song không một trước giả nào trong Kinh Thánh, và cũng không một người Hy Lạp, người Do Thái hay các nhà quan sát người La Mã nào gọi nó là Núi Calvary. Đây hoàn toàn là một khái niệm Tây phương (Wilson, quyển Golgotha and the Holy Sepulchre).
Bây giờ, mọi sự này có thể gây khó chịu cho một số người đã tin theo một hoặc các khái niệm khác về Gô-gô-tha. Hơn nữa, cuộc tranh cãi nhấn mạnh thực tế: chúng ta thực sự chỉ dám chắc về những gì Kinh Thánh nói. Và như thế là đủ chưa?
Chúng Ta Biết Mọi Sự Chúng Ta Cần Phải Biết
Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Giê-xu Christ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá giữa hai tên cướp, một kẻ ăn năn và một kẻ không. Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết ai đã đóng đinh Đấng Christ: một âm mưu của các quan chức La Mã cùng các nhà lãnh đạo tôn giáo người Do Thái. Nói cách khác, Dân Ngoại và người Do Thái như nhau được tiêu biểu trong tội ác giết người có tổ chức (“giết người của Đức Chúa Trời bởi Con Người). Chúng ta biết rằng thập tự giá có thể được nhìn thấy từ một khoảng xa xa. Chúng ta biết rằng có những người phụ nữ ở đó, bao gồm cả mẹ của Chúa Giê-xu. Chúng ta biết rằng Sứ đồ Giăng đã có mặt ở đó. Chúng ta biết rằng nhiều người đã lìa bỏ Đức Chúa Giê-xu Christ trong thì giờ có cần nhất của Ngài.
Nhưng còn nhiều điều mà chúng ta chưa biết. Sự việc giống như thể Đức Thánh Linh đã đặt một bức màn thường trực tại bối cảnh. Chúng ta phải nhớ rằng việc làm đó quá khủng khiếp đến nỗi đất rung chuyển và bóng tối tăm giáng xuống trên bối cảnh khủng khiếp, giống như thể chính Đấng Tạo Hoá không thể chịu đựng được cảnh tượng ấy. Nhưng đối với địa điểm chính xác nơi Đức Chúa Giê-xu Christ bị đóng đinh, thì chúng ta không thể dám chắc. Rất có thể là Nhà thờ Mộ Thánh hiện nay là vị trí chính xác của đồi Calvary và ngôi mộ của Giô-sép người A-ri-ma-thê, nơi Chúa của chúng ta sống lại từ kẻ chết.
Vậy, có một số việc mà chúng ta nhìn biết từ Kinh Thánh, và có đủ bằng chứng khảo cổ và văn hoá xưa chứng minh sự đóng đinh Đấng Christ trên thập tự giá và đề xuất một địa điểm. Và có nhiều việc mà chúng ta chưa biết. Chúng ta nhớ tới lời cảnh cáo từ Phục Truyền Luật Lệ Ký 29:29: Những sự bí mật thuộc về Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta; song những sự bày tỏ thuộc về chúng ta, và con cháu chúng ta đời đời, để chúng ta làm theo mọi lời của luật pháp nầy”.
Nhưng chúng ta biết việc này: Chúa và Cứu Chúa của chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Christ đã chịu chết vì chúng ta tại một địa điểm được gọi là đồi Gô-gô-tha. Chính ở đó mà Đấng Tạo Hoá của thế gian đã bị đóng đinh trên thập tự giá bởi những kẻ mà Ngài đã dựng nên. Ngài đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta và đã làm ứng nghiệm Giao ước của Việc Làm (“nếu các ngươi bất tuân, các ngươi sẽ chết”). Ngài gánh lấy cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời trên linh hồn vô tội của Ngài là làm thoả mọi đòi hỏi của luật pháp cho những ai chịu tiếp nhận Ngài (Giao ước Ân điển). Đức Chúa Giê-xu Christ bị đóng đinh trên thập tự giá trên cây gỗ xù xì lấy từ khu rừng mà Ngài đã dựng nên, với những mũi đinh lấy từ sắt mà Ngài đã dựng nên. Và tuy nhiên ở địa điểm ấy, Chúa Giê-xu đã nhìn xuống những kẻ đã đóng đinh Ngài và khạc nhổ nơi mặt Ngài và tìm cách sĩ nhục Ngài, rồi phán: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu-ca 23:34).
Có một câu chuyện trong đời sống của Chúa chúng ta rất quan trọng cho chúng ta khi nghiên cứu. Trong sự hoá hình (Ma-thi-ơ 17:1-8; Mác 9:2-8; Lu-ca 9:28-36), Môi-se và Ê-li đã hiện ra với Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng để xác nhận thần tánh của Chúa Giê-xu. Đây là điểm nhấn thần học đầy năng quyền trong lịch sử cứu chuộc. Trong giây phút vinh hiển đó, “Luật pháp cùng các đấng tiên tri” khẳng định thân vị Chúa Giê-xu là Đấng mà họ viết ra; từ Cựu Ước đến Tân Ước; các lời tiên tri đời xưa đã được ứng nghiệm; lai lịch của Đấng Christ đã được tỏ ra trọn vẹn cho các môn đồ và đã được khẳng định về mặt siêu nhiên; cõi đời đời chạm đến cõi thời gian; và trời hạ xuống [thêm một lần nữa] tới đất. Đây là bối cảnh rất rực rỡ phải biết chắc. Phi-e-rơ muốn dựng ba cái trại để tưởng niệm biến cố ấy (có lẽ, phải xây qua những người may trại và xây dựng một đền thờ thật lớn). Chúa Giê-xu, Chúa chúng ta bảo Phi-e-rơ trên Núi Hoá Hình rằng ông sẽ không xây dựng (như Phi-e-rơ đã muốn làm) bất kỳ nhà thờ nào để đánh dấu địa điểm vật lý của sự hội hiệp long trọng ấy.
Chúa cũng căn dặn người đàn bà Sa-ma-ri bên giếng, trong Giăng 4:21-23, rằng từ đó trở đi người tin Chúa phải thờ phượng Đức Chúa Trời “bằng tâm thần và lẽ thật”, chớ không phải trên hòn núi này hoặc hòn núi kia. Ấy chẳng phải là về địa điểm nữa. Mà đó là một Thân Vị. Ấy chẳng phải là về phần thuộc thể nữa — xứ sở, đền thờ, bàn thờ. Địa điểm ấy thuộc về cõi đời đời. Ấy chẳng phải là về các dấu hiệu nữa, mà là về Đấng Cứu Thế.
Và có lẽ đấy là lý do tại sao chúng ta nhận biết về địa điểm Ngài bị đóng đinh vào thập tự giá, nhưng chúng ta không biết hết mọi sự. Ấy là bởi đức tin mà chúng ta nhìn lên cây thập tự xù xì xấu xí để nhìn thấy địa điểm tốt nhất của nó: Thập tự giá này là chỗ mà ở đó một “sự trao đổi lớn lao” đã diễn ra. Vì Chúa Giê-xu đã mang lấy án phạt dành cho tội lỗi của hết thảy những người nào kêu cầu Ngài trong sự ăn năn và đức tin; và đấy là chỗ mà ở đó sự thánh khiết của Đấng Christ được ưng ban cho hạng tội nhân giống như tôi. Hoặc, như tôi thường nói với thanh thiếu niên của Hội Thánh chúng ta trong lớp học giáo lý: “Nơi thập tự giá đồi Gô-gô-tha, Chúa Giê-xu gánh lấy tội lỗi của các con. Các con đã tiếp nhận sự sống trọn vẹn của Ngài”.
Mùa lễ Phục Sinh này, và trong từng mùa lễ của đời sống chúng ta, địa điểm đặc biệt mà ở đó Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá vì bạn và tôi, ấy là chỗ mà chúng ta hướng đến Ngài trong sự tan vỡ và trong tình yêu thương. Chính địa điểm ấy ở đó bởi đức tin, chúng ta dự phần cùng Ma-ri và Giăng và thầy đội La Mã, họ đã xưng nhận: Thật người nầy là Con Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 27:54). Người lính ấy đã nhận biết. Và bạn cũng nhận biết nữa. Đấng Christ bị đóng đinh trên thập tự giá ở chỗ nào? Đức Chúa Giê-xu Christ bị đóng đinh trên thập tự giá tại giao điểm của tình yêu thương của Đức Chúa Trời và sự tan vỡ của bạn. Bạn phải biết chắc về điều đó.

Mục sư Michael A. Milton, PhDNgười dịch: Đoàn Phan Danh

THƠ: Ra Đi


Lả lướt thời gian lả lướt qua,
Yêu người yêu Chúa quyết đi ra.
Ra đi giảng đạo trao lời Chúa,
Tiếp cận rao truyền tỏ ý Cha.

Đồng ruộng chín vàng cần gặt hái,
Tình yêu nghĩa lớn cố xông pha.
Đoạn đường gian khổ không lùi bước,
Phước mới Ngài ban khích lệ ta.


Võ Chánh Tiết (HTTLVN.ORG)

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2019

THƠ: Bằng Chứng Của Tình Yêu

Viết phỏng theo Rô-ma 5:8


Thế gian không biết ơn Trời,
Sinh lòng tăm tối, sống đời dối gian.
Ngàn xưa nhân thế còn đang:
Chối từ Thượng đế, đã ban Con Trời.
Tình yêu cao quý tuyệt vời,
Xem thường tội ác, xuống đời cứu sinh.
Giê-xu đền tội dân mình,
Mão gai Ngài đội, thân hình đớn đau!
Tình yêu tuyệt diệu lạ thay,
Hy sinh mạng báu, chết thay muôn người.
Tay chân đinh đóng tơi bời,
Huyết hồng tuôn đổ, rã rời thịt xương.
Tình yêu trọn vẹn trăm đường,
Chúa Trời ngoảnh mặt! am tường khổ đau!
Hy sinh Con một từ đây,
Ơn Thiên lai láng, gánh thay tội trần.
Chúa Con vâng phục chân thành,
Bản án nhân loại, Ngài đành chết thay!
Vì yêu nhân thế xưa nay,
Trút hơi, Ngài vẫn cầu thay cho đời.
Bầu trời rúng động muôn nơi,
Bóng tối bao phủ vùng trời tối đen.
Bức màn đền thánh xé đôi,
Từ trên xuống dưới, như lời Thánh Kinh.
Không còn ngăn cách nhân sinh,
Vì yêu nhân loại, hiển vinh Con Trời.
Thứ tha tội ác muôn người,
Chứng minh tuyệt diệu, thay lời tình yêu./.

Lê Mai (HTTLVN.ORG)

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2019

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2019

Vườn Ghết-sê-ma-nê

Khởi đầu cho chặng đường thương khó của Chúa Giê-xu là vườn Ghết-sê-ma-nê. Đây là khu vườn ở ngoài thành Giê-ru-sa-lem, nơi Chúa Giê-xu và các môn đồ Ngài thường xuyên lui tới để nhóm họp, và đặc biệt là để cầu nguyện vì nơi đây khá tĩnh lặng, bình yên với rừng cây xanh mát. Ghết-sê-ma-nê là nơi quen thuộc của Chúa Giê-xu cùng các môn đồ Ngài. Và tại nơi đây đã xảy ra nhiều sự kiện đáng nhớ.
Nhắc đến Ghết-sê-ma-nê, chúng ta không quên tại đây Chúa đã để lại những giọt mồ hôi vì chiến đấu với những cám dỗ của ý riêng. Ngài biết trước những điều sẽ xảy ra cho Ngài như sự đau đớn về thể xác, tâm linh nặng nề. Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời, nhưng Ngài cũng là con người nên cũng cảm thấy những thống khổ trước mắt. Để chiến thắng cám dỗ, sợ hãi,… Ngài đã cầu nguyện “Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con! Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha (Ma-thi-ơ 14:36).
Trong khoảng thời gian theo Chúa Giê-xu, các môn đồ thường theo Ngài đến đây cầu nguyện. Có lẽ họ cũng đã từng cầu nguyện theo nhóm, cầu nguyện cá nhân. Thế mà bây giờ, khi Ngài muốn mỗi cá nhân họ phải tỉnh thức để cầu nguyện thì họ lại ngủ. Phải chăng họ buồn ngủ vì cớ không gian xung quanh, hoặc là vì họ quá mỏi mệt sau một ngày bôn ba, vất vả, hay là vì họ chưa có thái độ đúng đắn khi cầu nguyện cách cá nhân?
Nhớ lại lúc tôi còn nhỏ, có nhiều lần đến với Chúa trong sự cầu nguyện, nhưng chỉ thưa được vài câu thì tôi đã bị ngủ gục.
Khi Chúa kêu gọi phải “tỉnh thức”, có nghĩa là sẽ có những “tai hoạ, hoạn nạn, thử thách, cám dỗ…” ập đến! Cơ Đốc nhân đang sống trong thời kỳ cuối cùng để chờ ngày Chúa trở lại, ma quỷ cũng đang ở trong thời kỳ giận hoảng và đang tìm nhiều cách để cám dỗ, để đánh gục chúng ta, để làm chúng ta đi vào sự hư mất đời đời.
Tại Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giê-xu đã đối diện với con người phản bội là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Người này là môn đồ Chúa, và chắc hẳn cũng thường đến khu vườn này với Chúa như các môn đồ khác. Nhưng Giu-đa vào khu vườn lần này không phải để cầu nguyện, để nghe, để thấy Chúa dạy dỗ mà là để dẫn quân lính đến bắt Chúa. Vì tham tiền bạc mà ông đã bán Chúa Giê-xu với giá ba mươi miếng bạc. Ngày nay, không thiếu những Ích-ca-ri-ốt, đó có thể là bất kỳ ai đến với Chúa chỉ với mưu cầu vật chất, công danh, địa vị,… Khi đó, họ sẽ rất dễ bị cám dỗ để phản Chúa. Kinh Thánh dạy “sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác” (I Ti-mô-thê 6:10) và “tham lam chẳng khác gì thờ hình tượng” (Cô-lô-se 3:5).
Dầu phải đối diện với kẻ phản Ngài nhưng Chúa Giê-xu không một câu nặng lời quở trách, Ngài không bày tỏ thái độ chống đối mà Ngài đã bày tỏ bản tính yêu thương bằng một câu rất nhân hậu: “Bạn ơi! Vậy thì vì việc nầy mà ngươi đến đây sao?” (Ma-thi-ơ 26:50). Đối diện với kẻ phản Ngài mà Ngài vẫn gọi Giu-đa như một người bạn. Quả thật, Chúa là Đấng Yêu thương trọn vẹn, Ngài yêu con người tội lỗi của Giu-đa dầu Ngài không thể chấp nhận hành động tội lỗi ấy! Đây là cơ hội cho Giu-đa ăn năn nhưng ông chẳng thức tỉnh vì chắc chắn ông đã thiếu sự cầu nguyện và chẳng có thái độ cầu nguyện.
Tại vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giê-xu cũng đối diện với một toán lính hùng hậu có đầy đủ khí giới để bắt Ngài. Thay vì ẩn mình thì Chúa Giê-xu đã chọn đối diện họ bằng giọng nói đầy mạnh mẽ và uy quyền. Hình ảnh hiên ngang, can đảm của Chúa khi đối diện với kẻ thù để lại gương mẫu khi chúng ta gặp hoạn nạn, bắt bớ. Cũng không ít lần, tôi kinh nghiệm những điều ấy khi nhóm lại thờ phượng Chúa, khi ra đi rao giảng Lời Ngài. Đe doạ dễ lắm làm chúng ta sợ hãi, thối lui,… Nhưng khi hết lòng tin cậy và cầu nguyện với Chúa, tôi thêm lòng can đảm và nhớ lại lời Chúa trong I Phi-e-rơ 3:15 “nhưng hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hòa và kính sợ.” Tôi mềm mại trả lời và giải thích. Thật tạ ơn Chúa, tại những nơi trước đây bị bắt bớ, khó khăn thì giờ đây lại là những nơi thuận tiện lập sự nhóm lại, là những nơi Chúa ban phước và công việc Ngài được phát triển.
Tại Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giê-xu không nghĩ về chính mình, không tự bảo vệ mình nhưng Ngài nhìn các môn đồ và nghĩ đến họ. Vì họ đang lo lắng, bối rối và sợ hãi,… Ngài tình nguyện để cho quân lính bắt Ngài. Và bởi hành động của Ngài, các môn đồ được bình an, vô sự. Quả thật, ngay trong giờ phút nguy hiểm, Chúa Giê-xu vẫn yêu thương và bảo vệ các môn đồ của Ngài. Ngài lo cho họ và giữ cho họ được bình an. Chúa không hề quên một ai trong chúng ta, là con dân của Ngài. Đức Chúa Giê-xu đã từng phán: “Ấy để được ứng nghiệm lời Ngài đã phán: Con chẳng làm mất một người nào trong những kẻ mà Cha đã giao cho Con” (Giăng 18:9). Những người mà Đức Chúa Cha giao phó cho Chúa Giê-xu sẽ không một ai bị lạc mất, vì chính Chúa Giê-xu chở che, bảo vệ họ.
Suy niệm về Ghết-sê-ma-nê, nơi Chúa cam chịu muôn vàn thống khổ, chiến đấu với nỗi cô đơn và những điều sắp xảy ra. Ngài bị bắt nhưng vẫn luôn quan tâm đến các môn đồ Ngài. Chúa có đủ uy quyền để tự cứu mình nhưng Ngài không chọn con đường riêng của Ngài. Ngài chọn con đường vâng phục ý của Đức Chúa Cha. Suy nghĩ đến sự hy sinh của Ngài vì cớ tội lỗi của chính tôi và của nhân loại, sự cảm thương Chúa trong tôi, lòng biết ơn Chúa dâng trào.
Chúa không nghĩ đến chính Ngài! Vậy sao chúng ta không học theo gương Chúa, sống vì tha nhân? Chúa không chỉ muốn chúng ta biết ơn Chúa qua sự thờ phượng, ca ngợi Chúa mà Ngài còn luôn muốn chúng ta chia sẻ tình yêu Ngài đến cho tha nhân, là những người đang sống trong tình cảnh nô lệ của tội lỗi, bị xiềng xích bởi quyền lực của Satan. Chúa muốn chúng ta quan tâm những người trong gia đình, trong cộng đồng chúng ta đang sống, nơi chúng ta làm việc, Chúa muốn chúng ta giải cứu họ và Ngài muốn chúng ta học gương hy sinh của Ngài, dù bị thiệt thòi về vật chất hay tinh thần cũng cam chịu để cứu tội nhân ra khỏi sự chết đời đời.
Xin Chúa luôn dẫn mỗi chúng ta vào vườn Ghết-sê-ma-nê để nhìn xem Ngài, để có mối tương giao mật thiết với Ngài trong thái độ tỉnh thức, để cầu nguyện, để khỏi sa vào chước cám dỗ. Xin Chúa giúp chúng ta dự phần với Ngài trong sự cộng tác, quan tâm và chia sẻ niềm tin cho mọi người dầu phải hy sinh nhiều phương diện.
Đầy tớ gái

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019

Làm Thế Nào Để Tha Thứ Người Có Lỗi Với Mình?


Ai trong chúng ta cũng từng bị người khác đối xử không tốt, xúc phạm và làm lỗi với mình. Cơ Đốc nhân phải đáp lại thế nào khi bị như vậy? Theo Kinh Thánh, chúng ta phải tha thứ cho người khác. Ê-phê-sô 4:32 cho biết “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau, như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.” Tương tự, Cô-lô-se 3:13 tuyên bố “nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác, thì hãy nhường nhịn nhau và tha  thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy.” Ý chính trong cả hai câu Kinh Thánh trên là chúng ta phải tha thứ cho anh chị em tín hữu như Chúa đã tha thứ chúng ta. Tại sao chúng ta phải tha thứ? Vì chúng ta đã được tha thứ!
Việc chúng ta tha thứ người khác phải phản chiếu sự tha thứ của Chúa cho chúng ta.
Để tha thứ những người phạm lỗi với mình, trước tiên chúng ta phải hiểu sự tha thứ của Chúa. Chúa không tự nhiên tha thứ cho mọi người mà không có điều kiện đi trước – nếu Ngài làm vậy, thì sẽ không có hồ lửa ở Khải 20:14-15. Hiểu một cách đúng đắn, thì tha thứ đòi hỏi sự ăn năn của người có tội và tình yêu cùng sự tha thứ của Chúa. Tình yêu và sự tha thứ thì có rồi, nhưng sự ăn năn thì thường thiếu. Vì vậy, mạng lịnh Kinh Thánh truyền cho chúng ta phải tha thứ nhau không có nghĩa là chúng ta làm ngơ tội lỗi. Nhưng có nghĩa là chúng ta tha thứ một cách vui vẻ, nhân từ và trong tinh thần yêu thương những người biết ăn năn. Chúng ta phải luôn luôn tha thứ khi có cơ hội. Không chỉ bảy lần, mà “bảy mươi lần bảy” (Math 18:22). Từ chối tha thứ cho người xin được tha thứ thể hiện sự oán giận, cay đắng, tức giận, mà không có điều nào là đặc điểm của một Cơ Đốc nhân thật.
Tha thứ cho người phạm lỗi với chúng ta đòi hỏi sự kiên nhẫn và lòng độ lượng. Mạng lịnh cho Hội thánh là “phải nhịn nhục đối với mọi người” (1 Tê 5:14). Chúng ta phải bỏ qua những sự coi thường cá nhân và lỗi lầm nhỏ. Chúa Giê-xu phán “nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn” (Math 5:39). Không phải mọi “cái vả vào mặt” đều cần sự đáp trả.
Tha thứ những người phạm lỗi cùng chúng ta đòi hỏi quyền năng biến đổi của Đức Chúa Trời trong cuộc đời chúng ta. Có điều gì đó sâu thẳm trong bản tính sa ngã của con người thèm khát trả thù và thúc giục ăn miếng trả miếng. Theo bản tính tự nhiên, chúng ta muốn gây tổn thương tương tự cho người đã làm tổn thương mình – mắt đền mắt có vẻ như công bằng. Nhưng trong Đấng Christ, chúng ta được ban quyền năng để yêu thương kẻ thù của mình, làm điều tốt cho người ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa sả mình, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình (xem Lu 6:27-28). Chúa Giê-xu ban cho chúng ta tấm lòng sẵn sàng tha thứ và  tấm lòng sẽ hành động để có thể tha thứ.
Việc tha thứ cho người có lỗi với chúng ta sẽ trở nên dễ dàng hơn khi chúng ta nghĩ đến mức độ Chúa tha thứ những lỗi lầm của mình. Chúng ta là những người được ban cho ân điển cách dư dật, thì không có quyền từ chối bày tỏ lòng nhân từ với người khác. Chúng ta phạm tội cùng Chúa nhiều hơn người khác phạm lỗi cùng chúng ta. Ẩn dụ của Chúa Giêxu ở Mathiơ 18:23-35 là một minh họa sống động cho sự thật này.
Đức Chúa Trời hứa rằng khi chúng ta đến xin Ngài tha thứ, Ngài sẵn sàng ban sự tha thứ (1 Giăng 1:9). Ân điển chúng ta dành cho những người cần chúng ta tha thứ phải luôn luôn có sẵn và được ban cho cách vui lòng (Lu 17:3-4)

Người dịch Khue Tran (HTTLVN.ORG)
Nguồn: https://www.gotquestions.org/forgiveness.html

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2019

6 Điểm Cần Tìm Nơi Người Bạn Đời Tương Lai

Mục sư Ben Reaoch (Pennsylvania)

Khi vợ tôi từ tiệm làm tóc trở về, cô ấy kể cho tôi nghe câu chuyện về một cô thợ độc thân cắt tóc cho cô ấy. Cô gái trẻ đó đã chia sẻ với vợ tôi những bực bội về các trang hò hẹn trên mạng, vì cái được quan tâm duy nhất của những trang này là ngoại hình. Quẹt vuốt chiều này để chọn nếu bạn thấy đối tượng dễ thương, quẹt vuốt chiều kia để bỏ qua nếu bạn thấy đối tượng không đẹp mắt.
Cô thợ ấy than phiền rằng một khi bạn nối kết với ai đó, thì thường điều họ muốn chỉ là quan hệ thể xác tạm thời- chứ không có gì là lâu dài hay có bất kỳ kết ước nào.
Tôi rất buồn cho những ai đang chạy theo mối quan hệ gần gũi theo cách này. Nếu bạn đang độc thân và ước ao lập gia đình, bạn sẽ thấy rằng Kinh thánh có những chỉ dẫn tốt nhất về việc hò hẹn để đạt đến một mối quan hệ lâu dài, chứ không phải là những tiêu chuẩn bề mặt mà thế gian đang muốn chúng ta hướng đến.
Cụ thể là Châm ngôn 31 đưa ra những lời khuyên rất rõ ràng về cách tìm kiếm người bạn đời. Phần mô tả ở đây lướt qua những chặng đường trung tín trong đời sống của người nữ tài đức nhưng chúng ta cũng có thể nghĩ đến những đặc tính mà người nữ cần tìm trong sự định hướng đời sống của một người nam.
“Khi nghiêm túc tra xem Kinh thánh, bạn sẽ thấy lời Chúa đưa ra những chỉ dẫn tốt nhất về việc hò hẹn để đạt đến một mối quan hệ lâu dài.”
  1. Người này có sống đúng theo điều họ nói không?
Lòng người chồng tin cậy nơi nàng.” (c.11) Người chồng không bao giờ lo lắng về lòng chung thủy của vợ. Anh cũng không thắc mắc, lo sợ vợ không thành thật trong tiền bạc hay sử dụng tiền thiếu khôn ngoan.
Bạn có đang tìm kiếm cho mình một bạn đời tương lai? Hãy xét xem người đó có thành thật, đáng tin cậy không. Người đó có thật sống đúng theo điều mình nói?
  1. Người này có khiến bạn mạnh mẽ hơn không?
“Trọn đời nàng làm cho chồng được ích lợi, chớ chẳng hề sự tổn hại.” (c.12) “Tại nơi cửa thành chồng nàng được chúng biết, khi ngồi chung với các trưởng lão của xứ.” (c.23) Dường như thật là lạ vì tại giữa đoạn nói về một người nữ tin kính, thì lại có câu nói về người chồng. Nhưng điều này làm rõ hơn về sự kết ước của người nữ đối với chồng. Công việc của nàng tại nhà và sự phục vụ chồng đều mang đến ích lợi là khiến chồng thành công và được nhiều người biết đến. Người chồng trở nên tốt hơn vì cưới nàng.
Hãy tìm kiếm người bạn đời mang đến sự khích lệ, cùng với bạn làm việc, hỗ trợ và bổ khuyết cho bạn. Cả hai khi kết hôn với nhau phải cùng nhau mạnh hơn là so với lúc chưa gắn kết cùng nhau.
  1. Người này có chăm chỉ làm việc không?
Nàng lo tìm lông chiên và gai sợi, lạc ý lấy tay mình mà làm công việc. Nàng giống như các chiếc tàu buôn bán, ở từ chỗ xa chở bánh mình về. Nàng thức dậy khi trời còn tối, phát vật thực cho người nhà mình, và cắt công việc cho các tớ gái mình. Nàng tưởng đến một đồng ruộng, bèn mua nó được; nhờ hoa lợi của tay mình, nàng trồng một vườn nho.” (c.13-16)
Hãy tìm kiếm người có đời sống kỷ luật, cần cù, là người có mục tiêu và nhắm theo mục tiêu đó, là người bắt đầu và kết thúc công việc của bản thân cách tốt đẹp.
  1. Người này có rộng rãi và ân cần tiếp khách không?
Nàng mở đưa tay ra giúp kẻ khó khăn, giơ tay mình lên tiếp người nghèo khổ.” (c.20)
Người nữ này biết chăm lo nhu cầu gia đình mình, nhưng cũng quan tâm đến nhu cầu của những người chung quanh. Nàng là người rộng rãi, ân cần tiếp khách và là người có ích cho người khác.
  1. Người này có khôn ngoan và sẵn lòng giúp đỡ người khác không?
“Nàng mở miệng ra cách khôn ngoan, phép tắc nhân từ ở nơi lưỡi nàng.” (c.26) Người nữ này tìm cách giúp đỡ người khác- một cách thực tế, cụ thể, trong cả phương diện cảm xúc lẫn tâm linh. Nàng là người chín chắn, và là đối tượng mà người khác tìm đến để xin lời khuyên khôn ngoan và và được ích lợi.
Bạn có muốn cưới người không mải lo các hoạt động giải trí ích kỷ của bản thân, nhưng sẵn lòng giúp đỡ người khác và có sự khôn ngoan để trở nên có ích cho người khác không?
  1. Người này có thật sự tin Chúa không?
Nàng không bị buồn lo đánh bại vì nàng tin cậy Chúa. “Và khi tưởng đến buổi sau, nàng bèn vui cười.” (c.25) Người nữ này kính sợ Chúa, và bởi sự kính sợ đó mà đời sống nàng tuôn ra sự khôn ngoan, nhân từ, và chuyên cần. Người nữ đạo đức, tin kính sẽ tin cậy Chúa và tin nơi kế hoạch sắm sẵn của Chúa dành cho nàng. Vì thế, nàng không lo phiền khi nghĩ đến những sự sẽ đến trong tương lai.
Câu hỏi này chỉ vào tâm điểm của tính cách cần có nơi người bạn đời: Người này có kính sợ Chúa khôngNgười này có phải là Cơ Đốc nhân thật không? Đừng thỏa hiệp về điểm này.  Đừng “mang ách không tương xứng” với người không có cùng đặc tính nền tảng quan trọng nhất trong cuộc đời này. Đấng Christ phải là nền tảng của mối quan hệ, là nơi mà cả hai phải cùng hướng đến, tin cậy và cùng mỉm cười khi nghĩ đến tương lai.
        Đừng yên vị, chủ quan
Hãy mơ ước, cầu nguyện và tìm người tư vấn mình về những đức tính cần tìm nơi người bạn đời tương lai, và rồi hãy kiên quyết, không yên vị trong cái ít oi mình nhận được. Đừng để việc tìm kiếm sự hò hẹn dựa trên vẻ thu hút bề ngoài của đối tượng. “Một người đàn bà đẹp đẽ mà thiếu dẽ dặt, khác nào một vòng vàng đeo nơi mũi heo” (Châm ngôn 11:22).
Cách hò hẹn của thế gian là con đường của sự rồ dại và đau đớn. Hãy tìm kiếm người bạn đời dựa trên sự suy xét khôn ngoan cua Kinh thánh, một phẩm tính hiếm hoi nhưng đáng giá. Khi bạn nương mình nơi chương trình của Chúa, thì hãy cầu xin Chúa để trong thời điểm của Ngài, bạn sẽ có được một bạn đời đáng tin cậy, có ích, chịu khó, có lòng thương xót, khôn ngoan và tin cậy Chúa.
Và một điều nữa: Đừng tự quyết định theo ý mình. Đừng nghĩ rằng tự bản thân mình có đủ khôn ngoan để suy xét, đánh giá, lựa chọn người bạn đời tiềm năng. Nếu bạn đang trong mối quan hệ hò hẹn, hãy giới thiệu người này với những người bạn khác của bạn, nhất là những người trong Hội thánh. Hãy hỏi xem họ thật lòng nghĩ thế nào, và để xem họ có phất cờ báo hiệu điều gì không tốt cho bạn không. Đó mới là sự khiêm nhường trong mối quan hệ hò hẹn- xin sự tư vấn từ những người khác, chứ không tự lừa dối mình rằng không ai biết rõ hơn chính mình.
Hãy để sự khôn ngoan của Thánh kinh dẫn dắt bạn trong những quyết định hò hẹn.
“Duyên là giả dối, sắc lại hư không; nhưng người nữ nào kính sợ Đức Giê hô va sẽ được khen ngợi.” (Châm 31:30)
Người Dịch: Thảo Anh (HTTLVN.ORG)

Nguồn: https://www.desiringgod.org/articles/six-traits-to-look-for-in-a-spouse

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!