Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2021
Thơ: Thuyền gặp bão
Mây vẫn xanh, mặt nước nhẹ nhàng trôi
Con hát ca, tiếng hát vang núi đồi
Mừng vui đón bình minh trong nắng mới.
Bỗng thình lình sóng ầm lên vang dội
Nước tràn thuyền, gió đổi hướng rít lên
Thuyền chao nghiêng, sóng vồ lấy đảo điên
Con sợ hãi ôi qua miền gió chướng.
Con gào lên, Chúa để con vất vưởng
Một mình con chống chọi với sóng to
Một mình con giữa bao nỗi âu lo
Mà Chúa ngủ, Chúa chẳng lo con chết?
Con xin Chúa thức dậy, con quá mệt
Nước tràn thuyền con hết cách cứu thân
Tại sao Chúa? Ngài đang ở rất gần
Cớ sao bão vẫn dâng dâng càng xiết.
Chúa thức dậy, Ngài quở bão khắc nghiệt
Lặng như tờ, bão biết vâng lệnh ngay
Chúa quay lại: Đức tin con nhỏ thay
Sao con sợ, bão này ta nắm giữ!
Cơn bão lớn là lúc Chúa rèn thử
Đức tin con có do dự hay không
Nếu con tin, dẫu đi giữa tố giông
Chúa ở với, lòng không lo hay sợ
Lạy Cứu Chúa dùng cơn bão nhắc nhở
Chúa toàn năng đang ở giữa bão giông
Chỉ cần con tin cậy Chúa thật lòng
Ngài dẹp hết tố giông con vui sống.
Lạy Cha Thánh, Ngài là nguồn hy vọng
Cho chính con khi nguy khốn phủ vây
Cuộc đời con dù có lắm đắng cay
Vẫn vững bước đêm ngày theo chân Chúa.
Hoa Dã Quỳ
Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2021
Khi Nào Hết Dịch Covid-19?
Đầu năm 2020, khi bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, nhân loại hy vọng một tương lai đầy tốt lành sẽ đến. Nhưng nào ngờ dịch Vi-rút Corona bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) rồi lan nhanh khắp thế giới.
Tháng 3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu khi số ca mắc ngày càng tăng ở các quốc gia. Tính tới ngày 12/9/2021, dịch Covid-19 khiến hơn 225 triệu người mắc và hơn 4,6 triệu ca tử vong trên thế giới. Theo WHO, đại dịch sẽ được tuyên bố kết thúc khi mà “sự lây lan của dịch Covid-19 trên toàn thế giới dừng lại”.[1]
Nhưng câu hỏi lớn đặt ra là: “Khi nào hết dịch Covid-19…?” Đây cũng là câu hỏi của rất nhiều người đặt ra trong thời gian qua. Câu hỏi này được đặt ra cho các cấp lãnh đạo, các chuyên gia, ngành y tế… Câu hỏi này phản ánh sự mong chờ, hy vọng dịch bệnh sớm qua, sớm biến khỏi trái đất này để con người được sống bình an, tự do, vui thỏa như trước đây. Người thì mong mau hết dịch để đi làm trở lại; người mong mau hết dịch để có thể gặp lại những người thân yêu; các em học sinh mong mau hết dịch để được đến trường học; còn đối với Cơ Đốc nhân thì mong hết dịch để được đến nhà Chúa thờ phượng Ngài.
Nhưng câu hỏi sẽ là KHI NÀO? Ai có đủ khả năng để đưa ra một câu trả lời chắc chắn và chính xác? Đứng trước câu hỏi lớn này, Cơ Đốc nhân cần nhận biết và xác định ba điều quan trọng sau:
CON NGƯỜI KHÔNG AI BIẾT CHẮC
“Song ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết! Vì, sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay ” (Gia cơ 4:14).
“Ngày mai” tức là tương lai của mỗi người, bao gồm mọi diễn biến và sự việc xảy đến trong tương lai của mỗi chúng ta. Tất cả đều không ai biết chắc. Nghĩa là con người có thể biết một phần, hoặc có thể phỏng đoán, dự báo… nhưng không thể biết chắc chắn. Nguyên nhân là vì con người rất hữu hạn về sự khôn ngoan, sự hiểu biết, và hữu hạn cả về số năm sống trên đất của đời mình.
Có một vị xưng là tiên tri ở châu Phi, trong một buổi truyền hình trực tuyến đã tuyên bố rằng: “Vi-rút corona, dịch lệ vi rút đáng sợ của thế giới sẽ chấm dứt vào ngày 27/03/2020”.[2] Sau ngày 27/03/2020, vi-rút corona chẳng những không biến mất mà nó còn hoành hành dữ tợn hơn, giết chết nhiều người hơn.
Bill Gates, nhà sáng lập tập đoàn Microsoft cũng nói lên suy đoán của mình trong cuộc phỏng vấn với tờ Gazeta Wyborcza (Ba Lan) và đài truyền hình TVN24 ngày 25/3/2021 rằng: “Đại dịch Covid-19 là một thảm kịch không thể tưởng tượng được”. “Tin tốt đẹp duy nhất là khả năng tiếp cận với Vắc-xin Covid-19 trên thế giới. Vào cuối năm 2022, về cơ bản chúng ta sẽ hoàn toàn trở lại bình thường”.[3] Đây cũng chỉ là một dự đoán của một con người. Mà là dự đoán thì có thể đúng, có thể sai, không gì đảm bảo là chắc chắn 100% được.
Tổ Chức Y Tế Thế Giới cũng đã đưa ra nhận định với Newsweek như sau: “Về việc đại dịch này sẽ kết thúc như thế nào, liệu nó sẽ kết thúc giống như dịch cúm với những đợt bùng phát nhỏ hay sẽ giống cảm lạnh thông thường ở những nơi nó trở thành bệnh đặc hữu (endemic): Chúng tôi không biết. Chúng tôi không biết sự lây lan của vi-rút SARS-CoV-2 sẽ diễn biến như thế nào. Rất nhiều điều sẽ phụ thuộc vào những hành động tập thể của chúng ta cũng như những công cụ tiềm năng, trong đó có vaccine”.[4]
Tóm lại, trong cái nhìn của Cơ Đốc nhân dựa trên Lời Chúa, chúng ta nhận thức bản chất của tương lai không ai biết chắc. Bởi vì cuộc đời là vô thường, tương lai thì vô định. Như Châm Ngôn 27:1 cũng dạy: “Chớ khoe khoang về ngày mai; vì con chẳng biết ngày mai sẽ sanh ra điều gì.”
DUY CHỈ CÓ ĐỨC CHÚA TRỜI BIẾT CHẮC
Mục sư Charles Spurgeon nói rằng: “Có hai điều chắc chắc lớn lao về tương lai: Một là Đức Chúa Trời biết; hai là chúng ta không biết”. Thật vậy, Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Tri: Ngài biết tất cả mọi sự. Rô-ma 11:33 chép, “Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được!”
Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo muôn loài vạn vật và Ngài bày tỏ ơn Thần hựu, nghĩa là Ngài bảo tồn, giúp đỡ, ban ơn cho con người và tạo vật của Ngài. Vì thế, tất cả mọi điều xảy đến trên thế giới này nói chung và trong cuộc đời mỗi chúng ta nói riêng đều nằm trong kế hoạch toàn mỹ của Đức Chúa Trời. Điều này thần học gọi là “Nguyên chỉ”, nghĩa là ý định đời đời từ trước ban đầu của Chúa, mọi chương trình hoạch định và thực hiện đúng như vậy, không có bất cứ điều gì có thể phá hỏng chương trình của Ngài. Ê-sai 46:10 chép rằng: “Ta đã rao sự cuối cùng từ buổi đầu tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên. Ta phán rằng: Mưu của ta sẽ lập, và ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý.”
Trong cơn đại dịch Covid-19, có người đặt ra câu hỏi cho các Đầy tớ Chúa: “Vi-rút corona này từ đâu mà có?” Là con cái Chúa, phản ứng của mỗi chúng ta phải khác với người thế gian trong cơn đại dịch này. Hơn ai hết, chúng ta cần bình tĩnh, đừng hoang mang trước mọi hoàn cảnh. Chúng ta không cần thiết phải xác định dịch bệnh này đến từ đâu. Nhưng chúng ta cần biết chắc chắn một điều là: Đức Chúa Trời cho phép.
Hãy nhớ rằng: Đức Chúa Trời đã ấn định mọi sự theo chương trình của Ngài. Phúc Âm Ma-thi-ơ ký thuật trong chương 24 cho chúng ta biết những biến cố trước ngày Chúa Giê-xu Christ tái lâm. Những điều đó chắc chắn sẽ xảy ra và đang từng bước được ứng nghiệm: “Phàm sự gì có thì tiết; mọi việc dưới trời có kỳ định” (Truyền Đạo 3:1).
Khi học về cuộc đời của Gióp, chúng ta thật được khích lệ khi đối diện với nghịch cảnh. Ông bị tai họa liên hoàn đến nỗi mất tất cả. Trong hoàn cảnh đau thương của mình, ông đã ước ao: “Ôi! Ước gì tôi được như buổi trước, như trong các ngày mà Đức Chúa Trời gìn giữ tôi” (Gióp 29:2). Và rồi, Chúa đã cho ông từng bước kinh nghiệm Chúa trong những đau thương của cuộc đời mình. Ông nói: “Khi Ngài ban cho bình an, ai sẽ làm cho rối loạn? Khi Ngài ẩn mắt mình, ai có thể thấy Ngài? Ngài làm như vậy hoặc cho dân tộc nào, hoặc cho người nào” (Gióp 34:29).
Là con cái của Chúa, chúng ta cũng phải chịu sự hoạn nạn trong thế gian này, nhưng chúng ta biết chắc rằng Đức Chúa Trời yêu thương và có chương trình tốt nhất cho Hội Thánh và từng con cái của Ngài. Vì thế, sống trong cơn đại dịch này, mỗi tôi con Chúa cần luôn nhớ: Đức Chúa Trời là Đấng Toàn năng – Toàn tri – Toàn tại, nên không có gì nằm ngoài tầm kiểm soát của Ngài.
NẾU KHÔNG HẾT DỊCH COVID-19, THÌ ĐỨC TIN CHÚNG TA THẾ NÀO?
Tất cả tôi con Chúa khắp nơi đã và đang hiệp lòng cầu nguyện cho đại dịch Covid-19 qua đi. Nhưng thực tế nó đã bùng phát lần thứ tư ở Việt Nam. Toàn xã hội đã tìm đủ mọi phương cách để ngăn chặn sự lây lan của cơn dịch này, nhưng rồi chúng ta cũng chỉ biết khích lệ nhau bằng hai từ “cố gắng”, vì không ai có thể đảm bảo dịch bệnh có thể được chặn đứng hoàn toàn và mình được miễn nhiễm khỏi vi-rút này.
Vấn đề nằm ở chỗ không phải là con cái Chúa thiếu đức tin khi cho rằng dịch bệnh sẽ không bao giờ hết, nhưng là liệu chúng ta có đủ đức tin để sống chung với cơn dịch này không? Và giả thuyết đặt ra: Nếu hoàn cảnh có trở nên tồi tệ hơn, hoặc người bị nhiễm Covid-19 chính là chúng ta hoặc người thân chúng ta, thì đức tin nơi Chúa như thế nào?
Ngày nay, nhiều người đặt niềm tin vào lời hứa của y học khi mọi người trên thế giới đều được tiêm vắc-xin. Chúng ta vô cùng biết ơn những người đã sáng chế ra vắc-xin, cũng như sự giúp đỡ của các nhân viên y tế và sẵn sàng đón nhận những liệu pháp này. Tuy nhiên, ngay cả khi toàn thế giới được tiêm chủng đầy đủ, thì cũng không ai đảm bảo mình sẽ được an toàn tuyệt đối 100%.
Theo nhận định của một số chuyên gia thì đại dịch này có thể kết thúc nhưng vẫn sẽ có những ca mắc Covid-19 mới. Trong một viễn cảnh của tương lai, Covid-19 có thể được đưa vào tầm kiểm soát tại một khu vực nhất định nhưng ở khu vực khác thì chưa. Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO nhận định: “Thế giới đã mất khả năng xóa sổ Covid-19 ngay từ đầu”. Các nhà khoa học và các chuyên gia y tế cũng cho rằng Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu, đồng nghĩa với việc vi-rút sẽ không bao giờ biến mất và vẫn tiếp tục lây lan. WHO cho rằng khi một vi-rút gây bệnh trở thành bệnh đặc hữu, chúng ta sẽ không còn chứng kiến mức độ tử vong và số ca bệnh nặng như hiện nay bởi nhờ các công cụ và phương pháp điều trị phù hợp, thế giới có thể kiểm soát và sống chung với các bệnh đặc hữu.[5]
Ngày càng nhiều quốc gia cho rằng, chúng ta không thể sống mãi trong phong tỏa và cần vượt qua sự ám ảnh về mục tiêu không Covid, đồng thời biến vi-rút trở thành “kẻ sống chung” ít đe dọa hơn trên hành tinh này.[6]
Đối với Cơ Đốc nhân, vấn đề không phải là khi nào sẽ hết dịch, nhưng vấn đề là đức tin của chúng ta như thế nào trong cơn đại dịch này. Nếu Chúa muốn chúng ta sống chung với Covid-19 này đến ngày Chúa tái lâm thì sao? Ước mong rằng mỗi chúng ta vẫn tin cậy nơi Ngài. Bởi vì, chúng ta nhận biết ý định và đường lối của Chúa luôn là tốt nhất. Ê-sai 55: 8-9 chép, “Đức Giê-hô-va phán: Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.”
Toàn thế giới đang mong chờ sự kết thúc của đại dịch Covid-19. Chúng ta cùng hiệp lòng cầu nguyện cho dịch bệnh sớm được ngăn chặn sự lây lan để cuộc sống của nhân loại được trở lại bình thường. Chúng ta tin rằng: Nếu Chúa muốn thì cơn dịch này sẽ được dẹp khỏi hành tinh chúng ta. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cầu nguyện xin Chúa thêm sức và tiếp trợ nếu dịch bệnh vẫn còn phải kéo dài, thậm chí là phải sống chung với nó. Đặc biệt, hãy cầu xin Chúa thêm đức tin để dầu trong hoàn cảnh nào, mỗi chúng ta vẫn vững lòng theo Chúa cho đến cuối cùng.
Chúng ta đừng chỉ cầu mong ngày hết dịch rồi ngồi đó u sầu khi dịch bệnh cứ kéo dài nhưng hãy sống ý nghĩa từng ngày trong cơn đại dịch này, bày tỏ đức tin trọn vẹn nơi Chúa ngay cả trong nghịch cảnh, nhận biết sự sống và chết của mình đều thuộc về Chúa. “Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả” (Rô-ma 14:8).
CTV. TĐ. Sử Đức Nguyên
Chú thích:
[1] https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/khi-nao-dai-dich-covid-19-ket-thuc-890125.vov
[2]https://www.thisdaylive.com/index.php/2020/03/12/tb-joshua-predicts-coronavirus-will-end-march-27/
[3]https://thanhnien.vn/the-gioi/ti-phu-bill-gates-du-bao-khi-nao-the-gioi-het-dai-dich-covid-19-1359118.html
[4] https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/khi-nao-dai-dich-covid-19-ket-thuc-890125.vov
[5] https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/khi-nao-dai-dich-covid-19-ket-thuc-890125.vov
[6]https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vi-sao-khong-the-xoa-so-covid-19-va-cac-nuoc-dang-song-chung-voi-virus-nhu-the-nao-887431.vov
Thứ Năm, 7 tháng 10, 2021
Mục Đích Của Chúa Dành Cho Hôn Nhân
Trong một chuyến công tác, khi dừng đèn đỏ vào một buổi sáng sớm, tôi thấy một đội xây dựng đang bận rộn cải tạo một nhà hàng cũ. Giống như những chú kiến, những người thợ này đang đi ra đi vào tòa nhà, và hầu hết đều tập trung vào một thứ giống nhau: đó là bản thiết kế. Tôi nhìn thấy những bản thiết kế được cầm trên tay, được dán trên cửa sổ và mọi người làm theo đó một cách hào hứng.
Đèn chuyển sang màu xanh và tôi phóng đi, nhưng khung cảnh đó cứ đọng lại trong trí của tôi, nhắc nhở tôi một sự thật đơn giản: Bạn không thể xây dựng hoặc cải tạo một công trình mà không có bản thiết kế. Nếu bạn cứ tự làm theo ý mình, tòa nhà đó sẽ thành ra thế nào?
Thật không may, có quá nhiều cặp vợ chồng đã không để ý đến bản thiết kế hôn nhân của mình. Giống như những công nhân xây dựng đó, mỗi người chồng và vợ đều có bản thiết kế trong tay, nhưng tôi đã thấy có quá nhiều mối quan hệ không phù hợp vì mong đợi và mục đích của họ khác nhau. Nếu bạn nghĩ rằng điều này cũng có thể đúng trong hôn nhân của mình, vậy làm thế nào để bạn có thể có cùng một mục đích và xây dựng gia đình của mình từ những kế hoạch giống hệt nhau?
Câu trả lời duy nhất mà tôi biết là bạn hãy liên hệ với vị Kiến Trúc Sư, Nhà Thiết Kế ban đầu, Người đã ghi lại bản thiết kế hôn nhân trong Kinh Thánh. Khi bạn kết hôn, bạn muốn lớn lên trong tình yêu dành cho nhau để trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn và thực sự là một. Nhưng những gì mà các cặp đôi ở trong giai đoạn đính hôn cảm thấy rất dễ dàng thì bây giờ có thể là một giấc mơ khó nắm bắt. Đó là lý do tại sao bạn cần hiểu bản thiết kế của Đức Chúa Trời – mục đích của Ngài đối với hôn nhân.
Ba mục đích sau đây sẽ giúp hôn nhân của bạn có thể xác định phương hướng, có sự vững vàng và mang đặc trưng trong thiết kế ban đầu của Đức Chúa Trời.
Phản chiếu hình ảnh của Đức Chúa Trời
Sau khi Đức Chúa Trời tạo ra trái đất và muôn loài, Ngài phán: “Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất. Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ” (Sáng Thế Ký 1:26-27).
Mục đích đầu tiên của Đức Chúa Trời khi tạo ra người nam và người nữ và kết hợp họ trong hôn nhân là để phản chiếu hình ảnh của Ngài trên trái đất. Hãy tập trung sự chú ý của bạn vào những lời này, “phản chiếu hình ảnh của Ngài”. Từ “phản chiếu” trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là phản ánh Đức Chúa Trời để tôn cao và làm vinh hiển Ngài. Hôn nhân của bạn phải phản chiếu hình ảnh của Đức Chúa Trời cho một thế giới đang rất cần được nhìn thấy Ngài là ai. Bởi vì chúng ta được tạo ra theo hình ảnh của Chúa, những người không biết Chúa là Đấng như thế nào sẽ có thể nhìn vào chúng ta và có được cái nhìn thoáng qua về Ngài.
Giúp nhau trở nên trọn vẹn và đồng hành cùng nhau
Kinh Thánh nêu rõ mục đích thứ hai của hôn nhân là giúp cho cả hai trở nên trọn vẹn. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời phán, “Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó” (Sáng Thế Ký 2:18).
Ông A-đam cảm thấy cô đơn trong khu vườn, và vì vậy Đức Chúa Trời đã tạo ra người nữ để cất đi sự cô đơn của ông. Phao-lô viết thư cho Hội Thánh Cô-rinh-tô vào thế kỷ thứ nhất và nhắc lại những lời dạy trong Sáng Thế Ký đoạn 2 khi ông khẳng định, “trong Chúa thì không phải nữ độc lập với nam, hoặc nam độc lập với nữ” (I Cô-rinh-tô 11:11 BTTHĐ).
Tôi tin rằng vợ tôi là người Chúa chọn cho tôi bởi vì tôi cảm thấy vợ tôi giúp tôi được hoàn thiện và là một người đồng hành tuyệt vời. Sau nhiều năm, bây giờ tôi thực sự hiểu tôi cần vợ như thế nào. Hai chúng tôi giống như máy tính và phần mềm. Đứng riêng lẻ, máy tính và phần mềm rất ấn tượng, nhưng kết hợp lại với nhau thì chúng có thể hoàn thành nhiều hơn thế! Và đó chính xác là điều mà Đức Chúa Trời đã nghĩ đến khi Ngài thiết lập hôn nhân đầu tiên với một cô dâu và chú rể ban đầu tên là A-đam và Ê-va.
Bạn cần nhau. Bạn nhận ra điều đó ngay bây giờ. Nhưng nếu bạn xây dựng hôn nhân của mình theo bản thiết kế của Đức Chúa Trời, khi năm tháng trôi qua, bạn mới có thể thấu hiểu được sự tuyệt vời, vĩ đại khi Đức Chúa Trời đã nắn nên người bạn đời cho bạn.
Lưu truyền một di sản tin kính
Một dòng dõi tin kính, con cháu của bạn, sẽ phản ánh thuộc tính của Đức Chúa Trời cho thế hệ tiếp theo. Các kế hoạch về con cái của bạn có thể vẫn còn trong tương lai, nhưng nếu Ngài ban cho bạn một đứa con, bạn sẽ bước vào một cuộc phiêu lưu kỳ thú.
Kế hoạch ban đầu của Đức Chúa Trời về gia đình là nơi nuôi dưỡng, nơi con trẻ lớn lên để học về tính cách, nhân phẩm và sự chính trực. Có quá nhiều cặp vợ chồng ngày nay dường như đang nuôi dạy con cái mà không có khải tượng và định hướng. Họ không truyền đạt cho chúng tầm quan trọng của việc để lại di sản thuộc linh về những cuộc đời đã thay đổi. Họ không đo lường cuộc sống của mình theo Đại Mạng Lệnh trong Ma-thi-ơ 28:18-20, nơi Đấng Christ phán truyền cho chúng ta hãy môn đệ hóa muôn dân.
Một trong những nhiệm vụ của bạn là truyền đạt cho con cháu mình biết về sứ mạng của Chúa và chương trình của Ngài dành cho chúng. Trách nhiệm của bạn trong vai trò vợ chồng là hãy làm cho gia đình mình trở thành nơi mà con cái học về tình yêu thương và vâng lời Đức Chúa Trời có ý nghĩa như thế nào. Gia đình của bạn nên là một trung tâm đào tạo để trang bị cho con cái bạn cách nhìn vào nhu cầu của con người và thế giới qua nhãn quan của Chúa Giê-xu Christ. Nếu con trẻ không chấp nhận sứ mạng thiêng liêng này khi lớn lên, chúng có thể sống cả đời mà không kinh nghiệm đặc ân của việc được Đức Chúa Trời sử dụng.
Hôn nhân của bạn quan trọng hơn nhiều so với những gì bạn có thể tưởng tượng vì nó ảnh hưởng đến danh tiếng của Đức Chúa Trời trên thế giới này. Đó là lý do tại sao bạn cần phải để Chúa Giê-xu là Chủ gia đình mình, là Người xây tổ ấm cho bạn.
Hồng Nhung dịch
(theo Dave Boehi/Family Life)
Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021
Nhà thờ Tin Lành Điểm nhóm Hàm Kiệm chính thức được xác minh trên Google Maps
Bằng cách dùng bản đồ trực tuyến này, quý Tín hữu có thể dùng để xem đường đi đến Điểm nhóm một cách thuận tiện.
Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021
Lịch hướng dẫn Quý 4-2021 Ban Thanh Thiếu niên
Thứ Hai, 23 tháng 8, 2021
Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021
Thơ: Vững Mạnh Trong Chúa – Bà MS Nguyễn Văn Hưng
Kính thưa quý tôi con Chúa, bà Mục sư Nguyễn Văn Hưng (Nhũ danh: Trần Thị Kiều Nương) đã về với Chúa vào lúc 3 giờ sáng ngày 22/7/2021 sau khi được đưa vào bệnh viện Phạm Ngọc Thạch điều trị Covid-19. Trước đó, bà có sáng tác bài thơ để khích lệ tôi con Chúa hãy cứ vững mạnh trong Ngài.
Nay BTT xin được phép đăng tải bài thơ “Vững Mạnh Trong Chúa” của bà Mục sư Nguyễn Văn Hưng như là cách để lan toả sứ điệp hy vọng của tác giả dù trong hoàn cảnh tai ương, dịch lệ:
Cầu xin sức mới Chúa ban
Vững vàng, mạnh mẽ, bình an trong lòng
Trình dâng lên Chúa ước mong,
Sắc son tin chắc ân hồng cứu ân.
Yêu thương, công nghĩa, chí nhân
Gia đình vững mạnh vẹn phần an vui
Tạ ơn của Đức Chúa Trời,
Quỳ nơi chân Chúa dâng lời cầu xin,
Vững vàng giữ trọn niềm tin
Dù trong nghịch cảnh thình lình hoạ tai
Sài Gòn mệt quá ngủ say,
Đường đi, phố xá ít ai ra vào.
Thời gian giãn cách với nhau
Cách ly, phong toả, hàng rào chắn ngang.
Nguyện xin ơn Đấng Quyền Năng
Ở cùng, cứu giúp con dân của Ngài,
Mọi người thoát khỏi hoạ tai
Cùng nhau sum họp tương lai vui vầy,
Đức tin, trông cậy mỗi ngày,
Không còn dịch bệnh đắng cay đau buồn.
Ơn lành, phước hạnh tràn tuôn
Yêu thương, hiệp một luôn luôn không rời.
Ở trong Nhà Chúa trọn đời,
Tôn vinh chúc tụng, dâng lời ngợi ca.
Dù rằng thân thể cách xa
Nhưng lòng hiệp một chan hoà nhớ thương.
Ngày mai cuộc sống bình thường,
Đức tin vững mạnh quyết nương nơi Ngài,
Bước đi theo Chúa không phai
Lập nền, châm rễ, láng lai vững bền
Đức tin nơi Chúa lớn lên,
Giữa cơn mưa bão không quên ơn Ngài.
Tác giả: Trần Thị Kiều Nương
(Phú Lâm, ngày 13/07/2021)
Thứ Ba, 20 tháng 7, 2021
Kêu gọi cầu nguyện cho Viện Thánh Kinh Thần Học với nhiều ca nghi nhiễm Covid-19
Sau Hội Thánh Truyền giáo Phục Hưng, thì đến cuối giờ chiều hôm nay 20/07/2021 Viện Thánh Kinh Thần Học cũng đã ghi nhận một số trường hợp nghi nhiễm COVID-19.
Cụ thể, sau khi phát hiện một số sinh viên bị sốt, chiều ngày 20/07/2021, Viện Thánh Kinh Thần Học (Viện) đã phối hợp với các cơ quan y tế tầm soát dịch bệnh, kết quả ban đầu (qua test nhanh) đã cho thấy có nhiều sinh viên của Viện tại phường Bình Trưng Đông, thành phố Thủ Đức nghi nhiễm Covid-19, trong khi chờ đợi kết quả xét nghiệm RT-PCR.
Theo đề nghị của Ban Điều hành Viện và được chấp thuận của chính quyền thành phố, các sinh viên sẽ được điều trị tại cơ sở Viện. Vì Viện Thánh Kinh Thần Học là nơi biệt riêng, đủ điều kiện để điều trị cho các sinh viên, không ảnh hưởng đến bên ngoài.
Viện Thánh Kinh Thần Học là cơ sở đào tạo người hầu việc Chúa của Hội Thành Tin Lành Việt Nam, đồng thời cũng có ký túc xá để sinh viên lưu trú. Trong niên học 2021, Viện đào tạo cho gần ba trăm sinh viên thuộc Khóa 8 và Khóa 10 cùng lớp nữ. Từ khi chính quyền ban hành các chỉ thị phòng chống dịch, Viện Thần Học đã nghiêm túc chấp hành. Suốt ba đợt dịch Covid-19 vừa qua, Viện Thần Học cũng đã chặt chẽ trong việc áp dụng chỉ thị của chính phủ và nguyên tắc 5K.
Xin Hội Thánh Chúa khắp nơi cầu nguyện cho các sinh viên Viện Thần Học trong hoàn cảnh hiện tại . Xin Chúa tiếp trợ, điều hướng mọi sự, nhất là bảo vệ, chữa lành cho quý sinh viên Viện Thần Học để trở lại sinh hoạt bình thường – Vì “Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân”, và “Người nào ở nơi kín đáo của Đấng Chí Cao, sẽ được hằng ở dưới bóng của Đấng toàn năng” (Thi Thiên 46:1; 91:1).
Thứ Năm, 8 tháng 7, 2021
KHẨN THIẾT CẦU NGUYỆN Cho Thành Phố Hồ Chí Minh
Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước nói chung vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Số ca nhiễm hằng ngày đang xung quanh mức 4 con số và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đặc biệt, tại Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù đã áp dụng nhiều Chỉ thị để cách ly hoặc giãn cách nhưng hiệu quả vẫn còn rất hạn chế. Thành phố Hồ Chí Minh đang trở thành tâm điểm bùng phát lần 4 của đại dịch COVID-19 với tình trạng rất nghiêm trọng.
Với trách nhiệm của người Cơ Đốc, vì Danh Chúa, vì Hội Thánh và người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như trên cả nước, chúng tôi kêu gọi Quý vị dành thì giờ cầu nguyện cho Hội Thánh Chúa chung, cho Thành phố Hồ Chí Minh và cho đất nước.
✟ Xin Chúa bảo vệ, gìn giữ Hội Thánh của Ngài,
✟ Xin Chúa chữa lành và an ủi những người đã mắc bệnh,
✟ Xin Chúa cho dịch bệnh sớm chấm dứt để các hoạt động của Hội Thánh, của xã hội được trở lại bình thường.
Muốn thật hết lòng!
Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2021
Lịch hướng dẫn Quý 3-2021 Ban Thanh Thiếu niên
Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021
Thông báo khẩn: V/v Chuyển đổi hình thức thờ phượng Chúa
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, thể theo nội dung thông báo ngày 12/06/2021 của Mục sư Quản nhiệm Hội Thánh, Hội Thánh sẽ thờ phượng Chúa qua hình thức trực tuyến thông qua kênh Youtube Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam, kể từ ngày mai, Chúa nhật 13/06/2021.
Chương trình sẽ được phát lúc 08 giờ 30 sáng Chúa nhật hàng tuần.
Kênh dự phòng trong lúc phát trực tuyến, có thể xem tại: HTTL TÂN NGHĨA 2
Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021
THÔNG BÁO: Hoạt động trở lại đối với website httltannghia.blogspot.com
Website của Hội Thánh Tân Nghĩa đã tạm ngừng hoạt động từ ngày 01/07/2020 do không đủ nhân sự phụ trách. Sau 1 năm, Ban Truyền thông quyết định duy trì hoạt động trở lại đối với nền tảng web, song song với các kênh mạng xã hội Youtube và Facebook nhằm truyền tải những tin tức tốt lành đến với Tín hữu.
Website là nội dung đầu tiên được Ban Truyền thông xây dựng từ năm 2015, khi đó còn rất sơ khai. Năm 2016, kênh Youtube Hội Thánh được thành lập dựa trên rất nhiều sự hỗ trợ của các Hội Thánh trong và ngoài tỉnh. Năm 2017, fanpage Hội Thánh được thiết lập, là đầu nối truyền thông trên mạng xã hội Facebook.
Website sẽ hoạt động trở lại kể từ 00:00 ngày 01/07/2021. Ban Truyền thông sẽ cố gắng duy trì website là nơi để cung cấp các nội dung trình chiếu trong giờ Thờ phượng, là nơi lưu trữ thông tin sinh hoạt của Hội Thánh và là nơi truyền tải các thông điệp Dưỡng linh cho quý tôi con Chúa.
Nay thông báo./.
Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2021
Lịch hướng dẫn Quý 2-2021 Ban Thanh Thiếu niên
Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2021
Lịch hướng dẫn Quý 1-2021 Ban Thanh Thiếu niên