Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2024

Mở Lòng Đón Chúa Giáng Sinh

 


Lu-ca 2:1-7

“Người sinh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà quán không có đủ chỗ ở” (câu 7).

Câu hỏi suy ngẫm: Thành Đa-vít đã đón tiếp Đấng Cứu Thế giáng sinh như thế nào? Tại sao các nhà quán không có một chỗ cho ông bà Giô-sép Ma-ri? Ngày nay Chúa muốn chúng ta đón Chúa Giáng sinh với tấm lòng như thế nào?

Xứ Palestine đang ở dưới quyền cai trị của đế quốc La Mã. Nhằm mục đích kiểm soát việc thâu thuế cũng như quân sự nên Hoàng đế Au-gút-tơ ra sắc lệnh kiểm tra dân số toàn diện. Do ông Giô-sép là dòng dõi nhà Đa-vít nên ông phải đưa cô Ma-ri đang mang thai Hài nhi Giê-xu về thành Bết-lê-hem, tức thành Đa-vít để khai tên hai người (câu 1-5). “Đang khi hai người ở nơi đó thì ngày sinh nở của Ma-ri đã đến” (câu 6 BTTHĐ). Sự kiện này đã ứng nghiệm lời của Tiên tri Mi-chê về nơi chốn Đấng Cứu Thế giáng sinh (Mi-chê 5:1-2).

Ông Giô-sép và cô Ma-ri đã vượt chặng đường rất dài từ Na-xa-rét đến Bết-lê-hem để khai tên vào sổ. Và tại nơi đây, cô Ma-ri “sinh con trai đầu lòng” (câu 7a). Thành Đa-vít đã đón Hài nhi Giê-xu “trong máng cỏ, vì nhà quán không có đủ chỗ ở” (câu 7c). Chúa Cứu Thế Giê-xu đã giáng sinh trong một chuồng súc vật, với chiếc khăn bọc quanh mình, nằm trong máng cỏ đơn sơ, bình dị. Tại sao nhà quán không dành cho ông bà Giô-sép Ma-ri một chỗ trọ? Có lẽ một phần vì Bết-lê-hem là thành nhỏ mà khách tập trung quá đông trong đợt kiểm tra dân số; cũng có thể chủ nhà trọ ưu tiên cho những khách giàu có, không quan tâm đến nỗi khó khăn của người đang bụng mang dạ chửa; hoặc có thể họ không muốn phiền phức nếu cô Ma-ri sinh con ngay trong nhà trọ của họ…

Hình ảnh máng cỏ trong chuồng súc vật giúp chúng ta suy nghĩ gì trong mùa kỷ niệm Chúa Giê-xu Giáng sinh năm nay? Chúng ta có mở lòng mình như máng cỏ ngày xưa để đón Chúa giáng sinh chăng? Coi chừng chúng ta đang khiêng “máng cỏ” ngày xưa đặt trong một nơi nguy nga chứ không phải trong chuồng súc vật! Đó là sự tốn kém quá mức cần thiết cho trang trí, hình thức, lễ nghi, tiệc tùng, những lời chúc qua lại với nhau… mà quên mất chuẩn bị tấm lòng đón Chúa Giáng Sinh.

Máng cỏ ngày xưa nhắc chúng ta rằng, dù chúng ta chỉ là những con người bình dị, đơn sơ nhưng khi mở lòng ra để đón Chúa thì Ngài sẽ vui ngự vào. Chúng ta cần chuẩn bị một tấm lòng được dọn sạch tội lỗi, khỏi những mưu toan, lo lắng đời này, cùng một nếp sống Cơ Đốc thánh khiết từ trong nhà thờ ra ngoài xã hội, để Chúa vui ngự và ban phước đầy dư. Hãy mở lòng ra đón Chúa Giáng Sinh thì những lời chúc và lễ nghi mới thực sự có ý nghĩa và đem lại nhiều khích lệ cho mình, cho nhau.

Bạn đã mở lòng thế nào để đón Chúa trong mùa Giáng sinh năm nay?

Lạy Chúa, tạ ơn Cha đã ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại. Ngài đã giáng sinh nơi máng cỏ đơn sơ để dạy con cần sửa soạn tấm lòng đơn sơ, bình dị đón nhận Ngài. Xin cất khỏi lòng con mọi lo lắng, mưu toan, cùng tội lỗi vấn vương, và ban cho con đời sống mới, có Chúa ngự cùng. Nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ, Amen!

BÀI HỌC KINH THÁNH HẰNG NGÀY

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2024

Thơ: NGUYỆN ƯỚC ĐÊM GIÁNG SINH


Trời trở lạnh Đông về đem buốt giá
Khắp nơi nơi rộn rả Giáng sinh về
Từ thành đô cho đến chốn thôn quê
Vang tiếng nhạc Chúa Hài đồng Giáng thế

Những thánh đường cùng nhau trang hoàng lễ.
Người nói cười vui hạnh phúc xiết bao
Từ pa-no, biểu ngữ, đến cổng chào
Đèn nhấp nháy như ngàn sao tỏa sáng

Những ngã đường ngàn cây thông thấp thoáng.
Chúa Hài đồng trong hang đá Bê-lem
Tiếng nhạc vang trong không khí êm đềm
Giữa cái lạnh của mùa Đông rét mướt

Những bóng người đang vội vàng cất bước
Trở về nhà kịp dự lễ Nô-ên
Con băng nhanh qua phố những con thềm
Đường trơn trợt trong mưa phùn lất phất

Lòng xúc cảm dâng lên nhiều cung bậc
Con vội vàng chuẩn bị đến Thánh đường
Đêm hôm nay Cứu Chúa của tình thương
Đã giáng thế nơi chuồng chiên máng cỏ

Như mọi năm con trong tà áo đỏ
Cũng tham gia trong ban hát đồng ca
Cùng dâng lên Cứu Chúa của muôn loài
Lời chúc tụng Mừng sáng danh Thiên Chúa

Bao năm rồi lòng con luôn tự hứa
Dâng đời mình cho Cứu Chúa Jesus
Để dắt đưa tất cả kẻ bị mù
Thấy rõ được Jesus là nguồn sáng

Nhưng hỡi Chúa sức lực con có hạn
Cúi xin Ngài thêm năng lực cho con
Có sức Ngài mới có thể làm tròn
Mọi trách nhiệm mà Ngài đang giao phó

Lòng con đây, ví như là máng cỏ
Chúa ngự vào để biến đổi đời con
Máng rơm hèn nhưng là một vết son
Ca ngợi mãi mỗi khi mùa Đông đến

Về tình yêu Jesus vô bờ bến
Hiến thân mình như ngọn nến lung linh
Thắp cho đời nhưng rút ngắn thân mình
Cho con được bình an và cứu rỗi

Lạy Cứu Chúa, chúng con người có tội
Xin bằng lòng đến với Chúa hôm nay
Đêm giáng sinh ân điển đã tỏ bày
Qua Cứu Chúa Hài Nhi là con Thánh.

Urim Ngô
HTTLVN.ORG

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2024

Thơ: Giáng Sinh Về

Giáng sinh về, cây Nô-en khoe sắc
Nào hạt châu, kim tuyến quấn quanh mình
Mấy bông tuyết kèm chiếc nơ xinh xinh
Đèn nhấp nháy bên hình con cừu nhỏ

Giáng sinh về nhạc reo vui đây đó
Khắp phố phường các em nhỏ dạo chơi
Nhà nhà vui mở tiệc, mắt rạng ngời
Họ mừng Chúa hạ sinh nơi dương thế

Giáng sinh về họ vui mấy ngày lễ
Xem đó đây trang trí rất ấm lòng
Khoác áo len vì chút lạnh đêm đông
Đi xem lễ xem Hài đồng, máng cỏ

Giáng sinh về rồi sẽ qua nhanh đó
Ý nghĩa gì đọng lại ở trong tâm?
Có phải chăng bạn xem lễ bao năm
Vẫn không biết âm thầm tình ái Chúa?

Giáng sinh về sao lòng bạn héo úa?
Sao bôn ba chạy từng bữa kiếm ăn?
Sao trong lòng vẫn rét lạnh căm căm?
Từ chối Chúa dẫu bao năm Chúa gọi

Giáng sinh về, Ngài vẫn tha thiết đợi
Bạn mở lòng đón tiếp Chúa hôm nay
Ngài ngự vào trong tấm lòng bạn đây
Và hạnh phúc đong đầy trái tim nhỏ

Giáng sinh về đang réo rắc trước ngõ
Mời bạn mau tiếp nhận Đấng Giáng Sinh
Hưởng ơn hồng cho riêng cá nhân mình
Để Giáng sinh có thêm nhiều ý nghĩa.

Phượng Tím
HTTLVN.ORG

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2024

Chúa Đáp Lời Khi Ta Lo Lắng


 Kinh Thánh:  Phi-líp 4:4-7

4Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn, tôi lại còn nói nữa: Hãy vui mừng đi!

5Hãy cho mọi người biết tính nhu mì của anh em. Chúa đã gần rồi!

6Đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin cùng sự tạ ơn mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời.

7Sự bình an của Đức Chúa Trời, vượt trên mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và trí anh em trong Đấng Christ Jêsus.

Câu căn bảnĐừng lo lng gì cả, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin cùng sự tạ ơn mà trình dâng những nhu cầu của mình cho Đức Chúa Trời.  Câu 6.

Suy niệm: Ai cũng lo lắng cả, nhưng có người lo sợ, người khác lo phiền.  Vì thế mới có thể vì lo mà sinh bệnh, và bác sĩ phải cho thuốc an thần. Mời bạn theo hướng dẫn sau đây để biến những lo lắng thành ra tin cậy:

  1. Ý thức rằng lo lắng đã trở thành một nan đề. Thường thì ai cũng nghĩ rằng mình có thể xử lý lo lắng của mình, nhưng đến một lúc lo lắng trở thành nan đề, thì người ấy phải đến với bác sĩ tâm thần để trị liệu. Nhưng Lời Chúa dạy ta đừng mang gánh nặng lo lắng, mà hãy trao dâng cho Chúa. Bước thứ nhất để trị liệu lo lắng là: Ý thức rằng: Chúa mang tội lỗi  (kể cả những lo lng )  của chúng ta trên cây gỗ, để chúng ta chết đối với tội lỗi và sống cho sự công chính; nhờ những vết thương của Ngài mà anh em được chữa lành.” 1 Phi-e-rơ 2:24.
  2. Lấy đức tin xin Chúa xử lý nan đề. Sứ đồ Phao-lô dạy: Đừng lo lắng gì cả…Ngày nay chúng ta làm ngược lại, lo lắng về đủ mọi thứ và không thực tế cầu nguyện về vấn đề nào cả !  Thuốc trị tâm thần của Chúa bắt đầu với tin cậy. Hãy xin Chúa xử lý nan đề làm cho bạn trằn trọc không ngủ được mỗi đêm. Xin Chúa giải cứu bạn khỏi những ý nghĩ dày vò tâm hồn bạn lâu nay.
  3. Quyết tâm vâng theo Lời Chúa để xử lý nan đề của mình. 1 Phi-e-rơ 5:7 dạy: “Hãy trao mọi điều lo lng mình cho Chúa, vì Ngài luôn chăm sóc anh em.” Thi-thiên 55:22 cũng dạy: “Hãy trao gánh nặng con cho Đức Giê-hô-va Ngài sẽ nâng đỡ con; Ngài chẳng bao giờ để người công chính bị rúng động.” Hãy vâng theo lời Chúa dạy, đừng tự xử lý và thất bại rồi sinh ra lo lắng.
  4. Từ chối lo lắng về nan đề của mình. Một khi bạn đã trao mọi lo lắng cho Chúa, bạn phải quyết tâm để nan đề nơi Chúa, chứ không tìm cách lo lắng nữa.. Phải dứt khoát, hết lòng tin và đừng nghi ngờ. Phải khước từ lo lắng và tin cậy nơi quyền năng của Chúa. Dần dần bạn sẽ hết lo lắng và sẽ ngủ yên giấc.

 Nguyễn Sinh
(HTTLVN.MB)

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2024

Chúa Là Chủ Hôn Nhân

 


Ma-thi-ơ 19:3-6

“Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó” (Sáng Thế Ký 2:18).

Câu hỏi suy ngẫm: Kinh Thánh cho biết ai là Chủ hôn nhân? Cơ Đốc nhân có trách nhiệm xây dựng hôn nhân trên nền tảng nào? Để vượt qua thách thức trong hôn nhân, bạn phải ghi nhớ và thực hành điều gì khi lập gia đình?

Người Pha-ri-si muốn thử Chúa Giê-xu nên đến hỏi quan điểm của Ngài về việc ly dị căn cứ Phục Truyền 24:1-3. Qua câu trả lời của Chúa, chúng ta biết được định chế hôn nhân khi Đức Chúa Trời thiết lập hôn nhân đầu tiên, và chúng ta cũng biết chính Chúa là Chủ và có thẩm quyền trên hôn nhân.

Từ buổi sáng thế, Đức Chúa Trời “dựng nên một người nam, một người nữ” và thiết lập hôn nhân giữa một nam – một nữ để hình thành một gia đình đầu tiên (câu 4). Chúa đã xác định “Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó” (Sáng Thế Ký 2:18). Như vậy, Chúa thiết lập hôn nhân để đem lại hạnh phúc cho con người qua sự giúp đỡ, yêu thương lẫn nhau, và duy trì nòi giống.

Phước hạnh trong hôn nhân phải đi đôi với trách nhiệm. Lời Chúa dạy, “Vì cớ đó người nam sẽ lìa cha mẹ, mà gắn bó với vợ mình; hai người sẽ cùng nên một thịt” (câu 5) nhấn mạnh đến trách nhiệm của gia đình không còn lệ thuộc cha mẹ mà là vợ chồng, đặc biệt là người nam. Nguyên tắc “cả hai là một” nghĩa là nửa kia dù tốt hay xấu đều là một phần của nhau. Người chồng phải gánh lấy trách nhiệm trong việc bảo vệ và xây dựng hôn nhân hạnh phúc. Trách nhiệm này không những về phương diện vật chất nuôi sống gia đình mà còn là trách nhiệm về đức tin của các thành viên để cuộc sống được phước hạnh Chúa ban. Cuối cùng, Chúa nhấn mạnh với những người thử Ngài rằng: “Vậy, loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp!” (câu 6).

Ngày nay, nhiều gia đình đang đối diện với những thách thức trong hôn nhân. Tỷ lệ hôn nhân tan vỡ ngày càng tăng. Điều này nhắc nhở mỗi Cơ Đốc nhân phải vô cùng cẩn trọng khi lập gia đình và nuôi dưỡng hôn nhân. Phải luôn nhớ Chúa là Chủ hôn nhân để thiết lập gia đình trên nền tảng kính sợ Chúa, yêu thương nhau. Chúa Giê-xu yêu và hy sinh cho Hội Thánh thể nào, chồng cũng phải yêu và sẵn sàng hy sinh cho vợ thể ấy như Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở: “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh… Cũng một thể ấy, chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy” (Ê-phê-sô 5:25, 28). Ước mong gia đình mỗi chúng ta nhờ ơn Chúa giữ vững nền tảng trong hôn nhân và hưởng được phước hạnh qua hôn nhân Chúa ban.

Bạn bày tỏ niềm tin Chúa là Chủ và có thẩm quyền trên hôn nhân của bạn như thế nào?

Kính lạy Cha yêu dấu! Con cm ơn Cha đã ban cho con người bạn đời để yêu thương và nâng đỡ nhau trên bước đường theo Chúa dù chúng con bất toàn và khác biệt. Xin Chúa là Chủ hôn nhân gìn giữ để gia đình con làm trọn mục đích tốt đẹp của hôn nhân trên đất này. Nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ, Amen!

Văn Phẩm Nguồn Sống

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2024

Quyền Năng Chúa Phục Sinh

 

Quyền Năng Chúa Phục Sinh

Lễ Kỷ Niệm Chúa Giê-xu Phục Sinh là một đại lễ của Cơ Đốc giáo. Việc giữ lễ này thật sự bắt đầu từ khi có nhóm Cơ Đốc giáo tại Do Thái trong thế kỷ thứ nhất. Người Do Thái vẫn có truyền thống giữ lễ Vượt Qua, tức là kỷ niệm ngày vị thiên sứ giáng hạ đi ngang qua mỗi nhà tại Ai Cập sát hại con đầu lòng và gia súc đầu lòng của tất cả. 

Ðây là một phép lạ cuối cùng bắt buộc vua Pha-ra-ôn phải bằng lòng cho dân tộc Do Thái rời khỏi Ai Cập trở về đất hứa Ca-na-an. Trong lễ này người ta thường giết con cừu để nhớ lại lệnh Chúa truyền giết cừu lấy máu bôi lên cửa thì sẽ được thiên sứ bỏ qua, không tàn sát. Khi tin nhận Chúa Giê-xu, người ta tin rằng Chúa Giê-xu chính là sinh tế thay cho con cừu, và như thế lễ kỷ niệm Chúa chịu hy sinh và phục sinh được tuân giữ. 

 Từ thế kỷ 16 giáo hội đã định Lễ Phục Sinh là nhằm Chủ Nhật theo sau ngày trăng rằm, và sau ngày đầu của mùa Xuân. Vì thế lễ Phục Sinh nhằm mùa hoa nở tươi đẹp trên toàn thế giới. Trong Lễ Kỷ Niệm Chúa Giê-xu Phục Sinh người ta hát nhiều bài ca mừng Chúa Phục Sinh với câu hát quen thuộc: Chúa Giê-xu hôm nay phục sinh hay mừng Chúa phục sinh. Chính câu khẩu hiệu này đã làm cho Cơ Đốc giáo khác biệt hẳn với các tôn giáo mang nhiều tính chất mê tín dị đoan do người xưa truyền lại và làm cho hàng triệu người đi tìm chân lý được thỏa mãn. 

Khi câu chuyện về ngôi mộ trống và Chúa Giê-xu phục sinh còn đang truyền miệng trên đường phố Giê-ru-sa-lem thì tin mừng này đã nhanh chóng lan rộng khắp các thị trấn Cô-rinh-tô và An-ti-ốt ở nước ngoài như một cơn sốc. Tin mừng này đánh thức những người thành tâm trong mọi xã hội trên đất phải quan tâm đến việc Chúa Giê-xu phục sinh và vai trò cứu rỗi nhân loại của Ngài. 

Các sứ đồ và môn đệ của Chúa Giê-xu đã loan tin mừng về Chúa Phục Sinh như là đề tài chính trong các cuộc truyền giáo của họ. Năm mươi ngày sau khi Chúa Giê-xu bị hành quyết, phong trào Giê-xu dường như tiêu tan, nay tại thành Giê-ru-sa-lem lại náo động với các cuộc truyền giảng về Chúa Giê-xu phục sinh và hàng nghìn người bằng lòng tin nhận và thành lập một giáo hội mang tên Chúa Giê-xu. Những môn đệ nhút nhát, xuất thân là những ngư phủ, ít học, thường lẩn vào đám đông, nay công khai đứng lên giữa công chúng can đảm tuyên bố rằng họ đã thật sự gặp Chúa Phục Sinh và kêu gọi mọi người tin Chúa để được thay đổi đời sống. 

Nhưng việc Chúa Giê-xu phục sinh không phải chỉ là một sự kiện lịch sử. Chân lý về Chúa phục sinh là quyền năng biến đổi từ cá nhân cho đến cộng đồng và cả xã hội trong suốt hơn hai ngàn năm qua. Chúng ta đang sống trong thời đại của quyền lực, của năng lượng. Thời đại phát triển những máy móc vượt qua những bức tường âm thanh và phóng lên vũ trụ những con tàu bay hàng vạn dặm. Thời đại mà con người cầm hãm được căn bản của sức mạnh trong vũ trụ—sức mạnh nguyên tử—và dùng để chế tạo vũ khí tiêu diệt loài người. Nhưng sức mạnh vật lý ấy không làm cho trái đất tốt lành hơn, cũng không giải quyết được nan đề tội ác trong xã hội. Nó cũng chẳng góp phần vào các vấn đề đe dọa nền hòa bình và an ninh của dân trên địa cầu. Con người ngày nay có đại tiệc về sức mạnh cơ khí, nhưng chết đói về sức mạnh tâm linh. Nhân loại đang đứng trên bờ vực đen tối và đang cần đến quyền năng phục sinh của Chúa Giê-xu. Trên thực tế, sự việc Chúa phục sinh và chân lý phục sinh có quan hệ gì đến tôi và bạn? 

Thánh Kinh cho chúng ta biết chắc ba điều về quyền năng Chúa Phục Sinh. 

Quyền năng của Chúa Giê-xu Phục Sinh cứu chuộc chúng ta. 

Chúa Giê-xu từng nói: “Quả thật, quả thật tôi nói với anh em, cơ hội sẽ đến và đã đến rồi, là khi người chết sẽ nghe tiếng Con Ðức Chúa Trời: và ai nghe được thì sẽ sống” (Giăng 5:25). 

 Trong xã hội loài người có hàng trăm ngàn người đang sống nhưng thật sự là đã chết. Những người này sống trong khổ sở, cô đơn, và chán chường. Cuộc đời đối với họ hoàn toàn vô nghĩa, tủi nhục, và vô hy vọng. Thế rồi trong một cơ hội nào đó họ nghe được tiếng gọi của Chúa qua lời bè bạn, qua các lời giảng tại nhà thờ hay qua các truyền đạo đơn hoặc các chương trình phát thanh và bằng lòng đặt niềm tin nơi Chúa. Họ đặt đôi bàn tay run rẩy vào bàn tay bị đinh đóng vào của Chúa Giê-xu và hào quang phục sinh rực sáng trên đời họ. Lời Chúa Giê-xu không bao giờ thay đổi. Thời gian cũng không làm cho quyền năng của Lời Chúa hao sút quyền năng. Vì Chúa Giê-xu không phải một giáo chủ đã chết hai ngàn năm trước, nhưng Ngài đang sống và làm cho đời sống của những ai tin nhận Ngài được sống lại từ cuộc đời không sinh động, trong những điều kiện còn thảm khốc hơn cõi chết, như lời Sứ đồ Phao-lô: “Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác của mình…” (Ê-phê-sô 2:1). 

 Trong lúc tất cả chúng ta “chết” trong tội ác thì quyền năng Chúa đã làm cho chúng ta sống lại cùng với Chúa Giê-xu, thoát khỏi cõi chết. Bạn đã được sống lại và bước vào cuộc đời mới với Chúa Giê-xu hay chưa? Các bạn là những người đang bị cám dỗ và tội ác vây bọc, đã tìm thấy lối thoát chưa? Các bạn là những người đang sống khốn khổ, tuyệt vọng, và vô mục đích đã nghe được tiếng Chúa gọi chưa? Xin bạn biết cho rằng Chúa Phục Sinh có quyền năng đưa bạn ra khỏi cuộc đời tâm linh bất động và biến đổi bạn như con sâu trở thành một con bướm lộng lẫy bay đi, nếu bạn bằng lòng tin nhận Chúa Giê-xu hôm nay. 

Quyền năng của Chúa Giê-xu Phục Sinh cho chúng ta sức mạnh để sống đắc thắng trong cuộc đời. 

Chúa Phục Sinh có quyền năng làm cho bạn nhìn thấy rõ sức mạnh và khả năng của mình và giúp bạn đắc thắng trần gian, bản năng và ma quỷ. Kinh Thánh dạy: “Bởi đó, Ngài [Chúa Giê-xu] có thể cứu toàn vẹn những kẻ nhờ Ngài mà đến gần Ðức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những kẻ ấy” (Hê-bơ-rơ 7:25). Sau khi Chúa Giê-xu sống lại, Ngài tuyên bố với các môn đệ: “Này, Ta thường ở cùng các anh em luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20). Ðây là lời hứa cho những ai tin nhận Ngài, kể cả bạn và tôi. Ðây là lời hứa mà mỗi chúng ta đều có thể hưởng được, nếu bằng lòng đặt trọn niềm tin nơi Chúa. Như thế quyền năng Chúa Phục Sinh có thể đến với bạn ngay khi bạn tin nhận Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế và Chúa Thánh Linh sẽ ngự vào tâm hồn bạn. Ngài sẽ cho bạn sức mạnh để thắng cám dỗ, vui trong hoàn cảnh khổ đau, an bình trong cơn bão tố của cuộc đời. Chúa muốn ban có quyền năng ấy ngay hôm nay, vì Ngài sẵn sàng ban cho bạn, nhưng bạn phải tiếp nhận bằng lòng tin thì mới nhận được. 

Quyền năng của Chúa Giê-xu Phục Sinh cho chúng ta hy vọng. 

Một tiếng kêu âm thầm trong thế giới loài người ngày nay là: Có hy vọng nào không? Chỉ có quyền năng phục sinh của Chúa Giê-xu trả lời được câu hỏi này. Trong mọi lãnh vực của đời sống nhân loại người ta chỉ thấy căng thẳng, rối ren, phức tạp, ngày càng nhiều nan đề không giải quyết được. Tội ác, vô luân lý, và trái luật pháp mỗi ngày một gia tăng ở khắp nơi, nạn dịch vẫn còn đang đe dọa nhân loại. Trong cuộc chiến giữa tâm trí và tâm hồn của mọi người trên thế giới, phe hữu dường như đang thua và phe tả ngày càng thắng thế. Nhưng Kinh Thánh viết rằng: “Chúng ta nhờ việc Chúa Cứu Thế Giê-xu sống lại từ cõi chết mà có hy vọng sống” (I Phi-e-rơ 1:3b). 

Kinh Thánh viết: “Chúng ta nhờ việc Chúa Cứu Thế Giê-xu sống lại từ cõi chết mà có hy vọng sống” (I Phi-e-rơ 1:3b). Con người thường đặt niềm tin sai chỗ. Người ta thường tin tưởng nơi vũ khí, máy móc, tiền bạc, quyền hành, thế lực, nhưng những thứ này không bền và không có sức mạnh nào cả. Người ta tin cậy vào học thức và khả năng sáng tạo, nhưng khi loại bỏ Chúa ra ngoài, tất cả đều đưa đến các hậu quả tai hại. Nhưng mọi người đều có hy vọng nơi quyền năng của Chúa Giê-xu Phục Sinh. Những người tin Chúa Giê-xu tràn đầy hy vọng, vì vậy họ không sợ một thế lực nào và cũng không ngại chịu khổ vì niềm tin của họ. Quyền năng Chúa Phục Sinh đã làm họ hy vọng nơi Chúa. Hy vọng về hiện tại và hy vọng trong tương lai. 

Mỗi người đều có những quyết định quan trọng trong đời sống. Quyết định căn bản nhất vẫn là đặt niềm tin vào đâu. Trong mùa Kỷ Niệm Chúa Giê-xu Phục Sinh năm nay, chúng tôi mời bạn đặt niềm tin nơi Chúa để hưởng được quyền năng biến đổi, sức mạnh đắc thắng, và hy vọng trong một thế giới đầy tuyệt vọng này. Ðây sẽ là quyết định quan trọng nhất của bạn.

Nguyễn Sinh 

Văn Phẩm Nguồn Sống

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2024

Thơ: NGƯỜI NỮ TRONG NHÀ CHÚA

 


“Một người nữ tài đức ai sẽ tìm được, giá trị nàng trổi hơn châu ngọc” (Châm ngôn 31:10)

MỘT viên ngọc quý rạng ngời
NGƯỜI là con gái nước Trời đẹp thay
NỮ trong nhà Chúa là đây
TÀI năng trí lực dâng Ngài hân hoan
ĐỨC tính nhẫn nại, đảm đang
AI sánh duyên sắc với nàng được chăng?
SẼ luôn học hỏi siêng năng
TÌM cầu ý Chúa tiến thăng cho mình
ĐƯỢC cả thuộc thể, thuộc linh
GIÁ ai tìm được ắt vinh vô cùng
TRỊ quản nhà Chúa tín trung
NÀNG là khuôn mẫu thuỷ chung vẹn toàn.
TRỔI lên lời nói đoan trang
HƠN thua toan tính là phần thế gian
CHÂU báu vốn quý Chúa ban
NGỌC ngà ánh sáng toả lan cho đời.

Mến tặng quý nữ giới trong nhà Chúa nhân ngày Phụ nữ Tin Lành.
Tháng 03/2024
Lê Thiện Tiên (HTTLVN.ORG)

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2024

Thơ: AN-NE – ĐẦU TƯ KHÔN NGOAN



Khi Thiên Chúa dựng nên người phụ nữ

Và cho nàng làm vợ của A-đam

Bà Ê-va rất xinh đẹp dịu dàng

Chúa thiết lập hôn nhân từ dạo ấy


Mục đích Chúa, là làm cho đầy dẫy

Khắp thế gian những tạo vật của Ngài

Nên hôn nhân là kết hợp cả hai

Để ăn ở sinh con làm cơ nghiệp


Người không con tự thấy mình thua thiệt

Có nhiều khi là cớ để ghẹo trêu

Thế cho nên dù cuộc sống có nghèo

Thì con cái là niềm vui hạnh phúc


Không có con được xem là nỗi nhục

Miệng người đời soi mói lắm gièm chê

Là nỗi khổ cho người vợ trăm bề

Bị chế giễu là “cây khô không lộc”


Người không con luôn nghĩ mình cô độc

Nên buồn rầu dù vẫn được thương yêu

Như An-ne rất được chồng cưng chiều

Luôn bù đắp những điều nàng thiếu thốn


Ên-ca-na, chồng nàng luôn bề bộn

Nhưng không quên sắm của lễ cho nàng

Cứ hằng năm đến đền Chúa khang trang

Cùng thờ phượng với lòng yêu kính Chúa


Nhiều năm qua, với nỗi sầu vây bủa

Nên An-ne thường than khóc một mình

Rồi một hôm nàng trút hết sự tình

Vừa cầu khẩn vừa tuôn tràn giọt lệ


Khiến Hê-li, đang là thầy tế lễ

Tưởng nhầm nàng đang say rượu nên khuyên

Có biết đâu nàng trải nỗi muộn phiền

Lên cho Chúa Đấng giàu lòng thương xót

“Ôi hỡi Chúa, Ngài quyền năng cùng tột

Đoái đến con là kẻ nhỏ mọn này

Ban cho con có một đứa con trai

Con dâng nó phục vụ Ngài vĩnh viễn”


Lời nguyện cầu không thốt lên thành tiếng

Giê-hô-va đã đáp ứng khẩn cầu

Nàng thọ thai sau đó cách ít lâu

Và sanh hạ người con trai yêu dấu


Nỗi sầu khổ của nàng Ngài hiểu thấu

Nên cho nàng được ngước mặt lên cao (1)

Điều nàng xin là một nỗi khát khao

Nhưng không giữ riêng cho mình sở hữu


Dù đứa con là niềm vui vinh dự

Là tình yêu, là của quí trên đời

Bà vui lòng dâng cho Đức Chúa Trời

Điều tốt nhất mà giờ đây bà có


Sa-mu-ên vẫn đang còn rất nhỏ

Phục sự Ngài ở trước mặt Hê-li

Dâng cho Ngài, bà không phải mất đi

Nhưng sanh được thêm năm người con nữa. (2)


Bà An-ne đã hoàn thành lời hứa

Đức Chúa Trời cũng thành tín với bà

Sa-mu-ên về sau, ông chính là:

Vị Quan xét, và Tiên tri cao cả (3)


Niềm vui mừng không ngôn từ diễn tả

Bà đã dâng cho vương quốc Chúa Trời

Bà đầu tư và định hướng đúng nơi

Cho con cái một tương lai xán lạn


Cầu xin Chúa ban cho ta khôn sáng

Biết đầu tư cho con cái của mình

Vi biết rằng chỉ cơ nghiệp thuộc linh

Mới phước hạnh và trường tồn mãi mãi


Trần gian này không gì là tồn tại

Danh lợi quyền tất cả sẽ chóng qua

Hầu việc Chúa như là một món quà

Ngài ban thưởng người đầu tư đúng hướng


Phước hạnh thay người để lòng tin tưởng

Giê-hô-va là Đấng Cứu chuộc mình

Biết hướng lòng về những sự thuộc linh

Biết dâng hiến cho Ngài điều tốt nhất.


Minh Hạnh - HTTLVN.ORG


1. I Sa-mu-ên 2:1

2. I Sa-mu-ên 2:21

3. I Sa-mu-ên 7:15 & 3:20

Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2024

Nguồn Phước Duy Nhất

Phục Truyền 11:12-23

“Trừ Ngài ra tôi không có phước gì khác” (Thi Thiên 16:2b).

Câu hỏi suy ngẫm: Đức Chúa Trời ban phước cho dân Ngài như thế nào? Dân Chúa phải làm gì để được phước? Bạn cầu xin gì trong ngày đầu năm Âm lịch khi biết Chúa là nguồn phước duy nhất?

Người Á Đông quan niệm về “ngũ phúc”: Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh, tức giàu, sang, sống lâu, khỏe mạnh và an ninh. Năm mới nhiều người thường chúc nhau ngũ phúc như một thói quen mà không quan tâm kết quả ra sao. Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay cho thấy giàu sang (câu 14-15), sống lâu (câu 21) và an ninh (câu 23) đều là những phước Chúa có quyền ban cho dân Ngài, và chỉ có Ngài là Đấng duy nhất ban phước hay giáng họa tùy theo sự vâng lời của họ (Phục Truyền 11:26-28). Thậm chí, Chúa có thể biến họa thành phúc (Phục Truyền 23:5). Trong câu 16, Chúa cảnh báo họ không được nhờ cậy những thần giả mạo khác trong xứ Ca-na-an mà họ tưởng là mang mưa đến giúp đất đai màu mỡ và đàn gia súc phát triển. Nhưng thật ra khi họ bỏ Chúa, cơn giận của Chúa sẽ khiến “Ngài đóng các từng trời lại, nên nỗi chẳng có mưa nữa, đất không sinh sản: như vậy, các ngươi sẽ vội chết mất trong xứ tốt tươi này” (câu 17).

Nhiều người ngày nay mong chờ phước theo nhiều cách khác. Ngày Tết họ dựa vào tên bốn loại trái cây là mãng cầu, đu đủ, dừa, xoài chưng trên bàn thờ để nói lên mong ước của họ, “cầu vừa đủ xài”! Không ít người hành hương, dâng cúng cho thần này thần nọ với ước mong năm mới làm ăn phát đạt v.v… Với Chúa không hề có may rủi, phù phép, hay dùng tiền để mua phước được. Câu 12-13 và 18-19 cho biết muốn được phước thì phải thờ phượng Chúa và làm theo Lời Ngài. Thi Thiên 1:1-2 cũng dạy, “Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, chẳng đứng trong đường tội nhân, không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng; song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, và suy ngẫm luật pháp ấy ngày và đêm.”

Phước vật chất giúp dân Chúa có được cuộc sống no đủ. Tuy nhiên, đó chưa phải là mục đích cuối cùng của chúng ta vì nếu quá coi trọng, chúng có thể trở thành họa vì vật chất cám dỗ chúng ta quên hoặc bỏ Chúa. Chúa đã cảnh báo: “Khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã dẫn ngươi vào xứ mà Ngài thề cùng tổ phụ ngươi,… khi ngươi ăn và được no nê, khá giữ lấy mình, kẻo ngươi quên Đức Giê-hô-va, là Đấng đã đem ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, tức là khỏi nhà nô lệ” (Phục Truyền 6:10-12; xem thêm Châm Ngôn 30:8-9). Mỗi chúng ta hãy hướng về phước hạnh thiêng liêng tốt lành và quý giá bởi phước hạnh vật chất dễ trở thành cám dỗ và tai họa.

Chúa là nguồn phước và là Đấng duy nhất ban phước. Mỗi chúng ta đến với Chúa trong ngày đầu năm Âm lịch để hứa nguyện với Ngài, trong năm mới con sẽ chăm tìm những phước thiêng liêng từ các nơi trên trời.

Bạn đang tìm kiếm phước hạnh từ đâu?

Lạy Cha, con cảm ơn Cha là nguồn phước duy nhất của con, con quyết vâng phục và thờ phượng chỉ một mình Ngài. Xin giúp con chăm tìm những phước thiêng liêng từ các nơi trên trời, để con cũng trở thành nguồn phước cho nhiều người khác nữa. Nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ, Amen!

Nguồn: Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục HTTLVN

Thứ Năm, 1 tháng 2, 2024

NGUỒN PHƯỚC

 


DẪN NHẬP

Có lẽ từ được nhiều người thích nhất, thường nhắc đến nhiều nhất trong dịp đầu năm Tết đến là từ “Phước” (hay Phúc). Nào là “Phước Lộc Thọ”, “Ngũ phúc Lâm môn” (Năm điều phước vào nhà Phúc, Lộc, Thọ, Khương, Ninh). Người ta thích dán chữ Phước trên cửa ra vào, trên trái dưa hấu, treo chữ Phước trên cây mai chưng Tết. Có lẽ nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ câu đối Tết hay của nhà thơ Nguyễn Công Trứ:

“Tối ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra khỏi cửa.
Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà”.

Tuy nhiên, có thể nói ít ai biết chữ Phước có ý nghĩa gì? hay Phước là gì? Thế nào là được Phước?
Nhân dịp đầu Xuân Tết đến, chúng ta hãy tìm hiểu Phước có nghĩa gì? Phước đến từ đâu và làm sao để được Phước trong năm mới Giáp Thìn 2024 này.

Ý NGHĨA CỦA TỪ PHƯỚC HAY PHÚC

• Phước trong văn hóa Việt Nam

Từ “Phước” hay “Phúc” viết theo chữ Hán (福) gồm có bốn chữ viết theo lối hội ý, chỉ về tình trạng hạnh phúc ban đầu của loài người. Chữ thứ nhất bên trái là bộ kỳ (示) chỉ về thần (神) là Ông Trời, Đức Chúa Trời hay Thiên Chúa. Bên phải có 3 chữ là: Nhất (一) là một; khẩu (口) là miệng hay người (nhân khẩu); điền (田) là ruộng, ruộng vườn. Kết hợp bốn chữ trên thành chữ Phước có nghĩa là: Một người có ruộng vườn và có Thiên Chúa ở bên cạnh. Như vậy, người xưa quan niệm người được phước là một người không chỉ có tài sản ruộng vườn, đất đai mà còn có mối quan hệ với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa của mình, là nguồn phước, bởi con người là sinh vật tâm linh, “linh ư vạn vật”.
Cũng cần lưu ý là Chữ Phước (福) khác với chữ Phú (富) là giàu có. Chữ Phú cũng gồm 4 chữ là: bộ Miên (宀) là mái nhà; nhất (一) là một; khẩu (口) là miệng hay người (nhân khẩu); điền (田) là ruộng: nghĩa là một người có nhà cao cửa rộng, ruộng đất nhiều, đó là người giàu có. Nhưng chữ Phú không có chữ kỳ (示) chỉ về Ông Trời hay Thiên Chúa, mà chỉ có nhà cửa, đất ruộng nhiều thôi, vì giàu có phú quí chưa chắc là được phước vì thiếu Ông Trời là nguồn phước.
Thật là thú vị khi thấy ý nghĩa nầy rất gần với Kinh Thánh. Mục sư C. H. Khang trong quyển The Discovery of Genesis1 đã khám phá ra những lẽ thật trong sách Sáng Thế Ký ẩn giấu trong chữ viết của người Trung Hoa. Ông phân tích chữ Phước trong chữ Hán và khám phá những điểm tương đồng thú vị với ý nghĩa trong câu chuyện sáng tạo trong sách Sáng Thế Ký chương 1 & 2. Khi Thiên Chúa dựng nên con người đầu tiên là A-đam thì Ngài đặt ông trong khu vườn Ê-đen để “trồng và giữ vườn”, vui thú điền viên và sống gần gũi với Ngài. Đó là khu vườn hạnh phúc mà Chúa ban cho con người. A-đam được phước vì được ở trong vườn với Thiên Chúa, để trồng và giữ vườn. Ông là người được tạo dựng theo ảnh tượng của Thiên Chúa nghĩa là mang những bản chất đẹp: yêu thương, công chính, khôn ngoan giống như Thiên Chúa và được Chúa ban phước (Sáng Thế Ký 1:28) Ông đã có mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa, vì ông luôn tôn vinh và vui hưởng sự hiện diện của Đấng Tạo Hóa trong cuộc sống. Đây là bí quyết để con người được phước, hưởng được hạnh phúc thật.

• Phước trong Kinh Thánh
Trong Kinh Thánh Tiếng Việt có tất cả là 522 lần nói đến chữ phước (theo bản TT năm 1925).
Trong tiếng Hy-bá-lai có hai từ phước Eser và Barak đều được dịch là phước hay hạnh phúc, may mắn. Phước trong tiếng Hy Lạp là Makarios cũng được dịch sang tiếng Việt là phước. Trong Kinh Thánh, Chúa có rất nhiều lời hứa ban phước cho con dân Chúa, nhất là những người kính sợ Chúa, gìn giữ và vâng theo luật pháp của Chúa. Phước Chúa ban cho có tính chất toàn diện, tâm linh lẫn vật chất (III Giăng 2). Tuy nhiên, dường như Phước trong Cựu Ước thiên về vật chất nhiều hơn, còn trong Tân Ước thì thiên về tâm linh hơn. “Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời” (Ê-phê-sô 1:3).

ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ NGUỒN PHƯỚC

• Đức Chúa Trời là Đấng chủ tể phước hạnh
Chữ Phước trong văn hóa chúng ta cho thấy người xưa cũng tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa là Đấng ban phước cho con người, Ngài là nguồn phước. Kinh Thánh cũng khẳng định Đức Chúa Trời là nguồn phước, là Đấng chủ tể phước hạnh “là điều mà Đấng chủ tể hạnh phước và duy nhất, là Vua của các vua, Chúa của các chúa sẽ tỏ bày vào đúng thời điểm của Ngài” (I Ti-mô-thê 6:15) [HĐTT]. Đức Chúa Trời có một chương trình, kế hoạch để ban phước cho loài người. Khi nhân loại phạm tội, xa cách Ngài bị mất phước thì Ngài kêu gọi Áp-ra-ham để qua dòng dõi ông Ngài ban Đấng Cứu Thế đến để ban phước cho cả nhân loại “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước” (Sáng Thế Ký 12:2-3).

• Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa yêu thương và quyền năng ban phước cho muôn loài vạn vật và loài người
Trong sách Sáng Thế Ký, khi Đức Chúa Trời dựng nên muôn loài vạn vật và con người thì Ngài ban phước trên chúng: “Đức Chúa Trời ban phước cho các loài đó mà phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy dưới biển; còn các loài chim hãy sanh sản trên đất cho nhiều” (Sáng Thế Ký 1:22) và “Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất” (Sáng Thế Ký 1:28). Nhờ Chúa ban phước và chăm sóc mà muôn vật và loài người được sống, tồn tại và lưu truyền trên đất cho đến ngày nay (Thi Thiên 145:15,16).

BÍ QUYẾT ĐỂ ĐƯỢC PHƯỚC
Trong Kinh Thánh, Chúa có rất nhiều lời hứa ban phước cho con dân Ngài. Có thể nêu ra bốn bí quyết để chúng ta nhận được phước từ Chúa:

• Được Chúa tha thứ mọi tội lỗi
Trước hết, để nhận được phước từ Chúa, chúng ta phải được Chúa tha thứ mọi tội lỗi, “bởi tội lỗi các ngươi ngăn trở các ngươi được phước” (Giê-rê-mi 5:25). Sở dĩ nhân loại bị mất phước, bị đuổi khỏi vườn Ê-đen phước hạnh vì đã phạm tội không vâng lời Chúa, ăn trái cấm. Vì thế, điều kiện đầu tiên để nhận được phước là phải ăn năn mọi tôi lỗi để được Chúa tha thứ, như Kinh Thánh chép: “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình, Được khỏa lấp tội lỗi mình!” (Thi Thiên 32:1).

• Kính sợ Chúa, sống theo đường lối Chúa
Điều thứ hai mà Kinh Thánh thường nhắc đến là kính sợ Chúa, sống theo đường lối Chúa “Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va, Đi trong đường lối Ngài!” (Thi Thiên 128:1). Người kính sợ Chúa là người luôn để Chúa làm trung tâm điểm trong đời sống, sống công chính, ngay thẳng theo đường lối Chúa “Không theo mưu kế của kẻ dữ, chẳng đứng trong đường tội nhân, không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng” (Thi Thiên 1:1). Người kính sợ Chúa là người luôn ý thức Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi, Ngài biết hết mọi điểu nên lúc nào ở đâu cũng sống đàng hoàng, thánh thiện, chân thật.

• Yêu mến, vâng giữ luật pháp Chúa
Người được Chúa ban phước là người yêu mến luật pháp Chúa và thực hành lời Chúa trong đời sống mỗi ngày như Kinh Thánh chép: “Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, Và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm. Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước, sanh bông trái theo thì tiết, lá nó cũng chẳng tàn héo; Mọi sự người làm đều sẽ thạnh vượng” (Thi Thiên 1:2).

• Giữ mối tương giao mật thiết với Chúa
Người được Chúa ban phước là người có mối tương giao mật thiết với Chúa mỗi ngày, đồng hành với Chúa như Hê-nóc và được Chúa tiếp lên trời không qua sự chết vì ông có đời sống đẹp lòng Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 11:5). Để đời sống chúng ta được phước, xin Chúa cho chúng ta có mối tương giao khắng khít với Chúa như Đa-vít và các thánh nhân trong Kinh Thánh “Linh hồn tôi đeo theo Chúa; Tay hữu Chúa nâng đỡ tôi” (Thi Thiên 63:8).

KẾT LUẬN
Chúng ta đang hướng về năm mới Giáp Thìn 2024 với ước mong được Chúa ban phước dư dật trên cá nhân, gia đình và Hội Thánh. Cảm tạ Chúa là Đức Chúa Trời mà chúng ta yêu mến, kính sợ và thờ phượng là nguồn phước của chúng ta và Ngài đang chờ đợi để ban phước cho chúng ta miễn là chúng ta hết lòng tin cậy Chúa và sống đẹp lòng Ngài. Tôi muốn mượn lời của vua Đa-vít để kết thúc bài suy ngẫm hôm nay: “Tôi đã nói cùng Đức Giê-hô-va rằng: Ngài là Chúa tôi; Trừ Ngài ra tôi không có phước gì khác” (Thi Thiên 16:2). Amen!

Trịnh Phan
Tết Giáp Thìn 2024

                                                                                                             
1
 Khang, C. H. The Discovery of Genesis (Singapore: Salvation Army,1979) p.126.

NGUỒN: HTTLVN.ORG

Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

Thơ: TÌM LẠI MÙA XUÂN

 “…thì ta sẽ cho mưa mùa thu và mưa mùa xuân xuống thuận thì tại trong xứ các ngươi; ngươi sẽ thâu góp ngũ-cốc, rượu, và dầu của ngươi”.   Phục-truyền 11:14

Xuân thắm đượm, Thu vàng, Đông lạnh lẽo
Hạ râm ran, oi bức, tiếng ve sầu
Ai nấy đều chờ đợi thật là lâu
Mới thấy được Mùa Xuân về trước ngõ

Nhớ khi xưa, qua Thánh Kinh bày tỏ
Vườn Ê-đen khí hậu rất ôn hòa
Cả bốn mùa cây trái đều trổ hoa
Không chỉ có mùa Xuân là tươi thắm

Nhưng rất tiếc, loài người lại say đắm
Sự mê tham của mắt – xác thịt này
Đưa tay ra ăn trái cấm – mới hay
Mình phạm tội lõa lồ nên chạy trốn

Kể từ đó rơi vào cơn nguy khốn
Đức Chúa Trời trách phạt rất công minh
Cho một cơn hồng thủy chẳng thương tình
Chỉ còn một gia đình Nô-ê sống

Giao ước Ngài lập ra qua cái mống
Chẳng bao giờ có nước lụt nữa đâu
Mùa gieo gặt để có được hoa màu
Ngày đêm cũng chẳng bao giờ bị tuyệt

Mùa Hạ, Đông vẫn không hề bị diệt
Nhưng Thu, Xuân thì không thấy nói gì (1)
Có phải chăng phạm tội nên mất đi
Mùa Xuân đẹp với muôn ngàn hoa lá?

Nhưng tạ ơn lòng nhơn từ cao cả
Trong Jesus ai cũng có mùa Xuân
Ngài hứa rằng sẽ luôn luôn ở cùng
Với những kẻ nghe làm theo lời Chúa

Sống thanh sạch không ham mê tiền của
Phục sự Ngài với tất cả tình yêu (2)
Ngài sẽ ban mưa Xuân đến thật nhiều
Mùa Thu cũng sẽ đâm chồi nứt lộc

Phước trần gian chỉ còn trong phút chốc
Như cỏ khô hoa rụng chẳng còn chi
Trong Jesus, tuổi xuân mãi đang thì
Nguồn phước hạnh thiên thu và bất tận

Sẽ không còn những tháng ngày lận đận
Những lo âu cơm áo với gạo tiền
Ở trong Ngài ta có được bình yên
Khi đã chọn Jesus làm Cứu Chúa

Trọn đời ta mùa Xuân không tàn úa
Không đổi thay với năm tháng thời gian
Bởi Jesus là Chúa của bình an
Ta tìm thấy được mùa Xuân vĩnh cửu.

Minh Hạnh

(1) Sáng thế ký 8:22.
(2) Phục-truyền 11:13. 

NGUỒN: HTTLVN.ORG

ONLINE

QUỐC GIA TRUY CẬP

Flag Counter

Khách viếng thăm (Visitors)

Flag Counter

THỐNG KÊ BÀI VIẾT VÀ COMMENT

Tổng số lượt xem trang từ 23-05-2015

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác do Hội Thánh Tin Lành Tân Nghĩa quản lí mà không ghi rõ nguồn https://httltannghia.blogspot.com là vi phạm bản quyền!