Điều xấu xảy đến với người tốt, tại sao?
Khi gặp phải những điều không mong muốn trong cuộc sống, chúng ta thường tự hỏi: Tại sao lại là mình? Mình đâu có làm gì sai? Mình vẫn sống tốt mà, vì sao điều này lại xảy đến cho mình mà không phải người kia?… Và thường chúng ta không thể tự mình tìm ra câu trả lời. Có người chọn cách cứ quên đi mà sống, và họ dường như đã vượt qua; trong khi một số khác thì cứ mãi vật lộn với những câu hỏi này mà không tìm thấy lời giải đáp, thậm chí dẫn tới chán nản và mất đi niềm tin vào những điều tốt đẹp…
Nhưng Chúa không muốn chúng ta phải tự mình tìm kiếm câu trả lời, và Ngài cũng không muốn chúng ta sống mà không hiểu Ngài đang muốn gì trên đời sống chúng ta. Đó chính là lý do Ngài đã để lại vô vàn sự dạy dỗ trong Kinh Thánh.
Trước hết, hãy cùng nhau xem qua vài câu Kinh Thánh này nhé:
“Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.” – Rô-ma 8:28
“Chẳng một tai họa nào xảy đến cho người công bình” – Châm ngôn 12:21
Một số người có thói quen xem tất cả những điều không mong muốn xảy đến là điều xấu, là tai họa. Một số khác thì luôn cho rằng đó là sự tấn công của ma quỉ. Trên thực tế, chúng ta biết rằng có một cuộc chiến thuộc linh đang diễn ra, cho nên đôi khi “lãnh đạn” từ phía kẻ thù là điều khó tránh khỏi. Nhưng còn một điều chúng ta cũng nên nhớ rằng Chúa, tướng lĩnh của cả đạo binh đang đi bên cạnh chúng ta. Hơn thế nữa, cuộc đời chúng ta nằm trong tay Ngài nên chẳng điều gì xảy đến trên bạn mà nằm ngoài ý muốn của Ngài cả. Vậy thì những điều ấy do đâu mà đến?
Khó khăn là chuyện đương nhiên
Khó khăn, thử thách xảy đến là chuyện rất đỗi thường tình trong cuộc đời của mỗi một con người và chẳng có ai là ngoại lệ cả. Chúng ta đang sống trong một thế giới không hoàn hảo, một thế giới mà con người đã lựa chọn đi theo ý riêng mình. Dù chúng ta được Chúa kêu gọi, được trở lại làm con cái của Ngài nhưng đừng quên rằng chúng ta vẫn đang sống trong một thế giới bất toàn. Vì thế sẽ thật khó để đòi hỏi một đời sống tuyệt vời trong một thế giới đang đang dần đi đến hồi kết của nó.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Đức Chúa Trời cứu chúng ta để rồi bỏ mặc chúng ta phải chịu đựng ở thế giới này. Ngài cũng không cất chúng ta về với Ngài luôn và ngay khi chúng ta tiếp nhận tấm vé vào thiên đàng thông qua Chúa Giê-su Christ. Ngài đã có mục đích cho những ngày còn lại của chúng ta trên đất này. Hay nói cách khác, những điều xảy đến cho chúng ta, dù thuận lợi hay bất lợi, đều đã được Đức Chúa Trời “chọn lọc” theo ý muốn tốt lành của Ngài.
Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn,vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục.
Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào. – Gia cơ 1:2-4
Thử thách là để vượt qua
Ghé qua khu vui chơi của trẻ con, hẳn bạn sẽ thấy có xích đu, bập bênh, chướng ngại vật, trò chơi leo trèo,… Nhưng theo quan sát của mình thì những trò chơi khó khăn nhất lại luôn khiến bọn trẻ thích thú nhất. Tại sao vậy? Chẳng phải mấy trò ấy mất nhiều sức sao? Đúng vậy. Chẳng phải những trò chơi ấy khó chơi và đòi hỏi tập trung cao độ sao? Đúng thế. Chẳng phải thỉnh thoảng vẫn có đứa ngã trầy xước chân tay sao? Chuẩn. Thế thì sao chúng vẫn thích chơi? Bởi vì mỗi thử thách luôn có sự thú vị riêng của nó, và chúng ta được rèn luyện và luôn học được những điều mới thông qua những thử thách này.
Bạn thân mến, cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Đức Chúa Trời, nhà thiết kế tài ba, đã sử dụng chính những vật liệu hư hỏng của thế giới này, để dựng nên một “khu vui chơi” cho chúng ta, là con cái yêu dấu của Ngài. Ngài muốn chúng ta được trải nghiệm, được học hỏi, được trưởng thành, được va chạm trong sự dẫn dắt của Chúa. Khi chúng ta ngã, Ngài lại nâng chúng ta lên để chúng ta cứng cáp hơn. Khi chúng ta bế tắc, Ngài chỉ cho chúng ta con đường để chúng ta trở nên khôn ngoan hơn. Khi chúng ta nản lòng, Ngài khích lệ để chúng ta mạnh mẽ hơn. Cứ như thế, chúng ta được tăng trưởng thông qua thử thách.
Vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài – Gia-cơ 1:12
Chúa không phạt bạn theo kiểu đó
Một số ít Cơ Đốc nhân lại cho rằng những điều xấu xảy đến cho họ là bởi cớ những điều họ đã làm sai trong quá khứ, và họ đang phải gánh chịu cơn giận của Chúa. Trên thực tế, sự hy sinh của Chúa Giê-su trên thập tự giá làm chứng rằng hết thảy tội lỗi của chúng ta đã được tha khi chúng ta tin nhận Ngài. Và chính Chúa Giê-su vào thời khắc đó cũng đã trải nghiệm cảm giác bị Đức Chúa Trời lìa bỏ, để ngày nay chúng ta được làm hòa với Ngài. Điều đó có nghĩa là mọi tội lỗi của chúng ta đã được tha, không còn hình phạt nào nữa.
Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta […] Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bệnh. […] Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người. – Ê-sai 53:2-4
Nhưng cũng phải phân biệt giữa sự trừng phạt của Đức Chúa Trời với những hậu quả của tội lỗi của chúng ta trong quá khứ. Hãy tưởng tượng vào một dịp nọ, bạn được bố mẹ tặng cho một món quà quý giá, và rồi không may bạn làm hỏng nó. Bạn thành thật xin lỗi bố mẹ về điều đó, và họ không còn giận bạn nữa. Nhưng rõ ràng món đồ ấy đã bị hỏng rồi. Nó cần được sửa chữa.
Cũng vậy, Chúa đã ban cho mỗi một chúng ta cuộc sống này. Và trước đây chúng ta đã không làm theo ý muốn Chúa, chiều theo ý muốn của xác thịt, phạm tội với Chúa và tự hủy hoại cuộc sống của mình. Nhưng nhờ Chúa Giê-su, chúng ta được làm hòa với Đức Chúa Trời và Ngài không còn giận chúng ta nữa. Tuy nhiên, Chúa không lội ngược lại thời gian để chúng ta làm lại từ đầu, mà Ngài muốn chúng ta tiếp tục cuộc sống này, nhưng theo một cách mới. Điều chúng ta cần làm là phó dâng cuộc đời của mình lên Chúa, sẵn lòng làm theo ý muốn của Ngài, để Ngài “sửa chữa” cuộc đời của chúng ta.
Thử thách là một phép thử
Bạn có biết không, chiếc máy tính hoặc chiếc điện thoại mà bạn đang sử dụng để đọc bài viết này, trước khi được đưa vào sử dụng đã phải trải qua rất nhiều công đoạn kiểm thử. Mục đích của quá trình kiểm thử là gì? Nó sẽ giúp chúng ta phát hiện ra chỗ nào chưa hoàn thiện, chỗ nào còn yếu, còn lỗi, để được chỉnh lại cho đúng trước khi được đem ra sử dụng thật sự.
Chúa có một chương trình tốt đẹp cho mỗi một chúng ta, và trước khi đặt để cho chúng ta một trọng trách nào đó, Ngài muốn chúng ta được trở nên hoàn thiện hơn, chắc chắn hơn, để sẵn sàng cho sự kêu gọi ấy. Và thử thách chính là cách mà Ngài giúp chúng ta nhận ra những điểm yếu, những điều mà bản thân chúng ta còn giới hạn, và trên hết, là để chúng ta được thay đổi và trở nên tốt hơn.
Phép thử này không chỉ xảy ra khi chúng ta chưa bước vào sự kêu gọi của Chúa. Thử thách vẫn có thể lặp lại bất cứ khi nào trong cuộc sống chúng ta, để chắc chắn rằng mọi “tính năng” của chúng ta vẫn “hoạt động” tốt.
Làm sao để vượt qua thử thách?
Hiểu được mục đích của những điều xảy đến, chúng ta không cần phải sợ hãi hay lo lắng nữa. Thay vào đó, chúng ta nên suy nghĩ xem chúng ta cần phải làm gì. Dưới đây mình có một số gợi ý mà bạn có thể tham khảo:
Tìm kiếm ý muốn của Đức Chúa Trời
Bạn biết đấy, Chúa có mục đích khi Ngài cho phép những điều xảy đến trên cuộc đời của chúng ta. Khi thấy bất an, có thể Chúa muốn chúng ta dốc lòng cầu nguyện. Khi gia đình gặp khó khăn, có thể Chúa muốn chúng ta quan tâm đến gia đình của mình nhiều hơn. Khi sức khỏe có vấn để, có thể Ngài muốn chúng ta tiết độ và chăm sóc thân thể, là đến thờ của Chúa, một cách có trách nhiệm hơn (cái này của mình ) Cho dù điều gì xảy ra, hãy luôn đặt câu hỏi: Chúa ơi Ngài muốn con làm gì?
Bước đi bằng đức tin
Khi đã biết được ý muốn của Chúa, hãy bắt đầu hành động. Thường thì chúng ta sẽ nhận ra rằng mình cần thay đổi điều gì đó, mà thay đổi thì thường đi liền với sự xáo trộn. Nhưng nên nhớ rằng, nếu điều ấy là tốt cho đời sống bạn, hãy thực hiện bằng mọi giá. Và đó cũng là lúc bạn cần vận dụng đức tin.
“Đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.” – Hê-bơ-rơ 11:1
Tìm những người đồng hành
Bạn cảm thấy sao nếu như có thêm anh chị em cùng đồng hành với mình qua những khó khăn và thử thách? Thực ra đây cũng chính là một trong những mục đích của Hội Thánh, nơi chúng ta có thể tìm thấy những anh em, chị em mà chúng ta tin tưởng, cùng chia sẻ, khích lệ, nhắc nhở, góp ý cho nhau để cùng vượt bước đi và tăng trưởng trong Chúa. Sẽ rất tốt nếu như bạn có khoảng 2-3 anh em, chị em tin tưởng nhau và thường xuyên cầu thay cho nhau. Bạn đã có chưa? Nếu chưa, hãy bắt đầu tìm kiếm và xây dựng ngay hôm nay!
Trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau. – I Cô-rinh-tô 12:25
Kết luận
Nếu chúng ta nhìn xem những khó khăn xảy đến trên đời sống mình với một con mắt tiêu cực, chúng sẽ trở nên tiêu cực. Ngược lại, nếu chúng ta biết rằng Chúa luôn là Đấng Tể Trị và Ngài có ý muốn tốt lành trên đời sống chúng ta, thì chúng sẽ trở nên những cơ hội tuyệt vời để chúng ta tăng trưởng.
Nên nhớ rằng, những điều xảy đến với bạn ngày hôm nay không phải bởi vì quá khứ của bạn, nhưng là vì cớ tương lai của bạn. Chúa muốn bạn trở nên trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn, vâng phục hơn,… để sẵn sàng cho những điều lớn lao đang chờ đợi bạn ở phía trước.
Nguyện chương trình tốt lành của Chúa được thực thi, và sự vinh hiển của Chúa được tỏa chiếu qua đời sống bạn!
Tổ Biên tập trình bày
Nguồn: tinlanhtre.net
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
* Quý độc giả có thể để lại nhận xét bằng tiếng Việt (có dấu) hoặc tiếng Anh. Vui lòng gửi kèm thông tin (tên, SĐT hoặc email) để chúng tôi tiện liên hệ. Nhận xét được Tổ Quản trị - Ban Truyền thông HTTL Tân Nghĩa kiểm tra trước khi hiển thị.
* Chúng tôi sẽ phản hồi lại nhận xét trên website hoặc thông qua email duy nhất của Ban Truyền thông: tannghiamedia@gmail.com